
Trước tham vọng của Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ vùng biển Đông Nam Á , các nước Asean gấp rút nâng cao khả năng quân sự, mua thêm tầu ngầm, máy bay chiến đấu và cãi tiến quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Chưa bao giờ các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam lại chay đua vũ trang với tốc độ nhanh như vậy.
Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm của Thụy Điển thì số vũ khí mà các nước Asean mua trong 5 năm từ 2005 đến 2009 tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Mục tiêu và đối tượng của Đông Nam Á là đề phòng chính sách bá quyền của láng giềng phương Bắc. Chuyên gia Siemon Wezerman của trung tâm phân tích chiến lược này nhận định rằng nhiều nước Đông Nam Á «cảm nhận mối đe dọa» của Bắc Kinh. Đối với Đông Nam Á thì «Trung Quốc là một vấn đề».
Cụ thể là Việt Nam đặt mua 2,4 tỷ đôla 6 tàu ngầm và khoảng một chục máy bay chiến đấu Su-30MKK của Nga trang bị vũ khí hải chiến. Malaysia đã mua hai tàu ngầm của Pháp còn Indonesia cũng thông báo mua thêm tàu ngầm để bảo vệ biển đảo. Nằm sát cạnh Indonesia, Úc cũng chuẩn bị mua và tự đóng thêm 9 tàu ngầm và tăng cường không lực thêm 100 chiến đấu cơ F-35 do Mỹ chế tạo.
Trong bài phân tích về mối lo ngại của Á châu trước tham vọng của Trung Quốc, báo Mỹ The Washington Post số ra ngày hôm nay 9/8/2010 nhắc lại là trong hội nghị an ninh khu vực tại Hà Nội hồi giửa tháng 7, lần đầu tiên, qua tuyên bố của ngoại trưởng Hillary Clinton, Hoa Kỳ đã « dõng dạc bác bỏ » đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ 1,3 triệu dặm vuông của biển Đông mà họ gọi là biển Nam Hải. Tại hội nghị Hà Nội, 11 nước do Việt Nam dẩn đầu ủng hộ lập trường của Mỹ làm cho ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì choáng váng, theo như tường thuật của các nhà ngoại giao chứng kiến.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc sử dụng tàu chiến cải trang mà họ gọi là tàu «ngư chính » để tung hoành uy hiếp tàu đánh cá Việt Nam, bắt cóc ngư dân đòi tiền chuộc mạng, và đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên những vùng biển thuộc ngư trường của Việt Nam.Vào tháng 6 vừa rồi, một tàu «ngư chính» của Trung Quốc phiêu lưu sâu xuống phía nam, bị tàu chiến Indonesia chặn lại trên biển. Trước họng súng của tàu tuần Indonesia, chiếc tàu « ngư chính » phải tháo lui về phương bắc. Thứ năm tuần trước, bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo và lên án Trung Quốc thực hiện khảo sát địa chấn gần quần đảo Trường Sa nơi có nhiều trữ lượng dầu khí.
Trong nhiều năm dài, giới phân tích ngỡ rằng Trung Quốc phát huy ảnh hưởng bằng «quyền lực mềm», dùng kinh tế để thống trị Á châu. Tuy nhiên chính sách của Bắc Kinh càng ngày càng hung hăng, sử dụng cả phương tiện quân sự để dọa nạt các nước phương nam nhất là Việt Nam làm quốc tế phải có phản ứng.Theo The Washington Post Đến, vào năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Washington mới nhìn nhận, trong một bản báo cáo, chính Trung Quốc, chứ không phải Bắc Triều Tiên, mới là nguy cơ gây bất ổn trong khu vực. Cũng theo Washington Post, thái độ ỷ mạnh hiếp yếu của Bắc Kinh đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á phải xích lại gần với Siêu cường số một.
Ở thế yếu, Việt Nam tìm kiếm hậu thuẫn từ nhiều cường quốc khác nhau như Nga và Ấn Độ. Tuy nhiên Hà Nội gia tăng cải thiện quan hệ với Washington. Chính phủ và cấp chỉ huy quân đội gặp nhau thường xuyên. Trao đổi thương mại cũng tăng vọt từ 2,91 tỷ đôla năm 2001 lên 15,4 tỷ trong năm qua.
Hôm qua, hàng không mẫu hạm USS George Washington đến Đà Nẳng thăm Việt Nam sau khi tập trận với hải quân Hàn Quốc với mục tiêu cảnh báo Bình Nhưỡng và nhắc khéo Bắc Kinh không được gây hấn.
@ RFI