Cập nhật tin 11-11-2010

Chính sách tăng mức lưu hoạt tiền tệ của Mỹ gây phức tạp cho hội nghị G-20

Những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ lại nhen nhúm trở lại khi lãnh đạo các nước đến Nam Triều Tiên dự hội nghị quy tụ 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vấn đề tranh cãi là kế hoạch của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, bơm 600 tỉ đô la tiền mặt để khởi động nền kinh tế đang trì trệ của nước Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Hoa Kỳ sẽ làm tổn hại các thị trường đang lên bằng cách đẩy cao hơn giá trị các đơn vị tiền tệ khác, và như thế làm tiêu tan hy vọng đạt được một thỏa thuận đa phương về nhiều vấn đề mậu dịch.

Căng thẳng leo thang giữa lúc các nước khối G-20 tụ tập tại Nam Triều Tiên để dự cuộc họp 2 ngày. Các nhà lãnh đạo, từ Bắc Kinh cho đến nước Đức, đều tỏ thái độ hoài nghi về kế hoạch của Hoa Kỳ, bơm thêm nhiều tỉ đô la vào nền kinh tế toàn cầu.
Giới chỉ trích nói rằng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Fed, nhằm gia tăng mức lưu hoạt tiền tệ, một biện pháp được đặt tên là “Nới Lỏng Định Lượng” (dịch từ tiếng Anh Quantitative Easing, viết tắt là QE )- sẽ tràn ngập thế giới với đồng đô la rẻ, và đẩy giá trị các đơn vị tiền tệ khác lên cao.
Ông Ashraf Elgarf, một nhà phân tách tại London nói vấn đề này có thể phương hại đến cố gắng đạt thỏa thuận:
“Rõ ràng các vị bộ trưởng của nhiều nước đều cảm thấy choáng váng về chính sách QE của Mỹ, trong khi nước Mỹ là quốc gia chủ yếu chống đối việc đồng nguyên của Trung Quốc được duy trì ở mức thấp hơn giá trị của nó. Do đó mà chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề cơ bản. Cá nhân tôi tôi không dự kiến họ sẽ đồng thuận với nhau về vấn đề nào khả dĩ có thể giúp mọi người cảm thấy hài lòng vào cuối tuần này.”
Mặt khác, kinh tế gia Colin Bradford thuộc Trung tâm Quốc tế Cải tiến Khả năng Quản trị, CIGI, nói bất đồng ý kiến là điều tốt, nếu điều này buộc các quốc gia phải đào sâu hơn để tìm ra một giải pháp. Ông giải thích:
“Nhiều người cho rằng vì những tranh chấp mà hội nghị G 20 sẽ thất bại, trong khi lẽ ra việc này phải liên quan tới nỗ lực phối hợp. Tôi thì có ý kiến trái ngược. Tôi cho rằng hội nghị đã là một thành công bởi vì mọi người phải trực diện với thực tế về chính sách nội bộ và chính trị của các nước khác.”
Ông Bradford tin rằng Trung Quốc đang dùng vấn đề này để đánh lạc hướng trước sức ép của quốc tế chống lại đồng nguyên. Hoa Kỳ cho rằng một đồng nguyên yếu một cách giả tạo đã giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh.
Chính sách của Hoa Kỳ có thể gây thêm phức tạp cho các cuộc tranh luận, song theo ông Bradford thì rốt cuộc đây có thể là một lợi khí để mặc cả. Ông nói:
“Các nhà lãnh đạo thế giới, khi có mặt trong một phòng họp và phải thương lượng với nhau, họ thường có khuynh hướng giữ lễ độ, tôi nghĩ thế, họ tỏ ra tôn trọng lẫn nhau và cố gắng vượt lên trên tình hình, trong khi giao lại cho các bộ trưởng đặc trách các bộ chuyên môn, tranh luận với nhau về những chi tiết.”
Vừa kết thúc chuyến công du Ấn Độ và Indonesia, Tổng Thống Barack Obama hối thúc các nhà lãnh đạo G 20 hãy tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trước hết ông phải thuyết phục được các nhà lãnh đạo khác, rằng một nền kinh tế Mỹ lành mạnh là yếu tố thiết yếu cho tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chưa gì Tổng thống Barack Obama đã có một đồng minh, đó là Bộ trưởng Tài chánh George Osborne của nước Anh.  Bộ trưởng Osborne nói:
“Tất cả mọi người sẽ được quyền lợi, với một nền kinh tế Mỹ lấy đà trở lại. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với châu Á, và cũng hết sức hệ trọng đối với châu Âu.”
Mặc dù cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ là vấn đề được giới truyền thông chú ý nhiều nhất, thế nhưng nhiều nhà phân tách tin rằng cuộc họp 2 ngày tại Nam Triều Tiên sẽ đưa đến các thỏa thuận về nhiều mặt, kể cả lời cam kết sẽ tránh chủ nghĩa bao cấp, và một thỏa thuận khung cơ bản để đảm bảo tăng trưởng cân bằng.
Tổng cộng, các nước G 20 chiếm khoảng 85% sản lượng kinh tế toàn thế giới. ( VOA )

==================================================

Các nguyên thủ thế giới trong mắt Bush

Trong cuốn hồi ký mới ra mắt, cựu Tổng thống Mỹ George W Bush nhận xét cựu Tổng thống PhápJacques Chrac là người chuyên diễn thuyết, còn Thủ tướng Nga Vladimir Putin máu lạnh.

Quan hệ giữa Bush và Putin từng xấu đi. Ảnh: EPA.

Cuốn hồi ký mới của Bush Decision Points, ra mắt hôm qua, gói gọn 8 năm trong Nhà Trắng của ông trong 500 trang giấy đầy những đánh giá ẩn dụ về các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có những lời nhận xét tử tế, có những lời chua cay, đả kích, và cả một số nhằm hòa giải những mâu thuẫn trước đây.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc

“Ông ta có một phong cách nhàm chán và một đầu óc đầy phân tích”.

“Điều làm ông ta thức cả đêm là làm sao tạo ra được 25 triệu việc làm mỗi năm để đáp ứng sự gia tăng dân số”.

“Ông ta là một nhà lãnh đạo thực tế tập trung vào công việc nội bộ chứ không thích gây chuyện ở bên ngoài”.

Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh

“Người bạn thân nhất và là đối tác thân cận nhất trên đấu trường thế giới”. Bush nhấn mạnh thêm: “Một số đồng minh của chúng ta hay dao động. Nhưng Tony Blair thì không bao giờ”.

Về việc chấp nhận làm đặc sứ về hòa bình Trung Đông “Quartet”, Blair có nói với Bush rằng: “Nếu tôi giành được giải Nobel Hòa Bình thì ông biết rằng tôi đã thất bại”. Bush ám chỉ giải Nobel Hòa bình được trao cho cố chủ tịch Palestine Yasser Arafat năm 1994. (Năm 1993, Palestine và Israel và các bên liên quan ký hiệp định Oslo vì hòa bình Trung Đông, sự kiện từng được hy vọng là mở ra kỷ nguyên mới cho khu vực, nhưng cho đến nay hòa bình vẫn là điều xa vời).

Gia đình Bush và Blair kết thân với nhau với nhau trong buổi gặp đầu tiên vào tháng 2/2001 khi họ xem bộ phim hài Meet The Parents.

Vladimir Putin, cựu Tổng thống Nga, đương kim Thủ tướng

“Đôi khi tinh tướng, đôi khi quyến rũ và thường xuyên mạnh mẽ”.

Bush nói cuộc chiến của Nga với Gruzia vào tháng 8/2008 làm xấu đi mối quan hệ giữa hai người. Ông cũng nhắc đến một lần nói chuyện trong đó Putin tự tuyên bố mình là người “máu nóng”, nhưng Bush trả lời rằng: “Không, ông là người máu lạnh”.

Nicolas Sarkozy và Jacques Chirac, cựu Tổng thống và đương kim Tổng thống Pháp

Sarkozy được miêu tả là nhà lãnh đạo năng động điều hành trên nền tảng ủng hộ Mỹ. Còn người tiền nhiệm của ông, Jacques Chirac, thì có xu hướng thích lên lớp cho các nhà lãnh đạo khác các bài học về đạo đức và chính sách.

Silvio Berlusconi, Thủ tướng Italy

Thủ tướng Italy từng nói với Bush rằng sau ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu 11/9/2001, ông “khóc như một đứa trẻ mãi không thôi”.

Gerhard Schroeder, cựu Thủ tướng Đức

Ông này được cho là đã nói với Bush trước cuộc xâm chiếm Iraq rằng: “Tôi sẽ ủng hộ ông” nếu ông cần quân đội trợ giúp, nhưng sau đó lại tung chiến dịch tái tranh cử bằng cách phản đối ầm ĩ chiến tranh.

Bush viết rằng ông cảm thấy lòng tin của mình bị xúc phạm.

Nhưng Schroeder phản bác lại rằng ông chỉ hứa hỗ trợ nếu chứng tỏ được rằng chế độ Saddam Hussein có tham dự vào cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và sự thật là không phải vậy. Ông cũng nhắc lại quan điểm lâu năm của mình rằng động cơ chiến tranh của Bush là dựa trên căn cứ không có thật.

============================================================

Trẻ ‘text’ nhiều, có khuynh hướng tình dục, ma túy

Theo một nghiên cứu mới nhất, thiếu niên gửi text 120 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn, thường có khuynh hướng về tình dục, rượu chè và ma túy nhiều hơn so với trẻ ít gửi text.

(Hình: Wikipedia)

Tác giả bản nghiên cứu không có ý cho rằng gởi text nhiều dẫn đến các điều xấu trên nhưng nói rằng, nghiên cứu cho thấy kết quả bất ngờ kỳ thú là có sự liên kết rõ rệt giữa cả hai.

Nghiên cứu kết luận, một số đáng kể các thiếu niên này thường dễ bị ảnh hưởng bởi chúng bạn và có cha mẹ lơ là con cái hoặc sống xa nhà.

Nghiên cứu được thực hiện tại hai mươi trường công lập ở khu vực Cleveland năm rồi, và cũng dựa vào hồ sơ thăm dò được giữ kín của hơn 4,200 học sinh

Khám phá cho thấy một trong năm học sinh nằm trong nhóm gửi text nhiều, và một trong chín thuộc nhóm có quan hệ tràn lan, họ là những trẻ thường bỏ ra trên ba giờ mỗi ngày trên Facebook và các trang mạng xã hội khác.

Kết quả cũng cho thấy, một trong 25 em thuộc cả hai nhóm.

Con gái, sắc tộc thiểu số và trẻ có cha mẹ trình độ giáo dục thấp, và học sinh thuộc gia đình không có cha thường tìm thấy thuộc cả hai nhóm.

Nghiên cứu nhận thấy người gửi text tối thiểu 120 lần mỗi ngày, có khuynh hướng về tình dục ba lần rưỡi nhiều hơn trẻ gửi ít hơn. Gửi text quá nhiều cũng là trẻ thường hay đánh lộn, say sưa, sử dụng ma túy hoặc uống thuốc tây mà không chịu xin toa bác sĩ.

So với thiếu niên gửi text quá nhiều, trẻ có quan hệ tràn lan ít có khuynh hướng về tình dục nhưng liên hệ đến những thói quen xấu như uống rượu hay đánh lộn. (TP)

==================================================================================

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s