ĐÁM CƯỚI NGƯỜI MÌNH YÊU

Biết tin em đi lấy chồng

Tiếc thầm chú rể… lại không phải mình!

Thôi đành chào nhé môi xinh

Thôi đành gói lại – cất hình bóng em

Thôi đành móc túi ra xem

Tính qua, tính lại… mừng em thế nào?

Thôi đành kiếm cái phong bao

Tặng em một “vé” hư hao má hồng…

Thế mà ngày em lấy chồng

Ngẩn ngơ anh lại… quên không mang tiền!

Việt An -Lucbat.com

———————————————————————————————————————————————————————————–

Những pha “trói” người yêu

Những pha “trói” người yêu Có người hy vọng vào một cái kết “có hậu”, có người biết trước được kết cục chẳng mấy tốt đẹp, nhưng vì tình yêu mù quáng, họ chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, miễn là níu giữ bằng được đối phương.


“Tình dục” – “bổn cũ soạn lại”

Biết Huy có cảm tình với cô bạn thân của mình nhưng vì quá yêu, Vân vẫn tìm mọi cách để được gần anh. Vốn có một thân hình “bốc lửa”, Vân ra sức tận dụng “thế mạnh” của mình. Có việc gì cần “nhờ vả”, Vân điện thoại ngay cho Huy với giọng điệu hết sức “thê thảm”, “khẩn thiết”. Vài phút sau, Huy có mặt ngay tức thì, tận tình giúp đỡ cô bạn gái xinh đẹp.

Những lần gặp nhau ngắn ngủi ấy, Vân lại biết cách “dụ dỗ” Huy bằng nhiều hành động khác nhau. Trước khi tiến hành “kịch bản”, bao giờ cô cũng chọn cho mình những bộ cánh sexy nhất, khêu gợi nhất. Rồi thì khi gặp “người trong mộng”, lại phải sử dụng nhiều chiêu “vô tình lộ hàng” khác, ví dụ như giả vờ đánh rơi ví, cúi xuống để lộ vòng 1 nóng bỏng, “vô tình” va chạm vào người “đối phương”… Nhiều lần rơi vào tình trạng “không thể chống đỡ”, Huy bắt đầu ngại tiếp xúc với Vân.

Nhưng Huy càng tránh mặt, Vân càng cố tạo ra nhiều cớ để được gặp anh. Sự chủ động của Vân đã làm cho Huy nhiều phen rơi vào tình trạng “tình ngay lý gian” với bạn bè. Ngay cả “đối tượng” mà anh định tiếp cận là cô bạn gái của Vân cũng “chạy mất dép” vì nghĩ rằng hai người đã thành một đôi.

Chưa là người yêu của nhau nhưng Vân luôn cố tình làm cho mọi người hiểu nhầm. Huy đi đâu, làm gì, Vân cũng cố tình “đeo bám” cho bằng được. Vốn lịch sự, lại hay cả nể, Huy đành “chậc lưỡi” để cho Vân đi theo. Báo hại, trong những lần “bám càng” ấy, Vân đã chủ động “đẩy” mối quan hệ của hai người sang một “trang” mới. Ngồi ở chốn đông người, có khi thì Vân nhờ Huy lấy dùm cái này, cái kia, có khi thì ngồi “sát sàn sạt” và chủ động “chăm sóc” tận tình, không quên kèm theo những câu nói ngọt ngào khiến ai nghe thấy cũng phải “nóng” mặt.

Đã nhiều lần Huy “bóng gió” với Vân rằng, anh chỉ xem cô như một người em gái. Nhưng chẳng bao giờ Vân chịu nghe cho hết câu. Biết được tính cả nể của Huy, Vân tìm mọi cách để đưa Huy vào thế bí. Kết quả, vì không muốn “sỗ sàng” làm tổn thương người đẹp, Huy đành phải để cho Vân “dính” lấy mình như hình với bóng.

Thấy chiêu “lỳ” tỏ ra có hiệu quả, Vân chuyển sang giai đoạn tấn công tiếp theo. Những hôm gia đình có công chuyện, Vân nài nỉ Huy về nhà và “giới thiệu thẳng thừng”: “đây là người yêu của con”. Nhiều lần như thế, Huy không còn đường “rút”. Nhất là khi Vân “thỏ thẻ”: “Mình cưới nhau đi, em đã có thai 3 tháng rồi”. Huy “giật nảy” mình, không nhớ là mình đã làm “chuyện đó” với Vân khi nào.

“Đau ốm”

Khác với chiêu “lỳ”, “bắt vạ” của Vân, Miên lại dùng chiêu chiều chuộng, “khóc lóc”, “dọa dẫm”, gợi sự thương hại từ người đàn ông mình yêu để trói buộc.

Yêu nhau được một thời gian, nhận thấy tình cảm của người yêu càng ngày càng nhạt, Miên ra sức níu kéo. Hết chiều chuộng, chăm sóc để cho Nam cảm động, Miên lại dùng “khổ nhục kế”, luôn kêu đau ốm, bệnh tật. Nghĩ tình cảm đã có với nhau mấy năm, giờ người yêu lại đau ốm, mình bỏ đi mang tiếng “bất nhân, bất nghĩa” nên Nam cũng không nỡ.

Thế là một cuộc “hành xác” thực sự xảy ra đối với tình yêu của Nam và Miên. Cô cố tình nhịn ăn, nhịn uống để luôn ở trong tình trạng “xanh như tàu lá”, trời mưa, trời nắng, Miên cũng mặc kệ, không chú ý giữ gìn sức khỏe vì mục đích cuối cùng của cô là “bị ốm để được người yêu chăm sóc”. Chiêu này của Miên tỏ ra có hiệu quả.

Bằng chứng là, nhìn người yêu ngày càng gầy yếu, xanh xao, Nam thấy thương vô cùng. Anh mua nhiều thứ để Miên tẩm bổ, bồi dưỡng, không quên chăm sóc cô chu đáo. Thấy vậy, Miên “áp dụng” chiến thuật ngày càng “dày đặc” hơn. Báo hại Nam đi đâu cũng bị Miên gọi điện thoại réo gọi. Khi thì: “Anh ơi, em bị sốt”, lúc lại: “Anh ơi, em thấy khó chịu trong người”… làm Nam không thể có thời gian dành cho riêng mình.

Lâu dần, Nam đâm chán. Anh cũng đủ thông minh để nhận ra, cứ mỗi lần anh có việc ra ngoài hay lơ là chăm sóc, y như rằng, người yêu “đổ bệnh”. Cái kiểu “ốm” của Miên lại cứ dai dẳng, cứ phải có người yêu ở bên mới “đỡ” được. Nam thấy mình như đang hành nghề “y tá nam” chứ không phải đang yêu một người phụ nữ. Có hôm, Nam hơi to tiếng một tí, Miên lại “xây xẩm mặt mày” lăn đùng ra giữa nhà làm anh một phen “hết hồn”. Chút tình yêu còn sót lại với Miên cứ thế vơi dần, Nam thấy mình đang gánh trên vai một gánh nặng thì đúng hơn.

Những cái kết được báo trước

Đúng như mong muốn của những “người giăng bẫy”, “con mồi” cuối cùng cũng đã thuộc về tay họ, không thể chạy thoát. Cả Vân và Miên đều đạt được ý nguyện bằng những đám cưới linh đình.

Nhưng họ không đủ tinh tế để nhận ra sự khó chịu, miễn cưỡng nơi người đàn ông của mình. Huy và Nam đều có cảm giác “bị lừa”, bị bắt buộc. Vì tính cả nể, vì trách nhiệm, họ chấp nhận bị “trói buộc”, nhưng như người ta vẫn nói, chẳng có gì trói buộc được một linh hồn.

Một thời gian sau ngày cưới, chính Vân đã phải nếm “trái đắng”, khi chồng cô phát hiện chuyện có thai chỉ là một “màn kịch hoàn hảo” đã dựng sẵn. Chấp nhận đám cưới cũng chỉ vì cái thai, nên bây giờ, Huy thấy mình “ngu”, cảm giác “bị lừa” làm anh không thể gần gũi với người vợ ma mãnh. Chính anh đã thốt lên với vợ: “Cô đã đạt được ý nguyện của mình rồi thì tôi cũng xin nói thẳng, thể xác của tôi cô có thể nắm, còn tôi nghĩ gì, không bao giờ cô biết được đâu”.

Vân rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều người bảo Huy điên, có được vợ đẹp mà không biết đường giữ, nhưng chẳng mấy ai hiểu được, ngay từ đầu, Vân đã không cho anh cái quyền được tự do yêu đương và rung động.

Chuyện của Miên cũng chẳng sáng sủa gì. Cứ thấy vợ xanh xao, gầy yếu, Nam đâm chán, chẳng còn hứng thú “gần gũi”. Tình yêu đối với Miên cũng đã nhạt nên những việc anh làm với Miên bây giờ, có chăng cũng chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì bố mẹ Miên giục cưới, Miên cũng đã nhiều lần “dọa” nếu anh bỏ cô, cô sẽ “chết cho anh ân hận suốt đời” nên Nam nhắm mắt cưới cho yên chuyện.

Nhưng khi cưới xong rồi, Nam lại chẳng mấy khi về nhà, mặc cho vợ “dọa chết”. Anh “đóng đô” ở công ty và la cà thường xuyên với mấy ông bạn nhậu. Mới cưới vợ nhưng ít khi người ta thấy anh vui vẻ. Nam tâm sự: “Vui vẻ gì nổi. Mình chẳng còn thấy yêu thương, chỉ thấy mỏi mệt”.

Thế mới biết, hôn nhân hạnh phúc luôn cần sự tự nguyện của cả hai. Khi hai tâm hồn không đồng điệu, không tìm được sự hòa hợp thì việc ở chung dưới một mái nhà chỉ càng thêm “đày đọa” nhau, càng “đẩy” nhau rơi vào vũng sâu của bi kịch gia đình.

Theo Đinh Lăng

@ Eva

——————————————————————————————————————————————————————-

TIN CẬP NHẬT NGÀY 11-8-2010

Thủ tướng Nga Vladimir Putin lái thủy phi cơ và dập tắt lửa ở hai đám cháy rừng ở tỉnh Ryazan hôm qua.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin lái máy bay đi cứu rừng. Ảnh: RIA Novosti.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin lái máy bay đi cứu rừng. Ảnh: RIA Novosti.

Putin cùng lái chiếc phi cơ Be-200 trong vòng nửa tiếng hôm qua. Phi cơ lấy nước từ sông Oka và đổ xuống khu rừng đang bốc cháy cách thủ đô Maxcơva 200 km về phía đông nam. Thủ tướng đã đổ khoảng 12 tấn nước xuống mỗi đám cháy rừng này và dập tắt lửa ngay lập tức, RIA Novosti cho hay.

Sự kiện này diễn ra khi tỷ lệ ủng hộ thủ tướng và tổng thống Nga đang suy giảm. Nhà xã hội học Leonty Byzov nói với tờ Vedomosti rằng tỷ lệ ủng hộ Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev có thể xuống tới 40% trong vòng 6 tháng.

Cháy rừng đang hoành hành ở 17 vùng của Nga. Hàng nghìn công nhân và binh sĩ làm việc suốt ngày đêm trong 3 tuần qua để chế ngự hỏa hoạn ở các khu vực bị ảnh hưởng, khiến 50 người thiệt mạng và 2.000 người mất nhà cửa. Vệ tinh Terra và Aqua của NASA xác định còn tới 377 điểm “nóng” ở Nga hôm qua, giảm 65 điểm so với hôm 8/8. Đợt nóng kỷ lục ở miền trung Nga sẽ còn tiếp tục tới giữa tháng 8, các nhà khí tượng học cho hay.Cháy rừng do tình trạng nắng nóng và khô hạn ở miền trung gây ra đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế Nga với thiệt hại ước tính là 15 tỷ USD. ( DatViet )

—————————————————————————————————————————————————————

Hơn 100 lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển đình công
Hàng năm, có hàng ngàn người Châu Á đến Thụy Điển vào dịp hè để thu hoạch dâu tây (DR)

Hàng năm, có hàng ngàn người Châu Á đến Thụy Điển vào dịp hè để thu hoạch dâu tây (DR)

Theo hãng tin Pháp AFP, vào hôm qua, 10/08/2010, trong hai vụ việc khác nhau, khoảng 120 người Việt Nam qua làm công việc hái các loại dâu tây tại Thụy Điển đã đình công để phản đối điều kiện lao động áp đặt cho họ. Tuy được trả khoảng 2000 đô la mỗi tháng, nhưng vì giá sinh hoạt ở Thụy Điển khá cao, nên đồng lương không đáp ứng nổi.

Vụ đình công thứ nhất nổ ra tại Dalarna, một hạt (tương đương với cấp tỉnh ở Việt Nam), miền trung Thụy Điển, có 70 người tham gia. Trong vụ này, theo ông Hans-Aake Hedin – một nhân viên cảnh sát địa phương cho biết là các lao động Việt Nam đã nhốt 6 đốc công của họ trong một căn phòng tại nơi ở của họ vốn trước đây là môt trường học.

Vấn đề là theo viên cảnh sát nói trên, không những 6 đốc công người Việt bị giam cầm, mà họ còn bị đánh đập, thậm chí, có hai người còn bị trói. Các nạn nhân này sau đó đã được giải cứu, và cảnh sát đang truy tầm những người chịu trách nhiệm về các hành vi bạo đông này.

Bên cạnh cuộc đinh công tại Dalarna, theo cũng theo AFP, khoảng 50 lao động Việt Nam tại thị xã Nordmaling, miền Bắc Thụy Điển, cũng bỏ việc để tuần hành từ khu cư xá của họ ra biểu tình ngồi dọc theo một con đường.

Theo ông Magnus Haglund, một viên chức chính quyền địa phương, thì nhà chức trách địa phương chưa rõ yêu sách của những người biểu tình vì những người này rất ít liên lạc với chính quyền sổ tại. Tuy nhiên ông cho biết thêm : “Những người phụ trách khu nhà ở của những công nhân này đồng thời là người đã có thỏa thuận với giới chủ công ty thu mua dâu tây cũng như với phía công ty quản lý lao động ở Việt Nam, đã thuyết phục các lao động này quay lại làm việc để giải quyết tranh chấp”.

Cuộc đình công của lao động Việt Nam tại Dalarna diễn ra ít lâu sau một vụ đinh công khác của 120 lao động Trung Quốc, vào thứ sáu tuần trước, để phản đói chế độ lương bổng của họ. Theo hãng AFP, hàng năm đều có hàng ngàn người Châu Á, chủ yếu là từ Thái Lan, đến miền Bắc Thụy Điển lao động vào dịp hè để thu hoạch dâu tây, loại mọc dại. Nhiều khi họ phải làm việc trong những điều kiện rất nặng nhọc.

Năm nay, giới chủ đã phải đồng ý mức lương tháng tối thiểu là 16.372 kronor, tương đương với 2321 đô la, Tuy nhiên, theo một số công đoàn Thụy Điển, do chi phí cuộc sống ở nước này khá cao và thường công nhân phải tự lo nơi ở, phương tiện đi lại và vé máy bay khứ hồi, cho nên đồng lương không đáp ứng nổi.

Đây không phải là lẩn đầu tiên lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển đình công phản đối điều kiện làm việc khắc nghiệt. Vào thời điểm này vào năm ngoái, cũng đã xẩy ra một vụ đình công tương tự của 120 người Việt Nam làm công việc hái dâu tại Branas, hạt Varmlands miền Tây Thụy Điển.

Theo báo địa phương Värmlands Folkblad, các lao động Việt Nam khi ấy đã cho rằng họ không được trả lương tương xứng dù đã phải làm việc trong những điều kiện rất cực nhọc. Theo những người lao động này, họ phải chi 15.000 kronor (2.000 USD) đặt cọc cho hai tháng ở Thuỵ Điển, cộng với 9.000 kronor tiền ăn uống và thuê phòng trọ, nhưng chỉ được trả lương 14 kronor/kg. Nếu làm việc và lãnh lương ở mức đó, họ không thể kiếm đủ tiền chi trả cho số tiền mà họ đã phải bỏ ra để qua Thuỵ Điển làm việc. Chị Lê Thị Hồng, một lao động Việt Nam cho biết: “Những người tuyển dụng nói rằng chúng tôi có thể hái từ 60-120 kg dâu/ngày. Nhưng điều này hoàn toàn không thể, cố gắng lắm chúng tôi mới hái được 10-30 kg/ngày”.

Tại Việt Nam một số người từng đi lao đông hái dâu tại Thụy Điển vào mùa hè năm 2009 cũng đã rất phàn nàn về điều kiện làm việc thực tế, nhiều khi không đúng với những gì đề ra khi tuyển dụng. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm ngoái đã ghi nhận lời chứng của một số người làm việc tại Thụy Điển từ tháng 07 đến 09 như sau :

« Chị Nguyễn Thị Hương ở Thanh Hóa, để có được công việc hái dâu, đã mất gần 40 triệu đồng trả chi phí môi giới, vé máy bay, visa và còn phải chạy tiền đặt cọc chống trốn 36 triệu đồng. Sang Thụy Điển, sau hai tháng làm từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chị kiếm được 67 triệu đồng. Trừ đi chi phí ban đầu, trả tiền lãi cho các khoản vay, khấu trừ các khoản sinh hoạt phí khác, chị không đủ thu hồi vốn. Anh H. ở Nam Định đi cùng đợt với chị Hương cũng phàn nàn: “Ngỡ sang sẽ được hái quả ở nông trường, hóa ra phải tự đi tìm. Tiền xăng xe, thuê lái xe, mua trang phục phản quang để đi hái dâu trong rừng chúng tôi phải tự lo. Làm việc cật lực nhưng cuối cùng tôi chỉ thu được 800 ngàn đồng” ».

Ngay cả giới lao động thời vụ Thái Lan cũng than phiền. Theo Nhật báo Bangkok Post, cuối tháng 8/2009, 27 lao động Thái Lan từ Thụy Điển về nước đã kiện vế tội đánh lừa họ trên hợp đồng sang Thụy Điển hái dâu. Các công ty môi giới hứa hẹn họ có thể kiếm từ 100.000 đến 200.000 baht. Tuy nhiên thực tế trái ngược hẳn. ( RFI )

——————————————————————————————————————————————————————

Không “bắn mây” ngăn mưa dịp Đại lễ

Trước sự tốn kém, phức tạp của phương án bắn mây ngăn mưa trong dịp Đại lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhất trí với việc không áp dụng phương án này như đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch.

Tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã báo cáo xin lùi thời gian trình Ban tổ chức phương án can thiệp khi gặp thời tiết bất lợi đến ngày 18/8 vì đến nay chưa xác định rõ được công nghệ và kinh phí thực hiện.

“Sau ngày 18/8 nếu Bộ TN & MT không đưa ra được phương án thực hiện đề nghị Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm cho ý kiến đề Ban tổ chức triển khai phương án dự phòng khi gặp thời tiết bất lợi, không thể tổ chức tại quảng trường Ba Đình”, ông Thọ nói.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, việc bắn mây nước ta chưa làm bao giờ và cũng rất tốn kém. Ông Tuấn Anh đề nghị, nếu dịp Đại lễ mưa nhỏ, mưa vừa, phải chấp nhận mặc áo mưa, còn nếu mưa lớn phải tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình thay vì tổ chức tại quảng trường Ba Đình.
Cần một “kịch bản” chu đáo cho trường hợp mưa lớn trong dịp Đại lễ (Ảnh: Tiến Nguyên)

Có cùng quan điểm lo ngại tốn kém như ông Tuấn Anh, nhưng Chủ tịch UBND Thành phố, Nguyễn Thế Thảo còn cho rằng, việc bắn mây cũng có giới hạn và trong trường hợp mưa bão không thể bắn được.

Từ những phân tích của mình, ông Thảo hạ quyết tâm “mưa cũng làm” chỉ trừ trường hợp mưa bão. Tuy nhiên, theo ông Thảo phải có phương án dự phòng trong trường hợp có mưa.

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu bắn mây phải tốn vài chục triệu đô, chưa kể việc nước ngoài phải đưa máy bay vào bắn, rất phức tạp. “Nếu ta làm được thì nên làm, đằng này ta chưa làm được thì thôi”, Phó Thủ tướng đồng ý với các đề xuất.

Theo Phó Thủ tướng, cần có sự chủ động ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết và dù Đại lễ là dịp hết sức quan trọng, nhưng cũng cần phải tiết kiệm.

Bên cạnh lo ngại về vấn đề mưa, để bảo đảm an toàn cho máy bay trực thăng bay qua Quảng trường Ba Đình trong ngày 10/10, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Ban tổ chức cũng đã đề xuất Ban chỉ đạo xem xét cho chuyển nội dung các cháu thiếu nhi thả bóng bay và chim bồ câu về mốc sau chương trình nghệ thuật, tức vào đúng 10giờ, 10 phút.

Theo Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, việc thả chim bồ câu vào 10 giờ, 10 phút đúng thời điểm kết buổi lễ sẽ tạo được dấu ấn.

Cấn Cường ( DanTri )

————————————————————————————————————————————————————–

Nếu ‘bắn mây’ ngăn mưa dịp đại lễ sẽ tốn 1 tỷ USD

Chiều 10/8, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý với đề xuất không “bắn mây” ngăn mưa và không triển khai dàn kèn đồng 1.000 người, dàn hợp xướng 1.000 người biểu diễn dịp đại lễ.

Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nêu ý kiến, do không duyệt binh trên không vào sáng 10/10, nên không cần thiết phải “bắn mây” phòng thời tiết xấu, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn. Thay vào đó, nếu trời mưa lớn thì thành phố sẽ có phương án chuyển tới Trung tâm Hội nghị quốc gia để tổ chức đại lễ.

Vấn đề của Chủ tịch Hà Nội đưa ra dựa trên một số ý kiến của các ngành chức năng khi lo ngại Hà Nội mưa lớn trong những ngày diễn ra đại lễ 1000 năm. Tuy nhiên, kinh phí cho việc này là khá lớn. Mỗi lần “bắn mây” để ngăn mưa trong 3 ngày có thể tiêu hết hơn một tỷ USD.

Hà Nội sẽ không “bắn mây” ngăn mưa dịp đại lễ. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chiều 10/8, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự chuẩn bị của các Tiểu ban thuộc Ban chỉ đạo quốc gia cho 3 hoạt động chính trong 10 ngày. Dự kiến, Lễ khai mạc vào sáng 1/10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ; Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình và Đêm hội văn hóa nghệ thuật vào tối 10/10 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Phó thủ tướng lưu ý UBND Hà Nội về khâu xét duyệt các kịch bản của các hoạt động trên và chuẩn bị kỹ lưỡng bài phát biểu tại Lễ mít tinh, bài giới thiệu các khối diễu binh. “Những bài viết này phải thật đầy đủ, trang trọng, khái quát ý nghĩa văn hóa, quá khứ và tương lai của thủ đô 1000 năm văn hiến, anh hùng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không triển khai dàn kèn đồng 1.000 người, dàn hợp xướng với 1.000 người trước khán đài B, C tại Quảng trường Ba Đình, mà thay vào đó là khối quần chúng hể hiện bài hát ngợi ca Hà Nội tại sáng 1/10; cho phép lắp đặt màn hình LED phục vụ nhân dân theo dõi truyền hình trực tiếp mít tinh, diễu binh, diễu hành.

Về sự kiện Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội chuẩn bị thật chu đáo khi mở cửa cho khách tham quan Hoàng thành Thăng Long trong dịp diễn ra đại lễ và tổ chức Lễ đón nhận quyết định di sản vào sáng 1/10.

Theo Ban tổ chức, đến nay, phần kịch bản Khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được phê duyệt. Theo đó, sân khấu cho Lễ khai mạc 10 ngày đại lễ ở vườn hoa Lý Thái Tổ được thiết kế giống như cung điện, chính giữa là một cuốn thư, hai bên là dàn trống, kèn do hàng trăm nghệ sĩ diễn viên biểu diễn.

Xung quanh hồ Hoàn Kiếm trong 10 ngày đại lễ sẽ có 5 sân khấu nhỏ hơn với các chủ đề như “Lịch sử anh hùng”, “Thăng Long- Hà Nội Thủ đô văn hiến”; “Thăng Long – Hà Nội, thành phố Vì Hoà bình”; “ Hội nhập và phát triển”, “Hà Nội là trái tim cả nước” dành cho các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn phục vụ công chúng.

Đoàn Loan ( VN Express )

——————————————————————————————————————————————————————–

Những sinh viên có thu nhập “khủng”

Dù chưa tốt nghiệp ĐH nhưng mức tiền lương mà những bạn sinh viên này nhận được từ việc làm thêm lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương “khủng” như vậy nhưng công việc cũng không hề ảnh hưởng đến việc học tập hiện tại của các bạn.
Quản trị viên tập sự với mức lương hơn 10 triệu đồng!
Chàng sinh viên năm cuối khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương cơ sở II  TPHCM Hoàng Lê Vinh đã có ngót nghét 4 năm kinh nghiệm làm part-time. Ngay từ khi chân ướt chân ráo bước vào cổng trường đại học, Vinh đã tìm đến với hàng loạt công việc part-time. Ban đầu, Vinh xin làm nhân viên bán hàng điện thoại di động, rồi làm tư vấn bán hàng, gia sư…
Cuối năm thứ hai, Vinh quyết tâm sẽ làm thêm chăm chỉ trong 1 tháng để có thể mua được chiếc laptop phục vụ cho việc ôn thi TOEFL iBT. Để có thể đạt được mục tiêu đó, Vinh đã không ngần ngại nhận nhiều việc làm thêm cùng một lúc: gia sư, bán hàng, tư vấn kinh doanh. Hiện tại, Vinh đang làm cho Công ty PepsiCo Việt Nam trong chương trình Quản trị viên tập sự với thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Hoàng Lê Vinh với mức lương tập sự hơn 10 triệu đồng/tháng
Bận rộn với công việc làm thêm, nhưng Vinh vẫn làm cho mọi người nể phục vì bảng thành tích dày đặc của mình: Sinh viên 3 tốt năm học 2008-2009; Học bổng AmCham 2009; Đại biểu chương trình “Nghiên cứu Hoa Kỳ dành cho thủ lĩnh sinh viên năm 2009”; Giải 3 cuộc thi viết tiếng Anh “Turning dreams into reality” của Education USA; Giải khuyến khích cuộc thi viết tiếng Anh “Khởi nghiệp cùng Prudential”….
Khi được hỏi về bí quyết sắp xếp thời gian, Vinh khiêm tốn trả lời: “Thực sự, tớ vẫn không nghĩ mình quản lý thời gian thực sự hiệu quả. Tớ chỉ có một số bài học rút ra đó là: phải biết xác định rõ mục tiêu và có cái nhìn dài hạn, và đừng để bị cuốn theo với những mục tiêu ngắn hạn. Mình là sinh viên, mục tiêu hàng đầu vẫn là việc học, nên khi thời gian dành cho việc làm thêm lấn át thời gian dành cho việc học, phải biết tỉnh táo và mạnh dạn điều chỉnh”.
Nhận mức lương có 8 chữ số với nghề người mẫu
Những lợi thế về mặt ngoại hình đã giúp cô bạn đời cuối của thế hệ 8X có cho mình một công việc làm thêm thật lý tưởng: làm người mẫu. Cô sinh viên năm 3 khoa Du lịch, Viện ĐH Mở Hà Nội đã có 3 năm dày dạn kinh nghiệm làm nghề người mẫu.
Ngay khi là sinh viên năm thứ nhất, Hà đã đi làm thêm với công việc bán hàng trong khu trung tâm thương mại Vincom. Cô bạn xinh xắn đã được nhiều nhà tuyển dụng “để mắt” và mời tham gia một số chương trình. Năm 2008, Hà đạt danh hiệu Miss IT Go. “Danh hiệu này mở ra nhiều cơ hội làm việc cho mình hơn”, Hà nói.
Quyết định đầu quân cho công ty Venus miền Bắc, lịch làm việc, học tập của Hà trở nên kín đặc. Hà được công ty sắp xếp lịch đi quay, đi biểu diễn hay đi chụp quảng cáo cho các thương hiệu sản phẩm. Bạn tâm sự: “Làm người mẫu cũng không dễ tí nào nhất là khi mình vẫn đang là sinh viên. Dù bận nhưng mình cũng nhất quyết không “hy sinh” việc học, mình vẫn tham gia đủ các buổi học tại trường”. Thỉnh thoảng, Hà còn có cơ hội được đi giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài theo chương trình của Tổng cục Du lịch.
Cô bạn còn cho biết thêm, với số tiền lương nhận được hằng tháng, bao giờ cũng có 8 chữ số, Hà có thể chi tiêu thoải mái và còn gửi mẹ giữ dùm. “Quan trọng nhất, công việc này giúp mình học hỏi được cách ứng xử và có những hiểu biết thực tế về văn hóa những nơi mình đã đến. Đây là những kiến thức cần thiết cho một sinh viên ngành du lịch như mình”, Hà nói.
Chàng sinh viên có thu nhập 20 triệu đồng/ tháng
Hiện là sinh viên năm cuối, khoa Marketing, trường ĐH Thương mại nhưng Vũ Quốc Huân đã đạt được mức thu nhập ổn định và khá cao từ gần 3 năm nay. Công việc của Huân là trưởng nhóm kinh doanh tại FPT Telecom. Cậu cũng nhiều tháng đạt danh hiệu “Nhân viên xuất sắc nhất tháng” và còn được treo ảnh ở FPT nữa. Khác xa với tưởng tượng về một nhân viên marketing “tinh quái”, ấn tượng khi gặp Huân là một cậu sinh viên “hiền khô”.
Huân đã bắt đầu công việc part-time với nghề trông xe tại quán café với “âm mưu” học lỏm cách vận hành một cửa hàng kinh doanh. Huân nói: “Quan sát, tớ đã nhận ra rằng nhiều người đi café không phải để giải trí. Đó là một môi trường tốt cho nghề marketing”.
Một sự tình cờ đã đưa Huân đến với công việc kinh doanh tại FPT khi cậu bạn “hỏi thăm” công việc này của một nhân viên lắp đặt mạng. Những khách hàng quen tại quán café trước đây trở thành mục tiêu đầu tiên của Huân.
“Đi làm lúc ấy chưa có xe máy, ký hợp đồng tận nhà khách hàng, tớ toàn được ngồi ô tô… 60 chỗ (xe buýt). Có khi đi bộ hơn 2 cây số từ bến xe buýt mới vào đến nơi nhưng tớ vẫn phải có mặt đúng giờ hẹn”, Huân kể. Tháng đầu tiên “chạy hợp đồng”, Huân được trả hoa hồng là 3,5 triệu đồng, hoàn toàn chưa có tiền lương. Thu nhập của Huân tăng dần cho đến con số hiện giờ là gần 20 triệu đồng/ tháng. Dịp Tết Canh Dần vừa rồi, Huân được thưởng Tết cũng bằng con số ấy. Khi được hỏi về bí quyết làm giàu, Huân khẳng định: “Đó là làm việc chăm chỉ và nghiêm túc”
@ Sinh Viên Việt Nam
———————————————————————————————————————————————————————


Đi quá xa, Trung Quốc thu hút Mỹ vào tranh chấp Biển Đông

Tác giả: BARRY WAIN (Wall Street Journal)

Có lẽ do đi quá xa trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã thu hút Mỹ vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.

Với cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng: Đúng như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Canh Diên Sinh, chủ quyền của Trung Quốc với biển và các đảo tại đây là “không thể tranh cãi”. Các tàu chiến từ cả ba hạm đội của Trung Quốc đều tham dự, cùng với máy bay chiến đấu, tên lửa tấn công mục tiêu tầm xa.

Cuộc tập trận đã vi phạm tinh thần mà Trung Quốc cam kết với những quốc gia láng giềng tám năm trước đây. Bắc Kinh đã cùng với Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC trong đó nhấn mạnh không đe dọa hay sử dụng vũ lực ép buộc các nước tuyên bố chủ quyền, cam kết hợp tác xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, cuối cùng, người ta đã rõ một điều rằng, thay vào đó, Bắc Kinh đã sử dụng thỏa thuận để lảng tránh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đưa vấn đề ra khỏi chương trình nghị sự khu vực trong khi tăng cường tuyên bố chủ quyền với hầu hết các đảo ở Biển Đông và vùng biển bao quanh.

Tức giận vì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần đây tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông đồng thời kêu gọi xây dựng tiến trình đa phương giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo, Bắc Kinh đã phô bày sức mạnh của mình. Cùng với những cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, báo chí địa phương đã có hàng loạt bài báo bình luận về tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc.

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: THX).

Những cuộc phô diễn lực lượng của Trung Quốc có ý nghĩ truyền tải thông điệp rằng, Bắc Kinh cho là Washington không có quyền can dự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Đài Loan và bốn quốc gia Đông Nam Á đều đưa ra tuyên bố chủ quyền. Nhưng, hành động của Trung Quốc dường như đã gây phản ứng tiêu cực trong khu vực. Phần lớn Đông Nam Á, đã ngày càng quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông, coi động thái của Bắc Kinh gần đây là một ví dụ khác cho sự độc đoán.

Trong khi không mong chờ nhiều từ lời đề nghị của bà Clinton trong tổ chức đối thoại đa phương về tuyên bố chủ quyền đầy phức tạp, thì triển vọng của một vai trò an ninh tích cực hơn từ Mỹ đã được đón nhận, hoan nghênh, đặc biệt với những quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN đã cam kết thuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể “làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”.

Dù sao thì, với bản chất của một tài liệu chính trị, tuyên bố trên có nhiều lỗ hổng ví dụ như đã không đề cập phạm vi địa lý  rõ ràng, hay một số điều khoản khá mơ hồ.

Mục đích chính của tuyên bố (như các quan chức sau đó thừa nhận) là gửi một tín hiệu tới cộng đồng quốc tế rằng, Biển Đông không phải là “điểm nóng” khi Trung Quốc với ASEAN có quan hệ kinh tế ngày một gần gũi hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, các cường quốc chính có lợi ích trong tự do hàng hải ở một vùng biển chiến lược như Biển Đông đã “lặng lẽ” ngồi bên lề, trong khi thương mại và đầu tư Trung Quốc – tăng vọt.

Tuy nhiên, trong vùng biển này, lời hứa tự kiềm chế bị phớt lờ. Trung Quốc đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, gây hấn hơn về Biển Đông và bắt đầu trình diễn sức mạnh của họ với xung quanh.

Căng thẳng gia tăng trong ba năm qua khi Bắc Kinh đe dọa các công ty dầu khí quốc tế đang hoạt động ở Biển Đông. Chiến dịch hiện đại hóa hải quân Trung Quốc được thực hiện ráo riết, nhiều vụ “quấy nhiễu” tàu Mỹ xảy ra, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương và bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam.

Trong lúc đó, nhóm làm việc chung Trung Quốc – ASEAN cam kết khảo sát các biện pháp xây dựng lòng tin, để dẫn tới việc thành lập một Bộ quy tắc ứng xử, lại chỉ gặp nhau có ba lần, và Bắc Kinh dường như không hứng thú đi xa hơn.

Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ, gần đây là trực tiếp nhằm vào Mỹ về chuyện “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh phủ nhận gây sức ép hoặc đe dọa tới hòa bình khu vực bắt nguồn từ tuyên bố chủ quyền “quá mức”, đồng thời cảnh báo chống lại chiến thuật siêu cường truyền thống được áp dụng để duy trì ưu thế ở một khu vực tranh chấp.

Nhưng Bắc Kinh đã nhận thức rõ ràng hơn rằng, khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội ngày 23/7, những nước khác đã cùng “chia sẻ” sự quan ngại. Đó là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei cũng như Indonesia, EU, Australia và Nhật Bản.

Trung Quốc đã phạm phải một sai lầm chiến thuật bằng tuyên bố Biển Đông “là lợi ích cốt lõi” và rung chuông báo động các cường quốc châu Á – Thái Bình Dương khác. Bằng việc đi quá xa, họ đã thu hút Mỹ vào cuộc tranh chấp. Chừng nào không khí căng thẳng hiện tại qua đi, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ về cách ứng xử lại với ASEAN: Hoặc chừng mực hơn, hoặc đối mặt với nguy cơ đẩy các nước trong khu vực vào một liên minh thân cận hơn với Mỹ.

Thụy Phương (Theo WSJ)

@ TuanVN

—————————————————————————————————————————————————————————————-

Cảnh giác với hình thái “tư bản thân hữu”

Tác giả: Trần Trọng Thức

Bài học của các nước láng giềng, nhà báo Trần Trọng Thức cho rằng: “Đừng nên xem thường hình thái “tư bản thân hữu” vốn có thể công phá bất cứ chế độ chính trị nào, mà hậu quả gây ra là tài nguyên đất nước ngày càng nghèo đi cho một số người giàu lên bằng sự kết hợp giữa quyền lực và lợi ích”.

Đánh giá hoạt động của Tập đoàn Vinashin, các cơ quan quyền lực lẫn cơ quan chức năng có những nhận định giống nhau, đó là: năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo tập đoàn còn yếu kém; đầu tư mở rộng quá nhanh, dàn trải trên nhiều lĩnh vực; nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành chính của mình; quá nhiều dự án thua lỗ nặng nề, dẫn đến tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản với khoản nợ ước tính lên tới 86.000 tỷ đồng….

Thật ra thì những sai phạm trên đây đã được dư luận và giới chuyên môn cảnh báo từ nhiều năm trước, thế nhưng con tàu Vinashin vẫn thản nhiên tiếp tục dấn sâu vào và vẫn không ai có trách nhiệm ngăn chặn hay xử lý kịp thời, cũng như không làm rõ ai và cấp nào đã phê duyệt các dự án trái với qui hoạch.

Suy cho cùng thì qua sự đổ vỡ của Vinashin có hai điều đáng lo: Một là sự “vung tay quá trán” của Vinashin chẳng phải là sản phẩm độc quyền của “ông lớn” này mà là mẫu số chung của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước khác. Cứ xem cuộc chạy đua giữa các tập đoàn thời gian qua trong việc đầu tư vào các lĩnh vực địa ốc, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… thì rõ.

Thứ hai cần cảnh giác về hình thái “tư bản thân hữu” từng diễn ra tại nhiều nước trong khu vực vào thời kỳ đầu kinh tế phát triển, mà hậu quả để lại cho các chính quyền đương nhiệm rất nặng nề, đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Indonesia và Philippines là những bài học về sự câu kết của chính quyền các cấp và giới tài phiệt.
Chẳng hạn câu chuyện của Indonesia. Sau khi giành độc lập từ Hà Lan năm 1949, tổng thống Sukarno, rồi đến tổng thống Soharto lên cầm quyền vào năm 1968 đều dựa vào giới tài phiệt để củng cố quyền lực và làm giàu cho gia đình. Cách làm dễ nhất là giao “vốn tự có” của đất nước như rừng, khoáng sản và một một số đặc quyền thương mại cho người thân trong gia đình, dòng họ, cá nhân thân tín. Các nhóm kinh doanh này ngày càng mạnh, nhanh chóng trở thành thế lực tài phiệt có khả năng chi phối cả chủ nhân của họ và trở thành những nhóm áp lực mà nhiều trường hợp đã tác đông đến các quyết định của những nhân vật chủ yếu trong chính quyền. Đây là một bài toán chính trị cổ điển từ xa xưa được vận dụng vào điều kiện thị trường và là hệ quả đương nhiên do lãnh đạo đất nước nuôi dưỡng một số nhỏ các nhóm đặc quyền mà khi nhìn ra nguy hại thì đã quá trễ.

Đọc lại tạp chí Forbes và những trang trên sách Asian Godfathers của tác giả Joe Studwell có những số liệu rất đáng quan tâm. Tại Indonesia, đến nay 40 gia đình giàu nhất đất nước này có tài sản trên 50 tỷ USD. Còn Top 10 những gia đình như Adaro, Hartono, Kirana… trong hai năm qua tài sản đã tăng gấp ba lần nhờ thế lực chính trị và những lợi thế độc quyền trong khai thác ngành than, dầu khí và tài chính ngân hàng. Thông tin gần đây cho biết số gia đình giàu có ở Indonesia chỉ chiếm 1/10.000 dân số nhưng đang nắm giữ 90% của cải toàn xã hội. Tỷ lệ này cao hơn ở Mỹ nơi 20% số người ở Top giàu có đã chiếm 80% của cải.

Còn tại Philippines, những tên tuổi như Cojuangco, Tan, Lopez, Villar… được nhắc đến trong giới tài phiệt nhờ độc quyền thương mại và khai thác lâm, khoáng sản, không ít thành viên trong số họ đã tham gia chính trị để hỗ trợ kinh tế gia đình.

Philippines là nước thứ hai trong khu vực cũng có hoàn cảnh tương tự Indonesia. Là thuộc địa của Tây Ban Nha rồi đến Mỹ (1898), sau khi giành được độc lập năm 1946, chính phủ cũng dựa vào một số nhỏ các nhà tài phiệt để củng cố quyền lực.

Giới quan sát quốc tế vẫn chưa quên vị tổng thống thứ 10 của đất nước này là Marcos, có biệt danh “Mr 10%” vì tất cả hoạt động kinh doanh đều phải qua tay ông và các nhóm thân hữu. Hậu quả là cho đến nay, Philippines sau bao đời tổng thống tìm cách thoát khỏi gọng kìm của các thế lực tài chính từ thời ông Marcos vậy mà vẫn chưa làm được.

Mặc dù đất nước này được hình thành theo mô hình dân chủ pháp trị, hiến pháp Philippines được soạn với sự tư vấn của chuyên gia Mỹ, nhưng “văn hoá chính trị” vẫn là sự toa rập giữa chính quyền các cấp và giới tài phiệt.

Như vậy mới thấy, đừng nên xem thường hình thái “tư bản thân hữu” vốn có thể công phá bất cứ chế độ chính trị nào, mà hậu quả gây ra là tài nguyên đất nước ngày càng nghèo đi cho một số người giàu lên bằng sự kết hợp giữa quyền lực và lợi ích.

Trông người mà ngẫm đến ta cũng có không ít điều lo lắng. Tuy hoàn cảnh lịch sử, thể chế chính trị khác các nước láng giềng nhưng ai dám cam đoan rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng khóa chặt các cửa ngỏ thâm nhập của “tư bản thân hữu”. Có người lạc quan cho rằng “ông ấy” chỉ đang chờ chực ngoài cửa, chưa đặt chân vào nhà, thế nhưng cũng đã cho anh lính tiền trạm là các “nhóm lợi ích” phát ra những tín hiệu thăm dò.

Ngăn chặn tác hại của tình trạng quyền và lợi câu kết với nhau thì việc xây dựng một luật pháp kinh doanh thật sự lành mạnh còn quan trọng hơn nhiều so với sự tập trung quản lý vốn nhà nước hay giám sát hoạt động của các tập đoàn theo “luật chơi” cũ. Cũng như trong một gia đình, đứa con đã hư hỏng rồi thì việc giám sát chỉ hạn chế được thiệt hại, còn như muốn đưa nó vào hành lang đạo lý thì cũng không phải là chuyện dễ dàng.

@ TuanVN