Tình bạn phóng xạ

Nguồn: www.vz.ru

theviewingplatform, X-Cafe chuyển ngữ

Mỹ sẽ trao cho Việt Nam bí mật công nghệ sản xuất vật liệu nguyên tử – để trêu ngươi chọc tiết Trung Quốc và tổn hại nước Nga.

Mỹ đang hoàn tất đàm phán với Việt Nam với mục đích chia xẻ với nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa công nghệ “nguyên tử hòa bình” và thậm chí nhiên liệu hạt nhân. Điều này sẽ cho phép Hà Nội làm giàu uran của chính mình. Các chuyên gia cho rằng bằng cách đó Mỹ có dụng ý làm giảm ảnh hưởng của láng giềng Trung Quốc. Nạn nhân gián tiếp của thỏa thuận này còn có thể là Rosatom của Nga.

Những nỗ lực của người Việt dàn xếp sự cộng tác với Mỹ trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân dân dụng được tiến triển từ ngay năm 2001, khi Hà Nội và Washington ký giác thư phù hợp. Và bây giờ chính phủ của Barack Obama đột ngột tích cực hóa sự cộng tác. Các giám định viên Mỹ nhận xét rằng, theo kết quả đàm phán, Mỹ thực chất sẽ cung cấp cho kẻ thù cũ thời chiến tranh lạnh của mình toàn bộ thông tin về công nghệ sản xuất, cất giữ và nghiên cứu các vật liệu hạt nhân. Các công ty lớn nhất của Mỹ, như General Electric và Bechtel Corp, được phép bán cho Việt Nam các lò và thiết bị hạt nhân.

“Tôi không tin là các công ty của chúng ta bây giờ sẽ được phép tham gia vào việc xây hai nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam, bởi ảnh hưởng chính trị của Mỹ tới Việt Nam vô cùng lớn”.

Rõ ràng là về vấn đề này người ta đã không tham khảo ý kiến với nước láng giêngf khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc. Theo ý kiến của nguồn thông tin chính thức từ Mỹ, sự cộng tác này chỉ là việc của Mỹ và Việt Nam. “Các cuộc đàm phán không liên quan đến Trung Quốc”, – nguồn thông tin tuyên bố.

Tờ “The Wall Street Journal” không cho rằng chính trị gia Mỹ đó đúng. Không còn nghi ngờ gì nữa là thỏa thuận có thể được ký kết ngay trong thời gian gần nhất sẽ trở thành đối tượng mối quan tâm trầm trọng của Bắc Kinh. Bản thân cuộc đàm phán đã là sự phô trương công khai nhất việc Mỹ có ý định củng cố quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ, lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, như chúng ta đều biết, mối quan hệ Mỹ – Trung, hai cường quốc kình địch, đã trở nên xấu đi về chất kể từ tháng một. Tuy nhiên, thậm chí ngay trong Nhà Trắng người ta bắt đầu nói về việc các cuộc đàm phán với Việt Nam gây nghi ngờ về chính sách giải trừ hạt nhân nói chung đang được Obama tích cực tiến hành.

Cách đây không lâu, cũng như người tiền nhiệm George Bush , Obama đặt điều kiện kiên quyết cho các nước muốn cộng tác với Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân để họ phải từ chối làm giàu uran trên lãnh thổ nước họ thậm chí chỉ vì mục đích hòa bình do lo ngại rằng công nghệ trước sau vẫn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí giết người hàng loạt.

Những lo ngại này được thể hiện trong việc ký năm 2009 với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất “Hiệp định về nguyên tử hòa bình”, về việc quốc gia Ả rập này sẽ mua nguyên liệu hạt nhân trên thị trường quốc tế, chứ không được sản xuất trên lãnh thổ nước mình. Mỹ cũng đang muốn ký hiệp định tương tự với Jordan.

Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Các lo ngại của chúng tôi liên quan tới Iran và cả vùng Cận Đông nói chung chứa tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh chạy đua vũ trang, cho phép chúng tôi tin rằng hiệp định với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất là khuôn mẫu cho cả vùng”

Các chuyên gia tranh cãi khẳng định này. Nhật Bản có công nghệ cao hoàn toàn có thể ứng dụng được để chế tạo bom nguyên tử, Bắc Triều Tiên tích cực trao công nghệ mang tính nước đôi cho Myanma. Trên nền tình huống tuyệt nhiên không ổn định ở Đông Nam Á, cũng như “ví dụ điển hình” về hiệp định với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, hiệp định mới với Việt Nam không chỉ làm nổi rõ sự khác biệt, mà còn có thể triệt tiêu tất cả các nỗ lực của Mỹ trong vai trò lãnh đạo việc không tuyên truyền nhiên liệu hạt nhân”, người đứng đầu trung tâm không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Washington Henry Sokolsky nhận xét.

Nảy sinh sự nghi ngờ về các tiêu chuẩn nước đôi. Sau những nố lực nhằm củng cố các hiệp ước về không tuyên truyền vũ khí hạt nhân, Hà Nội vì sao đó được người Mỹ thực tế cho phép sản xuất nhiên liệu hạt nhân trên chính lãnh thổ của mình. Các chuyên viên không loại trừ rằng, sau khi hiệp định Việt – Mỹ được ký, Jordan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nước Cận Đông khác có thể đòi hỏi các điều kiện tương tự.

Tuy nhiên, Mỹ sẵn sàng bảo lãnh rằng Việt Nam sẽ không sử dụng các chất phân ly để chế tạo bom nguyên tử, bởi Mỹ tin rằng toàn bộ hoạt động của Hà Nội sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát của IAEA.

Các chuyên gia cho rằng những đề nghị của Mỹ cho Việt Nam, nước có thể có trữ lượng quặng uran của chính mình, cùng một lúc theo đuổi cả mục đích chế ngự Trung Quốc láng giềng.

“Tất nhiên, Việt Nam không có tham vọng chiến tranh hạt nhân. Do việc mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã có vũ khí hạt nhân diễn ra rất không đơn giản, hơn nữa vì tranh chấp biên giới trong vùng biển Nam Trung Quốc mà Trung Quốc muốn độc tôn sở hữu”, – cộng tác viên khoa học hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông Viện Hàn lâm Nga Vladimir Mazurin kể trong trả lời phỏng vấn cho báo “Vzglyad”.

Mặt khác, chuyên gia nhận xét, Moscow cũng có ý định tham gia các chương trình hạt nhân của Việt Nam, người bạn cũ của mình. “Và tôi không tin là bây giờ các công ty của chúng ta còn được cho phép tham gia việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam, bởi ảnh hưởng chính trị của Mỹ tới Việt Nam quá lớn, người Mỹ có thể đẩy chúng ta ra khỏi thị trường này”, – Mazurin nhấn mạn.

@ X-Cafe

CẬP NHẬT TIN TỨC

Trung – Mỹ quyết không nhường nhịn nhau
Trung Quốc một mực bảo vệ các hợp đồng thương mại với Iran bất chấp sự phản đối kịch liệt của Mỹ.

“Các giao dịch giữa Bắc Kinh và Tehran là những thương vụ trao đổi mua bán bình thường và không gây tổn hại lợi ích của quốc gia nào cũng như cộng đồng quốc tế”, phát ngôn viên Jiang Yu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh. Người phát ngôn này còn khẳng định, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, Bắc Kinh hiểu rõ việc mình làm không vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Bình luận của Trung Quốc được đưa ra sau khi cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Robert Einhorn thúc giục Trung Quốc tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với cả Iran và Triều Tiên. Theo ông, Mỹ hy vọng Trung Quốc có hành động thiết thực ủng hộ nghị quyết cấm vận Iran của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và không tranh thủ chiếm lĩnh thị trường khi các nước khác rút khỏi Iran.

“Chúng tôi muốn Trung Quốc thể hiện vai trò trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế. Cụ thể, Bắc Kinh nên thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trừng phạt đối với Tehran và Bình Nhưỡng”, ông Einhorn nhấn mạnh

Trung Quốc là đối tác thương mại thân thiết nhất với Iran và cũng là nước có nhiều quyền lợi năng lượng ở quốc gia Hồi giáo này. Theo Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Hossein Noqrehkar Shirazi, Trung Quốc đang đầu tư 40 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu khí của Iran.

Cùng lúc đó, nghị sĩ Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cáo buộc các công ty Trung Quốc không ngừng “rót vốn” cho chương trình hạt nhân của Iran. “Bắc Kinh và Moscow đang cố tình tạo điều kiện cho Tehran thực hiện các chính sách nguy hiểm. Đã đến lúc chúng ta chứng minh cho Nga và Trung Quốc thấy hậu quả của việc bao che Iran và phản kháng các lệnh trừng phạt của Mỹ”, bà Ros-Lehtinen thể hiện lập trường cứng rắn.

Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Canada đều áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nhằm gây sức ép buộc Tehran sớm trở lại bàn đàm phán về các chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Cùng quan điểm với Nga, Trung Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc song kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Iran. Trung Quốc luôn bày tỏ hy vọng các bên liên quan kiên trì phương hướng ngoại giao, giải quyết ổn thoả vấn đề hạt nhân Iran thông qua đối thoại và đàm phán. Trà My (theo AFP)

Philippines cắt giảm nhập khẩu gạo từ Viet Nam

Vừa qua, một số hãng tin nước ngoài dẫn lời ông Proceso Alcala, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, cho biết nước này dự kiến cắt giảm khoảng một nửa số lượng gạo nhập khẩu trong năm 2010 khi các chương trình hỗ trợ nông dân phát huy tác dụng và người dân bắt đầu ăn ít gạo hơn trước, ước tính chỉ khoảng 119 kg mỗi năm so với 128kg trong năm 2009.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cơ quan Lương thực quốc gia của Philippines (NFA) yêu cầu Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), đối tác chính trong việc cung cấp gạo cho Philippines tạm hoãn giao lượng gạo nhập khẩu còn lại trong năm 2010 đến ngày 30/9 thay vì theo hạn đã cam kết là ngày 15/8.

Theo kết quả kiểm tra của NFA, số lượng gạo dự trữ nước này đang quá nhiều và một số đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong một số năm gần đây đã vượt quá nhu cầu thực tế trong nước. Lãnh đạo NFA ông Lito Banayo cho rằng, chính việc nhập khẩu quá nhiều gạo của Philippines là nguyên nhân dẫn đến giá gạo thế giới tăng cao và khiến NFA phải gánh chịu khoản nợ lên đến gần 3,8 tỷ USD.

Năm 2004, NFA nhập 900.000 tấn gạo trong khi lượng thiếu hụt chỉ khoảng 117.000 tấn. Năm 2007, NFA nhập 1,83 triệu tấn trong khi nhu cầu thực tế vào khoảng 589.000 tấn.

Đến thời điểm hiện tại, tổng lượng gạo Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu sang các thị trường đạt 5,6 triệu tấn, trong đó lượng gạo đã giao là 4,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng tăng nhẹ, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan vào khả năng đạt và vượt mốc kỷ lục 6 triệu tấn của năm 2009. Dù Philippines lùi thời gian nhập gạo, nhưng theo một số doanh nghiệp, điều này không đáng lo vì lượng gạo còn lại trong tổng số 1,6 triệu tấn đã ký là không nhiều.

Bị sa thải oan, 4 dân Hồ Nam tự chặt ngón tay

Công trường xây dựng và nhân viên Trung Quốc (AFP)

Công trường xây dựng và nhân viên Trung Quốc (AFP)

Tại Trung Quốc, bốn người dân tỉnh Hồ Nam bị sa thải một cách oan ức đã đến Bắc Kinh hôm chủ nhật vừa qua. Họ tự chặt đốt ngón tay út của mình và nuốt chửng trước mắt đám đông. Hành động này nhằm thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí về trường hợp của họ.

Sự kiện này được nhật báo tiếng Anh Global Times đưa tin vào hôm nay 5/8. Tờ báo này thuật lại, bốn người kể trên đã đến ngồi trên vỉa hè trước đại học Thanh Hoa, một trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc. Họ đặt tay lên mấy cuốn sách, từng người lần lượt dùng dao chặt đứt đốt cuối ngón tay út của mình rồi cho vào miệng nuốt, trước hàng trăm người tò mò đang tụ tập. Cảnh sát sau đó đã trục xuất cả bốn người phản kháng trên ra khỏi Bắc Kinh.

Một trong bốn người này cho biết là anh ta cảm thấy rất bình tĩnh khi hành động như vậy. Cả bốn nhân viên trên bị cơ quan điện lực tỉnh Hồ Nam sa thải vào cuối năm 2008 với lời kết tội theo họ là dối trá, nêu lý do là vì họ thường nghỉ làm. Ủy ban giải quyết tranh chấp lao động của địa phương sau đó khẳng định họ chưa bao giờ làm việc tại cơ quan điện lực tỉnh. Và vào tháng rồi, một tòa án địa phương đã bác đơn kiện của họ. Cả bốn người sau đó đã bị các cán bộ tỉnh đe dọa đến tính mạng.

Hãng tin Pháp AFP nói thêm, từ thời phong kiến, những người Trung Quốc nạn nhân của chính quyền hoặc tư pháp địa phương vẫn tìm đến tận Bắc Kinh để kiện cáo, hy vọng rằng sẽ tìm được công lý. Trong những năm gần đây, một số người dân quá thất vọng đã dùng phương cách tự thiêu để mong ngăn trở việc bị giải tỏa nhà hay phá sản công ty. ( RFI )

HLV đội tuyển quốc gia lãnh án lao động khổ sai

Từ nhiều ngày nay, truyền thông nước ngoài ghi nhận một số thống tin đáng quan ngại về số phận của huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Bắc Triều Tiên sau thảm bại tại Nam Phi, nhất là trong trận thua 7-0 đụng với đội Bồ Đào Nha.

Trả giá cho sự thất bại tại Cúp bóng đá thế giới ở Nam Phi, huấn luyện viên đội tuyển Bắc Triều Tiên bị trừng phạt một khi về nước. Từ nhiều ngày qua,đã có nhiều thông tin cho rằng nhà huấn luyện bóng đá kém may mắn này đã bị kết án lao động cảo tạo. Ông Kim Jong Hun bị kiểm điểm cách chức, bị đấu tố và trừng phạt bằng bản án nói trên. Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul tường thuật

“Tại Nam Phi, huấn luyện viên Kim Jong Hun bắt đầu nhập trận như một anh hùng. Ông là huấn luyện viên đầu tiên của Bắc Triều Tiên kể từ năm 1966 đưa đội tuyển quốc gia vào Cúp Bóng ĐáThế Giới. Cùng với các cầu thủ trong đội tuyển, ông đã được trao danh hiệu vận động viên ưu tú quốc gia.

Nhưng không may, trên sân cỏ Nam Phi, đội banh Bắc Triều Tiên đụng phải những cao thủ của làng bóng đá thế giới. Đấu ba trận thua ba trận thảm bại nặng nề với tỷ số 7-0 trước đối thủ Bồ Đào Nha. Huấn luyện viên và đội banh chờ đợi những bất trắc xảy ra khi về lại quê nhà.

Có hai cầu thủ nhờ sinh trưởng tại Nhật Bản không về nước. Một người đi thẳng về Nhật một người trở lại câu lạc bộ bóng đá Đức nơi anh đầu quân. Theo một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận Hàn Quốc trích thông tin từ một doanh nhân Trung Quốc thì cả huấn luyện viên và đội bóng bị đưa ra kiểm thảo.

Hình thức phê bình kiểm điểm là chuyện thường ngày tại Bắc Triều Tiên. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là vụ đấu tố này dường như kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ trước 400 người đứng đầu là bộ trưởng thể thao. Theo nhiều nguồn tin chưa kiểm chứng được thì nhà huấn luyện bóng đá kém may mắn này đã bị kết án lao động cảo tạo”. ( RFI )

Một dân tộc thích đùa

Thanh Chung

(Tham luận của nhà văn Aziz Nesin[*] gửi Đại Hội – Hội Nhà Văn VN lần thứ VIII)

Các bạn đồng nghiệp Việt Nam thân mến,

Cách đây gần hai thập kỷ, Aziz Nesin tôi được các bạn độc giả Việt Nam biết đến như một người “thích đùa”. Vâng, tôi đã phải trả giá cho sự bông đùa của mình bằng nhiều năm ngồi bóc lịch sau song sắt. Nhà cầm quyền ở nước tôi không thích đùa. Những tín đồ Hồi giáo cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ không thích đùa. Các bạn may mắn hơn tôi vì được sinh ra và hành nghề cầm bút ở một xứ sở con người luôn lạc quan, mơ mộng và hài hước.

Chẳng có một dân tộc nào trên thế giới rầm rập đi tìm lối tắt khi trong tay chỉ có chiếc la bàn “made in China”. Sau mấy chục năm loanh quanh không tìm được lối ra, các bạn vẫn vui vẻ quay về vị trí xuất phát và không ngừng tìm cách “đón đầu”. Các bạn đã rút ngắn được đáng kể con đường dẫn đến kho tàng tri thức loài người. Nước Mỹ luôn tự hào là một trong những cường quốc trên thế giới, có những trường đại học hàng đầu như Havard, MIT… nhưng họ vẫn phải mất từ 7 đến 10 năm mới đào tạo xong một tiến sĩ. Tiến sĩ của Việt Nam không cần biết tiếng Anh, bảo vệ thành công luận án trong vòng sáu tháng.

Con người cất cánh bay lên được vì đã dám ước mơ. Và cũng chỉ ở Việt Nam, ước mơ đã sải cánh suốt rộng dài đất nước. Ngành giáo dục của các bạn mơ có những trường đại học mang đẳng cấp quốc tế. Sinh viên nước ngoài đến du học ở Việt Nam phải qua mấy kỳ phỏng vấn mới xin được visa. Các nước sẽ được cấp quota gửi sinh viên sang nhờ Việt Nam đào tạo. Ngành đường sắt mơ một ngày có đường tàu cao tốc. Bước lên tàu từ sân ga Hàng Cỏ, chưa kịp viết hết một khổ thơ đã tới ga Hòa Hưng. Ngành điện mơ những lò phản ứng hạt nhân. Bán điện cho các nước láng giêng lạc hậu. Ngành khoáng sản mơ giấc mơ bô-xít. Bùn đỏ biến thành hồ nước trong veo. Vinashin mơ sẽ cho hạ thủy những con tàu hiện đại đi khắp đại dương. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ làm chao đảo cả phố Wall. Ngân hàng Thế giới sẽ chọn Việt Nam làm Hội sở.

Nếu chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp quốc lấy tiêu chí hài hước làm trọng thì Việt Nam sẽ đứng trong “top ten” các dân tộc hạnh phúc trên thế giới. Chỉ có ở đất nước của các bạn, “thế giới ngày mai” mới đeo cặp đu dây qua sông tới lớp. “Vì lợi ích mười năm trồng cây”, các bé gái tuổi vị thành niên thành món quà của thầy hiệu trưởng gửi tới cho bạn bè trên tỉnh. “Tiên học lễ”, nữ sinh lột quần áo nhau quay phim đưa lên youtube. Cô giáo túm vào chỗ kín của học sinh nam. Trò hư phải thay nhau liếm ghế. “Hậu học văn”, quay cóp được nâng lên thành nghệ thuật. Thầy ra bài, thầy thu tiền, thầy cho đáp án trước ngày thi. Trò thuê người học thay, thuê người viết luận văn, bằng giả bày như rau dưa ngoài chợ.

Chỉ có ở đất nước của các bạn, cảnh sát gọi người vi phạm giao thông vào góc đường làm luật. Cò kè cưa đôi. Người anh hùng bỗng chốc trở thành tội phạm vì mấy chục triệu quỹ đen. Kẻ tham nhũng tiền tỷ tỷ được xem xét vì có nhân thân tốt. Chưa tranh tụng trước tòa đã biết bao nhiêu năm nằm khám. Tử tù sinh con trong phòng biệt giam.

Chỉ có ở đất nước của các bạn, bê tông mới được đúc bằng cốt tre. Cầu vượt đang xây dầm đã lao xuống đất. Hầm đường bộ thành sông trong thành phố. Đường chưa bàn giao đã sụt, lún, chân chim.

Chỉ có ở đất nước các bạn, mới có thủ tướng chân tình “ba năm qua tôi chẳng kỷ luật ai”. Các nghị sĩ hồn nhiên đồng thuận. Anh bạn láng giêng – tặng nhau cả 16 chữ vàng vẫn là “nước lạ”. Chiến sĩ hòa bình bờ đông canh giữ cho giấc ngủ bở Tây.

Chỉ có ở đất nước các bạn, người viết bằng mọi giá chen chân vào Hội Nhà văn. Một phần ba số hội viên muốn được làm lãnh đạo. Đại hội không bàn chuyện văn chương, chỉ lo bầu bán. Ai cần Hội Nhà văn? Hội Nhà văn cần ai?

Các bạn may mắn hơn tôi, mỗi buổi sáng vào mạng đọc tin, có thể tìm thấy hàng trăm ngàn đề tài để viết. Cả một dân tộc thích đùa. Tác phẩm không hấp dẫn mới là chuyện lạ.

Vẫn biết Đại Hội mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ thành công rực rỡ. Chúc các bạn có một Ban chấp hành mới, hoạt động không cần tiền thuế của dân. Chúc các bạn có nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel, tất cả nhà văn sống được bằng ngòi bút.

(Ngàn lần xin lỗi nhà văn Aziz Nesin vì vụ “đạo” tên này)

___________________

Aziz Nesin sinh năm 1915. Ông được đề cử cho nhiều giải văn chương ở Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari và Liên Xô cũ. Tác phẩm của ông được dịch ra trên ba mươi thứ tiếng. Về cuối đời, ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất sống được bằng thu nhập từ viết sách. Năm 1972, ông lập ra quỹ Nesin. Mỗi năm, quỹ này chọn ra bốn trẻ em nghèo, đưa về chăm sóc, nuôi cho ăn học từ cấp cơ sở, hết phổ thông trung học, đại học hoặc đào tạo nghề. Ông tặng cho Quỹ toàn bộ tiền bản quyền in ấn, dịch thuật và sử dụng các tác phẩm của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 vì một cơn đau tim.

Theo blog Gửi Hương Cho Gió

Những trại giam bí mật được sử dụng để thi hành các “luật lệ bì mật” của Trung Quốc

Nguồn: Anthony Kuhn, NPR

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Nếu bạn biết rằng chỉ mới một thế hệ trước đây, Trung Quốc đã không có một luật sư xét xử, cho luật hình sự, thì bạn sẽ hiểu cả nước đã đi một chặng đường dài đến đâu trong việc xây dựng hệ thống pháp luật cho mình.

Nhưng có nhiều trường hợp, trong đó các điều lệ pháp luật trong sách vở chẳng có tác dụng nhiều, và xã hội đã chạy theo một những bộ luật hoàn toàn khác của các quy tắc bất thành văn. Một số người Trung Quốc gọi đó là những “luật lệ bí mật”.

Một ví dụ về cách áp dụng các luật lệ bí mật này có thể được tìm thấy chỉ bằng cách đi bộ “vài phút” từ một trong những ngã tư sầm uất nhất tại trung tâm thành phố Bắc Kinh.

Ở đấy có một khách sạn nhỏ được điều hành bởi chính phủ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Các quan chức tỉnh thỉnh thoảng sử dụng các khách sạn bí mật để giam giữ những người đến thủ đô khiếu nại về các lạm dụng của chính phủ địa phương. Họ bị giam giữ dưới một loại quản chế tại gia cho đến khi họ có thể được đưa về nhà.

Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của “nhà tù bí mật” trước Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc, nhưng hầu như bất cứ ai từng kiến nghị chống lại chính phủ đều có thể chỉ cho bạn biết tối thiểu là một nhà giam loại này.

Câu chuyện của Lưu Tân Dư

Một nhà hoạt động nhân quyền kể lại, bên trong một khách sạn ở Bắc Kinh, là một phụ nữ tên là Lưu Tân Dư, người đã đến thủ đô để khiếu nại rằng một nhà phát triển đã ủi xập căn nhà tổ tiên để lại của cô mà không hề bồi thường cho cô ấy một mức giá công bằng.

Trong hành lang bên ngoài phòng cô, Lưu đứng bên cạnh hai người phụ nữ buồn bã và hoang mang, Lưu nói là họ được thuê để bảo vệ cô – một cô lùn mập mũm mĩm, cô kia cao và gầy.

Lưu tảng lờ hai người phụ nữ này và đi vào trong phòng để nói chuyện riêng “Tôi đã bị đưa vào đây bởi những người do chính quyền tỉnh gởi đến để ngăn chặn tôi kháng cáo”, ăn vận một chiếc quần đen, áo thun có đốm đen, cô ngồi trên giường và giải thích.

“Tôi đã không chính xác là có bị giam giữ ở đây hay không, nhưng tôi không được tự do và họ đã không cho tôi đi”, cô lo lắng nói.

Các quan chức đã nói với Lưu rằng họ chỉ giúp bảo vệ cô. Nhưng khi cô bước ra cửa, một quan chức trung niên đứng ở hành lang ngăn lại.

“Cô nên để sự việc này cho chúng tôi giải quyết” ông nói. Ông tránh né các microphone và từ chối trả lời các câu hỏi. “Trung Quốc khác”, ông nhấn mạnh. “Ở đây chúng tôi có luật lệ của chúng tôi”.

Lưu xuống phố, đi đến một cửa hàng thuốc tây, với một viên chức theo dõi đi không xa ở phía đàng sau. Cuối cùng Lưu trở về khách sạn và bám vào hy vọng rằng chính phủ sẽ giúp cô.

Khách sạn nơi Lưu bị giữ là một cơ sở có canh gác an ninh tối thiểu. Có cơ sở tạm giam khác ở những nơi như các khu vườn trại và các nhà nghỉ được canh gác chặt chẽ hơn.

Một loại công nghiệp nghèo nàn

Mặc dù pháp luật Trung Quốc cho phép công dân có quyền khiếu nại với chính phủ để giải quyết các bất bình của mình, dân oan cho biết chính phủ đã đối xử với họ như người phạm tội. Và họ nói rằng công an thường đồng lõa với những hoạt động của các nhà tù trá hình.

Zhao FUSHENG, môt người dân đến từ tỉnh Tứ Xuyên, nói rằng ông đã bị giam tại văn phòng liên lạc của chính quyền tỉnh của mình khi ông đến Bắc Kinh để nộp đơn khởi kiện. Ông nói rằng nếu nhìn từ bên ngoài không ai có thể nghĩ rằng đấy là một nhà tù trá hình.

“Một khi các quan chức liên lạc ở tỉnh nắm được bạn, họ sẽ đưa bạn vào tầng nhà hầm của họ”, Zhao nói. “Phía trên nhà tầng hầm là một cửa hàng. Một cánh cửa nơi mặt tiền cửa hàng sẽ mở ra, họ thảy bạn vào bên trong, và bạn đang đứng sau một lớp bảo vệ. Nếu bạn không tuân theo, họ sẽ đánh đập bạn”.

Zhao nói rằng nhà tù trá hình đã trở thành một loại tiểu thủ công nghiệp ở Bắc Kinh.

“Các văn phòng liên lạc tỉnh trả cho những người điều khiển các trại gian trá hình một số tiền tương đương với 36 Mỹ kim cho mỗi tù nhân mỗi ngày. Trong số đó, khoảng 15 đồng để thuê một người bảo vệ, và 15 đồng kia cho thực phẩm. Phần còn lại cho các khách sạn” Zhao nói.

Joshua Rosenzweig, giám đốc nghiên cứu Hồng Kông cho nhóm nhân quyền Dui Hua Foundation, nói rằng trong khi chính quyền trung ương muốn công dân thông báo về nạn quan chức tham nhũng, họ cũng mong các quan chức địa phương duy trì được trật tự và giữ cho dân oan ra khỏi khu thủ đô.

“Nếu bạn có các dân oan từ khu vực của mình lũ lượt kéo đến Bắc Kinh,” Rosenzweig nói, “đó chính là một dấu hiệu cho thấy bạn đang không thi hành công việc của bạn được tốt đẹp ở cấp địa phương. Và do đó, là một quan chức địa phương, bạn sẽ phải làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn những người có thể khiến mình trông xấu xí”.

Nhiều chính quyền địa phương cũng duy trì những trung tâm giam giữ không chính thức. Người khởi kiện Jin Hanyan, từ tỉnh Hồ Bắc miền Trung, nói rằng cô tố cáo viên bí thư quận ủy của cô về tội tham nhũng. Vì điều này, cô nói, cô đã được gửi đến một lớp “học tập” trong một nhà máy bị bỏ hoang. Cô nói, tất nhiên là chả có nghiên cứu học tập gì diễn ra ở trong đó cả.

“Mỗi sáng, họ sẽ hò hét lên để đánh thức chúng tôi dậy” Jin nói. “Họ yêu cầu chúng chúng tôi làm thể dục mềm dẻo và đi nhổ cỏ dại. Nếu không tuân theo, họ sẽ đánh bạn sống chết và sẽ không cho thuốc men gì nếu bạn bị đau. Họ nói, vị bí thư quận ủy bảo họ rằng nếu đánh chết chúng tôi là không hợp pháp”.

Sau cuộc phỏng vấn ấy, có tin rằng Jin đã bị ép buộc phải giam giữ trong một bệnh viện tâm thần nơi chính quyền địa phương của mình.

“Những luật lệ bí mật”

Ngô Sĩ, một nhà báo ở Bắc Kinh nói rằng nhà tù trá hình là một biểu hiện của một hiện tượng ông từng khám phá vào năm 2002 trong cuốn sách “Luật lệ bí mật” của mình. Chính phủ đã kiểm duyệt và cấm cuốn sách này, nhưng hiện nay xã hội đang sử dụng rộng rãi thuật ngữ “Luật lệ bí mật” để mô tả phương cách mọi việc thực sự diễn ra tại Trung Quốc ngày nay.

“Trong hiện tại và trong lịch sử Trung Quốc, đã có nhiều nơi như thế này”, Wu nói. “Đấy là một biểu hiện quyền lực của cán bộ” để có thể gây tổn thương hợp pháp đến các công dân. Chúng tôi gọi đó là những “nhà tù màu xám”. Chúng không phải các nhà tù chính thức, cũng không phải là cái gì hoàn toàn bất hợp pháp. Chúng đang là một sự kỳ quặc tồn tại trong một khu vực tranh sáng tranh tối “.

Wu nói rằng đây là thứ luật lệ bí mật khiến tất cả những người khác bối rối: Các quan chức có quyền lực trừng phạt các công dân theo ý muốn, hoặc để thách thức quyền lực của mình, hoặc chỉ để tống tiền.

Trung Quốc chắc chắn không phải là xã hội duy nhất có các luật lệ bí mật. Cũng không phải là xã hội duy nhất có các quy định pháp luật chỉ giá trị như một cái lá đa không hơn không kém để mà cai trị dân chúng. Nhưng các luật lệ bí mật của Trung Quốc đặc biệt công phu. Chúng cũng mâu thuẫn rõ ràng với luật pháp của đất nước và các nhân đức Nho giáo mà chính phủ Trung Quốc từng tán thành qua nhiều thế kỷ.

“Những luật lệ chính thức thường nói rằng các quan chức quận hạt nên hành động như cha mẹ của nhân dân”, Wu nói. “Trong thực tế, họ đã hành động như người chủ hống hách với dân thường. Những người thấp kém dưới chân họ phải thể hiện lòng tôn kính, quỵ luỵ trước họ và thường phải dâng cho họ tất cả các loại thức ngon vật lạ”.

Gốc rễ của vấn đề

Một thời gian sau khi phỏng vấn NPR với Lưu Tân Dư tại khách sạn ở Bắc Kinh, các nhà hoạt động nhân quyền địa phương đã giải thoát cô.

Đứng bên ngoài, Lưu nói rằng bây giờ cô nhìn những người bắt giữ mình trước đây như đáng thương.

“Nếu chính quyền địa phương chỉ cần cố gắng giải quyết vấn đề của chúng tôi thì chúng tôi đã không phải thưa kiện đến cấp chính quyền cao hơn”, Lưu nói. “Đã có lúc chúng tôi tin tưởng chính phủ sẽ giải quyết vấn đề của chúng tôi Nhưng họ đã không đáp ứng với sự chân thành”.

Rosenzwieg của Dui Hua Foundation đã vạch ra rằng lẽ ra các quan chức địa phương có thể hành động tại gốc ngọn của vấn đề bằng cách giải quyết khiếu nại của dân oan. Nhưng không may, đó không phải là cách thức mà các luật lệ bí mật được thi hành, và vì lẽ đó, họ đã cống hiến năng lực của mình để bịt miệng những người dân oan.

@ X-Cafe

Khi Đảng cố sức đóng tàu

Theo AFP, “vì kỳ Đại hội Đảng trọng yếu sắp tới, chính quyền cũng yêu cầu quản lý công tác thông tin và tuyên truyền về vụ Vinashin nhằm ngăn ngừa vụ việc tác động xấu đến Đảng và Nhà nước”… Bên cạnh các đồn đoán về đấu đá nội bộ liên quan đến thời điểm “tái cơ cấu Vinashin”, và cả việc bổ nhiệm tân bí thư Bắc Giang trước kỳ đại hội Đảng năm tới, các phân tích gần đây nói rằng chính sách của Đảng cầm quyền ở Việt Nam là dựa vào các tập đoàn nhà nước…

Vụ bắt ông Phạm Thanh Bình, 57 tuổi, người gốc Cà Mau, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin đang thu hút dư luận trong và ngoài nước với các câu hỏi về chính sách quản trị tập đoàn của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

Các hãng thông tấn nước ngoài chú ý vào cách xử lý song hành của các nhà lãnh đạo Việt Nam về vụ này.

Theo AP, về phía Chính phủ, tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đình chỉ chức chủ tịch hội đồng quản trị của ông Bình.

Nhưng một cơ quan của Đảng giám sát các doanh nghiệp nhà nước lớn cũng nêu ra rằng ông Bình “thiếu trách nhiệm” trong việc điều hành tập đoàn đóng tàu lớn nhất nước, và sử dùng sai vốn đầu tư, như mua các tàu thủy cũ, không dùng đi biển được.

Ông Phạm Thanh Bình (trái) trong một buổi lễ ký kết của Vinashin với Thành ủy Hà Nội-hình từ trang vinashin.com.vn

Beth Thomas của hãng Bloomberg ngày 5 tháng 8 thì nêu ra rằng chính quyền đang điều tra các khó khăn tài chính của Vinashin theo sau vụ bắt ông Bình.

Bloomberg cũng trích các nguồn Việt Nam rằng Vinashin mắc khoản nợ 4,5 tỷ USD sau cuộc suy thoái toàn cầu và vì việc bành trướng làm ăn vào các hình thức mới.

Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, tập đoàn này đã sa thải 5000 công nhân.

Hãng tin Dow Jones Newswires cho hay đại diện của Vinashin “từ chối bình luận” khi được họ liên lạc.

Tàu to ‘chớ để đắm’
Ông Phạm Thanh Bình (trái) trong một buổi lễ ký kết của Vinashin với Thành ủy Hà Nội-hình từ trang vinashin.com.vn

Các hãng tin nước ngoài cũng chú ý cách đối phó của chính phủ và ghi nhận chuyện Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng họp báo hôm 04 tháng 8 để nêu rằng không thể để Vinashin sụp đổ.

Vì sao lại có chuyện đó?

Bên cạnh các đồn đoán về đấu đá nội bộ liên quan đến thời điểm “tái cơ cấu Vinashin”, và cả việc bổ nhiệm tân bí thư Bắc Giang trước kỳ đại hội Đảng năm tới, các phân tích gần đây nói rằng chính sách của Đảng cầm quyền ở Việt Nam là dựa vào các tập đoàn nhà nước.

Ông David Koh, một chuyên gia quan sát Việt Nam từ Singapore gần đây cho rằng cần nhìn vụ Vinashin trong bối cảnh đường lối của Đảng.

Trong bài trên Strait Times 30/7, ông Koh viết “Vinashin chỉ là một trong hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (ở Việt Nam) rơi vào khó khăn”.

“Nhưng dự thảo cương lĩnh sửa đổi của Đảng Cộng sản vẫn nêu doanh nghiệp nhà nước là khu vực kinh tế chủ đạo. Vì thế, rõ ràng là Đảng Cộng sản phải hòa hợp thực tế với các tuyên bố về học thuyết của mình.”

Các nhà quan sát từ bên ngoài cũng chú ý đến câu nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rằng Vinashin “nay phải tập trung vào đóng tàu”.

Việc tập đoàn này dùng tiền nhà nước tức là tiền dân đóng thuế để đầu tư ra quá nhiều ngành khác khiến Vinashin sa vào hố sâu của nợ nần.

Nhưng đây cũng là dịp để xem việc điều hành từ cấp cao nhất đối với Vinashin ra sao và cách báo chí Việt Nam được chỉ đạo đưa tin vụ này.

Theo AFP, “vì kỳ Đại hội Đảng trọng yếu sắp tới, chính quyền cũng yêu cầu quản lý công tác thông tin và tuyên truyền về vụ Vinashin nhằm ngăn ngừa vụ việc tác động xấu đến Đảng và Nhà nước”.

Giới Bấm báo chí Việt Nam thì cũng đã nói từ lâu đến cơn sốt xây dựng tập đoàn của chính phủ Việt Nam.

Các tổng công ty và tập đoàn bị cho là tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng vì không chỉ được sự bảo trợ chính trị mà còn hưởng lãi suất ưu đãi so với doanh nghiệp tư nhân.

Một nhà báo muốn ẩn danh cho BBC hay hôm 5/8 rằng “Mô hình tập đoàn là nguyên nhân gây độc quyền, điều các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn nói họ muốn chống khi làm ăn với các nước khác”.

Trước đó, chuyên gia Việt Kiều như Bấm GS Ngô Vĩnh Long đã bình luận về chuyện các tập đoàn lợi ích riêng lũng đoạn kinh tế Việt Nam.

Việc động vào các ‘đại gia nhà nước’ này cũng có nghĩa là gây ảnh hưởng đến quyền lực.

Nhắc lại chuyện cơn sốt “lên tập đoàn” bằng cách dồn vốn của chính quyền, khi các tổng công ty được ca ngợi là “quả đấm thép” cho nền kinh tế, nay có ý kiến than rằng “Quả đấm thép Vinashin đấm dân méo mặt”.

Một số ý kiến từ Việt Nam nói với BBC rằng trong vụ PMU18 vừa mới xong và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đến toà là nguyên đơn dân sự, nay đã đến Vinashin, và còn ai “sẽ chịu trách nhiệm liên đới?”

Người ta cũng đặt ra câu hỏi không chỉ về trách nhiệm điều hành, giám sát của các bộ trưởng, Phó Thủ tướng và Thủ tướng về vụ Vinashin, mà còn về lý do tại sao lập ra nó.

Ngành đóng tàu chưa bao giờ là lợi thế của Việt Nam, một quốc gia hiện chưa có nhiều ngành công nghiệp nặng cần thiết như luyện kim, cầu cảng hay công nghệ thiết kế.

Thậm chí làm ăn trong ngành đóng tàu không phải là dễ với một nước như Hàn Quốc.

Tin của hãng Yonhap 5 tháng 8 này cho hay tập đoàn Daewoo Shipbuilding, hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc vừa cho hay lợi nhuận quý II của họ bị sụt giảm 32% vì thiếu đơn đặt hàng.

Tính từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm nay, dịch vụ đóng tàu của Daewo chỉ đạt 141 tỷ won, so với 207 tỷ cùng kỳ năm 2009.

Vinashin, với số vốn đăng ký tương đương 420 triệu đô la Mỹ đang trên bờ phá sản vì khách hàng hủy 2/3 số hợp đồng trị giá 12 tỷ của họ.

Nhưng ở Việt Nam, chính quyền, qua lời ông Nguyễn Sinh Hùng, vẫn tỏ quyết tâm không để cho Vinashin sụp đổ.

Về tác động đến học thuyết tư bản nhà nước ở Việt Nam, có ý kiến nói sau các vụ như Tổng Công ty Điện lực EVN và Vinashin, có thể Đại hội Đảng tới cần xem lại cương lĩnh.

Vẫn theo ông David Koh, một lối thoát có thể là định nghĩa lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước từ “chủ đạo” sang thành “một trong những khu vực kinh tế chủ đạo” ở Việt Nam.

@ BBC