Day: 31/08/2010
Ăn bưởi rất có lợi cho sức khỏe
Cùng thuộc họ cam quýt, những quả bưởi mà bạn thấy nhiều trong mùa thu có vị ngọt và chua nhưng lại chứa rất nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và hệ miễn dịch.
Những dưỡng chất có trong trái bưởi:
– Vitamin C: 44,8 mg
– Vitamin B1: 0,03 mg
– Vitamin B2: 0,03 mg
– Beta Carotene: 200 g
– Calcium: 14,0 mg
– Sắt: 0,6 mg
– Protein: 0,7 g
– Chất béo: 0,3 g
– Carbohydrate: 10,4 g
– Năng lượng: 44,0 Kcal
– Nước uống: 88,0 g
Lợi ích sức khỏe từ việc ăn bưởi
* Vỏ quả bưởi có chứa một lượng cao bioflavonoid. Các bioflavonoid có trong bưởi giúp phát hiện và ngăn chặn các tế bào ung thư lan rộng ở những bệnh nhân ung thư vú bằng cách thu thập những estrogen thừa của cơ thể.
* Nước ép bưởi tuy có chứa nhiều axit nhưng loại nước trái cây này thực sự có phản ứng với kiềm sau khi tiêu hóa. Do đó, nó có lợi cho hệ tiêu hóa của bạn.
* Những trái bưởi cũng chứa khá nhiều pectin. Đây là liều thuốc hiệu quả trong việc giảm tích tụ ở động mạch.
* Bưởi còn có nhiều vitamin C giúp tăng cường và duy trì độ đàn hồi của động mạch, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
* Ngoài ra, bưởi còn có thể trợ giúp trong quá trình giảm cân, bởi vì bưởi giúp đốt cháy các chất béo, các enzyme trong bưởi có thể giúp hấp thụ và làm giảm tinh bột và đường trong cơ thể.
* Bưởi thậm chí có thể giúp đỡ bạn rất nhiều trong trường hợp bạn mệt mỏi, tiểu đường, sốt, mất ngủ, đau họng, dạ dày và ung thư tuyến tụy.
Chọn bưởi như thế nào?
Khi mua bưởi, bạn nên chọn những quả bưởi nặng hơn so với kích cỡ của nó, chắc chắn không có những khuyết tật bất kỳ trên bề mặt vỏ của chúng và có mùi thơm ngọt.
Nếu không thích những trái bưởi có tôm trắng, bạn có thể chọn những trái bưởi đào có màu hồng và màu đỏ. Những trái bưởi đào thường hơi ngọt và bổ dưỡng hơn (vì sắc tố sẫm màu của chúng).
Mẹo nhỏ:
– Giữ bưởi ở nhiệt độ phòng trước khi ép chúng để có được nhiều nước nhất.
– Để chuẩn bị, bạn nên bổ bưởi trước. Chú ý để lại lớp cùi trắng bên trong càng nhiều càng tốt vì nó chứa hầu hết các tác nhân chống ung thư có lợi cho sức khỏe của bạn.
– Bạn cũng có thể thêm mật ong vào nước ép bưởi nếu như nước bưởi của bạn quá chua.
Theo Kiến Thức Phổ Thông, XXI – Y Khoa
————————————————————————————————————————————————————————————————–
CẬP NHẬT TIN 31-8-2010
Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt ra mắt tại TP.HCM
Hôm 27/8, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt tổng lãnh sự mới là ông Lê Thành Ân tại văn phòng Diamond Plaza.
Ông Lê Thành Ân, 56 tuổi, rời Việt Nam cách nay 45 năm, là quan chức gốc Việt đầu tiên giữ chức Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM và nhiệm kỳ của ông sẽ bắt đầu vào cuối tháng này. Ông cũng là người Mỹ gốc Việt giữ vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ hiện nay. Trước khi đến Việt Nam, ông Ân từng làm việc tại Singapore, Hàn Quốc và gần đây nhất là tại Pháp. Phát biểu với cử tọa bằng tiếng Anh và tiếng Việt, ông Ân nhấn mạnh: “Chúng ta đều hy vọng một tương lai tươi sáng cho mối quan hệ Việt – Mỹ và tôi sẽ đóng góp sức mình để xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp”.
An Le, tức Lê Thành Ân, đến Sài Gòn nhận nhiệm sở từ ngày 6 tháng 8, 2010, với nhiệm kỳ 3 năm (8/2010-8/2013).
Sanh tại Việt Nam và lớn lên tại tiểu bang Virginia, ông đạt văn bằng Kỹ Sư Điện trong năm 1976 và Tiến Sĩ Khoa Học chuyên khoa Quản Lý trong năm 1978 tại trường George Washington University.
An Le bắt đầu hoạt động trong ngành ngoại giao từ năm 1991, sau 15 năm hoàn thành nhiệm vụ tại Bộ Hải Quân (U.S. Department of the Navy).
Trong 35 năm phục vụ chính phủ Hoa Kỳ, ông An Le vinh dự được nhận huy chương cao quý nhất của Bộ Ngoại Giao, là huy chương “The Luther I. Replogle Award”, cho “Management Improvement”.
An Le có nhiều kinh nghiệm phục vụ và giải quyết các vấn đề ngoại giao hóc búa, đặc biệt với các vấn đề kinh tế và chính trị khu vực Châu Á.
Ông từng phục vụ tại Trung Quốc (1991-1994), tại Nhật Bản (1994-1997), tại Malaysia (1997-2001), tại Singapore (2001-2004), tại Hàn Quốc (2004-2007), và lần mới đây tại Pháp Quốc (2007-2010).
Ông An Le kết hôn cùng bà Tâm. Bà Tâm cũng sanh và lớn lên tại Việt Nam. Ông bà có 3 con.
@Tamnhin blog
————————————————————————————————————————————————————————————————–
Cuộc sống ở nước nào tốt nhất thế giới? Việt Nam: trong 20 quốc gia cuối bảng!
Lê Diễn Đức
Dưới đây là bảng thứ hạng của các quốc gia được đánh giá tốt nhất thế giới cho cuộc sống của con người. Nhà tỷ phủ Warren Buffett, người giàu thứ ba thế giới năm 2010 (theo “Forber”) nói rằng, mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống mà ông gặp xuất phát từ thực tế là ông đã được sinh ra ở Hoa Kỳ, tức là sinh ra đúng chỗ và đúng thời. Đó là sự thật. Có tài bao nhiêu mà “đầu thai nhầm thế kỷ” và “lạc loài dăm bảy đứa” như những người của Phong trào Nhân văn Giai phẩm, thì sống được bình thường đã là may mắn khôn lường rồi. Chỉ vì đòi tự do cho sáng tác văn học, nghệ thuật và bày tỏ tư tưởng mà họ đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam trấn áp, đày đoạ, chôn vùi sự nghiệp suốt cả cuộc đời. |
Các cá nhân nổi tiếng có thể tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào, nhưng một số quốc gia tạo điều kiện cho công dân của mình nhiều cơ hội thành công hơn. Điều này cho đến ngày nay vẫn hoàn toàn chính xác. Khi sự giàu có và sức mạnh chuyển từ Tây sang Đông, và trên thế giới đang xuất hiện một trật tự mới hậu khủng hoảng, thì một người sinh ra và lớn lên ở thành phố Omaha (tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ) không có nghĩa người đó tự động sẽ có vị thế tốt hơn – “Newsweek” nhận xét.
Lần đầu tiên ấn bản quốc tế của “Newsweek” đưa ra câu hỏi đơn giản, nhưng rất khó: Trong quốc gia nào con người sinh ra có cái nhìn tốt nhất về cuộc sống lành mạnh, an toàn, giàu có vừa phải và có triển vọng thăng tiến trong xã hội?
Rất nhiều các tổ chức và viện nghiên cứu xã hội đánh giá các mặt khác nhau về tính cạnh tranh của các nước, nhưng không một ai cố gắng xếp chúng lại với nhau. “Newsweek” đã thử làm điều này rất công phu và công bố kết quả hôm 15/08/2010.
Trong nghiên cứu của mình, “Newsweek” chọn 5 thể loại: giáo dục, y tế và chất lượng cuộc sống, khả năng cạnh tranh kinh tế và điều kiện chính trị.
Trong mỗi thể loại, các nhà nghiên cứu xác định mức độ đạt được cho 100 quốc gia. Họ cũng đã cân đối vào kết quả của mình tất cả các nghiên cứu quan trọng được thực hiện trong vài năm qua của các tổ chức quốc tế (như Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD).
100 nước được sắp xếp hạng trong bảng theo: tổng thể (All Countries), trong các tổ chức, hiệp hội, các vùng châu lục, để chúng ta có thể so sánh chung và cụ thể từng khu vực. Đó là: G7, G20, Latin America & Carribbean, EU, Europe & Central Asia, East Asia & Pacific, Asean, South Asia, Midlle East & Noth Africa, Sub-Saharan Africa, BRIC (Brazil, Russia, China, India).
Các thứ hạng của một số nước châu Á như sau: Hàn Quốc – hạng 15, Singapore – 20, Malaysia – 37, Thái Lan – 58, Trung Quốc – 59, Philippines – 63, Sri Lanka – 66, Indonesia – 73.
Việt Nam nằm trong 20 nước chót bảng với hạng 81, sau Botswana hạng 80. Tiếp theo là: South Africa 82, Syria – 83, Guantamala – 84, Algiera – 85, Ghana – 86, Kenya – 87, Bangladesh – 88, Pakistan – 89, Madagasca – 90, Senegal – 91, Yemen – 92, Tazania – 93, Ethiopia – 94, Mozambique – 95, Uganda – 96, Zambia – 97, Cameroon – 98, Nigeria – 99 và Burkina Faso – 100.
10 nước hàng đầu: Phần Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Australia, Luxembourg, Na Uy, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, và Đan Mạch.
Hoa Kỳ hạng thứ 11 và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu được xếp hạng thứ 12.
Top 30 trong bảng của “Newsweek”:
1) Finland
2) Switzerland
3) Sweden
4) Australia
5) Luxembourg
6) Norway
7) Canada
Netherlands
9) Japan
10) Denmark
11) United States of America
12) Germany
13) New Zealand
14) United Kingdom
15) South Korea
16) France
17) Ireland
18) Austria
19) Belgium
20) Singapore
21) Spain
22) Israel
23) Italy
24) Slovenia
25) Czech Republic
26, Greece
27) Portugal
28) Crotia
29) Poland
30) Chile
Chi tiết đầy đủ hơn, các bạn có thể tham khảo thêm ở link dưới đây:
http://www.newsweek.com/2010/08/15/interactive-infographic-of-the-worlds-best-countries.html
Không hiểu sao, tất cả các nước phát triển nhất, nơi con người có đời sống tốt nhất thế giới về giáo dục, y tế, chất lượng sống, khả năng cạnh tranh kinh tế và điều kiện chính trị, đều là những nước tư bản với thể chế chính trị dân chủ, đa nguyên?
Các nước này cũng không cần có chủ nghĩa Marx-Lenin làm kim chỉ nam cho mọi hành động, dân chúng không bị bắt buộc học tập tư tưởng, đạo đức của vị lãnh tụ vĩ đại nào cả và họ cũng chẳng cần có một đảng nào là lực lượng tiên phong duy nhất lãnh đạo xã hội. Họ có phép màu nào nhỉ? Lạ thật!
@ Ledienduc blog
————————————————————————————————————————————————————————————————-
Bất ngờ trước tin tiếp tục làm đường sắt cao tốc
“Chỉ hơn 2 tháng sau khi Quốc Hội (QH) không thông qua dự án đường sắt cao tốc, mà Chính phủ lại giao các bộ, ngành chuẩn bị lập báo cáo khả thi là điều hơi bất ngờ”, ông Dương Ngọc Ngưu-phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của QH, bày tỏ.
Dự kiến các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1.2012 Ảnh:
|
Theo ông Ngưu, chỉ hơn 2 tháng sau khi QH bấm nút không thông qua dự án đường sắt cao tốc, mà Chính phủ lại giao các bộ, ngành chuẩn bị lập báo cáo khả thi là điều hơi bất ngờ dù theo ông ‘việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không có gì trái”.
“Tôi hoàn toàn không biết thông tin này nhưng có thể họ cho rằng lần trình trước QH chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ nên giờ giao tiếp tục nghiên cứu để trình lại là điều bình thường. Tuy nhiên, dự án có được chấp thuận hay không thì sau khi nghiên cứu, Chính phủ phải trình lại, khi đó QH có cơ quan kiểm tra, góp ý bàn bạc và quyết định hay không là chuyện khác”, ông Ngưu nói.
Đại biểu QH Vũ Quang Hải cũng khẳng định, Chính phủ có thẩm quyền giao cho các bộ ngành nghiên cứu, chuẩn bị dự án.
Song điều làm ông Hải băn khoăn bởi đây là vấn đề “nhạy cảm” và thời gian quá liền nhau (chỉ hơn 2 tháng sau ngày Quốc hội bác dự án) nên nếu Chính phủ có sự bàn trước với Ủy ban thường vụ QH thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao hơn.
Dẫu vậy, đại biểu từng lên tiếng phản bác dự án này trên diễn đàn QH vừa qua tỏ ra không quá bất ngờ: “Tôi lường trước điều này sớm muộn gì cũng xảy ra, do đó tôi không quá bất ngờ!”
Khi được hỏi quan điểm về vấn đề này, ông Hải nói: Trên diễn đàn QH, trong các buổi thảo luận ở tổ tôi đã không ủng hộ vì báo cáo chuẩn bị chưa chu đáo, không có thông tin đầy đủ, xác thực để QH nắm được. Còn việc giao các bộ, ngành chủ quản nghiên cứu khả thi, quan điểm của tôi là: ở thời điểm này rất nhạy cảm. Vậy nên nếu Chính phủ có sự bàn bạc với Ủy ban thường vụ QH thì mới có sự đồng thuận cao, nhưng tôi chưa nắm được là Chính phủ đã bàn với Ủy ban thường vụ QH chưa.
Tiến sĩ Vương Đình Khánh, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN cho rằng , trước đây, Hàn Quốc cũng đã từng tài trợ nghiên cứu, lập báo cáo về dự án đầu tư đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội – Vinh và TP. HCM- Nha Trang. Do đó, việc Nhật có phối hợp lập dự án đường sắt cao tốc cũng là chuyện bình.
Theo ông Khánh, đường sắt cao tốc là cần thiết, nhưng không phải là lúc này.
“Khi nào chúng ta có điều kiện kinh tế, hãy nghiên cứu làm. Còn bây giờ, nhu cầu cấp thiết nhất là tập trung nghiên cứu, đầu tư hiện đại hoá ngành đường sắt, mở rộng khổ từ khổ 1m lên thành khổ 1435, phục vụ cả vận tải khách và hành hoá. Đồng thời, thiết lập hệ thống hành lang an toàn, ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt bởi thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến tôi rất lo lắng”, ông Khánh bày tỏ.
Như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam lập báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc hai đoạn tuyến: Hà Nội – Vinh; TP.HCM – Nha Trang (thuộc dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM).
Dự kiến các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1.2012.
Cùng với các dự án này, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết cũng đang phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Ngọc Hồi đi sân bay Nội Bài (khoảng 25km). Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM đã được trình tại kỳ họp thứ bảy nhưng không được QH thông qua do lo ngại về tính hiệu quả cũng như làm tăng gánh nặng nợ nần cho quốc gia… Đông đảo người dân cũng không tán thành xúc tiến dự án này nên việc QH không thông qua dự án là hoàn toàn hợp với lòng dân.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Hạt, tổng giám đốc công ty tư vấn, đầu tư và xây dựng GTVT (thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam khi đưa ra QH đã có nhiều ý kiến khác nhau. Việc QH không thông qua một phần cũng vì dự án thiếu thông tin. Tuy nhiên, đó chỉ là không thông qua, chứ không phải bác dự án.
Trung Đức
@SGTT
————————————————————————————————————————————————————————–
Giải bài toán giao thông đô thị Việt Nam
Cần có “nhạc trưởng”!
Tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày một trầm trọng tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM là một minh chứng. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch – tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn xung quanh vấn đề này.
Các loại xe tham gia giao thông ngày càng dày đặc và đang trở nên quá tải tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật
|
Dạo này nhiều người nhắc đến một công nghệ giao thông công cộng (GTCC) như là “cây đũa thần” để hoá giải tình trạng giao thông ngày càng tệ tại các đô thị lớn, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng bất kỳ công nghệ nào trong các công nghệ về tàu điện một ray, tàu điện chạy bằng bánh xe, metro, xe buýt nhanh,… đều không thể riêng lẻ trở thành “cây đũa thần” cho giao thông đô thị tại Việt Nam. Có người nói xe buýt chỉ đáp ứng 6% nhu cầu đi lại tại đô thị, nên không hiệu quả, thậm chí còn làm ách tắc giao thông. Nhưng theo tôi, đừng chỉ đổ lỗi cho xe buýt khi đường sá chúng ta thiết kế chưa đồng bộ với nó. Đây là lỗi tổ chức!
Nhưng giải quyết ách tắc giao thông tại Việt Nam cần được nhìn nhận như một “cuộc chiến” lớn, mà việc triển khai một công nghệ GTCC tại một địa phương chỉ là “trận đánh”. Các công nghệ không có sự liên kết để sử dụng tốt, thì chỉ là những “trận đánh” rời rạc, không hiệu quả.
Đề xuất của ông về việc này như thế nào?
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Kim Yến
|
Quá trình xây dựng kế hoạch mất vài năm song song với những việc cần làm ngay, nếu không, vài chục năm cũng chưa xong. Hôm nay chọn buýt, mai chọn metro, ngày kia lại thấy tàu điện một ray là tốt nhất thì không ổn. Cái nào được chọn trước, cái nào cần làm sau đều cần có nghiên cứu khoa học đầy đủ để chứng minh. Tôi nghĩ, cần có “nhạc trưởng” được giao đủ quyền hành và xác định rõ trách nhiệm quản lý ở các cấp từ Chính phủ đến các sở ban ngành. Đừng đổ hoàn toàn cho ngành giao thông vận tải, hay kiến trúc, mà cần kế hoạch dài hơi cho tình hình giao thông đô thị nói chung, đi đôi với giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt.
Ai sẽ là “nhạc trưởng” và hoạt động của “dàn nhạc” ra sao, thưa ông?
Cấp Chính phủ thì Thủ tướng hay phó Thủ tướng sẽ chỉ đạo, cấp thành phố thì chủ tịch hay phó chủ tịch UBND thành phố sẽ đảm nhiệm. Việc quản lý này giúp minh bạch khi có người chịu trách nhiệm chính. Sự cộng tác các ngành như: quy hoạch, cấp phép, lựa chọn cách giải quyết, quyết định công nghệ,… lúc đó mới không có sự chồng chéo. Chuyện lớn thì có đề tài nghiên cứu khoa học lớn, chuyện nhỏ hơn cũng cần nghiên cứu tương ứng. Xã hội càng tiến bộ, nhu cầu và khả năng đi lại càng tăng, nên tiếp tục đặt ra các vấn đề về giao thông đô thị. Cách giải quyết phải dựa trên nhu cầu của người dân.
Vậy công tác nghiên cứu của chúng ta đang có vấn đề, thưa ông?
Theo quan sát và tìm hiểu thông tin của cá nhân tôi, giải quyết các vấn đề của giao thông đô thị tại Việt Nam còn chưa chú trọng đến khâu nghiên cứu. Các nước phát triển trên thế giới, trong bất kỳ công việc nào cũng dành từ 5 – 10% cho nghiên cứu, rồi mới triển khai. Ở Việt Nam, trách nhiệm nghiên cứu đang được đẩy cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, doanh nghiệp sẽ nói công nghệ của mình tốt nhất, vì tốt cho lợi ích nhóm, thay vì coi mục tiêu giải quyết giao thông đô thị là tốt nhất. Phải có ngân sách nghiên cứu và giải quyết trên cơ sở tổng thể xây dựng, cải tạo hạ tầng.
Không có nghiên cứu, sự tác hại của ách tắc giao thông sẽ thế nào, thưa ông?
Một ví dụ nhỏ: kẹt xe thì máy xe vẫn nổ, bao nhiêu xe, bao nhiêu khói thải trong bao nhiêu lâu, gây ô nhiễm thế nào, khiến người dân mắc bệnh ra sao, tiêu tốn viện phí bao nhiêu, giảm doanh thu do lỡ hợp đồng, lỡ công việc,… đều tính được thiệt hại. Kẹt xe càng kéo dài, thì nền kinh tế càng bất lợi, GDP càng giảm xuống, nợ nước ngoài càng tăng lên, vấn đề an sinh xã hội càng bức xúc,… Phải phân khu theo chức năng và vẫn dựa trên nghiên cứu khoa học và luật hoá, vì lợi ích đất nước chứ không vì nhóm lợi ích nào.
Tôi nghĩ bắt đầu từ việc luật hoá các vấn đề trên cơ sở khoa học, mà khoa học thì chỉ có đúng và sai. Nhưng thực tế giải quyết giao thông đô thị tại Việt Nam đang ở vòng lẩn quẩn, mà các biện pháp như: cấm xe cá nhân, thu phí giao thông, mở rộng đường, tăng cường phương tiện vận tải công cộng,… chưa kết nối được với nhau một cách khoa học.
Thưa ông, giao thông đô thị tại Việt Nam sẽ đi về đâu?
Ngay cả các thành phố hiện đại với những phương tiện giao thông hiện đại nhất cũng bị kẹt xe trong giờ cao điểm. Phải làm cách nào chứng minh hệ thống phương tiện GTCC đồng bộ sẽ đảm bảo cho người dân đi làm và về nhà tiện lợi, nhanh chóng, trong khi đi xe cá nhân sẽ chậm hơn vì kẹt xe. Tôi đi nhiều nước phát triển thấy những người sử dụng xe hơi ở nước ngoài phải trả một khoản phí không nhỏ để chống ách tắc giao thông. Đó là chi phí họ hưởng tiện ích khi ngồi trong xe, mở máy lạnh và nghe nhạc.
Quốc Ấn (thực hiện)
@ SGTT
————————————————————————————————————————————————————————-
Mỹ quay lại biển Đông, dân Sài Gòn ‘hồ hởi phấn khởi’
Gió đã đổi chiều?
Trần Tiến Dũng
SÀI GÒN – Thời gian qua, nhiều người quan tâm đến thế sự ở Sài Gòn cảm thấy có “mùi lạ” khi bảo nhau đọc bài trả lời của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ trên VOA tiếng Việt: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại…
“Tôi không tin, tin sao được, lại gạt dân nữa chớ có gì mới!” Một ông lão từng là giáo viên trước 1975 bình luận khi nghe luận điểm của con trai cựu Bộ Trưởng Văn Hóa chế độ Cộng Sản, ông Cù Huy Cận.
Những người hiểu rõ chế độ này đều biết, không một cá nhân nào, dù là cực kỳ thế lực, dám mở miệng nói giọng hiệu triệu giới trí thức và quan quyền chế độ, về một chiến lược ngoại giao mới, mà không được Ðảng cho phép. Nhất là lại nói ngay trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ – VOA.

Chuyện gì đang xảy ra?
Trong một quán cà phê wifi, một thanh niên – công dân mạng Internet – mở laptop đọc tin tức, anh nói: “Chuyện biển Ðông bỗng nhiên xoay chóng mặt luôn, chẳng biết thật hư đến đâu!” Nhưng, ở một quán khác, cánh phóng viên và cộng tác viên các báo trong nước đều vô cùng “phấn khởi hồ hởi” khi biết tin bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bất ngờ xác định “lợi ích quốc gia của Mỹ ở biển Ðông…”
Và câu nói trên của bà ngoại trưởng Mỹ như một dòng chảy ngoài luồng, làm rạng rỡ hầu hết những gương mặt từng bế tắt, đau buồn bởi nguy cơ mất biển, mất nước vào tay Trung Quốc. Một tay phóng viên chuyên viết về giáo dục nói: “Bất ngờ quá anh, nhưng đã có chuyện để nói với mấy ông bạn thầy giáo và những học sinh đang chán nản vì ghét Trung Quốc.”
Ðúng là gió đã đổi chiều! Giải thích rõ hơn về điều này, một nhà thơ, không muốn nêu tên, nói với chúng tôi: “Thông thường, thời gian trước đại hội Ðảng là thời gian ai cũng muốn tự khóa miệng, nhưng bây giờ người ta nói tràn lan: nào là bà Clinton đã cứu cho Việt Nam một bàn; nào là không có Mỹ, chắc mấy ngày vừa rồi Trung Quốc đã chiếm mấy hòn đảo Trường Sa; nào là ‘bọn nó’ chỉ bốn ngày sau khi Mỹ tuyên bố biển Ðông đã có ngay cuộc tập trận bắn đạn thật; chúng nó chuẩn bị đâu ra đó để chiếm đảo của mình đó chớ, nhưng Mỹ làm cho chúng việt vị; nào là vân vân và vân vân…”
Lời phát biểu về “quyền lợi quốc gia…” của ngoại trưởng Hoa Kỳ như một dòng chảy ngoài luồng, làm rạng rỡ hầu hết những gương mặt từng bế tắc, đau buồn bởi nguy cơ mất biển, mất nước vào tay Trung Quốc… Còn cánh phóng viên và cộng tác viên các báo trong nước thì vô cùng “phấn khởi hồ hởi.”
Cũng có một luồng dư luận khác tiếp tục hoài nghi. Một ông, từng là sĩ quan quân đội VNCH, vì “học tập” về sớm, không đủ tiêu chuẩn đi HO, ông dựa trên bằng chứng bỏ rơi đồng minh còn nóng hổi của Mỹ mà hoài nghi: “Chờ coi! Mỹ chỉ đáng tin khi nào Mỹ có lợi. Chờ coi biển Ðông có lợi với Mỹ ở mức độ nào. Chớ Cộng Sản thì có lợi giữ yên chế độ rồi đó.”
Nhiều người sống ở miền Nam Việt Nam, từ bài học lịch sử của chế độ VNCH đã nhớ lại: Trước đây vì ngăn chặn hiểm họa Cộng Sản ở Ðông Nam Á mà Hoa Kỳ và đồng minh can thiệp vào Việt Nam. Lúc đó sự hiện diện của Mỹ được nhấn mạnh ở yếu tố lý tưởng nhiều hơn quyền lợi, và rồi, lá cờ bảo vệ tự do, dân chủ, cuối cùng cũng phải cuốn lại.
Hiểm họa Cộng Sản, mà cụ thể là Cộng Sản Trung Quốc, đã thắng. Nhưng sau chiến tranh, quan hệ đồng chí Trung-Việt bỗng gãy gánh – sụp hầm, và cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 là đỉnh điểm.

Quốc gia là cốt lõi
Ngày nay, Mỹ không nhìn Trung Quốc qua lá cờ Cộng Sản nữa, mà coi đó là đối thủ chính, một siêu cường mới, cạnh tranh toàn diện với Mỹ trong những thập niên tới về vị trí siêu cường số một thế giới. Rõ ràng, ngày nay và tương lai thể chế Cộng Sản Trung Quốc hay Cộng Sản Việt Nam chỉ còn là hình thức. Bây giờ, lá cờ Mỹ trở lại biển Ðông-Việt Nam. Lần này, tinh thần tự do dân chủ chỉ là yếu tố phụ, quyền lợi Mỹ mới là chính.
Trong chiến lược duy trì thế mạnh số một ở Châu Á, Thái Bình Dương, chuyện siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington và tàu khu trục USS John McCain đến bờ biển Ðà Nẵng ngay sau lời tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ, phần nào đó nhìn bề ngoài giống như sự kiện quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam năm 1965.
Dân tộc Việt Nam hiện nay và tương lai không cho phép chế độ này hay bất cứ chế độ cầm quyền nào khác dâng đất nước vào tay Trung Quốc. Và tham vọng của Trung Quốc muốn chiếm biển Ðông và Việt Nam thì không phân biệt cái nước Trung Hoa là chế độ Cộng Sản hay Dân Chủ, bởi vì đó là quyền lợi “cốt lõi” của Hoa Lục và vị trí siêu cường của họ. Dư luận còn nhớ, cách đây không lâu, ông Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào khi dự hội nghị APEC, thay vì đáp chuyên cơ xuống Hà Nội đã chọn đặt chân trước xuống Ðà Nẵng. Dư luận lúc đó cho rằng, đó là một dấu hiệu tham vọng xấu từ đế chế phương Bắc mới.
Dư luận trong nước, trong mấy ngày qua, là: hơn 30 năm sau biến cố 1975, điều trớ trêu, Việt Nam lại trở thành tâm điểm tranh chấp chiến lược toàn cầu của hai siêu cường. Thời điểm mà chính sách mới của Hoa Kỳ xác định: Quyền lợi Mỹ ở biển Ðông. Ðây thời điểm bước ngoặt trọng yếu của Việt Nam.
Ðối với nhiều người Việt Nam, phía trước, điều bất hạnh hoặc điều tốt lành cho đất nước đều có thể diễn ra. Có người nói: Phải chờ sau đại hội Ðảng coi phe thân Trung Quốc ra sao rồi mới biết. Người khác, lạc quan hơn, thì khẳng định: cục diện chiến lược biển Ðông và Việt Nam trên bàn cờ toàn cầu đã vận hành theo hướng của Mỹ, đó là tất yếu.
Nhưng, một thức giả Sài Gòn sống ẩn dật lại nghĩ rộng hơn. Trước hiện trạng tha hóa hiện nay, thay đổi kiểu nào cũng tốt. Nếu chẳng may, lại bị nạn ông Tàu xấu xa thì sẽ đánh thức tinh thần quật khởi cả một dân tộc. Nếu thay đổi tốt thì Việt Nam sẽ như con chim phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn. Ði cùng với cộng đồng thế giới dân chủ – văn minh, lúc nào cũng là điều tốt nhất.
@ NguoiViet
————————————————————————————————————————————————————————–
Hội nghị đảng hiếm hoi ở Bắc Triều Tiên: Con trai Kim Jong Il sẽ kế vị?
Một hội nghị quan trọng của đảng chính trị duy nhất tại Bắc Triều Tiên có thể là dấu hiệu báo trước cho chuyện bắt đầu việc kế vị của thế hệ thứ ba trong gia đình ông Kim tại quốc gia cộng sản cô lập này.
Truyền thông của Bắc Triều Tiên đang quảng bá về cuộc họp, theo dự trù sẽ diễn ra vào khoảng 6/9, như những lời loan báo trên truyền hình nhà nước, nói rằng: “Chúng ta hãy hoan hỉ chào mừng Đại hội của các Đại biểu đảng Công nhân như một diễn biến tốt đẹp mãi mãi ngời sáng trong lịch sử của đảng và của tổ quốc chúng ta.”

Đây sẽ là một hội nghị rất hiếm hoi. Lần trước một đại hội như thế được triệu tập là năm 1980, và đại hội trước đó với sự tham dự của hàng ngàn đại biểu của đảng, đã diễn ra năm 1966.
Trong những năm giữa các đại hội đó, quyền lực ngày càng được thu tóm trong tay quân đội, chứ không phải là đảng, dưới quyền cai trị cứng rắn của ông Kim Il Sung, và kể từ khi ông qua đời, được chuyển sang cho người con trai là ông Kim Jong Il.
Bà Balbina Hwang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ. Bà cho biết chuyển sự chú ý tại Bình Nhưỡng trở lại cho đảng là điều mang nhiều ý nghĩa.
Bà nói: “Sự kiện dường như họ đang chuyển trung tâm quyền lực, có lẽ, ra khỏi Quân ủy sang cho đảng Công nhân, theo tôi, mang ý nghĩa là đang có những chuẩn bị cho việc kế vị và chuyển tiếp, về mặt định chế.”
Nhiều nhà phân tích thời cuộc dự đoán rằng con trai ông Kim Jong Il, tức Kim Jong Un, chừng 27 tuổi, sẽ là một trong số những người được trao cho một chức vụ trong Ủy ban Trung ương đảng.
Thân phụ của Kim Jong Un cũng đã được trao cho một chức vụ cao trong đảng vào cỡ tuổi hiện nay của ông và đã được chuẩn bị trong hàng chục năm để nắm giữ quyền kiểm soát quốc gia.
Bắc Triều Tiên đã tạo dựng một thứ văn hóa tôn sùng lãnh tụ đầu tiên Kim Ill Sung, được gọi là Chủ tịch Bất diệt, và nhà lãnh đạo hiện nay là ông Kim Jong Il. Các học giả nghiên cứu về Bắc Triều Tiên cho rằng dường như ông Kim Jong Il hy vọng bảo đảm rằng con trai ông sẽ vận động được sự ủng hộ và củng cố quyền hành trong giới được ưu đãi và trong quân đội để bảo đảm cho chuyện kế vị êm thấm.
Một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia ở Hán Thành, ông Park Hyeong Jung, nói rằng người con trai có thể sẽ được chỉ định giám sát bộ “Tổ chức và Chỉ đạo”, dưới quyền của Ban Bí thư.
Chuyên gia Park nói rằng một địa vị như thế sẽ cho phép ông Kim Jong Un được quyền bổ nhiệm nhân sự, tạo cho ông một căn bản quyền lực độc lập.
Ông Park giải thích rằng như vậy ông Kim Jong Un sẽ có thể giám sát và chỉ trích bất cứ tổ chức nào trong đảng, cho phép ông theo dõi và kiểm soát hữu hiệu hành động của giới đặc quyền đặc lợi.
Nhưng theo giáo sư Balbina Hwang thì kết quả của hội nghị có lẽ sẽ không giống như dự đoán của giới phân tích ở bên ngoài. Bà giải thích: “Tôi không cho rằng chúng ta sẽ hài lòng với kết quả, tôi muốn nói là không nhất thiết họ sẽ loan báo giao cho ông ta một chức vụ hay một địa vị đặc biệt nào.”
Giáo sư Hwang chắc chắn rằng ông Kim Jong Il là người giữ quyền quyết định, mặc dù giáo sư Hwang tiên đoán trước khi con trai của ông Kim nắm chặt được quyền bính, có phần chắc sẽ có “đổ máu.”
Bà giải thích tiếp: “Sẽ có tranh chấp nội bộ về tính hợp pháp của người kế vị ông Kim Jong Il. Cá nhân tôi tin rằng ông Kim Jong Il cho là chuyện kế vị ông phải như thế, đó là điều ông muốn. Và đó chính là điều mà ông đang gắng sức để tạo địa vị vững vàng cho con ông.”
Giáo sư Hwang nói rằng những bon chen chính trị trong lúc người con trai của ông Kim Jong Il tìm cách xây đắp quyền lực có thể sẽ dẫn đến những vụ thanh trừng và hành quyết trong giới ăn trên ngồi chốc tại Bắc Triều Tiên. Nhiều người theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên cho rằng không còn bao nhiêu thời giờ nữa cho nhà độc tài toàn trị ở nước cộng sản này. Vào tuổi 68, dường như ông ngày càng bệnh hoạn hơn, và đã bị đột quị 2 năm trước.
Điều đó có thể làm suy yếu khả năng đưa ra quyết định của ông ở một quốc gia đang gặp những thử thách nghiêm trọng: một nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ, thiếu hụt lương thực, bị quốc tế trừng phạt gắt gao, ngoại trừ Trung Quốc, và chẳng còn đồng minh đáng kể nào nâng đỡ.
@ VOA
————————————————————————————————————————————————————————–
Trung Quốc không thực sự kiểm soát thế giới

Sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí phương Tây và cũng là niềm tự hào của người dân Trung Quốc. Vậy, chỉ với sức mạnh kinh tế này, Trung Quốc có thể kiểm soát thế giới được hay không ? Thực tế cho thấy trên nhiều phương diện, Trung Quốc còn thua xa Hoa Kỳ và dường như Bắc Kinh cũng nhận thức được điều này khi Nhân dân nhật báo, ngày 20/08/2010 lược đăng bài “Trung Quốc không thực sự kiểm soát thế giới”, dựa trên bài viết của Gatsiounis Ioannis được đăng trên tuần báo Newsweek, ấn bản ngày 09/08/2010.
Sự vươn lên của Trung Quốc, như tất cả chúng ta biết hiện nay, rõ ràng là một câu chuyện về kinh tế và chính trị của thời đại chúng ta. Mỗi tuần lại có một đầu đề cuốn sách mới thông báo sự chuyển dịch “không thể cưỡng lại được” nghiêng về phía Đông, sự trỗi dậy của mối quan hệ “Mỹ Trung” và một tương lai không-quá-xa khi Trung Quốc “lãnh đạo” hành tinh này. Các phương tiện truyền thông dòng chính, và đặc biệt là báo chí kinh tế, bị cuốn hút vào câu chuyện kể về việc Trung Quốc kiểm soát thế giới – còn các tiêu đề chính khác trên Financial Times và The Wall Street Journal đều chú ý tới Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thông tin nói về sự xâm nhập toàn cầu của Trung Quốc đã rất ít nói về bối cảnh, đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc làm như thế nào để – và không thể – vượt qua Mỹ với tư cách là một siêu cường trên thế giới. Có rất nhiều chuyện nói về một dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ hay một công ty Trung Quốc dàn xếp một hợp đồng để thỏa mãn “cơn thèm khát” về nguyên liệu, trong khi một sự tham gia tương tự hoặc ở quy mô lớn hơn của phương Tây sẽ ít có may để trở thành một tít lớn của mọi tờ báo.
Việc xem xét kỹ lưỡng các chỉ số kinh tế chinh và những sắc thái tinh tế của quyền lực, chẳng hạn như ảnh hưởng văn hóa và viện trợ nhân đạo, cho thấy là trong khi Trung Quốc thực sự là một trong những cường quốc lớn trên thế giới hiện nay (cuối tháng trước, Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới), ảnh hưởng của nước này vẫn không rõ ràng và thường bị chèn lấn bởi ảnh hưởng của Mỹ.
Thương mại của Trung Quốc với các khu vực như châu Phi và châu Mỹ Latinh đang tăng trưởng theo cấp số nhân, nhưng vẫn chưa qua mặt được Hoa Kỳ. Thương mại của Mỹ có xu hướng đa dạng hóa hơn. Tại châu Á, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn, nhưng luồng hàng chủ yếu vẫn là những sản phẩm cấp thấp, trong khi Mỹ chiếm vị thế cao hơn với các sản phẩm cao cấp. Viện trợ của Mỹ và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu vực này vẫn làm lu mờ các hoạt động tương tự của Trung Quốc, quyền lực mềm và có thể cả sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn còn ngự trị, mặc dù có sự lớn mạnh gần đây của Trung Quốc trong khu vực này.
“Chỉ có sức nặng về kinh tế thì không bao giờ đủ để một quốc gia chi phối được thế giới bên ngoài biên giới của nó.”, ông Charles Onyango-Obbo, một phóng viên viết cho tuần báo Đông Phi nói như vậy. Gần đây ông đã viết một bài bình luận có tiêu đề Sự kiểm soát của Trung Quốc? Tôi không mất bất kỳ giấc ngủ nào. Ông Onyango-Obbo viết “Thực sự là giáo dục, công nghệ, văn hoá (điện ảnh Hollywood và âm nhạc), kinh doanh, và thể thao Mỹ đã cho phép Hoa Kỳ ngự trị khắp nơi”, “Trung Quốc đang trở thành một cường quốc rất quan trọng trên thế giới nhưng sẽ không có vai trò thống trị”
Có lẽ không ở đâu mà điều này lại rõ ràng hơn là tại châu Phi, nơi mà Trung Quốc đã được mô tả như là người chiến thắng thông minh trong một cuộc chạy đua mang mầu sắc chủ nghĩa thực dân mới để tìm kiếm nguồn nguyên liệu, hỗ trợ phát triển – chủ yếu dưới hình thức hàng chế biến giá rẻ, đầu tư cơ sở hạ tầng, và các khoản tín dụng lãi suất thấp. Không nghi ngờ gì là sự hiện diện của Trung Quốc trên lục địa này đã lan rộng đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi nam Sahara, chiếm 15% của tổng thương mại của châu Phi, so với 10% của Trung Quốc.
Thật vậy, phần lớn thương mại Trung Quốc-Châu Phi là nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc đến từ năm quốc gia, và thậm chí ngay cả đối với dầu lửa – được coi là tâm điểm động cơ của Trung Quốc tại châu lục này – thì Mỹ vẫn chiếm vị trí dẫn đầu khá xa. Trung Quốc nhập khẩu 17% của tổng sản lượng dầu lửa châu Phi, so với 29% của Mỹ (và 35% của châu Âu). Các công ty phương Tây là các đối tác nước ngoài hàng đầu trong các dự án dầu lửa ở Nigeria, nước sản xuất dầu lửa lớn nhất ở châu Phi nam Sahara, và tại những quốc gia sản dầu lửa lớn nhất đang trỗi dậy trên lục địa này như Ghana và Uganda.
Cần nhấn mạnh là sự tham gia sâu rộng và đa dạng hơn của Mỹ không chỉ tại châu Phi mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, thông qua các định chế quốc tế cũng như viện trợ nhân đạo và trợ giúp quân sự. Mặc dù có quan hệ nổi bật với Zimbabwe và Sudan, nhưng Trung Quốc ít hiện diện về quân sự ở châu Phi và hầu như không có ở Mỹ Latinh, thậm chí vẫn còn bị Mỹ làm lu mờ ngay cả tại sân sau của mình. Ví dụ, tháng trước tại Hà Nội, Hoa Kỳ đã được hoan nghênh khi có mặt tại Diễn đàn khu vực ASEAN, diễn đàn lớn nhất về an ninh tại châu Á, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới một cuộc họp Mỹ-ASEAN lần thứ hai trong mùa thu, và các ngoại trưởng ASEAN đã mời Hoa Kỳ tham dự một cuộc đối thoại khu vực – Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, mà theo giới ngoại giao, là để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong tháng bảy, phó thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm nói rằng Mỹ và Việt Nam “gác lại quá khứ” và hai nước tăng cường quan hệ thương mại và quân sự. Thương mại hai chiều đã tăng vọt từ $ 2,91 tỷ năm 2002 lên đến $ 15,4 tỷ năm ngoái. Hoa Kỳ cũng có những bước tiến tương tự với Indonesia, ký kết một thỏa thuận vào tháng tư vừa rồi, cho phép Mỹ đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Đương nhiên, châu Á vẫn là một khu vực trên thế giới mà ở đó Trung Quốc hiện chiếm ưu thế thương mại khu vực – tổng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và phần còn lại của lục địa này đạt $ 231 tỷ so với Mỹ là $ 178 tỷ trong năm 2008. Nhưng hầu hết các trao đổi mậu dịch là sản phẩm trung cấp có giá trị thấp. Quan hệ thương mại này không thúc đẩy việc chuyển giao kỹ năng mà các quốc gia Đông Nam Á đang rất cần nhằm phát triển trình độ công nghệ lên mức cao hơn. Các nước như Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vẫn dựa vào sự hợp tác với Mỹ trong kinh doanh, công nghệ, và giáo dục để làm việc này. Và Mỹ vẫn chiếm một tỷ lệ cao trong đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại khu vực, 8,5% so với 3,8% của Trung Quốc, hoặc $ 3,4 tỷ so với $ 1,5 tỷ trong năm 2009.
Ở những nơi khác mà Trung Quốc đang ngày càng nổi bật về kinh tế, chẳng hạn như tại châu Mỹ Latinh, thì Hoa Kỳ cũng vẫn có những lá bài quan trọng. Năm ngoái, Trung Quốc thay thế Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil, và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Venezuela, Chilê, Peru, Costa Rica, và Achentina. Nhưng trong khi tổng trao đổi thương mại của châu Á (chủ yếu là của Trung Quốc) với khu vực đã tăng 96% trong thập kỷ qua, thì Mỹ lại có một tỷ lệ tăng cao hơn, 118%.
Cũng như ở nhiều khu vực, các hàng rào văn hóa và địa lý hạn chế quan hệ Trung Quốc – Mỹ Latinh phát triển khăng khít. Ông Kevin Casas-Zamora, một chuyên gia về Mỹ Latinh tại Viện Brookings nói, “Mỹ và châu Mỹ Latinh phải cam chịu sống gần gũi với nhau, và Trung Quốc không bao giờ có thể cạnh tranh với điều này”,
Sự hấp dẫn của quyền lực mềm của Mỹ trong khu vực làm giảm bớt sự hấp dẫn của Trung Quốc ; nó lại được khuyếch tán thông qua văn hóa, ngôn ngữ và những ý tưởng được dân chúng ưa chuộng. Quyền lực mềm cũng còn được sử dụng nhiều tại châu Phi, nhất là do mối liên hệ của tổng thống Obama với khu vực (tất cả mọi thứ từ nhà hàng để nơi rửa xe hơi được đặt tên ông). Những dấu hiệu của văn hóa Mỹ, từ phim, âm nhạc đến thời trang, tràn ngập khu vực.
@RFI
————————————————————————————————————————————————————————-