
Nếu ông Trần Văn Minh đã thoát được vòng vây của an ninh Việt Nam canh giữ ông lúc nằm bệnh viện để tới được Mỹ, thì hồ sơ di trú của ông lại khiến cho phía Việt Nam tìm ra ông và tiếp tục quấy nhiễu gia đình và truy nã ông.
Ông Minh từng là giám đốc công ty GETRADIMEX lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, nhưng không có nghĩa ông không biết mùi đàn áp của cộng sản. Ông nội, cha mẹ ông từng bị giết, bị hành hạ trong cải cách ruộng đất. Tài sản gia đình ông từng bị tịch thu. Ông từng bị đưa đi làm khuân vác và tháo gỡ bom mìn trong chiến tranh.
Gia đình ông, những người còn ở lại Việt Nam, đang bị quấy nhiễu và bủa vây. Theo lời khai ghi trong hồ sơ tòa Di Trú, sau khi biết ông Minh trốn mất, công an tới bao vây gia đình ông, bắt trói đánh đập vợ con ông để họ khai ra nơi ông trốn. Nhưng dĩ nhiên là họ không thể khai – vì họ không biết, và ông cũng chẳng trốn ở đâu mà đã vượt biên qua Cambodia và bay tới Mỹ rồi.
Qua Mỹ, ông kết hôn với một phụ nữ từng quen biết trước. Theo lời khuyên của một luật sư có bằng chuyên môn về di trú, ông không làm đơn tỵ nạn chính trị, diện political asylum, mà xin thẻ xanh theo diện kết hôn.
Luật sư nộp đơn, và nộp theo đó bản sao giấy ly dị ở Việt Nam. Phía sở Di Trú bèn cho người liên lạc với công an Việt Nam hỏi về giấy tờ ly dị của ông Trần Văn Minh, và từ đó công an Việt Nam tìm ra tung tích ông Minh.
Công an Việt Nam, qua Interpol, báo với phía Mỹ là họ không tìm ra giấy tờ ly dị của ông Minh. Sở Di Trú bèn bác đơn thẻ xanh của ông, bắt ông vào tháng 9, 2007. Ngày 17 tháng 9, 2007, Sở Di Trú khởi tố vụ án trục xuất ông về Việt Nam.
‘Tôi về là nó bắt’
“Tôi không thể nào về Việt Nam được, về là nó bắt ngay,” ông Minh nói với phóng viên Người Việt về điều mà ai cũng có thể đoán được. Ðiều hiển nhiên này cũng được tòa Di Trú sau này ghi nhận. Tòa ghi trong phán quyết là tòa tin lời khai của ông rằng “sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị giết,” và sẽ phải “bị buộc khai ra những người đã giúp ông trốn khỏi Việt Nam.”
Ông Minh cũng nói ra với nhân viên Sở Di Trú điều này sau khi ông bị bắt. Hồ sơ trong tòa Di Trú cho thấy ông Minh nói ông đang bị Cộng Sản Việt Nam truy nã và sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị giết.
Trong lúc ông Minh đang ở trong tù di trú ở Los Angeles, một sinh viên luật khoa, đang làm tình nguyện cho hội từ thiện Legal Aid Foundation of Los Angeles, gặp ông trong tù. Người sinh viên này giúp tìm cho ông một người luật sư miễn phí.
“Nhưng đúng lúc đó thì tôi bị chuyển qua tù ở Texas. Luật sư thì không biết tiếng Việt, tôi thì không biết tiếng Anh, mỗi lần liên lạc đều rất khó,” ông kể lại.
Ông Minh đưa cho xem những bức thư của luật sư gởi cho ông. Một trong những bức đầu tiên, bằng tiếng Việt, có đoạn viết: “Tôi dùng phương tiện trên mạng Internet để dịch ra tiếng Việt, hy vọng bạn hiểu được.”
Mối giao dịch qua lại, qua trung gian một máy computer dịch thuật nào đó trên Internet, khiến vụ án của ông bị trì trệ. Mà càng trì trệ thì ông ở tù càng lâu, trong lúc ông vẫn còn mang trong người căn bệnh ung thư.
“Trong tù không cho gặp bác sĩ, chỉ gặp y tá,” ông kể. “Phải đấu tranh mới được gặp bác sĩ, mà bác sĩ thì không cho thuốc ung thư, chỉ có đau thì cho thuốc đau, mất ngủ thì cho thuốc ngủ, toàn mấy thứ chết người.”
Ðến khi ông được chuyển về lại tù ở California, thì người sinh viên luật năm xưa đã tốt nghiệp và đã trở thành luật sư. Người luật sư mới ra trường này, nay tiếp tục làm việc cho Legal Aid, hỏi ông Minh có muốn một luật sư Việt Nam không. Ông mừng, đồng ý ngay. Cùng với Luật sư Trần Kinh Luân làm việc miễn phí, người luật sư của Legal Aid – yêu cầu không tiết lộ danh tánh vì còn gia đình ở Việt Nam – bắt đầu đại diện cho ông Minh.
Di trú Hoa Kỳ nhờ công an Việt Nam giúp đỡ
Trong khi đó, Sở Di Trú muốn chứng minh ông Minh chưa ly dị ở Việt Nam – vì nếu vậy sẽ chứng minh được hôn nhân của ông ở Mỹ là bất hợp pháp, và đơn thẻ xanh theo diện kết hôn cũng bất hợp pháp theo. Và họ làm việc này bằng cách nhờ an ninh Việt Nam giúp đỡ.
Luật sư của Sở Di Trú trong vụ này là Luật Sư Tracy Nguyễn. Tháng 10 năm 2007, Luật Sư Tracy Nguyễn yêu cầu văn phòng điều tra của Sở Di Trú tìm giấy ly dị của ông Minh. Sở Di Trú ở California chuyển qua cho tùy viên di trú trong Tòa Tổng Lãnh Sự tại Sài Gòn. Ông này chuyển cho Dũng Bạch, một điều tra viên di trú Hoa Kỳ thường trú tại Việt Nam.
Ông Dũng bèn liên lạc với Ðại Tá Ðặng Xuân Khang, phó chánh văn phòng Interpol Việt Nam.
Ngày 24 tháng 10, 2007, Interpol Việt Nam trả lời ông Dũng, cho biết họ đã không tìm được bản lưu giấy ly dị của ông Minh.
Interpol Việt Nam cũng cho ông Dũng biết họ đã “phỏng vấn” gia đình ông Minh – theo bản khai của ông Dũng được nộp cho tòa.
Tháng 9 năm 2008, Luật Sư Tracy Nguyễn lại yêu cầu điều tra viên về tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu. Ông Dũng lại liên lạc với Interpol Việt Nam, nhờ một viên công an là Nguyễn Anh Tuấn tìm hộ.
“Ông Nguyễn Anh Tuấn là một công an của Interpol, được giao phụ trách hồ sơ ông Trần (Văn Minh). Tôi liên lạc với Nguyễn Anh Tuấn mỗi khi nhận được yêu cầu của Sở Di Trú Los Angeles,” ông Dũng Bạch viết trong bản khai tại tòa.
Một tuần sau, viên công an Nguyễn Anh Tuấn trả lời, trao cho ông Dũng một văn thư của phó chánh án huyện Nghi Xuân Nguyễn Thị Vân. Trong văn thư này, không những bà Vân nói không tìm thấy giấy tờ ly dị của ông Minh, bà còn nói bà không tìm thấy cả giấy tờ kết hôn của ông nữa.
Trong khi đó, trong tay ông Minh có cầm một bản sao giấy ly dị năm 1999, do Chánh Án Hoàng Văn Nuôi ký. Ông Nuôi nghỉ hưu năm 2000. Phía Việt Nam không đưa ông Nuôi ra, và nói ông Nuôi bị bệnh.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Sở Di Trú và Interpol Việt Nam để điều tra ông Minh, một người đang xin tỵ nạn chính trị theo diện political asylum, khiến luật sư của ông Minh phản ứng mạnh mẽ. Họ tố cáo phía Sở Di Trú đã vi phạm quyền bảo mật của ông Minh.
“Không có lý nào mà một người đang muốn được Hoa Kỳ bảo vệ đối với một chính quyền Cộng Sản, mà Hoa Kỳ lại đi tìm đến chính nước đó để nhờ họ điều tra giùm,” Luật Sư Luân nói với Người Việt.
Báo Người Việt liên lạc Luật Sư Tracy Nguyễn để phỏng vấn, nhưng tùy viên báo chí của văn phòng sở Di Trú Los Angeles là bà Lori Halley để lại lời nhắn, “Sở Di Trú không trả lời báo chí cho những vụ còn chưa kết thúc.”
Tin về những lời khai của ông Minh lọt về tai công an Việt Nam. Trong một văn thư đề ngày 24 tháng 10, 2007, gởi cho người quyền phó tùy viên di trú Hoa Kỳ tại Sài Gòn, viên đại tá công an Ðặng Xuân Khang viết:
“Theo tình báo chúng tôi nhận được, sau khi bị bắt tại Hoa Kỳ, Trần Văn Minh không muốn bị trục xuất về Việt Nam và ông nói ông có thể bị giết nếu bị trục xuất về Việt Nam.”
Luật sư của ông Minh nộp cho tòa bản khai của cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ðông Timor là ông Grover Rees. Ông Grover Rees từng là luật sư trưởng Sở Di Trú.
Ông viết, ‘Tôi đã từng phải nhắc nhở luật sư của Sở Di Trú không liên lạc với chính quyền ngoại quốc trong các vụ xin tỵ nạn chính trị, kể cả khi các nước này nói người bị đơn có can tội hình sự.’
Ông cũng từng là luật sư trưởng của Tiểu ban Nhân quyền Hạ Viện Hoa Kỳ, và ông cho biết tiểu ban này từng phải can thiệp vào những vụ Interpol Việt Nam dùng trát quốc tế để truy nã các nhà đấu tranh dân chủ tại ngoại quốc. Ông kể về một nhà dân chủ, cựu tù cải tạo, đang đi từ Tiệp qua Paris dự hội thảo nhân quyền thì bị cảnh sát Ðức bắt giữ vì trát truy nã của Interpol Việt Nam.
Ông Rees viết thêm, “Văn phòng Interpol tại Việt Nam thuộc sự quản lý của công an, một phần của Bộ Công An. Mọi liên lạc với Interpol Việt Nam là liên lạc với hệ thống an ninh của chính quyền Việt Nam.”
‘Tù hình sự được đủ nhân quyền’
Vẫn muốn trục xuất ông Minh, Sở Di Trú tìm đến một học giả để chứng minh ông Minh sẽ không bị ngược đãi khi về nước. Họ nhờ Luật sư, Giáo sư Tạ Văn Tài làm chứng như một chuyên gia về luật lệ tại Việt Nam.
Giáo Sư Tài không xa lạ với người Việt Nam. Ông là cựu Giáo Sư Luật Khoa Sài Gòn, là một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ, và là một giảng viên Ðại Học Luật Harvard. Cùng với cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Giáo Sư Tạ Văn Tài viết một bộ sách khảo cứu lớn, 3 quyển, về bộ luật Hồng Ðức, do đại học Ohio University Press xuất bản.
Khi báo Người Việt liên lạc Giáo Sư Tài để phỏng vấn, ông từ chối vì đã cam kết bảo mật với Sở Di Trú.
Giáo Sư Tài làm chứng và cho ý kiến là “Ông Trần (Văn Minh) sẽ phải qua thủ tục tố tụng hình sự bình thường tại Việt Nam, và thủ tục này không nhất thiết vi phạm nhân quyền để tìm ra dữ kiện và đi đến phán quyết công bằng. Thủ tục tố tụng đó, trên thực tế, có bảo vệ đầy đủ nhân quyền.”
Giáo Sư Tài cũng cho ý kiến là ông Minh sẽ, “rất có thể, không bị tra tấn, căn bản vì ông không phải là một ‘trái bom nổ chậm’ khiến công an làm việc đó (tra tấn), nhưng ông là một tù hình sự bình thường có rất nhiều cơ hội để trưng bày giấy tờ công ty để biện hộ cho mình với một luật sư giỏi.”
Tại tòa ngày 23 tháng 9, 2009, Giáo Sư Tài làm chứng là “Ở Việt Nam, có khi có người bị tra tấn, nhất là tù chính trị.” Tuy nhiên, ông cho rằng ông Minh sẽ không bị tra tấn vì “chính quyền Việt Nam rất ngại mang tiếng với thế giới.”
Luật Sư Tracy Nguyễn đưa Giáo Sư Tài xem bài báo Hà Tĩnh viết lúc ông Minh ra ứng cử tự do cho Quốc Hội Việt Nam. Trong bài báo, phóng viên viết về lúc gặp ông Minh: “Tôi vui vẻ: – Chào ‘đồng chí Quốc Hội’!” Hỏi câu này có nghĩa gì, Giáo Sư Tài nói nếu gọi nhau là đồng chí thì là cộng sản.
Khi luật sư của ông Minh trích dẫn bản tường trình nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong đó đoạn viết về công an ép cung, Giáo Sư Tài cho rằng những việc làm đó “chưa phải là tra tấn.”
Ông nói thêm, “Nếu bị cáo có luật sư giỏi, bị cáo có thể có kết quả công bằng. Bị cáo hình sự nếu bị vi phạm quyền lợi có thể kiện ngược lại người vi phạm quyền lợi của mình.”
Tòa: Việt Nam sẽ vi phạm nhân quyền
Ngày 9 tháng 2, 2010, tòa Di Trú công bố quyết định trong vụ án trục xuất ông Minh, trong bản phán quyết dài 43 trang. Thẩm phán di trú Sitgraves viết bà không đồng ý với ý kiến của Giáo Sư Tạ Văn Tài, mà thiên hơn về ý kiến của nhân chứng cho ông Minh là Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, Boat People – SOS.
Thẩm phán Sitgraves viết, “Với những sự quấy rối của chính quyền đối với bị đơn sau khi ông ra ứng cử tự do, chính quyền Việt Nam sẽ rất có thể đối xử với ông như là một người bất đồng chính kiến, hơn là một tù hình sự bình thường nếu ông bị trả về Việt Nam.”
Bà viết thêm, “Là người bất đồng chính kiến bị trả về Việt Nam, bị đơn rất có thể sẽ bị tra tấn và bị vi phạm những quyền căn bản.” Kết luận này, bà viết, “được ủng hộ bởi bản tường trình nhân quyền Việt Nam 2007 (của Bộ Ngoại Giao), trong đó nói ‘tình trạng tùy nghi bắt bớ, nhất là đối với người hoạt động chính trị, là một vấn nạn.’”
Phán quyết viết, “Ðảng Cộng Sản Việt Nam nắm trọn hệ thống tòa án, đầy rẫy tham nhũng, và mặc dù bị cáo hình sự có quyền được có luật sư, trên thực tế, điều này hiếm khi xảy ra.”
Tòa Di Trú bác bỏ lệnh trục xuất của Sở Di Trú. Ông Minh được ở lại Hoa Kỳ hợp pháp, sẽ được đi làm sau khi có giấy phép. Nhưng tòa cũng bác đơn tỵ nạn chính trị của ông, một phần do không xin nội trong 1 năm sau khi tới Mỹ. Ðó là phần mà phía luật sư ông Minh đang kháng cáo.
Vì không có quy chế tỵ nạn, ông Minh sẽ không bao giờ vào công dân Mỹ, điều mà ông hy vọng sẽ dùng để tự bảo vệ nếu ông muốn quay lại Việt Nam.
“Chứ như này, bị truy nã, bị bao vây, mà mình thì quốc tịch Việt Nam, thì ai cũng sợ liên lụy,” ông nói. “May mà có luật sư thiện nguyện giúp. May mà có chùa cho tá túc.”
“Bạn bầu người quen biết, thì trốn hết,” ông trầm ngâm.
“Mà người lạ thì giúp,” ông kết luận.
@ nguoi-viet.