Bắc Hàn bắt giữ một tàu đánh cá của Nam Hàn trong tình hình căng thẳng
Nguồn: Washington Post
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Với một hành động có thể kích thích thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng trong vùng bán đảo đang bị chia cắt, hôm Chủ Nhật, Bắc Hàn đã bắt giữ một chiếc tàu đánh cá của Nam Hàn khi nó đi vào vùng biển Đông Hải mà Bắc Hàn tự nhận là khu vực của mình.
Chiếc tàu có bảy người hiện đang bị nhà cầm quyền Bắc Hàn giam giữ, lực lượng tuần duyên Nam Hàn cho biết.
Sự việc này xảy ra trong thời điểm tranh chấp dữ dội giữa hai miền Nam Bắc, được phản ánh gần đây nhất là việc Nam Hàn đã tiến hành cuộc thao tập quân sự ở phía tây vùng biển Hoàng Hải. Bắc Hàn đã đe doạ sẽ phản hồi cuộc tập trận với “sự đáp trả mạnh mẽ.” Cuộc tập trận kéo dài năm ngày của Nam Hàn sẽ kết thúc vào ngày thứ Hai.
Những căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc bắt đầu từ tháng Ba khi chiếc tàu chiến Cheonan bị ngư lôi bắn chìm, giết chết 46 thuỷ thủ Nam Hàn. Một cuộc điều tra sau đấy đã cáo buộc Bắc Hàn là thủ phạm, nhưng Bình Nhưỡng đã bác bỏ mọi liên quan.
Chiếc tàu đánh cá có tên là Daeseung, chở bốn người Nam Hàn và ba người Trung Quốc. Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn.
“Chúng tôi vừa nhận được tin chiếc tàu đánh cá của chúng tôi đang bị các quan chức Bắc Hàn điều tra trong vùng biển được cho là khu vực đặc quyền kinh tế của Bắc Hàn ở phía bắc biển Đông Hải,” lực lượng tuần duyên của Nam Hàn tuyên bố. “Chính quyền Nam Hàn, căn cứ theo luật quốc tế, mong muốn có một giải pháp nhanh chóng về vấn đề này và đưa chiếc tàu và các ngư dân quay về một cách an toàn.”
Căn cứ theo một bản tường trình của truyền thông Nam Hàn, chiếc tàu đang hoạt động trong vùng biển chung của Nga và Bắc Hàn, cách bờ biển Bắc Hàn khoảng 160 dặm.
Việc tranh chấp khu vực đánh cá thường xuyên xảy ra giữa hai miền Nam Bắc trong suốt vài thập niên qua. Cái gọi là Đường Giới hạn phía Bắc, phân chia phía tây và đông của vùng biển đã được đặt ra vào năm 1989.
Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch khai thác Hoàng Sa bất chấp phản đối của Việt Nam

Hoàng Sa tiếp tục là một điểm nóng trong quan hệ Việt Trung. Vào hôm qua, 06/08/2010, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa xác định “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc đối với khu vực “quần đảo Tây Sa và vùng biển xung quanh”. Tây Sa là tên được Bắc Kinh sử dụng để chỉ quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Bắc Kinh đưa ra tuyên bố này nhằm bác bỏ lời tố cáo của Việt Nam về những hoạt động dồn dập của Trung Quốc từ hơn hai tháng nay tại vùng Hoàng Sa nhằm khai thác vùng biển đảo mà họ đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Ngày 05/08 vừa qua, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc cho tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cho san lấp và mở rộng hòn đảo này. Tri Tôn là hòn đảo có tên quốc tế là Triton Island, tiếng Hoa gọi là Trung Kiến đảo.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ghi nhận nguyên văn như sau : “Từ cuối tháng 5 năm 2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này”.
Đối với phía Việt Nam, “Những việc làm trên…đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông…”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tố cáo thái độ thiếu hợp tác của Bắc Kinh trên vấn đề này khi cho biết là bất chấp các phản đối chính thức từ phía Hà Nội, “đến nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên”. Việt Nam đồng thời xác định trở lại chủ quyền của mình tại Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành động “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông…”
Áp đặt chủ quyền : Trung Quốc tiến thêm một bước
Theo giới quan sát, như vậy là Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa trong việc áp đặt chủ quyền của họ trên một khu vực mà họ đã dùng võ lực chiếm đóng. Việc cho thăm dò dầu khí tại vùng còn đang tranh chấp đã nối tiếp theo một loạt những quyết định khác về mặt hành chánh, quân sự và kinh tế mà mục tiêu là nhằm thiết lập một “sự đã rồi”.
Về mặt hành chánh, Quần đảo Hoàng Sa được Trung Quốc biến thành một phần của tỉnh Hải Nam, nằm trong cùng một đơn vị cấp gọi là “biện sự xứ”, bao gồm cả ba quần đảo ‘’Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa) và Trung Sa. Ngay từ năm 1997, họ cho tiến hành kế hoạch phát triển ngành du lịch, đưa du khách đến quần đảo này. Mới đây Uỷ ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã thông qua một bản « Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020 », khiến cho phía Việt Nam phải lên tiếng phản đối vào ngày 25/06/2010.
Để củng cố sự hiện diện tại Hoàng Sa, Trung Quốc liên tiếp cho xây dựng những công trình kiên cố trên một số hòn đảo, cụ thể là mở rộng những cảng nhỏ ở đảo Phú Lâm (Woody Island) và đảo Quang Ánh (Money Island). Trên đảo Phú lâm, hòn đảo lớn nhất của Hoàng sa, Trung Quốc đã cho xây dựng một sân bay với phi đạo dài hơn 1000m.
Đối với Trung Quốc, Hoàng Sa có một vị trí rất quan trọng. Đây là một ngư trường đánh cá rất dồi dào, lại có vùng nước sâu thuận tiện cho tàu ngầm quân sự ra thẳng Biển Đông. Về kinh tế, ngoài tiềm năng du lịch, vùng biển Hoàng Sa còn được cho là có trữ lượng dầu khí phong phú.
Bên cạnh đó, vị trí sát cạnh Việt Nam là một yếu tố chiến lược quý giá đối với Trung Quốc. Nếu chính thức giành được chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có thể giành luôn quyền kiểm soát vùng biển lân cận và mặc nhiên khóa được các tuyến thông thương hàng hải của Việt Nam.
Chính vì các lý do kể trên mà Việt Nam kiên quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh thì sẵn sàng dùng các biện pháp mạnh để buộc Hà Nội chấp nhận yêu sách của họ.

Theo hãng tin AP, hôm nay, 08/08/2010, hàng không mẫu hạm USS George Washington của Mỹ đã cập bến cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Về mặt chính thức, chuyến viếng thăm này nằm trong khuôn khổ đợt kỷ niệm 15 năm bình thường hóa bang giao Mỹ -Việt, nhưng nó cũng cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của Hoa Kỳ đến việc duy trì ổn định và an ninh ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS George Washington tại một bến cảng của Việt Nam nhằm cho thấy là Mỹ không để cho Trung Quốc tự do tung hoành trong khu vực.
Đậu thường trực ở Nhật Bản, hàng không mẫu hạm USS George Washington được ví như là một thành phố nổi, vì nó có thể chở được đến 70 phi cơ, hơn 5 ngàn thủy thủ và phi công, cộng thêm một khối lượng bom khoảng 1,8 triệu kg. Hàng không mẫu hạm khồng lồ này đến Việt Nam sau khi tham gia tập trận với Hàn Quốc trong bốn ngày vào tháng trước. Cuộc tập trận này đã khiến Bắc Triều Tiên phẫn nộ và đã bị Trung Quốc chỉ trích liên tục.
Xét về quan hệ Mỹ-Việt thì chuyến viếng thăm lần này của USS George Washington có tính biểu tượng rất cao, bởi vì Đà Nẵng từng là căn cứ lớn của quân đội Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nhưng về mặt hành chính, Đà Nẵng cũng là nơi đặt trụ sở huyện đảo Hoàng Sa với tư cách là thành phố quản lý quần đảo này.
USS George Washington đến Đà Nẳng vào lúc mà vấn đề chủ quyền Biển Đông ngày càng nóng bỏng. Trong số các quốc gia tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa với Trung Quốc, Việt Nam vẫn lên tiếng mạnh nhất, phản đối kế hoạch của Bắc Kinh phát triển du lịch ở khu vực này và cách đây vài ngày đã phản đối việc Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn gần Hoàng Sa.
Trong hồ sơ này, Việt Nam có vẻ đang có sự hậu thuẫn ngày càng mạnh của Hoa Kỳ, với việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhân cuộc họp Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng trước, đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông với các nước Đông Nam Á. Bà Clinton còn tuyên bố rằng giải quyết những đòi hỏi chủ quyền nói trên cũng là vấn đề quyền lợi quốc gia đối với Hoa Kỳ. Lời kêu gọi nói trên của Ngoại trưởng Mỹ đã khiến Trung Quốc giận dữ.
Chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS George Washington diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Việt ngày càng được tăng cường trong nhiều lĩnh vực. Hiện giờ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và vào năm ngoái đã trở thành nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Quan hệ quân sự cũng đã phát triển mạnh kể từ khi chiến hạm đầu tiên của Mỹ viếng thăm Sài Gòn vào năm 1993.
Mối quan hệ này cũng đang được mở rộng trong lĩnh vực hạt nhân, với thông tin báo chí Mỹ, theo đó, Hoa Kỳ đang đàm phán với Việt Nam một hiệp định về việc chia sẻ công nghệ và nhiên liệu hạt nhân dân sự. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh trước thông tin này, bởi vì hiệp định nói trên sẽ cho phép Việt Nam làm giàu chất uranium trên lãnh thổ của mình. Phía Mỹ đã xác nhận tin đó, nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ sáu vừa qua đã lên tiếng cải chính.
Nhưng một điều chắc chắn là việc Hoa Kỳ ngày càng khẳng định sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á là một yếu tố thuận lợi cho Việt Nam, vốn không thể một mình chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc, mà cũng không thể dựa vào các đối tác ASEAN.
Việt Nam đầu tư thêm 900 triệu USD vào Campuchia
Quốc Việt, thông tín viên RFA
Giới kinh doanh Việt Nam đang định hướng thêm vốn đầu tư vào Campuchia, sau khi họ hiểu được thị trường nước bạn, và giới đầu tư đang thêm 900 triệu USD vào những ngành nông nghiệp, nông thôn.
Tại Hội Nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh Biên giới Việt Nam và Campuchia được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 8 tại khách sạn Inter Continental thuộc Thủ đô Phnom Penh, giới chức Campuchia và Việt Nam khẳng định Việt Nam và Campuchia đang trên đường hợp tác và phát triển. Việt Nam đầu tư thêm 900 triệu USD vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và lương thực.
Đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, và lương thực
Ông Prom Sokha, Thư ký Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục bền vững, hai nước đang trên con đường hợp tác và phát triển mạnh.
Ông cho biết, trong năm 2009 kinh doanh giữa Campuchia và Việt Nam đã giảm xuống 18,78% so với năm 2008, nhưng trong ba tháng đầu năm 2010 này kinh doanh giữa Việt Nam và Campuchia đã tăng lên 127%, chủ yếu tập trung vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, y tế, và giáo dục v.v…
Ông cho biết thêm, trong thời gian cuối, vì có sự hợp tác tốt của các chuyên Bộ, Ngành, các lực lượng vũ trang của hai bên phối hợp chặt chẽ giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới trên biển và đường bộ, cho nên việc đầu tư và thương mại càng có điều kiện tốt và đã tăng lên. Cho đến bây giờ, số tiền đầu tư của hai nước đã tăng lên đến 2.000 triệu USD.
Liên quan đến việc đầu tư tại Campuchia, trong tháng 9 năm 2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông Lâm Ngư Nghiệp Campuchia đã ký bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đầu tư trồng cao su. Việc ký MOU này đã chính thức hóa cam kết của Chính phủ Campuchia bố trí 100.000 ha đất trồng cao sau cho doanh nghiệp Việt Nam. Và cho tới nay, tập đoàn Cao su Việt Nam đã nhận chính thức bằng cả hai hình thức tô nhượng và sang nhượng để đầu tư trồng cao su tại Campuchia là 91.947 ha, trong đó đã trồng được 10.492ha. Dự kiến tới năm 2012 sẽ trồng hết toàn bộ diện tích được giao.
Giới chức Việt Nam có mặt trong Hội Nghị tại Campuchia cũng khẳng định rằng Việt Nam đang tập trung mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, lương thực. Ngoài những dự án đã đầu tư, như viễn thông, hàng không và ngân hàng, số vốn đăng ký khoảng 900 triệu USD. Việt Nam đang đầu tư rất mạnh; tất cả dự án đã triển khai, còn một số dự án khác đang tiếp tục triển khai và chủ yếu tập vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, và lương thực. Đây là thế mạnh của Campuchia.
Taxi London đứng đầu thế giới
Đây là lần thứ 3 liên tiếp tài xế taxi London đứng đầu danh sách đánh giá hàng năm về chất lượng taxi trên thế giới do website Hotels.com thuộc Tập đoàn Expedia (Mỹ) tổ chức. Có tới 59% khách du lịch tham gia cuộc điều tra này bỏ phiếu ủng hộ cho taxi tại London.
Theo khách du lịch, những lái xe tại đây không chỉ thân thiện mà còn rất hiểu biết và dễ chịu. Tại Thủ đô nước Anh, mọi lái xe taxi đều phải trải qua một vòng thi sát hạch rất khắt khe về trình độ mới có được bằng lái xe thông thường.
![]() |
Những lái xe taxi vui tính, thân thiện tại London tiếp tục được vinh danh. |
Trong khi đó, những chiếc xe taxi màu vàng nổi tiếng của New York đứng vị trí số 2 với 27% người bỏ phiếu. Cùng nằm trong 5 hạng đầu còn có taxi Tokyo với 26% phiếu, Berlin (17%) và Bangkok (14%).
Ngược lại, những lái xe taxi tại Paris và Manhattan trở thành những gã tài xế “thô thiển” nhất thế giới. Tuy nhiên, một số ít du khách ở Italy lại cho rằng, vị trí số một từ dưới lên phải thuộc về Thủ đô Rome của Italy.
“Đi taxi là một trong những trải nghiệm đầu tiên của du khách khi đặt chân tới bất kỳ nước nào. Vì vậy, kết quả này cho thấy ấn tượng về những người lái xe taxi có vai trò quan trọng như thế nào đối với khách du lịch”, đại diện của trang web hotels.com cho biết.
Khảo sát trên website Hotels.com yêu cầu khách du lịch cho điểm về dịch vụ taxi các thành phố theo các tiêu chí như sạch sẽ, giá trị, chất lượng lái xe, kiến thức về khu vực, sự thân thiện, an toàn và luôn sẵn sàng.
Hơn 14% dân số Việt Nam mắc bệnh tâm thần
(Dân Việt) – Ngày 6-8, tại buổi hội thảo “Chính sách, pháp luật y tế các tỉnh thành phía Nam”, ông La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, Việt Nam hiện có hơn 12 triệu người mắc bệnh tâm thần, chiếm 14,9% dân sốNgười mắc tâm thần thường nằm trong 10 loại tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn tâm thần do ma túy, do nghiện rượu…
Thanh Nguyễn
BENH TAM THAN TI LE NGHICH VOI TINH YEU VIET CUA XA HOI ,BOI VI NO LA SAN PHAM CUA CHINH TRI ,DANHS GIA MOT XA HOI CO TRONG LANH KHONG….
ThíchThích