Art Made Entirely of Circles by Ben Heine

Ben Heine is an illustrator, portraitist, caricaturist and photographer. The 26-year-old was born in Abidjan, Ivory Coast and currently resides in Brussels. He has studied graphic arts, sculpture and holds a degree in journalism. Oh yeah he can also speak fluent French, English and Dutch! His most recent project caught my eye, which he describes as digital circlism.

Using varying sizes of different shaded circles, Heine meticulously arranges them to form incredible digital portraits.

Truyện ngắn Phạm Lưu Vũ : Chuyện vịt

Làng toàn người ngồi lê đôi mách. Ở đây nó thế, xưa nay vẫn thế, hơn nghìn năm rồi, không thế không thành làng. Chẳng ảnh hưởng gì đến văn minh nhân loại.

– Tiên sư bố đứa nào bảo bà hớt lẻo. Chuyện con Tĩn nhà ông Tạo, chìa vú cho thằng Sầm nhà ông Sì mút, mà bà kể cho lão Khoái nghe, là bà nghe bà Rủ nói, bà Rủ nghe bà Rỉ kể… Chứ có phải bà trông thấy đâu mà đổ cho bà hớt lẻo. Chúng nó mút vú nhau, chứ có ngủ với nhau nữa thì cũng kệ cha chúng nó, hớt lẻo làm chi cho phí mồm…

Nóng bức đến ngột ngạt, ve sầu lại thi nhau kêu inh ỏi, kêu nghiêng cả vòm trời, làm cho tất cả như đang ở trong một cái nồi rang khổng lồ.

– Thôi bà Hót ơi, tại mồm bà rộng, lại có chút duyên ăn nói… nên từ mồm bà nó cứ loang ra…

– Loang cái mả bố mày. Mồm bà đã nuốt chửng bố mày chưa?, duyên bà có làm lăn lóc ông tổ tám đời nhà mày hay không? mà mày bảo rộng với chả duyên…

– Bà chấp làm gì cái thằng Tít này. Bố nó, cái lão Hít ngày mai làm giỗ thằng con cả là liệt sĩ đấy.

– Tôi bà con gì với lão Hít mà lão ấy mời. Có chuyện này tôi kể mình bà nghe thôi nhé… Cái thằng Tít kia, mày cút ra chỗ khác cho chúng bà nói chuyện. Đừng có hòng mà hóng hớt. Ghét cái thói ngồi lê đôi mách…

Đám giỗ thằng cả Mít, con lão Hít.

– Mời các cụ, các ông các bà vào mâm cho. Cứ năm người đóng một. Bên này người, bên kia ma. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay xin đừng lẫn lộn…

– Ông Tách đâu rồi, năm nay vẫn có mặt đấy chứ?

– Cả làng biết thừa cái chuyện ông Tách ỉa ra khói năm ngoái rồi, năm nay chắc hãi không dám đến.

– Hãi cái khỉ gió. Hãi nào bằng cái thói tham ăn. Người với ma còn không phân biệt được, chỉ chúi mũi vào miếng ăn, cho chết.

– Thưa các ông các bà, tôi Tách đây. Vâng tôi tham ăn, nhưng tham mấy cũng không bằng tổ sư nhà nó. Năm ngoái tôi ngồi chỗ này, mâm đủ năm người. Ăn xong về nhà, cảm giác bụng tưng tức, toàn hơi là hơi. Đến lúc ỉa ra chỉ thấy một ngụm khói, mới biết mình ngồi lẫn với ma. Thế mà có kẻ độc mồm bảo rằng tôi ỉa ra cả một đụn khói, trùm kín nhà, ba ngày mới tan…

– Ghê thật. Miếng ăn bỏ vào mồm nhai rồi mà rốt cuộc lại nuốt vào bụng kẻ khác chứ không phảI bụng mình. Chỉ có ma mới ăn tranh kiểu ấy được mà thôi.

– Ba ngày là thế nào. Hôm qua tôi nghe bà Hót bảo cái đụn khói ấy đến bây giờ cũng chửa tan. Làm cho tôi sợ hết hồn, hôm nay phải thủ sẵn mấy cành dâu làm đũa gắp mới dám đến đây ăn giỗ đấy.

– Cái bà Thầm này chỉ được cái nghe hơi nồi chõ. Cành dâu phải nhúng vào nước đái thì ma mới sợ, mới không dám gắp tranh. Chứ cành dâu không thì tác dụng gì.

– Thôi cho tôi xin. Bà mà dùng đũa bằng cành dâu nhúng nước đái thì tất cả những người ở đây biến thành ma hết. Thử hỏi ông có dám ngồi cạnh bà ta mà ăn cỗ hay không? chả lẽ vừa ăn vừa bịt mũi…

– Bác Thì ơi, thế ra ma sợ cành dâu với nước đái lắm à.

– Nào tôi có biết đâu, chỉ nghe lão Tửng bảo cái hồi cả làng bị ma ám, phải dùng hết ruộng dâu làng Thượng làm roi, nhúng vào nước đái cả làng Hạ, quất từng người một suốt bẩy ngày bẩy đêm mới trục hết ma đi được.

– Giời ôi! Bao giờ mới hết cái cảnh người và ma lẫn lộn trong một đám tiệc như thế này?

Phạm Lưu Vũ

@ Phamluuvu Blog

—————————————————————————————————————————————–

Sự thật về việc đàn ông “bóc bánh trả tiền”

Đàn ông từ thanh niên cho đến cao niên, thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ vẫn tìm đến dịch vụ “gái gọi”. Vì sao?

Nghiên cứu về hiện tượng đàn ông “bóc bánh trả tiền” được các nhà khoa học Anh thực hiện với 700 nam giới, tiến hành ở 6 quốc gia, trong đó London đóng góp 103 người. Những người tham gia có độ tuổi từ 18 – 70, thuộc mọi tầng lớp, màu da, từ người châu Á đến châu Âu, hầu hết đều có việc làm ổn định, trong đó nhiều người có trình độ cao.

Khi tiếp xúc, họ đều tỏ rõ mình là những người lịch sự, với những kỹ năng xã hội tốt. Rất nhiều người trong số họ đã có gia đình hoặc bạn gái.

Trước đó, một nghiên cứu năm 2005 cho thấy, số lượng đàn ông tìm đến gái gọi đã tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ qua. Tác giả của nghiên cứu cho rằng “sự gia tăng này trở nên chấp nhận được và coi đây là một hình thức thương mại tình dục”.

Nhiều đàn ông khi được hỏi đều nói họ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ vì “bóc bánh trả tiền”. Họ thường dùng các từ ngữ để miêu tả về việc đó, như “tôi cảm thấy trong đầu không thoải mái”, “tôi thấy thất vọng”, “thật phí tiền của”, “vẫn cảm thấy cô đơn” hay “tôi thấy có lỗi với vợ”. Thực tế, rất nhiều đàn ông tồn tại sự mâu thuẫn. Mặc dù họ cho rằng quan hệ với gái mại dâm là “không trọn vẹn, trống rỗng, tồi tệ” nhưng vẫn tiếp tục “bóc bánh trả tiền”.

Ben, một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi, thuộc tầng lớp trung lưu, tâm sự trong xấu hổ và lo lắng: “Sau khi quan hệ với gái mại dâm, tôi chẳng được gì, chỉ còn lại cảm giác tội lỗi. Tôi hy vọng nói chuyện với một ai đó sẽ giúp tôi tìm ra được nguyên nhân vì sao mình lại làm việc này”.

Rất khó để tìm ra lý do thực sự đằng sau hành động này của đàn ông. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã đưa ra một số trường hợp cụ thể. Một người tham gia cho biết do từ nhỏ đã bị đối xử tồi tệ, bị bỏ rơi, anh không thể tạo dựng được mối quan hệ lâu dài với bất kỳ ai, đặc biệt là phụ nữ.

Alex, đến từ Texas (Mỹ), thừa nhận việc quan hệ với gái mại dâm khiến anh cảm thấy trống rỗng nhưng không biết làm cách nào để tìm hiểu phụ nữ qua những cách thông thường. “Tôi muốn chọn ra một gái gọi mà mình ưng ý, đóng giả làm bạn gái, hẹn hò như những đôi bình thường, chứ không phải chỉ là trao đổi về thể xác. Mọi người nếu nhìn vào sẽ nghĩ chúng tôi đang yêu nhau” – Alex tâm sự.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những gì Alex làm chỉ là sự ảo tưởng, một mối quan hệ tình dục thương mại đơn thuần không thể cấu thành mối quan hệ nghiêm túc. Không có ai chỉ cho Alex làm thế nào để thiết lập một mối quan hệ giữa con người với con người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có lý do có thể thông cảm được như Alex. Darren, một thanh niên trẻ trung, ngoại hình đẹp, sáng sủa, lại khác hẳn Alex. Anh tìm đến gái mại dâm chỉ để thỏa mãn tình dục. “Tôi không muốn họ cảm thấy thỏa mãn. Tôi là người trả tiền, còn công việc của gái gọi là làm cho tôi thỏa mãn. Nếu cô ta cảm thấy thích thú thì tôi lại cảm thấy bị lừa dối” – Darren nói.

Khi được hỏi anh có cảm thấy gái mại dâm khác với những người phụ nữ khác, Darren cho biết, sự thật là họ đã được chuẩn bị để làm công việc này trong khi những người khác thì không, họ cảm thấy làm như vậy là bình thường và không hề thấy tội lỗi.

Khi được hỏi làm thế nào để chấm dứt tệ nạn “bóc bánh trả tiền”, một nam giới cười lớn và nói: “Chỉ còn cách tất cả phụ nữ trên thế giới đều biến mất”. Nhiều người cũng cho rằng họ có thể cảm thấy “nhụt chí” nếu có nhiều điều luật nghiêm cấm hành vi buôn bán mại dâm được ban hành. Phạt tiền, thông báo công khai, báo cho lãnh đạo cơ quan… có thể ngăn chặn phần nào việc đàn ông tìm đến gái gọi. Nhưng dù có áp dụng biện pháp nào, đàn ông vẫn tiếp tục “bóc bánh trả tiền”.

Theo Phan Anh

@Báo Đất Việt

—————————————————————————————————————————————–

Ông Cù Huy Chử nói về việc Cù Huy Hà Vũ bị bắt

Nguồn: DCVOnlineA

06.11.2010

Đêm 04/11 rạng sáng ngày 05/11, anh Cù Huy Hà Vũ bị công an ập đến một khách sạn anh đang ở tại TpHCM để khám xét với lý do là nghi có quan hệ với gái mại dâm. Sau đấy, rạng sáng ngày 05/11 anh Vũ bị tạm giữ ở trụ sở công an phường 11 quận 6 TpHCM.

Cùng ngày, vào buổi chiều, nhà riêng của vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ ở địa chỉ số 24 đường Điện Biên Phủ, Hà Nội bị công an xông vào khám xét.

15:01 GMT cùng ngày, chúng tôi liên lạc với chị Nguyễn thị Dương Hà là vợ của anh Cù Huy Hà Vũ thì được chị cho biết công an vẫn đang tiếp tục khám xét nơi ở của vợ chồng chị.

Chị Dương Hà yêu cầu chúng tôi trao đổi với người chú ruột của anh Hà Vũ là ông Cù huy Chử để hiểu về vấn đề này vì theo lời chị thì “công an đang khám xét ở đây, tôi không trả lời được gì”.

15:10 GMT, qua điện thoại từ TpHCM, ông Cù Huy Chử, người từng công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng và là giáo sư giảng dạy tại Phân viện TP.Hồ Chí Minh của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nay đã nghỉ hưu, kể lại như sau:

Cù Huy Chử: Sáng hôm nay tôi nhận được một cú điện thoại của chị Nguyễn thị Dương Hà là vợ anh Hà Vũ báo cho tôi biết là anh Vũ có điện thoại về cho chị Hà báo rằng đang bị giữ tại trụ sở công an phường 11 quận 6 TpHCM. Sau đó tôi đến ngay chỗ công an phường 11 này để tìm hiểu sự việc cụ thể.

Một đồng chí trung tá và đồng chí trưởng công an phường mà tôi không quan tâm đến tên của họ đã tiếp tôi và trả lời tôi như sau:

Vào lúc 12 giờ đêm qua, công an nhận được một điện thoại nặc danh tố cáo anh Vũ có quan hệ với gái mại dâm nên công an tiến hành kiểm tra hành chính và công an không phát hiện thấy có dấu hiệu mãi dâm.

Đến 3 giờ sáng, công an gọi anh Vũ về trụ sở công an phường để kiểm tra hành chính một lần nữa, thì lần này cũng không phát hiện thấy có dấu hiệu quan hệ với gái mại dâm.

Đến 10 giờ trưa, công an yêu cầu kiểm tra máy tính xách tay và điện thoại di động xem có tài liệu gì không. Ở đấy anh Vũ đã gọi điện thoại cho tôi vì tôi đang ngồi ở phòng chờ trong trụ sở công an phường, anh Vũ đề nghị tôi lên để chứng kiến việc khám xét tài liệu máy vi tính và điện thoại di động vì anh Vũ không đồng ý.

Tôi trả lời với anh Vũ là tôi có lên hay không để chứng kiến thì phải có ý kiến của công an, nếu không thì tôi không thể lên để chứng kiến được. Tôi chờ đến 11:30am vẫn không thấy công an gọi tôi lên nên tôi xin phép ra về.

Trước lúc ra về tôi có hỏi đồng chí trưởng phường công an là đã có lệnh tạm giữ anh Vũ chưa, thì đồng chí trả lời là hiện nay chưa có, khi nào có thì đồng chí sẽ chủ động gọi điện cho tôi.

Giữ lời hứa đó, vào lúc 06:00pm thì đồng chí trưởng công an phường gọi điện cho tôi và báo cho tôi biết là anh Vũ đã có lệnh tạm giữ cùng với chị Quỳnh là người bị bắt cùng trong khách sạn và đưa chị Quỳnh (cư ngụ tại phường 13 quận 6) cùng anh Vũ lên phòng điều tra xét hỏi của Bộ Công an.

Ngay sau đó mấy phút, tôi nhận được điện thoại của vợ Vũ báo là công an phường Điện Biên có gọi điện cho chị Hà và yêu cầu chị về nhà ngay để tiến hành khám xét nơi ở của anh Vũ và chị Hà. Sau đó mấy phút chị Hà đi về thì thấy cửa đã mở toang toàn bộ, công an đã vào đầy nhà và đang lục soát toàn bộ tác phẩm di cảo của Xuân Diệu và Cù Huy Cận và toàn bộ tài liệu trong nhà hình như đến bây giờ cũng chưa xong.

Cách đây mấy phút tôi đọc trên một số mạng như VietnamNet, tôi thấy tất cả các báo đã bắt đầu đưa tin đổi tội danh của anh Vũ là “chống người thi hành công vụ”

DCVOnline: Theo như những gì ông nghe được từ công an cũng như anh Cù Huy Hà Vũ thuật lại thì anh Vũ có chống người thi hành công vụ không?

Cù Huy Chử: Tôi hoàn toàn không biết cái đấy.

DCVOnline: Tư trang, máy tính, điện thoại của anh Vũ chính xác là bị tiến hành khám xét vào lúc nào, ở đâu?

Cù Huy Chử: Vào 10 giờ trưa nay (05/11/2010) tại trụ sở công an phường 11 quận 6

DCVOnline: Thế chị Quỳnh là ai ạ?

Cù Huy Chử: Sáng nay công an không nói rõ mà cũng không kết luận chị ấy là gái mại dâm nhưng lúc nãy tôi đọc trên mạng Vietnam Net thì nói chị Quỳnh là luật sư. Vũ cũng chưa nói cho tôi biết Quỳnh là ai.

DCVOnline: Công an khi tiếp xúc với ông có nói rằng anh Vũ chống người thi hành công vụ không?

Cù Huy Chử: Họ nói với tôi là thái độ của anh Vũ rất tốt và họ đối xử với anh Vũ cũng rất tốt, họ cho anh Vũ ở phòng máy lạnh và cho ăn uống nghỉ ngơi tử tế.

DCVOnline: Tức là anh Vũ có thái độ hợp tác tốt?

Cù Huy Chử: Không, không phải hợp tác, họ nói là anh Vũ có thái độ tốt, bình tĩnh chứ không có gì cả.

DCVOnline: Vậy là khi tiếp xúc với ông bên công an không có nói anh Vũ chống lại người thi hành công vụ?

Cù Huy Chử: Thông tin nói là chống người thi hành công vụ là tôi vừa đọc trên mạng Vietnam Net chứ sáng nay tôi không hề được công an thông báo điều đó.

DCVOnline: Sáng mai ông sẽ làm gì cho anh Vũ.

Cù Huy Chử: Hiện nay anh Vũ đang ở phòng Điều tra xét hỏi của Bộ, bây giờ nói thật là tôi không thể làm được bất kỳ một việc gì hết, hoàn toàn phải chờ đợi.

DCVOnline: Ông thấy anh Vũ là người như thế nào trong gia đình?

Cù Huy Chử: Tôi thấy anh ấy là người bình thường, ở trong gia đình không có điều gì đặc biệt cả.

DCVOnline: Như vậy khi nói chuyện với ông thì công an cũng không có kết luận anh Vũ có quan hệ với gái mại dâm và cũng không có chống người thi hành công vụ như báo chí đã nêu?

Cù Huy Chử: Đúng thế!

DCVOnline: Như vậy anh Vũ không có vi phạm gì cả, thế sao họ lại tạm giữ anh Vũ và lại khám xét máy móc tư trang, rồi bây giờ lại cả xét nhà ở Hà Nội, ông có đặt câu hỏi đấy ra và yêu cầu thả ngay anh Vũ không ạ?

Cù Huy Chử: Tôi nói dài một chút nhé.

Gia đình tôi có ông bố tham gia Xô Viết Nghệ Tĩnh từ năm 30, tất cả các ông anh tôi đều tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng tám, riêng về bản thân tôi đi bộ đội từ khi rất nhỏ, năm nay tôi đã 50 tuổi đảng rồi và tuổi đời là 76 tuổi.

Nói chung là thấm trong máu thịt của gia đình chúng tôi, tất cả mọi thành viên là rất yêu nước theo con đường của chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Vì là những người đã từng tham gia công tác như thế, riêng tôi cũng đã từng tham gia công tác lâu năm như thế nên cũng đủ kinh nghiệm đời để hiểu mọi chuyện chứ không phải là không có kinh nghiệm.

Tôi lấy ví dụ các bước đầu tiên bắt vì lý do quan hệ gái mại dâm, rồi sau đó chuyển sang kiểm tra máy vi tính rồi sau đó chuyển đến chuyện nói là chống người thi hành công vụ, rồi liên quan đến chuyện khám xét nhà, tôi có thể nói rằng những trình tự như vậy diễn ra trong xã hội chúng tôi mà tôi chứng kiến trong đời thì nhiều lắm. Các bước đi như vậy thì hết sức là rõ, nó đã nằm trong tầm hiểu biết của tôi.

DCVOnline: Như vậy là nó nằm trong một bài bản đã từng được sử dụng cho một số đối tượng ở trong nước?

Cù Huy Chử: Rất nhiều đối tượng, rất nhiều đấy.

DCVOnline: Nhưng mục đích mà họ muốn đạt được là gì?

Cù Huy Chử: Cái này phải hỏi họ, chứ tôi làm sao trả lời được. Nhưng tôi có thể nói rằng tất cả, bạn cứ xem những vụ án điển hình ấy, tội danh được thay đổi liên miên, để phục vụ theo một yêu cầu, chỉ đạo nào đó. Cho nên tôi có thể nói một câu chung là như thế này, là tôi rất tiếc cháu Vũ không có được một vốn đời như ông Cù Huy Cận hay như tôi là chú nó đây. Chúng tôi thì quá hiểu!

DCVOnline: Những điều công an đưa ra ban đầu để làm lý do tạm giam giữ anh Vũ là hoàn toàn không có, tức là anh Vũ chẳng làm gì phạm pháp để bị tạm giữ hay tạm giam cả. Vậy ông có đặt vấn đề là không vi phạm gì thì tại sao không thả người ra không?

Cù Huy Chử: Nói thật là tôi có đặt vấn đề thì tôi cũng không nói với bạn, tôi cũng không trả lời với bạn. Tôi chỉ muốn nói với bạn như thế này, lịch sử sẽ chứng minh và sẽ trả lời bởi vì lịch sử luôn luôn vận động và biến đổi.

Thế hệ của chúng tôi và cha anh chúng tôi là kiên quyết đánh đế quốc Mỹ để giành độc lập tự do, nhưng bây giờ thế hệ mới phải đi theo con đường thực tế hơn là xây dựng quan hệ tốt với Mỹ để mà phát triển kinh tế và giành độc lập tự do, bạn ạ. Vẫn là Mỹ đấy thôi, nhưng mà lịch sử đã thay đổi rồi, vì vậy nhận thức của con người cũng phải làm thế nào cho phù hợp với thực tiễn.

Cho nên bây giờ nếu mà trả lời những câu hỏi kiểu như bạn hỏi thì rất có thể tôi rơi vào trường hợp là kẻ bảo thủ mà cũng rất có thể là tôi rơi vào trường hợp là người quá tân tiến bạn ạ. Để điều đó cho chúng tôi tự suy nghĩ ạ

DCVOnline: Vâng, DCVOnline xin cảm ơn ông.

Tin cập nhật:

Ngày 06/11/2010, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2 Bộ Công an cho biết cơ quan An ninh Điều tra đã khởi tố bị can, bắt và khám xét khẩn cấp đối với Cù Huy Hà Vũ về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 – bộ luật Hình sự.

Tin cho biết người phụ nữ cùng bị bắt chung với ông Cù Huy Hà Vũ và bị một số báo mạng lề phải ban đầu mô tả như một gái mại dâm là Hồ Lê Như Quỳnh, 36 tuổi, ngụ tại số 128 đường 23, phường 11, quận 6, Tp HCM, là luật sư Hội Luật gia TP HCM.

—————————————————————————————————————————————–

Xin đừng để cho người ta đổi trắng thay đen, đánh lừa quần chúng

TƯ LIỆU CHÍNH TRỊ

Đây là lá thư đề ngày 2-3-1995 của bà Nguyễn Thị Mỹ, quả phụ của thiếu tướng Đặng Kim Giang, một trong những nạn nhân chủ chốt của vụ đàn áp chính trị bắt đầu từ năm 1967, mà đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Lá thư đề gửi cho “các ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án Tòa án tối cao và Hội luật gia Việt Nam.”

Thưa các ông,

Tôi là Nguyễn Thị Mỹ, 77 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, tại phòng 20, nhà C2 Khu tập thể Nghĩa Tân, Từ Liêm, Hà Nội, xin khiếu oan với các ông việc sau đây:

Nếu ngày nay còn cái “trống kêu oan” (1) của xưa kia thì tôi cũng xin đội đơn này đến gióng ba hồi trống như bà Bùi Hữu Nghĩa (2) để “kêu oan” cho chồng tôi. Oan khuất này tồn tại đã gần 30 năm nay nhưng vẫn chưa được ai khui ra và giải oan cho gia đình tôi cùng với nhiều gia đình khác.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, rất lung đã nên cầm bút nữa để tiếp tục kêu oan chưa vì từ trước đến nay đã bao giấy mực, bao nước mắt, bao chặng đường để lại, bao tủi nhục hứng chịu mà chỉ chuốc thêm tai vạ cho mình và cho gia đình, chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Nhưng đúng ngày hôm nay tôi vừa tròn 77 tuổi, cái tuổi chỉ còn tính ngày tính tháng, cái tuổi nếu có của để lại thì phải viết di chúc. Tôi không có của để lại cho con cháu nhưng tôi có “nỗi oan” của chồng cần phải được giải quyết trước khi nhắm mắt. Vì vậy tôi viết bức thư này.

Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trong đảng ta mà chưa được làm sáng tỏ.

Thưa các ông, câu chuyện như sau:

Nỗi chồng

Năm 1967, đêm 18-10, lúc 21 giờ, chồng tôi là Đặng Kim Giang, hoạt động cách mạng từ năm 1928, cấp thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Nông trường, bí thư đảng đoàn bộ, lúc đó đang nghỉ ốm tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Sơn, Hà Bắc, đã bị công an vũ trang cùng ba chiếc xe jeep ập vào còng tay đưa đi giữa khi nằm ôm đứa con gái út 5 tuổi ngủ. Sau đó họ khám nhà tôi 3 tiếng đồng hồ, đem đi các tài liệu về Điện Biên Phủ, các ảnh chụp với các lãnh tụ, 1 đài bán dẫn do chuyên gia Liên Xô tặng và 1 súng lục (không có đạn) do tướng Makonovski tặng khi chồng tôi đi với phái đoàn quân sự Việt Nam sang thăm Liên Xô năm 1960.

Sau đó tôi được biết là họ buộc cho anh ấy tội “chống đảng, liên hệ với xét lại Liên Xô và âm mưu lật đổ chính phủ”.

Họ bắt giam chồng tôi vào xà lim 2 tháng tại Hỏa lò Hà Nội, cùm chân tay, không có đèn đóm. Sau đó họ đưa lên giam ở Bất Bạt rồi Tân Lập (Yên Bái).

Từ tháng 10-1967 đến 26-10-1973 (sau Hiệp định Paris), trong sáu năm trời họ đưa từ nhà lao này sang nhà lao khác, giam một mình trong một căn nhà trên đỉnh đồi vắng vẻ, canh gác cẩn mật, giữa lùm cây có rào vây kín, không tiếp xúc với sinh vật nào ngoài một anh công an tới bữa đem cạp lồng cơm ngoắc vào cửa. Suốt ngày đêm trong sáu năm trời không chuyện trò trao đổi với một người nào. Đã có lúc buồn quá chồng tôi ngồi nói chuyện với đàn kiến hoặc nói chuyện một mình.

Trong suốt thời gian đó không hề thiết lập tòa án để xét xử, điều mà chồng tôi và gia đình trước sau tha thiết đề nghị. Chồng tôi đề nghị được đem ra xét xử công khai hoặc bí mật nhưng phải có phiên tòa cho bị cáo được quyền tự bảo vệ – có hỏi cung, có luận án, có văn bản về tội, đúng pháp luật và Hiến pháp. Hoặc nếu xét xử nội bộ thì cũng phải đúng Điều lệ đảng. Nhưng không hề có một cuộc xét xử nào như vậy. Chỉ có gặp ông Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Song Hào một lần. Các ông ấy trấn áp, chồng tôi cãi lại thì bị trù, không hề có văn bản gì cả. Cứ như thế giam cầm, cấm cố suốt 6 năm trời. Có một lần chồng tôi ốm nặng (huyết áp cao, suy tim) phải đưa ra bệnh viện Sơn Tây, cũng bị bắt nằm riêng một khu vực, có công an kèm; đổi tên thành Đặng Văn Nông, không được tiếp xúc với bệnh nhân khác. Bác sĩ chữa bệnh cũng không được biết đang chữa bệnh cho ai.

Chồng tôi già và ốm. Suốt 6 năm bị giam cầm, mùa đông không có nước nóng tắm, cứ phải hàng tháng mới tắm một lần, ghẻ lở rất khổ sở. Đi tiêu thì đào hố quanh chỗ ở mà chôn phân. Rửa ráy thì có giếng đất trước nhà. May mà không rơi xuống đó (nếu có rơi cũng chẳng ai biết mà vớt lên). Ốm đau thật là khốn khổ, nhất là ban đêm, mưa gió. Theo tôi biết, theo luật quốc tế thì lối giam cầm như thế là tối dã man.

Trong suốt 6 năm trời đó, mỗi năm tôi được dịp đi thăm hai lần (vào dịp Tết ta và Quốc khánh). Phải xin phép trước rất lâu. Mỗi lần thăm 20 phút. Quà bánh mang vào bị lục soát kỹ (có lần tôi mang mấy quả bưởi của (cây bưởi) chính tay chúng tôi trồng nhưng công an không cho đưa vào). Khi nói chuyện có công an giám sát.

Sau thì cho thăm đêm. Khi đến phải đợi mặt trời lặn hẳn, khi ra về trời còn sáng, không được để ai trông thấy mình, không dược nói mình đi thăm ai. Suốt 6 năm trời lẽo đẽo lội suối băng ngàn thăm chồng tù tội, nước mắt hòa với nước mưa.

Có cái gì ám mưội trong vụ bắt bớ giam cầm này mà phải xử sự như vậy?

Ôi những năm tháng ấy tôi làm sao quên được?

Lúc đi thăm chồng ở Hỏa lò, nơi đế quốc Pháp đã giam cầm chồng tôi khi anh ấy chống lại chúng. Nay anh ấy lại bị chính đồng chí mình – chỉ vì bất đồng quan điểm – giam cầm ở chính chỗ năm xưa. Lịch sử lặp lại một cách tàn nhẫn như vậy! Biết bao chiều tà, mặt trời đã tắt, một mình tôi ngồi đợi trong túp lều tranh vắng vẻ đến rùng rợn ở bìa rừng dưới gốc đa um tùm có treo một cái kẻng. Tôi cầm dùi gõ ba tiếng và lắng nghe âm thanh vang động khủng khiếp khắp núi đồi lúc hoàng hôn… Tôi phải chờ cho đến lúc bóng tối bao phủ khắp núi rừng mới có người ra đưa vào thăm ông già tù tội tội nghiệp là chồng tôi. Tôi làm sao quên được những lần lặn lội trong mưa rét, trong đêm tối trên đường độc đạo từ bến đò Ấm Thượng (Đò Lao) đến Lao 3 trong rừng, nơi giam cầm chồng tôi. Hai bên đường rừng nứa hun hút, mưa đêm xối xả, đường rừng vắng, vừa lầy lội vừa trơn như mỡ, một mình tôi thân cò lặn lội gánh các thứ đi thăm chồng.

Có một bận đến bên một con suối nước lũ rất to chỉ có một thanh gỗ bắc ngang vừa hẹp vừa dài. Lúc đó đã nhá nhem tốt, trời tháng chạp, mưa tuôn như trút. Tôi ngã chết ngất bên đường. Khi tỉnh dậy tự nhủ: “Ta phải dậy mà đi. Không được nằm đây. Ta chết, ai nuôi lũ con ta?”. Vậy là lại đủ sức đứng dậy nhưng xe đạp đầy bùn không đẩy đi được, lại thồ nặng (6 bị thức ăn tiếp tế cho chồng). Làm sao qua được suối?

Thế là đành ngồi khóc bên đường. May sao có một người đàn ông Mán đi đào sắn về đã giúp tôi qua chiếc cầu khỉ sang bờ bên kia để tiếp tục đi tới 10 giờ đêm mới tới nơi chồng bị giam giữ.

Những nỗi cực nhục ấy, ai thấu cho chúng tôi, những người vợ của những nạn nhân trong “vụ án xét lại” này?

Sau Hiệp định Paris, chồng tôi được tha về nhưng vẫn phải cấm cố thêm 7 năm nữa (quản thúc tại xã Việt Đoàn, Tiên Sơn, Hà Bắc). Khi về cũng chỉ được nghe nói miệng cho biết là bị cách hết chức vụ, khai trừ ra khỏi đảng, tước hết quyền công dân. Hàng tháng phải đến trình diện tại công an huyện, không được ra khỏi xã, không được tự do đi lại, không được bầu cử. Mỗi tháng trợ cấp “nhân đạo” cho một số tiền tối thiểu, tháng có tháng không. Ốm đau không tiêu chuẩn thuốc men gì cả. Có một lần chồng tôi bị huyết áp cao, ngất xỉu, tôi dìu chồng tôi ra chân dốc làng Long Khám xin nhờ xe Bộ Y tế về Hà Nội cấp cứu nhưng cán bộ Bộ Y tế sơ tán sợ liên lụy, không dám.

Tôi phải nhờ người đèo xe đạp 4km ra ga Lim đưa lên xe khách vào cấp cứu ở bệnh viện Việt-Xô. Qua một đêm ở phòng cấp cứu, sớm hôm sau bị đuổi ra (theo lệnh của ông Lê Đức Thọ) vì không có “tiêu chuẩn” mặc dù huyết áp còn cao, người lảo đảo đi không vững!

Còn địa phương, được lệnh của “trên” đã cho họp toàn thể đảng viên trong huyện thông báo: “Đặng Kim Giang là phần tử chống đảng. không ai được tiếp xúc với gia đình phần tử xét lại nguy hiểm này” !!!

Từ đó, từ một gia đình có công với cách mạng, có uy tín với địa phương, nơi chồng tôi hoạt động thời bí mật, gia đình tôi sống trơ trọi như giữa một hoang đảo trước sự né tránh của mọi người.

Tôi đã có đến ông Lê Đức Thọ và ông Trần Quốc Hoàn. Ông Trần Quốc Hoàn tránh không tiếp. Tôi nói với ông Lê Đức Thọ:

“Anh Giang phạm tội gì mà các anh còng tay còng chân mang đi? Sao đối xử với nhau tệ thế? Có phải gián điệp của đế quốc không? Nếu phải, đem xử bắn. Mẹ con tôi tán thành”.

Ông Thọ nói:

“Không phải. Đây là cuộc đấu tranh nội bộ, không đem ra xử công khai được. Chị cứ yên tâm. Chúng tôi không bỏ tù nhau đâu. Thuyết phục nó không được, phải dùng biện pháp hành chính. Khi nào nó nghe ra sẽ về thôi. Cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở. Chị có khó khăn gì cứ đến.”

Thật ra cánh cửa đó đã vĩnh viễn sập lại sau lưng tôi kể từ ngày đó.

Chiến tranh kết thúc đã lâu. Mọi người đã trở về Hà Nội. Năm 1980. chúng tôi cũng trở về Hà Nội (nhà cũ 29 Cao Bá Quát đã bị quân đội lấy mất). Chúng tôi phải vay mượn mua tạm một túp nhà tranh vách đất rách nát 14 mét vuông ở 30 ngõ Chùa Liên Phái (một xóm nghèo nhất Hà Nội, những người ở đó phần lớn không có hộ khẩu, là những người bán thuốc chuột và trẻ con móc túi trên tàu điện). Mười người, vợ chồng, con cái, cháu nội, cháu ngoại sống chen chúc hơn 10 năm trời trong ngôi nhà đổ nát đó.

Gần Đại hội 5, chồng tôi đang bị nhồi máu cơ tim, viết một lá đơn khiếu oan, trình bày khúc chiết vấn đề này, đề nghị Đại hội cử một tiểu ban kiểm tra lại và có kết luận rõ ràng vì đây là một vụ án lớn nhất từ trước đến nay có liên quan đến nhiều người: có ủy viên Bộ chính trị, có ủy viên Trung ương, có bộ thứ trưởng, có tướng tá và cán bộ cao cấp…

Lá đơn đó được gửi đến cho các ủy viên Trung ương Đảng, cho Đại hội 5, cho Ban bí thư, cho Tổng bí thư v.v…

Sau đó, tháng 9-1982, chồng tôi lại bị bắt trở lại, “về tội tán phát đơn khiếu nại làm mất uy tín của đảng”.

Lần này chồng tôi bị đưa đi giam cầm tại Nam Định 8 tháng.

Hôm bị bắt cũng bất ngờ. Công an đến mời lên gặp ban lãnh đạo Sở công an Hà Nội rồi đưa lên xe mang đi luôn, giam giữ bí mật ở Nam Định. Nhà cửa lại bị lục soát. Lần này các huân chương, huy chương (đến cả huy hiệu Điện Biên Phủ), quân hàm đều bị tịch thu. Lấy luôn cả máy chữ Olympia con trai tôi vừa mua ở Sài Gòn mang ra để làm việc.

Suốt 8 tháng ấy, anh Đặng Kim Giang bị ốm nặng (đã từng nhồi máu cơ tim) nên thường phải nằm riêng một mình ở bệnh viện công an Nam Định. Suốt thời gian đó không có một cuộc hỏi cung, xét xử gì cả…

Mỗi tháng tôi được đi thăm một lần, tàu xe rất cơ cực. Cũng như lần trước, quà cáp bị khám xét. Ngồi nói chuyện khoảng một giờ đều có công an giám sát.

Có đêm lỡ tàu xe, tôi phải ngồi thâu đêm rét mướt ở bến xe đợi sáng.

Sau vì chồng tôi yếu quá và vì tôi viết đơn cho ông Phạm Hùng nói “anh Giang sắp chết rồi vì bị nhồi máu cơ tim ông (tuổi đã 73). Nếu các anh không thả anh ấy ra, anh ấy mà chết trong tù thì sau các anh sẽ mang tiếng là giam cầm nhau cho đến chết, không khác gì bọn Mao ở Trung Quốc”, nên sau 8 tháng giam (không xét xử) họ đưa chồng tôi trả về cho tôi. Cũng như lần trước, không có bản án!

Hôm trả về, chồng tôi nằm suốt trên xe thế nhưng họ vẫn chưa cho về nhà mà còn bắt phải đến đồn công an Cầu Dền để nghe đọc các điều kiện quản chế và ký vào bản cam kết. Nhưng chồng tôi mệt quá, tôi phải ký thay vào các bản đó.

Lại quản thúc không thời hạn. Hàng tháng phải ra trình diện với đồn công an Cầu Dền. Sau hai tháng, phải ra báo cáo trước nhân dân xem “đã cải tạo tốt” chưa. Nhưng từ ngày trở về chồng tôi ốm liệt giường nên cũng không có sức mà lết ra báo cáo được lần nào cả.

Trước khi bị bắt còn tráng kiện, khi trả về là một ông lão tàn phế, đờ đẫn, suy sụp hoàn toàn.

Phần vì nhiều năm tù tội quá – cả cuộc đời 73 tuổi mà 12 năm tù đế quốc, 7 năm tù ta, kể cả cấm cố và quản thúc tất cả 3 lần tù là 25 năm – phần vì bị chà đạp nhiều, phần vì cuối đời sống trong túng thiếu, cực khổ, thuốc men không có, bị truy bức hành hạ liên tục nên sau một đêm mưa gió, bị dột ướt người cảm lạnh rồi nhồi máu cơ tim, anh Đặng Kim Giang đã chết. Chết chính trong túp nhà lá dột nát đổ nước vào người anh đó!

Từ khi được thả về, ốm liệt nhưng không có tiêu chuẩn điều trị, thuốc men, ăn uống thiếu thốn, tiền nong chẳng có, nếu như được chữa chạy chắc chắn anh Đặng Kim Giang chưa chết. Lúc hấp hối vẫn có 2 công an ngồi kèm. Tôi phải bảo họ ra ngoài anh mới nhắm được mắt.

Ngày 16-5-1983, tôi có đánh 3 bức điện: một cho ông Lê Đức Thọ (Ban tổ chức Trung ương), một cho ông Nguyễn Ngọc Trìu (Bộ Nông nghiệp), một cho ông Chu Huy Mân (quân đội) báo tin chồng tôi chết. Nhưng không có ai đả động gì. Không một nén hương, không một bông hoa, không một đồng xu cho đồng chí xấu số!!! Tôi đã bán quần áo và quyên góp trong số bạn bè tù cũ Sơn La để chôn cất.

Bao nhiêu công lao đóng góp cho dân cho nước mà khi chết đi xác được liệm trong một cỗ quan tài ghép 11 mảnh. Con tôi phải giã gạch và cơm nếp để bít những khe hở. Chôn anh ở nghĩa trang Văn Điển một ngày mưa, hố đầy nước, nhầy nhụa những mảnh quần áo của người vừa được cải táng sót lại!!!

Một tuần sau, Ban tổ chức Trung ương cho người cầm đến 80 đồng đưa cho tôi nhưng tôi không lấy vì việc chôn cất Đặng Kim Giang đã xong rồi.

Thực chất đây là một vụ bất đồng quan điểm.

Tôi được biết ở Bộ Nông trường trước đó, các đề nghị xây dựng của anh Đặng Kim Giang như: khuyến khích vật chất, chia ruộng phần trăm cho nông dân, hợp tác với các nước trong khối SEV, đầu tư liên doanh cho các nông trường (những việc hiện nay đã làm) đều bị coi là “chủ trương xét lại”, những ai ủng hộ đều bị hành hạ, loại bỏ .

Từ bắt bớ đến giam cầm, thả ra và đối xử đều tùy tiện, bất chấp điều lệ đảng, pháp luật và hiến pháp. Suốt 16 năm: 2 lần bắt giam, đưa hết nhà giam này đến nhà giam khác, quản thúc, cấm cố, chịu đựng đủ loại hình phạt: khai trừ, cách chức, khám nhà, tịch thu đồ đạc, giam cầm, truy bức, phân biệt đối xử với gia đình, không hề theo một thể chế nào, đạo luật nào. Không có một văn bản chính thức nào về tất cả vấn đề trên được công bố. Không được xét xử, không được bào chữa, không được chống án, không được khiếu nại. Nơi giam giữ phải giữ bí mật, tên họ phải thay đổi.

Tại sao lại như vậy? Có cái gì ám muội? Có cái gì uẩn khúc trong vụ án này?

Đã nhiều lần anh Giang đã làm đơn gửi các cơ quan của Đảng – có lần trực tiếp tố cáo tại trụ sở Ban tổ chức Trung ương Đảng, tại Bộ công an – về những sai lầm, khuyết điểm của các cán bộ có chức quyền trong đảng và những hành động phạm pháp, sai điều lệ của họ nhằm bưng bít sự thật, trả thù người dám đấu tranh (các tài liệu này chắc chắn còn được lưu trữ).

Oan khuất đã nhiều, anh Đặng Kim Giang, người dám đấu tranh dũng cảm cho chân lý, đã bị đối xử tàn tệ cho đến lúc chết.

Tôi đề nghị các ông cho mở một cuộc điều tra nghiên cứu về vụ án này và kết luận công khai, rõ ràng ai có công, ai có tội, tội gì – cũng như khi bắt giam đã phổ biến đến từng chi bộ, làm mất thanh danh, thì nay hãy minh oan cho các anh ấy đến từng chi bộ.

Hãy trả lại thanh danh cho những con người dám đấu tranh cho lẽ phải, nhất là những người đã khuất. Hãy trả lại thanh danh và sự đối xử công bằng với con cháu họ.

Tại sao lại xóa sạch công lao của họ? Trong lịch sử đấu tranh của xã Minh Tân, của huyện Kiến Xương, của tỉnh Thái Bình, của xã Trung Màu, của Hà Bắc, của tỉnh Hà Đông, tại sao lại xóa sạch công lao của Đặng Kim Giang?

Tại sao trong chiến thắng vinh quang của Điện Biên Phủ lại xóa sạch công lao của người đã từng lo từng hạt cơm viên đạn để làm nên chiến thắng rung chuyển hoàn cầu đó? Ai cho phép người ta bóp méo lịch sử, cướp công của những người đã từng đổ mồ hôi và xương máu để xây dựng đất nước này, chính quyền này, chế độ này, lịch sử này?

Tôi đề nghị thành lập một tiểu ban điều tra xem xét lại toàn bộ vụ án này và có kết luận cụ thể, rõ ràng, minh bạch, công khai, xác định rõ công tội và có cách đối xử thỏa đáng đối với những người còn sống cũng như những người đã chết cùng vợ con họ.

Nỗi con

Chúng tôi có 7 con. Sau khi cha bị buộc tội thì mỗi đứa con một thảm kịch. Đây là một cuộc “tru di tam tộc”. Tôi xin dẫn chứng ra một số trường hợp cụ thể:

1) Cháu Đặng Kim Phương, tốt nghiệp phổ thông, xưng phong vào bộ đội 3 năm, công tác tại quân y, tận tụy lao động chân tay trong bệnh viện dã chiến, liên tục là chiến sĩ thi đua, là cảm tình đảng nhưng không được kết nạp, không được vào đại học (hồi đó không phải thi) vì “lý lịch xấu”.

2) Đặng Kim Thư, tốt nghiệp đại học cơ khí chính xác tại Kiev (Liên Xô) vào loại giỏi. Về nước được ông Lê Tâm giám đốc xin vào Viện đo lường nhưng “trên” không cho và bắt lên gánh vôi vữa hai năm oơ Nhà máy y cụ 2 (Gò Đầm, Thái Nguyên) trong khi Viện đo lường Hà Nội rất cần kỹ sư cơ khí chính xác.

3) Đặng Kim Sơn, thi khối C vào Trường ngoại ngữ được 13,5 điểm (trường lấy 12,5 điểm). Thừa điểm nhưng không được gọi vì “lý lịch xấu”. Tôi xin anh Đinh Đức Thiện (3) cho cháu làm công nhân nhưng anh Thiện không nhận. Cháu phải ở nhà một năm. Sau tôi viết đơn khiếu nại gửi anh Lê Văn Lương (lúc đó là bí thư Thành ủy Hà Nội) và anh Tạ Quang Bửu (lúc đó là bộ trưởng Bộ đại học), cháu được gọi đi học, nhưng lại vào Đại học Nông nghiệp (trái với khả năng của cháu). Hôm cắt hộ khẩu cho cháu đi học, Khu đội Ba Đình bảo tôi cháu đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Tôi nói: chồng tôi là bộ đội, tôi cũng là bộ đội, tôi sẵn sàng cho cháu đi nghĩa vụ quân sự và xin giao nó cho các anh kể từ giờ phút này. Nhưng họ lại không nhận. Con tôi chảy nước mắt bảo tôi: “Mẹ ơi, con cắn tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhé?”. Nhưng tôi nghĩ người ta không tin mình nên không cho đi và đã khuyên con thôi, cứ đi học.

4) Đặng Kim Thành, học giỏi, thi khối A đỗ 23,5 điểm. Đáng lẽ được đi nước ngoài nhưng là con Đặng Kim Giang nên không được đi. Trong đơn xin vào Bách khoa (năm đó lấy 15,5 điểm) và tuy cháu thừa điểm nhưng không được vào mà phải vào Đại học xây dựng.

Ông Thành (4) (vụ trưởng Bảo vệ Đảng) thông báo cho tôi chỉ thị của ông Lê Đức Thọ: các con tôi không được vào các trường Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Y Dược, Pháp lý…; không được kết nạp Đảng, không được đi nước ngoài, không được đề bạt lên cương vị lãnh đạo.

Chúng nó luôn luôn bị phân biệt đối xử ở trường cũng như khi ở cơ quan.

Tôi nhớ năm 1969, trường Nguyễn Văn Trỗi sơ tán sang Trung Quốc trở về nước và giải tán. Có chỉ thị của trên: các cháu từ trường Nguyễn Văn Trỗi về địa phương nào thì trường phổ thông ở đó có trách nhiệm đón tiếp các cháu. Vậy mà hai thằng con trai tôi, Đặng Kim Sơn và Đặng Kim Thành, lớp 8 và lớp 9, khi trở về xin vào trường cấp 3 Tiên Du đã bị Ty giáo dục Hà Bắc từ chối. Sau tôi phải về Hà Nội giữa lúc máy bay Mỹ đang oanh tạc dữ dội đường số 1 để đến Bộ giáo dục, xin cho hai con tôi được vào trường cấp 3 Tiên Du.

Đã hết đâu: Còn bị bắt bớ và hăm dọa nữa!

Năm 1982, sau khi chồng tôi bị bắt trở lại, phòng Công an Tiên Du đến nhà máy quy chế Từ Sơn bắt con gái tôi là Đặng Kim Thư và chồng nó là Phạm Viết Sỹ (đều là kỹ sư) giam một tuần ở phòng Công an huyện Tiên Sơn, bức chúng phải viết đơn tố cáo bố. Tôi đã phải làm đơn lên Bộ Công an, Hội luật gia Việt Nam, Quốc hội để họ thả con tôi ra.

Ôi! Nghĩ mà cơ cực những năm đen tối ấy. Nỗi oan chỉ một kêu trời nhưng xa!

Và từ ấy đến nay đã gần 30 năm. Thời gian cứ trôi đi. Bao nhiêu nhiệt tình, tài năng của con cái tôi cũng mai một đi. Vì phấn đấu làm sao một khi dấu ấn đã in trên trán. Chưa ai gột rửa đi cho, cứu giúp lũ con tôi cho chúng nó được sống, được làm người như những người khác!

Tuy nhiên, thật là phúc đức cho gia đình tôi! Tất cả con tôi 7 đứa thì 3 đứa là cán bộ trung cấp, 1 đứa phó tiến sĩ, 5 đứa kỹ sư, 4 đứa là đảng viên.

Về việc các con tôi. Tôi đề nghị các ông can thiệp để xóa cái dấu ấn và bản án cha không làm mà con phải chịu cho chúng được đem tài năng ra phục vụ nhân dân, đất nước. Hãy cho chúng được phát huy tài năng. Hãy đền bù cho chúng những năm tháng bị phân biệt đối xử sao cho thỏa đáng. Kể từ bây giờ cởi trói cho chúng là quá muộn (Trong 7 đứa, đã 3 đứa nghỉ hưu. Thật tội nghiệp chúng: chờ cho hết kiếp còn gì là xuân!). Tôi sẽ vui lòng nhắm mắt nếu được trông thấy các con tôi đã được cứu rỗi linh hồn và thể xác.

Nỗi mình

Là một cán bộ giáo dục lâu năm (35 năm trong nghề) và là một đảng viên, tôi luôn luôn làm tốt công việc được giao phó. Không có khuyết điểm sai sót gì trong công việc cũng như trong đạo đức tác phong. Vậy mà sau khi chồng tôi bị kỷ luật, ba lần huyện Tiên Sơn (Hà Bắc) gọi lên vận động ra đảng. Nhưng tôi không chịu vì lẽ tôi không có khuyết điểm. Vả lại đảng bộ địa phương bảo vệ tôi vì tôi liên tục là lao động tiên tiến và đảng viên 4 tốt.

Năm 1980, tôi cùng gia đình chuyển về Hà Nội. Sau khi chồng tôi bị bắt trở lại, một hôm bí thư chi bộ là đồng chí Địch (thứ trưởng Bộ giao thông đã nghỉ hưu) và đồng chí Đoàn, phó bí thư (nữ bác sĩ nghỉ hưu) gọi tôi đến và báo cho biết là trên có chỉ thị cho là phải vận động tôi ra đảng. Lúc đầu tôi nhất định không nghe và tuyên bố: Tôi chỉ vào đảng chứ không ra đảng. Tôi không có khuyết điểm gì cả và rất xứng đáng đứng dưới cờ đảng. Tôi mới nhận thẻ đảng (100% đồng chí nhất trí trao thẻ cho tôi). Nhưng sau các đồng chí nói hoài nói mãi và nói thêm:

“Nói thật chị ở chi bộ chúng tôi thì thật khổ cho chúng tôi. Mọi người đều biết chị là một đảng viên tốt, không có sai sót gì nhưng chị là vợ anh Đặng Kim Giang. Trên cứ nhắc đi nhắc lại là nhất định phải đưa chị ra khỏi đảng”.

Tôi nói:

“Nếu thấy vướng mắc thì cứ khai trừ tôi đi”.

Các chị nói:

“Không khai trừ vì chị không có khuyết điểm gì. Chỉ vận động chị vì lợi ích của đảng (?) chị nên tình nguyện ra khỏi đảng”.

Sau nhiều lần các đồng chí đó vận động, tôi suy nghĩ thấy buồn quá. Xã hội tiêu cực như vậy! Thế thái nhân tình như thế! Công lý ở đâu? Thôi thì rút lui để yên thân khỏi phải nghe lời nọ tiếng kia thêm cực, thêm khổ. Và thế là tôi đề nghị triệu tập một cuộc họp chi bộ toàn thể 36 đảng viên và tôi trả lại thẻ đảng. Hôm đó, trước tất cả 36 đồng chí đều là cán bộ nghỉ hưu, tôi đã nói hết nỗi lòng mình và oan khuất của gia đình mình.

Nhiều đồng chí đã rưng rưng nước mắt. Hôm sau tôi gặp đồng chí Đang, một đảng viên già (nay đã chết). Đồng chí nắm tay tôi ứa nước mắt: “Tôi hoạt động cách mạng từ lâu. Đảng dạy tôi phải bênh vực lẽ phải thế mà tôi để chị ra đảng, tôi thật xấu hổ! Sau khi chị về tôi hỏi đồng chí bí thư chi bộ: “Chị Mỹ ra khỏi đảng, anh có thấy xấu hổ không?” đồng chí Địch trả lời: “Biết làm thế nào được!”

Về sự nghiệp

Tôi là một giáo viên từ thời Pháp thuộc. Đi theo Cách mạng tháng 8, đã tham gia cướp chính quyền ở Đà Lạt. Ở trong Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc Đà Lạt. Vận động trí thức Đà Lạt và tham gia nhận ấn tín của Tổng đốc Trần Văn Lý. Sau về Hà Đông vừa dạy học từ 1945 vừa tham gia vận động phụ nữ (Hội phó Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Đông).

Suốt từ Cách mạng tháng 8 cho đến khi về hưu năm 1972, đều luôn luôn làm tốt các công việc được giao phó. Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết thành thạo hai ngoại ngữ Pháp và Lào, khi đi học văn hóa hay chính trị đều là học viên xuất sắc. Đã từng viết báo địch vận bằng tiếng Pháp (báo L’Etincelle) được Bác Hồ khen. Dạy học thì liên tục từ 1945 đến 1972 đều là lao động tiên tiến, phụ nữ 3 đảm đang và đảng viên 4 tốt. Vậy mà khi đi theo cách mạng là giáo viên, bây giờ cũng chỉ là giáo viên thường. Được đề bạt hiệu phó trường Nguyễn Trãi một ngày. Sáng nhận bàn giao. Chiều lại có quyết định trở về trường cũ dạy học. Hỏi tại sao thì Phòng giáo dục Ba Đình trả lời: “Chị là đảng viên, đặt đâu ngồi đó đừng có hỏi”.

Năm 1967, anh Lê Liêm có triệu tập cuộc họp 24 nữ cán bộ “bị bỏ quên”. Khi tôi trình bày quá trình công tác, các anh chị em đều khóc và đề nghị “đề bạt vượt cấp”. Được biết sau đó Bộ giáo dục định cử tôi làm hiệu trưởng trường con em cán bộ Lào. Nhưng chỉ thị của Ban tổ chức Trung ương là phải hủy quyết định đó. Thế là “cội đa, tôi lại trở về cội đa”.

Bao nhiêu khả năng, bao nhiêu nhiệt tình đều bị thui chột hết. Năm 1972, tôi nghĩ hưu, không được tăng một bậc lương nào (mặc dù tôi nằm ở mức lương 68 đồng trong 11 năm, mặc dù trong 11 năm đó tôi liên tục là lao động tiên tiến và đảng viên 4 tốt). Tôi được xếp hưởng 75% mức lương 78 đồng, nay là mức 310 đồng (mỗi tháng hiện nay tôi lĩnh 198.000 đồng – cả thâm niên giáo dục). Khi nghỉ hưu, tôi được lĩnh một tháng lương. Đang giảng dạy trên lớp thì nhận quyết định nghỉ hưu. Thế là cô từ biệt các em, hôm sau cô không lên lớp nữa!

Phục vụ như thế, khả năng như thế, cống hiến như thế và bị đối xử như thế nhưng tôi chẳng oán trách ai. Tôi chỉ có một tội là vợ của Đặng Kim Giang! Hiện nay tôi đã 77 tuổi. Mặc dù chìm nổi và thiệt thòi như vậy nhưng tôi vẫn tích cực tham gia phong trào phụ nữ địa phương cùng mọi phong trào khác và được chị em yêu mến, tín nhiệm. Đó là niềm an ủi của tôi.

Với số lương như vậy, nếu không có các con tôi đùm bọc thì chắc tôi đã chết từ lâu rồi.

Kết luận

Trên đây tôi đã trình bày đại thể những oan khuất và cơ cực mà gia đình cũng như chồng tôi đã phải chịu đựng trong suốt 30 năm qua trong “vụ án Đặng Kim Giang & Hoàng Minh Chính”. Đó chỉ là những nét lớn. Còn bao nỗi đắng cay, chà đạp. dày vò chúng tôi cắn răng chịu đựng khiến lắm lúc tôi tự hỏi: “Chẳng lẽ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là thế này ư?” Tôi cứ nghĩ: “Có độc lập, tự do là có tất cả” và tôi tự tay tháo hết đồ nữ trang khai mạc Tuần lễ vàng 1945 ở Đà Lạt, đi theo cách mạng như một ngày hội lớn. Thế mà bây giờ cuộc đời tôi ra sao? Cơ cực vật chất không nói làm gì. Cái đau nhất là mất niềm tin.

Thưa các ông, các ông hãy làm sáng tỏ vấn đề này ra và hãy “cứu rỗi” linh hồn chúng tôi, những người bị bao oan trái trong vụ án uẩn khúc này. Xin các ông hãy cho thẩm tra lại vụ án mà may thay một phần nhân chứng còn sống. Các ông sẽ gặp nhiều khó khăn vì sẽ đụng chạm đến nhiều người đang muốn quay lưng lại những trang sử đen tối, coi như đã giải quyết rồi, không quay lại nữa.

Xin đừng để cho người ta bóp méo lịch sử, bôi nhọ những người ngay thẳng có công với cách mạng, đổi trắng thay đen, đánh lừa quần chúng, để giải thoát cho những người còn sống, để minh oan cho những người đã khuất.

Tôi đề nghị thành lập một tiểu ban thẩm tra lại vụ án. Xin hỏi han những nhân chứng còn sống rồi kết luận rõ ràng về vụ này: ai có tội, ai bị oan. Hãy thanh minh cho những người bị oan khuất và những người đã khuất. Hãy trả lại thanh danh cho họ và gia đình họ; hãy lên án những kẻ đã lạm Đảng chức quyền để áp bức, vu khống đồng chí mình, gây bao thảm họa và làm mất uy tín của đảng.

Mỗi lần gia đình tôi khiếu oan là một lần bị đe dọa, trù dập. Nhưng lần này tôi lại tiếp tục tố cáo không chỉ vì tin ở xu thế chân lý mà còn vì ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp chung, với vận mệnh cuộc cách mạng của chúng ta.

Kính chúc các ông mạnh khỏe.

Kính đơn,
Nguyễn Thị Mỹ (đã ký)

Phòng 201. Nhà C2
Khu tập thể Nghĩa Tân, Từ Liêm, Hà Nội

http://www.datviet.com/

—————————————————————————————————————————————————-