Day: 07/08/2010
“Ngàn vàng” và một chữ trinh
Chỉ còn một tháng nữa tôi lên xe hoa, chính thức về làm vợ anh, mối tình thứ hai của tôi. Nói hay không với anh về việc tôi đã trao đi “cái ngàn vàng”, bởi làm sao giấu kín chuyện tày đình trong đêm tân hôn?
Yêu nhau đâu tránh khỏi những khát khao, nhiều lần anh và tôi muốn vượt qua giới hạn, nhưng tôi đã tỉnh táo dừng lại được. Vì điều đó anh lại càng yêu tôi nhiều hơn mà không biết rằng tôi sợ. Sợ anh phát hiện mình không còn trinh trắng và sẽ bỏ tôi. Thấy anh trân trọng, tôi lại càng day dứt về bí mật con gái của mình.Mối tình đầu của tôi là một người bạn cùng trường đại học. Chúng tôi yêu nhau ngay từ lần gặp đầu tiên.
Tình yêu cứ thế lớn dần với những rung cảm, đồng điệu của hai tâm hồn, tất nhiên cùng những khát khao rất đỗi bình thường. Đã bao lần khi ở bên nhau, trong vòng tay với những nụ hôn ngất ngây khiến đất trời nghiêng ngả, anh cố kìm giữ ngọn lửa muốn đốt cháy mình để giữ cho tôi. Có lần anh đẩy tôi ra và bỏ chạy để không làm điều gì xúc phạm đến tôi. Nhưng chính tôi đã trao anh sự trinh trắng thiêng liêng của đời con gái trong niềm hạnh phúc được hiến dâng và nỗi đau xé lòng vì mất mát: Anh bị bệnh nan y và không thể kéo dài cuộc sống.
Tôi yêu anh và không chút tiếc nuối khi thuyết phục người yêu hát khúc hoan ca của tình yêu, thật hạnh phúc khi được trao và nhận. Tiễn đưa anh về nơi xa ấy, tôi tiễn biệt cả thời con gái với tình yêu trong trẻo, tưởng chẳng bao giờ còn có thể yêu lần nữa.
Rồi thời gian cũng giúp vết thương lành miệng. Tôi lại yêu, bạn của anh trai mình, người tôi thần tượng từ khi còn nhỏ. Anh mang đến cho tôi cảm giác bình yên khi được chở che, nâng đỡ. Anh biết về mối tình đầu của tôi và rất tôn trọng, chưa bao giờ anh hỏi về tình yêu ấy, mặc dù biết tôi vẫn đến thắp nhang trong ngày giỗ người yêu xưa. Nhưng tôi vẫn mãi đắn đo không dám nói sự thật với anh trong sự giằng xé của tình yêu, sự kính trọng và lo sợ.
Cô bạn thân của tôi khuyên: nên nói sự thật, người như anh ấy sẽ càng quý trọng bạn hơn vì biết bạn là người hết mình trong tình yêu. Và tôi nghe theo lời khuyên ấy.
“Cô là loại đàn bà lăng loàn, trắc nết”, anh “ném” vào mặt tôi những lời đầy khinh miệt khi chỉ mới nghe tôi nói: “Xin lỗi anh. Em đã trao cái quý giá nhất của người con gái cho mối tình đầu”. Rồi hàng tá lời lẽ thô thiển – mà không ai ngờ có thể thốt ra từ một người có trình độ thạc sĩ như anh, tới tấp dội xuống đầu tôi. Ngạc nhiên đến choáng váng, tôi oằn mình chịu đựng cơn thịnh nộ của chồng sắp cưới. Tôi hiểu thái độ của anh trước sự thật bẽ bàng về người con gái sắp làm vợ mình. Tôi thông cảm vì nếu là mình, tôi cũng đau đớn như thế, phản ứng tức thời thường là vậy. Nhưng, tôi chỉ cố an ủi mình.
Anh đề nghị họp hai bên gia đình. Trước mặt người lớn hai bên, anh tuyên bố hủy hôn vì tôi không còn trinh tiết. Anh lập luận: Loại đàn bà như tôi rồi sẽ “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục lối sống dễ dãi, buông thả, vô đạo đức, sẽ là nỗi sỉ nhục của chồng con. Mẹ tôi khóc: “Con ơi, đừng nặng lời như thế. Con gái mẹ không phải loại người ấy. Nó là đứa hiền lành, sống có nề nếp. Chuyện lỡ dại cũng vì quá yêu mà thôi. Con hãy tha thứ cho nó”. Anh đay lại: “Bác còn nói thế hèn chi cô ta không buông tuồng. Thứ đàn bà như vậy làm sao còn dám nói đến đức hạnh”. Thốt nhiên, bao nhiêu tình yêu, sự kính trọng và cả nỗi lo sợ, nhún nhường trong tôi tan biến. Tôi lạnh lùng: “Con xin lỗi tất cả. Đám cưới này không diễn ra là điều may mắn cho con. Một người đàn ông xem trọng cái màng trinh vô tri vô giác hơn giá trị đạo đức đích thực, thì không xứng làm chồng con”. Mẹ tôi khóc lặng, ba bỏ đi không thốt một lời.
Quả thật “phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”. Cái miếng da mỏng dính kia hóa ra lại có ý nghĩa sống còn trong việc đánh giá tư cách của người con gái. Hèn chi người ta gọi nó là “cái ngàn vàng”. Nhưng chắc ai cũng biết, ngày nay “cái ngàn vàng” ấy có thể vá đi vá lại nhiều lần mà vẫn “ngon lành” như “mới”. Phải chi tôi “khôn ngoan” hơn, đi vá lại cái quý giá ấy thì làm sao chồng chưa cưới của mình phát hiện ra chứ! Tôi cười sằng sặc với ý nghĩ điên khùng ấy.
Tôi nói với cha mẹ mình: “Con không hổ thẹn về việc mình đã làm. Con dâng hiến cho mối tình đầu tất cả tâm hồn, thể xác vì đó là một tình yêu chân thật, cao quý. Yêu chân thành và hiến dâng không có gì là xấu xa, vì thế không cần xin tha thứ mẹ ạ. Trinh tiết của con không cần cân đo đong đếm bằng cái màng trinh mỏng dính ấy”.
Có lẽ quan điểm của tôi không được phái mày râu tán thành, nhưng xin thưa, Kim Trọng yêu thương, quý trọng Thúy Kiều ngay cả khi nàng vào ra thanh lâu mấy lượt, với chàng, Kiều vẫn còn trinh.
Tố Hạnh
@PNO
CẬP NHẬT TIN TỨC 7-8-2010
Các ý kiến xoay quanh cuộc đàm phán hạt nhân Việt Mỹ
Đàm phán về hạt nhân dân dụng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, có thể dẫn đến chuyện Việt Nam sẽ làm giàu chất uranium, là điều gây lo ngại cho một số nhà làm luật Hoa Kỳ, họ xem sự kiện này là một bước lùi trong việc ngăn chận sự lan tràn của các chất liệu hạt nhân có thể sử dụng để chế vũ khí.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley nói Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam, giống như Liên hiệp các Tiểu vương A-rập, sẽ không sử dụng công nghệ này để tự chế nhiên liệu hạt nhân, và đó là điều mà Hoa Kỳ đang thảo luận trong quá trình đàm phán với Việt Nam.
Ông James Kelly, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhận xét:

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip J. Crowley nói Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam sẽ không sử dụng công nghệ này để tự chế nhiên liệu hạt nhân, và đó là điều mà Hoa Kỳ thảo luận trong quá trình đàm phán với Việt Nam
“Quan hệ thương mại, bao gồm mục hạt nhân như đã được báo chí nói tới, và tôi không rõ có nói đến chuyện tái xử lý hay không; theo tôi chỉ là một sự công nhận Việt Nam đang có một quy trình phát triển kinh tế quan trọng.”
Một quan chức Việt Nam nói với tờ Wall Street Journal của Mỹ là Hà Nội không có kế hoạch làm giàu uranium.
Nhưng một số chuyên viên về phổ biến hạt nhân vẫn quan ngại trước cuộc đàm phán hạt nhân Việt Mỹ, trong số này có Andrew Davies, thuộc Viện Chính sách Chiến lược của Úc.
Ông nói với VOA nếu để các quốc gia liên hệ tự quyết định vấn đề làm giàu uranium thì quả là một chuyện nguy hiểm:
“Càng có nhiều phe có khả năng làm giàu uranium thì thế giới chúng ta đang sống có nhiều rủi ro về hạt nhân hơn. Không phải là tôi không tin tưởng Việt Nam sẽ giữ lời hứa nhưng vấn đề ở đây là khả năng. Một khi người ta có khả năng làm giàu uranium thì sẽ cám dỗ người ta tiến sang con đường muốn sản xuất những chất liệu hạt nhân có thể chế vũ khí.
Các quốc gia láng giềng sẽ nhìn vào đó và họ sẽ không tìm cách đánh giá xem liệu họ có thể tin tưởng nơi chế độ bạo quyền ở Hà Nội hay không, nhưng họ sẽ đặt dấu hỏi viễn ảnh chiến lược là gì và diễn biến tương lai nào họ sẽ phải đánh cuộc vào đó.”
Khi được hỏi liệu cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ Việt có gây khó chịu cho Trung Quốc hay không, ông Davies nói:
“Dứt khoát là như thế. Trung Quốc sẽ nói rằng nếu Việt Nam có khả năng làm giàu uranium, một điều mà trước đây Việt Nam chưa hề có, thì như vậy khung cảnh hạt nhân của khu vực đã thay đổi.”
Khi được hỏi liệu một khi Việt Nam có hạt nhân thì toàn khu vực sẽ có phong trào chạy theo hay không, ông nói:
“Cái đó tùy theo sự chọn lựa của Việt Nam. Hiện nay khu vực có một khung cảnh bấp bênh này chúng ta đã thấy Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đang có hạt nhân. Nếu Việt Nam cũng chọn theo con đường đó thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường trước được.”
@ VOA
Việt Nam hy vọng tiếp 1 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay
Bản tin Bernama ngày 6/8 trích dẫn nguồn tin từ giới chức ngành du lịch Việt Nam cho biết Việt Nam hy vọng sẽ đón khoảng 1 triệu khách du lịch từ Trung Quốc trong năm, sau các chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam tại các thành phố lớn của Trung Quốc trong hai năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với ngành công nghiệp du lịch Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, trong nửa đầu năm nay đã có 437 ngàn lượt du khách Trung Quốc ghé thăm Việt Nam, tức tăng hơn 92% so với cùng thời gian năm ngoái. Số khách Trung Quốc chọn địa điểm du lịch ở miền Nam Việt Nam được ghi nhận là tăng 25% mỗi năm.
Nguồn: Bernama, Thesaigontimes.vn
Vụ Bắc Giang: công an đánh chết anh Nguyễn Văn Khương bị truy tố
Công an Bắc Giang quyết định truy tố thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp là thủ phạm giết chết anh Nguyễn Văn Khương.

Người dân đem quan tài Anh Nguyễn Văn Khương biểu tình tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang hôm 25/07/2010.
Kết quả giám định gửi về công an tỉnh Bắc Giang cho biết nguyên nhân cái chết của anh Khương là do não bị tụ máu dưới màng mềm được hình thành do có ngoại lực lớn tác động trực tiếp. Giám định này do Viện khoa học hình sự xác nhận.
Anh Nguyễn Văn Khương chết vào tối ngày 23 tháng 7 tại đồn công an huyện Tân Yên, Bắc Giang. Theo báo cáo của công an thì trong lúc viết tường trình anh không chịu ký vào biên bản vi phạm luật giao thông. Báo cáo viết rằng anh Khương đã chết khi ngồi trên ghế.
Trong khi khai lần thứ hai, Nguyễn Thế Nghiệp khai nhận đã đẩy anh Khương vào phòng làm việc trước khi yêu cầu viết tường trình. Khi anh Khương đã vào trong phòng thì Nghiệp đi ra lấy giấy bút đem vào phòng cho anh Khương viết tường trình rồi quay ra làm việc với các trường hợp khác. Anh Khương bị phát hiện đã chết sau đó.
Công an tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm đình chỉ công tác 4 công an huyện Tân Yên là: Ngô Văn Đỗ, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Thế Nghiệp và Diêm Đăng Quyết để điều tra vụ việc. Qua lấy lời khai 4 công an nói trên, cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp là người trực tiếp liên quan đến vụ việc này. ( rfa )
Nhập siêu khổng lồ từ Trung Quốc
![]() |
Hủy sữa nhiễm melamine (Ảnh Reuters) |
“Trong khi đầu tư nước ngoài từ TQ vào Việt Nam là rất thấp thì nhập siêu hàng hóa từ TQ vào Việt Nam lại bằng toàn bộ giá trị nhập siêu từ tất cả các nước khác. Những hàng hóa, các nhà thầu từ Trung Quốc với hàng hóa có cái giá còn thấp hơn giá thành sản xuất, thậm chí thấp hơn cả giá nguyên vật liệu, đang thực sự đe dọa hàng hóa trong nước“
– Đây là phát biểu của Đại biểu QH Bà Phạm Thị Loan, Ủy viên ủy ban tài chính và ngân sách của QH tại Tọa đàm về hàng Việt Nam do báo Đại Đoàn kết tổ chức hiện đang diễn ra
Theo bà Loan, nhập siêu của VN ngày càng lớn với cán cân thương mại mất cân đối khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Những con số nhập siêu này là lớn đối với một nền kinh tế mà dự trữ ngoại tệ thấp, năm nay chỉ còn 15 tỷ USD. Nhìn sang láng giềng, TQ có dự trữ hơn 2000 tỷ USD.
Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của VN sang TQ là sản phẩm thô: gạo, nông thuỷ sản, thủy sản, khoáng sản, trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, thậm chí hàng tiêu dùng. “Tôi rất buồn vì những hàng không đáng cũng nhập khẩu: Muối, thức ăn gia súc, hàng tiêu dùng. Tôi cho rằng việc nhập những hàng hóa này là rất vô lý, vì đây là những hàng hóa trong nước đã sản xuất rất tốt”- bà Loan nói.
Nhìn nhận lại toàn cảnh vấn đề xuất nhập khẩu, chúng tôi nhận thấy Thị trường nhập khẩu chính của VN là Đông Á, chiếm 55-76,7% và sau đó là TQ (Con số này được lấy từ năm 2001 đến nay, với mức thấp nhất là 55% và cao nhất là 76,7%). Nhập khẩu từ TQ rất lớn. Nhập siêu từ TQ chiếm 12 tỷ USD tương đương nhập siêu của cả nước (bằng tất cả các thị trường khác cộng lại). Cán cân thương mại đang có vấn đề khi trong thời gian qua, xuất khẩu sang TQ chỉ 2,9 tỷ, trong khi nhập 9,8 tỷ. Nhập siêu gần 7 tỷ. Đây là số liệu nhập khẩu chính ngạch, chưa nói tiểu ngạch, biên mậu thuộc về phạm trù hàng lậu. Sức ép lấn sân thị trường nội địa rất lớn. Nếu không quan tâm đến điều này, chúng ta sẽ mất thị trường, con cháu chúng ta sẽ phải làm thuê
Chính sách của TQ, một nền kinh tế có lượng dự trữ ngoại tệ mạnh đang là chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ để xuất khẩu để chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đây là chính sách rất khó lường. Một nước như Việt Nam là thị trường béo bở của TQ. CHúng ta sẽ rất khó khăn khi chống đỡ với sự ồ ạt xuất hàng của họ sang Việt Nam nếu không có những chính sách hợp lý và quyết liệt.
Cuộc nóichuyện với Chủ tịch Vinashin trước ngày bị bắt
Thuyền trưởng Vinashin Phạm Thanh Bình trong phòng làm việc trước ngày bị bắt. |
Ông Bình ngồi bên cạnh con tàu thủy bằng gỗ vẻ trầm ngâm, chênh chếch phía đối diện là tượng Quan Công mặt đỏ lựng tay xách đại đao. Ông nói: “Cũng xác định tư tưởng hết rồi…”.
Bỏ biển lên bờ
Trước khi ông Phạm Thanh Bình (Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Vinashin) bị bắt, phóng viên Tiền Phong đã có dịp hiếm hoi gặp với ý định phỏng vấn về những vấn đề đang gây sốt dư luận. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn bị từ chối, tôi cũng tôn trọng ông nên buổi gặp gỡ đó chỉ là cuộc trao đổi ngoài lề đầy tâm tư.
Căn phòng làm việc của ông tại trụ sở Vinashin (trên đường Ngọc Khánh, gần triển lãm Giảng Võ) rộng, được bố trí đặc trưng phong thủy. Chặn trước cửa là một bức bình phong trang trí hình con hổ dữ, kế đến là tượng Quan Công mặt đỏ xách đại đao; tôi tìm mãi không thấy tượng Gia Cát Lượng đối xứng ở trong phòng. Trong buổi chuyện trò, ông Bình miên man tới những câu chuyện thời chiến quốc. Hôm đó, ông Bình vừa bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin.
Không giống như nhiều quan chức khác trước khi bị bắt thường là ủ dột, não nề; ông Bình bình thản lạ lùng. Tôi chỉ tay hướng bức tranh đặc tả những cột sóng tung trắng xóa và khen đẹp thì ông nói: “Đó là bức tranh mình thích. Đời mình gắn bó nhiều với biển to, sóng dữ”. Có lẽ ít người biết, hồi còn trẻ, ông Bình từng kéo theo đội quân đi kè đảo và xây đèn biển.
Ông kể, có lần xây một bờ kè ở đảo chìm xa ngoài khơi, sóng dữ dằn, cá mập lượn lờ, các công nhân dưới quyền đều sợ đứng nhìn trên bờ. Lúc đó, ông Bình đã mặc bộ đồ lặn bất chấp tất cả và hoàn thành múi hàn một đoạn kè quan trọng.
Lang thang đi xây đèn biển, kè đảo một thời gian, rồi ông Bình lên bờ đóng tàu. “Ở dưới biển, tôi bơi rất khỏe, có thể ăn ngủ trên sóng”, ông Bình nói. Đó là câu chuyện thời trai trẻ và vô tư. Không hiểu sao, tôi lại nhớ tới chuyện Lý Quỳ đánh chết hổ trên núi nhưng khi giao chiến với người dưới nước lại bị nhận chìm, thua liểng xiểng.
Đề cập chuyện đang ập tới, ông nói: “Cái số đã thế rồi thì khó tránh lắm. Vừa họp cơ quan xong, sợ anh em buồn, tôi còn lên sân khấu hát những bài truyền thống về Vinashin. Có bác công nhân còn nói, trước dư luận ồn ào mà thấy anh Bình thế này thì chúng tôi yên tâm. Bây giờ, dù không có chức danh gì nhưng tôi vẫn cố hoàn thành nốt những phần việc còn lại để bàn giao”.
Vì nó trót là con tôi
Thế chuyện về con trai, em trai ông được ưu ái cất nhắc thì sao? “Em trai mình chỉ đại diện phần vốn của Nhà nước có vài chục phần trăm thôi. Mấy chục phần trăm này có phải là tiền đâu, đó chỉ là thương hiệu Vinashin quy ra tiền. Mang tiếng đại diện phần vốn nhưng cũng không có quyền hành gì”.
Rồi, ông kể về cậu con trai hiện làm Phó Viện trưởng Khoa học Công nghệ tàu thủy. Trước khi cậu con trai đi du học nước ngoài đã từng được gửi vào học lớp Đóng tàu biển (Đại học Bách khoa Hà Nội). “Khi tôi đề xuất với Đại học Bách khoa để mở lớp, các thầy ở đó sợ không có ai học nên tôi tình nguyện đưa con vào học đầu tiên để làm tin. Sau đó, con mình thi được học bổng nước ngoài thì lại gửi đứa cháu vào. Mình không muốn thanh minh nhưng con mình là đứa thực sự có năng lực”, ông Bình tâm sự.
Tôi đã được nghe một câu chuyện khác về Viện phó Khoa học Công nghệ tàu thủy Phạm Bình Minh (sinh năm 1980): Tốt nghiệp đại học một trường danh tiếng ở Mỹ chuyên ngành kỹ sư vỏ tàu thủy được giữ lại trường nghiên cứu tiếp và được một số công ty ở Mỹ mời làm việc, về nước năm 2003 và làm công nhân ở Nhà máy tàu biển Hyundai một thời gian.
Ông Bình cho biết:”Đó là thời gian trải nghiệm để cháu nó hiểu đời sống thực của công nhân đóng tàu. Ông giám đốc nhà máy mãi mới biết đó là con trai tôi vì tìm hiểu cậu công nhân nói tiếng Anh giỏi. Thậm chí, có lần cháu nó suýt chết khi trèo lên kiểm tra hiện trường lúc còn làm công nhân ở đó. Người ta học đại học 5 năm, nó học chỉ ba năm rưỡi đã tốt nghiệp. Về nước còn bị hồ nghi là chưa tốt nghiệp”.
Thế nhưng, quan lộ của con trai ông như hiện nay là quá hanh thông? Dù thi nhưng khi ông là Chủ tịch HĐQT liệu kết quả có khách quan? “Có hội đồng chấm thi có cả người ngoài và các ứng cử viên phải đứng thuyết trình công khai… Thi đỗ và đủ các tiêu chuẩn rồi cũng có phải được đề bạt ngay đâu. Chứ không hẳn, Chủ tịch HĐQT muốn là được”.
Theo ông Bình, với năng lực hiện có, con trai ông có quyền lựa chọn vị trí tốt với mức thu nhập cao gấp nhiều lần nếu làm bên ngoài thay vì mỗi tháng lĩnh khoảng 7 triệu đồng ở Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy. “Trong tương lai, nếu mà có chuyện gì xảy ra, khả năng các con (con thứ 2 cũng học về đóng tàu biển – PV) tôi sẽ thôi không đi theo niềm đam mê của bố nó nữa”, ông Bình thổ lộ.
Ông Bình từng chèo lái một con tàu Vinashin khổng lồ trên một hải trình đứt gãy; nhưng xem ra những ngày trước khi bị bắt, ông lại thận trọng dẫn lái con thuyền gia đình để đối mặt với khủng hoảng. Trước khi tạm biệt ông Bình, tôi trộm nghĩ tại thời điểm này, con hổ dữ trên bức bình phong chắn ngang cửa phòng và cả tượng Quan Công hình như không phát huy tác dụng mà chủ nhân mong muốn khi sắp đặt phong thủy. Tượng Gia Cát thì vẫn không thấy đâu…
Đình Thắng
@ TienPhong
Dùng biện pháp quân sự, Trung Quốc sẽ tự cô lập mình
Minh Anh – Phương Loan
Trung Quốc sẽ phải đấu dịu sau đó, nếu không thì khó có thể ai chơi với Trung Quốc được. Bối cảnh hiện nay tạo cho Việt Nam một thời cơ hiếm có để giành được sự ủng hộ của thế giới bên ngoài và hậu thuẫn của nhân dân trong nước – Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận định.
LTS: Tuần Việt Nam trò chuyện với Giáo sư Ngô Vĩnh Long về một chủ đề nóng bỏng hiện nay: an ninh Biển Đông sau một loạt những động thái căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cùng những lựa chọn ứng xử cho Việt Nam.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long là học giả người Việt nổi tiếng tại Mỹ, hiện đang giảng dạy lịch sử tại ĐH Maine. Ông vừa trở về từ Hội thảo Hè tại Philadelphia, bàn về tranh chấp Biển Đông và an ninh con người.
Phía sau những động thái khiêu khích của Trung Quốc
– Được biết, tại hội thảo Hè tại Philadelphia năm nay, các nhà nghiên cứu đặt vấn đề về vai trò của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực. Quan điểm của các học giả liên quan đến vai trò của các nước lớn trong vấn đề an ninh khu vực như thế nào?
Hội thảo Hè vừa rồi được tổ chức là vì nhiều học giả người Việt đang ở nước ngoài nhận thấy là Trung Quốc càng ngày càng đe dọa an ninh của các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như Bắc Á, chứ không chỉ đối với riêng vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc cố tình khiêu khích Mỹ để uy hiếp các nước khác trong khu vực. Năm 2008, Trung Quốc đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, và để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Tây Thái Bình Dương đến phía tây quần đảo Hawaii. Sau khi Mỹ từ chối thì tàu hải quân Trung Quốc đã gây sự với tàu Mỹ 2 lần vào năm 2009.
Sau đó, vì Mỹ và các nước lớn khác không có thái độ cương quyết đối với những hành động khiêu khích và những yêu sách vô lý vừa đề cập ở trên, Trung Quốc đã liên tục uy hiếp Việt Nam và một số nước khác trong khu vực Biển Đông như cấm đánh cá, bắt thuyền đánh cá và ngư dân…
Đặc biệt, tháng 4/2010, Trung Quốc đã đưa các chiến thuyền hiện đại nhất thuộc cả 3 hạm đội hải quân của họ (hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải) xuống vùng Trường Sa tập trận gần 3 tuần.
Và mới đây, hải quân Trung Quốc lại tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng đã tuyên bố với riêng với hai viên chức cao cấp Mỹ vào cuối tháng 3/2010 rằng Biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tức là cũng ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương; và vì thế Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng hay thỏa hiệp ở đây, tuy Trung Quốc vẫn thường nói là sẽ thương lượng song phương với từng nước ở Đông Nam Á.
Trước sự đe dọa và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc, trong những tháng qua, Hoa Kỳ đã có bước chuyển chính sách đối phó với Trung Quốc. Có thể nói, đây là một thắng lợi lớn về ngoại giao của ASEAN.
Rõ ràng, trước thái độ khiêu khích như thế hầu như trên toàn bộ Tây Thái Bình Dương, nếu Mỹ và các nước lớn khác không cùng nhau tỏ thái độ cương quyết với Trung Quốc thì nước này trên thực tế đã uy hiếp được các nước nhỏ trong vùng cũng như sẽ càng ngày càng gây thêm mất an ninh cho khu vực.
– Phía sau những động thái khiêu khích mà ông đề cập ở trên là gì?
Phải thấy rằng, đối tượng chính của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, là Hoa Kỳ. Trung Quốc đã cố tình thách thức, nếu không nói là gây hấn, để mong Mỹ, trong lúc phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, phải có thái độ nhũn nhặn với Trung Quốc, nếu không nói là có thể nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc không những trong khu vực Tây Thái Bình Dương hay Biển Đông mà còn trong các lĩnh vực kinh tế – tài chính nữa.
Nếu làm được việc này, không những Trung Quốc hù dọa được các nước khác trong khu vực mà cũng còn lấy điểm với dân chúng họ bằng cách dấy lên lòng tự hào dân tộc.
Riêng tại khu vực Biển Đông, đối tượng chính của Trung Quốc là Việt Nam vì Việt Nam là nước “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong vùng và có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh có thể làm áp lực Chính phủ Hà Nội tỏ thái độ nhân nhượng trên biển cũng như trên đất liền thì Trung Quốc có thể ít nhất là trung lập hóa được các nước khác vì họ không có lợi ích nhiều như Việt Nam trong việc tranh chấp với Trung Quốc.
Không ai dại gì đưa đầu ra nếu nước bị mất mát nhiều nhất không dám đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. Do đó, Trung Quốc đã rất khôn khéo trong việc hù dọa và chỉ chủ yếu đánh bắt ngư dân Việt Nam.
Bước chuyển chính sách của Hoa Kỳ
– Nhưng có vẻ ý đồ trên đã không thành công khi tại Diễn đàn ARF do Việt Nam chủ trì tại Hà Nội vừa qua, người ta chứng kiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra tuyên bố mạnh mẽ và dứt khoát về tranh chấp Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về các động thái mới này?

Trước sự thách đố cố tình của Trung Quốc đối với Mỹ để hù dọa các nước khác trong khu vực, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố công khai là họ muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm.
Nhưng việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là khu vực “lợi ích cốt lõi” và việc sử dụng những chiến thuyền từ cả ba hạm đội để diễn tập tại khu vực gần quần đảo Trường Sa là những giọt nước tràn ly.
Mỹ không thể nhân nhượng mãi vì như thế sẽ làm cho Mỹ mất uy tín không những ở Châu Á Thái Bình Dương mà còn nhiều nơi khác nữa. Trung Quốc được thể sẽ tiếp tục nói là Mỹ chỉ là “con hổ giấy.”
Do đó, ngày 5/6/2010, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La họp ở Singapore, trước sự hiện diện của nhiều nhân vật từ gần 30 quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã chỉ trích Trung Quốc trực diện (tuy không nói tên) là Mỹ “phản đối mọi hành động hù dọa đối với các công ty Mỹ hoặc bất cứ nước nào đang hoạt động kinh tế chính đáng” ở khu vực Biển Đông. Ông Gates nhắc lại vài lần là cần phải có các đối thoại và cố gắng đa phương để giải quyết các tranh chấp trong khu vực Biển Đông một cách hòa bình và trong khuôn khổ luật quốc tế.
Tại cuộc họp cấp ngoại trưởng cuối tháng 7 tại Hà Nội, bà Hillary Clinton đã khẳng định Mỹ có “quyền lợi quốc gia” trong việc tự do lưu thông hàng hải và hàng không và hứa sẽ giúp điều phối các thương lượng giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Trước đó bà đã phát biểu tại cuộc họp các ngoại trưởng nói trên là vấn đề tranh chấp trong khu vực biển chiến lược này là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” (“leading diplomatic priority). Nhưng giờ đây, nó đã trở thành một vấn đề “an ninh mấu chốt cho khu vực” (“pivotal to regional security).
Trước sự đe dọa và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc, trong những tháng qua, Hoa Kỳ đã có bước chuyển chính sách đối phó với Trung Quốc. Có thể nói, đây là một thắng lợi lớn về ngoại giao của ASEAN. “Trung Quốc chỉ có thể quậy Biển Đông nổi sóng thời gian ngắn”
– Tuy nhiên, người ta có cảm giác, chính sự can dự lớn hơn của các nước lớn với vấn đề Biển Đông dường như lại đang đẩy tình hình thêm căng thẳng, khi Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông, và báo chí nước này đồng loạt lên tiếng chỉ trích Mỹ và các nước nhỏ trong khu vực đã lôi kéo sự can dự của Mỹ. Bình luận của ông?
Việc Trung Quốc gây thêm căng thẳng qua những tuyên bố hiếu chiến và qua các tập trận gần đây trong một vùng mà Trung Quốc chưa bao giờ có ảnh hưởng gì trong lịch sử lại càng chứng minh cho thế giới biết là nước này ngang ngược và bất chấp sự thật cũng như an ninh chung.
Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc càng hùng hổ thì sẽ càng cho các nước khác trong khu vực và trên thế giới thấy rõ thêm ý đồ bành trướng của Trung Quốc cũng như việc đe dọa an ninh đối với khu vực và thế giới.
– Theo ông, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông như nhận định của một số chuyên gia quân sự Bắc Kinh có thể xảy ra hay không?
Nếu Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm thì tôi thiết tưởng Trung Quốc sẽ không muốn sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông vì việc dùng vũ lực không những không giải quyết được gì cả mà sẽ gây phản ứng của nhiều nước khác trong khu vực cũng như trên các nơi khác trên thế giới. Trong trường hợp này, Trung Quốc có thể sẽ bị cô lập một lần nữa.
Việc Mỹ giúp Trung Quốc mở cửa đến với thế giới đã giúp cho Trung Quốc lớn mạnh như ngày nay. Nhưng đằng khác, với nhiều vũ khí tối tân và hùng hậu như hiện nay nhưng với tinh thần thiếu trách nhiệm thì Trung Quốc cũng có thể như một đứa trẻ đang lớn lên: càng có nhiều đồ chơi thì càng chơi ẩu tả. Trong trường hợp nầy thì người lớn phải có trách nhiệm với đứa trẻ ấy.
– Những động thái mới này ảnh hưởng như thế nào đến tình hình ở Biển Đông?
Cùng lắm thì Trung Quốc cũng chỉ có thể quậy Biển Đông nổi sóng lên một thời gian ngắn thôi. Nhưng Trung Quốc sẽ phải đấu dịu sau đó, nếu không thì khó có thể ai chơi với Trung Quốc được.
Thêm vào đó là an ninh trên khu vực Biển Đông là có lợi cho Trung Quốc về xa về dài.
ASEAN không cần đoàn kết 100% mới được thế giới ủng hộ
– Năm ngoái, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn cản không đưa vấn để Biển Đông ra bàn thảo tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Năm nay thì ngược với mọi nỗ lực của họ, ASEAN đã thể hiện một quan điểm chung. Liệu đã có thể hi vọng vào một ASEAN, vốn đã bị chia 5 xẻ 7 đoàn kết hơn trong việc đối phó với các thách thức an ninh khu vực?
Trước hết, trong bối cảnh hiện nay các nước trong khu vực đang trên đà thắng thế và Trung Quốc, nếu tiếp tục với những động thái mang tính nạt nộ hiện nay, thì sẽ càng ngày càng yếm thế.
ASEAN hiện nay đang thể hiện một quan điểm chung về an ninh trên Biển Đông và trong khu vực và quan điểm chung này đã được hầu hết các nước lớn khác (ngoài Trung Quốc) ủng hộ. ASEAN không cần đoàn kết 100% mới được sự ủng hộ của các nước lớn và của thế giới. Chỉ cần một số nước lớn trong ASEAN vận động sự ủng hộ của thế giới là đủ.
Thời cơ hiếm có cho Việt Nam
– Với những biến chuyển chính sách của các nước lớn và ASEAN thời gian qua, theo ông, đâu là lựa chọn ứng xử khôn ngoan cho Việt Nam?
Là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông, tôi thiết nghĩ Việt Nam, dù là Chủ tịch ASEAN hay không, thì cũng có tiếng nói rất có trọng lượng nếu Việt Nam ứng xử đàng hoàng và cao thượng.
Nếu Việt Nam không nối kết việc tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa với an ninh chung, trên biển cũng như trên đất liền, thì các nước khác có thể áp dụng chính sách “bánh còng”, để mặc cho Việt Nam đương đầu với Trung Quốc tranh chấp hai quần đảo nằm trong vòng lỗ của bánh còng trong khi họ cùng nhau bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không trên các tuyến giao thông bên ngoài hai quần đảo đó. Trong trường hợp này thì Việt Nam sẽ bị cô độc và thiệt thòi rất lớn.
– Nhưng một loạt các hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông, cũng như những diễn tiến mới vừa qua tại Hà Nội cho thấy chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng đấy chứ?
Đúng vậy. Đây là hướng đi cần được tiếp tục ủng hộ và khuyến khích. Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa cho thật sâu, thật kĩ để chứng minh cho thế giới thấy là mình có cơ sở như thế nào, ở chỗ nào, hầu vận động được sự ủng hộ của thế giới. Nhưng vấn đề quan trọng là gắn liền việc tranh chấp với việc đấu tranh cho an ninh của toàn khu vực, không phải chỉ là an ninh con người.
Và để giành được hậu thuẫn của thế giới bên ngoài, Việt Nam cũng nên củng cố hậu thuẫn của nhân dân trong nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều lần.
Bối cảnh hiện nay tạo cho Việt Nam một thời cơ hiếm có để làm tốt hai việc này và, qua đó, để đưa đất nước và dân tộc tiến đến một tương lai sáng lạng.
@ TuanVN