Truyện ngắn : Hoàng Hạc
Guelph – Cái tên của thị trấn nhỏ bé này không mấy người biết đến. Anh bạn tôi, người đã sống ở Toronto Canada hơn chục năm, khi nghe tôi nói sẽ làm webmaster (nhân viên duy trì trang web) cho một công ty du lịch ở Guelph đã hét lên trong điện thoại: “Ủa!Thế mày lại đi sang Đức làm việc à?”.
Guelph cách Toronto 1 giờ lái xe, nơi cư ngụ của rất nhiều người già về hưu, một thị trấn “quá”yên tĩnh, như ngủ thiếp trong một khu rừng mọc bạt ngàn cây phong (Maple), cho nên rất nhiều người không biết đến nó là phải. Tôi đến Guelph vào tháng 10, đúng vào dịp “mùa chuyển màu lá Phong”(lá cây được lấy làm biểu trưng trên lá cờ Canada), và”mùa lá rụng”(the fall leaf). Đứng trên cầu Eramosa, ngắm nhìn dòng sông Speed nước trong vắt như tấm gương phản chiếu những hàng cây mọc như rừng trên hai bờ chỗ xanh, chỗ vàng rộm, có chỗ đỏ rực như máu khiến tôi thấy gai gai khắp người. Cảnh sắc ở Guelph đẹp quá, một cái đẹp u nhã, dường như thiên nhiên đang phổ vào màu sắc của lá tất cả vẻ huyền bí về cái đẹp của mình. Ngôi nhà tôi ở ngay sát mép bờ sông, có lẽ vì thế mà lá cây ở đây rụng sớm hơn chỗ khác. Lá phong rụng đầy vườn, tràn ngập cả các lối đi; những hàng cây quanh nhà đứng lặng im như chết và bóng hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà(Our Lady Church) in như vẽ trên mặt sông; tất cả tạo cho tôi một cảm giác kỳ lạ: thời gian như ngưng lại ở nơi đây, từ năm 1876, khi nhà thờ Đức Bà khánh thành. Vào những ngày cuối tháng 10 này, Guelph tổ chức đại lễ mừng thị trấn tròn 180 tuổi. Một ngày hội thực sự vui vẻ và náo nhiệt, vì trùng với ngày hội cào lá (the annual leaf-raking festival) và ngày Haloween(ngày hội hoá trang Thần Chết). Cờ Canada và cờ của thị trấn Guelph với con số 180 treo khắp mọi nơi. Nhà nào cũng treo một quả bí đỏ lớn khoét rỗng ruột và bên trong thắp nến hoặc bóng điện nhỏ. Những bộ quần áo ma chùm đầu màu đen treo phấp phới trên cây trước cửa nhà hoặc ở sân chơi. Nhiều người còn cầu kỳ làm người hình nộm ma quái cho ngồi ở ghế dài trong vườn hoặc đứng bắt chéo chân ngay cửa nhà. Người lớn và nhất là trẻ con mong nhất là ngày Haloween, vì tính chất đặc biệt ngộ nghĩnh của nó: Haloween là ngày mọi người hoá trang làm thần chết, làm ma đủ kiểu với đủ các thứ áo choàng khiếp đảm nhất, ăn uống, vũ hội, xin và chia kẹo cho trẻ con suốt đêm. Ven sông Speed là hội đèn lồng. Mọi người tự làm lấy các đèn lồng đủ kiểu. Trong bộ quần áo ma, họ đi lại vật vờ ven sông, khiến tất cả có cảm giác như mình đang sống lại cuộc sống cách đây vài thế kỷ.
Gõ cửa xin kẹo nhà tôi đầu tiên là em bé con ông hàng xóm. Em mới 5 tuổi, mặc bộ đồ chẽn võ sĩ màu đen, trông rất là ngộ nghĩnh.”I’m Ninja!”(Cháu là võ sĩ đạo) em bé tự giới thiệu mình, khiến cho bố mẹ em đang đứng chờ ngoài cổng cũng phải bật cười. Các em còn nhỏ quá, thường bố mẹ phải dẫn đi xin kẹo. Còn các em lớn hơn thì khỏi phải nói, chúng đi khắp thành phố, trở về nhà có khi với cả một tay đẫy túi vải kẹo, bánh. Tôi bật cười khi nhớ lại một chuyện nghe nói là có thật của một gia đình người Việt vùng nông thôn Nam bộ được con cái bảo lãnh đoàn tụ sang Canada: Họ đặt chân lên Canada đúng ngày Haloween, gia đình người da trắng đi đón ở phi trường về liền khoác ngay một bộ quần áo bao tải lam lũ, một cái bị và cây gậy cho đứa con nhỏ của đôi vợ chồng người Việt và ra hiệu bảo đi xin kẹo, bánh các nhà. Bà vợ người Việt liền khóc oà lên nức nở: “Ôi trời ơi! Tưởng là sang Canada làm gì, hoá ra nó bắt mình đi ăn mày!”
Ba giờ sáng, không ngủ được vì uống trà đặc, tôi liền đi dạo ven bờ sông.Cây phong sau nhà lá đã rụng hết, trơ ra bộ xương cây gầy guộc. Cú rất nhiều, cất tiếng kêu thảm thiết trong đêm. Mấy anh bạn da trắng ở Toronto nói với tôi rằng, Guelph là nơi nhiều ma nhất của Toronto, khiến cho tôi cũng có cảm giác hơi rờn rợn. Nhưng bầu trời mùa thu trong vắt không một gợn mây, không gian sực nức mùi lá phong khô rụng và mùi hoa lữ thảo, thứ hoa duy nhất nở vào mùa se lạnh, khiến cho tôi không có cảm giác sợ. Tôi cứ đi lang thang ven sông mãi, có lúc chợt như thấy mình bị lạc lối. Đây là nhà dân hay là công viên? Tôi không phân biệt nổi. Lá cây phủ đầy các lối đi, khiến thậm chí không tìm thấy cả lối đi nữa. Sương mù bắt đầu phủ xuống kín hết mặt sông và có chỗ che kín luôn cả mắt nhìn. Tôi không biết làm sao quay trở về nhà được, đúng lúc đang hoang mang cực độ, tôi chợt ngã xuống một hố đất sâu đầy lá, và kêu toáng lên “Help!Help!”(cứu tôi). Một tiếng cười dễ thương của con gái cất lên và một bàn tay ấm áp nắm lấy tay tôi kéo lên “ngày mai chỗ này sẽ tổ chức Hội cào lá”Cô gái nói và hỏi tôi ở phố nào “Phố vui vẻ”( Pleasant Rd.), tôi trả lời và chữa ngượng bằng cách tự thú mình mới tới Guelph được ít ngày. Cô gái cầm tay tôi và dẫn tôi đi trong sương mù lãng đãng. Cô hoá trang làm một mụ phù thuỷ có bộ mặt kinh tởm, nhưng tôi đoan chắc dưới mặt nạ đó là một khuôn mặt xinh đẹp và rất nhân ái. Tới chỗ ít sương mù, cô chỉ cho tôi đường về phố Pleasant, rồi không một lời chào tạm biệt, cô vụt biến mất như phù thuỷ thật sự. Từ phía xa xa vẳng lại tiếng chuông nhà thờ buồn bã, cô độc.
Gió bắt đầu thổi mạnh khi tôi về đến nhà. Lá rụng ào ào như thể đua nhau chạm mặt đất vững chãi để ngày mai là Hội cào lá. Mỗi chiếc lá rụng trong đêm, trông tựa như một thiên thần nhỏ bé vừa cất lên lời ca từ biệt cây. Người ta nói cây cũng như người. Vậy thì lá chắc phải là một mảnh linh hồn của cây trao cho đất mẹ. Một chiếc lá Phong rơi đúng vào cổ áo tôi. Tôi nhớ đến truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Henry, tôi nhớ đến người bạn tôi ở Việt Nam gửi tôi một bài thơ, anh muốn viết một bài thơ về hoa sen, anh đã mất ngủ để cố tìm vần chọn chữ và bỗng phát giác ra, các chữ anh chọn, “mỗi chữ phải lách nghiêng qua một rừng thơ cổ”.
Đêm nay tôi cũng vậy, tôi cũng bị mất ngủ và cố đi tìm cho mình cái cảm giác của thời gian đứng dừng lại- Sự vĩnh cửu. Nhưng tôi chỉ thấy lá rơi, lá rơi trên vai các bức tượng ngoài công viên, rơi trên chiếc ghế đá lạnh, rơi trong sương mù. Về đến nhà tôi thấy lá rơi phủ kín hết thềm cửa. Tôi tự nhủ: Ngày mai mình cũng sẽ đi cào lá. Và đêm đó, tôi ngủ với chiếc lá vẫn còn trong cổ áo.
—————————————————————————————————