——————————————————————————————————————————————————————————————————————
Day: 24/11/2010
Những chuyện không hay về tình dục của Adam
Tiến sĩ Louann Brizendine, chuyên gia nghiên cứu tâm lý đàn ông, đã khẳng định kích tố sinh dục nam khiến các chàng như bị thôi miên và chằm chằm nhìn vào vòng 1 của các nàng. Cô ta nói: “Lời khuyên tốt nhất tôi có đối với phụ nữ đó là chung sống hòa bình với não của đàn ông. Cứ để đàn ông được là chính mình”.
Ngoài ra, cô còn đưa ra vài sự thật về chuyện ấy ở đàn ông:
Đàn ông phát cuồng vì sex
Phần não bộ gắn với sex của đàn ông lớn gấp hai lần rưỡi so với nữ vì vậy các anh chàng say mê chuyện ấy.
Họ được lập trình để hư hỏng
Hormone sinh dục nam khiến đôi mắt đàn ông đờ đẫn khi nhìn thấy ngực của chị em. Adam có khả năng đưa bản thân ra khỏi sự thôi miên này nhưng sự thật thì họ không thể làm vậy.
Đàn ông muốn có nhiều đối tác
Phái mạnh muốn có trung bình có 14 đối tác trong cả cuộc đời mình còn phụ nữ chỉ ao ước có một hoặc hai.
Đàn ông nói dối về sex
Về mặt sinh học mà nói, chàng cảm thấy thoải mái hơn khi nói dối về tình dục với đối tác nữ.
Thời gian cho màn dạo đầu
Với phụ nữ, màn dạo đầu là tất cả mọi thứ xảy ra trong vòng 24 giờ trước khi giao hợp. Còn đối với đàn ông, nó xảy ra chỉ khoảng 3 phút trước khi chàng xâm nhập.
Chi Anh
—————————————————————————————————————————————————————————————————————-
Cập nhật tin 23-11-2010
Châu Á bày tỏ quan tâm về vụ tấn công của Bắc Triều Tiên
Các nước Á châu đã lên tiếng kêu gọi bình tĩnh sau khi Bắc Triều Tiên nã đại pháo vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên, giết chết ít nhất 2 binh sĩ Thủy quân Lục chiến và đưa tới sự trả đũa từ Seoul. Các nhà phân tích trong khu vực nói rằng vụ pháo kích này có thể là một hành động chiến lược của Bình Nhưỡng mà cũng có thể là một dấu hiệu về sự tranh quành quyền lực trong nội bộ. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.

Vụ tấn công của Bắc Triều Tiên hôm nay và sự trả đũa của Nam Triều Tiên đã làm tăng mối lo ngại ở Á châu về căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng nói rằng Nam Triều Tiên đã bắn trước, nhưng Australia thì cho rằng vụ tấn công của Bắc Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Đồng minh chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc đã đưa ra một thông cáo, tuy không đổ lỗi cho bên nào nhưng tỏ ý quan tâm về tình hình hiện nay và kêu gọi các bên đàm phán với nhau. Nga cũng đưa ra một thông cáo tương tự.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về an ninh Á châu của Đại học Quốc phòng Australia, nói rằng Bình Nhưỡng lâu nay vẫn thường khiêu khích để gia tăng sức mặc cả của họ trong các cuộc thương thuyết.
Ông Thayer cho biết: “Khi họ cảm thấy bị lâm vào thế bí, khi họ muốn có được một sự nhượng bộ lớn, khi họ muốn chống cự lại thì những nước khác sẽ chùn bước và không lên án Bắc Triều Tiên vì e rằng điều đó làm cho căng thẳng leo thang. Đó là một loại hành động làm nũng hoặc một loại hành động hung hăng để tìm cách thao túng một tiến trình chính trị nhằm mang lại lợi ích cho họ khi họ cảm thấy tiến trình đó bất lợi cho họ.”
Giáo sư Thayer nói thêm rằng vụ tấn công của Bắc Triều Tiên cũng có thể là một phản ứng chống lại cuộc tập trận của Nam Triều Tiên gần ranh giới trên biển đang có tranh chấp.
Vụ này xảy ra vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên tiết lộ một chương trình bí mật để tinh luyện uranium mà theo các chuyên gia hạt nhân thì dường như là một chương trình khá tinh vi.
Trong khi đó, một đặc sứ của Mỹ đang có mặt ở Trung Quốc để thảo luận về những nỗ lực nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân.
Các nhà phân tích khu vực nói rằng vụ tấn công này cũng có thể là một dấu hiệu của tình trạng tranh giàng quyền lực nội bộ sau khi lãnh tụ Kim Jong Il đưa người con trai út của ông là Kim Jong Un vào vị trí để “nối ngôi” ông.
Sau vụ pháo kích qua lại ngày hôm nay, một số thị trường tài chánh Á châu đã bị sụt giá.
Ông Bob Broadffoot, giám đốc công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế ở Hồng Kông, cho biết như sau.
Ông Bradfoot nói: “Nếu có chuyện gì đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên, như vấn đề thừa kế chẳng hạn, hay chuyện đấu đá nội bộ giữa phe này với phe kia ở Bắc Triều Tiên, thì điều đó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với vụ pháo kích. Tôi nghĩ rằng các thị trường Á châu sẽ nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của vụ xung đột hôm nay, có thể chỉ trong vòng vài ngày mà thôi.”
Căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên đã gia tăng từ tháng 3, khi Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đã đánh chìm một chiến hạm Nam Triều Tiên, giết chết 46 binh sĩ hải quân. Bắc Triều Tiên bác bỏ tố cáo đó và không chấp nhận kết quả của một cuộc điều tra quốc tế cho rằng tàu ngầm của Bắc Triều Tiên đã bắn ngư lôi làm chìm chiếc tàu của Nam Triều Tiên.
@ VOA
==================================================================
Pháp lo chảy máu chất xám sang Mỹ
Ngày càng nhiều trí thức Pháp sang Mỹ sinh sống, diều này khiến nước Pháp lo ngại làn sóng chảy máu chất xám.

Một tổ chức nghiên cứu độc lập có tên Institut Montaigne vừa ra báo cáo cho hay tỷ lệ trí thức Pháp di cư sang Mỹ hiện lớn hơn nhiều so với cách đây 30 năm. Viện này thấy rằng, trong những năm 1971-1980, giới trí thức chiếm 8% số người ra đi khỏi Pháp, nhưng trong giai đoạn 10 năm gần đây, con số này lên đến 27%.
“Tốc độ tăng trong việc di cư sang Mỹ ở những người làm khoa học đang hiện hữu và đáng lo ngại”, The New York Times trích dẫn báo cáo mang tên “Ra đi vì điều tốt đẹp? Dòng chảy trí thức từ Pháp sang Mỹ”.
Trong số gần 3.000 công dân Pháp lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, có tới 70% chọn ở lại phía tây bán cầu.
Số lượng các nhà khoa học Pháp sang Mỹ tuy chưa phải quá nhiều, nhưng làn sóng các nhà khoa học hàng đầu tìm đường qua Đại Tây Dương có thể khiến nền kinh tế Pháp bị ảnh hưởng, báo cáo nhận định.
“Những người rời Pháp đều thuộc hạng nhất, nổi tiếng nhất và có khả năng nhất ở tầm quốc tế”, báo cáo có đoạn. Nhiều nhà kinh tế học và sinh học giỏi nhất của Pháp hiện công tác tại Mỹ. Theo một cáo cáo năm 2007, có tới 4 trong số 6 nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Pháp đã đi Mỹ.( DatViet)
==========================================================================================
Tham mưu trưởng lục quân Mỹ thăm Việt Nam
Hôm qua Trung tướng Nguyễn quốc Khánh, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp Đại tướng George William Casey Jr, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ.

Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh chào mừng Đại tướng George William Casey Jr. cùng các thành viên trong đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam, mong rằng chuyến thăm này góp phần củng cố, khôi phục và tăng cường mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội, nhân dân hai nước; chúc chuyến thăm và làm việc của đoàn thu được kết quả tốt đẹp.
Đại tướng George William Casey Jr. chân thành cảm ơn Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh đã dành thời gian tiếp đoàn và bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam, tìm hiểu về lịch sử đất nước con người và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thông tin trên trang web của bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay hai bên thống nhất trong thời gian tới tập trung hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi đoàn các cấp; trao đổi học viên quân sự và các lĩnh vực đang hợp tác như quân y, rà phá bom mìn. ( DatViet)
=======================================================================
Khu vực kinh tế tư nhân
Khu vực kinh tế này rất năng động về mặt tạo ra công ăn việc làm cho một xã hội thặng dư lực lượng lao động như trường hợp những nước đang phát triển.
Đóng góp công ăn việc làm:
Theo báo cáo đã nhắc tới của CIEM, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp năm 2006 là 6722,2 ngàn người, tăng 3184,7 ngàn người so với năm 2000. Trong đó, số lao động làm việc trong DNNN đã giảm mất 181,5 ngàn người; trong doanh nghiệp tư nhân tăng thêm 2329 ngàn người và trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNFDI) tăng thêm 1037,7 ngàn người. Như vậy, DNNN trong 7 năm qua không tạo thêm công ăn việc làm mới cho người lao động; mà ngược lại, đã mất đi hơn 181 ngàn chỗ làm việc. Ngược lại, số lao động làm việc trong doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng hơn 3 lần trong những năm 2000-2006, từ hơn 1 triệu lên hơn 3 triệu người. Tương tự, số lao động làm việc trong các DNFDI đã tăng hơn 3 lần, từ hơn 407 ngàn người năm 2000 đã tăng lên hơn 1,4 triệu người năm 2006. Số lao động làm việc trong các DNNN chỉ còn chiếm 28% tổng số lao động trong doanh nghiệp; giảm hơn một nửa (59,1%) so với năm 2000.
Trong khi đó, tỷ trọng lao động của DNTN trong nước và DNFDI đã tăng lên tương ứng từ 29,4 và 11,5% năm 2000 lên 50,1 và 21,5% vào năm 2006. Thành quả về tạo công ăn việc làm của các DNNN hoàn toàn không tương xứng với những nguồn lực to lớn mà DNNN sử dụng. Nếu so với tổng số lao động của cả nước là 43,35 triệu lao động, thì số lao động trong các DNNN chỉ chiếm dưới 4,4% trong năm 2006. Tuyệt đại bộ phận người lao động (trên 95,6%) gồm nông dân, những người lao động tự do và những người lao động trong các DNTN và DNFDI sử dụng khoảng ½ tổng đầu tư của xã hội. Biểu đồ dưới đây cho thấy điều này:
Về cán cân thương mại:
Tình hình chung là nhập siêu nay ở mức rất đáng quan ngại. Sản xuất kém hiệu quả, khu vực DNNN chắc chắn là một nguyên nhân chính. Những DNFDI xuất siêu, mặc dầu đã thổi phồng giá trị nhập khẩu để chuyển giá với mục đích khai lỗ để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Khu vực DNTN còn lại hẳn là một nhân tố đóng góp tích cực vào cán cân thương mại, nhưng số liệu chính xác không được phổ biến.
Đóng góp vào ngân sách nhà nước:
Phần này giành cho chúng ta một sự ngạc nhiên khá thú vị.Trích Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT):
“Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V-1000), số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ ngang với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.”
Đây là năm đầu tiên Bảng xếp hạng V-1000 được công bố để ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia. Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam, được công bố ngày 23-9 cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ khoảng 33%, ngang bằng với các DNNN và DNFDI về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp tính cho ba năm 2007 – 2008 – 2009.
Hiện nay, Nhà nước vẫn xác định khu vực DNNN giữ vai trò chủ đạo. Điều này gây mối quan ngại là những nguồn lực lớn của đất nước vẫn tập trung để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện vai trò đó, chèn ép khu vực kinh tế tư nhân. Qua Bảng xếp hạng V-1000 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có tính tập trung khá cao và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn. Cụ thể là 200 doanh nghiệp đứng đầu trong Bảng xếp hạng V-1000 đóng góp tới 80% lượng thuế thu được từ 1.000 doanh nghiệp trong bảng.
Cho dù vai trò chủ đạo vẫn cứ được khư khư giữ cho khu vực DNNN, và dù những DNTN còn bị nhiều ràng buộc, bị phân biệt đối xử về chính sách thì khối doanh nghiệp dân doanh vẫn lừng lững đi lên, Những đóng góp của khu vực DNTN là những đóng góp từ năng lực sản xuất, kinh doanh và quản trị chứ không dựa trên ưu đãi nào cả.
Tất cả cho thấy, khu vực DNTN, dù có nhiều khó khăn như nguồn lực kém, bị phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai, khoáng sản…, và trải qua nhiều khó khăn lớn như chịu tác động của đợt lạm phát năm 2007, khủng hoảng tài chính thế giới 2008 – 2009, nhưng có một sức sống mãnh liệt và vẫn đóng góp lớn đến không ngờ cho nền kinh tế Việt Nam.
@ VOA
—————————————————————————————————————————————————————————————————————-
Bộ chính trị trước nước cờ chiếu tướng hiểm hóc
Bùi Tín Blog
«Ủy viên Bộ chính trị, ông là ai?» là một bài viết trên blog Anh Ba Sàm rất được cư dân blog chú ý, loan truyền rộng và bình luận. Bài viết đặt vấn đề ai giao cho 15 người trong Bộ chính trị quyền hạn to lớn, không giới hạn đến thế? Tâm và tầm mỗi ông ra sao?
Sau đó, lại một loạt bài của các đảng viên Cộng sản kỳ cựu bàn sâu về nhân sự của lãnh đạo đảng sắp đến tại Đại hội XI, được loan truyền rộng, nhận xét từng người trong 15 người trong Bộ chính trị hiện tại, và kết luận rằng không một vị nào trong 15 vị ấy xứng đáng nhận chức vụ tổng bí thư, cần tìm cho ra người xứng đáng khác ở ngoài 15 vị ấy, nếu không thì bế tắc hoàn toàn về lãnh đạo. Cả việc chọn 15 vị ủy viên Bộ chính trị mới cho khóa XI cũng hoàn toàn bế tắc. Ai chọn? làm thế nào để lựa chọn nhân tài? Những người xuất sắc nhất? Hoặc chỉ làng nhàng bậc trung, kém cả khoá này!
Gần đây, một số đảng viên lên tiếng, người thì tỏ ra bênh vực ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Phạm Quang Nghị, chê trách nặng nề các ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Minh Triết; kẻ thì kết tội ông Dũng nặng nề về vụ Vinashin, mất lập trường đảng viên mất cảnh giác giai cấp, khi thông gia với sỹ quan cao cấp của chế độ cũ hiện là triệu phú ở Hoa kỳ, đồng thời kể lể tội của ông Trương Tấn Sang trong vụ Tân Trường Sanh và cả ông Hồ Đức Việt trong việc rượu chè be bét và buông thả về đạo đức.
Một loạt thư của cán bộ ngành văn hóa tố cáo ông Phạm Quang Nghị khi làm bộ trưởng Văn hóa đã «chấm mút hàng trăm ngàn Euro » từ 6 triệu Euro chính phủ Pháp giúp cho việc nâng cấp Nhà hát lớn Hà Nội. Thành ra trong những ứng viên chức tổng bí thư thay ông Mạnh không có một ai có tâm và có tài xứng đáng cả. Để xem cuộc họp Ban chấp hành trung ương kỳ thứ 13 sẽ giải quyết nhân sự cấp cao nhất một lần cuối ra sao?
Có một điều nguy khốn hơn nhiều cho đảng Cộng sản là rất đông đảo trí thức, và cả một số đảng viên kỳ cựu, đặt thẳng vấn đề về chức năng của Bộ chính trị trong cơ chế cầm quyền của chế độ hiện hành, chiếu theo Hiến pháp. «Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ» vậy sao Quốc hội lại phải chấp hành nghị quyết của đảng, và mọi chủ trương lớn lại cứ phải chờ quyết định của Thường vụ Bộ chính trị hiện có 5 người?»
«Cao nhất» rồi lại còn có cấp cao hơn, thì «nhất» còn có nghĩa lý gì nữa?
Ai cho quyền một tổng bí thư đảng CS Việt Nam ký thông cáo chung với một tổng bí thư đảng CS khác cam kết hợp tác về khai thác bauxite ở Tây nguyên, trong khi chính phủ và Quốc hội đều chưa bàn gì đến vấn đề này? Sao lại lộn xộn, vô nguyên tắc đến thế?
Lại có trí thức đảng viên hỏi rằng, Trung ương đảng là do nội bộ đảng bầu, Bộ chính trị là chức vụ trong nội bộ đảng, có do nhân dân, do công dân, do cử tri bầu đâu mà lại có quyền lực cai trị của quốc gia? Thế là cướp quyền, tiếm quyền của nhân dân, là hoàn toàn bất hợp pháp, bất hợp hiến, phạm pháp và vi hiến quả tang, không có thể chối cãi.
Nghị quyết của đảng là để cho đảng viên chấp hành, chứ sao lại bắt nhân dân, quân đội và Quốc hội chấp hành, thật là cực kỳ vô lý.
Trong Báo cáo chính trị của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội VII (1991) ghi rõ: đảng không bao biện làm thay chính quyền, từ nay đảng chỉ lãnh đạo bằng cách đề nghị, kiến nghị với chính quyền và đảng viên làm gương, nêu gương trong thực hiện. Báo cáo chính trị được đại hội thông qua, nhưng ngay sau đó Bộ chính trị vẫn chứng nào tật ấy, bao biện, lấn quyền còn tệ hơn xưa. Tệ hơn rõ rêt, khi cấm phản biện, cấm ra báo tư nhân, cấm tự do ngôn luận, như hiện nay.
Lại một nước cờ chiếu tướng khác nữa hướng vào 15 vị ủy viên Bộ chính trị, rằng từ nay cần tách biệt rạch ròi các khái niệm Nhân dân, Dân tộc, Quốc gia, Tổ quốc. Mỗi khái niệm có một nội dung ý nghĩa, một nội hàm riêng biệt trong từ điển, trong Bách khoa toàn thư, Không thể trộn lẫn, lộn sòng, để đồng nhất nhân dân với đảng, đảng với dân tộc, đảng với tổ quốc. Đó là kiểu dân ta quen gọi là xập xí xập ngầu, gian trá!
Chỉ cần một thí dụ nóng bỏng. Bà Aung San Syu Ki là chiến sỹ kiên cường, sát cánh với nhân dân Miến Điện để đòi độc lập, dân chủ, tự do cho đất nước, vừa được trả tự do sau 7 năm dài tù đày quản thúc, cả thế giới vui mừng, các tổng thống, thủ tướng trên thế giới gửỉ điện chúc mừng, riêng Việt Nam và Trung Quốc im re; báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân lờ tịt, trong khi trí thức nước ta, tuổi trẻ nước ta, phụ nữ nước ta, binh sỹ bộ đội ta hân hoan truyền tin cho nhau.
Vậy tổng biên tập tờ báo mang tên Nhân Dân, ban biên tập báo mang tên Quân Đội Nhân Dân có thấy hổ thẹn hay không? Họ có thật là tiếng nói của nhân dân, của bộ đội nhân dân hay chỉ là cái loa rè của một nhúm 15 người trong Bộ chính trị đã không còn liên hệ gì đến nhân dân? Sao không dám công khai thẳng thắn trả lại tên gọi của tờ báo cho nhân dân và lấy tên là Cộng sản? Tự vỗ ngực ta đây là đảng của Dân tộc mà không dám bảo vệ độc lập tự do của Dân tộc, lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc trước họa bành trướng thì còn gì là tính chính đáng để tiếp tục cầm quyền, để hàm hồ nhận vơ đảng với nhân dân với dân tộc là một.
Chính vì các lý lẽ vững chắc, hùng hồn, khoa học trên đây mà cuộc họp hơn 20 nhà khoa học mũi nhọn – đảng viên cộng sản cao cấp đầu tháng 10 vừa qua ở Hà Nội nhất loạt bác bỏ hoàn toàn nội dung Cương lĩnh do Bộ chính trị duyệt và đưa ra mời toàn dân góp ý.
Cuộc hội luận nhất trí cao yêu cầu phải viết hẳn lại một Cương lĩnh mới, vì bản dự thảo hiện nay chứa quá nhiều sai lầm nguy hiểm, xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, quá nhiều điều lừa dối nhân dân, nếu thực hiện chỉ mang tai họa mọi mặt cho đồng bào và đất nước. Cuộc hội thảo nhất trí cho rằng vấn đề hệ trọng, cấp bách nhất là đổi mới cơ cấu chính trị, hệ thống cầm quyền, điều mà Cương lĩnh dự thảo né tránh.
Bộ chính trị, 15 vị tự cho mình quyền lực tối cao mà không được ai ủy nhiệm, đang như ngồi trên lò than hồng. Họ như đang bị chiếu tướng ở ngay hậu cung mà không có lối thoát. Để nguyên bản Báo cáo Chính trị, bản Cương lĩnh và bản Chiến lược đã bị bác bỏ triệt để để đọc tại Đại hội XI sắp tới thì kẹt quá và dại quá. Mà sửa thì sửa ra sao, vá víu lại càng khó. Nát cả 15 bộ óc, mà là những bộ óc tỏ ra thuộc loại xoàng, nếu so với hơn 20 bộ óc của cuộc hội luận trên đây thì lại càng xoàng hơn.
Chẳng lẽ cho người lẻn sang hỏi cao kiến của ông Gia Cát Lượng tân thời ở Bắc Kinh chăng? Cũng chỉ là tối kiến, vì Bộ chính trị Bắc Kinh cũng đang bị hãm vào một cuộc chiếu tướng cực kỳ gay go.
—————————————————————————————————————————————————————————————————————-
Một chiến lược “phòng ngự” đối với Trung Quốc
Fareed Zakaria
Nguồn: Washington Post
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
Hai năm trước đây, Barack Obama là một siêu nhân. Còn bây giờ ông không thể làm được điều gì đúng nữa. Chuyến đi của ông tới châu Á đã được xem như là một thất bại vì ông đã không đạt được một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc hoặc một cú giảm giá tiền tệ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm đã có những mục tiêu rộng hơn và phần lớn đã thành công, mặc dù đây mới chỉ là khởi đầu của một tập hợp các chính sách đối ngoại phức tạp vốn sẽ hình thành cốt lõi cho một chiến lược vĩ đại mới của Mỹ.
Đối với các tường thuật có tính tiêu cực, Obama chỉ có thể tự trách mình. Chắc chắn là do bị thúc dục bởi các cố vấn chính trị của ông, Obama đã định hình mục tiêu chuyến đi châu Á của mình như thể chỉ về công ăn việc làm, công ăn việc làm và công ăn việc làm. Nếu như tổng thống thực sự đặt định một chuyến đi cho mục tiêu thương mại thì ai đó đã gửi ông đến không đúng chỗ. Chỉ có một trong những quốc gia ông từng đến (Nhật Bản) là một trong sáu điểm đến ưu tiên cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông có thể tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu để đi đến Canada và Mexico để có thể mua được gấp 20 lần hàng hoá và dịch vụ cho Mỹ như từ Ấn Độ và 10 lần so với Nam Hàn. (Thậm chí Indonesia cũng không phải là một trong 20 nước mua hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ.)
Thực tế, bằng cách mặc nhận chuyến đi đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, Obama đã thực hiện bước đầu của Mỹ trong một cuộc chơi quyền lực lớn mới đang trải ra ở châu Á. Cho đến nay, sự vươn dậy của Trung Quốc đa phần đã được nói đến như một sự trừu tượng. Nhưng các sự kiện trong vài tháng qua đã khiến sự vươn dậy của Trung Quốc trở nên rõ ràng trong cái nhìn của nhiều người châu Á. Họ đang xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao.
Phản ứng đúng không phải là môt chính sách ngăn chặn. Một so sánh rất dễ dàng đang được thực hiện giữa phản ứng của Mỹ đối với Liên Xô và chính sách của Washington đối với Trung Quốc. Liên Xô là một kẻ thù xâm lược toàn cầu. Họ đã tích cực đe dọa các nước phương Tây, các đồng minh, hỗ trợ chiến tranh và các phong trào du kích, tài trợ các đối thủ và các nhóm khủng bố, tất cả nhằm mục đích gây mất ổn định cho các quyền lợi của phương Tây. Liên Xô từng tự hiến mình như một mô hình thay thế cho các quốc gia trên thế giới. Mặc dù có một nền kinh tế bằng một phần nhỏ kích thước của Mỹ, điện Kremlin vẫn đã xây dựng một cơ sở quân sự rộng lớn với hàng chục ngàn vũ khí hạt nhân.
Ngược lại Trung Quốc đã chọn lựa tham gia vào trật tự thế giới do phương Tây bảo trợ, tham gia vào hệ thống thương mại và bằng các duy trì quan hệ hợp tác rộng lớn với phương Tây. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang gắn bó chặt chẽ với nhau. Đối với bất cứ sự khác biệt nào giữa Bắc Kinh và Washington, quan trọng là là phải đặt chúng trong bối cảnh lớn. Những bất đồng của họ về tiền tệ và thương mại – ít căng thẳng hơn so với giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong những năm cuối 1980 và đầu những năm 90 – không thể tạo nên một cuộc Chiến tranh Lạnh.
Các nước châu Á không trông mong Hoa Kỳ tạo nên một tập hợp các công ước chống lại quân sự Trung quốc kiểu chiến tranh lạnh. Đối với hầu hết các nước châu Á, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của mình. Họ nhận viện trợ, tiền cho vay từ Bắc Kinh và họ cũng có vài bất đồng chính trị với Trung Quốc. Đối với tất cả các lo lắng về thái độ cứng rắn của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong vụ việc gần đây ở Biển Đông Trung Quốc, không một viên chức châu Á nào tôi từng tiếp xúc từng nghĩ đến bất kỳ phân tích nào có thể đưa đến một chính sách ngăn chặn. Thực tế, tất cả mọi người đều hy vọng rằng mối quan hệ gần gũi của Mỹ với Trung Quốc có thể được sử dụng để tiết chế hành động của Bắc Kinh. Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia mới, đã hết sức đúng khi ông vừa tuyên bố tuần trước, “Khu vực trông đợi Hoa Kỳ tôn trọng Trung Quốc, để tham dự vào việc xây dựng một mối quan hệ tích cực, xây dựng với Trung Quốc.”
Tôi xin đề nghị suy nghĩ về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc băng môt chiến lược “phòng ngự” nhiều hơn. Nhiều quỹ đầu tư mua cổ phiếu với hy vọng rằng chúng sẽ tăng giá trị, nhưng họ cũng cá cược với một số công ty (hoặc các công cụ tài chính khác) để đảm bảo rằng nếu thị trường đi xuống, họ sẽ được bảo vệ. (Do đó mới có tên là các quỹ đầu tư phòng ngự [Hedge Fund]). Tương tự như vậy, nước Mỹ nên duy trì một mối quan hệ chặt chẽ và phong phú với Trung Quốc, hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ đảm bảo một châu Á hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu sự vươn dậy của Trung Quốc trở nên đe dọa và gây bất ổn, Mỹ cũng nên sẵn sàng có những liên minh mạnh mẽ với các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ và Nhật Bản – mà chuyến đi của ông Obama tìm cách hình thành – như các khối căn bản để cân bằng chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Giống như nhiều quỹ đầu tư hedge funds, chiến lược của Mỹ cần phải có một “tiếp cận dài” (long bias) nghĩa là cần phải chú trọng nhiều hơn vào các nỗ lực để thu hút Trung Quốc, bởi vì cho đến nay đó là chiến lược thích hợp hơn (và ít tốn kém hơn) so với cách đi đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, lâu dài với một đất nước chẳng bao lâu nữa sẽ là một nền kinh tế lớn nhất của thế giới.
@ X-Cafe
—————————————————————————————————————————————————————————————————————–