Theo Bruce Feiler (New York Times), một nghiên cứu năm 2005 của tổ chức Giấc ngủ quốc gia Mỹ cho thấy, gần 1/4 cặp vợ chồng Mỹ ngủ ở phòng riêng hoặc giường riêng. Những nghiên cứu gần đây tại Anh và Nhật cũng có kết quả tương tự.
Hiệp hội Chủ thầu xây dựng nhà quốc gia Mỹ cho rằng, đến năm 2015 sẽ có 60% khách hàng muốn thiết kế phòng ngủ có hai giường.

Khi Morgan tâm sự với một người bạn gái: “Bà nghĩ sao nếu tôi tìm một căn hộ riêng, không phải để từ bỏ hôn nhân mà là thêm cái phòng riêng vào cuộc hôn nhân”, người bạn trả lời: “Lúc này tôi cũng muốn làm điều đó như bạn”. Khi bà Morgan tâm sự với con trai những chuyện về các cặp vợ chồng có lúc không chung giường, con trai bà đã kể tiếp hàng loạt ví dụ tương tự từ bố mẹ bạn bè mình. Roger và Maria Houden mới kết hôn bốn năm, nhưng năm ngoái họ đã tách ra sống hai nơi, Roger ở Greenwich, Maria ở căn hộ gần với nhà của những đứa con riêng. Họ gặp nhau ba – bốn đêm/tuần tại chỗ của người này hoặc người kia. Maria cho biết: “Ngoài những thách thức ban đầu như nỗi sợ hãi vì mình và chồng mỗi người sống một nơi, tôi đã có những cảm giác thật đặc biệt vì ở tuổi 42, tôi mới được tự tay sơn phòng bằng màu sắc tôi muốn, sau nhiều năm sống chung phòng với chị rồi bạn cùng phòng ký túc xá, rồi lại với chồng”.
Tracy Clark-Flory viết lại kinh nghiệm của cha mẹ mình: “Trong cuộc hôn nhân hạnh phúc 35 năm, bố mẹ tôi đều có phòng ngủ riêng. Có khi họ ngủ chung một giường, có khi không. Nhiều năm qua, họ gián đoạn việc ngủ chung nhiều lần vì con nhỏ, vì tiếng ngáy, ánh đèn nóng bức, hoặc đơn giản chỉ là mong muốn có chút không gian riêng. Họ không bao giờ xem việc ngủ chung hay riêng là sự phản ánh tình trạng hôn nhân mà làm như vậy là vì chính họ”. Suy cho cùng, tùy vào mối quan hệ của mỗi cặp vợ chồng mà việc ngủ riêng là sự hủy hoại hay tăng thêm sức mạnh cho cuộc hôn nhân.
Theo PNO
—————————————————————————————————————————————–