Tan nát lứa đôi vì… internet

Internet có nhiều đóng góp to lớn cho đời sống xã hội, song những tiện ích của nó cũng đang khiến nhiều đôi lứa phải chia lìa.

Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter bị quy là “thủ phạm” gây ra các xung đột trong gia đình bởi nó tạo cơ hội cho vợ/chồng dễ dàng gặp gỡ “người mới”.

Công ty chuyên về các thủ tục ly dị Divorce-Online của Anh cho biết, có đến 1/5 những lá đơn mà họ chịu trách nhiệm xử lý có liên quan đến Facebook. Người bị phản bội cũng thường sử dụng Facebook để tìm kiếm bằng chứng gian dối của người kia như câu nói, bức ảnh tình tứ…

Dưới đây là 10 câu chuyện chia tay “thương tâm” nhất mà internet gây ra:

Vào facebook phát hiện chồng cưới vợ 2

Lynn France, một nhân viên y tế ở Cleveland bang Ohio, Mỹ, run rẩy gõ tên của người mà cô đang nghi ngờ quan hệ bất chính với chồng vào ô tìm kiếm của Facebook. Kết quả hiện trên màn hình làm cô “ngã ngửa”: bức ảnh cưới của chồng mình và cô ta.

Đó rõ ràng là một bức ảnh cưới được chụp ở Walt Disney, Hongkong. Đám cưới diễn ra từ năm 2009. Trong ảnh, chồng của Lynn France ăn mặc như một hoàng tử trong vai trò chú rể. Cô dâu mới của anh ta, tóc xoăn, trẻ đẹp xúng xính trong bộ váy lộng lẫy.

“Thật không thể tin được. Tôi quá sốc. Tôi tình cờ vào xem được bộ album ảnh cưới với hơn 200 bức của cô ta và… chồng tôi”, “nạn nhân” Lynn France nức nở nói.

Lynn France, 41 tuổi, cho biết cô thấy có “dấu hiệu lạ” từ ông chồng của mình khi anh ta liên tục có những chuyến công tác bất thường. Thậm chí, khi cô mới sinh đứa con đầu tiên, anh chồng bỏ mặc cô và đứa nhỏ ở lại bệnh viện để đi “công tác”. Các chuyến công tác của chồng cô hầu hết là ở Trung Quốc.

Khi vụ cưới vợ mới bại lộ,  France cố sức hàn gắn nhưng ba tháng sau, chồng cô đưa con trai nhỏ của mình trốn đến sống với vợ mới ở Florida.

‘Cưa gái’ qua mạng, tán nhầm vợ mình

Stephanie Davies, một người phụ nữ Mỹ 30 tuổi do nghi ngờ chồng gian díu với người phụ nữ khác nên quyết định lập một nick chat mới có tên gọi Laura trên mạng để thử tán tỉnh chồng mình. Chồng cô là anh Simon Oldham với nickname Davies nhanh chóng phải lòng cô bạn gái trên mạng và đòi hẹn hò với Laura. Davies còn nhắn cho Laura những lời lẽ mang tính khêu gợi và đề nghị “gặp gỡ thân mật” trong khách sạn. Trong những lúc tâm sự với Laura, Davies không ngần ngại thừa nhận, mình có một vợ và một người tình.

Đau khổ cùng cực khi phát hiện ra bộ mặt thật của chồng, Stephanie Davies làm đơn ly dị. Không những không ăn năn, Simon cưới vợ mới trong một thời gian ngắn sau đó. Người vợ mới của Simon lần này chính là cô bồ cũ của Simon.

Mất vợ vì “ân ái” trong thế giới ảo

Khi phát hiện ra chồng lừa dối về mối quan hệ với một phụ nữ khác, Amy Taylor, 28 tuổi, người Anh, hành động giống như nhiều phụ nữ khác thường làm: ly hôn. Nhưng điều đáng nói ở đây là mối tình của ông chồng David Pollard với “người đàn bà khác” chỉ là… tình ảo. Taylor phát hiện ra nhân vật của chồng trong thế giới ảo “Second Life” nhiều lần “âu yếm” với một nhân vật nữ.

“Tôi phát điên và thấy bị tổn thương. Không thể tưởng tượng David lại làm như vậy. Vậy mà anh ta không coi đây là vấn đề to tát và không thèm quan tâm tôi buồn thế nào”, Amy tâm sự.

Bản thân cuộc hôn nhân giữa Taylor và Pollard cũng xuất phát từ mối quan hệ trên mạng năm 2003. Hai năm sau đó, cặp đôi tổ chức hôn lễ linh đình cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Sau vụ ly hôn, David đính ước với chính người phụ nữ anh có quan hệ trong game dù họ chưa từng gặp nhau trong đời thực. Amy cũng gặp người tình mới qua thế giới ảo khác “World Of Warcraft”.

Đâm chết vợ vì ghen với tình địch trên facebook

Quá uất hận sau khi phát hiện vợ mình thường xuyên lên facebook để tâm sự với một người bạn cũ, Joseph Richardson dùng dao đâm liên tiếp vào người vợ. Kẻ thủ ác thậm chí còn gọi điện cho Walker, “người tình” của vợ để thông báo về cái chết của cô.

Giết vợ vì gian dối trên mạng

Khi đọc được thông tin cô vợ khai báo trên trang mạng xã hội facebook rằng “độc thân”, thay vì “đã có gia đình”, anh Edward Richardson, người Anh lặng lẽ pha cocaine vào trong rượu và chuốc cho vợ uống say. Khi cô vợ bất tỉnh do say mèm, người chồng máu lạnh này dùng dao đâm gãy xương sườn vợ, khiến cô thiệt mạng ngay sau đó.

Vợ chồng chia lìa, kẻ thứ 3 chịu trận

Do hay giao lưu kết bạn trên facebook, người đàn ông 25 tuổi Awais Akram hẹn hò với một người phụ nữ có chồng tên là Sadia Khatoon. Và khi người chồng của Sadia phát hiện ra, anh ta dùng facebook của vợ hẹn Awais đến một chỗ vắng vẻ. Tại đây, chồng của Sadia cùng những người anh em của mình đua nhau đổ axit lên người của chàng trai kia. “Phi vụ trả thù” thành công, người đàn ông này còn chưa hả giận và nhanh chóng đuổi vợ ra khỏi nhà.

Giết chồng ảo chỉ vì bị ly hôn

Một phụ nữ Nhật Bản vừa bị bắt vì tội giết chồng nhưng chỉ là đức lang quân ảo trong một trò chơi điện tử trực tuyến cô vẫn chơi. Nguồn tin cảnh sát cho biết, người phụ nữ 43 tuổi này đột ngột phát hiện ra mình bị ly dị trong trò chơi điện tử mang tên Maplestory.

Quá tức giận khi bị ruồng bỏ, người phụ nữ này sử dụng thông tin cá nhân của người đàn ông đóng vai chồng cô trong trò chơi điện tử để đăng nhập vào tài khoản trái phép và giết chết nhân vật của anh này. “Đột nhiên tôi bị ly dị mà không một lời báo trước. Điều đó làm tôi vô cùng tức giận”, kẻ thủ ác khai báo.

Đi gần 1.000 km chỉ để gặp người tình ảo

Không quản quãng đường xa tới 1.000 km, ông Slan có gia đình sống ở thành phố Manchester, Anh lái xe đến hẹn hò với một người phụ nữ mà ông quen qua mạng. Tuy nhiên, sau khi lái xe hơn 10 giờ và chờ đợi trong vô vọng 4 giờ để gặp cô bạn gái tên Emma, ông phát hiện một sự thật gây sốc, đó là, tất cả vụ hẹn hò này chỉ là trò chơi khăm của hai người bạn của mình. Sau khi câu chuyện này bị vỡ lở, Louise, vợ của người đàn ông bị lừa rất tức giận và kiên quyết đòi chia tay.

Bán đứng đức lang quân trên facebook

Cầu thủ bóng đá Michael Chopra chia tay cô vợ mới cưới Heather Swan chỉ sau 7 tháng mặn nồng. Lý do của cuộc chia lìa này là Heather tiết lộ những thông tin cá nhân của chồng lên facebook, khiến chồng một phen lao đao. Không kìm chế được cơn giận, tiền đạo của đội Sunderland đưa cuộc hôn nhân của mình ra tòa. Trên facebook của Michael hiện giờ viết một dòng chữ to và rõ ràng: “Heather, cô là một con quỷ. Cô xứng đáng bị trừng phạt vì bôi nhọ tôi trên facebook”.

Suýt mất chồng vì trạng thái ảo

Sau một cuộc cãi vã với chồng, Lauren Booth, người Anh, lên facebook thay đổi tình trạng hôn nhân của mình từ “có gia đình” thành “độc thân”. Trò trút giận của Lauren không may đến tai người chồng khi rất nhiều bạn bè của cô nhìn thấy trạng thái này và lập tức gọi điện chế giễu phu quân của Lauren.

Bị đả kích quá đáng, anh này uống rượu say và về nhà cãi nhau với vợ. Cuộc đôi co hai giờ vẫn không giải quyết được vấn đề, người chồng tội nghiệp chạy ra khỏi nhà. Không may, anh này  bị một chiếc ô tô lao vào người. Hiện anh trong tình trạng nguy kịch và hôn mê bất tỉnh. Người vợ nóng tính giờ chỉ biết ngày ngày chăm sóc và cầu nguyện cho chồng mau tỉnh lại để cô có thể nói hai từ xin lỗi.

Trà My (tổng hợp)
@DatViet
——————————————————————————————————————————————————————

CẬP NHẬT TIN TỨC 14-8-2010

Chính quyền thành phố Hà Nội gia tăng kiểm soát các đại lý Internet

Một quán càphê internet ở Hà Nội (AFP)

Một quán càphê internet ở Hà Nội (AFP)

Hôm qua, trang thông tin của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội loan báo việc áp dụng những quy định mới về Internet tại thành phố này nhằm chống nạn nghiện trò chơi trực tuyến và chống những nội dung bị chính quyền coi là không lành mạnh.

Theo các quy định mới vừa được ban hành, các đại lý Internet phải nằm cách trường học 200 mét, nói cách khác, toàn bộ các đại lý nằm cách trường học dưới 200 mét sẽ bị đóng cửa trong tháng 8 này. Theo lời ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ở thủ đô hiện có hàng trăm đại lý Internet nằm gần trường học và điều này khiến các em học sinh ngày càng ghiền các trờ chơi trực tuyến, xao lãng chuyện học hành.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet sẽ phải thực hiện “các biện pháp kỹ thuật” để tạm ngưng cung cấp dịch vụ Internet trong khoảng thời gian từ 23 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết một phần mềm đặc biệt sẽ giúp chính quyền kiểm tra xem người sử dụng Internet và chủ đại lý có tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định mới hay không.

Hãng tin AFP nhắc lại phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây khẳng định rằng chính quyền chỉ tìm cách bảo đảm tính an toàn và việc sử dụng lành mạnh Internet ở các đại lý Internet, bác bỏ những quan ngại về đe doạ tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Vào tháng sáu, tập đoàn Google của Mỹ đã từng chỉ trích những quy định mới ở Việt nam cho phép chính quyền ngăn chận truy cập vào một số trang web và kiểm soát chặt chẽ hơn những người sử dụng Internet. Các nhà quan sát cũng lên án thái độ gắt gao của chính quyền đối với những trang web chính trị nhạy cảm. ( rfi )

——————————————————————————————————————————————————————

Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Hồ Cẩm Đào bị hoãn lại

Bắc Kinh trì hoãn các cuộc đàm phán chuẩn bị

image Cary Huang ở Bắc Kinh/South China Morning Post

Chuyến thăm Hoa Kỳ đang chờ đợi từ lâu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bây giờ có vẻ sẽ không thể xảy ra sớm, khi Bắc Kinh hoãn các cuộc đàm phán chuẩn bị với Washington giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa hai quốc gia.

Ông Hồ đã hai lần “vui vẻ” chấp nhận lời mời của Tổng thống Barack Obama đến thăm Hoa Kỳ vào thời gian nào đó trong năm nay. Trong khi hai bên đã không bao giờ chính thức công bố về ngày giờ cho chuyến đi, nhưng chuyến đi này được hiểu rộng rãi trong giới ngoại giao mà cả hai nước muốn nó xảy ra vào tháng tới.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc với các kiến thức về tình hình cho biết, chính phủ hai nước ban đầu hy vọng hoàn tất các cuộc đàm phán sơ bộ của các viên chức cấp thấp và hoàn tất các thỏa thuận vào cuối tháng này. Các cuộc đàm phán là một một phần quan trọng trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai cường quốc đã xấu đi nhanh chóng trong những tháng gần đây. Họ đã cãi nhau về Bắc Hàn và biển Đông. Bắc Kinh giờ đây tin rằng Hoa Kỳ đang cố gắng để kiềm chế họ ở châu Á, và các quan điểm thách thức của Mỹ về quyền chủ quyền của họ ở biển Đông như là sự xâm phạm đến “lợi ích cốt lõi quốc gia” của Trung Quốc.

Cho đến nay, các nhà ngoại giao ở cấp thấp hơn vẫn chưa hoàn tất các cuộc đàm phán của họ, và không có cuộc đàm phán nào đang được sắp xếp trong vài tuần tới, do đó chuyến thăm của Chủ tịch [Hồ] vào tháng tới hiện nay là rất khó xảy ra”, một trong những nhà ngoại giao Trung Quốc nói.

Một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ cấp nhà nước của Chủ tịch, theo truyền thống được xem như một sự kiện lớn nhất về lịch trình ngoại giao của Trung Quốc và liên quan đến “rất nhiều thủ tục và các thỏa thuận cần được thực hiện trước”, nhà ngoại giao này nói.

Các cuộc đàm phán trước để chuẩn bị thường liên quan đến các cuộc thương lượng về chương trình nghị sự và các văn bản chính thức và các thỏa thuận cụ thể mà Chủ tịch dự kiến sẽ ký tại hội nghị thượng đỉnh.

Chỉ khi cuộc đàm phán cấp dưới đạt được thỏa thuận qua một loạt các chủ đề đã được định trước, các nhà ngoại giao hàng đầu có thể ngồi xuống phê duyệt trọn gói”, các nhà ngoại giao nói.

Kế hoạch đó là, một khi các cuộc đàm phán chuẩn bị đã hoàn thành, Ủy viên Quốc vụ viện, ông Đới Bỉnh Quốc và đối tác phía Hoa Kỳ, ông James Steinberg, Thứ trưởng Ngoại giao, cùng với ông Jeffrey Bader, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, sau đó sẽ gặp nhau để hoàn tất các chi tiết.

Nếu chuyến thăm diễn ra, sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ ba, do Tổng thống Obama tiếp đón kể từ khi nhậm chức hồi tháng Giêng năm ngoái. Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào là rất quan trọng cả về hình thức lẫn thực tế, vì nó sẽ cung cấp một cơ hội cần thiết cho cả hai bên để giải quyết những sự khác biệt.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy lớn nhất, với Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất trên thế giới, sẽ là mối liên hệ trên toàn cầu và có thể quyết định sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các nhà ngoại giao và các chuyên gia ở Bắc Kinh và Washington đồng ý rằng nếu chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào không diễn ra trong năm nay theo kế hoạch, sẽ phải đối phó với một cú sốc lớn cho quan hệ song phương và sự tin cậy của hai chính phủ. Nó cũng sẽ gia tăng các mối nghi ngờ và sự ngờ vực từ cả hai phía vào thời điểm mà thế giới vẫn còn chóng mặt do cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 11, ông Obama mời ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Hoa Kỳ năm nay, và ông Hồ đã nhận lời với niềm vinh hạnh, theo một thông cáo phát hành sau khi Hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh.

Lúc đó có một sự đồng thuận giữa Bắc Kinh và Washington để thực hiện chuyến viếng thăm cấp nhà nước của ông Hồ Cẩm Đào trong nửa đầu năm nay, hoặc là khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân toàn cầu tại Washington trong tháng 4, hoặc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Canada vào tháng 6. Nhưng hàng loạt vụ cãi nhau từ đầu năm làm cho kế hoạch đó không thể thực hiện, với các tranh chấp thương mại, Google, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và cuộc gặp của Tổng thống Obama với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào và ông Obama đã nói chuyện bên lề trong hai cuộc họp thượng đỉnh đa quốc gia. Một lần nữa, ông Obama mời ông Hồ đến thăm khi hai người gặp nhau tại Toronto, và một lần nữa lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận “một cách vui vẻ”. Ở Toronto, cả hai bên cũng đã đồng ý đưa ra ngày của chuyến đi, thông qua ngoại giao của họ, và Trung Quốc hy vọng, chuyến thăm nhà nước sẽ trở thành hiện thực vào tháng tới, khi ông Hồ Cẩm Đào cũng đang tìm cách để tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, trùng với 65 năm kỷ niệm ngày thành lập của Liên Hợp Quốc.

Nhưng căng thẳng đã trở lại. Các nhà ngoại giao Trung Quốc xem việc tàu sân bay USS George Washington đã được gửi tới cho cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Nam Hàn ở biển Nhật Bản hồi tháng trước, theo sau là sự thách thức vừa xảy ra của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton về chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông tại diễn đàn ASEAN ở Hà Nội, tương tự như sự vi phạm “lợi ích cốt lõi quốc gia” của Trung Quốc. Biển Nhật Bản được người Triều Tiên gọi là Biển Đông.

Tàu sân bay USS George Washington tuần tra ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam hôm Chủ nhật khi Hà Nội một lần nữa thách thức chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa. Sự hiện diện của tàu sân bay là để kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hồi tháng trước giữa hai kẻ thù cũ, Hãng tin Trung Quốc cho biết hôm qua.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du đã nói trong một Thông cáo báo chí được đăng trên website của Bộ Ngoại giao hôm thứ Sáu rằng, Trung Quốc kịch liệt phản đối bất kỳ lời bình luận và hành động nào vi phạm chủ quyền trên quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) và vùng biển lân cận ở biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông).

Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Quần đảo Tây Sa và vùng biển lân cận”, bà Khương Du nói.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã thông báo hồi tuần trước rằng tàu sân bay sẽ tham gia vào cuộc tập trận quân sự chung với Nam Hàn ở Hoàng Hải trong vài tháng tới, trong đó Washington cho biết là để  phản ứng lại việc đánh chìm tàu hải quân Nam Hàn hôm 26 tháng 3, đã giết chết 46 thủy thủ.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, cơ hội cuối cùng cho chuyến viếng thăm của ông Hồ có thể vào tháng 11, khi ông có kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, Hội nghị lần thứ 16 của các bên về Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Cancun, Mexico.

Ngọc Thu dịch

@ Vietstudies

————————————————————————————————————————————————————————————

Người đẹp Hà Nội đăng quang Hoa hậu Việt Nam
Gương mặt được chọn đại diện cho Phụ nữ Việt Nam – Nghìn năm hương sắc là người đẹp đến từ Thủ đô Đặng Thị Ngọc Hân. Cô mong muốn giới thiệu hình ảnh người con gái Hà Nội đến với bạn bè cả nước.
Người đẹp mang số báo danh 516 đến từ Hà Nội đã vượt qua 36 thí để giành vương miện vào tối nay. Á hậu 1 là Vũ Thị Hoàng My, đến từ Đồng Nai vá Á hậu 2 là Đặng Thùy Trang, Hà Nội.

Đặng Thị Ngọc Hân hiện là sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (hệ cao đẳng) có chiều cao 1m73 và số đo ba vòng 83 – 64 – 93. Từng tham gia hoạt động người mẫu trong nhiều năm, Đặng Thị Ngọc Hân là bạn thân thiết trong công ty New Talent với HHVN 2006 – Mai Phương Thúy.

Dưới đây là hình ảnh của Đặng thị Ngọc Hân

————————————————————————————————————————————————————————————-


Phải thay đổi Kỷ Cương

Ngô Nhân Dụng

Hôm trước, mục này đã kể chuyện một phái đoàn Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo do một thứ trưởng cầm đầu đến Hội An ra lệnh cách chức ông hiệu trưởng Ðại Học Phan Châu Trinh, nhưng bị đuổi về. Nhân đó, một vấn đề vượt lên trên cuộc tranh chấp giữa hai phe, bộ Giáo Dục và Ðại Học được nêu lên. Ðó là tình trạng một quốc gia không có kỷ cương, không có thể thống: “Trong một nước có hai cơ cấu quyền lực song hành, Ðảng và Nhà Nước trồng tréo lẫn nhau, nhiều lúc không biết đâu là quyền hạn, đâu là trách nhiệm của ai nữa. Nói là Loạn cũng không ngoa!”

Nhắc đến chữ Loạn, chúng ta nghĩ đến câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn.” Trên không Chính (ngay ngắn) thì dưới tất sinh Loạn (hay là nổi loạn). Khi nào từ trên xuống dưới đều cư xử theo những quy tắc chung được công nhận là Chính, thì quốc gia có Kỷ Cương. Trong câu chuyện này, ở trên là bộ Giáo Dục và Ðào Tạo mà bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đại diện ra lệnh; bên dưới thì ông bí thư thành ủy Hội An và ban giám đốc Ðại Học Phan Châu Trinh phản đối lệnh đó.

Trong vụ Ðại Học Phan Châu Trinh, các công chức trong Bộ Giáo Dục hẳn nghĩ rằng họ đang làm đúng. Bộ đã cử người đến “thanh tra” đại học này từ trước, họ kết luận là: “Trường đã vi phạm quy chế tổ chức hoạt động đại học tư thục và vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2007.”

Ngược lại, nhà trường và những người lãnh đạo đảng ở thành phố Hội An đã trình bày rằng tất cả các việc thanh tra và quyết định trên hoàn toàn do một nhóm người viết sẵn “kịch bản,” những người này vừa là công chức cao cấp trong bộ, vừa là cổ đông góp vốn, muốn thao túng đại học để sinh lợi. Chính đại học đang tố cáo nhóm người này về tham nhũng. Quyết định của họ là Bất Chính.

Ðọc bài tường thuật chi tiết trên mạng Bô Xít Việt Nam chúng ta thấy mối mâu thuẫn giữa guồng máy Nhà nước và Ðảng, khi nghe ông bí thư thành phố Hội An mắng bà Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Có lúc cuộc đối đáp trở thành chuyện cá nhân: “Làm thứ trưởng như chị đừng tưởng ngon, tôi đây cũng thừa sức làm!” Chống lại quyết định cách chức ông Hiệu Trưởng Phan Ngọc Thu, ông bí thư nói: “Ông Thu là bí thư chi bộ nhà trường, là đảng viên do địa phương tôi quản lý, tại sao không ai bàn bạc trước với tôi chuyện này? Ban cán sự đảng của Bộ Giáo Dục là cái gì?”

Ông mắng tiếp: “Muốn can thiệp vào tổ chức trực thuộc của tôi, vào đảng viên của tôi, thì phải vào đây mà làm việc. Chị là cái gì, chị là thứ trưởng thôi chứ chị to hơn đảng à! Tôi sẽ báo cáo ra Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng chuyện này chứ tôi không để yên đâu, đừng có quen thói cửa quyền đứng trên luật pháp!” Qua những câu hỏi trên, người ta thấy mâu thuẫn về thẩm quyền giữa một bên là “Ban cán sự đảng” ở một bộ trung ương; bên kia là cấp ủy địa phương. Ai sẽ quyết định người nào có quyền hơn người nào trong vụ này? Khi nói đến “luật pháp” thì ông bí thư nghĩ đến luật của quốc gia hay là luật trong nội bộ đảng cộng sản?

Cuối cùng chắc sẽ có người đứng ra dàn xếp, phân phối đều quyền lợi cho cả hai bên, vì cần phải “giữ đoàn kết như giữ con ngươi trong mắt mình.” Trong khi chờ đợi được dàn xếp, thì cứ theo quy tắc giang sơn nào anh hùng nấy, chờ xem bên nào “ngon” hơn!

Vấn đề chính trị trong mọi xã hội, từ thượng cổ tới giờ, cuối cùng chỉ là một câu hỏi này: Ai được quyền ra lệnh cho ai? Ai sai bảo và ai vâng lời? Nói kiểu so sánh là “Ai ngon hơn ai?” Khi nào đại đa số những người trong xã hội đồng ý với nhau trước những câu hỏi như vậy, thì quốc gia có kỷ cương. Khi tôi đang lái xe mà thấy ông cảnh sát đi phía sau nháy đèn ra hiệu bảo táp vô lề đường, tôi không thắc mắc gì cả. Ở trên đường công, chắc chắn ông ấy ngon hơn tôi. Nhưng ví thử tôi làm quản lý một tiệm ăn mà ông ấy vô gọi ly cà phê, tôi có quyền bắt ông ấy đợi, đi tiếp một cô khách khác có nụ cười tươi hơn. Ở trong tiệm, tôi ngon hơn ông khách cảnh sát! Nhiều tiệm ăn ở Mỹ yết bảng rõ ràng: Chúng tôi giành quyền từ chối bất cứ khách hàng nào! Ở nước Thụy Ðiển, ông vua lái xe vượt đèn đỏ (cụ già, lẫn cẫn, chứ không phải ỷ mình làm vua!); bị cảnh sát biên phạt, vua líu ríu vâng lời! Ở Mỹ, các đại biểu Hạ Viện đàn hặc kết tội ông tổng thống, đáng bị cất chức; nhưng ông ta “thoát chết” không bị truất phế vì Thượng Viện không đủ 2 phần 3 số phiếu theo Hiến Pháp quy định. Một cuộc tranh cãi làm ly tán nhân tâm, suýt nữa làm một ông tổng thống mất chức, sau khi ngã ngũ, mọi người thôi không ai nói nữa, trở về đời sống hàng ngày của mình. Vì khi theo luật mà làm thì khỏi cần thắc mắc. Sống trong một xã hội có kỷ cương, người ta cảm thấy an toàn vì biết làm cái gì thì được coi là Chính, cái gì bị coi là Bất Chính! Không kỷ cương, nhiều lúc không biết số phận mình sẽ ra sao.

Trước đây 2000 năm từ thời Mạnh Tử, ông đã nêu lên quy tắc là nếu ông vua mà bất chính thì dân có quyền không nghe lệnh, có thể nổi dậy lật đổ vua. Nhưng dùng tiêu chuẩn nào để phê phán một hành động của ông vua hay một người cai trị là Chính hay Bất Chính? Muốn vin vào lời Mạnh Tử để công nhận dân có quyền nổi loạn thì mọi người lại phải chia sẻ một điều khác với nhau, đó là: Ðịnh nghĩa thế nào gọi là Chính!

Khi nào trong xã hội đại đa số đồng ý với nhau về định nghĩa này, với các tiêu chuẩn đã thỏa thuận để phê phán người cầm quyền, thì quốc gia có Kỷ Cương. Khi nào mỗi người hiểu theo ý kiến riêng của mình, mỗi thế lực hiểu theo một nghĩa khác nhau tùy theo quyền lợi của họ, thì quốc gia không có Kỷ Cương. Trước sau rồi sẽ Loạn.

Trong lịch sử nhân loại, thứ Kỷ Cương được thi hành sớm nhất trên bảo dưới nghe. Nếu mọi người đều tuân theo mệnh lệnh của một ông trùm bộ lạc, thì loạn nữa. Thomas Hobbes (1588-1679) quan tâm nhất vấn đề an ninh, vì ông đã chứng kiến mấy lần nội chiến. Ông cho rằng xã hội loài người muốn sống an ninh, ngăn ngừa loạn ly, bạo hành, thì phải đồng ý với nhau có một “chính phủ mạnh.” Trong hợp đồng xã hội của ông, không cần đến quy tắc phân quyền. Các ông vua chắc rất thích ý kiến này. Các lãnh tụ độc tài sau này cũng vậy. Súng đẻ ra quyền hành, Mao Trạch Ðông nói như vậy. Kỷ Cương trong chế độ độc tài là trên bảo dưới nghe, Lãnh tụ thế nào cũng là một đấng anh minh. Tiêu biểu cho lập trường này là lời khẳng định: “Bác cháu chúng ta có thể sai nhưng đồng chí Stalin nói thì phải đúng, không thể sai được.” Không khác gì các tín đồ thuần thành tin một đức giáo chủ.

Các lãnh tụ đời sau không thể nhân danh “mệnh Trời” như các ông vua đời xưa thì họ bịa ra những thứ khác cũng trừu tượng không kém để nhân danh nó mà nắm quyền, tức là ra lệnh cho người khác. Có lãnh tụ nhân danh “ý chí của dân tộc” để sai bảo mọi người. Một thứ cũng có da có thịt nhưng được trừu tượng hóa là Ðảng. Lãnh tụ anh minh chết rồi, hào quang (charisma) không còn nữa, nhưng đảng thì vẫn còn. Chỉ cần đổi chủ từ: Ðảng lúc nào cũng đúng, là có thể chuyển uy quyền từ một lãnh tụ anh minh đã chết, sang một Ðảng. Max Weber (1854-1920) đã bàn nhiều về những thứ này. Uy quyền của một cá nhân được biến thành một thứ uy quyền kế thừa, theo tập tục. Ðứng đằng sau danh từ Ðảng này, có thể là bất cứ anh chị nào có tài leo lên đầu người khác để ngồi chỗ chóp bu. Làm cách nào leo lên được địa vị này, đó là chuyện nội bộ trong đảng. Leo lên được rồi, có thể truyền ngôi cho đời con, đời cháu, như ở Bắc Hàn, không khác gì thời quân chủ. Ðây là một thứ Kỷ Cương đã được duy trì ở nhiều nước, có khi dài tới cả trăm năm, cho tới khi sụp đổ.

Cuối cùng sẽ phải sụp đổ vì khi loài người bắt đầu khôn ra thì người ta không chấp nhận các thứ Kỷ Cương do một cá nhân hay một nhóm người áp đặt nữa. Loài người muốn được tham dự vào quyết định ai là người ra lệnh, ai phải vâng lời. Từ đó, mới có các thể chế tự do dân chủ. Ðó là khi nền tảng của Kỷ Cương được thay đổi. Từ căn bản bạo lực, từ nay Kỷ Cương được đặt trên Lý Lẽ.

Một trăm năm trước đây, Phan Châu Trinh là một nhà trí thức đầu tiên đã lên diễn đàn giải thích sự khác biệt giữ thứ Kỷ Cương dựa vào tư cách cá nhân ông vua cầm quyền, nó khác với thứ Kỷ Cương dựa trên ý muốn của người dân, diễn tả trong luật lệ do dân bầu cử người làm ra, không tùy thuộc cá nhân nào hết. Thật đáng tiếc khi thấy trong cuộc tranh cãi về Ðại Học Phan Châu Trinh vừa rồi, người ta không quan tâm đến những quy tắc cụ Phan đã nêu ra. Chúng ta thấy yếu tố cá nhân nổi bật, yếu tố luật pháp không được nêu rõ. Ông bí thư thành phố luôn miệng nói đến TÔI : Ðảng viên của tôi; tổ chức trực thuộc của tôi; bí thư đảng do địa phương tôi quản lý; Hiệu trưởng là đảng viên của tôi, tôi cũng bảo vệ đến cùng, vân vân. Câu hỏi là nếu những việc này xẩy ra không liên can đến đảng viên của ông, thì ông có phản đối hay không? Ông hành động vì phân biệt Chính và Bất Chính, vì luật pháp, vì Kỷ Cương, hay vì uy tín, quyền lợi cá nhân, vì địa phương? Chúng ta không vội vã trả lời những câu hỏi này, nhưng chỉ nghe qua các lời nói chúng ta thấy thói quen suy nghĩ của một thế hệ những người cầm quyền ở nước ta. Những người thi hành quyền lực, ở bất cứ địa vị nào, đều nhân danh quyền lợi chung. Một người cảnh sát thổi còi phạt xe, hay một ông chủ tịch xã đưa ra một thông cáo về việc đổ rác, đều nhân danh uy quyền của quốc gia. Họ được quốc gia ủy quyền làm những việc đó. Khi mọi người đều nghĩ như vậy, họ phải làm phận sự mà quốc gia trao cho, không còn cá nhân nữa. Như vậy, quốc gia có Kỷ Cương. Nếu những người ở các ấp được ủy quyền mà lại nghĩ đấy là uy quyền của cá nhân mình, thì quyền hành dựa trên cá nhân chứ không phải luật lệ. Xã hội đó vẫn có thể có Kỷ Cương, khi các cá nhân nắm quyền biết cách chia phần đều với nhau, ai cũng thỏa mãn. Nhưng đó là cách cai trị kiểu mafia, không phải thứ Kỷ Cương của một xã hội dân chủ. Liệu người Việt Nam có chấp nhận một thứ Kỷ Cương mafia hay không?

Nhà văn Nguyên Ngọc khi lên án quyết định của Bộ Giáo Dục đã phê phán: “Quá trình thanh tra, kết luận về trường mang đầy tính áp đặt, thiếu minh bạch, thiếu công khai dân chủ, thậm chí thiếu cả sự đối thoại.” Ông đã vượt lên trên phạm vi cá nhân và địa phương. Ông đã nói tới những “giá trị” tốt và xấu thí dụ như “áp đặt” (xấu), “minh bạch” (tốt), “công khai dân chủ, đối thoại” (tốt). Khi ông Nguyên Ngọc nêu ra các giá trị trên, để bác bỏ quyết định của Bộ Giáo Dục, chắc ông giả thiết rằng đó cũng là những giá trị được quý vị công chức đảng viên trong Bộ Giáo Dục công nhận. Giả thiết này không biết có đúng không. Nhưng khi được ông chủ tịch hội đồng quản trị một đại học nêu lên, thì chúng ta yên tâm rằng cả đại học này cũng coi đó là những giá trị đáng quý, đáng xiển dương. Trước đây, trong ngôn ngữ các đảng viên cộng sản không hay sử dụng các từ như “minh bạch,” “công khai.”

Những giá trị này quan trọng, cần được xã hội đồng ý, thỏa thuận với nhau. Vì ngay cả khi xã hội sống trong quy tắc dân chủ tự do thì, ai cũng biết, luật pháp không thể quy định tất cả các trường hợp có thể xẩy ra, mỗi trường hợp cho biết phải hành xử như thế nào. Xã hội nào cũng cần có sự thỏa thuận giữa các công dân về các giá trị đạo lý phải kính trọng, phải bảo vệ. Những giá trị đó cũng là nền tảng cho Kỷ Cương của một xã hội.

Ông Trần Văn Chính, một giám đốc trong Bộ Giáo Dục đang bị Ðại Học Phan Châu Trinh tố cáo là trước đây ông ủng hộ việc tổ chức thi tuyển sinh viên, sau này vì không thao túng được đại học cho nên ông tố cáo việc thi tuyển là sai. Ðại học kể trước đây “ông Chính và bà Trần Thị Thịnh bay từ Hà Nội vào Hội An trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi và ông Chính cũng tự làm bản kê khai để nhận các khoản tiền chi phí cho việc xin cấp chỉ tiêu, chi phí đề nghị xin thi tuyển (những chứng từ này nhà trường vẫn còn lưu giữ…). Ngoài ra, ông Chính còn kể và nhận nhiều khoản chi phí ‘ngoại giao’ khác ở Bộ Giáo Dục Ðào Tạo, kể cả chi phí cho việc… bổ nhiệm hiệu trưởng.”

Ðọc những lời kể tội này, chúng ta có thể ngạc nhiên không hiểu những chữ “chi phí” trên đây nghĩa là gì? Một đại học xin cấp chỉ tiêu phải chi. Xin tổ chức thi tuyển cũng phải chi. Muốn bổ nhiệm hiệu trưởng cũng phải chi nữa. Những khoản chi phí “ngoại giao” khác ở Bộ Giáo Dục Ðào Tạo nghĩa là gì? Tại sao những người cùng làm việc giáo dục lại phải ngoại giao với Bộ Giao Dục? Như vậy là có giáo dục hay không có giáo dục? Nhà Nho của chúng ta đã mỉa mai hỏi: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?” Cụ may mắn không phải sống trong năm 2010!

Mấy lời tố giác về ông Trần Văn Chính cũng lộ mặt thật của cả guồng máy công quyền. Nó dựa trên “chi phí,” nó chạy hay không là do “chi phí!” Bên cạnh guồng máy công an vĩ đại, guồng máy truyền thong dối trá và các món chi phí là thứ dầu mỡ bảo vệ Kỷ Cương của chế độ cộng sản. Xã hội Việt Nam hiện nay đang sống với một hệ thống giá trị khác hẳn những giá trị mà tổ tiên chúng ta đã sống trong hàng ngàn năm.

Nhưng ngay câu chuyện Ðại Học Phan Châu Trinh vừa rồi cũng cho chúng ta thấy rằng cả xã hội Việt Nam đang chuyển mình, đòi hỏi một thứ Kỷ Cương mới. Người Việt Nam không chấp nhận thứ Kỷ Cương dựa trên còng số 8 và chi phí! Ngay hiện tượng một nhà văn như Trần Mạnh Hảo dám công khai việt bài đòi Sự Thật cũng cho thấy người dân Việt Nam đang muốn thấy một thứ Kỷ Cương mới, trong đó Sự Thật là một giá trị.

@ NguoiViet

——————————————————————————————————————————————————————-

Chuyện làm ăn của Mỹ

Lữ Giang

Ngày 15.4.2010, khi được tin Citibank của Hoa Kỳ cấp vốn 200 triệu USD cho Việt Nam khai thác bauxite tại Lâm Đồng, rất nhiều người đã hỏi chúng tôi tại sao Mỹ làm như vậy?

Dự án tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai, Lâm Đồng, khởi công ngày 26.7.2008. Dự án này do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và công ty Chalieco của Trung Quốc làm nhà thầu chính. Người Việt chống cộng ở trong và ngoài nước đã phát động một chiến dịch rầm rộ chống lại dự án này, viện lý do việc khai thác bauxite có thể gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội và môi trường, và Trung Quốc sẽ lợi dụng sự khai thác này đem “quân” xâm chiếm vùng Tây Nguyên của ta.

Nếu những lý do nói trên là chính xác, tại sao Mỹ lại đi tiếp tay cho Việt Cộng và Trung Cộng? Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phải tìm hiểu Trung Quốc đang làm gì ở Việt Nam, sau đó mới có thể thấy Mỹ đang làm gì.

Ông Đỗ Tiến Sâm, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu của Trung Quốc cho biết:

“Trung Quốc hiện là đối tác thương mại của 220 quốc gia, là thầu khoán công trình ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, viện trợ ODA đến 90 nước và đầu tư FDI ở 129 nước. Cả bốn nội dung hợp tác kinh tế này đều có ở Việt Nam”.

Qua lời tuyên bố này, chúng ta thử tìm hiểu Trung Quốc đã làm ăn như thế nào tại Việt Nam, từ mậu dịch qua đầu tư đến đấu thầu.

Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy trong hơn 20 năm qua, cán cân mậu dịch của Việt Nam luôn bị thâm hụt, còn đầu tư FDI (Foreign Direct Investment) tức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tức từ Trung Quốc, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI của các nước đổ vào Việt Nam. Trong khi đó, tổng số trúng thầu EPC của Trung Quốc chiếm tới 90% các công trình điện, khai thác khoáng, dầu khí, luyện kim và hóa chất của Việt Nam.

THÂM THỦNG MẬU DỊCH DÀI DÀI

Trong năm 2008, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc số lượng hàng hóa có giá trị lên đến 15.652.126.000 USD, trong khi chỉ xuất cảng sang Trung Quốc được 4.535.670.000 USD. Cán cân mậu dịch của Việt Nam thâm hụt 11.116.456.000 USD.

Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp 24,4 lần trong 10 năm, từ 673 triệu USD năm 1999 lên 16,44 tỷ USD năm 2009. Trong khi đó, số hàng Việt Nam bán cho Trung Quốc chỉ tăng khoảng 6,6 lần, từ 746 triệu USD lên 4,91 tỷ USD. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, cán cân mậu dịch của Việt Nam đã thâm hụt tới 6,2 tỷ USD, chiếm 80% tổng số thâm hụt từ các nước.

Sở dĩ có sự thâm hụt nói trên là vì các lý do sau đây: (1) Giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc quá dễ dàng: Có chung đường biên giới trên bộ dài đến hàng trăm km. (2) Nhập hàng Trung Quốc về rẻ hơn và giản tiện hơn tự sản xuất, có lợi hơn. Sản phẩm của họ chất lượng tốt, giá lại rẻ, mua càng nhiều càng rẻ. (3) Người Trung Quốc giữ chữ tín và chiều chuộng đối tác.

CHỈ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP SƠ SÀI

Tài liệu do Việt Nam công bố cho thấy đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài – Foreign Direct Investment) của Trung Quốc tại Việt Nam như sau:

Tính đến 20.7.2010, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 733 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 3,17 tỷ USD trong đó vốn điều lệ là 1,4 tỷ USD. So với vốn đầu tư FDI mà các nước trên thế giới đã đổ vào Việt Nam hơn 188 tỷ USD (còn hiệu lực), đầu tư FDI của Trung Quốc chỉ chiếm có 1,5% và xếp thứ 14 trong số 91 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư, cho biết: Dự án lớn nhất mà Trung Quốc đã đầu tư là nhà máy sản xuất phôi thép của Công ty TNHH Fuco đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II (Bà Rịa – Vũng Tàu) với vốn đăng ký là 180 triệu USD. Một vài dự án khác có vốn đăng ký trên 100 triệu USD thuộc về các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khu công nghiệp, khu chế xuất tại Sài Gòn, Hải Phòng và Lào Cai.

Trung Quốc chỉ chú trọng thu hút FDI của các nước khác vào Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài rất ít. Trung Quốc đã thu hút được một số vốn đầu tư FDI nước ngoài lớn nhất ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới về thu hút vốn đầu tư FDI.

THẮNG 90% CÁC VỤ THẦU EPC

Như chúng tôi đã nói ở trên, cán câm mậu dịch của Việt Nam luôn thâm thủng nặng khi buôn bán với Trung Quốc và Trung Quốc chỉ đầu tư trực tiếp nhỏ giọt vào Việt Nam. Trái lại Trung Quốc đã chiếm hầu hết các vụ đấu thầu quốc tế EPC tại Việt Nam. Thầu EPC bao gồm toàn bộ các công tác cố vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp vận hành, v.v. Về các công trình điện, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam các công ty đấu thầu Trung Quốc đã chiếm tới 90%.

Bộ Công Thương cho biết có 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia làm tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án ở Việt Nam. 41 dự án này đều là dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng. Trong số đó có 12 dự án về điện lực, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Chủ đầu tư đều là những trụ cột kinh tế Việt Nam như Tập Đoàn Than – Khoáng Sản, Tập Đoàn Dầu Khí, Tập Đoàn Điện Lực, Tổng Công Ty Thép, Tổng Công Ty Hóa Chất.

Theo thống kê sơ bộ, lĩnh vực điện của Việt Nam đã thu hút các nhà thầu Trung Quốc nhiều nhất. Tổng số các dự án này là áp đảo so với các ngành khác. Hai tập đoàn lớn sau đây của Trung Quốc đã trúng thầu các lô đó, đó là Tập Đoàn Điện Khí Thượng Hải – Trung Quốc (SEC) và Tập Đoàn Đông Phương Trung Quốc. Năm 2007, Tập đoàn SEC đã trúng thầu cả 2 công trình nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2 với giá trị mỗi lô khoảng trên 400 triệu USD. Sau đó SEC lại trúng thầu dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trị giá 1,3 tỷ USD.

Tại sao Trung Quốc lại trúng thầu dễ như vậy?

Hiệp Hội Cơ Khí Việt Nam cho biết đấu thầu về giá, không có nhà thầu nào có thể vượt qua các nhà thầu Trung Quốc. Theo luật Việt Nam, ở giai đoạn 1 sơ tuyển về năng lực và kinh nghiệm, các nhà thầu Trung Quốc đều vượt qua, kể cả các nhà thầu không có kinh nghiệm, vì họ có thể thuê các nhà tư vấn có kinh nghiệm thầu hoặc liên kết với một số nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm thầu. Đến giai đoạn 2 là đấu giá thương mại thì không ai cạnh tranh nổi với các nhà thầu Trung Quốc.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ Trưởng Vụ Năng Lượng, Bộ Công Thương nói: “Và khi đó, với một mức giá rẻ như vậy, cộng với cam kết về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, thì không có lý do gì mà Việt Nam “từ chối” hồ sơ của họ, nhất là khi chúng ta luôn thiếu vốn làm điện”.

Sau khi trúng thầu, 100% công việc tại dự án đều do các công nhân từ Trung Quốc được “nhập khẩu” vào để thực hiện, từ lao động phổ thông như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ, cho đến kỹ sư, công nhân, lắp máy và vật tư, v.v. Đây là “đoàn quân” được nhóm người Việt chống cộng mô tả như là đoàn quân Trung Quốc xâm chiếm nước ta, nhưng Đại Sứ Mỹ Michalak bênh vực: “Tôi cho rằng tình hình thực tế tại hiện trường có nhiều khác biệt, so với những câu chuyện gieo hoang mang sợ hãi mà tôi đã được nghe. Tôi tin là những câu chuyện ấy đã được… nói thế nào nhỉ, “thổi phồng”…

Rất nhiều người lo ngại về chất lượng của các công trình mà Trung Quốc đã thực hiện.

VÀI NÉT VỀ DỰ ÁN BAUXITE

Có thể nói, trong lãnh vực khai thác khoáng nhôm và bauxit hiện nay tại Việt Nam, Trung Quốc gần như trúng 100% gói thầu EPC. Nhật và Úc đành chào thua.

Tại Tây Nguyên, Công ty công trình quốc tế nhôm Trung Quốc Chalieco đã trúng lô thầu ở Lâm Đồng của Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam với trị giá 466 triệu USD. Đây cũng là một dự án lớn nhất của ngành khai thác khoáng Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng VN. Chỉ 2 năm sau, mặc dù việc triển khai dự án ở Lâm Đồng tiến triển chậm, Chalieco vẫn trúng thầu dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông với trị giá lớn hơn: 499,2 triệu USD.

Báo cáo ngày 22.5.2010 của chính phủ gởi cho Quốc Hội có ghi như sau:

“Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bô-xít lớn trên thế giới. Tổng trữ lượng quặng bô-xít đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn (đứng thứ 3 thế giới), trong đó khu vực miền Bắc khoảng 91 triệu tấn, còn lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam khoảng 5,4 tỷ tấn. Trữ lượng đã xác định khoảng 4,4 tỷ tấn, dự báo khoảng 1 tỷ tấn. Đây là yếu tố quan trọng và quyết định việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin và nhôm kim loại Việt Nam”.

Nguồn tài nguyên bô-xít của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn, trong đó Đăk Nông khoảng 3,4 tỷ tấn (chiếm 63% tổng trữ lượng), Lâm Đồng khoảng 975 triệu tấn (chiếm 18%), Gia Lai – Kon Tum khoảng 806 triệu tấn (chiếm 15%) và Bình Phước khoảng 217 triệu tấn (chiếm 4%). Mặc dù Tây Nguyên là địa bàn kinh tế – xã hội còn khó khăn, cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí còn hạn chế, nhưng lại là khu vực có lợi thế về nguồn tài nguyên bô-xít chiếm 98,2% tổng trữ lượng và tài nguyên bô-xít.

MỸ PHẢI NHẢY VÔ

Trước triển vọng và tình trạng nói trên, Mỹ phải nhảy vô vì không muốn để cho Trung Quốc độc quyền khai thác bauxit tại Việt Nam. Công ty khai thác bauxite Aluminum Company of America của Mỹ có thể cạnh tranh với với các công ty của Trung Quốc.

Hiện nay trên thế giới có 38 nước có bauxite, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Úc, Nhật, Pháp, Canada, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai, v.v. Dĩ nhiên là khi các công ty khai thác bauxite của Hoa Kỳ, Úc hay Nhật trúng thầu khai thác bauxite tại Việt Nam, họ phải có phương pháp để bảo đảm việc khai thác không phương hại đến môi trường. Vấn đề là làm sao cạnh tranh được với Trung Quốc vì Trung Quốc bỏ thầu vói giá quá thấp.

Hoa Kỳ không phải chỉ cạnh tranh với Trung Quốc về khai thác bauxite mà còn muốn trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Như chúng tôi đã nói, đầu tháng 6 vừa qua, một phái đoàn kinh doanh Hoa Kỳ thuộc tổ chức Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Asean có trụ sở ở Washington DC, gồm 23 đại diện các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hoa Kỳ đã đến viếng thăm Việt Nam để chuẩn bị kế hoạch tham gia đầu tư về hạ tầng tại Việt Nam. Trong bước đầu, Hoa Kỳ sẽ hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Sài Gòn và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cơ sở hạ tầng không chỉ là đường xá, cầu cống mà còn là sự đồng bộ của trường học, bệnh viện, hệ thống xử lý rác thải, công viên.

Mỹ muốn dùng Việt Nam làm tiền đồn ngăn chận sự phát triển của Trung Quốc xuống Đông Nam Á về cả quân sự lẫn kinh tế, và cũng từ Việt Nam Mỹ mở rộng thị trường tại Đông Nam Á.

Người Việt hải ngoại theo chủ trương diễn biến hoà bình của Mỹ coi đây như là một cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động làm thay đổi trên quê hương. Còn người Việt hải ngoại theo đuổi chiến tranh lạnh vẫn ngồi ở Bolsa tố cáo nhau là “hoà hợp hòa giải với cộng sản”, tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng, hăng say đi đập mấy con dán và hô thắng lợi. Mỹ làm gì ở Việt Nam mặc Mỹ.

Ngày 10.8.2010.

Lữ Giang

@Thongluan

—————————————————————————————————————————————————————–