Thân Mỹ

Đoan Trang

Một trong những quan điểm hay thái độ chính trị bị “đặt vấn đề” ở Việt Nam giai đoạn này là “thân Mỹ bài Tàu”. Nói cách khác, nếu bạn bị ai đó kết tội là thân Mỹ bài Tàu, nghĩa là bạn có vấn đề về mặt tư tưởng – không nguy hiểm thì cũng lệch lạc, cực đoan.  Tất nhiên là tôi cũng được đội cái mũ “thân Mỹ bài Tàu” đó, và phải nói thật là mũ hơi rộng, tôi đội không vừa. Vì chỉ đúng một phần: tôi thích nước Mỹ và chẳng ưa gì chính quyền hiện nay của Trung Quốc (không đồng nhất với toàn thể nhân dân Trung Quốc, càng không có liên quan gì tới một vài người bạn Trung Quốc mà tôi biết). Nhưng làm gì đến nỗi lệch lạc, cực đoan nhỉ, hừ, tôi cứ nghĩ mình ôn hòa lắm cơ.

Tôi không chỉ thích Mỹ, mà còn thích cả Anh, Tây Ban Nha, có thể coi là “phương Tây” nói chung. Vâng, xin xác nhận là tôi thân phương Tây. Còn tại sao tôi thích Mỹ thì entry này sẽ giải thích ngay sau đây. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thì phải nêu rõ và nhấn mạnh rằng tôi chưa bao giờ đến nước Mỹ, và chắc chắn là tôi hiểu biết rất ít về xứ sở này. Rất có thể những gì tôi nói sau đây đúng một phần mà sai đến chín phần. Có gì xin các bạn cứ chỉ giáo.

* * *

Những bạn Việt Nam từng học tiếng Anh qua bộ Streamline hẳn còn nhớ, một trong những bài đầu tiên trong quyển I, dạy về “sở hữu” thì phải, có giới thiệu vài nhân vật. Người thứ nhất là một minh tinh màn bạc, cô này mãn nguyện với cuộc sống của mình: “Life’s great. I’ve got everything” (Cuộc đời đẹp tuyệt. Tôi có tất cả mọi thứ). Người thứ hai là một gã thất nghiệp: “Life’s terrible. I don’t have anything” (Đời thật kinh khủng. Tôi chẳng có gì cả). Trong một bài khác, có sự so sánh giữa một tay rock star đi xe Roll Royce, và một thầy giáo, “cuộc sống cũng tạm được”.

Hồi học những bài này, tôi mới 12 tuổi. Rất ngạc nhiên, tự hỏi vì sao “bọn Tây” kỳ cục, sách dạy trẻ con mà đưa vào những nhân vật và hình vẽ mô tả một xã hội vô cùng bất công, phân biệt giàu nghèo. Thầy giáo thì nghèo khổ méo mó, mà ca sĩ nhạc rock thì đi xe choáng lộn. Minh tinh màn bạc phả phê phè phỡn, mà anh chàng thất nghiệp thì đi giày há mõm, đứng dầm mưa… Tôi cứ nghĩ nếu là sách do người Việt viết nhỉ, sẽ có các bạn Mơ, Thắm, Lụa, Đào, Kha, Thụ v.v. gì gì đấy, chăm học, ham lao động, và đều rất bình đẳng, tương thân tương ái. Làm gì có sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp và tàn nhẫn thế kia?

Tôi bỏ qua chuyện đó rất nhanh. Tuy nhiên, tiếp tục học tiếng Anh qua các sách của Anh, Mỹ sau này, tôi phát hiện ra một điều còn kỳ cục hơn: Bè lũ tư bản Anh – Mỹ rất ít mượn các bài giảng để nói về chúng. Hay diễn đạt cách khác, chúng không hề có ý thức thông qua những cuốn sách giáo khoa đó để truyền bá văn hóa của chúng tới người học. Thay vì thế, chúng toàn dạy những chủ đề chẳng mấy liên quan trực tiếp đến chúng, hoặc không hề có giá trị đề cao chúng, chẳng hạn khí hậu ở miền xích đạo, sự ra đời của bài “Silent Night”, một ngày (vô công rồi nghề) của nữ hoàng Elizabeth, có khi hứng chí còn dạy cả về vũ khí, bom nguyên tử, rồi cấu trúc ADN, sự trôi giạt của các lục địa v.v.

Chưa kể, chúng còn đưa vào sách nhiều chủ đề rất phản cảm (từ “phản cảm” này tôi mượn của ông hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu – trường vừa cấm nữ sinh mặc váy ngắn trên đầu gối vào học), chẳng hạn mô tả những vụ say xỉn ở quán bar hay là xô xát giữa cảnh sát và dân .v.v. Đọc mà thấy tình hình xã hội Anh – Mỹ sao nhiễu loạn?

Về điểm này thì Anh – Mỹ khác cả nước Pháp. Bạn cứ mở thử một cuốn sách dạy tiếng Pháp xem, rất có thể là sách sẽ được lồng ghép nhiều chủ đề về nước Pháp, nhằm tranh thủ truyền bá văn hóa – văn minh Pháp đến người học. Anh – Mỹ thì không thế, sách dạy tiếng có khi lại nhằm phổ biến những kiến thức khoa học, nghệ thuật không mấy liên quan tới Anh – Mỹ.

Nhưng… có lẽ cũng chính vì thế mà tôi thích học tiếng Anh. Thời kỳ Internet chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhiều khi tôi phải tìm các sách dạy Anh ngữ của Mỹ và Anh để tìm hiểu một vấn đề gì đó, ví dụ “gió ether”, hiện tượng cực quang, tán sắc ánh sáng, 7 kỳ quan thế giới cổ đại… Tôi thích, vì tôi cảm thấy những người Anh và Mỹ viết sách thật sự đàng hoàng, đúng mực, không “chính trị hóa” giáo dục. Tôi thích, vì tôi cảm nhận thấy từ những cuốn sách của họ tinh thần khách quan khoa học thực sự. Đó là chưa kể còn vì điều này: Tôi đọc cách họ viết về vật lý, sinh học, di truyền học, địa lý căn bản v.v… lại thấy… dễ hiểu và hấp dẫn hơn đọc sách của nhà mình viết nhiều. :-(

* * *

Không biết những gì tôi nghĩ có đúng không, nhưng tôi cảm nhận thấy ở họ – người Mỹ – một tinh thần tự phản biện rất sâu sắc. Họ dám nhìn thẳng vào những cái xấu của mình, không hề ngại chê mình cũng như không ngại để nước khác, dân tộc khác chê. Ngay sau khi cuộc chiến với Việt Nam kết thúc, đã có không biết bao nhiêu bài nghiên cứu, bài báo, cuốn sách viết về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, tại sao Việt Nam thắng, sai lầm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ v.v. Để đến mức giờ đây, 35 năm sau sự kiện tháng 4/1975, chúng tôi đang phải tìm hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn ấy… qua tài liệu của Mỹ. Và tìm hiểu một cách hào hứng, tin tưởng nữa mới khổ – tôi tin rằng họ viết với tinh thần khách quan khoa học, họ không cay cú, không có ý định “tuyên truyền” gì cả, mặc dù họ có thể làm điều đó.

Việt Nam đã có tài liệu nào phân tích một cách cụ thể thất bại (?) của quân đội miền Bắc trong chiến dịch Mậu Thân 1968 chưa? Đã có tài liệu nào “dám” đề cập tới sự kiệt quệ về kinh tế của Việt Nam hồi cuối những năm 1940 trong kháng chiến chống Pháp chưa?

Theo tôi biết thì chưa có. Hoặc có rồi mà “lưu hành nội bộ”. Hình như phải nói thẳng nói thật về thất bại, sai lầm, nhược điểm của mình, phải thừa nhận “tôi sai” là một việc khiến người Việt Nam rất đau khổ. Ngược lại, khi có dịp nói về thành công, về sự tài giỏi, trí tuệ, người Việt hân hoan lắm. Tôi không bao giờ quên bài học làm báo mà “người thày đầu tiên” đã dạy: “Ở Việt Nam thì, tin có yếu tố tích cực có thể được đưa lên trang nhất, ví dụ: Việt Nam xuất khẩu thành công pin sang Campuchia”. Điểm này quả là vô cùng khác biệt so với báo chí Mỹ. Trang nhất của họ chẳng khoe tin vui bao giờ thì phải.

Chủ quan mà phán, tôi tin rằng một dân tộc có tính cách thẳng thắn, chấp nhận nói về cái xấu của mình và bình thản nghe nước khác chê mình, đó là một dân tộc tiến bộ, hoặc ít nhất cũng đạt tới sự tiến bộ nhanh hơn các nước khác. Ở đất nước ấy, người ta không có cái văn hóa giãy lên đành đạch khi bị chỉ trích, kiểu: “Nó nói xấu tôi. Nó bôi nhọ tôi. Nó chống đối tôi”. Người ta không có sự vui mừng hả hê khi xuất khẩu thành công pin sang Campuchia. Không có sự tranh thủ dùng sách để quảng cáo văn hóa và tài năng của mình theo cái cách mà chúng tôi gọi là “khoe thô”. Nói cho cùng thì Anh, Mỹ có sự truyền bá văn hóa của họ không? Có quá đi chứ, nhưng… nó tinh vi lắm. Bằng chứng là họ khiến một đứa bảo thủ như tôi cảm thấy thích nền văn hóa của họ, thông qua những cuốn sách giáo khoa về… vật lý.

Và, người ta cũng không có (hay là đã qua thời kỳ đó rồi?) những cuộc tranh luận trên mạng, nơi chỉ được vài câu là các tranh luận chuyển thành tấn công cá nhân cho bằng hết, phe này phồng mang trợn mắt chửi phe kia “ngu”, “xấu”, “chắc đời thất bại nên mới cay cú thù hận”, “ăn cứt Tây” v.v. Không có gì là “khách quan khoa học” cả, càng không có sự điềm tĩnh khi phê phán và nghe phê phán. Vì sao mà những cái đó lại khó đạt được đến thế cơ chứ?

Viết đến đây lại nhớ tới một cuốn sách về gương danh nhân mà tôi có viết “review” vài tháng trước, cuốn “5 phương trình nổi tiếng thế giới”. Là cuốn sách của một tác giả người Mỹ, nó chọn viết về 5 nhà khoa học nổi tiếng của những quốc tịch khác nhau (khoe thô: cụ thể thế nào, xin mời bạn xem ở đây: http://www.tuanvietnam.net/2010-01-07-ghet-toan-phai-doc- ) Chẳng thấy tác giả nhảy lên sung sướng, hay có biểu hiện của “hội chứng vơ vào”, khi nói về một nhà khoa học nào đó chỉ cần hơi gần với nước Mỹ thôi. Vậy mà… ta cứ tưởng tượng sách danh nhân do một người Việt Nam viết nhỉ? Có khi sẽ vơ đủ các nhà khoa học, nghệ sĩ thành danh ở nước ngoài nhưng có… ông ngoại, mẹ kế v.v. là người gốc Việt cũng nên. Hoặc một cách đơn giản hơn là viết về những người đã đi khỏi Việt Nam từ lâu lắm. Bao nhiêu năm nay, chúng ta chẳng lôi mãi Đặng Thái Sơn ra nhắm đấy thôi, mặc dù anh ấy thọ giáo thầy Tây cơ mà?

Facebook, Đoan Trang

THẠCH LAM

TƯỜNG NHUNG

Hồi còn sinh thứ nhà văn Thạch Lam Nguyễn Tường Lân trong TLVĐ có một đời sống riêng tư thật kín đáo và trầm lặng. Một nhà thơ cùng nhóm đã ví ông là một “ẩn sĩ Tây Hồ”. Thạch Lam có lẽ cũng là một nhà văn nổi tiếng trong văn chương tiền chiến mà tính tình và nếp sống gia đình ít người biết đến nhất. Thật hiếm thấy các bạn văn cùng thời với ông nhắc đến ông trong những bài viết thể hồi ký, cho nên đối với các nhà phê bình và khảo luận văn học con người thật của Thạch Lam vẫn còn là một bí ẩn và đó cũng là một thiệt thòi cho các lớp độc giả ái mộ văn tài của ông.

Đến nay chuyển kể tương đối chi tiết về ông chỉ có người chị ruột, tức là cụ bà Nguyễn Thị Thế qua cuốn hồi ký về gia đình Nguyễn Tường: Nhất Linh Hoàng Đạo Thạch Lam. Vì vậy nhân ngày giỗ Thạch Lam năm nay, 14 tháng năm âm lịch. Chúng tôi rất hân hoan giới thiệu cùng độc giả bài viết “Bố Tôi: Thạch Lam” của bà Tường Nhung. Một số chi tiết trong bài này chắc sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ nét và thân mật gần gũi hơn về Thạch Lam, người bố người chồng, cũng như Thạch Lam trong nếp sống gia đình cách phục sức ăn uống của ông và nhất là cái nét nổi bật của người nghệ sĩ có một tấm lòng trắc ẩn tế nhị và sâu sắc đối với những con người nhỏ bé nghèo khổ và xấu số.

Bà Tường Nhung nhũ danh Nguyễn Kim Nhung (người hôn phối của cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng) hiện định cư tại Virginia cùng gia đình là người con gái đầu của nhà văn Thạch Lam.

Tưởng cũng cần nhắc đến ở đây là nhà văn Thạch Lam sinh năm Canh Tuất (1910) ngày 14 tháng năm năm Ngọ (1942) tại nhà riêng làng Yên Phụ vùng ngoại thành Hà Nội.

Ngày bố tôi mất, tôi lên 6 tuổi, em kế tôi 3 tuổi và em út mới sanh được 3 ngày. Cả hai em tôi đều là trai. Bố tôi bị lao phổi, vì thời gian đó làm việc quá sức. Một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết bài, viết truyện. Bố tôi bị bệnh nằm nhà đã mấy tháng nhưng vẫn tỉnh táo, ngay trước khi mất vài tiếng đồng hồ, cũng vẫn tỉnh. Thấy bố tôi đau lâu mà không bớt, bà Nội và cô tôi đi coi bói hỏi về bịnh trạng của Bố tôi. Thầy bói nói sợ bố tôi không qua khỏi, nhưng sau khi ông bấm số của Mẹ tôi, Mẹ tôi lúc ấy đang mang thai người em út gần đến ngày sinh. Ông bảo: “Nếu bà sanh con gái thì nên làm tiệc lớn ăn mừng, còn nếu con trai thì nên lo trước việc tang lễ, vì đứa con trai này khắc cha mẹ và anh chị em nữa. Tuy Bà và Cô tôi không tin hẳn lời của ông thầy bói, vì cậu tôi vẫn còn tỉnh táo lắm, nhưng cả hai đều rất lo lắng. Rồi ngày sinh em của Mẹ đã đến. Khi biết là con trai thì Bà và Cô tôi khóc rất nhiều. Mọi người dấu Mẹ tôi về chuyện đó. Mẹ tôi ở nhà thương được 2 ngày thì tối ấy Bố tôi hơi trở bệnh mệt hơn. Sáng sớm ngày thứ 3 thì Bà tôi cho người đến đón Mẹ về vì muốn Bố tôi thấy mặt em tôi. Lúc ấy Bà phải nói cho Mẹ tôi biết về lời thầy bói nói. Thế là cả 3 đều khóc, phải xuống dưới bếp khóc vì sợ làm động đến Bố tôi. Người nào mắt cũng đỏ hoe. Mẹ tôi bế em tôi vào để bố nhìn mặt. Bố tôi bảo đã dậy để nhìn em cho rõ hơn, Bố tôi ngắm nghía em rồi khen thằng bé kháu khỉnh và khỏe mạnh, rồi quay qua Mẹ tôi mắng nhẹ, sao lại bế con về nhà sớm vậy, mới sinh nở còn non nớt, sức khỏe còn yếu, phải nằm lại nhà thương một tuần lễ chứ. Thế là mẹ tôi không thể cầm lòng được nữa và ra khóc nức nở. Bố tôi cau mày và nói, tôi đã chết đâu mà khóc.

Đến trưa bố tôi tỉnh dậy và đòi ăn na, thứ na bở mùi thơm ngon ngào ngạt mà bố tôi thích nhất. Ngoài na ra bố tôi còn thích ăn dưa hồng và dưa gang, các thứ dưa đó khi chín cũng tỏa ra một mùi thơm thật nhẹ nhàng. Ăn được vài miếng thì bố tôi lại đuối sức mệt lả, người nhà vội đỡ bố tôi nằm xuống, và bố tôi bắt đầu thiếp dần. Chiều đến thì chú Bảy tôi đến thăm, chú đã ngồi lại trong phòng bố tôi rất lâu. Khi chú bảy tôi đẩy cửa bước ra thì mọi người trong nhà đều nhìn chú bảy tôi bằng ánh mắt chờ đợi một hy vọng may mắn do chú tôi đem lại, vì lúc ấy chú Bảy tôi đã đậu xong bằng bác sĩ, cho nên chú biết rất rõ về bệnh trạng của bố tôi. Chú bước ra và đi rất vội vàng không nhìn ai cả. Có nhẽ chú sợ làm cho mọi người ruột thịt trong nhà mất hết niềm hy vọng đã đặt vào chú là chú có thể chữa khỏi bệnh cho Bố tôi. Vẻ mặt đau buồn và cặp mắt đỏ hoe của chú đã nói lên được sự sắp ra đi của Bố tôi. Cho nên chú chỉ nói một câu tiếng tây ý nghĩa là bệnh của Bố tôi không khỏi được và sự ra đi vĩnh viễn của Bố cũng gần đến. Vài giờ sau đó thì Bố tôi tắt thở.

Ngày đưa đám Bố, tôi được ngồi xe kéo chung với mẹ tôi. Trước giờ đưa đám, bà vú bắt tôi mặc áo tang may bằng vài sô thô sơ, lại có dây bằng gai thắt ngang bụng, lại thêm cái mũ mấn chụp vào đầu, kéo miếng vải ở phía trước chụp xuống mắt thì chỉ còn nhìn thấy hai bàn chân mình mà thôi. Tuy còn nhỏ nhưng có lẽ tôi cảm nhận được sự đau buồn qua chiếc áo tang hay có nhẽ vì trông chiếc áo và mũ đó quá xấu và kỳ dị mà tôi chưa thấy bao giờ, cho nên tôi đã khóc và trốn vào trong tủ áo nhất định không chịu mặc khi đưa đám bố tôi.

Chiếc xe tang có 4 con ngựa kéo, ngựa được phủ cái choàng màu đen có viền ren trắng, kéo theo chiếc quan tài được phủ bằng nhung đen chung quanh có tua, bốn góc của chiếc xe tang có 4 người thân tay cầm mỗi người một sợi dây từ bốn góc của chiếc quan tài đi chậm chậm theo xe tang. Mẹ tôi mặc áo tang may bằng vải sô, buộc ngang lưng bằng dây gai, đầu đội mũ mấn, tóc xỏa ngang lưng, chẳng nhìn thấy mặt mẹ tôi đâu cả. Lúc ấy Mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Bố tôi chết đi để lại cho mẹ tôi 3 đứa con còn quá nhỏ dại, về vật chất thì chẳng có gì, ngoài những cuốn truyện, tiểu thuyết ngắn, dài, mà sau này khi chúng tôi khôn lớn đó là một gia tài vô cùng quý giá và là một niềm hãnh diện cho chúng tôi. Không biết mẹ tôi lúc ấy nghĩ gì và đau buồn ra sao, nhưng tôi chắc Mẹ tôi đã đau buồn đến cực độ. (Tôi sẽ viết về Mẹ tôi vào một dịp khác)

Khi quan tài hạ huyệt thật là thảm thiết, Bà, Cô Chú Bảy cùng bạn bè thân thiết của Bố tôi, ai nấy đều quá đau lòng thương tiếc người ra đi còn quá trẻ, khi nhìn cảnh Mẹ tôi cứ khóc ngất đi và không còn nói ra lời nữa. Tôi thì cứ nhìn mọi người khóc rồi cũng khóc theo luôn. Em kế tôi khi nhìn thấy có bát cơm đầy, trên có cắm đôi đũa vông và có hai cái trứng gà luộc thì chỉ tay và đòi ăn. Chị em chúng tôi nào đã biết được sự chia ly chết chóc như thế nào đâu.

Tôi còn nhớ rất rõ về hình dáng của Bố tôi, Bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai tây vậy. Bố tôi hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giày tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp, bố tôi rất ngăn nắp thứ tự và rất quí sách. Bố tôi có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. Có một lần cô Năm tôi sang thăm, cô tôi có dẫn theo 2 người con trai đang ở tuổi nghịch phá, và họ đã vào phòng sách và lục sách của bố tôi. Bố tôi nói ngay với cô tôi lần sau chị sang thăm em thì chị đến một mình, đừng dẫn theo mấy cháu nữa”. Cô tôi đã quá quen thuộc với tính nói thẳng của bố tôi cho nên không bao giờ giận bố tôi cả. Ngày bác Ba tôi có người con bị chết, bác Tư gái không đến chia buồn được, cô tôi nói với bố tôi về chuyện đó, bố tôi bảo “nếu chị Tư không đến đưa đám con chị Ba thì khi nào con chị Tư chết thì chị Ba cũng không phải đến”. Tuy cô tôi đang buồn về việc cháu mất cũng phải phì cười vì câu nói của bố tôi. Cô chỉ làm thầm một mình “Ai mà muốn con mình chết bao giờ”. Cô tôi và bố tôi rất thân và thương nhau vì lúc nhỏ khi các bác tôi đi học ở xa nhà chỉ còn có 3 chị em mà chú Bảy thì lại còn nhỏ, Bố tôi chỉ kém cô tôi có một tuổi. Khi cô tôi đi lấy chồng, bà tôi cũng bắt đầu ngấm nghé vợ cho bố tôi. Bà rất ưng ý một cô con của bà bạn thân, nhà rất khá giả và cô cũng đẹp. Bà cô có đánh tiếng và nhà gái bằng lòng chỉ chờ bố tôi đi xem mặt. Bà tôi thúc dục bố tôi mấy lần, nhưng lần nào bố tôi cũng tìm cách từ chối khéo, dằng dưa mãi cả gần năm trời, nhà gái thấy bố tôi vẫn chưa động tĩnh gì bèn nhờ người sang dò hỏi bà tôi một lần chót để bà quyết định vì có người khác muốn đi hỏi cưới cô con gái bà. Bố tôi biết tin ấy bèn thưa với bà tôi là “Mẹ bảo cô ấy đi lấy chồng đi” thế là từ đó bà tôi không đả động gì đến chuyện cưới vợ cho bố tôi nữa. Khi gặp mẹ tôi, bố mẹ tôi đã yêu thương nhau ngay. Bố tôi về thưa chuyện với bà tôi để cưới mẹ tuy lúc đầu bà tôi có hơi ngần ngại vì chưa biết mặt mẹ tôi và gia thế như thế nào. Bà và cô tôi có bàn với nhau về chuyện đó, nhưng bà tôi biết tính của bố tôi, khi đã quyết định chuyện gì thì khó có ai mà lay chuyển đổi ý được phần nữa tính của bố tôi rất khó chiều. Sau cùng bà và cô tôi đã chấp nhận mẹ tôi rất vui vẻ, bà và cô tôi nói với nhau “thế là từ nay mọi chuyện của bố tôi đã có mẹ tôi gánh lấy, mẹ con mình được thảnh thơi”. Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi, bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trọng tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha. Cà phê mua thứ thượng hạng nguyên hột đem về nhà xay lấy. Khi bố tôi vừa ở tòa soạn về thì đã có sẵn một chậu nước nóng ấm và một cái khăn mặt để sẵn để bố tôi lau mặt. Thay áo quần ra, sau khi tắm xong thì cơm nước đã dọn sẵn. Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh, tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân họ chèo thật chậm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âu yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình, mẹ tôi rất thích được nghe bố tôi nói chuyện đó là những giây phút sung sướng của mẹ tôi.

Bố tôi viết văn, viết báo, và có nhà in riêng do một nhóm anh em và bạn bè chung vốn, bố tôi rất bận rộn với công việc. Sáng sớm đã rời nhà để lên tòa soạn làm việc, chiều mới về. Khi về, bố tôi đi tắm thay bộ áo ngủ, trong lúc bố tôi tắm thì mẹ tôi đã sửa soạn bữa ăn tối, thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, và bầy cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước. Có một lần mẹ tôi kho một nồi cá thật công phu định để làm món mặn ăn mấy ngày. Ngày đầu dọn cá kho ra bố tôi thích lắm vừa ăn vừa khen và ăn hết gần một khúc cá kho. Qua ngày hôm sau mẹ tôi lại dọn cá kho ra nữa bố tôi hỏi mẹ tôi “Cá này là cá gỗ phải không?” và không đụng đũa vào đĩa cá nữa từ đó trở không bao giờ mẹ tôi dọn thức ăn đã ăn ngày hôm trước nữa. Nhà cửa thì lúc nào cũng phải sạch sẽ, gọn gàng. Trước giờ bố tôi về, mẹ tôi luôn coi lại nhà cửa tuy lúc nào cũng dọn dẹp cho sạch rồi nhưng nhà có trẻ con thì không thể giữ được gọn gàng như ý muốn. Chỉ một chiếc guốc hay dép hoặc đồ chơi của trẻ con vứt ở giữa nhà thì cả nhà bị mắng ngay. Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kẻo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm, anh phu xe chẳng mấy khi được kéo xe cho bố tôi cả, quanh quẩn ở nhà phụ việc lặt vặt với mẹ tôi.

Bố tôi rất yêu tôi, tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ hàng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái, chỉ một cái thôi không bao giờ bố tôi cho thêm, tôi biết như vậy cho nên cũng không bao giờ dám xin thêm. Tôi ăn viên kẹo đó thật chậm, chỉ ngậm chứ không dám nhai, khi chất ngọt của kẹo đã tàn gần hết bên trong có một hạt hạnh nhân tôi cắn tan và nhai thật kỹ, vừa ròn vừa bùi.

Ngày tôi còn bé bố tôi bảo mẹ may một cái yếm dãi cho tôi lúc nào cũng đeo ở trước ngực có thêu chứ “Đừng hôn tôi”. Chắc bố tôi sợ mọi người thấy tôi mũm mĩn dễ thương thì hay hôn lên má tôi như vậy không vệ sinh và có thể lây bệnh. Khi trời trở lạnh mẹ tôi nói để mua mũ cho tôi đội thì bố tôi bảo tóc con nó dầy và đen nhanh không cần đội mũ trông xấu xí. Khi mẹ tôi có thai tôi thì bố đã chọn tên sẵn con đầu lòng thì đặt là Bạch kế là Đằng rồi Giang, lấy tên một giòng sông. Đến khi tôi chào đời là gái bố tôi ngại khi lớn lên tôi đen như củ tam thất thì tương phản quá cho nên đổi tên khác cho tôi, nhưng sau vẫn giữ hai tên đã chọn sẵn cho hai em tôi. Có lẽ cũng là số mệnh đã định sẵn cho nên bố tôi đã chỉ chọn có ba tên.

Bố tôi không thích tiếp khách ở nhà, ngay cả bạn thân cũng vậy. Chỉ có chú Đinh Hùng và bác Thế thỉnh thoảng đến có một lần. Chú Đinh Hùng có lần uống rượu say nôn mửa tung toé, mẹ tôi lấy vôi rồi bôi vào gan bàn chân của chú. Chú trẻ hơn bố tôi vài tuổi, người thấp và bé nhỏ, tóc để dài và chải ngược về phía sau và lúc nào cũng bôi brillantine bóng mướt.

Khi còn sinh thời (sống) bố mẹ tôi ở tại đầu làng Yên Phụ trong một căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nhà ở ngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu xà xuống gần mặt nước hồ có cái cầu bằng gỗ đưa ngoài xa. Tôi hay ra cầu đó ngồi thả đôi chân xuống nước rồi đung đưa đôi chân dưới làn nước thật mát. Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ, trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ, đi qua một cái đình lớn là tới nhà bố tôi. Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những dàn hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bàng phẳng khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh, ăn thì thật thơm và ngọt. Trừ một vài gia đình từ xa đến ở thuê phần đông làng Yên Phụ sống bằng nghề trồng hoa, đủ các loại từ thược dược vàng, tím, đỏ tía, cúc vạn thọ, vàng ươm, đại đóa vàng mơn, lay ơn trắng hồng, huệ trắng thơm ngào ngạt v.v… Buổi sáng sớm các tay buôn hoa từ các nơi đều đến vườn hoa để mua buôn về bán lẻ lại tại chợ hoa và các chợ trong thành phố. Một số gia đình có đông người thì họ tự cắt hoa rồi đem ra chợ bán như vậy họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Sau khi bố tôi mất, bà nội tôi đã đón mẹ tôi và chị em chúng tôi về tại Cẩm Giàng ở với bà. Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa.

Thấm thoát bố tôi đã ra đi hơn năm chục năm rồi, hàng năm đến ngày giỗ bố tôi khi mẹ tôi còn sống năm nào bà cũng làm giỗ thật trang trọng dù lúc đó nhà nghèo bà cũng xoay sở để có đủ tiền mua gà, vịt, xôi chè, và các thứ cần thiết cho việc cúng bái, nhất là hoa sen và hoa cẩm chướng hai thứ hoa mà bố tôi thích nhất và thạch trắng thái nhuyễn thả vào trong chén nước đường có thả hoa nhài màu thạch long lanh trông như những mảnh vụn thủy tinh và mùi thơm của hoa nhài, cộng thêm mùi trầm hương cúng tỏa ra từ trên bàn thờ, tôi có cảm tưởng qua làn khói mỏng đó bố tôi đã hưởng được và ẩn hiện đâu đây để vui cùng con cháu. Mẹ tôi mất cũng đã hơn hai chục năm qua, chị em chúng tôi cũng vẫn cúng giỗ bố tôi y như hồi mẹ tôi còn sống, năm nào cũng có cô tôi và các cháu của bố tôi tham dự. Năm nay lại sắp đến ngày giỗ của bố tôi, tôi viết bài này để dâng lên hương hồn của bố tôi và để tưởng niệm một nhà văn đã được khen là người viết truyện ngắn hay nhất đầu thế kỷ thứ 20. Bố tôi có viết một loại sách hồng cho trẻ em trong đó có cuốn tựa đề là Hạt Ngọc, có đề tặng tôi và em tôi (Tặng Nhung và Đằng) bây giờ cuốn này đã bị thất lạc.

@Saigon times

Tác phẩm chính: Các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), tiểu thuyết Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo dòng (1941), tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943).

01.Đứa con đầu lòng 02.Nhà mẹ Lê 03.Trở về 04.Một cơn giận
05.Người bạn trẻ 06.Cái chân què 07.Đói 08.Một đời người
09.Người lính cũ 10.Người bạn cũ 11.Hai lần chết 12.Gió lạnh đầu mùa
13.Bên kia Sông 14.Người đầm 15.Hai đứa trẻ 16.Đứa con
17.Trong bóng tối buổi chiều 18.Đêm sáng trăng 19.Cuốn sách bỏ quên 20.Dưới bóng hoàng lan
21.Tối ba mươi 22.Cô hàng xén 23.Tình xưa 24.Sợi tóc

HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG.

Tùy bút nổi tiếng của Thạch Lam

Ðây là một tập ký sự, tùy bút nổi tiếng của Thạch Lam vào khoảng 80 trang, ông và Nguyễn Tuân là những người đầu tiên xử dụng lối viết tùy bút, hai ông là người đã có công  đặt nền móng xây dựng thể văn này. Tập tùy bút được viết năm 1941, sau khi Thạch Lam mất (tháng 6/năm 1942) mới xuất bản.

Trong phần mở đầu ông nói người Pháp có Paris, Anh có Luân Ðôn, Tầu có Thượng Hải. . chúng ta có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp  và được người dân yêu mến, những người ở phương xa cũng ngóng về Hà Nội, ông nói đến Hà Nội để có tiếng vang ra khắp mọi nơi. Tập tùy bút này rất phổ biến tại học đường cũng như trong giới độc giả vì có những nét bình dị lại đặc sắc, tôi đã được đọc từ hồi còn là học sinh trung học.  Toàn Bộ vào khoảng hơn hai mươi bài được xếp theo thứ tự như sau.

NHỮNG BIỂN HÀNG

Các biển hàng của phố Hàng Ðào lấy tên loài vật như Trâu Vàng, Bò Vàng, Cá Chép Vàng. . . toàn  là những con vật hiền lành. . . ở đây lần đầu tiên trong văn nghiệp, Thạch Lam dùng lối văn châm biếm, hài hước (comedy), trong tất cả các tác phẩm của ông, người ta luôn luôn thấy ở như ông một bút pháp ung dung, đạo mạo, nghiêm túc. . trong Tự Lực văn đoàn Khái Hưng là người dùng lối hài kịch nhiều nhất, những tác phẩm chính của ông như Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Băn Khoăn, Tiêu Sơn Tráng Sĩ . . . đều có pha những đoạn vui tươi dí dỏm,  Số Ðào Hoa là tập truyện hài hước vui nhộn nhất. Suốt thập niên 30 Nhất Linh không hề viết đến một câu hài ước, mãi sau này sang thập niên 50 ông mới xử dụng lối viết hài kịch trong Giòng Sông Thanh Thủy và Xóm Cầu Mới.

NGƯỜI TA VIẾT CHỮ TÂY

Thạch Lam chỉ trích và châm biếm người mình dùng tiếng Tây để viết các biển hàng một cách tế nhị kín đáo để che mắt bọn kiểm duyệt. Ông chế riễu những người dốt hay chơi chữ, viết chữ Tây bồi “La Mode, tailleur de luxe, D.P.T tailleur de luxe (Hàng Gai), Tr. Tailleur de luxe (Lê quí Ðôn) (ông này viết là luxe không có e ý chứng tỏ ra luxe một bậc nữa).

Hoặc như .

Ấy là mới dạo qua một vài phố đông đúc, chúng ta đã được đọc nhiều câu chữ Pháp lạ lùng như thế rồi. Ở các hang cùng ngõ hẻm, đối với người tò mò, hẳn còn tìm thấy nhiều cách áp dụng chữ Pháp một cách thần tình hơn nữa.

Nhưng ngẫm nghĩ kỹ ra thì cũng chẳng nên lấy làm lạ, vì ở một xứ có tờ báo (nghĩa là do hạng trí thức viết) dịch Hôtel de ville là khách sạn của thành phố và Stars à Hollywood là dân tộc Star ở Mỹ Châu thì các ông chủ hiệu trên kia còn là giỏi nhiều.

Chữ Hôtel de ville nghĩa là Tòa thị sảnh, Stars à Hollywood là minh tinh Hồ Ly Vọng. Thạch Lam không ưa những hạng người dởm, mới giầu lên mặt, những người mất gốc quên truyền thống.

HÀ NỘI BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG
HÀNG MỨT, HÀNG ÐƯỜNG, HÀNG MUỐI TRẮNG TINH

Hà Nội đã thay đổi, phố cũ thò ra thụt vào đã được sửa thành những phố gạch thẳng, rộng rãi; đó là biểu hiện của văn minh rất tiện cho việc lưu thông. Thạch Lam là người có tâm hồn hoài cổ như Nguyễn Tuân, ông tỏ ra tiếc nhớ cái vẻ đẹp vang bóng một thời đã qua của nó.

Khi ông cầm lái chiếc ô tô thì ông lấy làm dễ chịu vì đường rộng, vì phố thẳng lắm. Nhưng với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp, thì phố xá mới không có thú vị gì. Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn hoa nhô ra sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa.

Nhìn mấy ngọn cỏ trên mảnh tường Ô quan chưởng, Thạch Lam nhớ tới dấu vết Hà Thành cũ, ông cho rằng người ta ở gần nhau, ăn ở với nhau thân mật hơn. Thỉnh thoảng bây giờ Hà Nội bây giờ còn vài căn nhà cũ, giữa nhà có mảnh sân lộ thiên, bể non bộ, cá vàng, bể nước, câu đối trên tường. . . nhìn qua cánh cửa hé mở tác giả nhìn thấy cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa với những ý nghĩ cũ.

Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ.

Không còn gì của Hà Nội ngoài năm sáu mươi năm trở về trước. Thăng Long của vua Lê, của chúa Trịnh, không còn dấu vết nào: đâu còn những cung điện ngày xưa, những phụ đế của các bậc công hầu khanh tướng?

Mặc dù hồi ấy ở lứa tuổi trung niên, còn rất trẻ, Thạch Lam lại mang tâm tư của những bậc trưởng thượng tiếc nhớ cái vang bóng một thời của một thuở xa xưa.

Trước đây đề biển hàng phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi. Nhưng bây giờ người ta đã xóa đi để thay bằng lối chữ vuông tân thời, chữ điện màu đêm đêm sáng ngời. Thạch Lam tỏ vẻ không hài lòng với sự thay đổi ấy, ông cho là lạ lùng đôt ngột.

Một dạo ở ngay công viên đền Ngọc Sơn người ta dựng một cột dây điện chằng chịt làm mất vẻ đẹp của đền, của Hà Nội. Người ta xây một cái bóp cảnh sát ở Quan Thánh hình vuông, làm mái cong trang điểm lối cũ, làm giảm vẻ đẹp của ngôi đền đi nhiều.

Nhưng cái chùa giả ấy -trong đó thầy cảnh sát thay nhà sư-không đánh lừa được ai hết, nhất là người yêu mỹ thuật, yêu Hà Nội, yêu cái vẻ cổ kính của đền chùa.

Ông cứ tiếc mãi nếu người ta đặt nó bên kia đường thì hay biết mấy, với tâm hồn  nghệ sĩ, Thạch Lam chỉ quan tâm đến cái đẹp, ông châm biếm những sự đổi thay làm mất mỹ thuật.

QUÀ HÀ NỘI

Quà Hà Nội có tiếng và lịch sự, ở thôn quê người ta lên Hà Nội mua về cho người nhà, con cháu, món quà đem đến cho khắp nơi các vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường.

Sang phần này, Thạch Lam nói về các hàng quà, các món ăn ngon của Hà Nội. Sự thực không riêng gì Hà Nội mới có các món ăn ngon, các nơi khác cũng đều có cả như Sài Gòn có phở Tầu Bay, phở gà Hiền Vương, mì Cây Nhãn. . Ðà Lạt có phở Bằng, cà phê Tùng. . nhưng cái hay ở chỗ tác giả đã biến cái thú ăn thành một nghệ thuật, một thứ văn hoá thanh cao, cách thuật sự khéo léo, hài hước một cách duyên dáng đã khiến cho người ta dù chưa nếm thử cũng tưởng như được thưởng thức những hàng quà tuyệt ngon của Hà Nội. Thạch Lam đã đưa ẩm thực nên hàng một nghệ thuật cao, các nhà phê bình nhìn nhận ông đã tìm ra được cái hay cái đẹp trong những sự vật tầm thường. Trong cuốn Theo Giòng, Thạch Lam nói.

Thật hoa là đẹp, liễu có vẻ nên thơ, không ai chối cãi điều đó. Nhưng cái đẹp chỉ cứ ở hoa ở liễu thôi đâu? Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngời tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.

Ở đây, Quà Hà Nội, tác giả đã thực hiện chính cái nguyên tắc mà ông đã đề ra, đi tìm cái đẹp tiềm ẩn trong những sự vật tầm thường như cháo,  xôi, bún ốc. .

HÀNG QUÀ RONG

Người Hà Nội khi về các tỉnh nhỏ hay Hải Phòng ăn uống mới có dịp so sánh để thấy quà Hà Nội ngon biết chừng nào.

Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi.Theo ông người sành ăn phải biết chọn người bán và quà chính tông như bánh cuốn phải là bánh cuốn Thanh Trì, mỏng như tờ giấy, vị bánh thơm, bột mịn  dẻo, bánh chay thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành.

Mùa nực thì hàng xôi cháo, xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng . . chỉ nghe cách mô tả người đọc cũng đã tưởng ra cái hương vị ngon rồi.

Và có ai ngẫm nghĩ kỹ các vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp bung non; hàng giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong.

Ăn là một nghệ thuật, cả cách bán hàng, bầy hàng dưới ngòi bút của Thạch Lam cũng trở thành một nghệ thuật.

Cơm nắm từng nắm dài, to nhỏ có, nằm trên chiếc mẹt phủ tấm vải mầu trắng tinh để che ruồi, muỗi. Con dao cắt, sáng như nước và lưỡi đưa ngọt như đường phèn. Cơm cắt ra từng khoanh, cô hàng lại cẩn thận gọt bỏ lớp ngoài, rồi lại cắt ra từng miếng nhỏ vuông cạnh và dài, để bầy trên đĩa. Cô muốn sơi với gì? với chả mới nhé hay dò lục mịn màng?

Về phở ông nói: phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc. . theo ông chỉ có gánh phở trong nhà thương là ngon: bát phở đầy đặn và tươm tất, nước thì trong lúc nào cũng nóng bỏng, rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, điểm chút cà cuống. Ăn không phải là một sự phàm phu tục tử như người ta thường nghĩ, trái lại theo ông là một nghệ thuật cao.

Chung quanh nồi nước phở. . tụm năm tụm ba. . các bệnh nhân. . các thầy y tá. . chừng ấy người đều hợp lòng trong sự thưởng thức món quà ngon, nâng cách ăn phở lên đến một nghệ thuật đáng kính.

Hà Nội có hàng mì mằn thắn, người Tầu làm thì ngon, có một chú khách bán mì nước trong rất ngọt, ăn mãi không chán, người mua ngày một đông, chú bán hàng trở nên giầu có, của ngon thì người ta ăn, đắt rẻ không quan trọng, người mình hay làm tồi để đánh lừa người mua nên buôn bán thua người Tầu. Chú Khách giầu to, mở cao lâu, đánh bạc, vỡ nợ, tay trắng lại gánh hàng mằn thắn như cũ, vẫn rao hàng tươi cười.

Ðó là một tấm gương mà chúng ta lại càng nên theo nữa.

Thạch Lam cảm phục người Tầu về cách thức làm ăn của họ và có ý chê trách người mình làm ăn kém họ.

VẪN QUÀ HÀ NỘI

Quà mặn còn nhiều: Bún riêu, bún chả, thang cuốn, nem chua, miến lươn, bún ốc. . . . tác giả thích nhìn người ta ăn bún ốc.

Người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao.

Cô hàng ốc thoăn thoắt rút ốc bán không kịp, Thạch Lam nói nhà mình làm lấy các món bún riêu, thang cuốn. . . dù khéo tay đến đâu cũng không hàng quà rong, không ai tìm ra cái triết lý này.

Cách diễn tả gợi hình của Thạch Lam như đem cái hương vị của món ăn lại cho người ta quan chiêm thưởng thức, thêm chút hài hước khiến nghệ thuật càng thêm duyên dáng.

Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả sèo sèo trên than hồng như một tiếng thở dài và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng.

Giọng ông nửa đùa nửa thật khi so sánh món ăn với văn chương chữ nghĩa, cái ăn không còn bị rẻ rúng như một sự phàm phu tục tử mà đã thành một nghệ thuật cao.

Ai là người đầu tiên đã nghĩ ra bún chả? Người ấy đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng ngang hay là hơn với người tạo nên được tác phẩm văn chương . . . Có lẽ người kia còn làm ích cho nhân loại hơn là người này nữa. Tiếc thay tên người tài tử đó thất truyền, để không liệt kê vào cái sổ vàng của những danh nhân “thực vi đạo”.

Lần đầu tiên Thạch lam xử dụng lối viết hài kịch (comedy) nhưng lại rất duyên dáng dễ thương. Nói về ẩm thực không thể trịnh trọng đạo mạo triết lý cao siêu được, ở đây nghệ thuật hài hước của ông có tính nửa đùa nửa thật lại rất gợi hình, nghe ông tả thật muốn nuốt nước bọt.

Thứ bún để ăn bún chả, sợi mảnh và cuộn từng lá mỏng, khác với các thứ bún thường. Chả phải thịt ba chỉ, mà phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Quái sao cái nước chấm của các hàng bún chả ngon thế.

PHỤ THÊM VÀO PHỞ

Người ta hay đổi phở tưởng là tiến bộ hơn như là phở gà, hoặc thay đổi gia vị, thêm húng lìu, dầu vừng, đậu phụ. . . gọi là phở cải lương, Thạch Lam chủ trương phở cũ mới ngon, ông trung thành với phở cổ điển cũng như người thích nghe chèo cổ đúng điệu xưa.

Nhưng cái thứ phở thực cũng như bản tuồng. Ðể nguyên tuồng chèo cổ thì hay, chứ đã pha cải lương vào thì hỏng bét.

Thật vậy cho tới nay đã hơn nửa thế kỷ qua, phở vẫn giữ nguyên trạng cổ điển của nó, các sự thay đổi đều không đi tới đâu, riêng về phở tới nay vẫn giữ y nguyên như cũ vì nó đã quá ngon rồi.

Kẻ viết bài này vẫn trung thành với lối phở cổ điển cũng như ưa nghe tuồng chèo giữ đúng điệu xưa.

BỔ KHUYẾT

Thạch Lam chấm dứt bài quà bún thì một bà sành ăn lại trách ông không nói đến bún bung nên ông lại phải bổ xung thêm vào đây: Bún bung nấu với sơn hà tức dọc mùng, ăn đậm ngọt.

Cái thứ rau này sao mà đi với bún hay thế! Tựa như trời sinh ra để nấu bún.

Dưới con mắt nhà nghệ sĩ lãng mạn yêu đời như Thạch Lam, món ăn mà người đời cho là miếng tồi tàn ở đây đã trở thành bài thơ tuyệt diệu, một bản nhạc du dương.

Một vài miếng đầu mẩu sườn để lấy nước ngọt, một ít nghệ để nhuộm cái thức ăn ấy một mầu vàng đầm ấm như mầu vàng của ráng chiều những ngày mùa hạ. . . . . . .   .

.  .  .  .  Thế là bát bún bung không biết bao nhiêu vị điểm lẫn cho nhau như các tiếng của một bản đàn.

BÚN SƯỜN VÀ CANH BÚN

Thạch Lam từ một nghệ sĩ sành ăn đã tiến dần đến nhà nghiên cứu ẩm thực, ông đã phân tích kỹ càng từng loại bún: nào bún chả, bún bung, rồi lại đến bún sườn và canh bún: Bún sườn cần nước cho ngọt, hiền lành không sắc sảo, canh bún thì.

Cao hơn một bậc vì có rau cần sánh và gắt, và nhất là có cá rô con, lạng từng miếng một. . . . Thịt rô ấy đem lại cho thức ăn một vị đậm ngọt khác thường.

“MÌN PÁO” VÀ “GIẦY GIÒ”

Trong đoạn này Thạch Lam nói về hai món ăn về khuya: bánh tây chả của một bà Quảng Ðông bán vào giờ khuya cho những người cờ bạc, hút sách. . . không ngon nhưng chắc bụng, nhiều người mua, bà hàng hốt bạc. Ngoài ra đêm khuya, bác hàng bánh “giầy giò” đi lủi thủi trong các ngõ hẻm như một bóng ma, hàng của bác không ngon, cuộc đời của bác dưới ngòi bút Thạch Lam lộ vẻ hẩm hiu sầu thảm.

. . . Cả cái thức quà của bác cũng vậy: mấy khoanh giò nguội, mấy chiếc bánh giò chua, ăn lạnh như sương trên mồ người chết. Cho nên bác cứ đi như thế, lẩn lút ở các ngõ tối đêm khuya, chả mong bán được mà cũng chả mong ế, lặng lẽ và chán nản như một linh hồn có tội.

Ở đây ta lại thấy phảng phất cái không khí bi kịch cuộc đời trong các truyện ngắn của Thạch Lam.

CÒN QUÀ HÀ NỘI.

Bánh cuốn “hai mươi bốn gian” tại một xóm cô đầu, đó là một căn nhà lá, một bà già và hai cháu nhỏ làm bánh nóng sốt trên một cái nối nóng cho khách chơi về khuya, không ngon cho lắm song rất đắt hàng.

Theo ông bánh muốn ngon phải làm lấy.

. . cốt bánh thì dùng bánh Thanh Trì, thứ bột dẻo và thơm. . . nhân thì một ít thịt nạc vai nửa nạc, nửa mỡ, mấy cái nấm hương, mọc nhĩ, ít tôm tươi Hồ Tây, thêm mấy nhát hành. . bỏ vào nồi hấp. .

Chỉ nghe cách ông diễn tả đã thấy hấp dẫn rồi.

Về quà ngọt thì có lục tầu xá, chẻ sen do ngườii mình bán, giá đắt ít người mua. Mùa hạ thì mua chè đậu đen của các cô gánh sau phố Sinh Từ rất mát ruột. Gần Hàng Buồm, chỗ mấy người hút thuốc phiện có món bánh trôi nước. Muốn nhuận trường thì ăn chè khoai.

NHỮNG THỨ CHUYÊN MÔN

Những thứ quà riêng từng vùng trước có nhiều: Ninh Giang có bánh gai, Yên Viên có bánh giò. . Những thứ ấy có nơi còn giữ cái tiếng ngon, nơi thì không . Người sành ăn ngày một ít nay họ chỉ ham rẻ, người làm thì giả dối. Thạch Lam đặt nghệ thuật ẩm thực lên một địa vị rất cao:

Biết ăn, tức đã là một điều tiến bộ lớn trong các điều tiến bộ, nếu không phải là trong hàng những điều quan trọng nhất.

Hà Nội cũng có những thức chuyên môn riêng của băm sáu phố phường:

Bánh cốm Hàng Than ngon, không đắt, gợi ta những kỷ niệm nhiều mầu, đó là bánh cưới bọc lá chuối xanh, dây lạt đỏ, hết sức ngọt để hình dung cái đằm thắm của tình vợ chồng. Bánh cốm đi đôi với bánh xu xê làm bằng bột vàng trong như hổ phách. Tác giả ưa những món ăn có hình sắc đẹp đẽ, dưới con mắt nghệ sĩ  của ông cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm. Bánh cốm và bánh xu xê Hàng Than nổi tiếng phắp Bắc Kỳ.

BÁNH ÐẬU

Bánh đậu Hải Dương khô, bột như phấn nay không còn nữa. Ở Hà Nội người ta làm một thứ bánh đậu ngon hơn, bánh đậu ướt có mỡ để ăn với trà tầu. Bánh ngon nhất của Hàng Bạc, Hàng Gai. Nay hai phố cạnh tranh nhau lấy tiếng, nay còn phố Hàng Ðào, Hàng Ðường nữa. Nào hiệu Ích Nguyên, Giu Nguyên, Thanh Quang, Ngọc Anh. .

BÁNH KHẢO KẸO LẠC.

Bánh khảo Cự Hương là nhất. Ngọc Anh đã có tiếng ra vẻ uể oải không cần khách, theo Thạch Lam người mình giầu rồi thường không cố vươn lên nữa. Người mình làm bánh không thua gì Tầu nhưng thua cái chí. Ngày Trung thu, người mình xô nhau đến mua bánh Ðông Hưng Viên của Tầu, chen nhau như họp chợ, mấy chú bán hàng ra vẻ không cần, ăn nói hỗn láo.

Người Việt Nam mình- nghĩa là ông với tôi-nhẫn nhục và kiên nhẫn cũng nhiều lắm.

MỘT THỨ QUÀ CỦA LÚA NON: CỐM

Các món quà của Hà Nội từ phở, mì, đến bún chả, canh bún, bánh Tây, giầy giò. . . Bánh đâu, bánh ngọt, xu  xê. . . đã được Thạch Lam điểm qua tỉ mỉ bằng giọng văn hài hước nhưng  nghệ thuật, món ăn đã trở thành những tác phẩm để thưởng thức. Tác giả thể hiện niềm vui yêu đời trong thưởng thức, món ăn được coi như những chất liệu tô điểm cuộc đời thêm phong phú. Thạch Lam tỏ ra cây viết nhiều sáng tạo trong một đề tài mới lạ, những cái tầm thường đã được ông khoác lên bộ áo nghệ thuật, đáng yêu, ông cũng đã tìm ra được những cái hay cái đẹp trong những sự vật tầm thường. Theo ông ẩm thực không phải chỉ là ăn cho khoái khẩu mà sự quan chiêm, ngắm nhìn cũng rất quan trọng, nó tăng cái vị ngon thơm cho sự thưởng thức.

Một nghệ sĩ thanh bạch như Thạch Lam chỉ yêu những món ăn bình dân như hàng rong, phở gánh  và ông đã dùng lối thuật sự hài hước cho thích hợp với khung cảnh, nội dung của đề tài. Nhưng ở đây sang đến phần cốm, ông đổi hẳn giọng văn từ vui tươi, dí dỏm sang giọng đạo hẳn lên thể hiện sự trang nghiêm, kính cẩn mà ông dành cho một thức ăn cao quí.

Cơn gió mùa thu hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị của ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quí trong sạch của trời.

Từ hồi còn là học sinh lớp nhất bậc tiểu học và đệ thất trung học, tôi đã được nghe nhà trường giảng dậy áng văn thanh nhã này, nhưng nay mỗi lần đọc lại, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động vì cái thanh cao thơm tho tuyệt diệu của nó. Tôi tưởng như được thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của cơn gió lướt qua mặt hồ mùa hạ.

Người đọc ai mà chẳng cảm phục sự quan sát tỉ mỉ và những nhận xét phong phú đầy sáng tạo của tác giả, nó vừa là một thiên khảo luận giá trị, hữu ích, vùa là một áng văn tao nhã tuyệt vời của nền văn chương Việt Nam.

Nhiều nơi cũng biết làm cốm nhưng chỉ có làng Vòng ở Hà Nội là biết chế biến thơm ngon và dẻo hơn hết.

Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người của Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng. .

Cái món ăn tinh khiết ấy qua ngòi bút diễn tả của Thạch Lam đã được Hà Nội 36 phố phường trân trọng quí hóa là nhường nào, cứ mỗi năm mùa cốm đến là ngóng trông các cô hàng cốm để được thưởng thức cái hương vị thanh cao ấy. Tâm hồn nghệ sĩ Thạch Lam cũng gắn liền với truyền thống bản sắc dân tộc, diễn tả một thức ăn ông cũng đồng thời ca ngợi những cái thanh cao nhất mà chỉ quê hương ta mới có:

Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam

Hồng và cốm tốt đôi, mầu xanh của cốm và đỏ thắm của hồng đã kết hợp nhau thành một quà sêu tết, hợp với lễ tơ hồng nhưng tiếc thay theo ông những tục lệ cổ nay đã bị mai một đi.

Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy những tục lệ tốt đẹp ấy mất dần và những thức quí của mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nhoáng và thô kệch bắt chước người ngoài.

Những cái hay, cái đẹp nay còn đâu? Chỉ còn lại cái tiếng vang, vang bóng một thời như để thể hiện cái tâm trạng u uất của những nhà nghệ sĩ hoài cổ như Thạch Lam.

Tác giả có một cái nhìn trân trọng khi nói về cốm, một đặc sản của dân tộc Việt Nam. Ăn cốm theo ông phải thư thả, từ tốn và ngẫm nghĩ  y như nghệ thuật uống trà của người Nhật để thưởng thức hết cái thanh cao của nó:

Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ. Trong mầu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.

Hành văn trang trọng, thi vị và gợi hình thể hiện được tất cả cái phong vị thanh khiết, hương thơm ngạt ngào của lá sen, lúa mới, cốm là một thứ quà của lúa non, cốm đã được dư luận chung coi như một tùy bút tuyệt vời trong văn chương Việt Nam ngang hàng với Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân.

QUÀ TỨC LÀ NGƯỜI

Theo tác giả những tục lệ đẹp nay mất dần, sự sành ăn, cái thưởng thức của người dân nay kém sắc sảo. Nay mới ra đời những thứ nhạt và tanh như kem Việt Nam, Hải Phòng, Thượng Hải, chè Trân châu glacé, thịt bò khô đu đủ. . mà tác giả cho là bẩn thỉu và đôc hại.

VÀI THỨ CHUYÊN MÔN NỮA

Bánh tôm nóng thời học sinh, ông và bọn trẻ xúm quanh chảo mỡ nóng của bác bánh tôm, lúc ấy đương mùa rét. . . bọn trẻ ăn bánh lúc còn nóng hổi, bỏng cả miệng, ngon chừng nào! Mỗi tuổi có một cái thích, nay không còn nữa.

Bánh bò chê của chú khách ở mấy phố gần trung tâm Hà Nội: Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Buồm  . . bánh của chú ăn rất nhẹ nhàng, dễ tiêu, ngòn ngọt thơm thơm, người mình làm bánh bò kém lắm, không bằng họ.

Trong y phục, trang sức, văn chương có cái mốt, việc ăn uống cũng vậy, những món quà của ta phần nhiều có từ xưa, có nền nếp qui củ rồi. . nếu mai một đi, người sành ăn sẽ phải ngậm ngùi, những cái gia truyền mất dần đi, Thạch Lam thổ lộ tâm tình hoài cổ của mình, ông khôi phục vị trí của cái ăn và kết luận.

Chúng ta đã khinh bỉ cái ăn, cái uống quá, tuy không tự thú rằng những cái đó là cần, rằng tự mình vẫn thích. Giờ đến lúc phải nên thẳng thắn và thành thực: Trọng cái mình yêu và công nhận cái mình thích.

NHỮNG CHỐN ĂN CHƠI

Muốn biết một thành phố phải biết những chốn ăn chơi. Biết ăn, chơi không phải dễ, vì sự ăn chơi ở nước ta bị khinh miệt nên cách ăn chơi của người mình luộm thuộm, tục tằn.

Tác giả nói về chợ Ðồng Xuân, chợ của người Hà Nội, là một bức tranh linh hoạt lắm mầu.

CHỢ MÁT BAN ÐÊM

Bắt đầu từ ba giờ khuya. Khi đường phố yên tĩnh vắng lặng, những người trồng bán rau gánh hàng vào từ những nơi cách xa Hà Nội mấy cây số: Ðủ các thứ rau quả: su hào, củ cải đỏ thắm, cà rốt vàng như da cam, sà lách. . .

Họ gánh hàng bầy trước chợ ngay trên đường nhựa, một phiên chợ mát mẻ, tươi non. . những thức hàng ấy không đợi ánh sáng gay gắt ban ngày nên trước khi trời sáng thì chợ xanh đã tàn.

BÀ CỤ BÁN XÔI

Trong khi chợ mát ban đêm họp, người bán mua lại kéo thêm một số hàng khác. Hàng phở nóng trước chợ, hàng xôi, bánh cuốn nóng, bánh tây chả. Các thầy đội xếp đi tuần, những người xem xi nê về, dân thuốc phiện ở tiệm ra. . lại hàng xôi phố Hàng Khoai, xôi vò, xôi đỗ, xôi lạc . . . Bà cũng chiên cơm, chiên cá, chiên trứng bán. . trông mấy bác phu xe ngồi ăn, Thạch Lam bèn tô điểm hoạt cảnh bằng những nét đầy nghệ thuật.

Nhấp một vài chén rượu, thong thả gặm một mảnh vó bò may còn dính nhiều thịt, vo tròn nắm xôi trong tay trước khi đưa lên miệng, họ có cái sung sướng của nhà nghệ sĩ thưởng thức áng văn hay (có lẽ họ là những nghệ sĩ không biết). Mà nếu hôm ấy buổi xe lại có lãi, thừa được vài hào, thì cái thú của họ thực là vô cùng tận.

HÀNG NƯỚC CÔ DẦN

Cô Dần là một thiếu nữ còn trẻ, đảm đang một mình trông coi cửa hàng nước trước chợ Ðồng Xuân: của hàng nghèo nàn, vài miếng trầu, vài phong thuốc lào, bao thuốc bán lẻ, vài bát uống nước . . . cô bán nước chè uống sôi nóng dù trời rét hay nóng, ai uống nước đường đã có cốc thủy tinh .

Hàng cô Dần đông khách, bán không kịp, kẻ đứng ngồi vòng quanh, đặc biệt là không có ghế. Khách chỉ ngồi sổm gồm những bác phu xe, vài thầy đội xếp uống  trên xe đạp.

Hàng nước đắt vì các thứ quà bánh mà cũng vì cả cô hàng, cô hàng nước Việt Nam dù dưới bóng cây đa hay bên ruộng lúa. . miệng cười tươi luôn chiếm địa vị trong lịch sử văn chương.

Cô Dần nhũn nhặn, giản dị, xinh xắn.

CÁC HIỆU CAO LÂU KHÁCH

Những chốn ăn chơi Hà Nội là nhất Bắc kỳ, Ðông Dương, những hiệu cao lâu có tiếng đều là của người Tầu, những quán từ hồi vua Lê, chúa Trịnh bây giờ không còn vết tích gì.

Hàng Buồm có hiệu Mỹ Kinh, Hàng Trống có cao lâu Tử Xuyên , Hàng Bông có Vân Nam tửu gia, Tự Hưng Lâu , Ðại Á Tế Á. . . người Tầu nâng ẩm thực lên một nghệ thuật cầu kỳ. Người Hà Nội hay thết đãi bạn bè tại các tiệm ấy, còn những lúc thường người Hà nội ưa đến những hiệu Nam, phở cháo lòng của Việt Nam. . nơi tụ họp đủ hạng người.

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường là một tập bút ký nổi tiếng của Thạch Lam, của Tự Lực văn đoàn đã được dư luận chung các nhà phê bình nhìn nhận có giá trị văn chương rất cao, một tác phẩm độc đáo mới lạ. Ông Phạm Thế Ngũ gọi đó là khuynh hướng duy cảm của Thạch Lam.

Ông tả những món ăn với tất cả thị giác, khứu giác, vị giác thính giác với tất cả tâm hồn của mình nữa

Người ta cảm phục Thạch Lam vì ông tìm ra được những cái hay cái đẹp trong những sự vật tầm thường mà không ai ngờ được, trong cuốn Theo Giòng tác giả nói người nghệ sĩ phải tìm ra được những cái hay cái đẹp luôn tiềm ẩn trong sự vật.

Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới.

Mười mấy năm trước đây, 1991 tại Arlington Texas, nhà văn Duyên Anh cho xuất bản cuốn tùy bút Ngược Dòng Chữ Nghĩa cũng nói về các món ăn ở Sài Gòn, chịu ảnh hưởng của Thạch Lam nhưng không được chú ý mấy, cuốn sách đã bị chìm vào quên lãng , tùy bút về ẩm thực trong văn chương Việt Nam ngoài Thạch Lam ra không có người thứ hai nào thành công được cũng như làm phim võ thuật Hồng Kông chỉ có một Lý Tiểu Long, người  đã đưa võ Tầu lên một nghệ thuật điện ảnh cao nhất.

Ðể chấm dứt bài này xin trích dẫn ý kiến của ông Vũ Tuấn Anh về Hà Nội Băm Sáu Phố Phường.

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường là một tập bút ký phong phú tư liệu và tràn đầy cảm xúc với một văn phong lịch lãm và tinh tế. Cảnh sắc Hà Nội qua ngòi bút Thạch Lam trở nên đầy mầu sắc mùi vị, cảm giác. Có những đoạn văn đạt đến vẻ đẹp trong sáng mẫu mực. Có thể nói, ở tác phẩm này, tâm hồn và tài văn chương của Thạch lam đã hoà hợp đẹp đẽ với sự thanh tao và tinh tế của văn hoá và tâm hồn Hà Nội.Cuốn Hà Nội Băm Sáu Phố Phường luôn đứng ở vị trí một trong những tác phẩm đặc sắc nhất về Hà Nội.

Trọng Ðạt