LS Nguyễn Hoàng Duyên
Ở Mỹ, mỗi tiểu bang có hệ thống pháp lý riêng, và Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang là cơ quan tư pháp cao nhất. Trên bình diện quốc gia, Mỹ có hệ thống tư pháp của liên bang, và Tối Cao Pháp Viện Liên Bang là cơ quan tư pháp quyền lực nhất trên toàn lãnh thổ.
Các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chụp ảnh hằng năm
Theo cơ chế chính trị của Mỹ, quyền làm luật được giao cho cơ quan lập pháp các cấp từ địa phương đến trung ương. Luật ban hành không được đi ngược lại tinh thần của bản Hiến Pháp, đạo luật tối cao của quốc gia. Khi luật được ban hành, hoặc khi luật được mang ra áp dụng, thường có những tranh cãi về tính hợp hiến của luật. Những tranh cãi này thường được đưa ra tòa án phân xử, và nếu được thượng tố, vấn đề sẽ lên đến tòa trên. Như đã nói, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPV) là tòa án cao nhất và quyết định của tòa này là quyết định sau cùng, sẽ trở thành luật trên toàn lãnh thổ. Những phán quyết của TCPV ảnh hưởng đến đời sống văn hóa chính trị của toàn nước Mỹ bao gồm những vấn đề như quyền chọn lựa phá thai, quyền sở hữu súng, lênh chống kỳ thị vv
TCPV bao gồm 9 vị thẩm phán do Tổng thống Hoa Kỳ đề cử, và thượng viện bỏ phiếu chuẩn nhận theo nguyên tắc đa số. Sau khi được bổ nhiệm, nhiệm kỳ của một thẩm phán là suốt đời. Chính vì vai trò quan trọng của TCPV nên việc bổ nhiệm một thẩm phán vào TCPV đòi hỏi sự chọn lựa kỹ lưỡng. Trong số 9 vị thẩm phán đương nhiệm, chỉ có 1 thẩm phán da đen và 1 thẩm phán phụ nữ. Người ta tin rằng lần này, để thay thế thẩm phán Souter, tổng thống Obama sẽ bổ nhiệm một nữ thẩm phán thuộc nhóm sắc tộc Mỹ Latin, để TCPV có thêm đại diện phản ảnh cho các thành phần dân số đa dạng của Mỹ.
TCPV như chúng ta được biết ngày hôm nay là một cơ quan có pháp quyền tối thượng vững chắc, ngay cả vị Tổng Thống của Hoa Kỳ cũng phải tôn trọng. Nhưng từ thuở lập quốc đến nay, TCPV cũng đã đôi lần trải qua những thử thách về quyền lực với phía hành pháp. Vì không trực tiếp chỉ huy quân đội hay cảnh sát, TCPV chỉ ra phán quyết nhưng không nghiêm chấp được phán quyết của chính mình, mà việc thi hành quyết định của tòa phải nhờ vào các lực lượng vũ trang dưới quyền chỉ huy của tổng thống, của ngành hành pháp.
Lần chống lại lệnh tòa đầu tiên xảy ra năm 1832, khi tổng thống Andrew Jackson không đồng ý với phán quyết của TCPV trong vụ Worcester v. Georgia. Trong vụ này, có lời đồn rằng tổng thống Jackson tuyên bố: “Thẩm phán Marshall đã ra quyết định; vậy thì để ông ấy nghiêm chấp án lệnh của ông.” Tuy nhiên, nhiều sử gia đã lên tiếng bác bỏ lời đồn về câu tuyên bố này. Lần thứ hai có sự chống đối là sau khi TCPV ra phán quyết xóa bỏ phân biệt màu da trong các trường công lập (Brown v. Board of Education), các nhóm dân quân da trắng địa phương đã đứng lên chống đối. Gần đây nhất, trong vụ United States v. Nixon năm 1974, nhiều người lo ngại tổng thống Nixon sẽ cưỡng lại lệnh tòa và không chịu giao những cuốn băng thu mật trong vụ Watergate. Tuy nhiên, sau cùng Tổng Thống Nixon cũng tuân lệnh tòa và giao lại những cuốn băng ấy, dẫn đến việc từ chức của ông. Sau mỗi lần có sự thách thức, quyền lực của TCPV lại được củng cố thêm; và tính độc lập của TCPV đối với chính phủ và quốc hội khiến TCPV là một đảm bảo cho nguyên tắc cân bằng quyền lực của Mỹ.
Lược qua lịch sử của nền dân chủ Mỹ và của TCPV nói riêng, chúng ta mới trân trọng tinh thần thượng tôn luật pháp của từng người lãnh đạo và từng người dân của Mỹ. Tham, sân, si hiện diện trong mọi người, mọi nơi; nếu những vị tổng thống tiên khởi của Mỹ cũng trở thành những Lenine, Staline, Hitler hay Mao Trạch Đông, chắc nước Mỹ cũng sẽ trải qua những xáo trộn đẫm máu mỗi lần thay đổi chính quyền. Nhưng cái may mắn của nước Mỹ là những anh hùng lập quốc là những người vì quốc gia, vì mọi người, mà không trở nên độc tài, tham quyền cố vị. Sau khi những người đi trước đã xây đắp một nền móng dân chủ vững chắc, những kẻ đi sau như Jackson, Nixon … sẽ không có cơ sở để lạm quyền, độc tài, bởi vì họ không thể ra lệnh cho cấp chỉ huy quân đội hay cảnh sát vô cớ đàn áp người dân. Thỉnh thoảng chúng ta cũng sẽ gặp những cá nhân ngoan cố như cựu thống đốc Blagojavich của Illinois mới đây, nhưng hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ sẽ dễ dàng đào thải những mầm mống bại hoại như thế. Đa số người dân và lãnh đạo Hoa Kỳ ngày nay tự nguyện tôn trọng bảo vệ luật pháp, hiến pháp, và các cơ chế chính quyền của họ. Ở Mỹ, không ai tuân lênh một tổng thống để bắn giết dân theo kiểu Nga Sô, Trung Quốc
Những nước giàu mạnh hàng đầu thế giới ngày nay như Nhật, Đức, cũng đã có thời trải qua những chế độ độc tài kiểu Hitler hay Hirohito, nhưng sau cuộc chiến tranh, nhân dân các nước ấy đã vùng lên và không còn tin vào lãnh đạo kiểu thiên hoàng hay quốc trưởng. Đức và Nhật ngày nay đang hưởng một nền dân chủ tiến bộ, làm nền tảng cho sự lớn mạnh kỳ diệu về kinh tế.
Những năm đầu tiên sau ngày Saigon sụp đổ, cũng như đại đa số người dân miền Nam, tôi mang tâm trạng bi phẫn. Ba mươi bốn năm sau nhìn lại, sự bi phẫn có phần biến chất. Trước 1975, đọc báo ở Saigon thấy tin thẩm phán tối cao Trần Minh Tiết cho biết Tối Cao Pháp Viện của Saigon ra quyết định rằng hành động của tổng thống Thiệu là vi hiến. Còn bé chẳng hiểu vi hiến là gì, và ông Thiệu đã làm gì. Chỉ biết là Tổng Thống Thiệu vẫn lờ lệnh tòa xem như không có. Rồi là buôn lậu có xe hụ còi hộ tống, rồi là ma túy lan tràn do cấp lãnh đạo tổ chức, rồi là buôn gạo bán súng cho cộng sản… Sau khi làm tổng thống đủ 2 nhiệm kỳ, tổng thống thấy mình hy sinh chưa đủ, nên ra lệnh sửa đổi hiến pháp để mình được hy sinh thêm. Ngoài chiến trường, hàng hàng lớp lớp bạn bè anh em gục ngã. Sau nhiều năm định cư ở Mỹ, vị cựu phó tổng thống ngày xưa nay trở về Việt Nam để hưởng sự nhàn nhã ô nhục, và thỉnh thoảng phát biểu linh tinh, biêu riếu anh em chiến hữu ngày xưa để làm lễ vật tâng công với chính quyền bây giờ. Tôi tự hỏi liệu có nên tiếc nuối cái thây ma rữa mục này hay không?
Từ sau 1975 đến giờ, đất nước mỗi ngày một tồi tệ hơn xưa. Dưới sư lãnh đạo bây giờ, người người đối xử với nhau bằng gian dối, lãnh đạo ngang nhiên cướp của cải đất đai của dân, thầy giáo bán đề thi để kiếm sống, cả một dân tộc băng hoại về đạo đức. Tham nhũng đoàn kết lại với nhau để giữ quyền lực theo kiểu Mafia. Những người tâm huyết với quê hương lên tiếng nói thì bị giam cầm trù dập. Cả một hệ thống tư pháp đều do đảng và nhà nước chỉ đạo. Thẩm phán chỉ là những con rối không hơn không kém. Tôi tự hỏi dưới lãnh đạo này, có phải chỉ có tháng Tư mới là tháng màu đen của dân tộc?
Tin vào quy luật tự nhiên của chính trị, sự sụp đổ của thể chế hiện giờ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tôi còn nhớ năm 1989 tại bức tường Bá Linh, cảnh tượng khiến mọi người ngạc nhiên là lính vũ trang của Đông Đức không nã súng vào những người dân đang trèo lên bức tường ô nhục. Như thế, sẽ có một ngày người dân Việt Nam vùng dậy, sẽ có một ngày tiếng nói của lương tâm tạo ra ảnh hưởng trong những người cầm súng, để họ không bắn vào đồng bào ruột thịt dưới lệnh của những lãnh đạo vô lương.
@ Viettribune