————————————————————————————————————————————————————————————–
Day: 22/08/2010
CHUYỆN THỊ MÀU
Tung lên ném xuống cho nhàu thơ ca
Giời sinh con gái – đàn bà
Ham chua mà sớm thành ra nạ dòng
Chơi ngang thủng trống long bồng
Mai đây rồi cũng nên ông nên bà.
Thị Màu trẻ mãi không già
Ngàn năm sau vẫn còn là hoa niên.
Thế gian có luật vô biên
Lấy khuôn đạo đức rèn nên con người
Thị Màu mắc tội tày trời
Sinh con đem vứt ngay nơi cửa chùa!
Hậu sinh giờ cũng vào hùa
Lẳng lơ tí tởn mà đua với Màu!…
Vũ Quốc Túy
@ Lucbat.com
——————————————————————————————————————————————————————–
Truyện vui cuối tuần “Công thức giết chồng”
Nguyên tác: Recette de meutre
Tác giả: C.P. Donnell, Jr Afred Hitchcock présente
Thùy An phỏng dịch
Thanh tra Miron đứng tần ngần trước ngôi biệt thự lộng lẫy. Giàn hoa giấy trên vòm cổng bừng lên màu đỏ thắm, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Ông đưa tay bấm chuông.
Nữ chủ nhân –bà Chalon, bốn mươi tuổi –tiếp ông trong một phòng khách sang trọng, màn voan trắng, ghế nệm lót nhung và sàn trải thảm. Bà có một vẻ đẹp lạ lùng. Miron nghĩ ngay đến một khuôn mặt tạc đầy thạch cao với đôi mắt trong xanh như mây trời Địa Trung Hải thấp thoáng ngoài cửa sổ. Thân hình bà nẩy nở săn chắc, hứa hẹn dù cho đến tuổi sáu mươi, những đường nét quyến rũ ấy vẫn không bị thời gian bôi xóa. Chà, ông nghĩ, điều này cũng chẳng cung cấp được gì thêm cho những dự tính của mình.
-Một ly Dubonnet nhé, thưa ông thanh tra?
Đang nhìn vào đôi môi mọng của nữ chủ nhân, Miron giật mình. Ông cố lấy giọng tự nhiên:
-Cám ơn.
Bà Chalon nâng ly uống trước, mắt nhìn ông tinh quái. Rồi bà mỉm cười, tuyên bố thẳng thừng:
-Ông đến điều tra về vụ tôi đã đầu độc mấy ông chồng cũ phải không?
Miron sững sờ, lúng túng:
-Thưa bà… tôi…
-Ngay từ lúc ông đến trình diện ở Tỉnh đường, tôi đã đoán ra điều đó.
Thanh tra Miron trấn tĩnh, lấy lại vẻ lạnh lùng nghề nghiệp:
-Thưa bà, tôi đến để yêu cầu bà cho phép khai quật thi thể các ông Charles Wesser và ông Etienne Chalon, để các chuyên gia giám định y khoa tiến hành xét nghiệm nội tạng. Thưa bà, tại sao trước đây bà lại từ chối việc ấy với hạ sĩ Luchaire của Sở Cảnh Sát địa phương?
-Luchaire thiếu tế nhị nên tôi ghét ông ta. Tôi từ chối vì thái độ cá nhân chứ không chối từ với luật pháp.
Bà Chalon lại nâng ly lên đôi môi mọng, ánh mắt tình tứ:
-Với ông, tôi có từ chối đâu nào. Thưa ông thanh tra Miron, tôi biết rõ phương pháp của các ông là tiến hành khám phá bí mật khởi đầu bằng cách hỏi lại xác chết…
Bà ngừng một tí để thích thú thấy viên thanh tra ngượng đỏ mặt, nhưng lại tảng lờ như không chú ý, tiếp tục nói rất tự nhiên:
-Và, những cuộc xét nghiệm y khoa đã hoàn tất, ông đã bối rối vì chẳng tìm thấy gì cả. Thế rồi ông đến tận đây để nắm vững về tôi: về khả năng, cá tính… biết đâu, nhờ may mắn trong cuộc đối thoại, ông có thể tìm ra những dấu hiệu phạm tội của tôi.
Bà nói một hơi, đánh trúng chính xác những mục tiêu của ông. Nếu ông không chịu thú nhận thì thật là ngốc.
-Rất đúng, thưa bà Chalon, đúng trên giấy tờ. Nhưng… khi người ta có hai ông chồng cùng chết vì rối loạn tiêu hóa dữ dội, cùng chết sau ngày cưới chưa đầy hai năm, lại cùng ở cái tuổi chưa phải là già lắm và cùng để lại toàn bộ tài sản lớn lao cho người vợ góa thừa kế… Bà hiểu chứ?
-Vâng, tôi rất hiểu.
Bà Chalon tiến lại cửa sổ. Chiếc áo cổ rộng cắt khéo ôm lấy bộ ngực tròn đầy, quyến rũ, làm mờ đi màu xanh của biển dịu dàng thăm thẳm ngoài kia.
-Thanh tra Miron, ông có thích nghe tôi xưng hết tội lỗi không?
Giọng nói của bà êm ái như vuốt ve dỗ dành khiến Miron phải đề cao cảnh giác. Ông thầm nghĩ, người đàn bà này rất nguy hiểm, quá sức nguy hiểm.
-Nếu bà muốn như thế, thưa bà Chalon.
-Vậy thì, tôi sẽ làm ông hài lòng.
Bà Chalon không cười nữa. Qua cửa sổ mở rộng, một cơn gió tỏa vào phòng mùi hương ngào ngạt, nhưng không phải hương thơm của hoa cỏ ngoài vườn.
-Ông có biết tí gì về nghệ thuật nấu ăn không, thưa ông Miron?
-Tôi từ Paris đến, bà biết mà.
-Và còn nghệ thuật yêu đương?
-Tôi đã thưa với bà, tôi từ Paris đến.
-Vậy thì…
Sau một hơi thở sâu làm bộ ngực căng lên, bà Chalon tiếp:
-Tôi, Hortense, Eugénie Villerois –Wesser –Chalon, có thể nói với ông rằng, tôi ám sát có chủ tâm người chồng thứ nhất, ông Wesser năm mươi bảy tuổi cũng như người chồng thứ hai, ông Chalon sáu mươi lăm tuổi.
“Bà ta điên chăng?” Miron nhủ thầm.
-Tôi kết hôn với ông Wesser bởi sự ép buộc của gia đình. Chưa đầy nửa tháng, tôi đã nhận ra rằng, ông ta có đầy đủ mọi thói xấu của một kẻ làm loạn lúc về già, nghĩa là thô bỉ, phàm ăn và dâm dục như một con yêu râu xanh. Tất cả những cái ấy đã gây nên tình trạng tồi tệ cho bao tử. Điều này có ghi hết trong hồ sơ, ông đồng ý chứ?
-Thế còn ông Chalon?
-Ông ta già hơn, cũng như tôi đã lớn tuổi khi kết hôn với ông ta.
Miron hỏi giọng pha chút mỉa mai:
-Và bao tử của ông Chalon cũng ở trong tình trạng tồi tệ?
Bà Chalon thản nhiên:
-Chắc chắn là thế. Chalon ít thú tính hơn Wesson, nhưng ông ta lại tàn bạo, đối xử ác độc với trẻ con và nốc rượu mạnh như hũ chìm. Ông ta dã man đến nỗi tôi đã không ngần ngại quyết định: Chalon phải chết như Wesson đã chết.
Miron lạnh người. Một phút yên lặng trôi qua. Miron dùng giọng thật nhẹ nhàng để không làm xáo trộn giòng tư tưởng của kẻ đang thú tội.
-Bằng cách nào? Thưa bà Chalon.
Bà Chalon quay lại, nở nụ cười rạng rỡ:
-Có lẽ ông biết những món ăn như Gà tây nhồi hạt dẻ, Vịt nấu ngũ sắc, Cá mú đút lò, Xúp gân nai, cua gạch…
-Kìa, bà đã làm tôi phát thèm lên đấy.
-Ông hỏi tôi giết người bằng cách gì ư? Thưa ông Miron, tôi đã phục vụ họ với thực đơn hàng trăm món, và với mỗi món, tôi thêm vào một tí…
Đột nhiên, bà ngừng nói. Bàn tay thanh tra Miron siết chặt ly Dubonnet, dồn hết nghị lực để khỏi lộ vẻ nôn nóng.
-Bà đã thêm vào… thêm vào tí gì vậy?
-Ông đặc trách vụ án này, ông có biết thân sinh của tôi là ai không?
-Ông Jean –Marie Villerois, một bậc thầy của những bậc thầy về ẩm thực.
-Đúng thế. Ba tôi đã truyền hết nghề nấu nướng cho tôi.
Miron căng thẳng, bực bội nhưng cũng đành chấp nhận câu chuyện lông bông của người đàn bà xinh đẹp này.
-… Nhưng bà vừa bảo rằng, bà đã thêm vào mỗi món ăn một tí…
Bà Chalon quay lưng lại. Miron bỗng choáng ngợp trước bờ vai thon thả, vóc dáng cân đối, vòng eo tuyệt mỹ.
-Một tí… một tí nghệ thuật, thế thôi, không có gì khác nữa, ông thanh tra ạ. Loại người như Wesser hay Chalon làm sao mà cưỡng nổi. Một ngày ăn ba bốn bữa thịnh soạn… no đến cành hông, rồi lại nốc rượu vào. Ở tuổi ấy, ăn uống như vậy làm sao mà thọ nổi.
Bà Chalon ngưng nói. Căn phòng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng tíc tắc từ xa của chiếc đồng hồ quả lắc.
-Xin lỗi, thế còn nghệ thuật yêu đương… Chính bà đã nêu lên…
-Thưa ông thanh tra, điều này phải có sự giúp đỡ của một vài cô bạn trẻ thật hấp dẫn. Tóm lại, tôi đã giết hai đức lang quân của tôi bằng công thức ĂN NO cọng với RỮNG MỠ. Chỉ thế thôi.
Lại yên lặng. Một sự yên lặng căng thẳng, chờ đợi. Chợt thanh tra Miron đứng dậy, đột ngột đến nỗi bà Chalon quay phắt lại, mặt tái xanh.
-Chiều nay, mời bà đi với tôi đến Nice.
-Đến… Sở Cảnh Sát ư? Thưa ông thanh tra.
-Không, chúng ta sẽ đi uống champagne, nghe nhạc và khiêu vũ.
-Ơ… thưa ông…
-Hãy nghe tôi nói. Thưa bà, tôi độc thân, bốn mươi bốn tuổi, không nhiều thói xấu lắm. Tôi có dành dụm một khoảng tiền với lợi tức hàng năm không đến nỗi tệ…
Ông nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của bà:
-… và tôi mong mỏi… được chết vì bà./.
——————————————————————————————————————————————————————-
Phim “Để Mai Tính”
Ngọc Lan
Nói chuyện với phóng viên Người Việt, Dustin Trí Nguyễn, diễn viên chính, người viết kịch bản, cũng là người đóng vai trò nhà sản xuất phim, cho biết, “‘Để Mai tính’ là một phim nhẹ nhàng, lãng mạn. Mục đích phim này muốn dựng lên hình ảnh văn hóa của người Việt Nam rất đẹp, rất vui, không có những góc nhìn gì dính đến chiến tranh, hay nghệ thuật cao xa coi mà không hiểu.”

Dustin Nguyễn, con trai tài tử Xuân Phát, trong nhiều năm từng là khuôn mặt Việt Nam duy nhất trên truyền hình Mỹ, trong chương trình “21 Jump Street” chiếu mỗi tuần kéo dài từ 1987 tới 1990. Gần đây hơn, Dustin Nguyễn nổi tiếng với vai diễn trong phim ‘Dòng Máu Anh Hùng.’
Vai nữ chính trong phim do Kathy Uyên đóng. Cô là một trong những diễn viên chính trong phim ‘Oan Hồn’ của đạo diễn Victor Vũ, và mới đây đóng vai nữ chính trong phim ‘Chuyện tình xa xứ’ của cùng đạo diễn.
Chuyện phim có thể tóm tắt như sau:
Một anh chàng tên Dũng (Dustin Trí Nguyễn đóng) làm việc ở khách sạn 5 sao, hiền lành, có nhiều lý tưởng và mơ ước. Dũng theo đuổi cô ca sĩ tên Mai (Kathy Uyên) xinh đẹp, mang nhiều khát vọng với sự nghiệp ca hát.
Với Dũng, Mai thấy mình có cảm giác bình yên và hạnh phúc. Tuy nhiên, người có thể đầu tư cho Mai được hát và nổi tiếng thành một ngôi sao như mơ ước của cô lại là một đại gia tên Antoine (Charlie Nguyễn thủ vai). Liệu Mai sẽ lựa chọn thế nào cho mình, giữa tình yêu thật thà và khát vọng giàu sang, nổi tiếng?
Timothy Linh Nguyễn (trái), từng là đạo diễn phim ‘Green Dragon’ – ‘Rồng Xanh’ về người tỵ nạn Việt Nam, phụ trách phát hành cho phim Để Mai Tính do Dustin Nguyễn (phải) viết kịch bản và đóng vai chính. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Trong khi đó, môi trường làm việc của Dũng khác hoàn toàn với hoàn cảnh của anh. Dũng được gặp gỡ nhiều người và nhiều mối quan hệ phức tạp. Dũng gặp Hội (vai diễn của Thái Hòa), một ông chủ đồng tính, đang thất vọng với bi kịch tình yêu của mình và muốn tìm bạn tình mới. Liệu chàng trai bình thường như Dũng có giữ được mãi ngọn lửa tình yêu với cô ca sĩ và lý tưởng của mình trong cuộc sống?
Với thể loại hài lãng mạn, bộ phim là một bức tranh đời sống hiện đại với nhiều gam màu nhẹ nhàng, hài hước cùng những suy tư của cuộc sống.
“Với ‘Để Mai tính’ chúng tôi không chỉ muốn người nước ngoài nhìn vô thấy điện ảnh Việt Nam không thua kém những nước khác, mà quan trọng đây là một phim dễ coi, bộ phim mà cả cộng đồng có dịp xả ‘stress,’ tìm thấy đúng nơi giải trí chứ không bị nặng nề bởi một thông điệp gì đó.” Tác giả kịch bản Dustin Trí Nguyễn nói thêm.
Diễn viên chính Kathy Uyên, người đóng vai Mai, được đánh giá là “có nét sáng sủa, hợp với nhân vật xinh đẹp, nên người đàn ông nào gặp cũng muốn chăm sóc.” Nếu phần nhiều diễn viên có lối diễn “từ ngoài vào trong” thì Kathy lại là người có thể nắm bắt nội tâm nhân vật để diễn “từ trong ra” một cách tự nhiên, không gượng gạo. “Để Mai tính” là bộ phim thứ hai Kathy đóng ở Việt Nam, sau thành công của “Chuyện tình xa xứ.”

Một diễn viên chính khác đã góp phần lớn vào thành công của bộ phim, chính là diễn viên Thái Hòa trong vai Hội, nhân vật đồng tính. Tác giả kịch bản “Để Mai tính” cho rằng, “Hội là nhân vật mà tôi thích nhất.”
Nhân vật này xuất hiện trong phim cũng có chất màu mè, chất vui, chất hài, vì “đây là phim hài,” nhưng “bộ phim không lợi dụng người đồng tính để tạo nên sự hài hước rẻ tiền.”
Thông qua nhân vật này, bộ phim còn “muốn nói đến giá trị tình yêu của người đồng tính.”
Diễn viên Thái Hòa là một người chắt tay trong nghề, nhưng chưa có cơ hội khai thác các lợi thế của mình. Vai diễn Hội là một vai “casting” khó. Diễn viên phải vừa chắc tay để thể hiện vai hài vừa có thể khiến khán giả cười một lúc, sau đó lại có thể làm cho khán giả khóc. Điều này đòi hỏi cái hồn của diễn viên.
“Vai diễn là một thử thách cho Thái Hòa, bởi Thái Hòa không phải là người đồng tính.” Tuy nhiên, Thái Hòa đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, để sau bộ phim “Để Mai tính,” khán giả đã bắt đầu “mê” anh.
Cũng tham gia một vai chính trong phim, nhân vật Dũng, nhưng diễn viên Dustin Trí Nguyễn, người từng nổi tiếng với các phim ngoại quốc, phim Hollywood, của điện ảnh Mỹ, cảm thấy mình “không bị áp lực nặng nề gì hết.”
Người diễn viên kỳ cựu tâm sự, “Quan trọng mình là người nghệ sĩ, người làm phim nên phim Mỹ phim Việt gì cũng không có vấn đề. Điều thú vị là mình có dịp hợp tác được với một phim Việt Nam, hay nói đúng hơn là phim có hồn của người Việt, văn hóa của người Việt để góp phần đẩy nền điện ảnh Việt Nam đi lên, hay hỗ trợ cho những người trẻ Việt Nam hiện nay, làm nên những bộ phim để ai cũng có thể xem được, từ đó để điện ảnh Việt Nam có một cơ hội phát triển. Đó là điều hy vọng của tôi.”
Phim “Để Mai tính” dài 100 phút là những hình ảnh tuyệt đẹp lấy bối cảnh ở Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội với những góc quay và phong cách làm phim Hollywood.
Nói về lý do chọn Việt Nam để quay phim, nhà sản xuất Dustin Trí Nguyễn chia sẻ, “Về mặt thương mại, nếu quay ở Mỹ, kinh phí bộ phim tốn gấp 3 lần. Nhưng điều quan trọng, phim này quay ở Việt Nam, bởi tôi muốn khai thác những góc cạnh rất đẹp ở Việt Nam, những góc sáng sủa của một thành phố hiện giờ chứ không phải là chiến tranh, hay vùng nông thôn tăm tối. Bộ mặt sáng sủa của phong cảnh Việt Nam có vai trò như một nhân vật trong phim. Chính vì thế, nếu quay phim này ở đây sẽ mất đi chất đó, và tính chất thương mại cũng khác.”
@ NguoiViet
—————————————————————————————————————————————————————————————–
“Ngày ấy, dường như mới hôm qua!” -Nhớ ca sĩ Minh Trang
Huy Phương
Trong một cuộc gặp gỡ với chúng tôi trong căn nhà dành cho người cao niên trên đường Ross, Santa Ana, vào tháng 8, 2005, tháng sinh của bà, ca sĩ Minh Trang, ngày đó đã 85 hồi tưởng lại một ngày cách đây 56 năm, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đã cảm động thốt nên lời: “…ngày ấy, dường như mới hôm qua!”

Ngày ấy là một ngày mùa Xuân năm 1949, khi người ca sĩ đài phát thanh Pháp Á, Minh Trang được lời mời từ Saigon ra Hà Nội hát cho Hội Chợ Tết của Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí tổ chức. Cũng nơi đây, bà đã gặp người nhạc sĩ Dương Thiệu Tước buổi đầu tiên, mặc dầu trước kia Minh Trang đã hát nhạc Dương Thiệu Tước nhiều lần, nhưng không biết ông là ai. Người đẹp đất Thần Kinh và chàng trai tài hoa Hà Nội gặp nhau đã để lại cho đời những tác phẩm tuyệt đẹp như “Ngọc Lan,” “Sóng Lòng,” “Buồn Xa Vắng,” “Bóng Chiều Xưa.”… Chỉ khi yêu say đắm, người ta mới viết nỗi những dòng nhạc như Ngọc Lan, tả hoa cũng là nói về người, viết nên những lời như “nhạc ướp men thơ” để tôn vinh thanh sắc của người mình yêu dấu.
Như một định mệnh, Nguyễn thị Ngọc Trâm chào đời ngày 18 tháng 8 năm 1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự, thành phố Huế. Hai mươi lăm năm sau, một khúc hát bất hủ mang tên “Ðêm Tàn Bến Ngự” ra đời, được viết nên bởi một nhạc sĩ tài hoa, đã gắn liền với tên cô, ngày nay đã trở thành một danh ca mang tên Minh Trang. Tác giả bản nhạc đó là Dương Thiệu Tước, cũng là người chồng sau này của cô, cả hai đã tạo nên một gia đình âm nhạc và để lại cho thế gian những tình khúc bất tử.
Ở Huế vào cuối thế kỷ 19, người ta biết nhiều tới Mỹ Lương Công Chúa hay Bà Chúa Nhứt, là chị ruột của Vua Thành Thái. Bà là người dòng dõi nhưng không câu nệ, tính rất nghệ sĩ. Trong nhà bà Chúa có nuôi hẳn một ban hát tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Vị công chúa đó là bà ngoại của ca sĩ Minh Trang, do đó khi lớn lên, vì thân phụ là cụ Nguyễn Hy nhiều khi phải đáo nhậm những nhiệm sở xa, bà Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại. Nhờ những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy tám tuổi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy… Tuy nói giọng Quảng vì thân phụ bà là gốc người Quảng Ngãi, chất Huế trong người bà đã khiến cho bà hát bản “Ðêm Tàn Bến Ngự” một cách dễ dàng như chính tác giả đã viết bài này ra để dành riêng cho cho bà, người ca sĩ, đó là Minh Trang.
Lớn lên trong khung cảnh của một danh gia vọng tộc một thời ở đất thần kinh, cũng như những gia đình khác có lẽ tân nhạc vẫn còn là một điều gì mới mẻ, tuy vậy bà Minh Trang là người sớm hấp thụ nền văn hóa Tây phương. Lúc nhỏ bà theo học trường Jeanne d’ Arc, một trường dòng danh tiếng ở Huế và đã bắt đầu làm quen với những phím dương cầm từ đó. Lên trung học, bà theo gia đình ra Hà Nội. Vào khoảng 1941, thân phụ bà về nhậm chức tại Bộ Lại (tức là bộ Nội Vụ) tại Huế, bà lại theo về học tại Lycée Khải Ðịnh. Tại đây bà gặp một ông thầy dạy Việt Văn là ông Ưng Quả, cũng là vị “phụ giáo” của triều đình Huế. Hai người, một thầy, một trò đã tỏ ra tâm đầu ý hợp và tiến đến hôn nhân. Tuy lúc đó Thầy Ưng Quả là một người đàn ông góa vợ đã có hai con trai, nhưng cả hai gia đình đều là những gia đình quyền quí ở Huế, thầy Ưng Quả là cháu nội của Tuy Lý Vương, bà Minh Trang là cháu nội của Diên Lộc Quận Công, phải nói là rất “môn đăng hộ đối.” Hai người sinh hạ được một trai là Bửu Minh và một gái là Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang (tức là ca sĩ Quỳnh Giao). Bà dùng tên của hai người con ghép lại để làm nên cái tên âm nhạc cho mình là Minh Trang.
Năm 1951, Giáo Sư Ưng Quả, lúc đó là Giám Ðốc Nha Học Chính Trung Phần qua đời, bà Minh Trang đem hai con vào Saigon, và tìm được một việc làm tại Ðài Phát Thanh Pháp Á (France-Asie), vừa là xướng ngôn viên vừa làm biên tập tin tức bằng tiếng Pháp. Sự việc Minh Trang trở thành ca sĩ cũng là chuyện tình cờ không tính trước, trong chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Ðức Quỳnh, vì ca sĩ chính không đến đài hát được, bà phải miễn cưỡng thay chỗ, và ca khúc duy nhất bà thuộc lúc ấy là “Ðêm Ðông” của NS Nguyễn Văn Thương. Nhờ giọng hát thiên bẩm – theo bà nói – từ đó gần như bà trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, ngoài chuyện bà là ca sĩ chính của Ðài Pháp Á, về sau trở thành Ðài Phát Thanh Quốc Gia, bà Minh Trang còn đi hát “phụ diễn” trên sân khấu, một lối trình diễn rất thịnh hành hồi ấy tại các rạp chớp bóng trước khi cuốn phim chính được trình chiếu.
Tiếng hát của bà bay ra Hà Nội và được các nhạc sĩ đương thời ngoài đó rất yêu mến, thường gởi bài vào cho bà hát như các nhạc sĩ Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Thiện Tơ… Trong một lần ra Hà Nội theo lời mời của Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí khi ông này tổ chức Hội Chợ, bà đã hát trong ban Việt Nhạc và gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tại đây.
Hai người nghệ sĩ này, Minh Trang-Dương Thiệu Tước kết hôn năm 1951 tại Saigon và sau đó sinh hạ được năm người con, một trai Dương Hồng Phong và bốn gái Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Cũng như Bửu Minh và Ðoan Trang, các con của ông bà đều được theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc với sự dìu dắt của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ngày nay Quỳnh Giao, Vân Quỳnh đã trở thành ca sĩ. Dương Hồng Phong tốt nghiệp vĩ cầm tại Quốc Gia Âm Nhạc và Bửu Minh du học Pháp năm 1961 nay là dương cầm thủ chính (đệ nhất vĩ cầm) trong ban nhạc đại hòa tấu “Staatsphihlarmonic Rheinland Plalz” của Ðức Quốc.
Sau biến cố tháng 4, 1975, các cô con gái đã lập gia đình đều đã ra đi, nhưng ông bà Dương Thiệu Tước còn ở lại Việt Nam, lý do là con trai duy nhất của hai người, Dương Hồng Phong, động viên năm 1972 đang bị kẹt tại Chu Lai và bị bắt làm tù binh. Với số lương 64 đồng một tháng dành cho Giáo Sư Dương Thiệu Tước dạy lục huyền cầm cổ điển, hai ông bà phải sống trong những điều kiện vô cùng chật vật. Bà Minh Trang kể lại suốt trong những ngày đen tối, công việc của bà là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con, trong khi đứa con trai tù tội vẫn chưa về. Năm 1978 khi Dương Hồng Phong ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời đất nước. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì thường đau ốm nên không muốn đi. Bà Minh Trang cùng ba con đến Thái Lan vào cuối năm 1979, và đi định cư tại Virginia. Ở đây bà làm nghề “quality control” cho một hãng microfilm và ngay cả làm “baybysitter” trong một gia đình người Pháp.
Năm 1986, bà theo con về cư ngụ tại quận Cam vì bà đã chán cái cảnh cào tuyết những ngày mùa Ðông ở Virginia, cũng là lúc bà bước vào tuổi hưu trí. Ở đây bà cảm thấy sức khỏe tốt hơn, và vui với các cháu ngoại ở quanh quẩn trong vùng, tuy bà vẫn còn hai người con trai ở xa, Bửu Minh tận Ðức Quốc và Dương Hồng Phong ở New York.
Những ngày cuối cùng, trước khi vào bệnh viện, bà Minh Trang sống trong một căn apartment dành cho người cao niên rất yên tĩnh. Thú vui của bà là nghe nhạc và nhất là bà rất chịu khó theo dõi tin tức thời sự. Bà tâm sự rằng ít khi bà nấu nướng, vì các con gái bà đều ở gần “có bát canh cần nó cũng mang cho.” Thỉnh thoảng các con ghé lại chở mẹ đi thăm người quen hoặc ghé qua chợ mua một vài thứ lặt vặt. Bà thích sống một mình như thế đã hơn mười năm qua mà không cảm thấy cô đơn, vì các con rất gần gũi với bà. Trong lúc ngồi tiếp chuyện tôi, bà trả lời điện thoại của những người con gái gọi lại hai lần. Bà tâm sự, bây giờ con cái đều bận bịu công việc, khó có thể quanh quẩn bên mình, ở căn cư xá này rất tiện, mỗi khi có ốm đau hay cần chuyện cấp cứu bà chỉ kéo nhẹ đầu dây báo động, là có nhân viên y tế đến giúp ngay.
Trên bàn thờ nhỏ ở phòng khách là hình ảnh những người đã quá vãng, trên vách tường là những hình ảnh của của người sống. Ðó là thế giới của bà, thế giới của hồi tưởng, của kỷ niệm hay thế giới ấm áp của con cháu đang vây quanh tuổi già của bà. Cho đến ngày phải vào bệnh viện vì ốm đau, bà lúc nào cũng thấy nhanh nhẹn, tráng kiện, tóc phơ phơ bạc, dù đã gần 90, trí nhớ còn rất minh mẫn.
Huế còn nhớ tới Minh Trang, tên tuổi một thời, thính giả đài Pháp Á không quên tên người ca sĩ này. Cái tên Minh Trang hình như gắn liền với âm điệu của một làn dân ca Huế, nỉ non và cũng ai oán trong “Ðêm Tàn Bến Ngự” cũng như với cái tên Dương Thiệu Tước. Cuộc đời sinh ra bà để chúng ta có những tình khúc dịu dàng, thơm tho như một khu vườn Huế những đêm trăng, đó là “Ngọc Lan,” là “Sóng Lòng.”…
Ca sĩ Minh Trang đã ra đi thanh thản vào trưa thứ ba ngày 17 tháng 8, 2010, tại thành phố Garden Grove, California, hưởng thọ 90 tuổi. Nghĩ đến bà, chúng tôi như nghe âm điệu của khúc nhạc “Ðêm Tàn Bến Ngự” ở đâu đây. Hình như bà vẫn ngồi đó, giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười hiền lành. Câu nói của bà chúng tôi vẫn còn nhớ, và giờ đây tôi vẫn nghĩ như bà: “Ngày ấy, dường như mới hôm qua…”
@ NgươiViet
——————————————————————————————————————————————————————