Day: 04/08/2010
Cao bồi già Hà Nội
NguyễnViệt Hà
Nếu tin theo lời của một vài du khách vội vàng có nặng lòng mến yêu thủ đô thì ở Hà Nội ấn tượng hình như đáng kể nhất, đơn giản vẫn là “mái ngói thơm nâu” hay “cây bàng lá đỏ”. Tất nhiên các “tua rít gia” còn kể lể nhiều thứ nữa. Này là sương loang hồ Tây, nó là thu vàng ngõ nhỏ. Rồi thì công phu ẩm thực, rồi thì kỹ tính thú chơi. Hà Nội đương nhiên đã và sẽ đầy đủ những thứ đó, nhưng cũng giống như một phức tạp tuyệt đại mỹ nhân hay một thâm trầm kiệt hiệt anh dùng, cái vượt thoát khỏi sự hay dở làm người ta tâm phục khẩu phục nửa kính nửa nhường lại hoàn toàn không nằm ở chuyện múa may son phấn.
Người có cốt cách Hồ Nội mang một phong độ rất riêng, nó là bản năng phố phường có được từ “chất.” (Những năm còn bao cấp sắp sửa manh nha sang đổi mới, dân chợ Giời rất hay dùng chữ “chất” khi phải mặc định một giá trị gì. Ví như cái quần bò này “chất” nhỉ, Lìvai Mỹ hay Kinngiô Thái. Hoặc siêu hình Xếchxi hơn, con bé ấy cực “chất”). Vì thế chỉ cần nghe một vài ngữ điệu giao tiếp người ở Hà Nội sành sỏi biết ngay người đối thoại thuộc loại nào. “Chât chơi” hay “chất quê.” Thậm chí còn định vị đúng anh/ chị ta đang sống ở phố cổ hay ở rìa cửa ô. Những cao thủ kinh bạc ngửi, rồi lọc lõi phán xét chính xác được về “chất” thường là những đàn ông có tuổi ngoài năm mươi trở lên mà giới vỉa hè trân trọng gọi cũng như bọn họ trịnh thượng tự nhân, cao bồi già Hà Nội.
Đó là những ngoại hình trung niên, rất khó đoán tuổi đã ngoài sáu mươi hay ngoài bảy mươi. Quần áo phẳng phiu hàng hiệu, hoặc là kiểu “đờ mi xe dông” (quần kaki áo vest), hoặc một bộ đũi sáng sang trọng đĩ tính bật nổi ra khỏi cái hồi khó khăn khi đồ cotton chưa lên ngôi. Bọn họ thích đi bộ, có lẽ cũng vì già, nhiều tay phô phang thì cầm tay batoong, mồm ngậm tẩu, đầu đôi “phớt” dạ và dưới thắt lưng da nâu có thấp thoáng một sợi dây xích sáng trắng từ cái đồng hồ quả quýt nắp bạc. Bọn họ ăn sáng ở linh tinh các quán, các hàng rong, nơi những ông chủ bà chủ nổi tiếng nấu ngon cùng tài nhớ mặt khách, rồi khệnh khạng đi tới một hàng cà phê quen. Có điều, tất cả những hàng này, bắt buộc những hàng này phải trong bán kính một ki-lô-mét quanh hồ Hoàn Kiềm. Lờ mờ trong khói thuốc thơm câu chuyện của bọn ho khá tục, không phải vì bọn họ hay đệm mà do các chất trải nghiệm kẻ chợ cay đắng kiêu bạc đếm mức tàn nhẫn. Phần nữa là đi bọn họ thường dở dang bỏ học, bởi người đã đúng là kẻ chợ thì tuy khát khao tôn trọng yêu trí thức, nhưng hoàn toàn lại lười ngại để trở thành trí thức.
Do hầu hết xuất thân ở những gia đình dư giả có truyền thống buôn bán nên cho dù gia đình đang lụi bại xập xệ, tất thẩy bọn họ đều ham chơi. Cái hỗn danh “mải chơi” không hẳn chỉ dành cho một người, và xung quanh “hỗn danh” này có không biết bao nhiêu truyền kỳ phảng phất hoang đường. Có một đôi ngoại tình yêu nhau không còn trẻ lắm đến chơi nhà một tay cao bồi già. Hồi ấy Hà Nội chưa có nhà nghỉ. Tay cao bồi ở trong một biệt thự cũ đang nhếch nhác chia năm xẻ bẩy nhưng vẫn có phòng riêng. Cặp tình nhân đưa ít tiền cho tay cao bồi đi mua đồ ăn trưa. Sau khi cẩn thận khóa cửa (phần lớn cao bồi thường ghét và khinh hàng xóm), tay này đi ra chợ Hàng Bè thì gặp đám bạn ngẫu hứng rủ đi Sài Gòn. Anh ta nhận lời ngay, lên tầu Thống Nhất đi luôn một tháng. Khỏi cần phải kể nỗi khổ kinh hoàng của đôi tình nhân bị nhốt kia trong suốt tháng ấy. Tuy mải chơi nhưng không hiểu sao các ông cao bồi toàn đẻ ra con cái (cả trong và ngoài giá thú) luôn luôn thành đạt. Ở Hà Nội hôm nay, đám con cái ấy đều phát tài thành cự phú. Bọn chúng đồng thanh bảo đấy là nhờ hấp thụ được cái sắc sảo lăn lộn tinh quái của người cha. Thảng trong đám đó có đứa phát phúc học hành, đàng hoàng làm giáo sư làm tiến sĩ.
Do bản chất tài hoa, đám cao bồi hầu hết tinh tế ham thích âm nhạc văn thơ hội họa. Thơ bọn họ chua chát trắng trợn hiểu người nên mặt lạ lắm. “Không vênh vang mặt giai không sợ. Không giáo giở lòng gái không thương.” Đây là hai câu vào loại nhẹ nhất trong bài thơ có nhan đề “ Đời có ra chi mà đ… chửi” của một chân chính cao bồi ngoài bát thập. Và cũng chính từ họ, đám trẻ của Hà Nội nghìn năm văn hiến mới hiểu được câu thành ngữ khét tiếng “Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược.” Vì thế, cao bồi già thường nhìn các nhà “Hà Nội học” bằng cái nhìn “đểu”. Với họ, những nhà đấy ngoài việc thuộc tên phố thì còn lại chẳng biết cái quái gì.
Ngày nay, lớp cao bồi già đang dần dần tự tuyệt tự. Chẳng biết họ hay hay dở, nhưng bọn họ xứng đáng được ghi vào sách đỏ để bảo vệ giữ gìn như một loài khác lạ quý hiếm. Bởi không có họ, cũng như không có kẻ cắp chợ Đồng Xuân hoặc “phe phẩy” chợ Giời, Hà Nội sẽ vĩnh viễn mất đi một khoảng trống bi tráng nhố nhăng.
Mà nhố nhăng là một đặc tính làm nên một đô thị lớn, Vũ Trọng Phụng chuyên viết về cao bồi gốc Hà Nội đã bảo vậy.
Theo Tạp chí Đàn Ông
TIN TỨC KHẮP NƠI
Tổng thống Nga khẳng định không muốn phải cạnh tranh với Thủ tướng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2012.
Theo ông Medvedev, việc cả hai cạnh tranh chức Tổng thống Nga là “cuộc chiến của các lực lượng thân cận với nhau” và đó là điều không tốt cho nước Nga.
Tổng thống Nga tuyên bố: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra năm 2012. Tôi không biết ai sẽ ra tranh cử. Đó có thể là Medvedev, đó có thể là Putin hoặc bất kỳ ai. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải cân nhắc kỹ”.
![]() |
Tổng thống Nga không muốn phải cạnh tranh với Thủ tướng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2012. |
Ông Putin kết thúc hai nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2008 và theo Hiến pháp Nga, ông chỉ có thể chạy đua vào điện Kremlin năm 2012.
Chính ông là người ủng hộ tích cực ông Medvedev làm Tổng thống Nga và bản thân ông trở thành Thủ tướng dưới thời ông Medvedev lãnh đạo nước Nga.
Còn hai năm mới tới giai đoạn tranh cử Tổng thống nhưng theo nhiều nhà phân tích Nga, ông Putin sẽ chạy đua chức Tổng thống và chắc chắn thắng cử.
Còn theo cuộc thăm dò của Levada hồi tháng 6, lượng người ủng hộ ông Putin gấp đôi ông Medvedev.
Kim Jong Il chuyển tiền cất giấu cho con trai

(Reuters)
Theo một đài phát thanh Hàn Quốc, lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-Il trong tình trạng sứ khỏe suy yếu , đã chuyển hết tài sản riêng cho Kim Jong Un, người con trai kế vị. Nhân vật lãnh trách nhiệm chuyển ngân bí mật này là nhà ngoại giao Ri Chol mới bị cách chức đại sứ tại Thụy Sĩ.
Theo bản tin của chương trình phát về phía bắc vĩ tuyến 38, đài Open Radio cho biết đại sứ Ri Chol là người tín cẩn của gia đình Kim Jong-Il và có nhiệm vụ quản lý tài sản mật của lãnh đạo Bắc Triều Tiên cất giấu tại nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Kim Jong Il chuyển giao tài sản lại cho con trai 27 tuổi Kim Jong Un ? Theo giới phân tích được hãng tin AFP trích dẫn nêu ra hai lý do : thứ nhất là vì lý do tình hình kinh tế đang khó khăn và thứ hai là quốc tế siết chặt các biện pháp cấm vận.
Một số chuyên gia nhận định là nhân Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên vào tháng 9 tới, Kim Jong-Un sẽ được chính thức thông báo lên thay cha.
Giám đốc tình báo Hàn Quốc Won Sei Hoon nói rằng đích thân lãnh đạo Kim Jong Il, trong điều kiện sức khỏe suy kém, chỉ đạo tiến trình cha truyền con nối.
Nông Quốc Tuấn (con trai Nông Đức Mạnh) trở thành bí thư tỉnh ủy Bắc Giang

Nông Quốc Tuấn
Nguồn Vietbao
Chiều 3/8, con trai của tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã nhận chức bí thư tỉnh ủy Hà Giang với “100% số phiếu tán thành” trong một cuộc Hội nghị “đột xuất”.
Nông Quốc Tuấn sẽ giữ nhiệm kỳ từ năm 2005- 2010. Vị “phò mã” này sẽ thay thế cho ông Đào Xuân Cần, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, người được “chuyển sang công tác khác”.
Nông Quốc Tuấn, sinh ngày 12 tháng 7 năm 1963, người dân tộc Tày, quê tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, Đại biểu Quốc hội. Trước khi lên chức bí thư tỉnh ủy, ông Tuấn từng giữ chức vụ phó bí thư. Theo wikipedia, ông Tuấn có trình độ cử nhân kinh tế, cử nhân chính trị. Ông cũng từng là công nhân xuất khẩu lao động tại Cộng hòa dân chủ Đức và về nước năm 1988.
Theo nguyên tắc tổ chức ở Việt Nam, các “hạt giống” từ trung ương, thường là con ông cháu cha hay được “gửi gắm” về các địa phương để giữ các chức vụ bí thư hay chủ tịch tỉnh và đây được coi như một bước đi quan trọng trong việc “bồi dưỡng cán bộ” trước khi họ được cất nhắc về trung ương để nhận nhựng trọng trách cao hơn.
Bắc Giang là tỉnh vừa xẩy ra vụ bạo loạn với sự tham gia, theo đánh giá của một số nhân chứng, lên tới hàng vạn người. Vụ bạo loạn được châm ngòi từ cái chết bất thường của một thanh niên 21 tuổi tại đồn công an.
Những bất mãn giữa chính quyền địa phương và dân chúng được tích tụ từ lâu mà cái chết này chỉ như một giọt nước tràn ly. Chính quyền, sau đó đã bắt đi 6 người với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Nguồn: Đàn Chim Việt Online
Nhiều tổng công ty Nhà nước thua lỗ nặng
Hôm qua, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008.
Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết, kết thúc quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán của 21 Bộ, cơ quan Trung ương; 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 22 dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia; 31 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng…, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều thiếu sót, hạn chế, qua đó kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xử lý về tài chính số tiền 14.768 tỷ đồng.
![]() |
Tổng Công ty cà phê rơi vào tình trạng “lãi giả, lỗ thật”. |
Cụ thể, các khoản tăng thu chiếm 4.536 tỷ đồng, giảm chi 3.405 tỷ đồng (khoản chi sai chế độ chiếm 294,3 tỷ đồng), nợ đọng phát hiện tăng thêm 637 tỷ đồng, các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua ngân sách Nhà nước 5.722 tỷ đồng và các khoản xử lý khác chiếm 468 tỷ đồng.
Đánh giá về việc chấp hành ngân sách, Kiểm toán Nhà nước xác định còn không ít đối tượng chưa tuân thủ pháp luật trong kê khai, nộp thuế, trong khi chất lượng công tác thanh, kiểm tra ở một số cơ quan thuế còn hạn chế; việc áp mã hàng hóa, thuế suất còn để xảy ra sai sót. Điển hình, một số đơn vị kê khai sai doanh thu, chi phí làm giảm số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng như Tổng công ty Hàng không Việt Nam 168,7 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông quân đội 166 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương 160 tỷ đồng; Ngân hàng Ngoại thương 196,9 tỷ đồng.
Qua kiểm toán 183 doanh nghiệp thuộc 20 Tổng công ty Nhà nước, những số liệu cho thấy 88% doanh nghiệp (161/183) làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế của 20 Tổng công ty Nhà nước này đạt hơn 16.600 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn một số Tổng công ty hoạt động chưa hiệu quả và không bảo toàn được vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng rơi vào tình trạng “lãi giả, lỗ thật” như Tổng công ty Cơ khí xây dựng lỗ 1,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế 39 tỷ đồng; Tổng công ty Công trình giao thông 6 lỗ 67,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế 149 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê lãi 199 tỷ đồng nhưng lũy kế đến cuối năm 2008 vẫn lỗ 525 tỷ đồng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, không chỉ làm ăn thua lỗ mà việc quản lý tài sản cố định, xây dựng cơ bản, hoạt động đầu tư tài chính… ở nhiều Tổng công ty còn rất yếu kém, để tồn tại các khoản nợ khó đòi. Cụ thể, Tổng công ty Lương thực miền Nam có khoản nợ khó đòi 56 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 51,2 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 cũng để nợ khó đòi lên đến 46,4 tỷ đồng và đã buộc phải trích lập dự phòng gần 28 tỷ đồng.
L.Gia (DatViet )
Kiều hối gởi về Việt Nam có dấu hiệu tăng vọt trong năm 2010
Sau năm 2009 bị giảm mạnh, thống kê tạm thời về lượng tiền người Việt ở ngoại quốc gởi về nước trong nửa đầu năm nay cho thấy xu hướng tăng mạnh trở lại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 3,6 – 3,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ 2009.
Đây là một tín hiệu lạc quan, dự báo triển vọng nguồn kiều hối sẽ tăng vọt trở lại trong năm nay, sau khi bị suy sụp đáng kể vào năm ngoái, giảm đến 20% so với năm 2008 trước đó. Thông tin từ các ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam có dịch vụ nhận kiều hối đều xác nhận đà tăng kể trên.
Ngân hàng Đông Á chẳng hạn, đã cho biết là tính đến cuối tháng 07, lượng kiều hối gởi về Việt Nam thông qua định chế này đã lên đến mức 600 triệu đô la, tương đương với 55% chỉ tiêu của toàn năm là 1,1 tỷ đô la. Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương tín Sacombank cũng vậy : trong 6 tháng đầu năm, kiều hối chảy về nước qua kênh ngân hàng này đã vượt mức 600 triệu đô la, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới tài chánh Việt Nam lại còn lạc quan hơn nữa vì lượng kiều hối gởi về nước đã tăng mạnh một cách ‘’trái mùa’’ vì thông thường trong khoảng thời gian sau Tết, từ tháng 2 đến tháng 5, lượng tiền gởi về không nhiều. Trái lại, cuối năm thường là “mùa cao điểm” của kiều hối khi người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về nước cho người nhà ăn Tết.
Xin nhắc lại là nguồn kiều hối chủ yếu do người Việt định cư ở ngoại quốc, và người Việt Nam ra nước ngoài lao động hay học tập chuyển về cho gia đình, thân nhân trong nước.
Giải thích về nguyên nhân thúc đẩy kiều hối gia tăng, các nhà quan sát đều nêu bật tình hình kinh tế thế giới đang hồi phục sau cơn khủng hoảng, đặc biệt tại những quốc gia là nơi xuất phát của nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam.
Tuy nhiên, giới tài chánh cũng không loại trừ rủi ro đến từ nguy cơ khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp lan truyền ra khu vực châu Âu. Thế nhưng nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Hoa Kỳ, Canada, và trong những năm gần đây, từ một số quốc gia có nhiều lao động xuất khẩu Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… Tình hình kinh tế tại những nước này lại đang dần dần được cải thiện, góp phần làm tăng lượng tiền chuyển về Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm nay
Việt Nam thông báo đã bán ra nước ngoài 3,93 triệu tấn gạo tính đến tháng 7 năm nay với tổng trị giá 1,7 tỷ đôla.
Philippines là bạn hàng số 1 đặt mua 1,78 triệu tấn với giá 820 triệu đôla, chiếm 50% số gạo nhập khẩu của Philippines.
Gạo tại đông bằng sông Cửu Long bán được giá là nhờ kế hoạch dự trữ tồn kho từ 15/7 đến ngày 11/11. Chính phủ dự trù sẽ xuất khẩu tổng cộng 6,4 triệu tấn gạo trong năm 2010 này. Năm ngoái Việt Nam bán ra 6,05 triệu tấn gạo, chỉ đứng hạng nhì sau Thái Lan.
Trong một bài phỏng vấn trên AFP hồi giữa tháng 7, giáo sư Võ Tòng Xuân , chuyên gia về lúa gạo Việt Nam cho biết thêm là giới xuất khẩu thương lượng được giá cao. Nhưng vấn đề là người nông dân không hưởng được lợi nhuận này.
Giá gạo trên thị trường gia tăng cũng gây ra hậu quả tiêu cực. Ông Miguel Lima, giám đốc công ty Thụy sĩ SeaRice Limited cảnh báo là nhiều nước Á châu xuất khẩu gạo có thể bị mất thị trường châu Phi. Lý do là giá gạo lên cao làm cho nhiều quốc gia châu lục nghèo này mua ít đi. Cụ thể là trong 5 tháng đầu năm nay, Phi châu mua của Thái 1,4 triệu tấn gạo, quá ít so với 2 triệu tấn vào thời kỳ này hồi năm ngoái. ( RFI )
Viện trưởng VKS tỉnh Quảng Bình gây tai nạn rồi bỏ chạy
Dư luận Quảng Bình mấy ngày qua rất bức xúc trước việc ông Phạm Hồng Tâm, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân bên vệ đường, đánh xe bỏ chạy. Hơn thế, khi người dân chứng kiến vụ tai nạn vây xe lại thì ông tông thẳng vào đám đông để tẩu thoát.
Khoảng 14h ngày 29/7, chị Lê Thị Thuý (28 tuổi, thôn 8, Lý Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đi xe máy trên quốc lộ 1A, vào đến địa phận tiểu khu 18, xã Lộc Ninh thành phố Đồng Hới thì ô tô mang biển số 73L-35-65 đi hướng ngược chiều, lấn đường sang trái, chiếm luôn phần đường lưu thông của xe mô tô, húc thẳng vào xe máy của chị Thúy đang đi bên mép đường.
Lúc đó trên xe chị Thuý chở một người phụ nữ tên Phượng và một cháu nhỏ 5 tuổi ngồi sau. Cú húc trực diện khiến chị Thuý ngã, hai người ngồi sau văng xuống đường, bị thương nặng. Người điều khiển ô tô không những không dừng lại mà điều khiển xe chạy trốn.
Người dân ở khu vực tai nạn thấy vậy liền lao ra đường chặn xe lại, nhưng người điều khiển ô tô vẫn nhấn ga lao vào đám đông, buộc mọi người phải tản ra vì sợ xe tông. Chiếc ô tô sau khi thoát khỏi đám đông đã bỏ chạy. Người dân ghi lại biển số xe và cấp tốc đưa hai người bị thương nặng vào cấp cứu ở bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới). Chị Thuý bị thâm tím một vệt dài ở chân phải và dãn dây chằng trên cổ cũng phải vào viện sau đó.
![]() |
Chiếc xe gây tai nạn rồi bỏ trốn. Ảnh: Nguyễn Oanh |
Cơ quan công an tỉnh Quảng Bình sau khi kiểm tra biển số xe gây tai nạn từ các nhân chứng và dữ liệu lưu từ Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh đã xác định chủ sở hữu hiện tại là của ông Phạm Hồng Tâm, Viện trưởng VKS tỉnh Quảng Bình. Sau khi gây tai nạn, ông Tâm điều khiển xe về bãi gửi xe bệnh viện “trốn”. Khi biết mình không thể chối bỏ trách nhiệm, một ngày sau ông Tâm tìm đến nhà nạn nhân xin lỗi với lý do gây tai nạn là vừa tiếp khách và có uống bia.
Tiếp xúc với báo chí, nạn nhân Lê Thị Thuý nói: “Tôi rất bức xúc khi ông Tâm gây tai nạn xong bỏ chạy”.
Đặc biệt hơn, khi biết phóng viên tìm hiểu vụ việc, một số nhân viên Viện kiểm soát tỉnh đã gọi điện đề nghị “xin” bỏ qua với lý do đó là lãnh đạo tỉnh. Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của hai nạn nhân ngồi sau xe chị Thúy chưa có dấu hiệu tích cực.
Nguyễn Oanh ( Báo Datviet )
Các chuyên gia: Obama phục hồi ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á khi Trung Quốc sảy chân
Lachlan Carmichael/AFP
WASHINGTON – Chính phủ Obama hiện đang phục hồi các ảnh hưởng trước đây của Washington ở châu Á như những sai lầm do gã khổng lồ Trung Quốc đang trỗi dậy, làm cho các nước láng giềng nhỏ hơn chuyển sang Hoa Kỳ để làm đối trọng, các nhà phân tích nói.
Các chuyên gia cho biết, Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như các nước còn lại ở châu Á – cho dù là Nam Hàn và Nhật Bản ở Đông Bắc hay Indonesia, Singapore, Việt Nam và Lào ở Đông Nam – tất cả đang tìm kiếm và giữ vững [mối quan hệ] có được từ sự hợp tác.
“Tôi không xem điều này như một cuộc thi. Nó không phải là trò chơi được, mất ngang nhau”, ông Kenneth Lieberthal, phân tích gia thuộc Công ty hàng đầu, Brookings Institution, tại Washington, người đã phục vụ cho Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, cho biết.
Tuy nhiên Lieberthal nói với AFP rằng việc quay trở lại của Washington trong vai trò truyền thống mạnh mẽ ở Thái Bình Dương có thể làm Trung Quốc khó chịu đến mức làm tổn hại đến quan hệ song phương, tình thế mà cả hai nước đều không có lợi.
“Sự quan tâm rõ ràng là liệu điều này có ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng lên quan hệ của chúng ta với Trung Quốc hay không, hay đây chỉ là loại ổ gà trên đường” (*), ông Lieberthal nói.
Ông nghi ngờ một số lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng, Chính phủ Obama sẽ thúc đẩy sự tin tưởng đối với các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc lên mức trở nên khó khăn hơn cho cường quốc châu Á này (tức Trung Quốc) để có được điều mà Trung Quốc muốn trong khu vực.
Các chuyên gia cho biết, sự cân bằng Trung – Mỹ đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức năm ngoái, hứa hẹn sẽ “trở lại tham gia” trong khu vực mà Chính phủ tiền nhiệm, George W. Bush đã bỏ qua, do lo tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố.
Kể từ đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có hàng loạt các chuyến viếng thăm không chỉ Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và các thành viên nội các khác, mà còn có các quan chức cao cấp từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau.
Ông Obama, đã tự gọi mình là Tổng thống Hoa Kỳ “Thái Bình Dương” đầu tiên, khi ông được sinh ra và lớn lên ở Hawaii, cũng như đã viếng thăm khu vực [Đông Nam Á] mặc dù ông đã hai lần hoãn kế hoạch đến Indonesia, nơi mà thời thơ ấu có lúc ông đã sống ở đó.
“Chúng tôi chưa từng thấy có sự quan tâm ngoại giao của Hoa Kỳ đối với khu vực ở mức độ cao như thế, ở mức quan trọng hơn, trong một thời gian dài”, ông Douglas Paal, người đã phục vụ trong Chính phủ Mỹ trước đó, nói.
“Nó nhắc tôi về những gì Trung Quốc đã làm sau năm 1998, khi Trung Quốc dường như thức dậy và nghĩ rằng Đông Nam Á rất quan trọng”, ông Paal, bây giờ là một phân tích gia hàng đầu tại Carnegie Endowment for International Peace.
“Trò chơi của Trung Quốc thời gian gần đây đã bị vuột mất”, ông nói.
Ông nói, không chỉ Trung Quốc không còn gửi các nhà ngoại giao “khéo léo nhất” tới Đông Nam Á, mà Trung Quốc còn lo ngại các nước láng giềng như Việt Nam với các bước [đàm phán] đơn phương trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Bây giờ Hoa Kỳ bước vào tình trạng rối rắm này.
Trong chuyến thăm Hà Nội hồi tuần trước tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, một nhóm 27 thành viên, bà Clinton cho biết Washington quan tâm đến việc bảo đảm sự tự do đi lại và tự do thương mại trên Biển Đông.
Trong lời bình luận rõ ràng là có sự phối hợp với các đối tác ASEAN của mình, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ (tức bà Hillary Clinton) cho biết, Washington sẽ sẵn sàng tạo điều kiện đàm phán đa phương về các hòn đảo.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì sau đó đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên quốc tế hóa vấn đề [Biển Đông], nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp song phương là đường nên đi.
Điều bà Clinton đã làm là đánh bóng sự tín nhiệm của Hoa Kỳ, như là sự đối trọng với Trung Quốc.
Hoa Kỳ “đang trở lại trò chơi cân bằng với Trung Quốc theo cách nhìn của nhiều nước trong khu vực, những nước cảm thấy không thể một mình đương đầu với Trung Quốc và họ cần ai đó để kéo họ lại chung với nhau”, ông Paal nói.
Ông Paal nói, Trung Quốc cũng đã làm cho liên minh Washington với Nam Hàn và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn do Trung Quốc không thể hiện lập trường mạnh mẽ qua việc tàu chiến Nam Hàn bị đánh chìm hồi tháng 3, điều mà Seoul nói là do một ngư lôi của Bắc Hàn.
Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), và là nhà tư vấn cho Bộ Quốc phòng, nói rằng các nước châu Á đã lạnh nhạt với Trung Quốc và ấm áp với Hoa Kỳ.
“Hầu hết các nước trong khu vực thực sự hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc”, bà nói, đưa ra ví dụ về các cơ hội mới về đầu tư và thương mại ở đó.
“Nhưng ngày càng có nhiều nước nghĩ rằng các nước đã để cho Trung Quốc làm nhiều điều mà Trung Quốc muốn, rằng ở đó cần phải được cân bằng hơn, và rằng cường quốc có thể làm điều đó tốt nhất là Hoa Kỳ”, bà Glaser nói với AFP.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thực sự đã đi trước chúng ta trong thập kỷ qua và Mỹ hiện nay dường như đang đuổi kịp”, bà nói thêm.
——–
(*) Bumps in the road: ý nói quan hệ hai nước lúc nóng, lúc lạnh nhưng không ảnh hưởng đáng kể. Đoạn này tác giả muốn nói, không rõ liệu quan hệ hai nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hay chỉ nóng, lạnh chút thôi.
Ngọc Thu dịch
@ BauxitVN