Liên Khúc Tình Yêu – Ngọc Lan – Kiều Nga – Trung Hành

——————————————————————————————————————————————————————————————————————

Truyền thống và ý nghĩa Lễ Tạ Ơn “Thanksgiving”

Thanksgiving được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn nhau và nhất là Tạ Ơn Chúa đã ban cho vụ mùa màng đưọc sinh hoa kết trái, lương thực đồi dào và dùng đủ, và tất cả các ơn lành khác ta nhận được trong cuộc sống. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc buổi tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về với gia đình.

Tại Mỹ, ngày lễ này được tổ chức vào thứ 5, tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 hằng năm. Người ta thường được nghỉ 4 ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ: họ được nghỉ làm hay học vào ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần Lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ hay Giáng Sinh, những ngày lễ mà có nhiều tổ chức công cộng (như đốt pháo hoa hay đi hát dạo).

Nguồn gốc Lễ Thanksgiving đầu tiên:

Chuyện kể rằng những người di dân 102 người hầu hết là thuộc Thanh giáo, họ rời Anh quốc vào tháng 9 năm 1620 trên chuyến tàu Mayflower, một thuyền buồm trọng tải 180 tấn. Đầu tiên, họ đến Leyde thuộc Hòa Lan, nhưng cuộc sống ở đây làm họ thất vọng. Do đó nhóm người này quyết định đi tìm một chân trời mới tại Tân thế giới, họ muốn tạo dựng một “một thành Jérusalem mới” ở Hoa Kỳ.

Trên chuyến đi sang Tân thế giới, họ đã trải qua bao gian lao, thử thách, lo sợ và nguy khốn… Nước đá lạnh tràn vô tàu khiến mọi người sợ hãi, Sàn tầu bằng gỗ, có lần đốt lửa xẩy ra tai nạn, nên sau đó họ phải ăn thức ăn lạnh. Nhiều người ngà bệnh. Cuộc hành trình này có 1 thủy thủ và 1 hành khách chết. Trong khi còn trên biển, bà Elizabeth Hopkins sinh một con trai mà bà đặt tên là Oceanus (có nghĩa là “Đại Dương”).

Sau 65 ngày trên biển lạnh, vào ngày 21 tháng 11 năm 1620, tàu đến Cape Cod, sau cuộc hành trình dài 2750 hải lý (1 mile = 1,852 km). Cap Cod là một bờ biển chưa ai đặt chân tới (sau này là Massachusetts). Và sau khi tàu cập bến tại hải cảng Provincetown, thì Susanna White cũng cho ra đời một bé trai, đặt tên là Pelégrine (nghĩa là “người hành hương”). Tuy biết là đã đi sai đường, nhưng họ phải xuống tàu, và ký ngay ngày hôm đó một hiệp ước sống hòa hợp với dân bản xứ (Narranganset và Wampanoag). Đó là Maryflower Compact Act, trong đó ghi những gì phải làm khi định cư.

Họ tới Plymouth Rock, Massachusetts, ngày 11 tháng 12 năm 1620. Có nhiều cuộc chạm trán nho nhỏ, nhưng không quan trọng lắm. Họ phải đi tìm chỗ ở khá hơn bởi vì lúc đó là mùa đông đầu tiên của họ, một mùa đông đầu tiên vô cùng khác nghiệt và quá lạnh lẽo.

Sau 6 tháng lên đất liền, thời tiết khắc khe và thiếu thốn, Ngay từ cuối thu, vì bệnh dịch và lạnh lẽo, họ đã mất đi 46 người trong số 102 người khởi hành trên tầu Mayflower, Trong số người chết có 14 người vợ (trong số 18 người cả thảy), 13 người chồng (trong số 24 người). Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp do người dân da đỏ cung cấp.

Nhưng mùa gặt của năm 1621 lại là một mùa tốt đẹp. Những người còn sống sót quyết định làm tiệc ăn mừng có sự tham gia của 91 thổ dân da đỏ – những người đã giúp họ sống sót trong năm đầu vì đã cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp và săn thú rừng.. Đoàn di dân tin rằng họ không thể tồn tại được nếu không có người da đỏ giúp đỡ. Buổi tiệc được tiến hành theo phong tục cổ truyền mừng mùa màng của Anh chứ không đơn thuần chỉ là “tạ ơn” và kéo dài suốt 3 ngày.

Lúc đó, người đứng đầu cai quản vùng đất này – Thống đốc William Bradford đã cử 4 người vào rừng để săn chim, gà và ngỗng cho buổi tiệc. Không biết rõ gà rừng có phải là một phần chính cho bữa tiệc hay không nhưng chắc chắn là họ dùng thịt của một loài lông vũ. Danh từ “turkey” từ đó được những người di dân dùng cho những giống chim rừng.

Sang năm tiếp theo, 1662, Lễ Tạ ơn không được tổ chức. Nhưng vào năm 1623 sau nhiều lần hạn hán những người di dân của các thuộc địa cùng nhau tụ tập lại cầu nguyện cho mưa xuống. Sau khi mưa liên tiếp trút xuống mấy ngày, Thống Đốc Bradford tuyên bố một ngày Tạ ơn nữa, và họ lại mời những người bạn da đỏ.

Những Lễ Thanksgiving tiếp theo sau…

Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, Hội đồng các thuộc địa đã định ra thêm một vài ngày Tạ ơn trong năm (trừ năm 1777).

George Washington với tư cách là chỉ huy lực lượng giải phóng đã tuyên bố ngày Tạ ơn trong tháng 12/1777 là ngày lễ mừng chiến thắng lính Anh tại Saratoga. Hội đồng thuộc địa công bố ngày lễ Tạ ơn vào tháng 12 từ năm 1777 đến 1783 (trừ năm 1782).

Sau khi trở thành Tổng thống, George Washington đã tuyên bố ngày lễ Tạ ơn quốc gia năm 1789 và 1795 dù gặp phải vài sự phản đối. Tổng thống John Adams tuyên bố ngày Tạ ơn vào năm 1798 và 1799. Tổng thống Madison cũng dành ra một ngày gọi là để Tạ ơn vào cuối cuộc chiến năm 1812.

Sau đó, nhờ Sarah Josepha Hale, chủ bút của một tờ báo cố gắng thuyết phục mọi người công nhận lễ Tạ ơn bằng những bài viết của bà trên tờ Boston Ladies’ Magazine và Godey’s Lady’s Book kèm theo thư từ cho các thống đốc và các tổng thống, cuối cùng vào năm 1863, Tổng thống Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 là ngày lễ Tạ ơn và là ngày nghỉ hàng năm. Các đời Tổng thống kế tiếp cũng làm theo tiền lệ này.

Năm 1939, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt tuyên bố lễ Tạ ơn sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 3 trong tháng 11, tạo điều kiện giúp giới kinh doanh thuận lợi trong việc bán hàng trước lễ Giáng sinh. Song tuyên bố của ông Roosevelt không có hiệu lực vì bị nhiều bang phản đối.

Đến năm 1941, Quốc hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận và định ra ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 sẽ là ngày Tạ ơn trên toàn quốc. Ngày 26/11/1941, Tổng thống Roosevelt chính thức ký thông qua đạo luật này.

Bữa tối mừng lễ Tạ ơn

Món chủ đạo trong bữa Tạ ơn tại Mỹ và Canada là thịt gà tây nướng. Vì gà tây là món ăn phổ biến nhất trong bữa tối mừng Lễ Tạ ơn, nên đôi khi ngày Tạ ơn còn được gọi là Ngày Gà Tây. Tổ chức USDA từng thống kê năm 2006 có trên 300 triệu con gà tây được nuôi và khoảng 1/6 trong số này dành phục vụ lễ Tạ ơn.

Thời kỳ đầu, lễ Tạ ơn kéo dài ba ngày. Tuy nhiên họ không thực sự chỉ ăn gà tây (turkey, dindon) bởi vì chữ “turkey” lúc bấy giờ dùng để chỉ gà tây, gà, chim cút, chim trĩ… Cho dù những người di dân đầu tiên có ăn gà tây hay không vào dịp lễ Thanksgiving đầu tiên, thịt gà tây luôn luôn được gắn liền với lễ này.

Cùng với gà tây là món Bí đỏ(pumpkin) truyền thống, đây là loại thức ăn đã cứu sống những người hành hương trong mùa lạnh kinh khủng đầu tiên ấy, đã trở thành món ăn quan trọng gần như thịt gà tây. Món ăn bí đỏ luộc, và làm bánh chiên bằng bột ngô. Một số thực phẩm khác cũng xuất hiện trên bàn tiệc như: nước sốt chanh, nước sốt thịt, khoai tây nghiền, khoai lang ướp đường, đậu xanh. Lúc đó trên bàn cũng không có sữa, nước táo, khoai tây hay bơ như sau này, vì họ chưa nuôi được bò để có sữa. Nhưng bữa tiệc cũng thêm phần thịnh soạn vì có thêm cá, trái dâu, rau cải soong, tôm hùm, thịt chim rừng, trái cây khô và trái mận tươi.

Các món tráng miệng cũng được bổ sung trên bàn ăn, bao gồm một số loại bánh nướng nhất là bánh bí ngô, bánh nướng nhân dâu tây, bánh nhân hồ đào.

(Theo VietCatholic)

——————————————————————————————————————————————————————————————————————

Cập nhật tin 24-11-2010

Thủ tướng Việt Nam nhận trách nhiệm cá nhân về vụ Vinashin

Theo AFP, hôm nay thứ tư 24/11, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhận phần trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội về vụ tập đoàn Vinashin bị vỡ nợ. Trả lời chất vấn của các đại biểu trong cuộc họp thường niên tại Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói : « Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém của chính phủ » trong việc quản lý hoạt động của tập đoàn Vinashin, « gây ra những hậu quả nghiêm trọng ».

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu ra trách nhiệm trong việc quản lý « các đầu tư lớn và dàn trải » của tập đoàn này, hứa hẹn rằng những người điều khiển tập đoàn sẽ bị xử lý thích đáng. Ông nhìn nhận, « việc kiểm tra, kiểm soát là kém hiệu quả, và chính phủ đã không dự kiến được các vi phạm của Vinashin ».

Ông Nguyễn Tấn Dũng nói : « Thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan đang tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cụ thể, kết quả sẽ được thông báo công khai ». « Thủ tướng và chính phủ đã ý thức được vấn đề, và sẽ không để xảy ra một vụ tương tự ». Ông khẳng định quyết tâm tái cấu trúc Vinashin và ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, cho dù nhiều đại biểu tỏ ra nghi ngờ về khả năng thanh toán nợ của tập đoàn này.

Xin nhắc lại, theo báo cáo chính thức, ông Phạm Thanh Bình, tổng giám đốc Vinashin đã bị ngưng chức vào tháng 7 và bị bắt vào tháng 8, sau khi món nợ của tập đoàn này đã lên đến 4,3 tỉ đô la, tương đương 4,5% tổng sản phẩm nội địa quốc gia năm 2009.

AFP nhận xét, vụ tai tiếng này đã bị các đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong đảng Cộng sản Việt Nam khai thác, trước khi Đại hội Đảng diễn ra vào tháng giêng năm tới. Đại hội này sẽ quyết định tương lai chính trị của ông cũng như các lãnh đạo khác của đất nước.

Vào đầu tháng 11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và yêu cầu thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của chính phủ. Đề nghị này đã bị Quốc hội bác bỏ với lý do « chưa cần thiết ». Còn đại biểu Trần Du Lịch khi trả lời đài truyền hình tuần vừa rồi đã nhận định : « Chưa bao giờ những vụ việc của một tập đoàn quốc doanh lại làm rung chuyển Đảng, chính phủ, Quốc hội và nhân dân đến như thế ».

Theo báo Financial Times, các chủ nợ nước ngoài đang tỏ ra lo ngại trước việc ông Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin hôm thứ sáu 18/11 đã đề nghị hoãn trả món nợ 60 triệu đô la, trên tổng số 600 triệu đô la tiền nợ đầy rủi ro từ Credit Suisse vào năm 2007. Họ cảnh báo, nếu Vinashin đơn phương hoãn trả nợ, thì sẽ ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm về tài chính của Việt Nam, khiến cho chính phủ và các công ty quốc doanh sẽ khó khăn hơn, và phải trả mức lãi rất cao khi cần vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế trong tương lai.

=======================================================================

Trung Quốc bị Bắc Triều Tiên đẩy vào tình thế tế nhị
Lính biên phòng Hàn Quốc sơ tán một trẻ nhỏ ngày 24/11/2010, sau vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên vào đảo Yeonpyeongn 

Lính biên phòng Hàn Quốc sơ tán một trẻ nhỏ ngày 24/11/2010, sau vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên vào đảo Yeonpyeongn 

Ảnh: Reuters

Sau vụ Bắc Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc, Trung Quốc đã trở thành cường quốc duy nhất không lên án hành động này. Trái với Bắc Kinh, từ Washington đến Matxcơva, thông qua Paris hay Luân Đôn, tất cả các thành viên còn lại trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều tố cáo một hành vi gây căng thẳng.

Theo giới phân tích, lập trường nhẹ nhàng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đang đẩy Bắc Kinh vào một tình thế tế nhị, không biết xử sự ra sao với đứa em ngỗ nghịch.

Từ hôm qua cho đến hôm nay, càng lúc càng có nhiều tiếng nói vang lên trên thế giới lên án việc quân đội Bắc Triều Tiên bắn hàng chục quả đại bác vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, xem đấy là một hành động khiêu khích. Thế nhưng Trung Quốc, nước được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất hiện nay trên Bắc Triều Tiên thì lại có tuyên bố rất chừng mực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua chỉ bày tỏ thái độ ‘’quan ngại’’ và kêu gọi một cách chung chung là ‘’hai bên nên cố gắng xây dựng hòa bình’’.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc có thái độ nhẹ nhàng như vậy đối với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đã nhất mực bênh vực Bình Nhưỡng trong vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị chìm hồi tháng ba vừa qua khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Một ủy ban điều tra quốc tế sau đó đã kết luận là chiến hạm này bị trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Cho dù vậy, Trung Quốc vẫn không chịu lên án Bắc Triều Tiên, tuyên bố sẽ cho tiến hành một cuộc “điều tra riêng”, một cuộc điều tra mà kết quả cho đến lúc này vẫn chưa hề được công bố.

Giải thích về nguyên nhân khiến Bắc Kinh hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng bất kể việc chế độ Kim Jong Il liên tiếp có hành động khiêu khích, giới quan sát thường nêu bật chủ trương của Trung Quốc, muốn duy trì tình hình ổn định tại vùng biên giới phía đông bắc. Bắc Kinh lo ngại rằng một khi chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ và bán đảo Triều Tiên được thống nhất dưới trướng của Hàn Quốc, thì một làn sóng người tị nạn Bắc Triều Tiên có thể tràn qua Trung Quốc, trong lúc quân đội Mỹ lại có thể áp sát biên giới của họ.

Chính vì muốn duy trì nguyên trạng ổn định mà trong thời gian qua, Bắc Kinh đã luôn luôn bảo vệ Bình Nhưỡng trên trường quốc tế, đồng thời tiếp tục viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên đang bị muôn vàn khó khăn, để tránh cho chế độ Kim Jong Il khỏi bi sụp đổ.

Thế nhưng, việc Bắc Triều Tiên tiếp tục sử dụng biện pháp quân sự nhắm vào Hàn Quốc đã tạo ra nguy cơ xung đột lớn giữa hai bên, làm cho toàn vùng mất ổn định, và điều này trái ngược với mong đợi của Bắc Kinh. Theo hãng tin Pháp AFP, ông Robert Shaw, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin ở California, chuyên về các vấn đề không phổ biến vũ khi hạt nhân, đã nhận định :

« Tôi không nghĩ là chính quyền Trung Quốc đồng ý với hành động quân sự đó của Bắc Triều Tiên. Điều này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của Bắc Kinh trong vùng, vốn đơn giản là duy trì tình hình ổn định ».

Đối với ông Brian Bridges, chủ nhiệm khoa chính trị học tại Đại học Lĩnh Nam ở Hồng Kông thì hành động của Bình Nhưỡng đang đẩy Bắc Kinh vào một tình thế khó xử, nhất là khi cả tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đều lên tiếng yêu cầu Trung Quốc gia tăng sức ép để buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt các hành động gây bất ổn định trong khu vực.

Trả lời AFP, ông Bridges phân tích : « Trung Quốc đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan… Về mặt công khai, họ sẽ tiếp tục không lên án Bắc Triều Tiên, nhưng trong hậu trường, tôi chắc chắn là họ sẽ rốt ráo vận động ngoại giao để thuyết phục Bình Nhưỡng đừng làm gì khác khiến cho tình hình xấu đi thêm ».

Câu hỏi mà một số nhà phân tích đặt ra vào hôm nay là liệu Trung Quốc còn khả năng tác động đến Bắc Triều Tiên hay không ? Theo nhóm nghiên cứu Âu Á Eurasia Group, trụ sở tại Hoa Kỳ, thì Trung Quốc có thể nói riêng với Bắc Triều Tiên là cần phải xuống thang, tuy nhiên kết quả của các hành động gây sức ép của Bắc Kinh trên Bình Nhưỡng trong thời gian qua rất nghèo nàn.

Thí dụ điển hình của điều này là Trung Quốc không hề muốn đàn em của mình sở hữu vũ khí hạt nhân. Thế nhưng trong 4 năm gần đây, Bình Nhưỡng đã hai lần thử nghiệm bom nguyên tử. Trung Quốc là nước đăng cai vòng đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thế nhưng cuộc thương thảo này tiếp tục bị Bình Nhưỡng tẩy chay.(RFI )

=========================================================================

Chỉ số giá tiêu dùng ở TP.HCM và Hà Nội tăng cao

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.2010 vừa được cục Thống kê TP.HCM công bố với kết quả tăng 1,73% so với tháng trước.

Các mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình đều tăng. Ảnh: TL

Như vậy, CPI tháng 11 tại đầu tầu kinh tế phía Nam đã chốt lại mức tăng kỷ lục kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, tháng tăng cao nhất là tháng có Tết Nguyên đán (tháng 2.2010), ở mức 1,68%.

So với tháng 12.2009, chỉ số giá tháng này tại TP HCM đã tăng 7,84%; so với cùng kỳ năm trước tăng 9,13%.

Tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ chính đều tăng chỉ số giá so với tháng trước, trong đó có tới 8/11 nhóm đạt mức tăng trên 1%. Diễn biến giá cả trên thị trường, giá gạo, thực phẩm, rau quả, xi măng, sắt thép, hàng may mặc, gas… là những nhân tố chính ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này tại TP.HCM.

Đóng góp vào mức tăng này, chỉ số giá lương thực “giật” mạnh lên mức tăng 6,65%, rất cao so với diễn biến của giá mặt hàng này từ đầu năm. Trong khi đó, CPI thực phẩm tăng 2,88; ăn uống ngoài gia đình mới tăng 0,67%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác đạt mức tăng cao thứ 2 (tăng 2,12% so với tháng trước) do sản phẩm trang sức tăng theo giá vàng, nhiều dịch vụ khác cũng tương tự.

Các nhóm còn lại, mức tăng trải dài từ 0,02% (bưu chính viễn thông) đến 1,89% (văn hóa, giải trí và du lịch).

Chỉ số giá vàng tháng này tại TP.HCM đã tăng 8,85% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng 4,48%.

* Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tại Tp.HCM được công bố tăng 1,73%, cục thống kê Hà Nội cũng cho biết CPI tháng này của Hà Nội đã tăng 1,93%.

Vàng tăng giá mạnh nhất và đây là một trong những tác nhân khiến CPI tháng 11.2010 tăng ở mức kỷ lục. Ảnh: TL

Mặc dù vẫn thấp hơn tháng Tết Nguyên đán (tháng 2.2010 tăng 2,61%), chỉ số giá tháng này tại Hà Nội đã tăng 1,22% so với tháng 10.2010 và tăng 9,94% so với tháng 12.2009.

Các nguyên nhân dẫn tới tăng chỉ số giá tháng 11 đến từ xu hướng tăng giá khá nhiều mặt hàng trọng yếu, đáng kể là gạo, thực phẩm tươi sống, rau quả, gas, xi măng…

Do chiếm tỷ trọng 39,93% trong cơ cấu chỉ số giá tiêu dùng, lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình thường gây ra sự tăng/giảm thất thường của CPI. Điều này một lần nữa lại xảy ra trong tháng 11, đối với cả Hà Nội và TP.HCM.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng tăng tới 3,98% tại Hà Nội, trong đó lương thực tăng 6,26%; thực phẩm tăng 3,75%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,08%.

Chỉ số giá vàng tháng 11 tại Hà Nội tăng 8,7% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng 4,35%.

(SGTT)

—————————————————————————————————————————————————————————————————————–

Chiến dịch thủ tiêu toàn bộ các cột mốc biên giới Việt-Trung cũ của Trung quốc

Chiến dịch tháo dỡ toàn bộ các cột mốc bên giới cũ theo Hiệp định Pháp – Thanh năm 1887 nay đang nằm sâu trong lãnh thổ Trung quốc đã được chính quyền Trung quốc phát động vào ngày 20/07/2010. Theo những người dân Việt nam nay đã thành công dân Trung quốc sau Hiệp định Biên giới năm 1998 cho biết hàng loạt những cột mốc lịch sử quốc giới Việt – Trung có từ hàng trăm năm nay đã bị chính quyền Trung quốc và Việt nam tất bật tháo gỡ đưa vào các bảo tàng lịch sử địa phương mà chúng gọi là chiến dịch “bài trừ các mốc biên giới cũ”. Tại sao chính quyền Trung quốc có quyền làm như thế và chính quyền Hà nội không những câm lặng không có phản ứng, lại còn cử người sang Trung quốc cùng hỗ trợ việc di dời này!

Mốc số 17 (đoạn Vân Nam-Hà Khẩu)





Cột mốc “Đại Nam Quốc Giới” tại Phòng Thành, Quảng Tây


Việt Nam tham gia việc khuân vác cột mốc quốc giới dâng cho Trung quoc

@ThongtinBerlin

—————————————————————————————————————————————————————————————————————

Những điều cần biết về căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên

Nguồn: Zachary Roth, Yahoo News blog

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Căng thẳng đang gần ở điểm bùng nổ trong khu vực bán đảo Triều Tiên sau khi Bắc Hàn dội pháo vào một hòn đảo của Nam Hàn, giết chết hai binh sĩ Nam Hàn. Điều gì đằng sau sự dâng cao về thái độ thù địch giữa hai kẻ thù lâu dài này, và mức độ quan tâm của chúng ta đến đâu – đặc biệt là khi chúng ta có 25 nghìn nhân viên quân sự đang thường trú tại Nam Hàn? Dưới đây là những gì bạn cần biết.

Điều gì đã thật sự xảy ra?

Sáng sớm thứ Ba, Bắc Hàn đã bắn pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Nam Hàn, toạ lạc trên đường hải giới đang tranh chấp giữa hai quốc gia. Cuộc tấn công đã làm thiệt mạng hai lính thuỷ quân lục chiến Nam Hàn và làm bị thương 18 binh lính và thường dân. Việc này dẫn đến giao tranh giữa hai bên với tất cả khoảng 175 quả đạn pháo và kéo dài khoảng một giờ.

Miền Bắc đã cáo buộc Nam Hàn rằng họ đã khởi chiến bằng cách nã pháo vào bên trong lãnh thổ Bắc Hàn trong một loạt các vụ tập trận của Nam Hàn mà miền Bắc gọi là “thủ đoạn chiến tranh.” Miền Nam phản bác các buộc này, nói rằng các binh sĩ của họ chỉ đơn giản đang tiến hành những cuộc thao diễn và không có quả đạn nào rơi vào trong lãnh thổ Bắc Hàn.

Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Bắc Hàn vào khu vực thường dân ở Nam Hàn kể từ sau cuộc chiến Triều Tiên.


Tại sao lại xảy ra lúc này?

Căng thẳng đã lên cao từ tháng Ba, khi một chiếc tàu hải quân của Nam Hàn trong cùng khu vực này bị đánh đắm, giết chết 46 thuỷ thủ. Seoul đã cáo buộc đây là một cuộc tấn công bằng thủy lôi của Bắc Hàn, mặc dù miền Bắc phản bác việc dính líu đến sự kiện này. Vào đầu tháng này, hải quân Nam Hàn đã nổ súng cảnh cáo một chiếc tàu đánh cá Bắc Hàn sau khi chiếc tàu này xâm phạm đường biên giới. Chiếc thuyền của miền Bắc đã rút lui.

Một số nhà phân tích đã liên lệ hành động của miền Bắc hôm thứ Ba với nhu cầu lương thực của quốc gia này. Chính quyền Obama đà từ chối bãi bỏ lệnh cấm vận đối với miền Bắc, vốn được thiết lập để trừng phạt chương trình vũ khí hạt nhân của họ. “Họ thấy rằng họ không thể gây áp lực với Washington, vì thế họ lại dùng Nam Hàn làm con tin,” Choi Jin-wook, một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Học viện Thống nhất Quốc gia Nam Hàn đã nói với tờ New York Times. “Họ đang ở trong tình thế tuyệt vọng, và họ cần có lương thực ngay lập tức chứ không phải sang năm.”

Nó có liên quan gì đến tình hình giới lãnh đạo Bắc Hàn?

Kim Jong Il, nhà lãnh đạo bệnh tật và ẩn dật của Bắc Hàn, được cho là đang từ từ chuyển giao quyền lực cho con trai mình, Kim Jong Un, vừa mới được đề bạt lên chức tướng bốn sao hôm tháng Chín vừa rồi.

Một số nhà phân tích tin rằng quá trình chuyển giao này đã khiến Bắc Hàn nôn nóng phô trương sức mạnh quân sự của mình. Kim Jong Il nổi tiếng là người áp dụng phương hướng “quân đội trên hết” đầy hung hãn trong môi trường chính trị, và từng tuyên bố sẽ biến quân đội Bắc Hàn thành một “trụ cột cách mạng.” Chính quyền này có thể đang muốn cho thế giới thấy rằng những chính sách quân-sự-trên-hết sẽ tiếp tục thắng thế dưới quyền kẻ kế vị. “Nền tảng quyền lực của người con bắt nguồn từ giới quân đội, và quyền lực của quân đội hiện đang mạnh hơn bao giờ hết,” Cheong Seong-Chang, một thành viên của Học viện Sejong tại Seoul nói với tạp chí Time.

Thế giới đã phản ứng ra sao?

Hoa Kỳ, Anh Quốc và Nhật Bản đã lên án cuộc tấn công của Bắc Hàn, cùng với việc người Mỹ kêu gọi miền Bắc “ngưng hành động hiếu chiến của mình”. Trung Quốc nói rằng họ “quan ngại” trong khi Nga kêu gọi sự kềm chế và một giải pháp hoà bình đối với cơn khủng hoảng.

Hoa Kỳ đóng vai trò gì trong việc này?

Hoa Kỳ muống Bắc Hàn quay lại bàn hội nghị sáu bên về chương trình vũ khí hạt nhân. Những thương thảo này, vốn bao gồm cả Nga, Trung Quốc, Nhật bên cạnh Mỹ và hai quốc gia Triều Tiên, đã được khởi đầu từ năm 2003, sau khi Bắc Hàn từ chối tham gia Hiệp ước Chống Chạy đua Hạt nhân. Những mục tiêu thương thảo là nhằm có được một thoả thuận ngoại giao hoà bình để chế ngự khả năng hạt nhân của miền Bắc – nhưng những thương thảo này đã nằm trong tình trạng bế tắc từ năm 2008, và đầu tuần này, một nhà khoa học Mỹ đã cho biết rằng ông đã được giới thiệu một cơ sở làm giàu chất nguyên tử tối tân của Bắc Hàn, khiến cho việc nối lại đàm phán càng thêm khó đoán.

Các chuyên gia nói rằng sự kiện hôm nay lại đưa thêm một khó khăn mới.

Cả hai việc hé lộ về cơ sở chế biến uranium và vụ tấn công vào Nam Hàn vào hôm thứ Ba có thể là những biểu lộ của miền Bắc về quan ngại của họ đối với việc chính quyền Obama và những đồng minh chắc chắn sẽ không lùi bước bằng cách nới lỏng cấm vận chẳng hạn. “Tôi nghĩ là họ nhận thấy rằng họ không thể trông đợi được điều gì từ Washington hoặc Seoul trong vài tháng tới, vì thế tôi nghĩ rằng họ đã khiêu khích,” Choi Jin-wook, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Học viện Quốc gia Thống nhất nói với CNN.

Chúng ta nên sợ hãi đến mức nào?

Nam Hàn đang đặt quân đội của mình trong “tình trạng khủng hoảng” và Thủ tướng Lee Myung-bak được cho là đã ra lệnh tấn công căn cứ tên lửa của Bắc Hàn nếu họ có “thêm dấu hiệu khiêu khích.” Có lẽ là sẽ không có, mặc dù là có khả năng, một hành động quân sự kế tiếp.

Nam Hàn hiện không có chương trình vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn được cho là đã có 8 đến 12 quả bom hạt nhân. Nhưng bên cạnh vấn đề hạt nhân, bất kỳ xung đột quân sự nào giữa hai quốc gia cũng có thể làm khu vực này mất ổn định một cách tồi tệ, đặc biệt là nếu chính quyền Bắc Hàn bị sụp đổ – một viễn cảnh mà một số người Nam Hàn e ngại là sẽ dẫn đến việcTrung Quốc chiếm quyền kiểm soát.

@ X-Cafe

—————————————————————————————————————————————————————————————————————-