Cho những người bạn trong tù

Bức ảnh trên – người con gái có đôi mắt rất đẹp là bạn mình, chị Đỗ Thị Minh Hạnh. Chị bị tuyên án 7 năm tù giam hôm 26 tháng 10 tại tòa án Trà Vinh. Tội của chị : dám đứng ra bảo vệ cho những người công nhân.

Chị sinh năm 1985, trong một gia đình có bố mẹ đều là cán bộ ở Di Linh – Lâm Đồng. Đang học Cao Đẳng tại TP.HCM, nghe tiếng khóc nức nở của những người dân oan, chị tham gia đứng về phe nước mắt. Chị bảo “Ít nhất, để mình được khóc cùng bà con”

Bức ảnh tiếp theo là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, bạn trai chị Hạnh. Cũng trong phiên tòa tại Trà Vinh, anh bị tuyên án 9 năm tù, và cũng vì tội bảo vệ công nhân

Anh Hùng sinh năm 1981, trong một gia đình khá giả và được học hành  đầy đủ. Nhìn bề ngoài, trông anh giống một công tử nhà giàu hơn. Đang học năm 4 tại ĐH Công nghệ, anh khiến cả gia đình và bạn bè ngỡ ngàng khi quyết định dọn ra ở riêng.Anh nói, để được tự do và không muốn ảnh hưởng đến gia đình.

Bức ảnh này chụp tại Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh, trong phiên tòa không luật sư, không nhân chứng… Người đang đứng là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, còn người mặc áo trắng đang ngồi là anh Đoàn Huy Chương (sinh năm 1985), anh này cũng bị tuyên án 7 năm tù, đã có vợ và con nhỏ

Cả ba anh chị tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bản án đối với họ rất nặng nề. Họ đã âm thầm cống hiến, đã làm đúng lương tâm của mình. Khi bị bắt, anh chị vẫn kiên cường không khuất phục.

“Tòa công khai”, nhưng diễn ra thì bí mật. Sau khị tuyên án, chị Hạnh vẫn tươi cười, nháy mắt chào 2 anh Hùng & Chương. “Người quen” đã kể lại rằng, chứng kiến nụ cười hôm ấy – khiến ông nhớ lại “Nụ cười Võ Thị Thắng” năm nào.


Anh & chị đã rất yêu nhau, nhưng họ đã chọn con đường phải tạm lìa xa nhau.
Có lẽ sau 9 năm, khi anh bước vào tuổi 38, còn chị 32; họ mới có cơ hội được đoàn viên.

Tuổi xuân tươi đẹp của anh chị sẽ trôi qua trong 4 bức tường nhà tù, nơi ấy, họ sẽ chờ đợi nhau.

@DongA SG Multiply
—————————————————————————————————————————————–

Những quan niệm đã cũ về tình yêu

“Tình yêu sớm muộn rồi cũng đến”: Chẳng có điều gì tốt đẹp trong cuộc đời lại đến tình cờ. Tiếc rằng không ít người trong chúng ta lẩn tránh việc kiếm tìm nửa kia, họ phó mặc cho số phận.

Sự thật, yêu cũng giống như học vậy. Không tiếp cận một người, sao bạn biết thế nào là theo đuổi, tán tỉnh? Và nếu bạn muốn học tiếng Pháp, có bao giờ bạn cứ ngồi đó mà rằng: “Rồi sẽ biết tiếng Pháp” trong khi không chịu lên lớp, nghiên cứu sách vở, luyện tập?

Yêu là một hoạt động quan trọng đòi hỏi bạn tham gia và thực sự chú tâm. Hẳn nhiên xúc cảm giữa hai người có thể nảy nở tự nhiên, nhưng để đi đến tình yêu cần lao động nghiêm túc, bạn phải lao tâm khổ tứ để nuôi dưỡng cho tình yêu lớn dần. Đừng quên, bạn sẽ học được từ chính những sai lầm nhé!

2. “Đơn giản là hết yêu”

Không đơn giản như bạn nghĩ đâu. Thông thường, các cặp đôi lìa xa nhau bởi không biết cách chia sẻ những nhu cầu tình cảm. Kèm theo đó là sự xa cách, thiếu tin tưởng lẫn nhau. Khi bạn xây một bức tường ngăn cách để tự bảo vệ bản thân, trớ trêu thay, bạn đưa mình vào điều đáng lo ngại nhất: Ngăn người ấy đến gần bạn, hoặc làm chính bạn trở nên rất… khó yêu.

Khi yêu, chính bạn đưa ra lựa chọn. Tình yêu không thụ động, mà trái lại, rất cần chủ động. Bạn phải sát sao, cởi mở và gắn kết.

Ngay cả những cặp đôi hạnh phúc cũng có lúc tức giận, cãi cọ và làm tổn thương nhau. Nhưng họ khác với những cặp luôn “lủng củng” ở chỗ có thể quay đầu lại và chia sẻ chân thành về cảm xúc của nhau ngay sau đó.

Nói cách khác, ngay khi cảm thấy mình tổn thương nhất, sợ hãi nhất, bạn cần chủ động chia sẻ với bạn đời. Anh ấy có thể cũng đang có cảm giác như bạn. Chia sẻ khiến hai người giúp nhau vững tâm hơn. Đó là cách duy nhất gìn giữ sợi dây tình cảm giữa hai người.

3. “Đàn ông – đàn bà yêu khác nhau”

Sự khác biệt giới tính khiến chúng ta tin như vậy. Rằng nói về cảm xúc, đàn ông – đàn bà là hai cực trái ngược. Đàn ông không khóc, phụ nữ thì không bao giờ thỏa mãn cả v.v.

Thực tế, ai cũng có nhu cầu được yêu thương. Những phụ nữ tin rằng đàn ông chỉ muốn một điều duy nhất – sex là những người đã đánh giá thấp tâm hồn nửa kia của họ.

Theo giải thích của các chuyên gia, nền văn hóa của chúng ta không dạy cho đàn ông cách đòi hỏi được yêu thương, gắn bó, nhưng lại dạy cho họ cách đòi hỏi “chuyện ấy”. Và họ làm đúng như những gì học được (thường là trong những lúc cảm thấy bấp bênh về mặt tình cảm). Đàn ông nghĩ rằng nếu họ bày tỏ mong muốn về một sự đảm bảo nào đó, phụ nữ sẽ xem thường họ. Nhưng nếu bạn cho họ cơ hội, bạn sẽ khám phá ra rằng, họ cũng muốn được khát khao y như bạn vậy.

Khi đạt đến ngưỡng sâu sắc trong tình cảm, đàn ông và đàn bà có rất nhiều điểm chung.

4. “Tình dục nhạt, tình yêu cũng phai nhòa”

Tình yêu của những người trưởng thành thiên lệch quá nhiều đến sex. Đến mức chúng ta nghĩ: “Tình yêu là tình dục”. Thực tế không phải vậy.

Tình yêu lớn hơn tình dục. Các bạn có thể yêu nhau một thời gian đã rất dài mà vẫn cháy bỏng những đam mê, khao khát – nhưng điều đó rất hiếm. Đa số các cặp vợ chồng lâu năm không còn “hừng hực” trong “chuyện ấy”, song tình yêu họ dành cho nhau vẫn đượm nồng, có khi còn hơn cả ngày mới quen.

Bạn phải “đầu tư” cho sex vì đó là sự mới mẻ nuôi dưỡng những ám ảnh, đam mê ngày đầu. Song những cảm xúc đó không phải tình yêu. Một khi những cảm xúc đam mê cuồng nhiệt đã mờ đi, nếu sự kết nối sâu sắc giữa hai tâm hồn vẫn còn, thì tình dục sẽ còn tốt đẹp hơn cả mong đợi

Huyền Anh

Theo BH

@Dantri

——————————————————————————————————————————————

Bàn về quy hoạch thủ đô: Thăng Long – tầm cao mới

Thủ đô mở rộng là một nhu cầu tất yếu. Quy hoạch Thủ đô có tầm quan trọng lịch sử, ảnh hưởng tới sự phát triển đất nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tôn vinh tâm hồn và tài trí Đại Việt.

Mô hình đô thị “hạt nhân và vệ tinh”

Đã lạc hậu, sự chênh lệch quá lớn về quy mô, sức phát triển, sức hút đô thị giữa hạt nhân, vệ tinh và vùng nông nghiệp (ở bậc thấp nhất trong hệ thống chính quyền đa tầng bậc), tính không bền vững của ranh giới đô thị và quy mô dân số, sự bất bình đẳng lãnh thổ và xã hội, sẽ làm tăng nguy cơ biến Thủ đô thành một “Siêu đô thị đơn cực” khổng lồ với những vấn nạn bất khả kháng, sẽ làm tan rã cấu trúc đô thị, làm nghèo tính đa dạng, năng động, đa bản sắc của Hà thành.

Sự dàn trải các chức năng Thủ đô trên toàn bộ địa bàn 3.344 km2 và sự lệ thuộc vào các dự án riêng lẻ, rời rạc, tự phát, thiếu bản sắc, sẽ ảnh hưởng đến tính khoa học hoàn chỉnh của Quy hoạch, làm phân rã cộng đồng, làm tăng sự phân hoá giầu nghèo, sự tách biệt văn hoá, lối sống, truyền thống… làm suy giảm hiệu quả quản lý, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên xã hội (thời gian, công của).

Chưa có một hệ thống Hội đồng khoa học (thẩm định các đồ án Quy hoạch  để chính quyền lập kế hoạch triển khai), một hệ thống Kiến trúc sư trưởng các cấp (xây dựng các đồ án Quy hoạch và giám sát việc thực hiện Quy hoạch), một cơ chế hoàn chỉnh để huy động tài trí của cộng đồng, thì các đồ án sẽ kém chất lượng, việc xây dựng đô thị sẽ gặp nhiều trở ngại, không bền vững, cư dân sẽ thiếu tình cảm gắn bó với thành phố.

Mô hình “Chùm thành phố” (chùm đô thị đa trung tâm)

Hiện nay những nước mới nổi và đang phát triển khi cần mở rộng Thủ đô thường lựa chọn mô hình “chùm thành phố” (Thủ đô cũ kết hợp với vài thành phố lân cận) để phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế – xã hội, nền Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ, nền Văn hoá – Nghệ thuật – Thể thao, nền Giáo dục toàn dân, hiện đại hoá hệ thống quản trị đô thị.

Seoul kết hợp với hơn 20 thành phố thành vùng Thủ đô Seoul (11.725 km2 với 23 triệu dân). Manila (646km2 – 1,6 triệu dân) với 17 thành phố thành Metro Manila (1500km2 – 14 triệu dân). Jakarta (664km2 – 8,6 triệu dân) + 3 thành phố Bogor, Tangerang, Bekasi, thành Jabotabek (7.315 km2 – 23,65 triệu dân). Bangkok (600 km2 – 6,2 triệu dân) + vài thành phố liền kề thành Vùng đô thị Bangkok (1600km2 – 12 triệu người). Mới đây Malaysia đã mở rộng Thủ đô to gấp 4 lần Singapore bằng cách kết hợp với 7 thành phố và một tỉnh, thành Đại Kuala Lumpur (2793km2 – 7,2 triệu dân).

Mô hình “Chùm thành phố” không phá vỡ cấu trúc đô thị các thành phố, chỉ cần bổ sung, chỉnh trang, hoàn chỉnh theo những chức năng mới được bổ sung của Thủ đô; kế thừa và phát huy những lợi thế, đặc trưng, bản sắc, truyền thống văn hoá của từng vùng lãnh thổ; với diện tích vừa phải của từng thành phố dễ quy hoạch hợp lý, dễ quản lý khoa học, tinh giản, năng động, dễ huy động sự đóng góp của Cộng đồng.

Thủ đô Thăng Long có địa bàn gấp 5,2 lần Singapore. Có thể bao gồm 5 “Thành phố đồng nhất” (uni – city)

1. Thành phố Hà Nội (nam sông Hồng tới Vành đai 4): Trung tâm Chính trị – Hành chính Quốc gia và Thủ đô, trung tâm Khoa học – Kỹ thuật đầu ngành, trung tâm Văn hoá – Nghệ thuật – Thể thao, trung tâm Du lịch – Dịch vụ, với đặc trưng và bản sắc truyền thống của kinh đô Thăng Long ngàn năm tuổi.

2. Thành phố Cổ Loa (Mê Linh – Đông Anh – Long Biên – Gia Lâm): Nằm trên vùng giao thoa của hành lang Đông – Tây (Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai) và trục kinh tế  xuyên Việt Bắc – Nam, có hệ thống giao thương thuỷ – bộ – đường sắt – đường hàng không, sẽ phát triển thành một Trung tâm Tài chính – Ngân hàng – Thương mại Quốc gia và Quốc tế hiện đại, tầm cỡ khu vực. Biểu trưng của thành phố là Cố đô mấy ngàn năm lịch sử Cổ Loa, với kiệt tác kiến trúc Loa thành bất hủ.

3. Thành phố Sóc Sơn: Thành phố huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương, trung tâm Phật giáo, trung tâm Du lịch sinh thái – Nghỉ dưỡng. Tiếp giáp với vòng cung tài nguyên và công nghiệp phía Bắc, Sóc Sơn sẽ trở thành một thành phố công nghiệp và du lịch phát triển.

4. Thành phố Hà Tây: Thành phố Nông – Công nghiệp – Làng nghề hiện đại, với những tổ hợp Nông – Công  nghiệp – Thuỷ sản quy mô lớn, những trang trại cổ phần và những Làng nghề công nghiệp hoá.

Những điểm dân cư Nông thôn mới, với phong cách kiến trúc xanh hiện đại, mà vẫn giữ được lối sống truyền thống làng quê, cùng với kho báu di sản Văn hoá – Lịch sử vật thể và phi vật thể dầy đặc trên vùng danh lam thắng cảnh, tiêu biểu là Nam thiên đệ nhất động Hương Sơn tuyệt mỹ, là một vùng Văn hoá xứ Đoài, đậm đà bản sắc dân tộc.

5. Thành phố Ba Vì (Sơn Tây, Ba Vì, Hoà Lạc, Xuân Mai): Vùng đất thiêng, vùng Đất Tổ, tâm linh Đại Việt.

Quanh ngọn chủ sơn Ba Vì – Tản Viên 50 – 60km, là một vùng non xanh nước biếc tráng lệ, dày đặc các di chỉ khảo cổ, huyền tích, di sản Văn hoá – Lịch sử, những danh lam thắng cảnh, những Vườn Quốc gia Ba Vì – Tam Đảo – Xuân Sơn… sẽ là một quần thể các loại hình Du lịch sinh thái – Nghỉ dưỡng, Thể thao địa hình tầm cỡ Quốc tế. Làng văn hoá các dân tộc Việt và Tổ hợp Khoa học – Công nghệ cao – Giáo dục Hoà Lạc, càng tôn vinh bản sắc văn hoá cho toàn vùng.
Thủ đô Thăng Long (chùm Thành phố 1,2,3,4,5) và Vùng Liên kết (I,II,III,IV,V)
1 Thành phố Hà Nội Trung tâm Chính trị – Hành chính Quốc gia và Thủ đô – Trung tâm Khoa học – Văn hóa – Nghệ thuật – Thể Thao – Du lịch – Dịch vụ. S ≈ 14%
2 Thành phố Cổ Loa Trung tâm Kinh tế – Tài chính – Thương Mại Quốc gia và Quốc tế. S ≈ 13%
3 Thành phố Sóc Sơn Trung tâm Công Nghiệp – Du lịch – Nghỉ dưỡng. S ≈ 9%
4 Thành phố Hà Tây Trung tâm Nông – Công nghiệp – Làng nghề – Du lịch. S ≈ 45%
5 Thành phố Ba Vì Trung tâm di tích – danh thắng Văn hóa – Lịch sử – Thể Thao – Du Lịch – Nghỉ dưỡng – Công nghệ cao. S ≈ 19%
Sơ đồ các tiểu vùng (1,2,3,4,5) và các Vùng liên kết (I,II,III,IV,V)
Quy hoạch các “Thành phố đồng nhất” (không có ngoại ô):

Môi trường xanh – Kiến trúc xanh – Năng lượng xanh – Giao thông xanh – Kinh tế Xanh. Các điểm dân cư (R<2 – 2,5km) đủ hạ tầng kĩ thuật, các công trình công cộng – dân sinh – phúc lợi – xã hội.

Hạn chế: Nhà ở thấp tầng, vườn rộng, biệt thự lớn, đất và trang trại tư nhân, nhà ở công vụ, trụ sở công quyền bề thế, phòng họp, các công trình hoành tráng nghèo ý nghĩa, các đại lộ quá rộng, giao thông ngầm v…v.. Giảm biên chế hành chính, chi tiêu công, xe công, hội họp, lễ lạt… Tăng tỉ lệ lao động hữu ích.

Ưu tiên: các cơ sở sản xuất –  kinh tế sạch, các Tổ hợp khoa học – Công nghệ – Giáo dục chuyên ngành, các công trình Văn hóa – Thể Thao – Y tế – Du lịch – Nghỉ dưỡng bình dân, công cộng, được cổ phần hóa rộng rãi.
Đỗ Quang Toản

Hà Nội

@ DanTri

—————————————————————————————————————————————–

Hoa Kỳ đóng vai hòa giải giữa Trung Quốc, Nhật Bản

Thông tín viên VOA Daniel Schearf đang có mặt ở Hà Nội ghi nhận hai sự kiện chính trong hội nghị cấp cao ở Hà Nội hôm thứ Bảy: Hoa Kỳ đề nghị hòa giải giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc hứa sẽ không dùng đòn chính trị liên quan đến xuất khẩu đất hiếm.

Ngoại trưởng Clinton hoan nghênh Việt Nam ký Công ước Liên Hiệp Quốc Chống Tra Tấn

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đề nghị họp ba bên với Trung Quốc và Nhật Bản để làm dịu căng thẳng giữa hai nước lớn châu Á.
Đề nghị được đưa ra tại hội nghị Đông Á cấp cao gồm 16 nước châu Á Thái Bình Dương ở Hà Nội.
Bà Clinton nói rằng bà muốn tạo thuận lợi cho cuộc đối thoại để giảm bớt căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông Trung Hoa.
Bắc Kinh phản ứng giận dữ hồi tháng 9 khi Hải quân Nhật cầm giữ một tàu đánh cá Trung Quốc gần hòn đảo hai nước có tranh chấp. Nhiều người nói rằng Bắc Kinh phản ứng bằng  cách cắt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật.
Tại Hà Nội, bà Clinton cho biết bà đã được Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì giải thích Trung Quốc không ngăn đất hiếm xuất sang bất kỳ thị trường nào.
Bà cũng nói với các nhà báo hôm thứ Bảy rằng bà thấy khích lệ khi các giới chức Trung Quốc và Nhật Bản tìm cách giải quyết ôn hòa cho sự bất đồng này:
“Chúng tôi đề nghị với hai bên Hoa Kỳ sẵn sàng tổ chức một cuộc họp ba bên, đưa Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản và Trung Quốc ngồi lại với nhau để bàn về nhiều đề tài.”
Đề nghị được đưa ra bên lề hội nghị cấp cao Đông Á, đang họp để bàn về kinh tế, an ninh và chính trị.
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc và Nhật Bản phản ứng thế nào trước đề nghị đó.
Bà Clinton nói rằng Washington không có chủ quyền trên đảo đang có tranh chấp nhưng nhắc lại lãnh thổ là một phần trong cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ Nhật Bản.
Bắc Kinh tỏ ý không hài lòng trước lập trường của Washington và tố giác Tokyo đưa ra những tuyên bố sai lạc, phá hỏng khả năng đàm phán chính thức giữa hai thủ tướng Nhật Bản và Trung Quốc.
Cũng tại Hà Nội hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam ký Công ước Liên Hiệp Quốc Chống Tra Tấn, bà nói rằng đây là kết quả trực tiếp sau khi có đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ, tuy nhiên, bà nói:
“Dù công ước mà chúng ta chứng kiến ký kết hôm nay nhất định là một bước đúng hướng, Hoa Kỳ vẫn còn quan tâm trước sự bắt giữ và kết tội những người chống đối ôn hòa, trước những vụ tấn công các nhóm tôn giáo, những vụ ngăn chận tự do Internet, trong đó có các blogger.”
Chỉ vài ngày trước khi bà Clinton đến Việt Nam, nhà chức trách nước này đã phạt tù 3 nhà hoạt động bênh vực quyền của người lao động, có người đến 9 năm; cùng lúc với việc bắt giam một số dân làng Công giáo vì có tranh chấp đất đai.
Bà Clinton nói rằng bà có nêu nhiều trường hợp cụ thể về vi phạm nhân quyền trong các cuộc gặp gỡ lần này với lãnh đạo Việt Nam.
Bà nói rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ càng ấn tượng và bền vững hơn nếu có cải thiện nhân quyền và nếu hai phía đồng ý tiếp tục đối thoại, mặc dù có những bất đồng.
Cũng trong ngày thứ Bảy, Việt Nam ký đơn đặt hàng mua 8 máy bay Boeing của Mỹ, nêu bật tình hình trao đổi thương mại ngày càng phát triển giữa hai nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự hội nghị cấp cao Đông Á với tư cách quan sát viên, cả hai đều được mời đến dự hội nghị này với tư cách thành viên kể từ năm tới.
Ngoài hội nghị cấp cao Đông Á, các nước ASEAN cũng họp riêng với nhau ở Hà Nội. Họ thỏa thuận tăng cường liên lạc và trao đổi thương mại với nhau, trong ý định biến nhóm của họ thành một cộng đồng giống như EU trước 2015.

@ VOA

—————————————————————————————————————————————–

Trong một động thái lịch sử, Việt Nam xem Trung Quốc như một đối thủ

Nguồn: John Pomfret, Washington Post

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Ba tuần trước đây, một triển lãm được khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam. Ở một bên của dãy hành lang dài, những kỷ vật về cuộc chiến tranh dài 25 năm của Việt Nam chống lại Hoa Kỳ và Pháp – những bức thư của hàng binh, những trích dẫn của Hồ Chí Minh, lựu đạn và súng AK-47 – xếp dọc theo tường. Chẳng có gì mới ở đây.

Nhưng bên kia hành lang, viện Bảo tàng Lịch sử đã thật sự làm nên lịch sử. Treo dọc theo những bức tường là như chiếc dao găm, tranh ảnh và trích dẫn từ cuộc chiến tranh của Việt Nam với một đối thủ khác: đế quốc Trung Hoa. Những trận chiến từ những năm 1077, 1258 và trong thế kỷ thứ 14 và 18 được trưng bày với đầy đủ chi tiết .

Đặt Trung Quốc ngang hàng với “những kẻ xâm lược phương Tây” đã đánh dấu một bước đột phá tâm lý đối với quân đội Việt Nam và là một tin không lành đối với Bắc Kinh. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách áp đặt một quan hệ đặc biệt với chính quyền Cộng sản Việt Nam. Nhưng việc đi lên của Trung Quốc – và thái độ hung hăng đối với Việt Nam – đã báo động giới lãnh đạo của quốc gia 90 triệu dân, khiến họ có cái nhìn khác hơn đối với kẻ láng giềng. Bắc Kinh đang có nguy cơ mất đi vai trò của một đối tác Cộng sản anh em và thay vì thế lại bị xuống cấp khỏi vị thế của một vương quốc phía bắc biên giới Việt Nam vốn từng gây điêu đứng đối với đất nước này trong nhiều thế kỷ.

Việc thay đổi quan điểm này đã khiến Việt Nam có được một hành động đặc biệt là kết bạn với thế giới như một rào cản chống lại Trung Quốc. Nổi bật trong những mối giao hảo mới này là Hoa Kỳ, cũng có mong muốn mối giao hảo tương tự để giúp đối phó với Bắc Kinh.

“Có bạn mới thì luôn là điều tốt,” Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói một cách thích thú trong một cuộc phỏng vấn. “Càng tốt hơn khi người bạn ấy từng là kẻ thù của chúng ta.”

Việc bồi đắp tình hữu nghị Việt-Mỹ đã được thể hiện hôm thứ Sáu khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hillary Rodham Clinton vừa đến đây, chuyến viếng thăm lần thứ hai của bà trong vòng bốn tháng. Gần ba tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates cũng đã ở đây. Vào tháng Tám, Bộ Quốc phòng đã tổ chức cuộc đối thoại lần đầu tiên với đối tác của mình tại Hà Nội. Ba chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam trong năm qua. Hơn 30 sĩ quan Việt Nam đang học tập tại các học viện quân sự Hoa Kỳ.

“Hoa Kỳ đã tham chiến tại Việt Nam để canh chừng sự đi lên của Trung Quốc,” một cựu quan chức cao cấp Việt Nam, vốn không được chính quyền cho phép phát biểu với phóng viên đã nói. “Giờ đây họ lại đang theo đuổi một quan hệ hữu nghị với Việt Nam… cũng để canh chừng sự đi lên của Trung Quốc.”

Việt Nam và Hoa Kỳ đang nhanh chóng đưa ra một thoả thuận trong đó cho phép Việt Nam được xử dụng kỹ thuật năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ. Điều này, các quan chức Việt Nam cho biết, có thể giúp Hà Nội chấm dứt việc dựa dẫm vào Trung Quốc trên vấn đề điện lực. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Việt Nam nói rằng họ nôn nóng đợi mua kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm các dụng cụ định vị dưới nước để theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc. Hà Nội cũng tham gia vào những thảo luận nhằm thu nhận những phụ kiện cho đội ngũ trực thăng UH-1 Iroquois do Hoa Kỳ sản xuất, từng là một biểu tượng trong cuộc chiến Việt Nam. Và bất chấp áp lực từ Trung Quốc, ba công ty dầu hoả của Hoa Kỳ đang tiến hành những cuộc thăm dò ngoài khơi trong khu vực biển Việt Nam.

Những mục đích chung

Chuyến thăm hai ngày của bà Clinton đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ sẽ tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – một hội nghị thường niên của những quốc gia chính trong khu vực. Trên thực tế, chính Việt Nam đã tìm cách đưa Hoa Kỳ vào tổ chức này.

“Những người Việt đang rất phấn khởi về việc thắt chặt hơn quan hệ đối tác với chúng ta,” bà Clinton đã phát biểu trong một cuộc trò chuyện với nhà sử học Michael Beschloss. “Cuộc chiến tranh mà hàng chục nghìn người Mỹ và người Việt đã bị giết hại và thương tật và đã gây ảnh hưởng quá lớn đối với đất nước chúng ta và Việt Nam. Nhưng rồi người Việt và người Mỹ giờ đây đang làm việc chung với nhau, đang có quan hệ ngoại giao chung với nhau, đang tạo ra những mục đích chung trong một số những vấn đề khu vực và thế giới mà cả hai đều quan tâm.”

“Chúng ta nên để cuộc chiến tranh lại cho các nhà văn,” Bảo Ninh, tác giả của cuốn tiểu thuyết đầy ám ảnh về cuộc chiến với tựa đề “Nỗi Buồn Chiến Tranh.” Bên cạnh đó, Ninh, người từng là một binh nhất trong chiến tranh nói rằng Hoa Kỳ thì rất nổi tiếng ở đây. “Ngay cả thế hệ của chúng tôi càng thích người Mỹ hơn nữa. Nếu bạn thăm dò giới quân đội, họ sẽ bỏ phiếu cho Hoa Kỳ.”

Một mục đích chung mà cả hai quốc gia cùng có đó là bảo đảm Trung Quốc không thống lĩnh được vùng biển Nam Hải. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền vùng biển rộng 1.000 dặm vuông bao gồm cả một khoảng đại dương trống trải bao la cách cực nam Trung Quốc đến 1.000 dặm, và họ đã điều động một đội tàu an ninh lớn nhất thế giới đến khu vực này để hà hiếp ngư dân Việt Nam và những toán thăm dò dầu mỏ. Vào tháng Bảy, sau khi hội ý với Việt Nam, bà Clinton đã đề cập đến vấn đề này tại một hội nghị các quốc gia Đông nam Á ở Hà Nội, phản bác những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển chung và kêu gọi những thảo luận đa phương. Mười một quốc gia đã đi theo sự dẫn đầu của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã sửng sốt rời khỏi cuộc họp để rồi quay lại cảnh báo với các quốc gia khác rằng họ thì nhỏ bé còn Trung Quốc thì to lớn.

Một mục đích chung khác sẽ được đề cao vào thứ Bảy khi Clinton dẫn đầu một cuộc họp của Sáng kiến Hạ lưu Mekong do Hoa Kỳ khởi xướng, trong đó một phần sẽ là việc tìm kiếm phương cách để thúc đẩy Trung Quốc giới hạn số lượng đập nước trên Sông Mekong khi dòng sông này chảy qua miền nam Trung Quốc. Tuần trước, nước sông Mekong đã nằm ở mức thấp nhất trong lịch sử được biết, và các nhà phân tích tại Việt Nam đã qui việc này cho các con đập, hệ thống thuỷ lợi cũng như các công trình thuỷ điện của Trung Quốc.

Phân nhánh

Chiến dịch lấy lòng của Việt Nam không chỉ giới hạn với Hoa Kỳ. Hà Nội đã tăng cường quan hệ của mình với kẻ đỡ đầu cũ là Moscow, và năm ngoái đã có hợp đồng mua sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo. Một đối thủ khác của Trung Quốc là Ấn Độ, cũng đang ở trong giai đoạn thảo luận để giúp Việt Nam nâng cấp đội ngũ chiến đấu cơ MiG-21. Pháp, ông chủ thuộc địa ngày xưa của Việt Nam đang tính toán việc bán những tàu chiến cho Hà Nội. Việt Nam cũng đã vươn tay ra với những cường quốc châu Á khác như Nam Hàn và Nhật Bản, bãi bỏ yêu cầu thị thực nhập cảnh cho công dân các nước này 5 năm về trước.

“Người Việt đang tìm cách để báo với Trung Quốc rằng ‘Chúng tôi có những người bạn lớn,’ ” Nayan Chanda, tác giả cuốn “Huynh đệ Tương thù” (Brother Enemy), một nghiên cứu kinh điển về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. “Nhưng đây là một trò chơi rất nhạy cảm.”

Thật vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam vẫn rất lớn. Những cải cách kinh tế của Việt Nam – còn gọi là đổi mới – đã bắt nguồn từ Trung Quốc, và lực lượng công an đã học tập được rất nhiều từ các đối tác Trung Quốc trong phương cách giữ vững chế độ độc đảng. Vì thế, Hà Nội đang thận trọng để không quấy rầy Bắc Kinh, hoặc nếu có thì cũng không quá đáng. Ví dụ như tại viện Bảo tàng Lịch sử, có một cuộc chiến đã hoàn toàn không được đề cập đến – cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu của Việt Nam chống lại Trung Quốc vào năm 1979.

Hệ thống kiểm duyệt Việt Nam cũng thường xuyên cấm đoán việc tường thuật tin tức chống Trung Quốc. Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao đã ra lệnh tờ báo mạng hàng đầu VietnamNet rút xuống bài báo dự đoán việc các quốc gia Đông nam Á sẽ có một thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh hải cũng như trong những vấn đề khác. Nhưng cũng có những bài báo khác được đăng tải, ví dụ như những tường thuật về chiến dịch vận động ký tên dẫn đầu bởi Nguyễn Thị Bình, cựu phó chủ tịch nước và đại diện phái đoàn Việt Cộng trong hội nghị hoà bình Paris, kiến nghị chống lại dự án khai thác bauxite khổng lồ do Trung Quốc đầu tư tại khu vực cao nguyên miền trung Việt Nam.

“Chúng ta đã ở cạnh Trung Quốc trong suốt 4.000 năm. Chúng ta không thể tự nhiên bỏ đi,” bà Phạm Chi Lan, nhà kinh tế học kỳ cựu có liên quan đến chiến dịch kiến nghị, vốn đã có được 3.000 chữ ký. “Để sống còn, chúng ta cần có bạn bè.”

X-Cafe

——————————————————————————————————————————————