————————————————————————————————–
Day: 05/11/2010
Truyện ngắn Hoàng Hạc : “Xa mặt cách lòng”
Hoàng Hạc
Nhiều lần đến chơi nhà anh Hạ ở gần phố Tàu Đông Toronto (Canada), tôi không mấy khi gặp chị Hạ và hai con trai của anh. Anh phân trần với tôi:”Xứ này mỗi người sống theo một múi giờ riêng mà, thời gian gặp được nhau ít lắm!”
Anh Hạ bán hàng cho một tiệm ăn ở mãi Missisauga cách Toronto tới 20 km, bởi vậy cứ 6 giờ sáng là phải rời nhà và về đến nhà không trước 7 giờ tối. Hai cậu con trai đến trường theo hai múi giờ khác nhau vì một cậu học đại học năm thứ nhất còn một cậu học lớp 11, anh Hạ phàn nàn: “Không mấy khi gặp được mặt chúng nó, vì mỗi đứa có phòng riêng, gõ cửa chán chê cũng không thấy mở nên cũng không biết chúng có nhà hay không”. Chị Hạ có một tiệm hớt tóc mở từ 1 giờ trưa cho đến 12 giờ đêm. Anh Hạ được nghỉ ngày thứ 2 hàng tuần và nửa ngày chủ nhật, còn chị Hạ thì nghỉ trọn ngày thứ 5 hàng tuần. Bữa ăn chung cả nhà duy nhất là vào trưa chủ nhật. Buổi trưa đó bao giờ chị Hạ cũng phải có ít nhất một món bún ăn với đậu hũ chiên chấm mắm tôm- món ăn khoái khẩu của chị, nhưng lại là món ba người đàn ông trong nhà “khiếp đảm” nhất. Bởi vậy mà bữa ăn chung duy nhất đó thường trở thành buổi “trình diễn” các món ăn của các thành viên gia đình: câu con út luôn luôn với món Spaghetti kiểu Ý, cạu con lớn thì món bít tết và bánh mì kẹp trứng, anh Hạ luôn chỉ với món rau muống luộc chấm tương pha dầu mè, đây là món khá đắt tiền trong tiệm ăn của anh(Ở Canada, rau muống, rau cần…là những thứ rau đặc biệt đắt tiền, có lúc từ 7 đến 10 đôla một kg! Có thể vì rau đắt như vậy nên trẻ con Canada rất ít ăn rau).
“Hai thằng con trai tôi có phòng riêng bởi vậy mà rất khó gặp được chúng. Nhiều khi muốn nói chuyện tôi phải mở chiếc computer cũ bẩn đặt trong phòng ăn, nối mạng housecom(một mạng chat trong nhà thay vì mạng gọi intercom) và đánh dòng chữ: “Mở cửa cho ba vào nói chuyện với con! “với khổ chữ 36 to đùng chúng nó mới chịu mở cửa, vì chúng thường xuyên nghe nhạc surround-sound dàn 6 loa âm thanh 64 bit mở volume lớn.” Anh Hạ than phiền với tôi về cái thú của lớp trẻ Canada hiện nay và sự cách biệt ngày càng lớn của hai thế hệ người Việt sống tại hải ngoại, đặc biệt là sự cách biệt về văn hoá. “Những món ăn tôi thích thì bà ấy và hai đứa con không thích, tôi thích nghe giao hưởng còn bà ấy chỉ thích nhạc vàng và hai đứa con chỉ thích Rock, Rab…Tôi nói tiếng Việt hai thằng chỉ hiểu được lõm bõm, trong một câu nói có đến một nửa phải pha trộn tiếng Mỹ, con trai tôi lắc đầu bảo tôi nói tiếng Mỹ thật “khủng khiếp”, còn chúng nói tiếng Mỹ tôi cũng không hiểu nốt. Chán quá!” Anh Hạ không kể nhưng tôi biết được qua mấy người bạn gái ngồi “buôn dưa lê” trong quán càphê Lovers là chị Hạ rất thích đi nhảy đầm, bất cứ lúc nào rảnh là chị Hạ cũng có thể đánh bộ vào để tới mấy sàn nhảy ở phố Tàu hoặc đi “lắc” (tức loại nhảy Rave dành cho trẻ Canada). Anh Hạ thì lại chúa là ghét nhảy đầm, anh đã từng là giáo sư dạy học tại một trường đại học ở Việt Nam, cũng thích làm “thơ ca hò vè viết lách gì đó”- theo cách nói của mấy chị buôn dưa lê quán Lovers, cho nên phải sống gần với nhóm các bà thích nhảy đầm, thích xem phim bộ Hồngkông và nghe cải lương chuyện tình Lan và Điệp tới lần thứ 100 vẫn còn khóc được thì anh… “hết chịu nổi!”.
Bởi vậy mà cứ dần dần, dần dần họ thấy chán nhìn mặt nhau, hay nói văn hoa hơn gặp mặt nhau như hai người xa lạ. Bọn trẻ cũng biết bố mẹ chúng chẳng “hạp” nhau, nhưng làm sao được, chúng còn có cuộc sống của chúng, một thế giới của dân nói tiếng Mỹ, của sở thích Mỹ, món ăn Mỹ và âm nhạc Mỹ. Còn cả một cuộc sống đầy sôi động dài dằng dặc trước mặt đang chờ chúng hưởng thụ.
Bẵng đi 3 tuần liền về thăm gia đình ở Việt Nam sang lại Canada, tôi nghe được một tin giật gân: Anh Hạ đã chết- anh tự tử! Người báo tin cho tôi là một chị “thành viên” của quán Lovers. Tôi bàng hoàng cả người. Thật là không ngờ! Xứ Canada này, mọi việc đều có thể xảy ra được mà. Một người như anh Hạ dám “chán sống” lắm. Anh không chịu hội nhập vào xã hội này, anh vẫn sống như khi còn là giáo sư đại học ở Việt Nam, chứ không chịu sống cái kiếp sống của một anh rửa chén, một anh bồi bàn và phụ bếp trong tiệm ăn của Canada, anh “ra đi” là phải lắm. Nghĩ như thế nên tôi cũng chẳng muốn đến nhà anh để cho rõ thực hư và chia buồn nữa, không ngờ tôi phải trả giá cho suy nghĩ này.
Số là ngày hôm qua, một ngày có lẽ là lạnh giá nhất của mùa đông, tôi đến tiệm ăn Tàu ở Montreal (cách Toronto 6 giờ lái xe), tôi bỗng giật mình và ngất sỉu vì trông thấy anh Hạ đang đứng bán trong quầy rượu của quán này. Người ta phải sấp nước lạnh vào mặt tôi và cho tôi ngồi trên chiếc sopha lười trong quán. Đúng là Hạ thật, bởi chính là anh đang ngồi nói chuyện với tôi: “Ủa, mà cậu lên Montreal lúc nào vậy? Cậu tưởng tôi chết rồi ư? Đừng có mà nghe mấy con mẹ quán Lovers. Tiệm ăn chuyển hết lên Montreal, tôi nay là manager thì phải lên theo chứ. Đi thế nào được khi chưa xem tới trận Chelsee gặp Manchester United “
————————————————————————————————–
7 điểm nổi bật trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ
Trách nhiệm của Tổng thống
Ông thừa nhận trách nhiệm của mình đối với sự thất bại của Đảng dân chủ tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 2/11. “Cuộc bầu cử ngày hôm qua một lần nữa khẳng định những gì tôi đã nghe được trên nước Mỹ: người dân Mỹ rất thất vọng trước tình hình kinh tế khó khăn”.
Ông nói sau nhiều tháng đi khắp nước Mỹ vừa qua, ông đã nghe được tiếng nói này từ nhân dân, và người dân muốn Washington phục vụ họ, thay vì mang lại bất lợi cho họ. Ông khẳng định kết quả bầu cử là cách nhắc cho mọi người thấy quyền lực nằm trong tay người dân, và nhất định kinh tế là quan tâm số Một của người Mỹ.
Nhưng ông cho rằng trong hai năm qua, Dân chủ đã đạt được những bước tiến nhất định, nhưng rất nhiều người Mỹ đã không nhận ra được điều này, “và họ đã thể hiện ý kiến của họ bằng lá phiếu ngày hôm qua”.
Tổng thống Mỹ Obama thừa nhận có nhiều vấn đề mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không đồng ý với nhau, nhưng ông đã vạch ra một số lĩnh vực mà ông có thể hợp tác với Đảng Cộng hòa, đó là: cắt giảm thâm hụt ngân sách, tạo công ăn việc làm, cải thiện giáo dục.
Lợi thế thuộc về phe “ít bị ghét nhất”
Có cả thẩy 435 ghế ở Hạ viện và 37 ghế ở Thượng viện được bầu chọn lại. Ngoài ra, 37 vị trí thống đốc bang cùng nhiều chức vụ dân cử cấp địa phương khắp nơi. Trước bầu cử, Dân chủ hiện chiếm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện. Để chiến thắng, Cộng hòa cần thêm 10 ghế để có đa số ở Thượng viện, 39 ghế để có đa số ở Hạ viện.
Dù phe Dân Chủ và nhất là Tổng thống Obama bị chỉ trích vì tình hình kinh tế, phe Cộng Hòa cũng bị sức ép từ phong trào quần chúng Tea Party giận dữ trước chi tiêu công và các hành động của chính giới.
Hãng tin BBC “luận” rằng đây là cuộc đối đầu gay cấn, cử tri sẽ không bỏ phiếu cho người họ thích nhất, mà bỏ phiếu cho người họ ghét ít nhất.
Mất mát lớn của Dân chủ, thắng lợi vang dội của Cộng hòa
Theo kết quả chưa hoàn chỉnh, dựa theo số liệu ước tính của các hãng truyền thông lớn tại Mỹ, thắng lợi của Cộng hòa tại Hạ viện đã được đánh giá là chưa từng thấy từ hơn nửa thế kỷ nay, và nhất là đã giành lại quyền kiểm soát định chế mà họ đã để bị mất vào tay đảng Dân chủ qua hai kỳ bầu cử năm 2006 và 2008.
Trưởng khối Cộng hòa tại Hạn viện, ông John Boehner dự kiến sẽ trở thành chủ tịch Hạn viện mới
Đến sáng 3/11 (giờ Mỹ), đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama chiếm trên 51 ghế trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, và giữ được đa số tại viện này. Các tiểu bang như Washington, Colorado, Alaska chưa công bố kết quả chính thức cho đến thời điểm đó. Dân chủ vẫn giữ được ưu thế tại các cuộc bầu cử Thượng viện tại các tiểu bang quan trọng như California, New York,…Phía Cộng hòa thắng lớn ở Hạ viện, giành thêm được ít nhất 60 ghế, và chiếm đa số ở Hạ viện, và dân biểu John Boehner có thể sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện, thay thế bà Nancy Peloci.
Đảng của tổng thống đương quyền ít khi nào thành công ở cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tiên. Truman năm 1946, Johnson 1966, Reagan 1982 và Clinton 1994 – tất cả đều chứng kiến các đồng minh của họ bị tẩy chay trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Giới quan sát nói Tổng thống Obama, trong năm 2010, cũng có thể gặp phải kết quả tương tự.
Ông Obama sẽ vẫn tự tin nếu đảng Dân chủ chỉ mất chưa đầy 25 ghế ở Hạ viện và ba ghế Thượng viện (là tỉ lệ thua trung bình từ năm 1946). Nếu đảng Dân chủ mất 48-54 ghế Hạ viện và 8-12 ghế Thượng viện, thì Tổng thống Obama sẽ gia nhập danh sách của Tổng thống Clinton và Truman là những người thất bát nhất trong bầu cử giữa kỳ thời hiện đại. Nhưng sau đó cả Truman và Clinton đều tái đắc cử.
California, Thánh địa của Dân chủ
Trong lúc Cộng hòa thắng lớn trên nhiều tiểu bang, thì tại California, Dân chủ vẫn giành chiến thắng quan trọng tại tiểu bang này: Jerry Brown thắng ghế Thống đốc trước tỷ phú Meg Whitman, Newsome thắng ghế phó thống đốc, Barbara Boxer thắng Carly Fiorina, hay các dân biểu Dân chủ cũng giành nhiều chiến thắng ở đây như Mike Honda, Lorette Sanchez, Zoe Loefgren,…
Báo chí Mỹ gọi Tea Party là hiện tượng “ngọn lửa rơm” trong cuộc bầu cử lần này. Phong trào chính trị Tea Party, một tập hợp lỏng lẻo, đang chứng tỏ sức mạnh của mình với một số thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội tại Mỹ ngày 2/11.
Ông Rand Paul, con trai của Dân biểu Ron Paul, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đã trở thành ứng cử viên đầu tiên được nhóm Tea Party ủng hộ – tuyên bố đắc cử trong các cuộc đua vào Thượng viện Mỹ. Trong bài diễn văn mừng đắc cử, ông Rand Paul nói thắng lợi của ông đánh đi một thông điệp – người dân Mỹ không hài lòng với tình hình hiện tại ở Washington. Một nhân vật khác cũng được sự hậu thuẫn của nhóm Tea Party, là ứng cử viên Đảng Cộng hòa Marco Rubio, đã thắng cuộc đua để giành một ghế tại Thượng viện Mỹ tại bang Florida.
Phong trào Tea Party, trong đó có nhiều người có lập trường bảo thủ nhưng cũng có người theo tự do chủ nghĩa, đã phát triển mạnh sau khi nhiều người lớn tiếng phản đối sự can thiệp quá tay của chính phủ, chống đối thuế má và chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama. Những người tham gia phong trào này cùng chia sẻ những cảm xúc chống đối chính phủ đương nhiệm tại Mỹ và các chính sách kinh tế của Washington, trong khi cùng lúc tránh xa lãnh đạo của đảng Cộng hòa đối lập.
Ứng cử viên gốc Việt “mất điểm” nặng
Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này có tới 30 ứng viên người Mỹ gốc Việt. Họ tranh cử các chức vụ khác nhau, từ liên bang, tiểu bang cho đến hội đồng địa phương.
Dư luận cộng đồng quan tâm đến những cuộc tranh cử trên tầm mức liên bang của các ứng cử viên Cao Quang Ánh và Trần Thái Văn trong hai cuộc đua giành ghế tại Hạ viện liên bang. Cả hai ứng cử viên gốc Việt đều thất bại và trong nhiệm kỳ tới, tại Hạ Viện Mỹ, không còn tiếng nói của các nghị sĩ gốc Việt.
Trong các cuộc tranh cử dân biểu tiểu bang, chỉ có Hubert Võ tại Texas là thành công, và các ứng cử viên khác đã thất bại. Tại California, Phú Nguyễn thua Mansoor trong cuộc chạy đua chức dân biểu tiểu bang tại địa hạt 68, nơi Trần Thái Văn giữ lâu nay.
Trong các cuộc đua nhỏ hơn như hội đồng thành phố và khu thì một số ứng cử viên gốc Việt đã giành được chiến thắng.
Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi?
Thế giới theo dõi rất chăm chú kết quả bầu cử ở Mỹ vì kết quả này có thể thay đổi chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Nhưng trước hết, thế giới sẽ theo dõi xem Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ và Quốc hội mới với đảng Cộng hòa chiếm thế đa số tương tác ra sao.
Người dân Anh bình thường không theo dõi từng cuộc tranh đua một trong kỳ bầu cử, nhưng mọi người ở Anh đều hiểu rõ rằng những gì xảy ra ở Mỹ sẽ mang tính quan trọng. Họ cho rằng nước Mỹ vẫn còn là một cường quốc khá mạnh, vì vậy bất cứ Mỹ làm cái gì cũng sẽ ảnh hưởng đến nước Anh, nhất là đối với một số thị trường tài chính.
Tiến sĩ Dana Allin thuộc Viện Quốc tế Khảo cứu Sách lược ở London cho rằng những thất bại của đảng Dân chủ của Tổng thống Obama có thể định lại trọng tâm sự chú ý của chính phủ đối với các vấn đề quốc tế. Tiến sĩ Allin nói rằng có khả năng ông Obama sẽ trở thành một tổng thống thiên về chính sách đối ngoại hơn vì tình hình này. Nhưng ông không dự đoán là ông Obama sẽ đạt được thành công to lớn trong bất cứ lĩnh vực nào.
Với một sự cách biệt mong manh trong thế đa số ở Thượng viện, tiến sĩ Allin cho rằng phe Dân chủ có thể phải đối phó với sự chống đối trong việc phê chuẩn Hiệp ước mới về Tài giảm Vũ khí Chiến lược (START). Việc ứng phó với chương trình hạt nhân của Iran là một lĩnh vực mà Tổng thống Obama có thể cần phải nhường cho Quốc hội mới.
Phó Ngoại trưởng Israel và Ngoại trưởng Palestine cho hay họ không tin rằng chính sách của Mỹ sẽ thay đổi và tin rằng chính quyền của ông Obama sẽ tiếp tục vận động cho hòa bình. Nhưng ông Danny Danon thuộc đảng bảo thủ Likud của Israel nói rằng cuộc bầu cử đã gửi một thông điệp rõ ràng cho ông Obama. Ông tỏ ý hy vọng ông Obama sẽ hiểu rằng ông không thể áp đặt kế hoạch hòa bình hão huyền của ông đối với nhân dân Israel.
Nguyễn Viết
Tổng hợp
@DanTri
————————————————————————————————–
Cập nhật tin 5-11-2010
Nợ công của Việt Nam tăng mạnh

Hình: ASSOCIATED PRESS
Các phân tích gia đã đặt nghi vấn về tính minh bạch trong vấn đề chi tiêu ngân sách của chính phủ sau khi có loan báo rằng khoản nợ công của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ năm 2009.
Hôm thứ Tư, chính phủ đã báo cáo với Quốc hội rằng khoản nợ công của Việt Nam đã tăng lên tới 56.7% GDP so với con số 44.7% của năm 2009.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng theo cách tính thông thường của thế giới thì nợ công của Việt Nam đã lên đến 70% chứ không phải 56.7% GDP như tính toán của Chính phủ. Bởi theo báo cáo giám sát của Quốc hội, riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp Nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP.
Hãng thông tấn Đức trích lời kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho hay không có cách nào để biết rằng liệu có thể tin được vào số liệu nợ mà chính phủ công bố hay không.
Ông Thành nói rằng chính phủ đã không giải thích đầy đủ phương thức tính nợ hay liệt kê báo cáo các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước cũng như các công ty con của các doanh nghiệp này.
Trả lời báo chí Việt Nam, ông Thành cũng cho rằng Việt Nam có một điều đặc biệt là đi vay nước ngoài rồi chuyển vốn cho các tập đoàn kinh tế sử dụng. Như trường hợp Vinashin được vay 750 triệu đôla từ nguồn phát hành trái phiếu của Chính phủ. Đến nay Vinashin không có khả năng hoàn trả khoản tiền này.
Ngoài Vinashin, còn nhiều tập đoàn kinh tế khác đi vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Khi các tập đoàn không có khả năng thanh toán thì Chính phủ phải đứng ra trả thay.
Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định các khoản nợ công như Chính phủ báo cáo là chính xác, được tính theo tỉ giá hiện tại và không bao gồm nợ của doanh nghiệp. Ông Ninh cho rằng hiện nay, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn.
Loan báo về khoản nợ công gia tăng đã càng làm tăng áp lực lên tiền đồng khiến cho giá đôla ở thị trường tự do đã lên tới 21.030 đồng/một đôla so với giá hôm thứ ba là 19.980 đồng/một đôla.
Nguồn: DPA, Thanh Nien, Tien Phong
————————————————————————————————-
Năm 2010 : Việt Nam là một trong số mười nền kinh tế cải thiện tốt nhất

Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa được công bố hôm nay, Việt Nam đã được xếp vào danh sách mười nền kinh tế được cải thiện tốt nhất trong năm 2009/2010. Đó là nhờ những cải cách trong việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng và cung cấp thông tin tín dụng.
Trong báo cáo mang tên « Môi trường kinh doanh 2011 : Tạo khác biệt cho doanh nghiệp », Việt Nam đã tăng được 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, đứng thứ 78 trong số 183 nền kinh tế được xem xét. Theo nhận xét của giám đốc khu vực IFC, thì nguyên nhân giúp Việt Nam tăng hạng, là nhờ các nỗ lực cải cách thể chế và hành chính công của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhân vật này, điều quan trọng là Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai, cũng như duy trì động lực cải cách.
Theo báo cáo, Singapore, Hồng Kông và Niu Di lân là các nền kinh tế dẫn đầu thế giới về môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Philippines được xếp hạng 8 trong số 9 nước trong khu vực, Lào đứng cuối bảng. Còn trong bảng xếp hạng toàn cầu, Thái Lan đứng thứ 19, Malaysia thứ 21, các nước khác như Việt Nam, Brunei, Indonesia và Cam Bốt có nhiều tiến bộ.
Theo Ngân hàng Thế giới, đây là lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương có tên trong số những nền kinh tế cải cách tích cực nhất, với 18/24 cải cách về quy định và thể chế kinh doanh, cao hơn tất cả các khu vực khác.
Những nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã đi đầu trong việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép, đăng ký tài sản và cung cấp thông tin tín dụng. Cụ thể, Việt Nam áp dụng cơ chế một cửa, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh. Việc cấp phép xây dựng cũng thuận lợi hơn, còn về thông tin tín dụng, người đi vay đã có thể kiểm tra và sửa chữa báo cáo tín dụng về họ nếu có thông tin sai lệch. ( RFI )
————————————————————————————————–
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào “là người quyền lực nhất thế giới”
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm nay 67 tuổi, được bầu chọn là người quyền lực nhất thế giới vì “là nhà lãnh đạo chính trị tối cao của đất nước có dân số đông nhất hành tinh (hơn 1,3 tỷ người và chiếm 1/5 dân số thế giới)”.
Theo Forbes, ông cũng là nhà lãnh đạo của đất nước có quân đội lớn nhất thế giới (xét về số quân). Trung Quốc gần đây đã vượt qua Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng đang nỗ lực vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới trong vòng 25 nữa.
Forbes cho biết, Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất thế giới, nắm trong tay khoảng 1,5 nghìn tỷ là trái phiếu của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama, 49 tuổi, đã bị “hạ bệ” từ vị trí thứ nhất trong năm ngoái xuống vị trí thứ hai. Đảng Dân chủ của ông đã phải hứng chịu thất bại lớn trong kỳ bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Ông Obama đã bị để mất sự ủng hộ ở Hạ viện và chỉ nắm được đa số cần thiết ở Thượng viện.
“Đây là một sự tụt dốc của người quyền lực nhất năm ngoái, sau khi ông áp dụng các cải cách sâu rộng trong 2 năm nắm quyền. Ông sẽ rất khó thực thi chương trình nghị sự của mình trong hai năm tiếp theo”, tạp chí danh tiếng cho hay.
Tuy nhiên, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vẫn có thể “ung dung” ở khía cạnh ông vẫn là tổng tư lệnh của đội quân lớn mạnh nhất thế giới, lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất thế giới và vẫn nắm giữ danh hiệu không chính thức “Lãnh đạo của Thế giới tự do” – Forbes nhận xét.
Về thứ ba là Vua Ả rập Abdullah bin Abdul Aziz al Saud, tiếp theo là Thủ tướng Nga Vladimir Putin (4), Giáo hoàng XVI (5), Thủ tướng Đức Angela Merkel (6), Thủ tướng Anh David Cameron (7), Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke (8), chủ tịch quốc hội Ấn Độ Sonia Gandhi (9) và Chủ tịch Microsoft Bill Gates (10).
Phan Anh
Tổng hợp
————————————————————————————————–
Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên phản đối thủy điện xả lũ
Nước lũ từ sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba) đột ngột dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên phản đối Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 7.000m3/s. Trong khi đó, nhiều địa phương tại tỉnh Ninh Thuận bị chia cắt không qua lại được.
Phú Yên: Thủy điện xả lũ cao hơn mức thông báo, TP Tuy Hòa ngập lụt nghiêm trọng
Hiện tại, mưa lớn dữ dội vẫn quần đảo trên địa bàn Phú Yên và nước từ thượng nguồn đổ về làm cho mực nước các sông trong tỉnh liên tục dâng cao, các thủy điện tại tỉnh đã ồ ạt xả lũ.
Chiều tối 2/11, nước lũ từ sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba) đã đột ngột dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng, cắt đứt lưu thông tại hàng loạt tuyến đường và khu dân cư nội ô TP Tuy Hòa (Phú Yên).
Tối cùng ngày, ông Đào Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: nước lụt đột ngột dâng cao là do việc xả lũ từ các thủy điện trên sông Ba. Từ chiều 2/11, các lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành di dời khẩn cấp hàng loạt nhà dân bị ngập lụt tại khu vực ven sông Đà Rằng và hiện đang tiến hành di dời tiếp nhiều hộ khác.
Chiều 2/11, khi Thủy điện Sông Ba Hạ đề xuất xả lũ với lưu lượng 7.000 m3/s, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm Trưởng BCH Phòng chống bão lụt-TKCN tỉnh này đã cực lực phản đối.
Theo ông Lộc, nếu xả lũ với mức độ đó, cộng với nhiều hồ thủy điện khác trên bậc thang sông Ba cùng xả lũ, sẽ vô cùng nguy hiểm cho vùng hạ du.
Ông Lộc nói: “Bây giờ phải thực hiện theo luật chứ không thể theo lệ nữa, thủy điện nào vi phạm Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.
Theo thông báo trước đó, từ chiều 1/11, hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng từ 300-1.000 m3/s; hồ thủy điện Krông H’năng xả lũ với lưu lượng 729-1.292 m3/s, và từ sáng ngày 2/11, thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ với lưu lượng 2.500-5.000 m3/s.
Vào đầu tháng 11/2009, hồ thủy điện sông Ba Hạ chỉ xả lũ với lưu lượng 1.400 m3/s mà sau nửa ngày, TP Tuy Hòa bị ngập, thiệt hại lớn về tài sản lẫn tính mạng con người.
![]() |
Lũ sông Kỳ Lộ đang ùn ùn đổ về huyện Tuy An. Ảnh: Hoàng Yến |
![]() |
Nước lũ cắt đường từ huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân. Ảnh: Hoàng Yến |
![]() |
Điểm tắc đường trên tuyến Chí Thạnh – An Ninh Đông. Ảnh: Hoàng Yến |
Trong khi đó, ở phía bắc Phú Yên, mực nước trên sông Kỳ Lộ đang lên dữ dội, ùn ùn phủ kín nhiều địa bàn huyện Đồng Xuân và Tuy An. Cùng với các tuyến Tuy Hòa – Đắk Lắk, Triều Sơn – La Hai, Sông Cầu – Đa Lộc bị tắc nghẽn do lũ lụt trong nhiều ngày qua; từ chiều 1/11, các tuyến đường huyết mạch phía bắc tỉnh như Chí Thạnh – La Hai, Chí Thạnh – An Ninh Đông đã bị “đứng bánh” do lũ chia cắt.
BCH BCH Phòng chống bão lụt-TKCN huyện Đồng Xuân cho biết: nước lũ hiện đã dâng ngập, cô lập nhiều khu dân cư thuộc các xã Sơn Long, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc và Xuân Quang 2. Trong sáng 2/11, các lực lượng chức năng của huyện đã khẩn cấp di dời 198 hộ dân với 823 nhân khẩu tại 4 xã này đến nơi an toàn. Huyện Đồng Xuân đang triển khai khẩn cấp lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu để kịp thời bảo vệ dân.
Còn BCH Phòng chống bão lụt – TKCN huyện Tuy An thông tin: hiện tại triều cường đã uy hiếp gần 100 hộ dân và làm sạt lở nhiều khu dân cư ven biển của huyện; lực lượng vũ trang đang phối hợp với nhân dân dùng bao cát hạn chế xâm thực và yêu cầu người dân chủ động di dời tránh triều cường. Bên cạnh đó, chính quyền huyện đã triển khai các chốt chặn tại những điểm đường bị tắc để kiên quyết ngăn cản người và xe liều lĩnh băng ngang.
Đến ngày 2/11, tỉnh Phú Yên đã có 4 người chết và mất tích do chìm xuồng, lũ cuốn. 2 người chết là ông Phạm Văn Cư (55 tuổi, ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) và Đặng Hồng Kỳ (50 tuổi, trú thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân).
2 người mất tích là con gái ông Đặng Hồng Kỳ (Đồng Xuân) và em Lê Thị Thanh Thủy (13 tuổi, ở thôn Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa).
* Ninh Thuận: Huy động bộ đội đặc công, biên phòng, tỉnh đội… cứu dân
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận, tính đến trưa ngày 2/11, nước lũ đã làm 4 người mất tích, 436 ngôi nhà bị sập , 4.897 ngôi nhà bị ngập nước cùng hàng nghìn gia súc bị nước lũ cuốn trôi.
Đập tràn bị sạt lở 2 cái, cống bị sạt lở 5 cái và cầu máng bị sạt lở 2 cái. Hồ Phước Trung đang thi công bị vỡ một đoạn dài 30m, sâu 14m với khoảng trên 30.000m3. Trên 560m núi bị sạt lở. Ước tính thiệt hại ban đầu lên tới trên 200 tỷ đồng.
Trước tình hình nước lũ diễn biến phức tạp và tàn phá nặng nề, UBND tỉnh Ninh Thuận đã điều động lực lượng Ban chỉ huy Quân sự tỉnh gồm 100 cán bộ chiến sĩ đơn vị trực thuộc, 5 xuồng máy, 11 xe ô tô, mở niêm sẵn sàng cơ động 3 xe thiết giáp tham gia di dời nhân dân và 173 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ đê Sông Dinh.
![]() |
Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Khắc Lịch |
Cơ quan quân sự 7 huyện, thành phố gồm 150 người, 6 xuồng máy, 7 xe ô tô các loại và hơn 1000 lượt đội viên dân quân tự vệ của các huyện, thành phố tham gia di dời dân.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận cũng đã cử 100 người, 5 xe ô tô, 4 xuồng máy đã ra quân cứu hộ cứu nạn khu vực hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải và điều động 65 chiến sĩ của cơ quan và đồn biên phòng 412, Hải đội 2 thực hiện nhiệm vụ hộ đê Sông Dinh và cứu hộ di dời dân ở xã An Hải, huyện Ninh Phước. Đưa 35 người dân đưa về nơi an toàn, đắp khoảng 2000 bao cát chắn đê Sông Dinh.
![]() |
Hàng cán bộ, chiến sĩ được huy động cứu hộ nhân dân và gia cố đê đập. Ảnh: Khắc Lịch |
Đoàn Đặc công 5 huy động gồm 283 chiến sĩ, 11 xuồng máy, 8 xe ô tô các loại tham gia di dời dân. Trung đoàn không quân 937/sư KQ 370 đã cử 55 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ đê sông Dinh.
Hiện quốc lộ 1A, quốc lộ 27 và nhiều tỉnh lộ khác bị ngập sâu 0,5-1,0m, gây xói lở và làm ách tắc giao thông nhiều đoạn trong nhiều giờ; các tuyến đường liên huyện, liên xã ngập sâu từ 0,5-1,0m và nhiều tuyến đường bị chia cắt nhiều không qua lại được. Lực lượng Công an tỉnh, Công an các huyện và lực lượng xung kích tại chỗ đã tổ chức trực để hướng dẫn giao thông an toàn.
Đến trưa ngày 2/11, tỉnh Ninh Thuận đã di dời được 6.554 hộ/26.216 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
![]() |
Ninh Thuận ngập trắng nước lũ Ảnh: Khắc Lịch |
![]() |
4 người mất tích, 4.897 ngôi nhà bị ngập nước, 436 ngôi nhà bị sập. Ảnh: Khắc Lịch |
![]() |
Chó cũng đi tránh lũ. Ảnh: Công Tâm |
![]() |
Nấu ăn trong mùa lũ. Ảnh: Công Tâm |
![]() |
Lên bờ đê ngồi uống cà phê chờ nước rút. Ảnh: Công Tâm |
![]() |
QL 27A đoạn ngay đèo Cậu (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) bị lũ phá nghiêm trọng, đến ngày 2/11, các lực lượng cứu hộ phải túc trực để giúp đỡ các phương tiện và người dân qua lại ổn định đời sống. |
![]() |
Ảnh: Chí Dũng |
![]() |
Ảnh: Chí Dũng |
![]() |
Chị em tranh thủ đi nhá cá để kiếm thức ăn trong ngày chưa họp chợ Ảnh: Chí Dũng |
![]() |
Biết khi nào nước lũ rút hết? Ảnh: Chí Dũng |
Hoàng Yến – Khắc Lịch – Chí Dũng – Công Tâm
@ BeeNet
————————————————————————————————–
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: kế hoạch tham nhũng tinh vi và xảo trá của những kẻ nắm quyền
Tại diễn đàn quốc hội kỳ này, một số vấn đề hết sức nóng bỏng được mang bàn bạc và có nhiều ý kiến rất thẳng thắn và hết sức có trách nhiệm. Là người cũng theo dõi các hoạt động kinh tế xã hội trong những năm qua, tôi xin mạn đàm đôi điều về việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước mà chúng ta đã thực hiện trong những năm qua.
Trước hết phải nói rằng chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một việc làm đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên phương pháp làm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở nước ta còn rất nhiều sơ hở khiến cho công tác cổ phần hoá chậm chạp, thất thoát tài sản rất lớn và không đem lại lợi ích cho người lao động, lợi ích xã hội chưa rõ ràng mà chỉ làm cho tài sản nhà nước bị thất thoát chạy vào túi một số it người có trách nhiệm ở các cơ quan quản lý.
Cụ thể là khi tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, rất nhiều công ty có tài sản rất lớn nhưng khi lập hội đồng thẩm định để định giá tài sản lại đánh giá rất thấp, người lao động thì không được cung cấp thông tin. Chính vì vậy cổ phiếu được tập trung cho một số ít là chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc công ty và thành viên trong gia đình họ cùng với số cổ phiếu phát hành đối ngoại bán cho một số quan chức các bộ ngành chủ quản và các đối tác chiến lược. Thực chất đây là một hành vi tham nhũng tinh vi và hết sức xảo trá của những người nắm quyền hành nhà nước.
Một tài sản rất quan trọng nữa bị tham nhũng thông qua CPH đó là giá trị đất đai của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp này hầu như có những vị trí đắc địa trong trung tâm thành phố hoặc các trung tâm thương mại lớn. Trước đây đất đai không được tính vào tài sản nhà nước khi cổ phần hoá nhưng về sau này có được tính nhưng với giá trị rất nhỏ so với giá trị thực tế của nó thậm chí chỉ bằng 1% giá trị thực khiến một số ông chủ bỏ túi hàng nhiều tỷ đồng của nhà nước thông qua công tác cổ phần hoá thiếu chặt chẽ này. Họ thâu tóm hầu như số cổ phần và bỗng chốc trở thành những người giàu có mà không tốn chút công sức nào, chỉ có tài sản nhà nước là bốc hơi theo gió bay về các khu biệt thự sầm uất của các ông chủ đỏ.
Vấn đề sau cổ phần hoá doanh nghiệp còn nóng bỏng hơn nữa khi lúc này tài sản nhà nước đã bị các ông chủ thâu tóm xong, họ quay ra thâu tóm nốt những tài sản của người lao động trong doanh nghiệp thông qua việc dìm giá và mua lại số cổ phần ưu đãi đã bán cho người lao động. Những ông chủ không lương tri này bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo trá và hết sức man rợ đã tổ chức cho doanh nghiệp đã cổ phần làm ăn thua lỗ, nhưng họ vẫn hưởng lương rất cao từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD một tháng cho chức danh chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc công ty. Những thành viên HĐQT cũng hưởng mức thù lao hàng ngàn USD trong khi người lao động thì có mức lương còm cõi không đủ sống. Trước cái khó khăn của người lao động họ tung tin đồn công ty khó khăn và giá cổ phiếu liên tục bị hạ thảm thương. Người lao động không còn con đường nào khả dĩ đành bán cổ phiếu của mình. Thế là những ông chủ cho con cháu vung tiền mua thâu tóm hết. Chỉ một thời gian ngắn sau, toàn bộ tài sản nhà nước trở thành tài sản riêng của một số ông chủ mới, còn người lao động chỉ biết kêu than với trời. Như vậy mục tiêu tốt đẹp của công tác CPH là để người lao động làm chủ doanh nghiệp của mình đã bị phá sản và không còn ý nghĩa.
Một số doanh nghiệp còn dã man hơn nữa khi xây dựng bộ máy gia đình trị và hô biến các tài sản doanh nghiệp đã cổ phần một cách trắng trợn, tài sản cổ đông bị thất thoát mà không ai chịu trách nhiệm. Thậm chí cổ phần nhà nước ở doanh nghiệp bị thất thoát mà cơ quan được giao vốn nhà nước ngậm miệng làm thinh, báo chí lề phải cũng đã lên tiếng nhưng quá trình giải quyết không được ai quan tâm. Xin đươc nêu một ví dụ cụ thể ở một doang nghiệp thuộc VNPT (cũng là một tập đoàn với số vốn hùng mạnh, kinh doanh trong lĩnh vực có lợi nhuận rất cao nhưng không phải là doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách).
Tờ báo “Nhà báo và Công luận” gần đây cũng có bài phản ánh về công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bưu điện (trước đây là công ty Xây dựng Bưu điện trực thuộc VNPT). Từ khi cổ phần hoá năm 2002 đến nay, số vốn ban đầu được xác định là 50 tỷ đồng trong đó vốn của VNPT chiếm 51%. Trên thực tế tài sản dựa vào sổ sách kế toán là trên 200 tỷ đồng. Như vậy toàn bộ tài sản hàng chục ngàn mét vuông đất tại ngã ba Pháp Vân – Hà Nội cùng với cơ sở vật chất của toàn thể cán bộ công nhân viên công ty xây dựng trong bao nhiêu năm được định giá hết sức rẻ mạt. Để dễ bề thâu tóm doanh nghiệp, ông chủ tịch HĐQT lúc đó là Nguyễn Phong đã cho tăng vốn lên 100 tỷ đồng từ năm 2004 và giảm phần vốn nhà nước tại đây xuống 30%. Từ đó ông Phong toàn quyền quyết định mọi việc liên quan đến hoạt động công ty mà không báo cáo chủ sở hữu cũ (nay là cổ đông lớn VNPT). Ông Nguyễn Phong đã bổ nhiệm một loạt con, cháu vào các vị trí chủ chốt trong công ty, lập nhiều dự án ma. Một trong những dự án này là dự án xây toà cao ốc tại Đà Nẵng để làm điều kiện thông qua đại hội cổ đông và báo cáo UBCK cho tăng vốn lên 100 tỷ. Sau khi đạt được mục tiêu, những dự án này bị hủy mà không được giải trình thấu đáo. Ngoài ra, công ty còn thực hiện rất nhiều dự án với số vốn hàng trăm tỷ đồng như nhà máy vật liệu viễn thông 1 ở Ngọc Liệp – Quốc Oai – Hà Nội, dự án nhà máy Vật liệu Viễn thông 2 ở Củ Chi – TP Hồ Chí Minh. Ở cả hai dự án này với số vốn đầu tư đến trên 114 tỷ đồng nhưng không lập báo cáo, không lập các thủ tục đầu tư và phê duyệt theo qui định, máy móc nhập về là máy cũ không qua thẩm định giá. Hiện nay dây chuyền sản xuất cáp đã không hoạt động ngay từ khi nhà máy khánh thành, và đang đắp chiếu chờ thanh lý sắt vụn không khác nào các dự án của Vinashin. Toàn bộ hai nhà máy của công ty này hiện nay đã đóng cửa từ tháng 11 năm 2009, người lao động không có việc làm và đời sống cán bộ CNV rất khó khăn. Giá cổ phiếu công ty trên thị trường chứng khoán liên tục giảm và có lúc xuống dưới giá gốc của nó.
Đã có nhiều phản ánh tới lãnh đạo tập đoàn VNPT nhưng lãnh đạo tập đoàn VNPT không xử lý. Ngược lại VNPT còn có thái độ bao che, thông qua việc tiếp tục giới thiệu cháu ruột ông Nguyễn Phong là Nguyễn Duy Bắc Việt làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty kế nhiệm ông Nguyễn Phong khi ông Phong đến tuổi nghỉ hưu năm 2009. Để ông Phong “hạ cánh an toàn” mà không phải chịu trách nhiệm gì về những sai trái làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của công ty (thực chất là của cổ đông mà trong đó có tiền nhà nước) trong khi ông Việt đang bị tố cáo tham nhũng hàng trăm triệu đồng thông qua hợp đồng ký khống để rút tiền cho cá nhân, thiếu trách nhiệm làm thất thoát hàng tỷ đồng của công ty khi còn làm giám đốc chi nhánh công ty tại TP Hồ Chí Minh phải đền mà hiện vẫn chưa đền xong. Trong khi đó thì công ty liên tục thua lỗ phải giải trình quanh co với UB chứng khoán.
Đó chỉ là một ví dụ sinh động của công tác CPH doanh nghiệp mà nhiều tập đoàn đang tiến hành mà VNPT cũng khá điển hình. Nó là bài học cho các nhà quản lý về thói quan liêu, cửa quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên nắm quyền hành tại một số doanh nghiệp nhà nước. Các tổng công ty nhà nước và các tập đoàn kinh tế có thực sự hùng mạnh như mong mỏi của chính phủ Việt Nam? Đó là câu hỏi lớn mà ai ai trong chúng ta có tâm huyết đều rất quan tâm và chờ đợi câu trả lời của chính phủ và cũng là câu hỏi đặt lên bàn các vị nghị sĩ có tâm với quốc gia dân tộc.
Hà nội 3.11.2010
Đảng Viên
@ Danlambao
————————————————————————————————–