Triết gia Pháp tự tử cùng vợ vì tình yêu

ợ chồng André Gorz lúc còn trẻ.

Cuối tháng trước, thi thể của triết gia nổi tiếng André Gorz và vợ được phát hiện tại nhà riêng. Hai người đã cùng nhau tự vẫn. Lá thư tràn đầy tình yêu và sự tuyệt vọng Gorz viết cho vợ từ năm ngoái nay được tái bản và trở thành best-seller tại Pháp.

Ngày 24/9, khi đến thăm gia đình Gorz, một người bạn của ông chứng kiến, hai vợ chồng triết gia đã chết bên cạnh nhau trong phòng ngủ tại nhà riêng ở Vosnon, đông nam Paris, xung quanh họ là rất nhiều thư từ gửi cho người thân và bạn bè.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Gorz, cha đẻ của lý thuyết chính trị xanh và là bạn thân của nhà hiện sinh Jean-Paul Sartre. Ông cũng là bậc trí thức lớn của Pháp và cả châu Âu – người đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Nhưng ít người biết rằng, sau những thành công của Gorz có bóng hình một người phụ nữ xinh đẹp. Ông gặp bà tình cờ trong một sòng bạc tại Thụy Sĩ 60 năm trước. Hai năm sau, hai người trở thành vợ chồng và cho đến cuối đời, bà là người bạn đời, người đồng hành tận tụy trong sự nghiệp của ông. Thiếu đóng góp của bà, những nghiên cứu của Gorz chắc chắn sẽ bớt ý nghĩa và giảm đi tầm quan trọng. Vậy nguyên nhân gì khiến hai người quyết định dùng mũi tiêm độc để cùng kết liễu sự sống?

Trước khi chết, họ đã viết thư để lại cho bạn bè và người thân, giải thích rõ hành động của mình và dặn dò về các thủ tục hậu sự. Vợ chồng triết gia muốn thi thể của họ được hỏa thiêu và rải tro trong vườn nhà.

“Ông cảm thấy nợ vợ mình vì những năm tháng bà đã cùng ông chia sẻ buồn vui và đắng cay trong cuộc sống, vì bà đã luôn bên ông, như một trợ lý, một người bạn đồng hành không mệt mỏi”, nhà báo Serge Lafaurie – một người bạn của Gorz – giải thích.

Mùa thu năm ngoái, khi biết vợ mình đổ bệnh nặng, Gorz, lúc đó 83 tuổi, đã cho xuất bản một tác phẩm 75 trang, có tiêu đề Letter to D. Story of a Love (Thư gửi Dorine – một câu chuyện tình yêu).

“Em sắp bước vào tuổi 82. Em đã thấp đi 6 cm và chỉ còn nặng 45 kg. Nhưng em vẫn rất đẹp, rất lịch thiệp và đầy quyến rũ. Đến nay, chúng ta đã sống cùng nhau 58 năm và bây giờ, anh cảm thấy yêu em hơn bao giờ hết. Anh mang bên mình một khoảng trống vắng vô cùng trong lồng ngực và chỉ có thể được lấp đầy bằng cơ thể ấm áp của em”.

Vài năm trước, Dorine – vợ nhà triết học – bị hành hạ bởi những cơn đau do tác dụng phụ của chất lipiodol gây nên. Năm 1965, trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật nhỏ ở lưng, bà phải tiêm lipiodol. Một lượng nhỏ của hỗn hợp này về sau được tích tụ dần ở não và hình thành một u nang ở cổ tử cung. Các dây thần kinh trong cơ thể bà vì thế bị chèn ép, gây nên những cơn đau liên tục và khó chịu. Căn bệnh này đã khiến Dorine phải sống khổ sở trong suốt thời gian dài. Vì vậy, bà đã nhiều lần nghĩ đến cái chết.

Trong lá thư gửi vợ, ông viết: “Thỉnh thoảng, trong đêm, anh nhìn thấy bóng của một người đàn ông vật vờ đi sau một chiếc xe tang, trên một con đường dài trống trải, giữa một khung cảnh hoàn toàn trống vắng. Người đàn ông đó là anh. Anh không muốn dự lễ tang của em. Anh không muốn nhận nắm tro tàn của em trong một chiếc bình”.

Trước nhu cầu lớn của công chúng, nhà xuất bản Galilee đã tái bản lá thư sau khi vợ chồng họ qua đời: “Tác phẩm đạt doanh số tiêu thụ khổng lồ, vượt hẳn bất cứ thứ gì trước đây ông từng viết”, Lafaurie cho biết. Trước đó, sau khi được ra mắt lần đầu tiên, Dorine đã không cho phép dịch lá thư sang tiếng Anh khi bà đang sống.

André Gorz, tên thật là Gerard Horst, sinh ra tại Áo, trong một gia đình có cha là người Do Thái còn mẹ là một tín đồ Thiên chúa giáo. Ông gặp Doreen Keir (tên đầy đủ của Dorine) năm 1947 tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Lúc đó, Doreen, 23 tuổi, là một thiếu nữ Anh xinh đẹp đang đi du lịch đó đây, còn Horst, 24 tuổi, một sinh viên ngành Hóa, mà theo lời ông là “gã Do Thái người Áo không một xu dính túi” cũng đang lang thang đi tìm lẽ sống của cuộc đời. Trước đó một năm, ông đã gặp Sartre, người khuyến khích ông viết tác phẩm hiện sinh đầu tiên The Traitor. Horst nhanh chóng xiêu lòng trước cô gái xinh đẹp và hóm hỉnh Doreen. Họ kết hôn năm 1949, chuyển đến Pháp sống và về sau nhập quốc tịch Pháp.

Dưới sự đỡ đầu của Sartre, Horst lấy bút danh André Gorz và từng bước trở thành một bậc đại trí thức tại Paris.

Nhưng khác với Sartre và Simone de Beauvoir, hai người cố lánh xa các đời sống xã hội của tầng lớp thượng lưu Paris. “Họ là một đôi kín đáo, lặng lẽ và dè dặt. Họ không bao giờ nói về nhau một cách thân mật ở chỗ đông người. Dorine thường nhường lời cho chồng nhưng chính bà là người giúp ông nhận ra chỗ đứng của mình trong cuộc đời, là người đưa ra rất nhiều ý tưởng có tính thực tiễn”, Lafaurie nói.

(Nguồn: The Guardian)

@ Evan

————————————————————————————————————————————————————————–

CẬP NHẬT TIN TỨC 25-8-2010

Nữ giáo sư trẻ nhất thế giới – 19 tuổi
Thần đồng Alia Sabur, người Mỹ trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất thế giới khi mới 19 tuổi.

Sinh năm 1989 tại Mỹ, Alia nổi bật trong danh sách các thần đồng có trí tuệ siêu phàm khi mà tỷ lệ thần đồng được phát hiện thường nghiêng về các bé trai.

Alia biết nói, biết đọc khi mới tròn tám tháng tuổi. Lên 2, Alia đã đọc trọn cả cuốn tiểu thuyết Chalotter’s web và viết thạo. Con số biểu thị lớp học mà Alia đã hoàn thành luôn lớn hơn số tuổi của cô bé.

Khi những bạn khác cùng tuổi rời trường mầm non thì cô đã kết thúc chương trình giáo dục dành cho học sinh tiểu học. Cô bé học xong chương trình lớp chín năm tám tuổi. Bố mẹ cô phải rất vất vả để tìm trường học phù hợp với khả năng nhận thức của con gái họ. Ngay cả những trường tư thục tốt nhất ở Manhattan cũng không đáp ứng được trước sự tiến bộ quá nhanh của cô.

Alia kể rằng giáo viên của cô thường nói: “Em tìm cái gì đó mà làm. Tôi phải dạy cả lớp”. Vậy nên, khi chẳng có gì mới để học, cô ngồi đọc sách.

10 tuổi, Alia được nhận vào trường Đại học Stony Brook của New York. Vì cô còn quá bé nên ngày nào mẹ cô cũng phải đưa con gái đi học. Cô bé còn mang theo cả những con thú nhồi bông đến khoa vật lý của trường đại học.

Mẹ cô kể, hôm diễn ra buổi thi tốt nghiệp môn toán ứng dụng, cô đến phòng thi muộn tới hai tiếng. Cô ngồi xuống bàn và làm xong bài thi trong vòng 15 phút. Mẹ cô hỏi: “Alia, chỉ 15 phút thôi ư?”, cô bé trả lời: “Tốt mẹ ạ!”.

Quả đúng như vậy, khi cô đạt điểm xuất sắc cho môn toán ứng dụng, giáo sư của cô đã gửi tin nhắn, nói đùa: “Có lẽ em nên đến muộn trong mọi buổi thi tốt nghiệp.”

Sau khi giành được bằng cử nhân ngành toán ứng dụng, Alia Sabur được nhận học bổng của chương trình đào tạo liên thông từ bậc thạc sĩ lên tiến sĩ chuyên ngành khoa học vật chất tại Đại học Drexel thuộc bang Philadelphia, Mỹ.

Alia Sabur luôn quan tâm đến các nghiên cứu vật lý ứng dụng trong y khoa. Đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của cô bé là hiện tượng gấp nếp protein. Alia hy vọng rằng nghiên cứu của cô sẽ giúp tìm ra phương thuốc chữa bệnh Alzemer và bò điên (cả 2 bệnh này đều có liên quan đến hiện tượng protein bị gấp nếp một cách bất thường). Mục tiêu của cô nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân gấp nếp không tự nhiên đó và tìm cách khôi phục chúng trở về cấu trúc bình thường.

Cô cũng đã thực hiện một nghiên cứu có tính đột phá nhằm tiến tới phát triển các que thăm tế bào dựa trên công nghệ ống nano sử dụng trong y học. Các que thăm này sẽ cho phép khả năng đo phản ứng của các chất dạng nano được truyền vào các tế bào riêng lẻ.

Không chỉ là một thần đồng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, Alia còn là một tài năng âm nhạc. Cô bé chơi Clarinet từ khi sáu tuổi. Năm 11 tuổi cô trở thành nghệ sĩ chơi Clarinet trong dàn nhạc giao hưởng Rockland.

Alia từng học âm nhạc dưới sự hướng dẫn của những người thầy danh tiếng như Ricardo Morales, David Weber. Cô bé từng đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi biểu diễn âm nhạc như: giải Nhất trong cuộc thi biểu diễn Clarinet dành cho nghệ sĩ trẻ xuất sắc.

Năm 2006, Alia tốt nghiệp Nhạc viện Julliard. Ngoài ra, Alia Sabur còn là một võ sinh Taekwondo, được đeo đai đen khi chín tuổi.

Tháng 2/2008, khi chưa đầy 19 tuổi, Alia được phong làm giáo sư chính thức của đại học Konkuk (Seoul, Hàn Quốc). Cô trở thành giáo sư chính thức trẻ tuổi nhất trên thế giới. Hiện cô đang giảng dạy tại khoa vật lý của trường đại học này.

Alia tâm sự: “Bố mẹ tôi luôn khuyến khích tôi trong bất cứ việc gì tôi muốn theo đuổi. Tôi tin rằng tôi được hưởng khả năng trời cho và một môi trường nuôi dưỡng, giáo dục tốt”. ( VIT )

————————————————————————————————————————————————————————–

Thủ tướng VN: Thương mại song phương với TQ sẽ đạt 25 tỷ đôla

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm 23/8 nhận định rằng kim ngạch thương mại song phương hai chiều giữa Việt Nam và đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đạt 25 tỷ đôla trong năm 2010.Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Dũng nói trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh rằng con số này sẽ tăng mạnh so với kim ngạch 20 tỷ đôla hai bên đạt được trong năm 2009.
Trong 7 tháng qua, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt hơn 13 tỷ đôla và hai nước nhất trí cho rằng Việt Nam-Trung Quốc có cơ sở hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25 tỷ đôla trong năm 2010.
Cũng tại buổi đón tiếp ông Trần tới thăm Việt Nam, Thủ tướng Dũng nói hợp tác thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tăng đều bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Dũng đồng thời cũng lên tiếng kêu gọi các công ty Việt Nam và Trung Quốc tận dụng tiềm năng của mối quan hệ thương mại này. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đầu tư từ nước láng giềng này vẫn gia tăng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh cho biết tại cuộc gặp rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty Trung Quốc sang đầu tư và làm ăn tại Việt Nam.
Ông Trần nói nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, hai nước sẽ nhân cơ hội này tạo điều kiện tốt hơn nhằm phát triển kinh tế và thương mại.
(Theo VOA News/ Xinhua, iStockAnalyst

————————————————————————————————————————————————————————

Sự phục hưng điện hạt nhân

Theo TSKH Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện KH – KT hạt nhân, nguyên thành viên Tổ công tác Chính phủ về nghiên cứu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, phát triển điện hạt nhân là xu thế tất yếu trong 30 – 50 năm nữa.

Cách đây không lâu, một số chuyên gia cho rằng điện hạt nhân phải từng bước bị loại bỏ khỏi đời sống loài người, thay vào đó phải nhanh chóng tìm ra những nguồn năng lượng sạch tái tạo. Ý kiến này được càng có tính thuyết phục khi mà Đức, Thụy Điển… đều có kế hoạch tiến tới loại bỏ điện hạt nhân.
Nhưng 10 năm nay, một xu hướng ngược lại đã hình thành rõ nét. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng cho đến 30 năm hoặc 50 năm nữa, chúng ta chưa có công nghệ nào thay thế và khó có thể hình dung thế giới có đủ năng lượng để tồn tại và phát triển bền vững mà không có thành phần điện hạt nhân.

Cùng với Nhật Bản, Pháp và một số nước luôn duy trì ổn định điện hạt nhân… hiện 2 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra chương trình mới về phát triển điện hạt nhân dài hạn. Những cú hích đó làm cho quá trình “phục sinh” điện hạt nhân hiện rõ.
Có mấy lý do để lời dự báo phục hưng điện hạt nhân phải trở thành hiện thực vào thập niên trước mắt:

Đầu tiên, kinh tế châu Á đang phát triển sôi động, những quốc gia trên đà công nghiệp hóa như Việt Nam rất cần điện năng. Những nguồn phát có công suất đủ lớn để đóng vai trò chỗ dựa cho nền kinh tế này hiện nay cũng chỉ bao gồm than, dầu, khí, thủy điện và điện hạt nhân.

Nếu chỉ nói rằng phải phát triển năng lượng sạch tái tạo để thay thế các năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân “nguy hiểm” thì vô tình hay cố ý chúng ta đã không thấy được hai điểm yếu mà năng lượng tái tạo không thể cạnh tranh với những nguồn truyền thống kể trên, ít nhất trong vài ba chục năm sắp tới về giá thành và quy mô công suất. Suất đầu tư cho năng lượng tái tạo hiện nay rất cao, khó cạnh tranh nổi điện truyền thống (có thể hy vọng là trong tương lai, chúng sẽ dần dần rẻ hơn nhờ đưa vào ứng dụng những công nghệ và vật liệu mới). Mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt… đều là những nguồn đáng quan tâm nghiên cứu và nên từng bước sử dụng một cách hợp lý. Tuy nhiên, yếu tố hàng đầu hạn chế khả năng chúng thay thế các nguồn truyền thống chính là vì chẳng có nguồn nào trong các năng lượng tái tạo đủ phát được công suất xứng đáng cho một nền công nghiệp hóa quy mô cấp quốc gia đáng kể.

Chính vì vậy, nếu lúc này chúng ta có coi trọng và quan tâm đến các nguồn năng lượng tái tạo thì cũng chỉ nên dùng chúng để cân đối vừa phải, hợp lý trong tổng sơ đồ nguồn phát điện phục vụ cho những nhu cầu quy mô nhỏ và trước hết ưu tiên các nguồn phát loại này cho những vùng hẻo lánh, xa xôi mà lưới điện quốc gia khó với tới.

Tiếp theo, năng lượng cho những nguồn điện truyền thống không phải là vô tận: thủy điện đã được khai thác rất triệt để ở nhiều quốc gia; các nguồn hóa thạch là than, dầu, khí có nguy cơ cạn kiệt. Như vậy việc tìm kiếm các nguồn khác đủ lớn để thay thế cho các nguồn truyền thống này là hết sức cấp bách. Tình hình Việt Nam chúng ta không phải là một ngoại lệ, cả thủy điện và dầu khí đều đang đi tới giới hạn trữ lượng khai thác ngay trong thập niên này.

Yếu tố thứ hai bắt buộc phải tính đến là vấn đề môi trường. Trong 30 năm nay, toàn nhân loại càng ngày càng nhận thức rõ hơn mặt trái tàn phá môi trường do quy mô và tốc độ công nghiệp hóa. Một trong những vấn đề mang tính toàn cầu là sự ấm lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính bởi lớp khí carbonic ngày càng dày đặc trên thượng tầng khí quyển. Thủ phạm hàng đầu gây ra hiệu ứng này được coi là do các nguồn phát điện bằng đốt than. Hai nước có tổng lượng phát thải lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó Trung Quốc là nước đang phát triển nóng trên đà công nghiệp hóa với tốc độ tăng GDP hàng năm lên tới 12 – 13 %, nhưng cũng là quốc gia mà theo số liệu của Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA), đã đóng góp đến 14% tổng phát thải trong thập niên này và còn có thể lên đến 19% tổng phát thải khí vào năm 2030. Người Trung Quốc hãnh diện về thành tựu phát triển kinh tế, nhưng cũng đang đau đầu khi bầu trời trên bản đồ nước họ bị tô đỏ do độ đậm đặc khí carbonic phát thải và bởi kỷ lục tai nạn hầm mỏ khai thác than làm chết hàng nghìn thợ mỏ mỗi năm.

Nếu tạm gác khả năng mở rộng điện khí và thủy điện do trữ lượng tài nguyên này đang cạn kiệt, chúng ta hãy so sánh điện than và điện hạt nhân. Đồng ý rằng, đầu tư cho điện than rất rẻ (khoảng 700 đến 1.200 USD/kWe), chỉ khoảng 30 – 50% đầu tư cho điện hạt nhân. Tuy nhiên nếu tính cả phí vận hành thì điện than bị đội giá lên đáng kể. Hơn nữa, giá phải trả do hậu quả ô nhiễm môi trường có thể lớn vượt bậc ngoài dự tính.

Thí dụ như ở Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong thập niên vừa qua do điện than chiếm gần 80% công suất, nó cũng đè nặng lên vai người Trung Quốc nguy cơ tổn thất có thể đến 6% GDP hàng năm do ô nhiễm môi trường mà nguồn năng lượng hóa thạch này tạo ra. Bây giờ nếu so với than và cả các nguồn khác sạch hơn như thủy điện và điện khí, chúng ta sẽ thấy ngoài điện hạt nhân thì không có nguồn công suất lớn nào đáp ứng được một yêu cầu có tính toàn cầu hiện nay về cắt giảm khí nhà kính, bảo vệ cho trái đất khỏi nóng nhanh lên trong thế kỷ 21 này.

Mặc dù suất đầu tư của điện hạt nhân còn khá cao, từ 1500 đến 3000 USD/kWe. Cũng như bất cứ công nghệ nào, phát triển điện hạt nhân nghĩa là phải chấp nhận và từng bước khắc phục những nhược điểm của nó. Đó là phải nâng cao độ an toàn và loại trừ tai nạn hạt nhân gây thảm họa môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và làm chủ việc bảo quản xử lý nhiên liệu phóng xạ sau khi đã cháy. Hai mươi năm qua ngành điện hạt nhân đã có tiến bộ vượt bậc để đáp ứng rất cơ bản những yêu cầu đặt ra như vậy.

Đó chính là động lực để các nước công nghiệp và nhiều nước mới phát triển đang chuẩn bị và hướng tới chương trình điện hạt nhân, mở ra thời kỳ mà người ta gọi là “phục sinh” điện hạt nhân sau thoái trào từ vụ Chernobyl.

@ Bao DatViet

————————————————————————————————————————————————————————

Trong vòng 200 năm tới loài người cần đi khỏi Trái Đất!

Vì chúng ta đang nhanh chóng tiêu hao cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của Trái Đất và vì mã di truyền của loài người “có chứa các bản năng ích kỷ và xâm lược” cho nên trong vòng hai thế kỷ tới nhân loại sẽ bị tiêu diệt; lối thoát duy nhất là đi khỏi Trái Đất, di cư tới một hành tinh khác – Stephen Hawking
Theo tin của mạng Big Think (Suy nghĩ lớn), một mạng video do một nhóm trí thức Mỹ lập ra, ngày 6 tháng 8 vừa rồi Stephen Hawking đã phát biểu như trên khi ông trả lời phỏng vấn của mạng này.

Dự báo nói trên đang được dân mạng toàn thế giới theo dõi bàn luận sôi nổi nhất. Riêng trong ngày đầu xuất hiện (6/8/2010), 600 nghìn dân mạng Trung Quốc đã truy cập tin tức này. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã phát biếu quan điểm của mình về dự báo của Hawking.

Vị giáo sư suốt đời của Khoa Toán Ứng dụng và Vật lý lý thuyết Đại học Cambridge Anh Quốc cảnh báo: nếu loài người không thể tìm được một hành tinh khác để cư trú thì họ sẽ đứng trước nguy cơ diệt chủng do thiên tai nhân hoạ.

Stephen Hawking, một trong các nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới còn sống. một trong những khối óc thông minh nhất của loài người đương đại.

Hawking cho rằng loài người hiện nay đang tiến sang “thời đại ngày một nguy hiểm hơn trong lịch sử”; “Trong quá khứ từng có một số lần sự sống còn (của loài người) trở thành một vấn đề nguy hiểm (a question of touch and go)”, thí dụ vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962. Và tần suất xảy ra các nguy hiểm ấy đang ngày một tăng lên.

Vì chúng ta đang nhanh chóng tiêu hao cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mà Trái Đất cung cấp và vì mã di truyền của loài người “có chứa các bản năng ích kỷ và xâm lược” cho nên “cơ hội duy nhất để tồn tại lâu dài” của chúng ta có lẽ là “di chuyển vào vũ trụ” [because our genetic code “carries selfish and aggressive instincts,” our “only chance for longterm survival” may be to “spread out into space.”] – Hawking nhận định.

Có lẽ điểm này Hawking nói đúng. Chỉ vì ích kỷ mà các cường quốc gây chiến tranh để giành giật quyền chia chác xâu xé thế giới, chiếm cứ các vùng có tài nguyên. Chỉ vì tham lam mà loài người khai thác thiên nhiên tới mức tàn phá chính môi trường sống còn của mình. Khí hậu Trái Đất nóng lên vì hiệu ứng nhà kính đang gây ra bao thảm hoạ khắp thế giới, gần đây nhất là cháy rừng ở Nga, lũ lụt ở Nam Á, lở đất ở Trung Quốc, một tảng băng mấy trăm km2 đang tan dần, đe doạ nâng cao mực nước biển v.v… Chỉ vì có bản năng xâm lấn mà loài người luôn nhòm ngó tài sản, tài nguyên của người khác, nước khác; quốc gia nào mạnh lên là nêu ra yêu cầu mới về lãnh thổ, rốt cuộc đi tới chỗ chiến tranh liên miên suốt trong lịch sử.

Chúng ta đều biết, chính là bản năng “ích kỷ và xâm lấn” ấy từng giúp loài người tồn tại trong quá khứ giữa môi trường sống vô cùng khắc nghiệt và khó khăn nguy hiểm khi loài người nguyên thuỷ chung sống với các sinh vật khác trong rừng rậm, nơi chỉ có một quy luật sống còn duy nhất là mạnh thắng yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, gọi là Luật rừng Hobbes (Hobbes jungle).

Nhưng bây giờ bản năng ấy đã trở thành nhân tố gây ra mối đe doạ sự sống còn của loài người. Tài nguyên sắp cạn kiệt, thiên tai ngày một năng xảy ra. Cứ với đà khai thác thiên nhiên thế này thì rõ ràng 100-200 năm tới môi trường sống của nhân loại sẽ vô cùng khó khăn. Chưa kể các cường quốc mới nổi lên đang tranh giành vị trí lãnh đạo thế giới, sự xung đột giữa các cường quốc có thể dẫn đến thảm hoạ chiến tranh hạt nhân, tự tiêu diệt Trái Đất.

Nhưng Hawking chưa nói gì về chuyện loài người làm cách nào để đặt chân tới được các vì sao xa xăm. Giới khoa học ước tính nếu sử dụng tên lửa nhiên liệu hoá chất thì có lẽ chúng ta phải mất chừng 50.000 năm để vượt quãng đường từ Trái Đất đến hành tinh gần ta nhất. Nếu muốn tới được nơi đó trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, con người cần du hành trong khoảng không vũ trụ với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

Khoa học kỹ thuật hiện nay chưa làm được điều đó. Mặc dù phim Avatar hư cấu chuyện năm 2154 loài người lên thiên thể Pandora cách Trái Đất 4,4 năm ánh sáng để khai thác quặng Unobtanium quý hiếm. Loại quặng này mỗi kg giá 20 triệu USD có thể giúp nhân loại giải quyết nạn thiếu năng lượng. Dù sao viễn cảnh ấy còn xa xôi lắm, đạo diễn Cameron tuy là cố vấn của NASA đấy, nhưng trong phim này rõ ràng là ông quá lạc quan. 50 năm nữa sao mà có thể chế tạo được tên lửa bay với vận tốc ánh sáng được?

Stephen Hawking nói ông là người lạc quan. Nhà bác học từng cảnh báo loài người nên cảnh giác khi có ý định tiếp xúc với các sinh vật ngoài hành tinh, bởi lẽ chúng ta không thể biết họ có thân thiện với chúng ta hay không.

Cảnh báo này không phải không có lý. Giả thứ nếu có một sinh vật cấp cao hơn loài người khi phát hiện thấy chúng ta họ sẽ tìm cách tiêu diệt chúng ta thì sao?

Nhưng ông cảnh báo quá muộn. Dăm chục năm trước, NASA đã phát lên vũ trụ bao la những tín hiệu vô tuyến nhằm thiết lập mối liên hệ với các sinh vật trí tuệ ngoài Trái Đất. Bao năm qua liên tục có tin nhiều đĩa bay tới thăm Trái Đất rồi biến mất bặt vô âm tín. Phải chăng sinh vật cao cấp nào đó đã phát hiện ra chúng ta nhưng họ đang thăm dò chúng ta có hữu nghị với họ hay không rồi mới quay lại làm quen?

Hawking kết luận: Nếu loài người là sinh vật trí tuệ cao cấp duy nhất trong hệ Ngân hà thì chúng ta nên tìm cách bảo đảm loài người có thể mãi mãi sinh tồn. “Không nên xếp tất cả trứng vào trong một rọ” – ý nói nên phân tán loài người ra sống ở nhiều hành tinh để nếu có sao thì vẫn giữ được dòng giống sinh vật vô giá này. Trong 100 năm tới nhân loại rất khó tránh được tai hoạ, càng không thể nói tới 1000 năm hoặc 1 triệu năm, vì thế ngay từ bây giờ nên nghĩ tới chuyện di cư loài người lên thiên thể khác.

Stephen Hawking nhiều năm nay cơ thể hoàn toàn bại liệt, phải có y tá chăm sóc 24 giờ/ngày, thanh quản hỏng không nói được, phải nhờ đến máy tính mới thể hiện được ý nghĩ của mình ra thành lời nói. Thế mà ông vẫn biết tình hình quốc tế hiện nay đang căng thẳng tới mức “chạm đến là nổ” – có thể ông cũng biết chuyện một viên tướng Trung Quốc doạ dùng bom hạt nhân “quét sạch” nhiều thành phố nước Mỹ và biết tình hình mấy cuộc tập trận ở vùng biển phía Tây và Đông bán đảo Triều Tiên!

Tuy có không ít ý kiến phủ nhận quan điểm nói trên của Hawking, song đa số cho rằng loài người nên chú ý tới dự báo của ông, hãm lại tốc độ khai thác thiên nhiên, cải thiện môi trường sống và tìm cách giải quyết êm thấm mọi tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, tuyệt đối tránh xảy ra chiến tranh thế giới.

@ VIT

————————————————————————————————————————————————————————–

Độc lập đầy vơi ba chén rượu

Đào Tuấn

“… 1975, kết thúc chiến tranh. Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cho thôi chức Bí thư Quân ủy trung ương, thôi bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946. Năm 1982, ông không còn là ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1983, ông được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch. Năm 1983, dân gian làm thơ: “Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”. Cũng trong năm 1983 ấy, ông về quê, thảnh thơi đi bộ ra chợ Tréo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chợt hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe “bún chấm ruốc” từ miệng vị tướng lẫy lừng, không hiểu sao, òa khóc…” (Huy Đức)

***

– Tờ ĐĐK của Tại hạ sáng nay có một bài của GS Nguyễn Lân Dũng, đặt tên là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức” nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông. Ngồi ở cuộc họp giao ban, Tại hạ ngứa mồm định nói rằng bài này thực không hiểu là viết về “bác Giáp”, về GS Nguyễn Lân “bố tôi”, hay viết về chính “tôi”- GS Nguyễn Lân Dũng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại ngậm miệng, nhẫn đi một tí có lẽ là hơn nhất. Chẳng phải là sự trí nhẫn, mà biểu hiện bên ngoài là sự bình thản, đã giúp Đại tướng Võ Nguyên thượng thọ trăm tuổi, vượt qua bao cơn “bạo bệnh” đó sao.

100 tuổi. Chỉ có sự bình thản đến ghê gớm của một một bản lĩnh phi thường, hoặc một sự nhẫn nhịn hơn người mới giúp người ta có thể chiến thắng cả thời gian đến như thế. Tác giả Lê Mai viết: Giữa những ngày chiến tranh cực kỳ khốc liệt, ông vẫn chơi đàn piano. Hình như, âm nhạc làm cân bằng con người ông. Ông đã ngồi đệm đàn đàn piano để Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi hát. Giữa mặt trận,, một ông Tổng tư lệnh đệm đàn cho người nghệ sỹ nhân dân hát bài hát ngợi ca người lính của mình, thật là một hình ảnh xúc động, hiếm có.

Nhưng có nhiều cuộc chiến không ác liệt bởi súng nổ và máu đổ. Có những điều còn đáng sợ hơn cái chết. Có những kẻ thù còn nguy hiểm hơn kẻ thù ngoài mặt trận. Tại hạ rất muốn được hỏi ông rằng: Ông phải ngồi thiền nhiều nhất là khi nào? thời chiến hay thời bình?

Đến nay, vẫn còn tồn tại trong dân gian câu chuyện về “bài thơ chữ Nhẫn” mà cứ 10 người thì 9 cho rằng đó là bài thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người còn lại chắc không biết là của ai). Có những câu thế này:

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn sát nhau.

(Bản phổ thông dùng chữ “tàn hại”- Tại hạ để chữ tàn sát)

Cách đây ít lâu, có người khẳng định đây là bài thơ của Cụ cử Tử An Trần Lê Nhân (1888-1975) người làng Bát tràng đồng soạn giả Cổ học tinh hoa, từng làm quan đốc học tỉnh Hưng Yên. Và bài thơ này sau đó được Giáo sư Trần Văn Hà đọc tặng cho Đại tướng. Trên tạp chí “Thế giới trong ta”, giáo sư Trần Văn Hà (người cháu, gọi giáo sư Trần Lê Nhân là bác ruột) đã kể lại trong một dịp đến chúc tết “thầy Võ” , giáo sư đã đọc để Đại tướng nghe bài thơ “Nhẫn” này. Còn Đại tướng khi nghe xong thì vẩn vơ, dáng vẻ trầm ngâm. Nhưng thôi, dù là thơ của ai thì Nhẫn vẫn là một chữ cả đời phải học, dùng trăm năm không cũ, không hết.

Thế đâu là hình ảnh về sự bình thản của ông?

Đoạn dưới đây trích từ bài viết của nhà báo Huy Đức

Tiếng vỗ tay như vỡ tung Cung Hữu Nghị Việt Xô khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn giọng: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch HCM và Bộ Chính Trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”. Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng Tướng Giáp, từ lâu ông đã có 1 gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng, những giọt nước mắt của những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh trên má họ; lăn khi, tiếng vỗ tay vẫn cứ kéo dài. Hôm ấy là ngày 6-5-1994, tại HN, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bài diễn văn dài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ vỏn vẹn có 59 từ nói về Tướng Giáp, lại được viết rất công thức, “rào đón” bằng cả “Bộ Chính Trị” và “Bác Hồ”. Sở dĩ, chúng có thể tạo ra sự rung động đặc biệt đến vậy, là vì đó là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, cái tên Võ Nguyên Giáp lại được nhắc đến trong 1 buổi lễ chính thức. Điện Biên Phủ là 1 chiến thắng “chấn động”, 1 chiến thắng đưa Võ Nguyễn Giáp trở thành 1 bậc tướng huyền thoại. Nhưng, năm 1984, khi chuẩn bị số đặc biệt mừng 30 năm Điện Biên, vào giờ chót, 1 tờ báo lớn đã phải “bóc” hình Tướng Giáp.

Tác giả Lê Mai viết: Năm 1984, giữa lúc thế giới và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ thì người ta giao cho ông Giáp kiêm thêm chức phụ trách Uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Việc đó, dù quan trọng, nhưng ai làm cũng được. “Họ” ghen tỵ với tài năng của ông, với hào quang của ông, với sự yêu mến của nhân dân dành cho ông? “Họ” muốn viết lại lịch sử, muốn phủ định vai trò của ông? “Họ” bảo, thôi cất cái mũ phớt đi được rồi (ám chỉ hình ảnh Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt, đứng trước hàng quân). “Họ” tâng bốc, đồng chí (….) là Tổng công trình sư của đường lối đánh Mỹ và là Tổng tư lệnh trên thực tế. Chỉ một câu đó thôi, đã phủ nhận hai nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhớ lại: Năm 2004, vào dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp hỏi Đại tướng về một trong những nhiệm vụ dân sự mà ông đã đảm nhiệm là Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Tôi tưởng đấy là câu hỏi “nhạy cảm” nhưng ông cười và trả lời: Chắc có nhiều điều thêu dệt lắm phải không? Thực ra, khi đó, chính anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trực tiếp “nhờ” tôi gánh vác vì theo tập quán Quốc tế, với vấn đề quan trọng này thì phải cấp Thủ tướng phụ trách mà anh Tô quá bận. Đối với tôi, đấy là một nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành…

Tại hạ tin là sử gia họ Dương đã nói thật, tin cả câu trả lời của tướng Giáp cũng thật. Nhẫn đã đến độ “Mưa to (coi) như mưa nhỏ. Mưa nhỏ như không mưa” thì quả là đã đạt đến hai chữ trí nhẫn.

Liên quan đến quan điểm về chữ nhẫn của tướng Giáp, trong một cuộc giao lưu gần đây một bạn đọc đã đặt câu hỏi: “Tôi có cảm giác chữ NHẪN xuyên suốt trong bác Giáp. Nghe nói, bác Văn luôn khuyên cán bộ dưới quyền phải biết nhẫn, biết kiềm chế? Bà Võ Hòa Bình, con gái của tướng Giáp đã trả lời như sau: Những khi bạn bè, đồng chí, người thân hoặc chính bản thân ông gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng – sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy. Còn Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người mấy chục năm theo tướng Giáp thì đáp: Hiểu chữ Nhẫn có rất nhiều cách hiểu. Để mọi người hiểu quan điểm của mình, cần phải thuyết phục và có thời gian. Đấy cũng là Nhẫn. Để thực hiện việc nào đó, cần thuyết phục mọi người để họ hiểu và đi vào hành động, cũng cần thời gian. Đấy cũng là Nhẫn. Trong khoa học, để ra một chính sách một chiến lược về khoa học, có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng để đi tới thống nhất, Đại tướng cũng phải thuyết phục. Đấy cũng là chữ Nhẫn. (Trích đến đây thì Tại hạ hết kiên nhẫn trước sự kiên nhẫn của Đại tá Huân trong việc giải thích chữ nhẫn). Viết đến đây, Tại hạ chợt nhớ là mình đã điện hỏi chị Lương Thị Bích Ngọc, đồng hương Quảng Bình và cũng là người tổ chức buổi giao lưu bên Bee. Chị Ngọc rối lên rằng tế nhị lắm, phải bỏ nhiều câu hỏi lắm, lại than: Giờ tao còn đang run đây. Vì sao, đến giờ làm một cái giao lưu trực tuyến tôn vinh người anh hùng dân tộc vẫn còn phải ngó trước ngó sau, bỏ cái này thêm cái kia vì “tế nhị” thì quả thực Tại hạ không hiểu được.

Năm 1986, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng phát biểu: “Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý…Trong đấu tranh tư tưởng, có khi một người nào đó bị đánh giá là sai, rồi với thời gian, ý kiến của người đó chịu được thử thách, là đúng thì chúng ta thẳng thắn công nhận cho đúng mức, bằng không sẽ có trường hợp kỳ quặc sau đây: Người đúng luôn luôn phải sai và người sai luôn luôn phải đúng! Một thứ số mệnh rất khó hiểu”. Bình luận về chuyện này, tác giả Lê Mai viết: Bản lĩnh lớn của ông là ở chỗ, không bao giờ ông thanh minh cho cá nhân mình bất cứ việc gì. Kể cả với những người “xấu chơi”, ông vẫn giữ thái độ hoà nhã, cư xử nhã nhặn. Bởi, tầm văn hoá của ông cao hơn hẳn họ. Cũng có người không đồng ý với ông điểm này, điểm khác, song đặt mình vào hoàn cảnh của ông để mà hành động, thật không đơn giản chút nào. Hành động bao giờ cũng cao hơn mọi lời nói!

Bài học lịch sử là người nào định xoá bỏ lịch sử, người đó sẽ bị lịch sử xoá bỏ! Đó là quy luật!

Năm nay vị tướng của nhân dân đã tròn trăm tuổi nhưng vẫn còn rất nhiều dấu hỏi xung quanh cuộc đời ông. Chẳng hạn, về hồi Mậu thân, (Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, Mậu thân là một khoảng trống trong sử liệu), cái hồi mà Hữu Thỉnh viết:

Có trận đánh trở về
Nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát
Thừa đến nỗi những người sống sót
Cũng không nỡ nhận mình là may

Hay câu chuyện Thành cổ, nơi mà vị tướng “tiếc đến từng giọt máu của lính” có lẽ đã khóc khi nghe những câu thơ Lê Bá Dương “Đò lên Thạch Hãn xin khua nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Vì sao hồi Mậu Thân tướng Giáp được đưa sang Bungari “nghỉ ngơi”. Vì sao hồi đánh Thành cổ ông lại không được quyết định chiến thuật. Tất cả đều là những khoảng trống. Bản thân những gì viết về tướng Giáp cũng có những “khoảng trống” đến nỗi Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: Thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết.

Đoạn kết dưới đây lấy lại của nhà báo Huy Đức: Năm 1975, kết thúc chiến tranh. Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cho thôi chức Bí thư Quân ủy trung ương, thôi bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946. Năm 1982, ông không còn là ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1983, ông được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch. Năm 1983, dân gian làm thơ: “Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”. Cũng trong năm 1983 ấy, ông về quê, thảnh thơi đi bộ ra chợ Tréo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chợt hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe “bún chấm ruốc” từ miệng vị tướng lẫy lừng, không hiểu sao, òa khóc.

@DaoTuan Blog

————————————————————————————————————————————————————————————————–

Quốc phòng Việt – Trung “tăng cường niềm tin”

Tân Hoa Xã loan tin Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh “hoan nghênh” sự phát triển quân đội của Trung Quốc nhân chuyến thăm chuẩn bị cho cuộc họp quốc phòng Asean.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần hai của Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đang ở thăm Bắc Kinh mà theo Tân Hoa Xã là để “tham vấn với giới chức bộ quốc phòng Trung Quốc” trước thềm Hội nghị lần đầu tiên về Quốc phòng – Quân sự Asean tại Hà Nội trong tháng Mười.

Những ngày vừa qua, truyền thông Trung Quốc tiếp tục có nhiều bài chỉ trích Việt Nam, cho rằng nước này gây phương hại quan hệ với Trung Quốc khi có dấu hiệu tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã hôm nay dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng: “Là láng giềng thân thiện, Việt Nam hài lòng với sự phát triển của Trung Quốc, cụ thể là phát triển quân sự, vốn không phải là đe dọa cho các nước cũng không tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.”

Đại diện Việt Nam đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, người được mời tham dự cuộc họp Asean ở Hà Nội trong tháng Mười.

Ông Vịnh được dẫn lời nói quân đội Trung Quốc có thể giúp đỡ hoạt động cứu trợ thiên tại trong vùng và chia sẻ kinh nghiệm với Asean để đối phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.

Tân Hoa Xã ghi nhận việc Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã thăm Trung Quốc hồi tháng Tư, và đây là chuyến thăm Trung Quốc lần hai đối với ông Nguyễn Chí Vịnh.

Ông Vịnh được dẫn lời là liên lạc tốt giữa hai quân đội giúp củng cố niềm tin.

Ông cũng cho biết hai nước đang chuẩn bị cho đối thoại chiến lược quốc phòng song phương lần thứ tư diễn ra trong năm nay.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên sẽ có sự họp mặt của các bộ trưởng Asean, cùng Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

@ BBC

————————————————————————————————————————————————————————————————–