Bài thơ : Quê mùa


Nỡ nào em bỏ chốn quê
Ra nơi thành thị quên về lối xưa
Để rồi ngày tháng thoi đưa
Em không tránh khỏi gió mưa cuộc đời
Tuổi em mười tám, đôi mươi
Giấc mơ như đám mây trôi ngang trời
Quần nâu rồi cả nón cời
Em đem câu hát ru người giàu sang
Em ưa mốt, quen thời trang
Đâu còn nhớ đến trai làng ngày xưa
Tuổi xuân em sống như đùa
Buồn vui em chịu ngày qua lại ngày
Đắm chìm trong những cơn say
Thân em giờ đã qua tay bao người
Em quên tất cả sự đời
Mặc cho cuối đất cùng trời mênh mông
Giờ em môi thắm má hồng
Trót mang một kiếp đèo bòng người dưng
Một đời sống chạ, nằm chung

Em còn nghĩ đến sau lưng… Quê mùa?!
Nguyễn văn Nam

@ Lucbat.com

Truyện vui cuối tuần : Trò đùa của Thượng Ðế

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ ba đại học Dược Khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành phố NewYork để trở về nhà. Tất cả các anh chị em của cô đều hẹn là sẽ về nhà đúng 7 giờ để đoàn tụ trong buổi cơm chiều thân mật cùng cha mẹ theo truyền thống của gia đình họ. Bỗng Wendy để ý đến một cặp nam nữ đang đứng cách cô vài bước, họ đang ra dấu bằng tay để giao lưu với nhau. Wendy hiểu được thuật ngữ ra dấu bằng tay vì trong những năm đầu đại học cô đã volunteer làm việc trong trường tiểu học dành cho người khuyết tật nên cô đã học được cách ra dấu tay để trò truyện với những người câm điếc. Vốn tính chịu khó học hỏi, Wendy đã khá thông thạo thuật ngữ này. Nhìn vào cách ra dấu của hai người khuyết tật ở trạm subway, Wendy đã “nghe lỏm” được câu chuyện của hai người. Thì ra, cô gái câm hỏi thăm đường đến một nơi nào đó, nhưng chàng thanh niên câm thì “trả lời” là anh không biết nơi chốn đó. Wendy rất thông thạo đường xá trong khu vực nầy nên cô mạnh dạn đứng ra chỉ dẫn cho cô gái. Dĩ nhiên cả ba đều dùng cách ra dấu bằng tay để “nói” trong câu chuyện của họ. Khi xe lửa đến trạm thì Wendy và hai người bạn mới quen đã kịp thời trao đổi emails address cho nhau.

Những ngày sau đó, ba người tiếp tục trò chuyện dùng phương tiện text messages của mobile phone rồi dần dà họ trở thành bạn thần giao cách cảm với nhau. Chàng trai kia tên là Jack và cô gái tên là Debbie. Jack cho biết anh đang làm việc cho một hãng xuất nhập khẩu và ở cách nhà Wendy một đỗi không xa mấy. Từ những text messages, emails thăm hỏi xã giao lúc đầu, cả hai dần dần tiến đến chổ trở thành bạn thân lúc nào không hay. Đôi khi Jack đến trường đón và mời cô đi ăn. Cả hai thích khung cảnh êm đềm trong Central Park nên thường yên lặng đi bên nhau trong những giờ phút nghĩ ngơi. Tuy phải ra dấu để trò chuyện nhưng Wendy không cảm thấy bất tiện mà cô lại có dịp trau dồi “thủ thuật” để nghệ thuật ra dấu của cô càng lúc càng tinh xảo hơn. Đến mùa thu năm đó thì hai người đã thân thiết như một cặp tình nhân. Wendy đã quên hẳn Jack là một người khuyết tật, cho nên lần đầu tiên khi Jack ra dấu “I Love You” thì Wendy đã nhẹ nhàng ngả đầu vào vai anh.

Sau những giờ học, thỉnh thoảng Wendy cũng vào chatroom đấu láu với bạn bè, mỗi khi Wendy đặt câu hỏi “Bạn có thể fall in love với một người câm điếc hay không?” thì hình như không có bạn bè nào của cô có được câu trả lời dứt khoát. Điều này đã khiến cho Wendy bị dày dò không ít.

Vào dịp lễ Thanksgiving năm đó, Jack tặng cho Wendy một bó hoa hồng kèm theo câu ra dấu: “Wendy có chịu làm girl friend của mình không?” Wendy vừa vui mừng vừa kinh ngạc nhưng sau đó là những sự mâu thuẫn khổ sở trong nội tâm. Wendy biết rõ là cô sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân. Quả nhiên cha mẹ cô khi biết rõ sự việc đã dùng đủ mọi phương thức để mong lôi kéo đứa con gái “lầm đường lạc lối” trở về. Thôi thì hết chú bác, cô dì, lại đến các anh chị em, bạn học, được cha mẹ cô vận động tới để làm thuyết khách. Đứng trước áp lực này, Wendy chỉ có thể phân trần với gia đình về nhân cách cao cả của Jack, cô còn cho mọi người biết là thái độ lạc quan, đầu óc thực tế, tích cực của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi hơn những bạn trai mà cô đã từng quen biết trước đây.

Gia đình sau khi nghe có giải bày đã không còn quá khắt khe phê bình, mọi người dự định là sẽ gặp mặt Jack trước rồi mới có thể đánh giá cuộc tình của hai người. Cả nhà đồng ý là sẽ gặp mặt Jack vào trưa ngày 25 tháng 12 sau khi mọi người đã hưởng được một silent night bình yên cho tâm tư lắng đọng. Wendy đã có quyết định trong đầu, nếu như cha mẹ, anh chị của cô có những cử chỉ, hành động khinh miệt Jack thì cô và Jack sẽ đi đến nhà thờ để nhờ sự gia ơn và chúc lành của Thiên chúa. Trên đường dẫn Jack đến nhà, tâm trạng hồi hộp của của Wendy đã không thoát khỏi cặp mắt quan sát của Jack, anh mỉm cười ra dấu cho cô:
– Wendy yên tâm, bảo đảm với em là cha mẹ em sẽ hài lòng. Anh cho họ biết là anh sẽ thương yêu em, chăm sóc em suốt đời.

Đó là lần đầu tiên trong đời cô sinh viên trường thuốc rơi những giọt lệ cảm động.

Vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ, cô nói:

– Thưa ba má, đây là Jack, bạn trai mà còn thường nhắc đến.

Câu nói của cô vừa thốt ra thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất, anh nhào tới ôm lấy cô vào vòng tay khỏe mạnh của anh. Một điều mà Wendy không thể ngờ được là cô bỗng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ cửa miệng của Jack:

– Trời đất, em biết nói à?

Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.

Mọi người ngoài cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

Thượng Đế của chúng ta đang ngự ở trên cao, hình như ngài cũng đang che miệng cười cho trò đùa mà ngài đã đạo diễn suốt một năm qua.
@ Cuuphansinh Blog

Trung Quốc hốt thầu rẻ di hại Việt Nam

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) tổ hợp nhà thầu GEDI và AE&E của Trung Quốc ký kết hợp đồng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Hà Tĩnh, hôm 10/05/2010

Tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc thống lĩnh vai trò tổng thầu EPC trong hầu hết các dự án tầm cỡ ở Việt Nam gây ra nhiều quan ngại

Trúng thầu 90% dự án EPC

Thống chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia làm tổng thầu EPC, hoặc là đối tác đầu tư cho 41 dự án ở Việt Nam. EPC là từ Anh ngữ viết tắt được hiểu rộng là tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp, vận hành. Doanh nghiệp tổng thầu EPC là người chịu trách nhiệm một dự án theo phương thức chìa khóa trao tay.

Theo Vietnam Net, 41 dự án với người Trung Quốc giữ vai trò tổng thầu đều là các dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng. Trong đó bao gồm 12 dự án sản xuất và phân phối điện, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc công nghiệp nhẹ và dịch vụ.

Doanh nghiệp Trung Quốc thống lĩnh tổng thầu EPC vì cơ chế đấu thầu của Việt Nam chú trọng giá bỏ thầu thấp nhất, chưa chú trọng vấn đề tín nhiệm, khả năng thực hiện và giá trị công trình khi hoàn thành.

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS đã giải thể nhận định:

Đại diện Xí nghiệp TTTB Quang Minh và đại diện Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010. Photo courtesy of baocongthuong.com.vn

“Cơ chế nói chung về đấu thầu đúng là có rất nhiều vấn đề cần phải bàn cãi. Có một điểm, người ta chủ yếu nhìn vào cái giá, nhưng mà giá rẻ có thể lại rất là đắt là bởi vì chất lượng kém, là bởi vì phát sinh nhiều. Đúng là chuyện đấu thầu qui chế của Việt Nam chắc chắn cần xem xét lại, nhưng chuyện đáng tiếc là những qui chế đấu thầu đó chủ yếu là do các tổ chức quốc tế người ta khuyến cáo và có lẽ Việt Nam phải dựa vào chính mình để đưa ra những yêu cầu đấu thầu cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, chứ không nên quá dựa vào tư vấn của nước ngoài.”

Sự kiện doanh nghiệp Trung Quốc thắng đến 90% các gói thầu EPC nhờ bỏ giá thấp, kèm thêm những thủ thuật nào đó gây ra nhiều quan ngại. Nhất là 41 dự án được đề cập tới có chủ đầu tư là các đơn vị trụ cột của nền kinh tế như Tập đoàn than khoáng sản, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn điện lực, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Hóa chất…
“Bánh ít đi, bánh qui không lại”

Bà Trần Thanh Vân, kiến trúc sư cảnh quan làm việc tại Viện Qui hoạch Đô thị Bộ Xây Dựng trước khi hoạt động trong lãnh vực tư. Từng có thời gian du học Trung Quốc hiểu biết nhiều về đất nước này, người nữ kiến trúc sư đã về hưu từ Hà Nội đưa ra nhận định:

“Tôi không tin người Trung Quốc, chắc là tôi đã viết và các vị đã đọc, tôi không tin bởi vì ngay trên đất nước họ mà họ còn gian dối thì họ không thể tử tế với bất cứ ai. Một con người không biết yêu mình không biết yêu những gì gắn bó với mình thì không bao giờ vì người khác cả. Cho nên tôi không tin kể cả chất lượng và những cái sẽ dẫn đến sau này. Không hiểu sao họ lại có thể thắng đến 90%, bản thân chúng tôi ngồi ở đây cũng vô cùng kinh ngạc, tôi không hiểu những người đứng ra làm công việc này họ cân nhắc trên cơ sở gì. Chứ còn ở Trung Quốc ngay thành phố Thượng Hải mà tôi tự đánh giá rằng sự văn minh, sự tiến bộ với các công nghệ tiên tiến nhất, đã có lúc một ngôi nhà cao tầng lật nhào lên chìa cả những ống móng ở dưới ra, thì thật sự không còn điều gì để nói nữa. Họ làm cho họ đã thế thì làm sao họ làm tử tế cho Việt Nam. Lý do tại sao họ thắng thầu chúng ta không cần phải nói, nhưng chắc đã hiểu tại sao.”

Lễ ký kết Hợp đồng sau khi Công ty China Huadian Engineering (CHEC) Trung Quốc trúng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, hôm 30-06-2010. Photo courtesy of baodautu.vn

Đối với chuyện doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu vì giá rẻ, nữ kiến trúc sư Trần Thanh Vân phân tích:

“Việc giá rẻ của họ, chúng ta thấy rõ quá. Công nhân rẻ mạt làm ăn gian dối, giá hàng hóa rẻ, giá thầu rẻ, giá thi công rẻ là tất nhiên, chuyện đó dễ lắm. Tôi nghĩ rằng làm ở cái giá đúng mức mà chất lượng tốt mới là khó. Cách đây 10 năm tôi đã từng là giám đốc công ty đi thầu xây dựng, lúc đó bắt đầu có các công trình đầu tư nước ngoài những người chủ doanh nghiệp không bao giờ chọn người giá thấp đâu. Bởi vì đưa giá thấp để thắng thầu đâu có nghĩa là làm được tốt, mà người ta cần kiểm tra xem qui trình công nghệ, các giải pháp kỹ thuật để làm sao tiết kiệm được vật tư, tiết kiệm lao động để ra được hiệu quả mới là việc quan trọng.”

Theo Vietnam Net, mỗi năm Việt Nam chi tiêu từ 25 tới 30 tỷ USD trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng, chiếm 35% GDP tổng sản phẩm nội địa. Trong đó sẽ phải nhập từ 10 đến 12 tỷ USD vật tư và thiết bị. Không có một nhà thầu Việt Nam nào có thể vượt qua nhà thầu Trung Quốc vì cơ chế đấu thầu ở Việt Nam thực chất là đấu thầu về giá.

Cán cân mậu dịch Việt nam Trung Quốc mất quân bình nghiêm trọng, mỗi năm Việt Nam nhập siêu hơn chục tỷ USD chiếm tỷ lệ 85% tổng trị giá nhập siêu. Để người Trung Quốc chiếm lĩnh các gói tổng thầu EPC là gia tăng thêm mức nhập siêu này. Trong khi đó, tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam mới đạt mức 3,17 tỷ USD với vốn điều lệ 1,4 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 1,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài trị giá 188 tỷ USD ở Việt Nam.

Rõ ràng bánh ít đi mà bánh qui không lại.

@RFA

Khinh trí thức

Nguyễn Hưng Quốc

Ở giới lãnh đạo Việt Nam, có một nghịch lý: một mặt, họ có vẻ chuộng bằng cấp, ai cũng có vẻ muốn có bằng cấp thật cao và tạo cơ hội cho các cán bộ dưới quyền có bằng cấp thật cao, kể cả bằng giả hoặc bằng dỏm; nhưng mặt khác, họ lại không che giấu được sự khinh bỉ cố hữu đối với trí thức.

Nói “cố hữu” vì nó gắn liền với bản chất giai cấp của đảng Cộng sản. Có lẽ không ai không biết câu ví trí thức với cục phân của Mao Trạch Đông tại cuộc hội nghị văn nghệ ở Diên An năm 1943. Mấy năm sau, câu nói ấy được du nhập vào Việt Nam và được giới văn nghệ sĩ, trí thức học tập ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhà văn Nguyễn Thành Long kể:

“Khi đọc tài liệu Văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông, tôi còn nhớ nguyên văn một câu gây ấn tượng dai dẳng trong tôi: ‘Trí thức là cục phân’. Chúng tôi phải tin theo điều này và tự phủ nhận bản thân mình.” (1)

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945, đặc biệt, từ 1954 về sau, người ta có thể dễ dàng tìm thấy vô số bằng chứng về chính sách đối xử tàn tệ đối với giới trí thức, kể cả những trí thức được coi là cực kỳ xuất sắc, là những niềm tự hào hiếm hoi mà dân tộc Việt Nam có được. Thì cứ nhìn lại cuộc đời của Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997), Trần Đức Thảo (1917-1993), Đào Duy Anh (1904-1988) và Trương Tửu (1913-1999) mà xem. Có thể nói họ là bốn đỉnh cao trong lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn trước cách mạng tháng Tám. Người đầu tiên nổi tiếng là học giỏi (22 tuổi có hai bằng tiến sĩ ở Pháp) và là luật sư giỏi; người thứ hai được xem là triết gia duy nhất có tầm vóc quốc tế của Việt Nam cho đến thời điểm này; người thứ ba, bằng con đường tự học, trở thành một dịch giả, một sử gia, một nhà từ điển học và văn hoá học lừng lẫy; còn người cuối cùng là một nhà phê bình và lý thuyết văn học vừa uyên bác vừa tài hoa. Vậy mà, suốt mấy chục năm, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả đều bị hắt hủi, thậm chí, dập vùi một cách vô cùng tàn bạo. Họ không những đói, khổ mà còn bị nghi ngờ và khinh bỉ. Công việc duy nhất mà một vài người trong họ có thể làm được là dịch thuật. Nhiều khi dịch mà vẫn không được ghi tên trên tác phẩm mình dịch.

Tất cả chỉ được khen ngợi sau khi… chết.

Khi khen ngợi, người ta cũng tảng lờ đi những năm tháng họ bị ruồng rẫy.

Và người ta cũng tảng lờ đi là, cho đến sau này, nhiều tài năng khác, hay trí thức nói chung, vẫn tiếp tục bị khinh rẻ.

May, không phải ai cũng tự lừa mình hay lừa người khác như vậy.

Đã có nhiều người lên tiếng. Trước, lên tiếng ở những chỗ riêng tư. Sau, dần dần, họ lên tiếng một cách công khai.

Người lên tiếng nhiều và cay đắng nhất có lẽ là nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh. Ông nói đi nói lại nhiều lần. Một lần, trong bài viết Phê bình văn học trong trong tình hình mới đăng trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) số ra ngày 29-8-1987, ông viết: “Người ta thích nói một cách chung chung, nền văn học của ta đã trưởng thành, văn nghệ sĩ của ta là những chiến sĩ, những anh hùng, nhưng đối với văn nghệ sĩ thì coi như con nít”. Lần khác, trong một cuộc hội thảo bàn tròn do báo Văn Nghệ tổ chức cũng được tường thuật trên số báo vừa dẫn, ông lại nói: “Nhà văn cũng bị coi là con nít: sợ họ hư nên người ta thích bật đèn đỏ, đèn vàng, chứ ít khi bật đèn xanh cho văn nghệ phát triển”. Lần khác nữa, trong buổi họp mặt giữa Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư đảng, với khoảng 100 văn nghệ sĩ Hà Nội, vào tháng 10 năm 1987, Nguyễn Đăng Mạnh phát biểu: “Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ”. (2)

Sau này trong cuốn “Hồi ký” được phổ biến rộng rãi trên internet, Nguyễn Đăng Mạnh lại lặp lại ý kiến ấy khi nói đến sự kiện một số cán bộ lãnh đạo sử dụng một số cây bút đàn em để đánh phá những văn nghệ sĩ và học giả mà họ không thích:

“Trình độ văn hoá, trình độ nhận thức thấp tất đẻ ra lối lãnh đạo văn hoá một cách thô bạo. Chẳng hiểu gì cả mà dám can thiệp sâu vào chuyên môn […]. Và họ khinh bỉ trí thức đến thế là cùng: không mời tôi và bất cứ một nhà nghiên cứu văn học nào đến để tham khảo ý kiến.” (3)

Liên quan đến chuyện khinh bỉ giới trí thức, những lời kể của Vũ Thư Hiên trong cuốn Đêm giữa ban ngày về Đinh Đức Thiện, em ruột của Lê Đức Thọ, khá thú vị:

“Trong cuộc đời không dài Ðinh Ðức Thiện đã giữ những chức vụ rất quan trọng – bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Trưởng ban xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, hàm thượng tướng. Ông ít học. Trình độ học vấn không quá bậc sơ đẳng. Thế nhưng Ðinh Ðức Thiện khinh trí thức lắm. Ông hạ lệnh cho các kỹ sư điện tính toán thời hạn lắp đặt đường dây cao thế Thái Nguyên – Hà Nội. Họ tính kỹ rồi báo cáo lên Ðinh Ðức Thiện: không thể dưới hai năm. Ông ta nghe xong liền nổi khùng: ‘Rặt một lũ ăn hại đái nát! Làm chó gì mà mất những hai năm. Tôi mà ra lệnh cho công binh làm ấy à, chỉ hai tháng là cùng. Tính với chả toán, tính như con c… Các anh lúc nào cũng cúi đầu làm theo sách vở của bọn thực dân đế quốc. Vào rừng chặt cây về mà làm cột, mắc điện vào. Là xong. Trí thức với chả trí ngủ!’ Người kể lại chuyện này là một kỹ sư tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật thời Pháp, hôm ấy được nghe Ðinh Ðức Thiện trực tiếp quát mắng.

[…]

“Có một thời sự thiếu học được coi là niềm tự hào – người ít học là người có quá khứ trong sạch, không dính với thực dân, phong kiến. Ðinh Ðức Thiện tự hào về sự thiếu học của mình lắm. Ông vỗ ngực đồm độp: ‘Xem tao đây này, tao chẳng có cái bằng chó nào hết, thế mà tiến sĩ kỹ sư sợ tao một phép. Chúng nó ỷ có học, nhưng học gì lũ chúng nó, học vẹt ấy thì có, rời sách vở ra là chịu chết. Trí thức mà không có thực tế chỉ là cục c… Chính tao này, tao chỉ đạo kỹ thuật cho chúng nó, chứ ai? Nghe cái bọn quen bơ thừa sữa cặn ấy chỉ có mà ăn cháo, ăn cháo!’.” (4)

Đọc xong câu chuyện ấy, tự dưng tôi nhớ đến câu chuyện do Huỳnh Thúc Kháng kể trong cuốn Thi tù tùng thoại: Khi bị giam ngoài Côn Đảo, ông và một số người khác – toàn là dân khoa bảng chống Pháp – bị bắt đi đập đá. Thấy mọi người làm việc vụng về, tên cai ngục, vốn là một đứa vô học, cầm roi gõ vào đầu từng người hỏi: “Mày làm gì?” Người kia đáp: “Dạ, Cử nhân.” Hắn quất cho một roi, rồi nói :”Cử nhân nè!”. Hỏi người khác: “Mày làm gì?” Đạp: “Dạ, Tiến sĩ” Hắn quất cho một roi và nói: “Tiến sĩ nè!”.

Cứ thế, hết người này đến người khác.

Đau xót, Huỳnh Thúc Kháng làm bài thơ:

Tấn sĩ nhỉ hà vật
Ngôn ngữ thái ngạo mạn
Tặng nhỉ nhứt trường tiên
Sử tri ngã thủ đoạn

Ông tự dịch:

Tiến sĩ là cái gì
Ăn nói rất vô lễ
Cho mày một ngọn roi
Mày biết tay tao nhé!

Đọc, cứ tưởng như chuyện hài hước.

Vậy mà chúng có thực. Có thực, thời Pháp thuộc. Có thực, thời cách mạng. Và không chừng cũng có thực, cả đến tận bây giờ nữa.

Đúng không?

@ VOA