Lợi ích khi yêu chàng “cứng tuổi”

Nhiều người cho rằng đàn ông lớn tuổi chẳng có mặt nào sánh bằng những anh chàng đang hừng hực sức xuân. Song có lẽ bạn sẽ thay đổi quan điểm khi nhìn nhận lại những cái được khi yêu chàng “nhừ”.

1. Chàng chín chắn
Không ai có thể phủ nhận sự tàn phá âm thầm nhưng mãnh liệt của thời gian, nhưng cũng chính thời gian đem đến cho con người những trải nghiệm, những tri thức mà không một trường lớp nào có thể dạy ta

Nếu nói các chàng trai trẻ có thứ hào quang sáng lạng của tuổi trẻ thì những người đàn ông lớn tuổi lại có sức hấp dẫn chết người toát ra từ sự trưởng thành và chín chắn.

2. Chàng điềm tĩnh

Tuy thời gian không phải nhân tố tuyệt đối quyết định bản lĩnh con người nhưng người đàn ông lớn tuổi vẫn có được những phẩm chất mà người trẻ còn thiếu. Kinh qua nhiều sóng gió của cuộc đời, họ đã rèn luyện được đức tính chịu đựng, khả năng suy xét và phán đoán nên trước mọi tình huống họ ít khi bị nao núng và luôn giữ được sự bình tĩnh cần thiết.

Phụ nữ cần một bến đỗ bình yên nơi họ yên tâm nương tựa chứ không phải những anh chàng vừa đối mặt với khó khăn đã “hồn xiêu phách tán” hay cao chạy xa bay.

3. Tài chính vững vàng

Có thể trong tình yêu nhiều người coi nhẹ vấn đề tiền bạc, song đây là nền tảng để xây dựng nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Ngoài bản lĩnh, kinh nghiệm về cuộc sống, đàn ông lớn tuổi cũng cũng tích cóp được một gia tài nhất định, vì thế họ có thể mang lại cuộc sống thoải mái nhất cho người phụ nữ của mình.

4. Chàng giúp bạn mau trưởng thành

Người đàn ông lớn tuổi sẽ âm thầm chỉ dẫn bạn, dành tặng bạn những lời khuyên đúng đắn, truyền đạt những kinh nghiệm hữu ích giúp bạn vượt qua nhiều khó khăn. Bạn sẽ thấy mình hiểu biết hơn, nhạy bén hơn và dần trưởng thành hơn.

5. Chàng yêu chiều bạn

Kinh nghiệm chốn tình trường giúp đàn ông đứng tuổi thấu hiểu tâm lý phái đẹp nên luôn khiến chị em hài lòng.

6. Đem lại cho bạn cảm giác an toàn

Đàn ông lớn tuổi thường thích cuộc sống ổn định, họ biết mình cần gì và sống có trách nhiệm. Bạn sẽ luôn an tâm dưới sự chở che của họ.

Hồng Vân

Theo Sina

————————————————————————————————————————————————————————————————————–

Ghế thủ tướng của ông Dũng lung lay?

Ông Nguyễn Tấn Dũng
Ông Nguyễn Tấn Dũng đang chịu nhiều sức ép trước Đại hội XI của ĐCSVN

 

Giáo sư chuyên nghiên cứu Việt Nam hàng đầu của Úc, Carl Thayer, vừa lên tiếng bình luận rằng sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang lung lay.

Ông Thayer, người từng cho rằng ông Dũng ra lệnh chấn chỉnh Vinashin như một đòn chặn trước các cuộc tấn công, nay nói đang tồn tại âm mưu có phối hợp nhằm đẩy ông Dũng ra khỏi vị trí thủ tướng tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản vào tháng Một năm 2011.

Trong tài liệu tư vấn mới được công bố, ông Thayer viết:

“Giờ đã có vẻ rõ ràng rằng nếu ông Dũng có tham vọng trở thành tổng bí thư đảng, ông đã bị bỏ lại sau.

“Hiện nay vị trí thủ tướng của ông cũng bị đe dọa.

“Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tới đây sẽ quyết định vấn đề này nhưng có dấu hiệu cho thấy nếu các đại biểu không hài lòng về mức độ trừng trị đối với ông Dũng, vị trí thủ tướng vẫn có thể gặp nguy khi các đại biểu bỏ phiếu ở Đại hội Đảng.”

‘Dập tắt bất đồng

Ông Nguyễn Tấn Dũng, người tháng này tròn 61 tuổi, chịu nhiều sức ép trong những tháng gần đây vì sự ủng hộ của ông cho việc khai thác bauxite và chủ trương xây dựng các tập đoàn lớn như Vinashin.

Thậm chí Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết còn đòi Quốc hội điều tra và bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Dũng và những bộ trưởng có liên quan trong vụ bauxite.

Sự bức xúc của ông Dũng trước những sức ép này được thể hiện qua một loạt bài đăng trên trang web chính thức của chính phủ chỉ trích mạnh mẽ ông Nguyễn Minh Thuyết mặc dù không nêu tên ông.

Những chỉ trích này cũng ngay lập tức bị một số chuyên gia coi là biểu hiện của sự muốn “độc quyền chân lý” và “không nhìn thẳng vào sự thật”.

Liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản sắp tới, ông Carl Thayer nói ông nhận thấy các tài liệu chính của Đảng Cộng sản chuẩn bị cho đại hội sắp tới vẫn tiếp tục nhắc tới “các lực lượng thù địch” và “diễn biến hòa bình”.

Ông Thayer nói có hai “lực lượng” đứng đằng sau các vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến gần đây ở Việt Nam – “khối công an và những đồng minh ý thức hệ của họ, và những người không muốn quan hệ với Trung Quốc bị tổn hại.”

“Luật sư Cù Huy Hà Vũ là trường hợp đặc biệt – các cuộc tấn công của ông nhắm vào vị thủ tướng tăng sức mạnh cho những người muốn đẩy ông Dũng ra khỏi vị trí hiện nay.

“Nhưng trên hết vẫn là mong muốn dập tắt tất cả những bất đồng từ bên ngoài giới chóp bu.”

Tổng Bí thư

Giáo sư Thayer cũng nói “có rất nhiều người đồn đại rằng ông Nguyễn Phú Trọng được ủng hộ nhiều hơn để trở thành tổng bí thư kế tiếp một phần vì ông được Trung Quốc chấp nhận.”

Nhưng điều này còn phụ thuộc việc Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị quyết định đồng ý để ông Trọng, năm nay 66 tuổi, ở lại Bộ Chính trị mặc dù đã qua tuổi 65, tuổi về hưu theo quy định.

Còn về ghế thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Thayer cũng nói một nhân vật khác được cho là đang muốn thay chức này là Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang.

Chuyên gia Việt Nam học người Úc nói, “giải an ủi” cho ông Sang, nếu ông không thể ngồi vào ghế thủ tướng, có thể là chức chủ tịch nước.

Giáo sư Thayer cũng nhận định Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và mặc dù họ đã không còn mời các đoàn đại biểu nước ngoài tới dự đại hội từ năm 2006, ông Nông Đức Mạnh đã thăm Trung Quốc trước tiên sau khi đắc cử.

@ bbc

—————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Khoa học : Điều kỳ diệu của bộ não con ong

Cho dù có bộ não rất nhỏ, nhưng hàng ngày, những con ong chăm chỉ lại nhanh chóng giải quyết được những vấn đề tính toán phức tạp mà một máy tính điện tử phải cần đến nhiều ngày mới làm nổi.

Theo nhật báo Anh Quốc, The Guardian, các nhà khoa học thuộc trường đại học Royal Holloway ở Luân Đôn đã phát hiện ra rằng trong khi đi tìm nhụy hoa, ong đã biết tính toán đoạn đường bay gần nhất giữa các bông hoa mà chúng tình cờ tìm thấy trên đường bay, qua đó, loài ong đã giải quyết được bài toán hóc búa mang tên « người đi chào hàng ».

Đây là một trong những bài toán được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực tối ưu hóa tổ hợp và được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1859.

Đầu đề bài toán như sau : Một người phải đi đến các thành phố để chào hàng và mỗi thành phố, anh ta chỉ được đến có một lần, rồi sau đó, quay trở về nơi xuất phát. Hãy lập lộ trình các thành phố mà người chào hàng đi qua sao cho tổng quãng đường đi là ngắn nhất.

Thoạt nhìn qua, bài toán này khá dễ. Thế nhưng vấn đề trở nên cực kỳ phức tạp khi số thành phố tăng lên. Ví dụ, tổng số con đường mà người chào hàng có thể đến 69 thành phố, sẽ rất lớn. Giới chuyên gia cho biết con số này dài tới 100 số.

Đương nhiên, máy tính hoàn toàn có thể giải đáp được bài toán này, bằng cách so sánh chiều dài của tất cả các đoạn đường và qua đó, xác định được con đường ngắn nhất. Nhưng nếu số địa điểm rất lớn thì máy tính cũng chỉ có thể đưa ra những đáp số gần đúng sau nhiều ngày tính toán.

Ấy vậy mà con ong, với bộ não chỉ bằng hạt cỏ, lại giải được bài toán hóc búa này rất nhanh.

Tiến sĩ Nigel Raine, khoa sinh học trường đại học Royal Holloway giải thích : Hàng ngày, những con ong đi hút nhụy phải giải quyết bài toán « người đi chào hàng ». Ong tìm thấy hoa để hút nhụy ở nhiều địa điểm khác nhau. Do phải tốn rất nhiều năng lượng công sức để bay, loài ong phải tính toán và tìm ra con đường ngắn nhất.

Cũng xin nói thêm, theo một số chuyên gia, tốc độ xử lý của bộ não con ong nhanh hơn máy tính điện tử hàng trăm lần. Cho đến nay, máy tính thuộc thế hệ hiện đại nhất có thể thực hiện được 16 tỷ phép tính trong một giây, trong khi đó, bộ não con ong có thể tính được 10 ngàn tỷ phép tính/ giây Hơn nữa, não của ong cần ít năng lượng hơn máy tính. 10 triệu con ong tiêu thụ năng lượng bằng một bóng đèn 100 wattt.

Báo The Guardian nhận định, công trình nghiên cứu này có nhiều tác động đến đời sống hàng ngày của chúng ta bởi vì cuộc sống hiện đại phụ thuộc vào các mạng lưới như mạng lưới giao thông, thông tin trên internet hay mạng lưới dây chuyền cung ứng hậu cần.

Còn báo The Age của Úc thì viết, hiểu được bằng cách nào mà loài ong, với một bộ não nhỏ xíu, mà lại giải quyết được bài toán « người đi chào hàng », thì điều này có thể giúp chúng ta tìm được những cách thức đơn giản nhất để quản lý tốt nhất các liên kết mạng. ( RFI )

————————————————————————————————————————————————————————————————————

Phim tài liệu về Việt Nam của Jacques Perrin sắp ra mắt tại Pháp

Kể từ 24/11/2010, khán giả Pháp sẽ có dịp tìm hiểu về lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam thông qua bộ phim “L’Empire du Milieu du Sud”, tạm dịch là “Đế chế Trung tâm tại phương Nam” của đạo diễn Pháp nổi tiếng Jacques Perrin. Theo AFP, bộ phim phác họa lại bằng những những nét chấm phá hình ảnh của xứ Đông Dương thời Pháp thuộc và của nước Việt Nam thống nhất đã giành được độc lập sau hai cuộc chiến dài lâu.

“L’Empire du Milieu du  Sud” được dàn dựng rất công phu trong khoảng thời gian hơn một chục năm, tìm kiếm tài liệu phim ảnh từ Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Mỹ, Cuba, cho đến Pháp, Nga, Ba Lan, rồi phân tích, xếp loại hàng trăm bộ phim và tư liệu ghi chú. Công việc lâu dài này đã cho phép nhóm làm phim tìm lại được rất nhiều bộ phim tưởng rằng đã bị mất đi.

Theo AFP, Jacques Perin, một trong hai đạo diễn, đồng thời là nhà sản xuất của bộ phim đã tự hào là việc thực hiên bộ phim này đã cho phép ông tập hợp được “một kho tàng tư liệu điện ảnh về Việt Nam mà không ai sánh kịp”.

Phải nói là bộ phim “L’Empire du Milieu du Sud” thu hút sự chú ý trước hết nhờ tên tuổi của Jacques Perin, mà công chúng Việt Nam mới đây đã được biết đến qua bộ phim tài liệu nổi tiếng gần đây nhất của ông là Océans (Đại Dương – 2009), được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội tháng 10 vừa qua. Trước đó Jacques Perrin cũng đã thành công trong vai trò đồng đạo diễn bộ phim tài liệu Le Peuple Migrateur (2001), đề cập đến hành trình của các loài chim thiên di, được quay ở nhiều nơi trong đó có Việt Nam, hay là bộ phim tài liệu về loài côn trùng Microcosmos (1996) mà ông tham gia sản xuất.

Đồng tác giả của bộ phim “L’Empire du Milieu du Sud” là Eric Deroo, một sử gia kiêm đạo diễn, chuyên về lịch sử thuộc địa Pháp, tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và Đông Dương.

Trả lời AFP, Nicolas Dumont, người đồng sản xuất bộ phim cho biết thêm là chi phí thực hiện bộ phim này khoảng 3 triệu euro, và sẽ có 55 rạp tại Pháp trình chiếu bộ phim này kể từ thứ tư 24/11/2010.

@ RFI

————————————————————————————————————————————————————————————————————

Thập niên của Trung Quốc

Nguồn: Robert X. Cringely

X-Cafe chuyển ngữ

Một cái gì đó đã làm tôi gần đây không được thoải mái cho lắm và đấy chính là phỏng đoán của chúng ta cho rằng Trung Quốc sẽ là siêu cường tiếp theo của thế giới và rằng chúng ta tốt hơn hết nên làm quen dần với điều đó. Vớ vẩn. Chúng ta đang bước vào thập niên của Trung Quốc, chứ không phải là thế kỷ của Trung Quốc.

Thế kỷ này thuộc về Ấn Độ.

Thế kỷ trước tất cả thuộc về người Mỹ. Chúng ta khi bước chân vào thế kỷ 20 là một đất nước vĩ đại nhưng không phức tạp. Nền công nghiệp của chúng ta có lẽ đã làm cho chúng ta trở nên một yếu tố trong Thế chiến thứ nhất. Tính sáng tạo trong văn hóa của chúng ta đã lôi cuốn những người hâm mộ trên thế giới trong những năm 1920 và – 90 năm sau đó – vẫn không hề mất đi. Kết quả của điều này sẽ không phải là thế kỷ Bollywood. Cuộc đại khủng hoảng đã bảo đảm cho chúng ta một chỗ bên bàn tiệc, thể hiện qua việc chúng ta có thể lôi kéo rất nhiều người trên thế giới ngồi xuống cùng với chúng ta. Chiến tranh Thế giới thứ hai đã nhìn thấy việc chúng ta giữ gìn thế giới này, nắm lấy quyền điều khiển hàng nửa thế kỷ với địa vị thống trị toàn cầu (ơn Chúa). Tuy nhiên giờ đây chúng ta đã làm cho điều đó trở nên rối rắm đôi chút do trì trệ, do lòng tham và do sự thiếu hiểu biết về chính cái thế giới mà chúng ta đã tạo ra. Chúng ta đã tạo nên điều đó cho chính mình qua việc suy nghĩ rằng chẳng có gì thực sự có thể làm tổn thương được chúng ta. Thế nhưng cuối cùng điều đó cũng chẳng đúng gì hơn cái ý tưởng cho rằng dạ dày của Harry Houdini [nhà ảo thuật Mỹ] có thể chứa được bất kỳ thứ rượu punch nào.

Vì vậy, chúng ta đã phải nhường bước cho người Ấn độ. Chứ không phải cho người Trung Quốc. Trung Quốc có dân số, có quyết tâm, có hệ thống giáo dục, có dự trữ ngoại tệ – nghĩa là có tất cả mọi thứ để làm cho nó trở nên một siêu cường toàn cầu, ngoại trừ hai điều: 1) thiếu một tầng lớp trung lưu đang nổi lên tương đương với thế hệ Baby Boomers của chúng ta, và, 2) thiếu một cộng đồng dân cư hải ngoại có chức trách ( hãy tìm đi, tôi sẽ đợi).

Trái ngược với Trung Quốc, Ấn Độ chỉ có hai điều: 1) một tầng lớp Baby Boomer thực sự, và; 2) một cộng đồng dân cư hải ngoại có chức trách (bạn đã tìm ra chưa?). Ngoài ra về Ấn độ chẳng còn có gì khác hầu như hoạt động – chẳng có gì. Ấn Độ đó là tham nhũng và chia rẽ. Trong khi Ấn Độ có truyền thống thương mại thì nó lại không phải là một cái gì đặc biệt hiệu quả. Chủ nghĩa phân vùng và tinh thần đảng phái, hoặc là về kinh tế, xã hội, hay về tôn giáo, sẽ ngăn Ấn Độ từ xưa tới nay thực sự cộng tác với nhau. Nhưng điều đó không quan trọng vì hai điểm của tôi ban đầu đưa ra là đủ.

Cái tôi thấy thú vị là hầu hết mọi người đều coi cái điều Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường kế tiếp cứ như là sự thật được viết trong Kinh thánh, bởi vì điều đó quá được định hướng theo những con số (số đô la cơ sở hạ tầng rất lớn, có số đô la sản xuất lớn, có mức độ giàu có tính theo đầu người cao hơn so với Ấn Độ, có tầng lớp trung lưu lớn hơn, v.v… ). Hơn nữa, dễ dàng thấy Trung Quốc trở nên áp đảo bởi vì chúng ta thích, tôi nghĩ vậy, để được chinh phục về mặt kinh tế bởi những người rất khác với chính chúng ta. Và Trung Quốc đúng là có vẻ khác hơn Ấn Độ.

Trung Quốc có tất cả, nhà máy và tiền (tiền của chúng ta – liệu đó có phải là cách mà chúng ta muốn nhìn về điều đó?). Trung Quốc cũng tự lừa dối bản thân mất một thế hệ qua việc kiểm soát dân số quá hăng hái, điều này có thể tốt cho toàn cầu, nhưng có hại cho quyền bá chủ. Nhưng lý do lớn nhất tại sao Ấn Độ sẽ giành chiến thắng và Trung Quốc sẽ bị thất bại là ở chỗ Trung Quốc tự khép kín quá nhiều. Họ không hòa hợp.

Hãy xem xét các công ty đa quốc gia trên thế giới. Và hãy so sánh các giám đốc điều hành của chúng có quốc tịch hoặc có gốc Ấn Độ và Trung Quốc với nhau. Trong khi người Ấn Độ điều hành ở khắp nơi. Còn người Trung Quốc thì chẳng thấy ở đâu.

Bây giờ hãy nhớ lại những gì luật lệ của các công ty phương Tây dạy chúng ta – rằng các nhà quản lý kiểm soát công ty, chứ không phải các cổ đông của nó. Trung Quốc không chỉ là Trung Quốc với 1,5 tỷ con người, mà là người Trung Quốc bên trong cộng với người Trung quốc tại các cộng đồng hải ngoại của họ trên toàn thế giới. Cũng tương tự như vậy đối với Ấn Độ. Điểm quan trọng tuy không nghiêm chỉnh về chính trị nhưng nó vẫn đúng – đó là có một sự khác biệt lớn giữa đại diện lãnh đạo người Ấn Độ và người Trung Quốc tại trên 500 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu.

Bạn có thể lướt nhanh bỏ qua con số CEO, Coos, CTOs, CIO, và CFO người Ấn độ khi đó sẽ tìm thấy hàng quân đoàn hoạt động dưới cấp CXX. Tôi đồ rằng cảm giác thoải mái của họ đối với văn hóa phương Tây, ngôn ngữ, kỹ năng tiếng Anh của họ, và – có lẽ là điều quan trọng nhất – đó là việc họ được người Anh rèn luyện về mặt thể chế, là những cái đã làm cho họ trở nên những điều hành viên hành chính và chính trị tốt nhất, những người – ngay cả khi họ không thể đóng góp thêm vào một đồng đô la giá trị nào cả – vẫn sử dụng những kỹ năng đó để tồn tại trong bầy đàn và để vượt lên hàng đầu. Ngược lại, bạn sẽ thấy hầu như không có giám đốc điều hành cấp cao nào của Trung Quốc trong các tập đoàn đa quốc gia mà không phải là tập đoàn của Trung Quốc.

Để điều này bên cạnh các tập đoàn Ấn độ trong nước, những tập đoàn đã quản lý 10% tăng trưởng trong năm năm qua mặc cho có sự không hiệu quả một cách vô lý của thị trường Ấn Độ và bạn sẽ cảm nhận một sự chuyển động phi thường và sẽ cho Trung Quốc ăn khói trong vòng 10 đến 20 năm tới.

Sau nữa, hãy nhớ rằng lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ vẫn còn trẻ và đang phát triển trong 10 năm tới so với một dân số già đi nhanh chóng của Trung Quốc và thực tế là Ấn Độ không chỉ đã giành chiến thắng trong ngành dịch vụ và dược phẩm, mà cũng còn chứng minh mình thông minh hơn và nhiều sáng tạo hơn trong sản xuất công nghiệp.

Trung Quốc không phải là một cá cược đặc biệt tốt khoảng sau năm 2020, mặc dù nền kinh tế nội địa Trung Quốc sẽ phát triển đặc biệt thành công trong vài năm tới – chính vì thế họ sẽ giành chiến thắng trong một thập kỷ, tuy nhiên không phải là thế kỷ.

Lịch sử cũng còn cho thấy, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều chơi không tốt. Cả hai đều là kiêu ngạo một cách không biết xấu hổ và cả hai đều ích kỷ. Trung Quốc quá từ trên xuống (top-down) và Ấn Độ thì lại quá bị điều khiển bởi các vấn đề chính trị ngắn hạn. Các công ty Trung Quốc không thích giao dịch với người Ấn Độ.

Xem đây, cái này là tất cả những gì có ý nghĩa trong tương lai. Là cái rất tốt cho ngôn ngữ tiếng Anh, cho một điều. Điều đó có vẻ như không nhiều, nhưng, ít nhất cũng là cho những ai trong chúng ta có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh. Không phải tiếng Anh là thứ tiếng rất tuyệt vời, thế nhưng bạn sẽ thấy, nó không phải là tiếng Quan Thoại. Người Ấn Độ sẽ đảm bảo sao cho Quan Thoại không thể trở thành ngôn ngữ chính. Và nếu họ có thể làm được điều đó thì họ cũng sẽ đảm bảo rằng Nhân dân tệ không thể thay thế cho đồng Đô la, bởi vì nó không phù hợp với quyền lợi của họ xuất phát hoặc từ một công ty quốc gia hay từ một công ty đa quốc gia theo quan điểm quản lý.

Tôi cho rằng các tập đoàn đa quốc gia được kiểm soát một cách có hiệu quả bởi cộng đồng người Ấn hải ngoại thậm chí sẽ không cần lý do để làm việc nhiều hơn với Ấn Độ thay vì với Trung Quốc khi mà Trung Quốc đang ngày càng trở thành nỗi đau cho thế giới. Kể từ khi Ấn Độ kiểm soát các tập đoàn đa quốc gia, họ có sự quan tâm đặc biệt đến việc không để sụp đổ hoàn toàn tại Mỹ và châu Âu.

May mắn thay cho chúng ta.

Mặc dù không có mấy lạc quan nổi lên trên cái ý tưởng, rằng các nhà quản lý Ấn Độ sẽ cho phép chúng ta tồn tại như là nền kinh tế có khả năng hồi sinh chủ yếu chỉ để giữ chân người Trung Quốc trong lúc khó khăn, thì chúng ta cũng hãy nhớ rằng sự sống còn chính là một điều kiện tiên quyết cho sự hồi sinh tuyệt đối.

Nếu chúng ta có một hy vọng làm cho thế kỷ 22 một lần nữa là của chúng ta (và tôi nghĩ rằng điều đó có thể làm được), chúng ta phải bắt đầu ở một nơi nào đó.

“Baby Boomer”: chỉ thế hệ sinh sau Thế chiến thứ II, khi lính Mỹ (hoặc bất cứ lính nào) trở về từ chiến tranh, lập gia đình dẫn đến bùng nổ sinh sản. Thế hệ này hiện đang bước vào tuổi về hưu.

@X-Cafe

———————————————————————————————————————————————————————————————————–