Sự phức tạp của Eva

Phụ nữ thường hay nói vòng vo khiến cánh mày râu đôi khi khó hiểu…

1. “Em không nghĩ anh lại mặc kiểu quần áo này”

Đa phần đàn ông không mấy chau chuốt đến ngoại hình, họ thoải mái, đôi khi cẩu thả trong cách ăn mặc. Phụ nữ thì khác, họ muốn người đàn ông bên cạnh mình phải thật phong độ. Vậy nên khi nói ra câu i này tức là nàng muốn bạn thay bộ đồ đang mặc.

2. “Anh đang làm gì thế?”

Câu nói khẳng định nàng thấy việc bạn đang làm thật sự vô bổ, không đáng lưu tâm. Nàng muốn bạn làm theo những gì nàng đã lên kế hoạch từ trước chứ không phải lãng phí thời gian vào những thứ không đâu này.

3. “Anh có đang nghe em nói không vậy?”

Nàng nói mà bạn lại lơ đãng, nàng sẽ nhắc nhở bạn: “Nghe em nói này!”. Khi ấy bạn vẫn còn trong vòng an toàn. Nhưng nếu nàng đã phải dùng đến câu: “Anh có đang nghe em không vậy?” tức là bạn đã mất đi cơ hội giải thích. Nàng nổi giận rồi và rất có thể sau đó bạn sẽ phải lao tâm khổ tứ tìm cách dỗ.

4. “Anh có biết hôm nay là ngày gì không?”

Nàng đã phải cất lời gợi ý có nghĩa là đang thầm oán trách bạn sao lại có thể quên một ngày trọng đại như vậy. Chắc chắn bạn sẽ không được bỏ qua chuyện này một cách dễ dàng đâu.

5. “Cũng có thể là anh đúng…”

Bạn đã đưa ra một gợi ý nào đó cho nàng, nhưng nàng lại dùng câu nói này để bày tỏ sự chấp nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc nàng vẫn thấy cách làm của mình hoàn hảo hơn. Nàng sẽ hiện thực hoá điều đó theo cách của mình và khiến bạn phải tâm phục khẩu phục.

6. “Đó là quyết định của anh”

Nàng đang muốn kiểm tra xem bạn có phải người chuyên quyền, độc đoán và không để ý đến cảm nhận của nàng hay không. Nếu nhẹ dạ cả tin, bạn sẽ dễ dàng bị đưa vào tròng. Để tránh phiền toái, hãy hỏi lại ý kiến nàng trước khi đưa ra quyết định.

7. “Chẳng có chuyện gì cả”

Phụ nữ càng nói không có vấn đề gì càng chứng tỏ họ đang có khúc mắc trong lòng. Họ cố dồn chút sức lực cuối cùng để che giấu bởi muốn được bạn ân cần hỏi han, thể hiện sự quan tâm lo lắng, khi đó họ mới yên tâm dốc bầu tâm sự.

8. “Tuỳ anh”

Khi “chiến sự” đang căng thẳng và nàng thốt ra câu này thì tức là muốn khẳng định bạn thật sự “hết thuốc chữa” rồi. Tuy nhiên cũng đừng vội tưởng như vậy là sóng đã yên, biển đã lặng, đây chỉ là một hiệp ước đình chiến tạm thời và sóng to gió lớn sẽ ập đến bạn bất cứ lúc nào

9. “Chúng mình cần nói chuyện”

Nàng phải yêu cầu một cuộc nói chuyện nghiêm túc tức là đã không còn tự kiềm chế được bản thân, không thể chịu đựng mọi chuyện thêm được nữa. Nàng muốn được thoả sức giải toả những bức bối bấy lâu. Vì vậy, hãy nêu cao tinh thần cảnh giác khi bạn nhận được tối hậu thư này.

Hồng Vân

Theo Sina

@ DanTri

————————————————————————————————–

Ngô Bảo Châu – “Sách “

(Viết theo yêu cấu của bà Muller-Marin đại diện của Unesco ở Việt Nam cho triển lãm Lifelong Learner. Bonus là bản dich tiếng Anh của Phan Việt, hay hơn bản gốc)

Vì lý do công việc, tôi hay phải dọn nhà. Cứ mỗi lần lại phải mất một vài tháng thì ngôi nhà mới xa lạ mới trở nên thân thuộc. Tôi để ý thấy thời điểm mà sự thân thuộc tăng đột biến là thời điểm khi tôi lấy sách từ trong thùng mang xếp lên kệ. Lúc xếp sách lên kệ là lúc quá khứ của ta ùa vào không gian của hiện tại.

Tôi có rất nhiều sách. Có sách đã đọc, có sách đã đọc vài lần, có sách đọc một nửa, còn có quyển mới chỉ đọc vài trang. Nhưng mất quyển sách nào là tôi biết ngay. Và tôi rất ghét các bạn mược sách mà quên trả, trong khi bản thân tôi thì cũng đôi khi giả quên.

Những quyển sách cũ hình thù xộc xệch vì thời gian là những quyển mà tôi cảm thấy gắn bó nhất. Quyển này từng vác sang Ấn độ vào mùa mưa, trang giấy hút ẩm đến quăn queo, không bao giờ tìm lại được hình hài ban đầu. Quyển này vì để cả tháng trên bàn làm việc ở trên tầng bốn tràn đầy ánh nắng trong ngôi nhà của bố mẹ tôi ở Hà Nội, nên bìa đã phai màu. Nhìn những quyển sách úa đi đi với thời gian cũng thân thương như xem cha mẹ, người thân, bạn bè mỗi ngày một già.

Tôi không bao giờ viết hoặc bôi xanh bôi đỏ lên trang sách. Cũng như không bao giờ làm xấu bạn bè của mình.

Cuộc sống của mỗi người bị hạn chế trong không gian và trong thời gian. Mỗi người chỉ có thể sống một cuộc sống, tại mỗi thời điểm chỉ có thể có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời dọi vào cuộc đời mình.

Đọc sách không chỉ để thỏa mãn cái ham muốn hiểu biết về vũ trụ và về cuộc sống, mà còn là cách để nuôi dưỡng sự ham muốn đó. Một câu hỏi được giải đáp sẽ mở ra hai câu hỏi mới cần được giải đáp và dắt tay ta đến những trang sách mới.

Không phải cái gì mình cũng tìm được trong sách, vì cuộc sống luôn rộng lớn hơn sách vở. Có thứ sách không dạy được ta, vì nếu chưa được cuộc đời cho ăn đòn thì ta chưa hiểu. Cũng có những chuyện nói ra thành lời thì dễ hơn viết.

Nhưng ngược lại ta có thể học bằng đọc sách nhiều hơn người ta tưởng. Nhiều chuyện khó nói ra bằng lời lắm. Quan hệ xã giao giữa con người với con người phải tuân theo mọt số quy định : cuộc sống hàng ngày của mỗi người đã đủ mêt mỏi, không nên hành hạ người khác về sự ray rứt của bản thân mình. Khi nói, mình muốn người khác phải nghe ngay. Khi viết, mình có thể để người ta đọc lúc nào cũng được. Chọn không đúng thời điểm, những thông điệp thiết tha nhất cũng trở nên lạc lõng. Lợi thế lớn nhất của sách là tính ổn định trong thời gian.

Sách là người bạn đặc biệt, lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng với ta. Khi ta dọn nhà, bạn đi theo ta. Lúc nào bạn cũng đợi ta ở trên kệ sách.

Ngô Bảo Châu

@ Thich hoc Toan Blog

————————————————————————————————–

Cập nhật tỉn 3-11-2010

Việt Nam mua hàng tỷ đôla vũ khí từ Nga

Truyền thông Nga nói Việt Nam mua vũ khí ngày càng nhiều từ Nga, năm 2010 tổng giá trị các hợp đồng có thể lên tới 4,5 tỷ đôla Mỹ.

Tàu ngầm của Nga

Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm hiện đại của Ng

Thông tấn xã Interfax dẫn nguồn quan chức quốc phòng và ngoại giao nói: “Số lượng và quy mô các hợp đồng mua vũ khí mà Việt Nam đã ký với Nga trong những năm vừa qua là bằng chứng cho thấy chỉ vài năm nữa Việt Nam đã có thể trở thành đối tác số một của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quốc phòng tại Đông Nam Á”.

Theo Interfax, Việt Nam bắt đầu ký hợp đồng thương mại mua vũ khí từ Nga vào năm 1992.

Trước đó, vũ khí của Liên Xô chuyển sang Việt Nam dưới hình thức viện trợ.

Thế nhưng trong những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nước Việt Nam, giá trị các hợp đồng mua bán vũ khí tăng lên đáng kể.

Tháng 10/2008, hai nước ký hiệp định liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật-quốc phòng giai đoạn cho tới 2020.

Năm 2008, giá trị các hợp đồng lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 tỷ đôla. Năm 2009, con số là 3,5 tỷ đôla với hợp đồng mua tàu ngầm hạng Kilo; và năm 2010, tổng giá trị các hợp đồng lên tới 4,5 tỷ Mỹ kim.

Để tự vệ

Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh trang bị quốc phòng không để nhằm gây hấn với quốc gia nào mà hoàn toàn với mục đích tự vệ.

Thế nhưng, nhiều phân tích gia trong khu vực nói đây là hành động nhằm đối phó với các thách thức mới, nhất là từ Trung Quốc.

Hồi tháng 12/2009, Việt Nam quyết định mua sáu tàu ngầm hiện đại của Nga trong hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc 35 năm trước.

Quyết định này lúc đó được cho là để “đối chọi lại với việc tăng cường quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông”.

Với đặc thù có bờ biển dài và trữ lượng dầu khí dồi dào trong lòng biển, Việt Nam cảm thấy dễ bị thương tổn nhất về chiến lược trong lĩnh vực hải quân và đó là lý do Hà Nội muốn có hạm đội tàu ngầm mạnh.

Interfax dẫn lời giới chức quốc phòng liệt kê rằng trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua từ Nga 20 chiến đấu cơ Su-30MK2, 12 tàu chiến chở tên lửa Molniya, hai tàu chiến hạng Gepard, sáu tàu ngầm Project 636 Varshavyanka
(tức hạng Kilo), nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa S-300PMU1 , một hệ thống tên lửa di động Bastion sử dụng ven biển được trang bị hỏa tiễn siêu thanh chống tàu chiến Yakhont, các tên lửa phòng không hạng nhẹ Igla và nhiều loại vũ khí khác.

Một phần quan trọng trong hợp tác quân sự giữa hai bên là việc nâng cấp các vũ khí và khí tài Việt Nam mua từ Nga trước đây.

Hai bên cũng tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động chung, riêng trong năm 2010, theo nguồn tin của Interfax, là 14 cuộc.( DatViet )

————————————————————————————————

Châu Á: Trọng tâm của hội nghị G20 và APEC sắp tới

Tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc sẽ có mặt trong số các nhà lãnh đạo thế giới tại hai hội nghị thượng đỉnh kinh tế quan trọng, đều diễn ra tại châu Á trong tháng 11.

Steve Herman

Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào ngày 11-12/11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc

Hình: AP

Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào ngày 11-12/11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc

Đề tài quan trong tại hội nghị G20 ở Nam Triều Tiên là tránh một cuộc chiến tranh thương mại có thể đưa kinh tế toàn cầu tới chỗ thoái bộ.

Hội nghị APEC ở Nhật Bản tập trung vào chuyện phát triển thương mại tại châu Á, khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Người ta trông đợi là lãnh đạo các nước trong khối G20 sẽ xác nhận những thoả thuận do các bộ trưởng tài chính soạn thảo hơn một tháng trước đây. Các nhà lãnh đạo đã hứa tránh một vòng tranh đua giảm giá chỉ tệ gây tai hại.

Nhưng Trung Quốc tố giác Hoa Kỳ đã vi phạm tinh thần của cam kết này bằng cách in thêm nhiều đô la, mà Bắc Kinh nói là làm mức lạm phát của Trung Quốc tăng thêm. Washington tố giác ngược lại Bắc Kinh giữ giá đồng nguyên thấp một cách giả tạo.

Khối G20 cũng sẽ xét tới việc đặt ra các mục tiêu cụ thể cho cán cân mậu dịch, là điều Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên bênh vực, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, và Đức lại hoài nghi.

Bà Sohn Jie-Ae, nữ phát ngôn nhân của hội nghị thượng đỉnh G20 thừa nhận là nếu khối này không thể duy trì được tình trạng gắn bó với nhau, sự hiện hữu của khối sẽ không còn thích hợp:

“Như vậy câu hỏi trở thành liệu tổ chức này có thể tiếp tục hoạt động ngay cả trong trường hợp nền kinh tế thế giới không bị khủng hoảng? Vì vậy, có loại áp lực đó đối với hội nghị thượng đỉnh G20.”

Nhưng ngay cả trong trường hợp đạt được những thoả thuận đáng kể, thì cũng không rõ có giữ được những thoả thuận đó hay không.

Nhưng bà Sohn lưu rằng khối này không có mục đích trở thành một thực thể có quyền bắt phải tuân theo các thoả thuận, và một hội nghị của cấp lãnh đạo quốc gia hiếm khi đặt ra mục đích như thế:

“Khi 20 nhà lãnh đạo các nước ngồi chung quanh bàn hội nghị, trong thông cáo chính thức không có gì nói về những chuyện mà tất cả 20 nhà lãnh đạo không thoả thuận – tất cả mọi ngôn từ, mọi chi tiết đều được tất cả 20 nước chấp thuận. Vì thế mặc dầu không có cơ quan cưỡng hành để bảo đảm rằng tất cả mọi nước phải tuân theo luật lệ, nhưng đó là một thứ mà mọi nước đều cùng nhau thoả thuận. Nhưng các nước thành viên trong khối đứng trước áp lực phải giữ đúng lời hứa”

Khi bắt đầu chuyến du hành Châu Á mới nhất, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ghi nhận giá trị của những hội nghị như vậy trong việc thúc đẩy tự do mậu dịch:

“Như vậy thì, qua APEC, G20, và quan hệ song phương, chúng ta đang làm việc để quảng bá cho có thêm thị trường mở rộng, giảm bớt những hạn chế về xuất khẩu, có thêm sự minh bạch, và nói chung là theo đuổi đường lối công bằng trong giao dịch thương mại. ”

Những người khác thì ít kỳ vọng ở các hội nghị thượng đỉnh này. Ông Dan Ikenson, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thương mại tại Viện nghiên cứu Cato ở Washington, phát biểu:

“Rất hiếm khi có điều gì cụ thể được đưa ra tại những hội nghị này. Như vậy thì hội nghị chỉ có tính cách một cơ hội cho những người quan tâm về chính sách thương mại, chính sách an ninh cùng với báo giới tập họp và thổi phồng tầm vóc của hội nghị.”

Các kinh tế gia và các nhà phân tích chính trị nói G20 sẽ được gọi là một thành công nếu giải quyết được vụ tranh chấp về chỉ tệ và hứa hẹn giảm bớt tình trạng mất quân bình trong cán cân mậu dịch.

Các chuyên gia này nói rằng, hội nghị thượng đỉnh của khối APEC chắc sẽ không hoàn tất được việc gì khác hơn là đạt được những bước nhỏ tiến tới việc hòa nhập kinh tế cấp khu vực. ( VOA )

—————————————————————————————————-

Công an VN khởi tố blogger ‘Cô gái Ðồ Long’

Tạm giam hai tháng

SÀI GÒN – Gần mười ngày, sau khi bắt khẩn cấp blogger Cô Gái Ðồ Long hay nhà báo Hương Trà, sáng 1 tháng 11 công an Việt Nam đã chính thức truy tố blogger này về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thuộc điều 258 Bộ Luật Hình Sự.

Nhà báo Hương Trà, tức blogger Cô Gái Ðồ Long. (Hình: Blog Cô Gái Ðồ Long)

Báo CAND cho biết nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà 35 tuổi, là chủ nhân trang blog Cô Gái Ðồ Long, thường trú tại quận Tân Bình, Sài Gòn cũng bị tạm giam hai tháng để điều tra các bài viết có tính chất mạ lỵ và vu khống…

Theo cách báo chí Việt Nam loan tin, tại cơ quan điều tra, Lê Nguyễn Hương Trà đã thừa nhận những hành vi sai phạm trên trang blog cá nhân của mình và cũng thừa nhận bài viết không dựa vào chứng cứ thực tế.

Phát biểu với giới báo chí về vụ án này, một cán bộ lãnh đạo Bộ Công An khẳng định việc bắt giữ bà Lê Nguyễn Hương Trà là khách quan, đúng trình tự pháp luật, có chứng cứ cụ thể.

Tuy nhiên giới bogger thì lại cho rằng việc bắt giữ khẩn cấp và mãi đến hôm nay mới có giấy truy tố blogger Cô Gái Ðồ Long là vi phạm pháp luật vì theo định nghĩa của nhiều nước thì trang blog cá nhân là lĩnh vực riêng tư của người viết và họ không chịu trách nhiệm gì về cái gọi là vu không hay mạ lỵ người khác. ( NguoiViet )

————————————————————————————————–

 

Thượng đỉnh Đông Á: Hoa Kỳ bảo vệ khu vực chống lại Bắc Kinh

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng vì tình hình căng thẳng phát sinh từ các tranh chấp chủ quyền trên biển đe đọa đến quyền lợi quốc gia của Mỹ và quyền tự do hàng hải quốc tế. Những lời xác định kể trên của đại diện Hoa Kỳ chắc hẳn đã trấn an nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông

Nếu xếp loại các sự kiện đáng chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5 vừa kết thúc ngày 30/10/2010 tại Hà Nội, thì nổi bật nhất có lẽ là các tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xác định lập trường của Hoa Kỳ trước các tranh chấp vùng biển đang gây căng thẳng trong khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc, nước trong thời gian qua đã không ngần dùng uy lực của mình để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền đơn phương trên các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, tuyên bố của bà Clinton được xem là thể hiện quan điểm của Hoa Kỳ : Sẵn sàng đứng ra bảo vệ các nước trong khu vực, chống lại các hành động ngày càng lấn lướt của Bắc Kinh.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ thực ra không có gì mới so với những gì bà đã nói tại Diễn đàn An Ninh khu vực ASEAN hồi tháng 7 vừa qua, cũng tại Hà Nội. Bà Clinton đã khẳng định trở lại rằng các tranh chấp chủ quyền trên biển phải tuân thủ luật pháp quốc tế, một lập trường khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng làm cho phần còn lại của khu vực khoan khoái.

Thúc đẩy đàm phán đa phương về Biển Đông

Một lần nữa, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ lại tuyên bố hậu thuẫn cho một giải pháp đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Quan điểm này được ASEAN ủng hộ, nhưng lại đi ngược lại với chủ trương của Bắc Kinh, chỉ muốn giải quyết tranh chấp với từng nước một, một phương thức bị giới quan sát cho là để ‘’dễ bắt nạt’’ các nước nhỏ.

Bà Hillary Clinton cũng nhấn mạnh trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng vì tình hình căng thẳng phát sinh từ các tranh chấp chủ quyền trên biển đe đọa đến quyền lợi quốc gia của Mỹ và quyền tự do hàng hải quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại : « Hoa kỳ xem quyền tự do lưu thông hàng hải và hoạt động thương mại trên biển không hạn chế thuộc phạm vi quyền lợi quốc gia của mình. Khi xảy ra tranh chấp lãnh hải, chúng tôi cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở thông lệ quốc tế ».

Một cách cụ thể, liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, bà Clinton đã khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh đàm phán với khối Đông Nam Á để hình thành ra một bộ quy tắc ứng xử thực thụ, mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Ngoại trưởng Mỹ nói : « Về vấn đề Biển Hoa Nam (tức Biển Đông), chúng tôi rất phấn khởi với những bước mới đây của Trung Quốc đi vào thảo luận với các nước ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc và chính thức hơn ».

Những lời xác định kể trên của đại diện Hoa Kỳ chắc hẳn đã trấn an nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, nhất là khi tâm trạng bất an của họ đã gia tăng hẳn lên khi thấy phản ứng thô bạo của Bắc Kinh đối với Tokyo sau sự cố vào đầu tháng 9 tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật quản lý nhưng bị Trung Quốc nhận là của mình.

Theo Lucie Moulin, thông tín viên ban Pháp ngữ RFI tại Hà Nội, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, dù chỉ là khách mời, trong khi chờ đợi quy chế thành viên chính thức kể từ năm 2011, Hoa Kỳ đã mặc nhiên đóng được vai trò của người bảo vệ khu vực, công khai chống lại Trung Quốc, điều mà bản thân các nước trong vùng không dám làm dù bị Bắc Kinh chèn ép:

« Các nước ASEAN đã tìm được một người bảo vệ. Vào sáng thứ bảy 30 tháng 10 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục Trung Quốc phải chấp nhận ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử về các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Bà cũng nhận được cam kết của Bắc Kinh là sẽ làm rõ vấn đề đang nóng bỏng liên quan đến đất hiếm, những khoáng sản mà Trung Quốc hầu như là nhà cung cấp duy nhất cho tất cả các nước.

Trong những tháng gần đây, các nước láng giềng nhỏ của Bắc Kinh rất quan ngại về uy lực ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ cố gắng tránh đối đầu trực tiếp bằng mọi giá. Ông Đinh Hoàng Thắng, một cựu đại sứ Việt Nam giải thích :

« Có lẽ là vì họ có chung những mối đe dọa, chứ còn dùng chữ đối thủ ở đây phải rất thận trọng. ASEAN không dại gị chọn Trung Quốc làm đối thủ. Bởi vì nếu chọn Trung Quốc làm đối thủ, ASEAN sẽ thất bại. Cũng giống như Việt Nam, nếu chọn Trung Quốc làm đối thủ, Việt Nam cũng thất bại. Đừng dùng chữ đối thủ mà ở đây là những mối đe dọa chung, bởi vì cách ứng xử của Trung Quốc, cách xử lý của Trung Quốc trong tranh chấp Trung Nhật đã nói với ASEAN nhiều điều ».

Mời được Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ASEAN không còn phải đơn độc trực diện Bắc Kinh. Thế nhưng họ phải đối phó với một nguy cơ mới. Đó là mất quyền kiểm soát cơ chế này và trở thành khán giả đơn thuần của cuộc đối thoại Mỹ – Trung ».

Riêng đối với nước chủ nhà Việt Nam, đối tượng bị Trung Quốc xách nhiễu nhiều nhất trong hồ sơ Biển Đông, hậu thuẫn của Hoa Kỳ rất được hoan nghênh.

Tránh trực diện với Trung Quốc, nhưng tìm cách đối phó khác

Cũng như các nước Đông Nam Á khác, Hà Nội cũng cố gắng tránh trực diện đối đầu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong các hoạt động ngoại giao hay quốc phòng của mình, Việt Nam đã nỗ lực tìm cách đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông.

Thông tín viên Lucie Moulin đã đặc biết chú ý đến quyết định mới đây được chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng loan báo. Đó là mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, « kể cả tầu ngầm ». Đối với Lucie Moulin, quyết định này đồng nghĩa với việc mở cửa cho Mỹ trở lại một căn cứ có giá trị chiến lược thiết yếu đối với khu vực Biển Đông. Điều này cũng phản ánh mối quan ngại sâu sắc của Việt Nam trước đà vươn lên của hải quân Trung Quốc.

« Đối với Hà Nội, Cam Ranh là biểu tượng của sự hiện diện quân sự nước ngoài. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, căn cứ này là một trong ba cửa ngõ thâm nhập chính được quân đội Mỹ sử dụng. Đến năm 1975, Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở hải ngoại, và là một trong những vị trí có giá trị chiến lược nhất của thời Chiến tranh Lạnh. Người Nga đã đồn trú tại đó cho đến năm 2002.

Trong tương lai, chính Maxkơva sẽ giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại Cam Ranh, nhưng mọi dấu hiệu cho thấy là có lẽ người thuê tiếp theo là Hoa Kỳ. Từ nhiều năm nay, Mỹ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác quân sự. Thậm chí, vào mùa hè vừa rồi, hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ còn ghé lại ngoài khơi kẻ cựu thù Việt Nam.

Cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều đang quan ngại về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, một khu vực mà Cam Ranh là trạm quan sát hoàn hảo. Về Cam Ranh, trong phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, thủ tướng Việt Nam còn nói rõ là tất cả các tàu hải quân sẽ được chào đón, “kể cả tàu ngầm” ».

Việt Nam thành công trong việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông

Trong một chừng mực nào đó, với sự can dự liên tục của Hoa Kỳ vào hồ sơ Biển Đông từ đầu năm đến nay, có thể nói là Việt Nam đã thành công trong việc nêu bật và quốc tế hóa vấn đề này trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của mình. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của công luận quốc tế đến vấn đề

Biển Đông, cũng như những hành động thái quá của Trung Quốc. Thế nhưng Việt Nam cần phát huy thêm thành công này bằng nhiều hành động cụ thể để chứng tỏ rằng Việt Nam là một nước cởi mở hơn Trung Quốc về phương diện chính trị, qua đó duy trì được hậu thuẫn trong cố gắng bảo vệ chủ quyền của mình.

@ RFI

————————————————————————————————–

Bớ mấy ông Nghị! Cẩn thận kẻo lạc trọng tâm đấy!

Nhạc sĩ Tô Hải

Tớ chợt nghĩ tới một chuyện nhỏ như sau: Có một nhà kia, bị kẻ trộm vào nhà giắt đi mất vài con trâu, bò,… Trong lúc đó có một “kẻ lạ” đang ngồi trên mái nhà mình cưa một quả bom lấy thuốc súng!… Thế mà… cả gia đình cứ tìm hiểu làm sao mà mình mất bò, ai ăn trộm bò…. còn cái quả bom đang cưa ken két trên mái nhà thì coi như không có! Và tớ bỗng ngộ ra rằng: Rõ ràng các ông đã bị lái đi mất trọng tâm rồi ới các ông nghị ơi!…

*

Tớ cũng xuýt nữa lạc trọng tâm. Cả hai tuần nay, tớ kiên quyết bám trụ ở cái đề tài “đình chỉ ngay vụ bô-xít Tây Nguyên”, đã được ngày càng nhiều nhân vật “không thể đội nón cho họ là phần tử xấu”, là bọn “tự diễn biến” … công khai ký tên hưởng ứng! Tớ cũng đặt tên, đánh số cho các entries của tớ là 21a, 21b và sẽ còn 21c, 21d… Thế mà giữa lúc nước sôi lửa bỏng, bỗng dưng bị chen vào những vấn đề “lá cải”chẳng có chết người như vụ “bùn đỏ treo cao” bị công khai phản đối này. Nó làm cho không ít các nhà báo, các blogger phải quan tâm lên tiếng, thậm chí tranh cãi nhau về “mắm tôm thơm hay thối”, mà tớ xin lỗi cho là…vô bổ! Chính bản thân tớ, khi được những thông tin này cũng đã chồm dậy định lao vào keyboard lên tiếng…Nhưng viết được ít dòng rồi, đau cột sống quá, save nó trên word để mai viết tiếp… Hôm sau, vào mạng đã thấy hàng loạt bài từ khắp nơi trên thế giới đưa lên bàn mổ cái vấn đề tớ “xuýt đi lạc” bằng những lý lẽ, phân tích, phán đoán y chang tớ đã soạn thảo trên word! Thế là tớ delete ngay không thương tiếc… Thật vậy :

1. Chuyện bắt nóng “Cô Gái Đồ Long” ai cũng biết rằng: đây là một vụ “dùng cà-nông bắn một con chim non”, cốt để răn đe tất cả các blogger VN hãy coi chừng! vì rất có thể sẽ bị bắt nóng, “khách quan và đúng trình tự pháp luật” về tội “…lợi dụng dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Tuyên bố của tướng Lê Quí Ngọ).

“Cô Gái Đồ Long”, người chuyên đi sâu vào mặt trái của các sao, siêu sao, chân dài, các thứ văn nghệ dỏm, văn nghệ bịp, qua các bài viết (với đầy đủ ảnh, vidéo clip) về những chuyện bẩn thỉu có thật trong giới Showbiz  được không ít tờ  “lá cải” tung hô đã bị blogger này phanh phui đến mức nó hấp dẫn, lôi kéo đến hơn 23.000.000 người đọc (phần lớn là lớp trẻ) đang nuôi mộng trở thành ngôi sao ca nhạc, siêu mẫu, siêu chân dài mở to mắt ra mà suy nghĩ đến cái kiếp “sao có con không cần chồng, “siêu” bị lừa, siêu bị chơi chán rồi bỏ, nữ hoạ sỹ tự cởi truồng, phơi bầy “đủ lông không lá” với tác phẩm “Bay lên”,” “múa cột ở Vũng Tầu”, nhạc điên của “Đai-L-L”… các cuộc tình cho không biếu không từng đã được “quảng cáo khéo” trên báo lề phải, những cuộc thay vợ đổi chồng còn hơn giới showbiz của Mỹ…vv..và..vv… Tất cả đều bị Blogger này phanh phui, không e dè…. Có nhiều người còn cho Cô Gái Đồ Long là người có thành tích bóc trần cái thị trường văn nghệ bát nháo thiệt-giả lẫn lộn hiện nay và là một “chỉ điểm” rất đắc lực cho Ban Tuyên Giao nếu xét thấy cần… dẹp cho đi đúng hướng của Văn nghệ Mác-Xít thì nên dựa vào những tấm ảnh và video đầy sức thuyết phục này.

Cuối cùng ai cũng phân tích: Cô Gái Đồ Long không hề có ý đồ chính trị gì nhưng cuối cùng nó trở thành “blogger chính trị” cần phải “bắt nóng” vì trót lỡ động tới gia đình của một tướng công an đầy quyền lực, đang lúc vươn tới một vị trí cực cao hơn bây giờ… Đúng? Sai ? Thế nào tớ càng thấy entry tớ viết chưa kịp post lên blog quả là tớ xuýt chạy theo đuôi một chuyện ruồi bu!… May quá!

2, Chuyện “dịch sai làm nhục quốc thể” của đĩa hát tiếng Anh “chào mừng 1.000 năm Thăng Long” đến thẹn đỏ mặt những người biết tiếng Anh do Hội Âm Nhạc t/p HCM trân trọng giới thiệu “I inside you after class !” bị đưa lên Internet với đầy đủ tang chứng bằng audio, chưa hết nóng thì lại tới M/C Lậm Văn Sai dịch láo bài phát biểu của một diễn viên Hongkong ,cũng lôi kéo không ít trang mạng vào cuộc… Tớ cũng định viết một bài “Chẳng có gì mà phải ầm ỹ” để bác bỏ cái chuyện nhỏ hơn mắt thỏ này bằng những kiểu “dịch sai không chết ai bao giờ”… Gần đây nhất là dịch sai, dịch cắt bỏ những lời của ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton…khi thấy cần. Ví dụ khi bà nói: Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại về việc bắt giữ và kết án những người bất đồng chính kiến ôn hoà, đè nặng lên các nhóm tôn giáo, kiềm chế tự do Internet, bao gồm cả các blogger thì không thấy mà chỉ thấy những lời ngơi ca sự tiến bộ nhiều mặt của Việt Nam…Nếu không vào Internet để đọc được nguyên bản bài phát biểu của bà ngoại trưởng của “US Department of State” công bố thì đố ai biết được người ta đã dịch sai cố tình hay cắt cúp bài của một đại diện cao nhất cho Tổng Thống Mỹ như thế nào. Càng không được tí ti phấn khởi với những câu trả lời trong cuộc họp báo ở Hà Nội, khi bà đặt vấn đề nhân quyền với các nhà cầm quyền VN rằng “…Việt nam sẽ trở thành ấn tượng và bền vững hon nếu như những lợi ích kinh tế đi đôi với những cải tiến về tự do chính trị và về quyền con người” hoặc “Chúng tôi rất yên tâm qua ý kiến của thủ tướng và phó thủ tướng – bộ trưởng bộ ngoại giao rằng họ muốn cam kết với Hoa Kỳ về các vấn đề này…”. Tất cả những lời hay, ý đẹp đó đều bị dịch sai kiểu Lậm văn Sai và bị cắt không ngại ngần, thương tiếc.

Vậy thì, dịch sai tiếng Anh trong “Tình ca 1.000 Thăng Long” hoặc “dịch phịa” của Lậm Văn Sai có thấm tháp gì khi dịch sai hoặc dịch phịa hoặc cắt cúp những lời nói của những nhân vật như Obama, Hillary, (thậm chí “dịch” sai cả tiếng Việt sang…tiếng Việt bài nói của một nhân vật lãnh đạo quan trọng đã lỡ phát ra rồi không thu lại được nữa) thì…có gì đâu mà ầm ỹ… Đúng là như vậy nên dù đã viết tớ cũng chỉ post lên những ý kiến “ruồi bu” của chính tớ mà thôi!

VẬY TRỌNG TÂM BÂY GIỜ LÀ CÀI GÌ ?

Hai hôm nay, tớ chờ đợi cái vấn đề trọng tâm sẽ được đặt lên bàn quốc hội sẽ diễn ra thế nào đây để kiểm nghiệm lại cái sự nghi ngờ cố hữu của tớ là: Dù 1,2,3…, thậm chí vài ba vạn ngàn người, tiếng tăm khắp nước và trên thế giới đi nữa có ký “xin đình chỉ ngay” cái dự án bô-xịt chết người này cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Vậy mà :

Qua hai ngày chất vấn quốc hội lại bị kéo vào cái  truyện đã gần như đã rõ như ban ngày Vụ con tầu đắm Vinashin.! Các nghị sỹ hăng hái nhất cũng mạnh mẽ lên tiếng đòi lập ban thanh tra của quốc hội diều tra về các các cá nhân chịu trách nhiệm về cuộc phá sản và đổ nợ chưa từng có của một tập đoàn kinh tế nhà nước. Hăng hái và mạnh bạo hơn là đề nghị “tạm thời đình chỉ” công tác của những ai có dính líu tới vụ này để tiện cho việc điều tra của một ban điều tra của Quốc hội ! Liều mạng hơn là đề nghị các vị dính líu, bao che, cho phép hoặc cản trở thanh tra hãy có văn hoá từ chức… Lại một dịp để những người chuyên ngợi ca chính phủ lên tiếng, thậm chí bác bỏ nhứng ý kiến mạnh bạo vừa mới mở miệng… Không thấy một ai đả động đến bô-xít, bộ-xịt gì…Trái lại đại biểu kiêm bộ trưởng Tài Nguyên M-T Phạm Khôi Nguyên lại tranh thủ “chặn đầu” ngay bằng một bài (quá 7 phút qui định) là “bảo đảm không thể xảy ra sự cố bùn đỏ như Hung ga-ry được vì đã có 21 nhà khoa học,viện sỹ đầu ngành, giáo-sư nhiều kinh nghiệm đã đi thăm (có quay phim đàng hoàng) tận bên Brazil và… Trung Quốc về và lần này thì… không có chuyện “bảo đảm trên lý thuyết” nữa! Đến hết giờ chất vấn buổi sáng mới có đại biểu Dương Trung Quốc, như bị kê tủ đứng vào mồm, đặt lên bàn vấn đề bô-xít với rất ít lời lẽ thuyết phục hoặc trích dẫn những ý kiến của những nhà nọ, nhà kia đã bác bỏ dự án này trước khi đặt bút ký mà ông thì… không ký vì ông đã gửi thư riêng và… nhân danh đại biểu quốc hội sẽ trực tiếp đặt vấn đề công khai trước toàn thể quốc hội, “cơ quan lãnh đạo cao nhất của toàn dân”.

Và… hai ngày chất vấn đã chấm hết mà một vấn đề quan ngại của dư luận nhất hiện nay thế là bị cái vấn đề Vinashin chiếm hết thời gian!… Tại sao? Do ai? Bao giờ vấn đề chết người cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, cho an ninh và sống còn của đất nước này lại được luận bàn dân chủ, công khai đây? trong khi các ông nghị hăng hái nhất lần này khó mà được cơ cấu lại vào Quốc Hội của Đảng khoá tới ?

Tớ chợt nghĩ tới một chuyện nhỏ như sau: Có một nhà kia, bị kẻ trộm vào nhà giắt đi mất vài con trâu, bò,… Trong lúc đó có một “kẻ lạ” đang ngồi trên mái nhà mình cưa một quả bom lấy thuốc súng!… Thế mà… cả gia đình cứ tìm hiểu làm sao mà mình mất bò, ai ăn trộm bò…. còn cái quả bom đang cưa ken két trên mái nhà thì coi như không có!

Và tớ bỗng ngộ ra rằng: Rõ ràng các ông đã bị lái đi mất trọng tâm rồi ới các ông nghị ơi!

Và tớ cũng thấy cái sự bi quan-nghi ngờ của tớ lần này có thể lại ĐÚNG.

http://tohair.multiply.com/journal/item/23

————————————————————————————————–