Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng – phần cuối: Dẫn hổ về thịt dê nhà

Dương Thu Hương

Đối với thế giới, uy tín của chính quyền cộng sản Việt Nam đã mất từ lâu, mất một phần khi xảy ra cuộc chiếm đóng Cambodia, mất toàn phần khi làn sóng thuyền nhân tràn lên các đại dương và xác chết của họ trôi khắp bãi bờ các quốc gia khác.

Với dân chúng trong nước, giờ đây họ thôi là nhà cầm quyền vĩ đại. Bởi sự thoát đồng đã xảy ra từ rất lâu, họ thôi là thượng đế và dân chúng thôi là những con nộm bị điều khiển bằng thứ tôn giáo do kẻ cầm quyền sáng tác. Dân chúng đã nhìn rõ bản mặt của họ: những con vật đi bằng hai chân, những con vật tham tàn, những con vật đang run sợ vì sự tham tàn của chúng không còn được bóng tối che đậy.

Nhà cầm quyền Hà Nội lúc này chỉ còn tin vào nòng súng. Nhưng bất kì kẻ cầm súng nào cũng có lúc chết vì chính thứ vũ khí mà họ sử dụng. Bởi vì, chẳng có thứ vũ khí nào tự động nhả đạn. Vũ khí nào cũng cần bàn tay của con người, dù là bàn tay bấm nút chiến tranh hạt nhân hay bàn tay cầm dao găm, súng lục. Khi con người đã nhìn rõ sự thật, khi họ không còn bị huyễn hoặc bởi các trò mị dân, khi họ hiểu họ là ai và họ có thể làm chủ số phận của họ bằng cách nào, lúc ấy, các nòng súng sẽ đổi hướng.

Tiếng nhạc ầm ĩ trong ngày hội “Ngàn năm Thăng Long” hẳn đã át đi tiếng nức nở của trên năm mươi gia đình nạn nhân chết vì bão lụt ở miền Trung. Các quan chức Hà Nội không bỏ ra một nửa giây để tưởng niệm những kẻ xấu số. Họ quên. Cũng như họ đã từng quên những người dân đánh cá tỉnh Thanh bị giặc Tầu giết ngoài khơi, như họ quên các chiến sĩ đã bỏ mình trên biên giới vào cuộc chiến tranh năm 1979…

Họ quên và họ quên. Vậy họ nhớ điều gì?

Khi con gái họ có nhu cầu mua một chiếc váy cưới xấp xỉ 200.000 euros tại đại lộ Champs Elysées thì họ phải nghĩ cách làm đầy thêm các ngân khoản ở ngân hàng ngoại quốc. Khi nhân tình của họ cần chiếc xe hơi sang trọng như xe của cô Hồ Thu Hồng thì họ phải nghĩ cách để kiếm cho bằng được chiếc xe ấy, để nàng khỏi tủi thân vì kém chị kém em. Khi ngôi lầu của họ chỉ đáng giá hai triệu đô la mà của kẻ khác giá gấp đôi thì họ phải tìm cách đuổi kịp và vượt hắn. Đó là mối quan tâm cốt lõi của giai cấp tư sản đỏ Việt Nam giờ đây, cái guồng quay cũ kĩ của đám mới giầu.

Ai đó từng nói câu này: “Trong giai đoạn tích luỹ tư bản, giai cấp tư sản có thể giết chết cha đẻ của họ để có tiền”.

Giai cấp tư sản đỏ Việt Nam cũng có chung một trạng thái tâm lý đó: khát tiền, làm mọi thứ để có tiền, bất kể phương tiện nào, dù đó là tội ác. Nhưng tư sản đỏ Việt Nam không cần giết bố, bởi họ có một đối tượng khác dễ giết hơn nhiều: dân đen. Họ không cần đốn ngã kẻ sinh thành bởi có thể hút máu dân đen một cách thoả thuê, vừa thoả mãn cơn khát tiền lại vừa yên ổn lương tâm vì không mắc tội giết cha.

Lấy ví dụ về tập đoàn Vinashin. Mua một vỏ tầu cũ nát, đáy nứt, không thể vận hành, lấy sơn quét lên rồi rút hàng triệu đô la trong công quỹ. Hàng triệu đô la ấy quan lớn bỏ túi, còn con tầu “bãi rác” sơn bóng loáng kia được đặt trên đất liền để làm “hiện vật bảo tàng”.

Nghe tưởng như chuyện đùa. Nghe như tiếu lâm. Thứ tiếu lâm cười ra nước mắt. Chỉ có ở Việt Nam, nơi kẻ cầm quyền coi dân là lũ trâu bò, mới dám làm điều ngang ngược đó. Chỉ có ở xứ Việt Nam, khi tất cả các cuộc kí kết, thương thuyết của chính phủ đều diễn ra trong bóng đêm và dân chúng không được quyền biết đến mới có thể xảy ra hiện tượng này.

Lấy ví dụ thứ hai: các vụ buôn người. Dưới chế độ độc đảng, độc tài, ai có thể làm được điều này nếu không là chính các thành viên trong chế độ ấy. Tại sao lại buôn người? Vì buôn người thu lời nhanh nhất, mà vốn đầu tư coi như zero nếu có quyền hành. Cho nên, buôn người là nghề mới của đảng cộng sản Việt Nam, đảng thừa thãi quyền hành vì không có đối trọng.

Đã là lái buôn, ắt phải tham. Lòng tham mà không bị điều tiết bởi các điều luật thì nó sẽ phát triển vô cùng tận. Do đó, món hàng hoá có tên gọi là “dân đen” của các quan chức Việt Nam sẽ được khai thác tối đa để làm đầy túi các bậc trị vì dân. Khi đã coi dân chúng là hàng hoá, ắt người cộng sản phải tìm mọi cách để đám dân đen trở thành vật vô tri, tức là các công cụ, thứ công cụ này có chức năng sản xuất nhưng phải câm và phải điếc. Khi mà các công cụ dân đen không chịu nổi đàn áp, buộc mở mồm thì lập tức họ có cách để bắt nó phải câm. Vũ khí đó có tên gọi “chuyên chính”, bộ máy đàn áp trứ danh lâu nay.

Hãy đọc báo Công an nhân dân đưa tin về vụ xử ba thanh niên sáng lập công đoàn Tự do ngày 27 tháng 10 năm nay:

“Được Trần Ngọc Thành, kẻ cầm đầu Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam đưa Hùng, Hạnh sang Malaysia đào tạo, huấn luyện, rồi từ ngày 28/1 đến ngày 9/2/10, Trần Ngọc Thành đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương thực hiện các vụ kích động biểu tình, rải truyền đơn ở Trà Vinh, Đồng Nai, Tp HCM, nội dung kêu gọi người dân chống lại Đảng, Nhà nước, kêu gọi đấu tranh để đòi dân chủ; lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân ở một số khu công nghiệp để tổ chức tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp…”

Thứ nhất, tác giả bài báo này quên rằng “Kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp” là đích xác các hành động của người cộng sản Việt Nam những năm trước cách mạng. Các hành động này cũng đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi giai cấp lao động không chịu nổi sự áp bức và bóc lột của đám chủ nhân. Các phản ứng tiêu cực này chỉ xảy ra khi sự thoả thuận giữa người làm công với kẻ trả công bị vi phạm và cuộc sống của người lao động bị đe doạ.

Phải chăng tác giả bài báo này cho rằng chỉ riêng đảng cộng sản vĩ đại của ông ta là được quyền sử dụng chiêu thức ấy còn những người khác thì bị cấm vì họ không được là người mà chỉ là thứ phẩm của người, tức “dưới người”, nói cách khác: “người vượn Néandertal”?

Thứ hai, câu “lợi dụng các vấn đề thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân…” chỉ là lối mỹ từ hoá sự vật. Nói một cách xác thực và dân giã, hiện nay các quan lớn cộng sản Việt Nam đang thực thi chính sách “bòn nơi khố quạnh, đãi nơi quần hồng”.

Tại sao lại “bòn nơi khố quạnh”? Vì ngu, vì tham, vì trước ngoại nhân thì dốt nát và khiếp nhược nên các quan lớn chỉ có lối kiếm tiền dễ nhất là bóc lột đồng bào mình, những người không có phương tiện để tự bảo vệ, những kẻ bị hà hiếp, bị tê liệt cùng một lần vì đói nghèo và sợ hãi.

Tại sao lại “đãi nơi quần hồng”? Vì người cộng sản lúc này thôi còn là cộng sản, họ đã trở thành đám tư sản dù vẫn giữ vẻ mặt ngô nghê và bộ điệu lố bịch của kẻ cách đây chưa lâu còn lo le sợi dây giong lợn giống hoặc lúc lắc cái ống bơ đựng xu lẻ ăn mày. Khi đã đổi vai thì họ phải bám vào cái giai cấp tương lai của họ, giai cấp mới này chính là đám quần hồng, thế nên họ phải đãi đám quần hồng để còn kiếm chác phần đường mật trong đũng cái quần hồng ấy.

Sự thật đơn giản, nếu người ta nhìn thẳng vào nó.

Đám cầm quyền hôm nay đã rơi từ đỉnh cao của sự “kiêu ngạo cộng sản” xuống vũng bùn của “các con lợn truỵ lạc phương Tây” mà trước đây họ thường sa sả chửi rủa, họ đang sống xả láng trong cảnh phồn vinh mà trước đây họ mỏi mồm lên án. Nói tóm lại, họ đang là thứ “khỉ khoác quần áo”, thứ “nhặt cái đuôi của bọn tiểu tư sản cắm vào lỗ mồm” như ông tổ hói đầu Lenin của họ từng cảnh báo trước đây.

Trong cuộc sống tối tăm, nhục nhằn của người nô lệ, các anh hùng đánh đuổi ngoại xâm chính là các bậc thánh sống, được tôn trọng, thần phục, ngưỡng mộ, và có toàn quyền trở thành các nhà sáng lập triều đình.

Nhìn lại lịch sử, ta dễ dàng chiêm nghiệm điều đó. Phải chăng triều Lý, triều Trần, triều Lê, triều Tây Sơn Nguyễn Huệ đều được khởi dựng sau các chiến thắng lẫy lừng chống kẻ xâm lăng? Ngoại trừ Đinh Bộ Lĩnh là viên tướng phất cờ khởi nghĩa dẹp loạn sứ quân, thống nhất đất nước, nói một cách dễ hiểu là viên tướng duy nhất xây dựng triều đình khi chiến thắng các cuộc nội chiến phân quyền, còn lại, những gương mặt sáng chói trong lịch sử đất Việt đều là những anh hùng chống Tầu và chống Nguyên – Mông. Các triều vua này từng tuyên bố “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.

Và cuộc sống mái của họ là giành mục đích người Việt Nam là người Việt Nam, dẫu áo vải quần thâm nhưng đàn ông nhất quyết không cạo trọc, tết sam như gã A.Q, đàn bà không bó chân như các mợ Tầu.

Tuân theo logic ấy, triều cộng sản được hình thành là nhờ nó có công trong cuộc cách mạng chống giặc Tây. Và người ta còn khoan dung cho nó là vì tính đến cái công ấy, cái công “dành độc lập dân tộc”, cái khả năng nối tiếp truyền thống của các Vua nước Nam nhất thiết phải ở đất nước Nam, coi sự tồn tại của non sông quý hơn tròng mắt của chính họ.

Cái tinh thần bất khuất ấy, còn hay chăng?

Còn hay chăng, tinh thần dân tộc của những người đã đổ máu để cắm ngọn cờ hồng lên thành Hà Nội sáu mươi lăm năm trước, những cảm tử quân đã ôm bom ba càng vào mùa đông năm 1946 với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”?

Nếu những anh hùng vô danh ấy có linh hồn, hẳn các linh hồn ấy giờ đây đang nức nở.

Nếu những hiển linh của các vua xưa có thể cất lời, thì lời đầu tiên họ nói sẽ là “Lũ người này đã phản bội lại dân tộc, bọn sâu bọ này đã bôi nhọ mặt chúng ta!”

Ngày Hội Ngàn năm Thăng Long diễn ra vào đúng ngày 1 tháng 10, thằng mù cũng biết đó chính là ngày Quốc khánh Trung Quốc. Tại sao lại là con số này? Tại sao có sự lựa chọn này? Vô ý chăng? Nhầm nhỡ chăng? Mất trí nhớ chăng?

Cứ coi như Bộ trưởng Bộ Văn hoá dốt nát thì trên đầu ông ta còn mười một người trong bộ chính trị. Không lẽ cả mười một người này mắc chứng mất trí nhớ? Không lẽ cả mười một người này mắc bệnh thiểu năng?

Nếu để cho mười một kẻ thiểu năng đứng trên đầu trên cổ mình thì dân Việt xứng đáng là các bệnh nhân của trại tâm thần, một trại tâm thần khổng lồ chưa từng thấy mà trong đó các con bệnh bị tiêm thuốc ngủ liều cao liên miên nên đờ đẫn, không còn khả năng nhận thức sự vật xung quanh. Nếu không, họ đã bị bán đứng cho Tầu, và tương lai của họ, một tương lai không tránh được sẽ là bản sao lại sầu thảm của những người dân Tây Tạng hoặc Tân Cương một khi họ bó tay trước lũ bán nước.

Chọn ngày Quốc Khánh Trung Quốc để mở hội Ngàn năm Thăng Long là một biểu tượng hai mặt.

1. Với triều đình Bắc Kinh chính phủ Hà Nội đã làm bản tuyên bố: Thành Thăng Long cũng chỉ là một bộ phận trong lịch sử mẫu quốc, nó phải được treo đèn kết hoa cùng một lần với đèn hoa của thủ phủ đại triều. Một khi thủ đô của một quốc gia đã định vị như vậy, có nghĩa quốc gia ấy tự xác nhận danh tính chư hầu một cách công khai. Sự kiện này là bản giao kèo bộc lộ lòng trung thành vô hạn và vô điều kiện của đám hàng thần Hà Nội.

2. Với dân chúng, đây cũng là lời tuyên bố thẳng thừng: Chúng tao bất chấp lịch sử, chúng tao có toàn quyền định đoạt vận mệnh đất nước. Kẻ nào chống lại, kẻ đó sẽ bị tiêu diệt.

Chọn ngày quốc khánh Trung Hoa để mở hội Ngàn năm Thăng Long là bằng chứng hiển nhiên để mảnh vải rách cuối cùng che thân chế độ cộng sản rơi xuống. Họ đã trở thành kẻ bán nước, công khai hoá hành vi bán nước của mình.

Nếu như năm 1945, cha anh họ là các anh hùng giải phóng dân tộc thì giờ đây, trái lại, họ là những tên phản tặc, sỉ nhục của tổ tiên, chẳng những cắt đất, cắt biển dâng cho giặc mà còn đương nhiên ném bùn lên lịch sử. Người Việt Nam ta có câu “hổ phụ sinh cẩu tử”. Mà bọn người này, không những là những con “cẩu tử” mà còn là “cẩu ghẻ”, “cẩu sida”.

Những người cầm quyền Hà Nội thừa thông minh để hiểu rằng họ là những con cẩu ghẻ. Rằng trong dòng máu của bất cứ người Việt nào cũng lưu cữu một thành tố có tên gọi “chống ngoại xâm”, mà thứ ngoại xâm thống trị lâu dài nhất, tàn độc nhất, để lại các kinh nghiệm đau thương sâu đậm nhất trong kí ức là “giặc phương Bắc”.

Cuộc thực dân hoá của Pháp 100 năm chỉ là cơn bão chóng qua so với thời kì bắc thuộc của giặc Tầu. Họ biết rằng bất cứ kẻ nào phản lại truyền thống đấu tranh dân tộc, kẻ đó mất chỗ đứng trong lòng dân chúng. Ngày hôm trước còn được tung hô hoàng đế, hôm sau đã biến thành “Thằng chó săn, thằng phản tặc, phường bán nước”.

Đó là trường hợp vua Lê Chiêu Thống đã phải chịu do hành vi bán nước của ông ta. Còn câu ca “Nguyễn Ánh cõng rắn về cắn gà nhà” mãi mãi là bài học lịch sử tố cáo tội ác của kẻ đặt lợi ích dòng họ trên quyền lợi dân tộc. Giờ đây, nhà cầm quyền Hà Nội biết rằng họ đã bị đẩy sang bên kia đường biên, họ rơi vào cùng một bè lũ với Lê Chiêu Thống và Nguyễn Ánh. Để đặt tên cho họ một cách rõ ràng và chính xác, tôi xin nhại lại câu “cõng rắn về cắn gà nhà” của các cụ xưa mà rằng nhà cầm quyền Hà Nội giờ đây là bọn “dẫn hổ về thịt dê nhà”

DẪN HỔ VỀ THỊT DÊ NHÀ.

Tại sao lại là hổ và dê?

Hổ, vì vương triều phương Bắc bây giờ mạnh hơn thực dân Pháp năm xưa nhiều lần, để so sánh một cách chính xác thì phải dùng hình ảnh con hổ chứ không thể là con rắn.

Dê, vì nhìn lại bản đồ, bạn đọc sẽ thấy rằng toàn bộ bán đảo Đông Dương có thể ví như một con dê mà Tây nguyên chính là phần sống lưng con dê đó. Một khi con hổ Trung Hoa cắm được móng vuốt lên chính giữa lưng con dê này, coi như số mạng con dê đã nằm trong hai hàm răng của nó.

Đế quốc Trung Hoa sẽ trải rộng khắp châu Á. Việt, Miên, Lào sẽ trở thành các tỉnh thành khác nhau của Trung Hoa, “công đầu” này thuộc về ai nếu không là nhà cầm quyền Hà Nội, kẻ dựng lên công trình bauxite Tây nguyên?

Bauxite ư? Trò lừa đảo!

Thiếu gì các quặng bauxite rải rác khắp miền Bắc Việt Nam, tại sao không là Lào Cai, Yên Bái hay Cao Bằng mà lại là Tây Nguyên? Vả chăng, khai thác bauxite để làm gì? Kiếm tiền chăng? Dối trá! Biết bao bài báo đã phân tích chán chê lợi hại về khai thác bauxite, kể cả các tài liệu trên thế giới cũng công bố rộng rãi tác hại của nó, mà vụ gần đây nhất là Vùng bùn đỏ Hungaria. Còn có thể nói thêm được điều gì khi mà sự bán nước hiển nhiên đã bầy ra trước mặt dân chúng, giữa thanh thiên bạch nhật?

Nhà cầm quyền Hà Nội hoàn toàn có ý thức về hành vi bán nước của họ, bởi con tính của họ là trở thành một thứ “Thái thú Tô Định hiện đại”, được hưởng đủ phần xôi thịt của Bắc triều.

Còn Việt Nam biến thành một tỉnh nào đó của Trung Quốc, mang tên Quảng Việt, Quảng Nam, Quảng Lạc… họ không cần quan tâm. Họ biết rõ rằng hành động của họ là đi ngược lại lợi ích của nhân dân, biết rằng không người Việt nào cam tâm làm nô lệ cho Tầu, rằng kinh nghiệm đau đớn của tổ tiên luôn luôn sống trong ý thức lẫn vô thức dân tộc, thế nên họ chủ trương đàn áp dân chúng, họ chủ trương dùng bàn tay sắt để bóp nghẹt cổ những ai muốn nói lời phản kháng. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2009, thứ trưởng bộ nội vụ Nguyễn Văn Hưởng tức Trần đã công khai dọa nạt những người trí thức Việt Nam vào dịp viện IDS của tiến sĩ Nguyễn Quang A tuyên bố giải tán.

Ông nghị Trần nói rằng “Ở Việt Nam đảng độc quyền lãnh đạo nên không thể có phản biện. Phản biện tức là phản động. Các anh muốn phản biện hả? Nhà tù đang còn nhiều chỗ lắm. Nhưng chúng tôi cũng không cần đến nhà tù, chúng tôi có các phương tiện hữu hiệu hơn. Tai nạn xe cộ bây giờ tổ chức rất dễ dàng. Còn một biện pháp rẻ hơn và nhàn nhã hơn: đầu độc. Các anh uống cà phê rồi khi về đến nhà thì cứng đơ ra mà chết. Những bài bản này thế giới sử dụng đã lâu, chúng tôi cũng không thua kém họ…”

Những lời lẽ này nói lên điều gì nếu chẳng phải sự công khai triệt để của tính tội phạm và tư cách chó? Một chính thể không còn lý do chính đáng để tồn tại thì chỉ có thể duy trì bằng bạo lực, chỉ có thể sử dụng bọn tội phạm, bọn sát nhân, bọn cặn bã xã hội, tóm lại, bọn chó giữ nhà. Không còn lý tưởng, không còn đạo đức, ngập chìm trong tham lam, truỵ lạc, con người trượt từ chữ NGƯỜI sang chữ CON.

Vào những năm 1889, 1990, tôi có vinh hạnh làm quen và gặp gỡ ông Lê Giản, người công an đầu tiên của Việt Nam, người lãnh đạo bộ máy cảnh sát từ những năm đầu cách mạng. Ông Lê Giản đích thực là “Người công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, do dân và vì dân”.

Tôi hiểu vì sao cuộc kháng chiến thành công. Kháng chiến thành công vì có những người như ông Lê Giản.

Nhưng ông Lê Giản đã chết và “Người công an nhân dân” cũng đã chết theo. Cái chết này xảy ra từ từ với thời gian, một cái chết âm thầm, nhưng không phải là vô hình vô ảnh.

Tôi chứng minh:

Cách đây ngót ba thập kỉ, khi những lượt hoa quả đầu tiên từ phương bắc tràn vào nước ta, các phòng phân tích thuộc Bộ Nội vụ đã báo cáo lên bộ chính trị rằng các thứ hoa quả này đều tẩm formaldéhyde (thuốc ướp xác chết) vô cùng độc hại cho người tiêu dùng vì nó phá huỷ mô liên kết của các tế bào và là tác nhân gây ra bệnh ung thư.

Bộ chính trị ra lệnh cấm phổ biến sự thực trên vì “sợ mất lòng nước bạn”. Các sĩ quan công an chỉ có thể ngăn cấm chính vợ con họ và rỉ tai những người thân cận nhất (anh em ruột, cha mẹ vợ chẳng hạn), đối với người ngoài, họ tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Tuyệt đối im lặng. Tuyệt đối thản nhiên nhìn đồng bào mình ăn thứ đồ ăn nhiễm độc, biết chắc chắn rằng ngày một ngày hai họ sẽ ung thư và sẽ chết vì bệnh đó.

Tính kỉ luật của đám sĩ quan này mới cao thượng làm sao(!) Và cao thượng làm sao, những kẻ ngồi quanh bàn họp bộ chính trị, những bậc lương đống của triều đình, chịu trách nhiệm chăn dắt dân đen, đàng hoàng ra lệnh cấm rò rỉ sự thật vào tai dân chúng, bỏ mặc mấy chục triệu người bị đầu độc và chết dần chết mòn!

Đối với tôi, con đường bán mình cho giặc của chế độ Hà Nội đã khởi sự từ ngày ấy. Và ngày ấy cũng là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến chất lượng này: từ người công an nhân dân, công an đã trở thành kẻ quay lưng lại với nhân dân.

Ba thập kỉ đã qua, những kẻ quay lưng lại với nhân dân đã trượt không ngừng trên con dốc, để trở thành kẻ thù của nhân dân.

Bây giờ, gương mặt nào là gương mặt đích thực của công an? Người hùng bảo vệ dân hay đám chó giữ nhà cắn cổ dân để bảo vệ ông chủ của nó?

Hãy xem lại các hình ảnh đưa lên internet năm 2008 về vụ nông dân bị cướp đất biểu tình ở Sài Gòn. Những người dân cầy gầy gò xơ xác, đa phần là người già và phụ nữ, từ các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An, Bình Thuận đổ đến trước văn phòng Quốc hội 2 với các khẩu hiệu “Trả đất cho dân”, “Chống cửa quyền, tham nhũng”. Những người dân ấy đã bị đám công an và dân phòng béo múp vì bia rượu, mặt hằm hằm sát khí đối xử ra sao? Mấy thế kỉ đã qua nhưng hình ảnh bọn người này vẫn là bản sao chính xác bọn nha lại mà Nguyễn Du đã mô tả trong Truyện Kiều: “Đầy nhà một lũ ruồi xanh”“Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.

Gần đây nhất, hãy nhìn hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Quang, một giáo dân ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai vì tham gia đấu tranh cho dân chủ mà bị công an Đà Lạt ba lần tổ chức tai nạn xe cộ để kẹp suýt chết.

Tôi tự hỏi, có lúc nào những người công an này tự vấn lương tâm? Tại sao họ không dùng sức lực, dùng khả năng hung bạo mà họ sẵn có để giết những tên giặc Tầu, lũ dã nhân tàn sát những người dân đánh cá Thanh Hoá?

Nếu là những người mà nghề nghiệp đặt trên bạo lực, bản năng hiếu chiến mạnh mẽ, tại sao họ không dùng khả năng đó để tiêu diệt ngoại xâm mà lại đi đàn áp những sinh viên yêu nước biểu tình đòi Trường Sa, Hoàng Sa trước sứ quán Tầu? Tại sao? Vì họ thiếu trí khôn hay vì họ là những kẻ mù loà, óc não bị khô cứng trong một cuộc sống mà ngoài việc tuân theo mệnh lệnh cấp trên không còn khả năng nghĩ đến điều gì khác ?

Vì chưa từng là công an, nên tôi dành những câu hỏi ấy cho họ trả lời. Tôi chỉ nêu lên nhận xét thứ hai, nhận xét khi tôi nhìn tấm ảnh đoàn biểu tình đòi mạng người xảy ra tại thị xã Bắc Giang ngày 25 tháng 7 năm nay.

Nhiều người biết rằng, ngày 23 tháng 7, hai công an huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang đã đánh chết anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, quê quán tại huyện Việt Yên vì tội danh không đội mũ bảo hiểm. Ngày 25 tháng 7, gia đình anh Khương đã chở xác chàng trai này lên thị xã Bắc Giang đòi đền mạng. Dân chúng xông lên ủng hộ gia đình nạn nhân, con số lên đến hàng ngàn người, làm thành một cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có trong lịch sử tỉnh Bắc Giang, mà theo bài phỏng vấn, các cụ già đã nói rằng còn đông hơn ngày theo Việt Minh cướp chính quyền năm Ất dậu.

Trong sự kiện này, tôi chú ý đến một chi tiết: công an đưa xe cứu hoả mang vòi rồng đến trấn áp dân chúng, nhưng trước khí thế căm hờn của đám đông, công an bỏ chạy, hàng chục người dân trèo lên xe đứng. Hiện tượng đó chứng tỏ không phải lúc nào công an cũng tê liệt vì mù loà, luôn hành động như đám robot hoặc lũ chó berger. Trong lúc nguy khốn, họ đã tính toán và đã chọn con đường bỏ chạy để thoát thân.

Có lẽ, con tính của họ cũng đơn giản thôi. Không phải công an nào cũng phú quý vinh hoa như ông nghị Nguyễn Văn Hưởng. Đa phần những người lính quèn chỉ đủ sức nuôi một vợ thôi mà để nuôi cô vợ này với hai, ba đứa con kèm theo cuộc sống của họ cũng không phải là “thiên đường nơi hạ giới”. Nếu máu đổ ra mà chỉ để bảo đảm cuộc sống ấy thì đó là một cuộc đổi chác ngu xuẩn. Thêm nữa, lớp lính bây giờ tương đối trẻ, họ biết chữ nên không hoàn toàn bị bưng bít thông tin, họ hiểu được số phận của đám công an ra sao khi các cuộc cách mạng dân chủ xảy ra ở Nga, ở Tiệp, ở Hung, ở Đức, và ở Ukraina mới rồi.

Thêm nữa, dù hổ thẹn hay cố tình bưng bít lương tâm, nơi thầm kín nhất của con tim, họ cũng hiểu rằng chết vì một lý tưởng cao cả thì đó là cái chết xứng đáng không làm hổ thẹn cho con cháu, chết chỉ vì miếng cơm thì đó là cái chết của con chó gác sân mà khi dân chúng nổi lên, họ sẽ lấy bắp cầy phang vỡ sọ hoặc dùng câu liêm cắt cổ.

Khi lòng dũng cảm và tinh thần hào hiệp không còn nữa, cái còn lại là sự tính toán vị kỉ của mỗi con người. Sự vị kỉ này cũng có mặt tốt của nó, nó là rào cản để chủ nghĩa cuồng tín không thể đặt chân vào mảnh sân của mỗi căn nhà.

Một người công an, nếu chưa mất toàn bộ sự sáng suốt, ắt phải biết tính toán họ được bao nhiêu và mất bao nhiêu, liệu số lương bổng họ được có trang trải nổi phần tiêu phí cho đám tang của họ và nuôi nổi cô vợ với lũ con còn lại, hay sự hy sinh của họ chỉ để làm nặng thêm túi tiền các quan lớn, khiến các quan thêm rửng mỡ để đi hiếp trẻ con (như ông chủ tịch kiêm phó bí thư tỉnh Hà Giang tên Nguyễn Trường Tộ và các ông khác chưa bị lộ mặt), hay máu họ đổ xuống chỉ để đổi lấy các hộp kem đắt tiền nhằm bổ dưỡng làn da mịn màng cho các mỹ nhân của quan lớn (như đám mèo cái đang vờn quanh rốn ông nghị Nguyễn Văn Hưởng)? Vân vân và vân vân…

Sự tính toán luôn có lợi cho con người. Bởi thánh nhân thường hiếm mà kẻ trục lợi thường nhiều nên không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều xả thân vì đất nước. Tuy nhiên, nếu không là thánh nhân thì họ cũng là dân Việt. Là dân Việt, họ phải hiểu rằng truyền thống chống Tầu là dòng máu sôi sục liên tục chảy trong tim dân tộc này. Bất cứ kẻ bán nước nào, sớm hay muộn, trước hay sau cũng sẽ nằm trước mũi súng của nhân dân.

Dân Việt!

Ai là dân Việt?

Phải chăng đó là tộc người duy nhất trong hàng trăm tộc Việt (Bách Việt) xưa kia sống ở phía nam sông Dương Tử còn giữ lại được bản sắc mà chưa bị đồng hoá như chín mươi chín tộc Việt kia?

Phải chăng vì sự cứng đầu này mà đất Việt luôn luôn là con mồi trong tâm thức Bắc triều?

Ngoài các lý do về nhu cầu bờ biển với các hải cảng, nhu cầu khoáng sản, còn một nhu cầu thầm kín nữa mà quan lại phương Bắc không nói ra, đó là nhu cầu đồng hoá nốt cái phần còn lại của Bách Việt.

Niềm kiêu hãnh Đại quốc là ở đó. Mối bực mình của Đại quốc cũng là ở đó. Một khi họ đã thâu tóm, đã chiếm lĩnh, đã áp đặt nền văn hoá và chữ Hán lên chín mươi chín tộc Việt kia, lẽ nào còn cái tộc cuối cùng họ phải chịu thua? Ở thế thượng phong mà mấy ngàn năm nay chưa nuốt trọn hòn xôi Việt Nam, mảnh đất cỏn con, dường như là một “vết thương lòng, một sự tự ái” mà vua chúa Trung Hoa không chịu được.

Cách đây vài năm, ai đó từng nói với tôi rằng “Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch là địch thủ, nhưng về chính sách đối với Việt Nam thì bọn họ sẽ ngồi cùng một bàn”.

Đó là một nhận định sáng suốt.

Năm trước, ông bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra dư luận xem bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ xâm chiếm Việt Nam. Theo công bố của ông ta thì con số này lên đến trên 90%. Cứ cho rằng Trung Quốc là một nước cộng sản nên dân chúng còn sợ hãi, họ phải tuân theo thượng cấp nên có thể trừ đi 20 phần trăm, phần còn lại vẫn là trên 70 phần trăm. Và điều này là sự thật không ai có thể chối bỏ.

Năm nay đã là năm 2010, thế kỉ 21, Trung Quốc không còn sống dưới vương triều họ Mao, không còn phải đổi xác người thân cho nhau để chén thịt. Kinh tế phát triển, các phương tiện kĩ thuật phát triển, trình độ văn hoá được nâng cấp, sách báo lan tràn trong các đô thị, không thể cho rằng dân Trung Quốc hoàn toàn bị dắt mũi bởi họ ngu dốt, bởi thiếu thông tin, bởi sợ hãi nhà cầm quyền, ngược lại, họ đang dương dương tự đắc vì là dân của Cường quốc số 2 trên thế giới. Vậy thì, cái “hòn xôi Việt Nam chưa nuốt được” kia không chỉ làm ngáng họng đám cầm quyền mà cũng còn làm ngứa ngáy cổ họng vô số dân đen phương Bắc, một mặc cảm có mẫu số chung.

Vì lý do nào mà bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc làm cuộc điều tra này? Đó là một trò chơi ngẫu nhiên hay là sự thăm dò có chủ định?

Vì lý do nào mà trên các site internet Trung Quốc tung ra hàng loạt bài chửi bởi, nhục mạ “lũ chó Việt Nam, phải đánh bọn chúng. Lũ chó Việt Nam, lần này chúng ta sẽ thanh toán lịch sử”, và công bố một cách chi tiết chương trình thôn tính Việt Nam trong ba mươi mốt ngày, phần còn lại của bán đảo được quy định là một tuần, tóm lại là chương trình con hổ Trung Quốc nuốt trọn con dê Đông Dương?

Liệu nhà cầm quyền phương Bắc có thể ngang ngược làm những điều ấy chăng nếu như chính quyền Hà Nội còn là một chính quyền độc lập mà không tự nguyện biến mình thành đám gia nô cho vương triều Đại Hán?

Tôi dành những câu hỏi ấy cho bạn đọc trả lời.

Tôi chỉ xin nhắc họ rằng, chúng ta là tộc người cuối cùng sống sót mà không bị đồng hoá thành người Hán. Tổ tiên chúng ta đã đấu tranh không mệt mỏi để chống lại sự áp đặt của Bắc triều, bởi họ đã nhìn thấy sự đánh mất bản diện, sự lụi tàn của 99 tộc Việt kia.

Để tồn tại và được là chính mình, tổ tiên ta vừa chống chọi vừa lùi xuống phương Nam. Lịch sử của dân tộc Việt tóm gọn trong câu này: “Nam tiến”!

Nam tiến, nam tiến và nam tiến!

Cuộc Nam tiến thứ nhất khởi sự dưới triều Lê, từ năm 1428 đến năm 1527. Kể từ đây, cuộc khai khẩn và chinh phạt tiếp tục không ngưng nghỉ. Từ Thăng Long các đoàn quân xưa vượt qua đèo Ngang, sau lưng họ là những đoàn nông dân và thợ thủ công vào phá rừng, bạt núi, kiến tạo ruộng đồng và lập làng xây ấp. Rồi tiến đến châu Ô, châu Rí. Rồi, từ đèo Ngang vượt qua đèo Hải Vân là chặng đường thứ hai. Cứ thế mà hành trình này tiếp tục cho đến mũi Cà Mau.

Nam tiến, đó là sự nghiệp dựng nước của tổ tiên ta.

Bây giờ, chúng ta không còn cơ hội để tiếp tục sự nghiệp của họ. Chúng ta không thể Nam tiến. Trước mặt chúng ta đã là biển. Chúng ta tiến đi đâu?

Người Việt chỉ còn cách tồn tại cuối cùng là giữ lấy đất đai, đất đai ấy là xương máu của cha ông ngàn đời tích tụ lại, đất đai ấy là nơi cắt rốn chôn rau nhưng cũng là thành luỹ mà họ có thể nương tựa vào để duy trì cuộc sống cho mình và cho các thế hệ mai sau.

Để giữ được non sông, để có thể là người Việt mà không trở thành đám thiểu số khiếp nhược của một vương quốc khác, chúng ta không thể tiếp tục dung dưỡng một chính quyền bán nước, một chính quyền đã ngang nhiên cắt đất, cắt biển cống cho phương Bắc, đã nhục nhã biến ngọn cờ Thăng Long ngàn năm thành một mảnh vải vụn xén ra từ cái váy hồng Bắc Kinh. Chúng ta không thể bảo vệ được Tổ quốc nếu tiếp tục nuôi giữa lòng dân tộc mình một con rắn độc, cũng như Vua Triệu Đà xưa đánh mất non sông vì trót đẻ ra và trót yêu thương đứa con gái phản tặc có tên là Mỵ Châu. Với tất cả các hành vi nhục nhã mà họ đã làm, chế độ Hà Nội giờ đây đã chính thức trở thành một thứ Mỵ Châu.

Tuy nhiên, Mỵ Châu xưa là một người đàn bà xinh đẹp nhưng ngu dốt, kẻ luỵ tình nông nổi nên tội bán nước của cô ta còn được người đời khoan dung. Tại đền thờ Cổ Loa có hai tượng đá, tượng đá ngoài sân là biểu tượng Mỵ Châu nằm gục mặt xuống đất mà bất cứ ai đi qua cũng phải đạp một cái lên lưng và nhổ một bãi nước bọt để trừng phạt “con Mỵ Châu bán nước”. Còn tượng đá trong đền, tựa như một người đàn bà cụt cổ phủ vải đỏ thì lại được hương khói do lòng đồng cảm với “Mỵ Châu khờ dại và lụy tình”.

Dân Việt vốn không cuồng tín, họ phân biệt rõ ràng mọi sự, bên kia chữ lý còn đọng chữ tình.

Nhưng nàng Mỵ Châu ngây thơ, khờ dại đã chết từ mấy ngàn năm trước, còn chính quyền Mỵ Châu bây giờ không một chút khờ dại mà cũng chẳng luỵ tình ai, nó chỉ luỵ cái túi tiền của chính nó. Mọi tính toán của nó chỉ nhằm tu tạo, xây đắp quyền lợi bản thân, cũng như con thú chỉ có một đam mê duy nhất là liếm cho mượt bộ lông của chính nó mà thôi.

Mỵ Châu ngày nay là một con đĩ già trơ trẽn, trần truồng nằm dạng háng sẵn cho phương Bắc.

Người dân Việt phải chém cụt đầu con đĩ ấy, trước khi nó kịp trao hết nỏ thần vào tay giặc nếu chúng ta không muốn lặp lại số phận bi thảm của ông vua Triệu Đà.

Dân tộc Việt không thể làm được điều ấy, nếu quân đội không đứng lên cùng với họ.

Quân đội, những người lính của nhân dân, các anh còn ngủ đến bao giờ?

danluan008_0.jpg
Binh lính của đoàn B80 pháo binh
Nguồn: quansuvn.net

Dương Thu Hươngviết riêng cho DCVOnline

© DCVOnline

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7992

Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng – phần 1: Lợi quyền

Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng – phần 2: Sợ hãi

———————————————————————————————————————————————————————————————————–

Chợ trên mọi miền đất nước

This slideshow requires JavaScript.

——————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Thúy Quỳnh: Ngôi sao dương cầm gốc Việt tài năng

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, nghệ sĩ dương cầm cổ điển người Việt từng được tạp chí âm nhạc Musical America bình chọn là một trong 19 ngôi sao dương cầm trẻ tuổi, tài năng.
Tại buổi biểu diễn ở thủ đô Washington, nghệ sĩ Thúy Quỳnh đã trình bày nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng Việt Nam như Tôn Thất Tiết, Vũ Nhật Tân… và các tác phẩm của các soạn giả nước ngoài.

Ngày 19/11 tới, nghệ sĩ Thúy Quỳnh sẽ biểu diễn tại thành phố New York cùng nghệ sĩ vĩ cầm Tăng Thành Nam. Trước đó, tối 10/11, ngôi sao dương cầm cổ điển này đã có buổi biểu diễn tại thủ đô Washington, do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Viện Smithsonian (tổ hợp các viện bảo tàng và tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới bao gồm 19 bảo tàng, 9 trung tâm nghiên cứu và Vườn thú Quốc gia Mỹ) tổ chức trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nhiều giải thưởng danh giá

Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đã lưu diễn khắp thế giới, như: Mỹ, Đức, Hungary, Thụy Sĩ, Úc, Pháp… và nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Artist International Presentation, Bellflower Orchestra, the Artists of Tomorrow Competition of the Brentwood-Westwood Symphony Orchestra và International Piano Concerto ở San Francisco. Cô từng độc tấu với các giàn nhạc giao hưởng San Francisco, Westwood và Bellflower (Mỹ) và Hà Nội (Việt Nam) cùng một số dàn nhạc giao hưởng khác ở Paris. Cô cũng thường xuyên biểu diễn trên đài phát thanh và các chương trình truyền hình giới thiệu về nghệ thuật dương cầm, như “Grand Piano” và các chương trình dành cho người Việt.

tờ Boston Globe nhận xét Nguyễn Thúy Quỳnh là một nghệ sĩ tài năng, có khả năng tiết chế âm thanh, nét nhạc sang trọng. Ảnh: Theo thuyquynh.com

Đánh giá về tài biểu diễn của nghệ sĩ Việt này, tờ Boston Globe nhận xét Nguyễn Thúy Quỳnh là một nghệ sĩ tài năng, có khả năng tiết chế âm thanh, nét nhạc sang trọng, nhạy cảm và giàu chất thơ. Tạp chí The New York Concert Review ca ngợi cô là một nghệ sĩ thực thụ, một người biểu diễn có sức truyền cảm tuyệt vời, thể hiện tầm cao trí tuệ và sự tinh tế. Tạp chí International Piano lại viết: “Nguyễn Thúy Quỳnh, sinh ra ở Hà Nội (Việt Nam), hiện là công dân Mỹ; là một tài năng đại diện cho thế hệ nghệ sĩ trẻ tuổi…”. Trong khi đó, Arthur S. Danner, giảng viên khoa Âm nhạc thuộc ĐH miền Tây Los Angeles, sau khi nghe Nguyễn Thúy Quỳnh biểu diễn, phải thốt lên: “Thật là một buổi tối tuyệt vời!… Đúng là món ăn tinh thần!… Tôi thực sự bất ngờ… Xin cám ơn!”. Alvin Mills, Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Brentwood-Westwood, ngưỡng mộ nói: “Cô ấy là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc… Chúng tôi tự hào vì tài năng biểu diễn của Thúy Quỳnh!”.

Âm nhạc giúp mưu cầu hạnh phúc

Âm nhạc là thứ gần gũi nhất với tâm hồn người nghệ sĩ trẻ này và là lĩnh vực mà cô đam mê, gắn bó nhiều nhất. “Âm nhạc chính là chiếc cầu nối để liên kết những cá nhân ấy lại và âm nhạc cũng là một phương tiện quan trọng để đưa mọi người đến với nhau trên con đường mưu cầu hòa bình và hạnh phúc. Dòng âm nhạc cổ điển rất đa dạng và phong phú, và nó bao trùm toàn bộ các khía cạnh trong kinh nghiệm của loài người. Trách nhiệm vô cùng quan trọng của người nghệ sĩ là cảm thụ được thông điệp của bản nhạc, đắm mình vào âm nhạc và hiểu âm nhạc một cách sâu sắc để có thể truyền tải ý nghĩa của tác phẩm đó tới thính giả.”, Thúy Quỳnh chia sẻ.

Nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi gốc Việt mong muốn có cơ hội truyền cảm hứng và chia sẻ những kiến thức âm nhạc sau nhiều năm được học hỏi từ những nghệ sĩ dương cầm lừng danh như: Jerome Rose, Bella Davidovich, Jacob Lateiner, Andras Schiff, và Garrick Ohlsson.

Con “nhà nòi”

Nguyễn Thúy Quỳnh sinh năm 1976 tại Hà Nội, trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Cô là cháu của các nghệ sĩ tài danh Tôn Thất Triêm, Tôn Nữ Y Lan và Tôn Nữ Nguyệt Minh. Cô bắt đầu theo học dương cầm từ năm lên 4 tuổi và hai năm sau thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Năm 9 tuổi, Thúy Quỳnh đã có buổi trình diễn trước công chúng lần đầu tiên và năm 13 tuổi, cô giành được học bổng tại Nhạc viện Gnessin tại Moscow (Nga), một nhạc viện chuyên đào tạo những sinh viên có năng khiếu âm nhạc đặc biệt. Năm 15 tuổi, Thúy Quỳnh theo gia đình sang định cư tại Mỹ và hiện là giảng viên trường Hunter College College và Viện International Keyboard Institute and Festival của ĐH âm nhạc Mannes College of Music ở thành phố New York.

Nghệ sỹ Thúy Quỳnh đã về Việt Nam trong một chuyến lưu diễn gây quỹ hỗ trợ trẻ em tàn tật vào năm 2007.

Trang Anh
@ Bao DatViet
—————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Làn sóng đầu tư thứ ba của Hoa Kỳ vào Việt Nam

Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam nay đang ở vào giai đoạn thứ ba bắt đầu từ khi nước ngày gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tức WTO, và đang xúc tiến đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP. Đó là giai đoạn mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam chú trọng đến thị trường toàn cầu nhiều hơn. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA có các ghi nhận trong bài tường trình sau đây.

Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển vượt bật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 15 năm.

Ông Herb Cochran, Giám đốc Ðiều hành AmCham Vietnam tại TPHCM

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói: “Rõ ràng mức độ hợp tác giữa hai nước đã đạt đến mức mà chỉ vài năm trước đó ít ai có thể tưởng tượng nổi. Trong trao đổi thương mại, hai nước đã đạt được những tiến bộ lớn. Cách đây 15 năm trao đổi thương mại song phương đạt khoảng 415 triệu đôla, năm ngoái con số này đã tăng lên đến 15 tỉ đôla. Tôi vừa trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cách thức mở rộng các mối quan hệ thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP (Trans Pacific Partnership). Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước khác vừa kết thúc vòng đàm phán TPP thứ ba. Và chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình nội bộ và tham gia hiệp định với tư cách thành viên đầy đủ.”

Tiếp theo sau việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa đi vào thị trường toàn cầu cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Và đó cũng chính là mục tiêu mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam nhắm đến.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của AmCham Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Các doanh nghiệp Mỹ đang ở vào làn sóng đầu tư thứ ba vào Việt Nam.”

Ông Cochran giải thích: “Làn sóng thứ nhất là giai đoạn từ năm 1995 đến 2000, khi các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Procter & Gamble, Coca-Cola, Pepsi-Cola v.v. thành lập cơ sở ban đầu tại Việt Nam cho các kế hoạch phát triển kế tiếp với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Việt Nam.”

Ông Cochran nói tiếp: “Làn sóng đầu tư thứ hai diễn ra tiếp theo sau Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ. Hiệp định này giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ mức trung bình là 45% xuống còn trung bình khoảng 3%. Ở làn sóng đầu tư thứ hai này, chúng ta thấy các nhà máy đối tác – không phải là các công ty của Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, hay Nhật Bản, mà là các công ty đối tác chiến lược lâu dài của các hệ thống bán lẻ của Hoa Kỳ – đầu tư vào Việt Nam. Các nhà máy này sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, như hàng dệt may, da giày hay đồ trang trí nội thất. Các nhà máy này chiếm khoảng hai phần ba xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, tương đương với khoảng 8 tỉ đôla một năm.”

Ông Cochran nói: “Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng tôi tiến vào làn sóng đầu tư thứ ba. Các công ty chú trọng đến các nhà máy sản xuất hiện đại. Họ là những công ty của Hoa Kỳ xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm của họ làm ra cũng có tiêu thụ tại Việt Nam, nhưng chủ yếu xuất khẩu vào thị trường toàn cầu. Công ty đầu tiên là Intel. Họ công bố đầu tư vào năm 2006, và hồi cuối tháng trước, họ đã khánh thành nhà máy trị giá một tỉ đôla, và họ sẽ xuất khẩu vào thị trường toàn cầu. Những công ty tương tự như vậy cũng đã tìm hiểu Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp khoảng 25 công ty có tên trên danh sách Fortune 500. Các lãnh đạo ở cấp tổng giám đốc đã đến gặp chúng tôi, hay các chuyên gia chọn lựa địa điểm để phát triển nhà máy của các công ty đã đến thảo luận với chúng tôi việc thành lập nhà máy tại Việt Nam để thay thế cho các nhà máy bên Trung Quốc hoặc Ấn Độ, hoặc để cạnh tranh với các nước trong vùng, chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.”

Cùng với các làn sóng đầu tư của các công ty khổng lồ này, đầu tư của người Mỹ gốc Việt tại Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc, tuy quy mô chưa thật lớn.

Ông Cochran, Giám đốc điều hành của AmCham ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta nay đã thấy một số đầu tư của người Mỹ gốc Việt, mặc dù quy mô chưa thật lớn. Trong danh sách hội viên của chúng tôi có công ty tên Quality Systems Incorporated (QSI), một người Mỹ gốc Việt ở bang California thành lập một nhà máy sử lý các chất bán dẫn. Một công ty nữa tên là ICP (International Consumer Products) chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm, dầu thơm…đó là những công ty thành công và đã tạo được thương hiệu tại Việt Nam.”

Năm nay, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam có thể sẽ không đứng đầu danh sách như năm ngoái, các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

@ VOA

—————————————————————————————————————————————————————————————————————-


Tin tặc Trung Quốc cho thấy mạng Internet bị nguy hiểm

Nguồn: Bob Sullivan, MSNBC

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Cuộc chiến tranh lạnh về không gian mạng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vừa tăng phần căng thẳng hơn. Một Ủy ban Quốc hội đã cho biết trong một báo cáo hôm thứ Ba rằng hai lần trong năm nay, Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng “điều khiển đáng kể” trên mạng Internet. Trong một sự cố, vận chuyển mạng dẫn đến 15 phần trăm các trang web trên thế giới đã bị chuyển qua các máy chủ của Trung Quốc trong khoảng 20 phút.

Báo cáo cho biết, cuộc tấn công cao cấp bao gồm các bit và byte dẫn đến Thượng viện Hoa Kỳ, Quân đội, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, Bộ trưởng quốc phòng, NASA và văn phòng chính phủ khác cùng với các thực thể thương mại như Dell, Yahoo, Microsoft và IBM.

Các quan chức Trung Quốc không nhìn nhận các kết quả này. Nhưng một số hãng công nghệ nói họ ghi lại được biểu đồ tấn công tin tặc trong tháng Tư.

Bản báo cáo cho biết, trong một sự cố trước đó vào tháng Ba, bức tường lửa kiểm duyệt của Trung Quốc đã tạm thời nới rộng để ngăn chặn một số người dùng truy cập vào các trang web của Mỹ như Twitter và YouTube.

“Các nhà nghiên cứu bảo mật máy tính đã quan sát cả hai sự cố nhưng không thể kết luận rằng liệu các hành động ấy là cố ý hay không ” bản báo cáo của Uỷ ban Thẩm xét về An Ninh và Kinh tế Mỹ Trung đã kết luận như thế. “Tuy nhiên, mỗi sự cố đã thể hiện một khả năng có thể đã được sử dụng cho một mục đích độc hại”.

Chúng ta được thường xuyên nhắc nhở rằng internet là một sáng tạo hết sức mong manh. Những sự cố này, cả hai đều đã lợi dụng các lỗ hổng bảo mật nổi tiếng, là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Mỹ, những người cần phải tập chú vào việc nâng cấp bảo mật để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, ông Dmitri Alperovitch, một nhà nghiên cứu bảo mật của McAfee cho biết. Công ty của ông đã cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ một danh sách 53.000 trang web đã bị tấn công trong 18 phút ngày 8 tháng Tư.

“Đây là một phát triển đáng lo ngại Nó có thể là vô hại và Trung Quốc nói rằng đó là một tai nạn, nhưng điều này chứa đựng một loạt những ám chỉ khá rộng rãi” ông nói. “Lượng giao thông mạng đó có thể bị nghe trộm”.

Bản báo cáo này được đưa ra vào gần cuối của một năm đầy biến động đối với Trung Quốc và Internet. Bắc Kinh đã có một tranh cãi công khai với Google hồi đầu năm và kết quả là đất nước này bị tố cáo đã theo dõi các nhân viên của Google. Trung Quốc cũng bị cáo buộc về một âm mưu tinh vi sử dụng Internet để do thám Đạt Lai Lạt Ma và những kẻ dèm pha khác.

Sự cố vào tháng Ba liên quan đến một lỗ hổng trong phương cách Internet chuyển đổi các địa chỉ trang web thân thiện – như msnbc.com – vào địa chỉ IP tham khảo của họ – chẳng hạn như 128.206.11.1. Việc chuyển đổi xảy ra qua một hệ thống máy tính nối mạng được gọi là máy chủ tên miền. Một công cụ quan trọng trong công cụ kiểm duyệt “Great Firewall” của Trung Quốc là việc định tuyến lại các yêu cầu trang web thông qua máy chủ tên miền khỏi các trang Web có tiềm năng phá hoại. Các yêu cầu đối với một số trang web chỉ đơn giản là bị loại bỏ, một số yêu cầu khác được chuyển hướng đến các trang web thân thiện với Trung Quốc.

Nhưng các bảng chuyển đổi tên miền, khi xử lý không đúng, có thể tự phát tán ngược dòng trên Internet. Vào tháng Ba, một số máy chủ tên miền trên thế giới đã bị “đầu độc” với danh sách kiểm duyệt của Trung Quốc, khiến một số người dùng ở Chile và Mỹ bị chặn khỏi các trang mạng xã hội khoảng một ngày. Vấn đề được sửa chữa dễ dàng và một số nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân có thể do từ một sơ sót trung thực.

“Các thông báo tuyến” xấu (Bad “route announcements)

Nhưng sự cố tháng Tư bí ẩn hơn nhiều và do đó đã khiến một số chuyên gia bảo mật lo lắng hơn. Sự cố này liên quan đến những gì được gọi là “các thông báo tuyến” được thực hiện bởi các nhà cung cấp viễn thông đến mạng Internet rộng hơn. Các máy chủ có thể quảng cáo rằng họ cung cấp được các tuyến đường tốt nhất cho lưu lượng Internet đến các điểm đến cụ thể, và giao thông mạng, giống như các bit và byte biết vâng lời, tự động đi theo – ngay cả khi các quảng cáo không chính xác. Điều đó có nghĩa là một e-mail được gửi từ Quốc hội đến Nhà Trắng có thể bị lừa đi du lịch qua Trung Quốc, nếu một máy chủ đã được cấu hình theo cách đó.

Theo như bản báo cáo, đó là những gì đã xảy ra vào tháng Tư. Một số lượng giao thông cực lớn của các trang web đã vận chuyển theo cách của mình để đi quanh thế giới thông qua các máy tính do Trung Quốc kiểm soát. Theo Alperovitch của McAfee, chỉ có các công nhân ở China Telecom hiểu được nguyên nhân vì sao. Nhưng điều đáng lo ngại nhất về sự cố tháng Tư, ông nói, là hầu như không một ai để ý. China Telecom hấp thụ lưu lượng giao thông và tái phân phối các giao thông ấy về các điểm đến của chúng mà không tốn quá nhiều như một chớp sáng mạng (internet blip).

Dù có thể đúng là một sai lầm thành thật nhưng thật dễ dàng để gợi đến các khả năng khác.
“Đó là họ có thể có khả năng đánh bẫy lưu lượng truy cập nhiều như thế mà không tốn một giọt mồ hôi, tôi thấy rằng hầu như không thể tưởng tượng được” Alperovitch nói. “Năng lực xây dựng trong mạng lưới của họ phải là đáng kinh ngạc … Mọi điều đã hoạt động một cách kỳ diệu”.

Báo cáo dự đoán rằng cú và đớp (slurp) một dữ liệu khổng lồ có thể đã được uỷ thác để gây hoang mang cho một cuộc tấn công mạng có mục đích hơn. Và cuối cùng một thực thể sở hữu được nhiều dữ liệu như vậy có thể có thể mã hóa và giải mã được lưu lượng truy cập web – ngoài các chuyến thám hiểm thả câu mà một cơ quan chính phủ có thể tận hưởng chỉ đơn giản bằng cách tìm kiếm tất cả các bí mật có giá trị qua những dữ liệu ấy.

“Phát ngôn Viên của China Telecom Corp Ltd. đã chối bỏ bất kỳ vụ cướp mạng internet nào” các quan chức Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố gửi bằng thư điện tử đến hãng tin Reuters hôm thứ Ba.

Đây không phải là lần đầu tiên các thông báo tuyến đưa đến rắc rối cho mạng World Wide Web. Trong năm 2008, những nỗ lực kiểm duyệt You Tube của Pakistan bị thất bại, dẫn đến việc tạm thời xoá trắng dịch vụ video này. Trong năm 2004, các máy chủ Thổ Nhĩ Kỳ vô tình nói với thế giới rằng tất cả lưu lượng truy cập web nên đi qua biên giới của họ; các cuộc đình trệ rộng rãi đã xảy ra sau đó.

Nhưng đây là lần đầu tiên như một cuộc đổi tuyến lưu lượng giao thông mạng lớn đã được tiến hành mà không có tác động đáng kể nào về lưu lượng truy cập web.

“Các phương pháp được sử dụng trong các hoạt động này nói chung là phức tạp hơn so với các kỹ thuật từng được sử dụng trong các lần khai thác trước đó”, bản báo cáo kết luận.

Cuộc chiến tranh lạnh đã từng đầy ngập các cuộc thao diễn quân sự mang tính dọa nạt và các loại tình cờ vi phạm không phận. Một cuộc chiến tranh lạnh trên không gian mạng tự nhiên sẽ mang đến các sự cố tương tự. Nếu như có một vùng xám (không rõ ràng) giữa những sai sót thành thật và cuộc tấn công không gian mạng rõ rệt, những sự việc như thế này có thể rơi vào khoảng giữa – nếu không phải là một loại dò xét được sắp đặt trước, thì chắc chắn là một loại tai nạn đáng mừng với các kết quả có giá trị để được những kẻ sẽ tấn công mạng nghiên cứu học hỏi. Đừng nghĩ rằng cuộc chiến tranh lạnh trên mạng sẽ mau tan băng giá trong thời gian tới.

@ X-Cfe

—————————————————————————————————————————————————————————————————————-

Việt Nam và Mỹ, ai cần ai hơn?

Là một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng khá cao trong vùng thời gian qua, trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế trên thế giới, song liệu Việt Nam cần tới Mỹ hơn hay là cường quốc kinh tế hàng đầu này phải cần tới Việt Nam hơn tại Đông Nam Á.

Chủ đề này đã được cây viết Jonathan Tepperman dành nhiều thời lượng phân tích ở bài báo mới nhất trong tháng 11 của ông trên tờ báo Mỹ chuyên về nghị luận chính trị và các vấn đề quốc tế The Atlantic có tựa đề “Obama làm bạn với các quốc gia chuyên quyền ở châu Á.”

Sau khi cho rằng Tổng thống Mỹ đã ít nhiều tỏ ra ‘mềm mỏng’ trước các cường quốc như Nga và Trung Quốc, đặc biệt trên địa hạt dân chủ và nhân quyền, phó chủ biên quốc tế của tờ New York Magazine nhận định, chính sách này không nhất quán ở nơi khác, đặc biệt với Việt Nam.

“Việt Nam vẫn là một nước nhỏ và yếu. Dù đây là một đối tác mới của Mỹ cả về kinh tế và chiến lược. Với thu nhập quốc nội tăng chừng 7% vào quý trước, vốn làm cho nước này trở thành một trong các nền kinh tế nóng nhất ở châu Á…” tác giả viết.

Và nếu Hà Nội từ chối, và đây là lý do thứ ba cần chú ý, thì Washington có rất nhiều các đối tác tiềm năng khác ở khu vực này của thế giới

“Nhưng mặc dù các cải cách kinh tế của Hà Nội, Việt Nam vẫn còn là một thể chế khá độc tài, thậm chí tổ chức Human Right Watch còn gọi đây là một trong những quốc gia có sự đàn áp sâu sắc nhất ở châu Á.”

Cựu phó chủ biên của tờ Foreign Affairs Magazine còn xác nhận qua bài báo rằng trong thời gian hai năm qua, chính phủ Việt Nam đã “tiến hành các vụ đàn áp rộng khắp”, o bế và bỏ tù nhiều nông dân phản đối nạn mà ông gọi là ‘cướp đất’ ở đồng bằng Sông Cửu Long, “chế áp các giáo dân công giáo và các chủ chăn” ở các giáo sứ “phản đối việc tịch biên, quốc hữu hóa đất đai và tài sản của nhà thờ”.

“Nhiều nhà hoạt động người Thượng chống lại việc chính phủ kiểm soát các nhà thờ, cũng như hàng trăm nhà hoạt động chính trị ôn hòa đã bị bắt giữ,” Tepperman viết.

Sau khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo cho các nhà sản xuất Mỹ cơ hội hưởng giá nhân lực lao động thấp trong so sánh với mức giá lao động của Trung Quốc đang nhanh chóng tăng giá, tác giả bài báo trên The Atlantic nhận xét:

“Nhưng đối phó với Việt Nam thì dễ hơn. Mỹ có đủ sức để ép nước này mạnh hơn trên các giá trị cơ bản của tự do chẳng hạn, bằng cách hướng cho các hợp tác làm cho Việt Nam phải nhẹ tay hơn, vì lý do đơn giản là Việt Nam cần Mỹ hơn là Washington cần Hà Nội rất nhiều.”

Điều kiện làm bạn

Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, vừa tới thăm Việt Nam tuần vừa qua.

 

Theo hướng nhận định này, tác giả lý giải trước hết rằng trong khi kinh tế Việt Nam đang “nóng và tăng trưởng” thì nền độ lớn của nền kinh tế “vẫn còn nhỏ nhoi” với quy mô còn thấp hơn một nửa so với Thái Lan.

Lý do tiếp theo là do Việt Nam “là quốc gia đặc biệt bị đe dọa bởi hành vi ngày một hiếu chiến của Trung Quốc, nhất là với các tuyên bố đòi chủ quyền với lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông.”

“Điều này có nghĩa là Việt Nam đang rất muốn có bạn bè mới tại thời điểm hiện nay và có thể chịu ‘ngậm đắng nuốt cay’ chấp nhận một số điều kiện, nếu như không có cơ hội nào khác,” bài bào khẳng định. làm bạn với Hoa Kỳ có nghĩa là quý vị phải tuân theo một số quy tắc cơ bản. Mà đầu tiên là quý vị phải chấm dứt bắt nạt công dân của mình

“Và nếu Hà Nội từ chối, và đây là lý do thứ ba cần chú ý, thì Washington có rất nhiều các đối tác tiềm năng khác ở khu vực này của thế giới.”

Ở phần cuối bài viết, Tapperman trích lại ý của tờ New York Times nhận định chính quyền của Tổng thống Obama quan tâm tới việc gây dựng các liên minh trong khu vực châu Á vào thời điểm hiện nay là để “cân bằng trước một Bắc Kinh ngày một gia tăng sức nặng của nó trên trường quốc tế.”

Và tác giả cho rằng với toàn bộ những lý do trên, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton hoàn toàn có đủ tự tin để chuyển một thông điệp như sau tới Hà Nội, trong thời điểm hiện nay:

“Quý vị muốn có bạn phải không? Rất tuyệt vời. Chúng tôi rất vui nhận quý vị làm bạn. Thế nhưng làm bạn với Hoa Kỳ có nghĩa là quý vị phải tuân theo một số quy tắc cơ bản. Mà đầu tiên là quý vị phải chấm dứt bắt nạt các công dân của mình.”

@ bbc

—————————————————————————————————————————————————————————————————————-