Nguồn: Geoff Dyer, The Financial Times
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Dù với vẻ hiện đại hào nhoáng, vẫn còn rất nhiều những vang vọng của thế kỷ 19 về Trung Quốc đương đại với những tuyến đường sắt mới đưa đến những vùng đất sâu và những nhà máy như trong truyện của Dickens. Với sản lượng thép cao như núi, một diện mạo quốc gia mới đang xuất hiện trên đất nước đang mong muốn có chỗ đứng của mình trên thế giới.
Những vang vọng tương tự cũng được nghe thấy trên những phần khác của châu Á, không chỉ là Trung Quốc mà cả Ấn Độ, Nam Hàn và Úc đều đang đầu tư mạnh mẽ vào lực lượng hải quân của mình, phát triển những hạm đội biển sâu để tiến vào các đại dương. Và nền ngoại giao khu vực cũng thế, nơi mà sự thống lĩnh của Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu chiến đang được thay thế bởi mối cân bằng quyền lực mong manh.
Màn kịch địa chính trị đang xuất hiện này đã được nhấn mạnh bởi một tuyên bố gây chú ý của Hillary Clinton. Trên đường về dự đám cưới của con gái mình, bà bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã nói trong một hội nghị khu vực rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia như là một nhà hoà giải trong những thương lượng về các quần đảo trên vùng biển Nam Hải đang bị tranh chấp bởi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Đa số những quần đảo đang có vấn đề không có gì vài những mõm đá, nhưng chúng nằm gần những trục giao thông vốn chiếm lĩnh một khu vực giao thương quốc tế trọng yếu nên chúng có một vị thế chiến lược đầy quan trọng. Vì thế, phát biểu của bà Clinton là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất trong trận chiến ngoại giao mà từ đấy sẽ phân định châu Á trong những thập niên tới – một tranh giành giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để trở thành kẻ có tiếng nói áp đảo.
Tuyên bố của Clinton mang hai mục đích. Một là nhằm nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực ngoại giao châu Á, Hoa Kỳ đang quay lại. Trong nhiệm kỳ của tổng thống George W. Bush, một vài chính phủ châu Á đã cảm thấy rằng Hoa Kỳ đã không còn quan tâm đến khu vực này. Cho dù ấn tượng này có đúng hay không, bà Clinton đang nói với các nhà lãnh đạo châu Á rằng Hoa Kỳ sẽ không cuốn gói sớm.
Điều quan trọng hơn, lời tuyên bố đã gửi một thông điệp đến khu vực này về Trung Quốc và sự lớn mạnh dường như không tránh khỏi của quốc gia này. Kể từ khi chiếc tàu chiến Cheonan của Nam Hàn bị đánh đắm vào tháng Ba, Washington đã lợi dụng sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc chỉ trích Bắc Hàn để tăng cường quan hệ của mình với Seoul và tạo ra một mũi nhọn giữa Trung Quốc và Nam Hàn. Trong khi nghi kỵ đang tăng cao trong vùng đông-nam châu Á về ý đồ của Trung Quốc trong vùng biển Nam Hải, Hoa Kỳ đang tự hiện diện như là một nhà đàm phán tất yếu và thực tâm.
Phác thảo chung của chiến lược này thì không có gì mới – kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, Washington đã tiếp cận Trung Quốc qua những hình thức tiếp xúc trong những vấn đề kinh tế và kềm chế về ngoại giao. Thoả thuận hạt nhân với Ấn Độ một phần đã được thúc đẩy bởi những cân nhắc này.
Nhưng chính quyền Obama cũng đang phải bù đắp thời gian đã mất. Hơn một thập niên qua, Trung Quốc đã giành lấy con đường của Hoa Kỳ ở châu Á. Các cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq đã tạo ra một món quà chiến lược cho Bắc Kinh. Trong khi Hoa Kỳ đang truy lùng al-Qaeda và tìm kiếm vũ khí huỷ diệt hàng loạt, Trung Quốc đã dàn xếp những tranh chấp về biên giới với hàng loạt những láng giềng vốn đầy nghi kỵ – từ Nga ở phía bắc cho đến Việt Nam ở phía nam (tuy nhiên không phải với Ấn Độ). Một thập niên tăng trưởng đến hai con số ở Trung Quốc đã giúp chuyển đổi trục kinh tế của châu Á, Bắc Kinh đã kéo những đường ống dẫn dầu vào vùng trung Á, đầu tư vào các dự án tài nguyên thiên nhiên ở Miến Điện, Indonesia và Philippines cũng như bỏ vốn vào những bến cảng trong vùng Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đã đang sẵn lòng để tiếp cận với Hoa Kỳ trong những vấn đề kinh tế, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới và tích trữ công phiếu của Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh cũng đã tăng cường việc huy động quân sự nhắm vào Hoa Kỳ. Thay vì chuẩn bị một cuộc chiến với Hoa Kỳ, những chính sách gia của Trung Quốc muốn từ từ đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị thế thống lĩnh trên vùng biển châu Á bằng cách xây dựng hàng loạt những hệ thống tên lửa mà họ gọi là vũ khí “ngăn cản đường vào”.
Nhưng trong vòng một năm trở lại, cuộc tấn công tình cảm của Trung Quốc ở châu Á đang gặp phải khó khăn – không phải chỉ trong vùng biển Nam Hải, nơi mà các quốc gia châu Á xem như là một phong vũ biểu về một Trung Quốc hùng cường sẽ đối xử với họ ra sao. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được tuyên bố chủ quyền toàn vẹn hay từng phần bởi Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei. Nhưng trên bản đồ Trung Quốc, những hòn đảo này được nằm trong một đường hình chữ U thuộc lãnh hải của nước này, được kéo dài để bao trùm hầu như toàn bộ biển Nam Hải.
Trong khi căng thẳng tăng cao, Trung Quốc lại bảo các nước châu Á không được thảo luận vấn đề này riêng với nhau. Theo các quan chức Hoa Kỳ, Bắc Kinh cũng đã cho rằng khu vực này trực thuộc “quyền lợi cốt lõi” của mình, bên cạnh Đài Loan và Tây Tạng. Sự phản ứng là không thể tránh khỏi. Và đúng vậy, Việt Nam – quốc gia duy nhất trong vùng với bộ máy chính trị Leninist tương tự như Trung Quốc – đã vận động những cựu thù của mình ở Washington vào cuộc. (Hàng không mẫu hạm George Washington đã thăm viếng Việt Nam cuối tuần qua.) Ngay cả Lý Quang Diệu của Singapore, người trong hầu hết thập niên qua ca ngợi Bắc Kinh, năm ngoái đã kêu gọi Hoa Kỳ nên giữ nguyên vị trí “siêu cường” của mình tại vùng Thái Bình Dương.
Trong cuộc chạy đua ngoại giao mới tại châu Á, đà đi lên vẫn hầu như nằm trong tay Bắc Kinh. Trong khi Hoa Kỳ phải đối diện với thâm thủng và nợ nần, Trung Quốc có thể tăng trưởng dễ dàng vở tỉ lệ 8 phần trăm mỗi năm trong một hoặc thậm chí hai thập niên tới, và sức mạnh hải quân của họ chắc chắn cũng sẽ bành trướng hơn.
Nhưng Bà Clinton đã đặt một chiếc bẫy cho Bắc Kinh ở vùng biển Nam Hải. Nếu Trung Quốc đối đầu với sự can thiệp của Hoa Kỳ trong sân sau của mình và đặt mình vào vị trí cường quốc trong khu vực, họ sẽ đối diện với nguy cơ đẩy những người láng giềng đang lo lắng về phía Hoa Kỳ. Thật thế, đây là thử thách ngoại giao mà Trung Quốc phải đối diện ở châu Á trong những thập niên tới. Những quốc gia châu Á càng phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc, họ sẽ càng cảm thấy lo âu đối với sức mạnh của quốc gia này. Quả bóng hầu như đang nằm trên sân Bắc Kinh.
@ X-Cafe