Trung Quốc bác bỏ lời dụ dỗ nguy hiểm về việc định giá lại đồng Nguyên

Francesco Sisci

Trần Ngọc Cư dịch

Lời người dịch: Francesco Sisci là Biên tập viên châu Á của nhật báo Ý La Stampa. Trong bài báo này, Sisci gần như lấy hẳn quan điểm Trung Quốc để phản bác những chuyên gia kinh tế phương Tây đòi Trung Quốc phải tăng giá trị đồng Nguyên (yuan). Một trong những tiếng nói gay gắt nhất trong việc đòi hỏi tăng giá đồng tiền Trung Quốc là kinh tế gia Mỹ Paul Krugman, người được giải thưởng Nobel Kinh tế 2008 và cũng là người gần đây chủ trương đối đầu với Trung Quốc bất chấp cả một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra. Mời đọc Paul Krugman, “Đối đầu với Trung Quốc”, bản dịch của Đỗ Trọng Tiến.

Bắc Kinh – Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, trong một cuộc họp báo với giới truyền thông nước ngoài vào cuối phiên họp Quốc hội chủ nhật vừa qua, đã tát vào mặt một số kinh tế gia Hoa Kỳ vì họ kêu gọi tăng trị giá đồng Nguyên (yuan) so với đồng đôla nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Ông Ôn nhắc lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề gai góc này: Bắc Kinh cương quyết giữ hối suất ổn định.

Trị giá tiền tệ Trung Quốc là một đề tài cực kỳ nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Chính phủ trung ương đã đưa ra khả năng định giá lại đồng Nguyên bằng cách nâng lên 10%. Theo vài ước tính sơ bộ, với trữ lượng tiền 3 ngàn tỉ Mỹ kim, một sự định giá lại đồng Nguyên như thế trên lý thuyết sẽ làm cho Trung Quốc thiệt mất 300 tỉ đôla. Còn nếu tăng giá trị đồng tiền Trung Quốc lên 40%, như một số kinh tế gia Hoa Kỳ yêu cầu, sự thiệt thòi về phía Trung Quốc có thể lên đến một con số khủng khiếp là 1200 tỉ đôla.

Với những con số to lớn như thế, chắc chắn chính phủ Trung Quốc phải lo lắng. Việc định giá lại đồng Nguyên sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành xuất khẩu và có ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của công nhân tại các xí nghiệp dựa vào thị trường tiêu thụ nước ngoài. Theo cách tính toán của nhà nước, nếu tăng giá đồng Nguyên thêm 1% thì kim ngạch xuất khẩu lại giảm đi 1% — và vì thế số việc làm sẽ giảm theo cấp số nhân.

Hơn thế nữa, có một số vấn đề phức tạp trong quan hệ mậu dịch Mỹ-Trung. Trung Quốc được yêu cầu mua trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ và như thế Trung Quốc đã góp phần tài trợ cho các kế hoạch phục hồi kinh tế đồ sộ của Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ Trung Quốc còn bị đòi hỏi phải cắt giảm một trị giá khá lớn trong khối nợ này để kéo dài sự tiếp sức cho Hoa Kỳ.

Mặc dù việc Trung Quốc mua trái phiếu đôla đã thực sự làm giảm giá đồng Nguyên một cách giả tạo – nhờ đó đã hỗ trợ cho hàng xuất khẩu Trung Quốc – nhưng chính sách này không thể kéo dài mãi mãi một khi sự mất mát mà Trung Quốc gánh chịu lên đến mức choáng váng. Vì vậy Bắc Kinh trì hoãn việc tăng giá đồng Nguyên và đâm ra dè đặt vì nhiều mối quan ngại khác tổng quát hơn.

Hơn một năm ngay, Washington mãi hứa hẹn đưa ra những luật lệ điều tiết để kiểm soát các ngân hàng đầu tư, tức loại ngân hàng đã tạo ra những khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay. Tuy nhiên, những biện pháp điều tiết này vẫn chưa thành hình. Những thông số (parameters) cần thiết cho một trật tự kinh tế toàn cầu mới, đáng lẽ phải phát sinh từ đống tro tàn của cuộc khủng hoảng tài chính này, vẫn chưa được xác định. Mặc dù là nước đã góp phần khoảng 50% cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm ngoái, Trung Quốc vẫn chưa được đại diện đúng mức trong các tổ chức kinh tế như Quĩ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Bắc Kinh tự hỏi tại sao Trung Quốc phải tin tưởng Hoa Kỳ thêm nữa để định giá lại đồng Nguyên trong khi Washington chưa tìm được một trật tự ổn định cho những vấn đề nội bộ của mình.

Sau cùng, Trung Quốc rất hoài nghi về công thức định giá lại đồng Nguyên mà các kinh tế gia Hoa Kỳ đề xuất. Trong thập niên 1980, Hoa Kỳ gây sức ép để Nhật Bản định giá lại đồng tiền yen và việc này đã góp phần vào tình trạng đình đốn kinh tế sau đó tại xứ Phù Tang. Một tình trạng như thế có khả năng diễn ra ở Trung Quốc.

Trong tình hình khủng hoảng hiện nay, một động thái đáng kể nào nhằm tăng giá đồng Nguyên đều có thể có những hiệu ứng gây bất ổn kinh tế và những hậu quả không thể lường trước được cho cả Trung Quốc và toàn thế giới.

Một hậu quả trực tiếp có thể diễn ra là một lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài sẽ ào ạt tràn vào Trung Quốc, nhằm đầu cơ sự tăng giá thêm nữa của đồng Nguyên. Việc này có thể làm cho cái bong bóng tài chính và địa ốc hiện nay tại Trung Quốc ngày càng căng phồng, đồng thời gia tăng sức ép lạm phát. Nếu bong bóng đầu tư bị vỡ, một cuộc rút vốn ào ạt khỏi thị trường Trung Quốc diễn ra sau đó sẽ đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng hỗn loạn.

Đây sẽ là một thảm họa không những chỉ cho Trung Quốc mà còn cho cả toàn thế giới — tất cả sẽ suy sụp trong một đại khủng hoảng – vì bản thân sự sụt giá của đồng đôla cũng không kéo nổi kinh tế Mỹ ra khỏi tình trạng đình đốn hiện nay.

Kinh tế gia Trung Quốc Huang Yiping tranh luận: “Chúng ta thử tưởng tượng một vài kịch bản trong đó [kinh tế gia Mỹ Paul] Krugman được mãn nguyện với những điều ông ta đòi hỏi: Bộ Tài chính Mỹ công bố Trung Quốc là quốc gia dùng thủ thuật tiền tệ để thao túng thị trường và chính quyền [Barack] Obama phát động một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, kịch bản có khả năng nhất sẽ là, Trung Quốc khi đó sẽ cương quyết duy trì chế độ hối đoái hiện nay và trả đũa bằng những biện pháp trừng phạt thương mại đối với Hoa Kỳ. Việc này sẽ làm suy giảm nền ngoại thương giữa hai nước nhưng, hơn thế nữa, sẽ tác hại nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư toàn cầu. Một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh không phải là chuyện nhỏ đối với kinh tế thế giới. Đối diện với một tương lai kinh tế còn bấp bênh hơn hiện nay rất nhiều, các nhà đầu tư sẽ rút lại các dự án đầu tư và giới tiêu thụ sẽ cắt giảm chi tiêu.[1]

Ngoài ra, Bắc Kinh nghi ngờ có nhiều người tại Washington muốn xuất khẩu cơn khủng hoảng của họ sang Trung Quốc và muốn biến Trung Quốc thành một thứ quỉ quái để khuấy động dư luận nhằm thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ dùng những biện pháp bảo hộ mậu dịch chống lại một “Trung Quốc có thủ đoạn thương mại”.

Một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước khổng lồ kinh tế sẽ nhấn chìm mọi quốc gia khác trong một cuộc khủng hoảng kinh tế còn gay gắt hơn cuộc suy trầm hiện nay rất nhiều. Vì lý do đó, những đầu óc tỉnh táo trên cả hai bờ Thái Bình Dương đang kêu gọi một thái độ bình tĩnh, một tinh thần hợp tác và thông hiểu những vấn đề của nhau.

Tuy nhiên có thêm một khúc quanh co trong câu chuyện kinh tế này. Mãi cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bắt đầu diễn ra, Trung Quốc vẫn coi hệ thống kinh tế – tài chính Mỹ là mô hình vô địch. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm lung lay sự tin tưởng ấy và thành tích kinh tế của Trung Quốc trong hai năm vừa qua đã bào mòn sự tin tưởng ấy thêm nữa. Một số người ở Trung Quốc đang tự vấn, phải chăng có một điều gì rất khiếm khuyết nằm ngay trong mô hình kinh tế Mỹ?

Câu hỏi quan trọng hơn cả sẽ là, nếu không kể đến những chu kỳ kinh tế thế giới, liệu Hoa Kỳ còn đủ sức để dẫn đường cho thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng này không? Phải chăng Trung Quốc còn có khả năng hơn cả Hoa Kỳ để tìm cho mình một lối thoát ra khỏi những nguy cơ hiện nay? 30 năm cải tổ kinh tế thành công của Trung Quốc, kinh nghiệm về khủng hoảng tài chính toàn cầu năm ngoái và một loạt những chỉ dẫn bết bát của các chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ – đối với Nhật Bản trong thập niên 1980 và đối Châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 – đã làm lung lay sự lãnh đạo tri thức của Hoa Kỳ trong các thời kỳ khủng hoảng.

Nếu các chuyên gia tầm cỡ như Krugman[2] trong giới trí thức Mỹ không đủ sức để chỉnh sửa các vấn đề của Hoa Kỳ, họ còn uy tín nào để phán cho Trung Quốc các bài bản phục hồi kinh tế bằng cách bàn về giá trị đồng Nguyên?

Trong khi đó, ở bờ bên kia của Đại Tây Dương, nhiều người nhận ra thái độ kiêu căng của Trung Quốc. Trên tờ Daily Telegraph (Nhật báo Điện tín) của Anh, Ambrose Evans-Pritchard viết: “Trung Quốc sa đà với sự tự đắc. Lãnh đạo Trung Quốc đã nhầm lẫn chính sách mềm dẻo của Barack Obama với sự yếu đuối, nhầm lẫn cuộc khủng hoảng tín dụng tại Hoa Kỳ với sự xuống dốc của Mỹ, và nhầm lẫn cái bong bóng thương mại của mình với uy thế đại cường. Quan hệ Mỹ-Trung đang vang vọng những tranh cãi giữa Anh và Đức, khi Berlin dưới đế chế Wilhelm đã đánh giá sai cán cân lực lượng chiến lược và đã đi quá đà”.[3]

Evans-Britchard hầu như không phải là một tiếng nói đơn độc. Sự thông cảm giữa hai quốc gia có vẻ giảm nhiều trong mấy tuần qua trong khi mối ngờ vực lẫn nhau thì ngày một gia tăng – vì vậy khả năng tương nhượng trong quan hệ Mỹ-Trung càng lúc càng thu hẹp.

Trung Quốc đang trở nên ngày một tự tin hơn, một sự tự tin gần như xấc xược. Bắc Kinh không tin vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong cơn khủng hoảng tài chính này. Còn về phần mình, Hoa Kỳ cảm thấy bị khinh mạn và bị bôi bác vì sự lãnh đạo tri thức của Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu không có tính thuyết phục đối với Trung Quốc. Nhiên hậu, đây có thể là một vấn đề xung đột cảm tính. Nhưng, chỉ có những kẻ hoàn toàn kiêu căng mới không đếm xỉa đến tâm tư của kẻ khác.

Nguồn: http://www.atimes.com/atimes/China/LC18Ad01.html

@Talawas

[1] Krugman’s Chinese renminbi fallacy (Sai lầm của Krugman về đồng Nhân dân tệ), 15-3-2010. Tác giả: Yiping Huang, Đại học Bắc Kinh.

[2] Taking on China (Đối đầu với Trung Quốc), Paul Krugman. 14-3-2010.

[3] “Phải chăng Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết một trận hơn thua với Hoa Kỳ? Cuộc xung đột âm ỷ lâu nay giữa hai đại cường thế giới đang đến hồi gay cấn, có khả năng đe dọa hệ thống mậu dịch toàn cầu”. Ambrose Evans-Pritchard, 14-3-2010. Mời đọc bản dịch Việt ngữ, ND.

Mỗi ngày một đông thêm người đi bên lề trái

Tất cả những web lề trái bị khủng bố nay đã và đang sinh hoạt nhịp nhàng trở lại, khẳng định rõ ràng rằng ý đồ chắn gió của các “đồng chí” chỉ là ảo mộng thôi. Bàn tay không thể lấp được lỗ châu mai đâu các “ngài” ơi! Bótay.com ở đây đi nhé, cùng “các đồng chí ở trong đống rơm” ơi!

Hoàng Linh Vương

Trước khi vào đề tài chính của bài viết này, là bạn đọc, tôi xin được chúc mừng X-cafe sau khi bị phá phách và sau hai tuần “che chắn tu sửa”, nay đã bắt đầu hoạt động lại từ ngày 23.03.2010. Mặc dầu các bài viết trong quá khứ không còn được trưng bày nữa, nhưng bảng hiệu và địa chỉ vẫn còn nguyên vẹn, moị người có thể thoải mái ra vào trong cái quán x-cafe thân quen tự bấy lâu, hôm nay còn có vẻ sạch sẽ và khang trang hơn với những qui định mới mẻ, an toàn.

Tiện đây tôi cũng xin được chúc mừng cây cầu talawas sau khi bị giật sập đã được xây dựng và hoạt động trở lại nhộn nhịp với nguyên vẹn dữ liệu giá trị cũ, như mọi người hằng mong đợi.

Trong tuần qua, vô tình vào Google kiểm tra thông tin, tôi phát hiện ra một “tin lạ” trên “web lạ”. Số là một danh mục thông tin cá nhân được phổ biến trong đó có tên của mình:

“244, Hoàng Linh Vương, hoanglinhvuong@ymail.com, 28/12/2009, 0, 87.161.246.243, DE.” (Số thứ tự, tên, email, ngày đăng ký, số lần post bài, IP-Addresse, quốc gia xuất xứ)

Hân hạnh thế! Hay là ai đó đang phủ đầu tôi rằng “đồng bào” đấy à (?!) mà tôi không biết? Nghi lắm! Nhưng cũng xin thưa: Vâng tôi đây!

Mở tin này lên thì lọt ngay vào trang “web lạ” mà thoạt đầu tôi cứ nghĩ là X.cafe thật – Vậy X-cafe cầu chứng tại tòa đi là vừa rồi!) và trên đây là danh sách thành viên của danluan.org mà tôi đã có dịp đăng ký. Tiếp tục đọc thông tin của “web lạ” này thì tôi mới vỡ lẽ.

À ha, đây rồi! Thông tin phát tán của nhóm khủng bố trên mạng. Ngoài danh sách thành viên của Dân Luận này, nào là danh sách kèm theo thông tin cá nhân và hình ảnh cuả Ban Điều hành X-cafe, danh sách thành viên của X-cafe, rồi là những thông tin về những phản biện mơ mơ tỉnh tỉnh của nội bộ X-cafe (?), rồi là tiết “mục mỗi ngày một nhân vật” nhằm đánh bóng bằng xi đen thân xác cá nhân của Ban Điều hành X-cafe, xa hơn nữa là “how to hack X-cafe” để triển lãm chiến lợi phẩm đã ăn cắp được, và rồi là những phản hồi có tính chất tán tụng việc du thử du thực này.

Họ là ai?

Chỉ xét thời điểm từ tháng 12.2009 đến nay, Bauxite Việt Nam bị khủng bố đã sập (nay đang hoạt động sôi nổi trở lại), talawas cũng từng sập (nay cũng đã nối lại nhịp cầu, cao và nổi hơn trước), Dân Luận đã lung lay nhưng không bị rụng, X-cafe phải đóng cửa để làm lại nền, xây lại móng như đã nói, và một số blogs lề trái khác cũng đã bị luồn bom đánh chui, không khí vẫn chưa hết ngột ngạt. Ghê thiệt!

Chúng ta chỉ cần đặt một câu hỏi là những web, blog lề trái này hoạt động với mục đích gì? Đối tượng chính thường được nhắc đến và hay bị đem ra phê bình là ai? Rồi dùng qui nạp pháp để mà xác định thì còn ai vào đây để mà ngang ngửa trồng ngô trồng sắn trên những mảnh vườn này nữa?

Không còn nghi ngờ gì thêm, thủ phạm chẳng phải là Tây là Tầu như một số “đồng chí” muốn đánh lận con đen, cũng chẳng phải là bọn trẻ ranh vừa lớn vừa ngọ ngoạy phá phách như một số phản biện mới đây trên X-cafe và dư luận đã võ đoán, vì nếu thế thì lẽ nào các web lề phải chẳng ai bị thương tật, cũng chẳng có ma nào chết cả.

Vâng! Đích thị là chàng, ông cầm quyền Việt Nam với bộ não và tay chân của ổng, một tập đoàn hẳn hoi, với sức mạnh quyền lực của một nhà nước và tính khí không mấy gì là dân… tộc.

Sơ sơ đây nhé:

1. Cải cách ruộng đất: ai dã man hơn họ?
2. Thanh trừng Nhân văn–Giai phẩm: ai dám có hành động bỉ ổi này ngoài họ?
3. Lừa bịp dân miền Bắc đẩy con em mình thí mạng cho chiến trường miền Nam, lừa đảo quốc tế bằng chiêu bài Mặt trận Dân tộc Giải phóng để tiến cướp miền Nam: ai có khả năng xảo trá tinh vi hơn họ?
4. Tập trung biệt xứ văn nghệ sĩ và quan quân chế độ Sài Gòn cũ: ai cay nghiệt hơn họ?
5. Diệt tư sản, tâp trung xung vào hợp tác xã sau 1975 để đất nước kiệt quệ hoang tàn như một thời gian lao: ai chỉ đạo ngoài họ?
6. Phủ đầu khiến IDS phải giải thể: thế lực nào đã gian lận và cưỡng bức ngoài họ ra?

… Rồi đánh cắp dữ liệu tư trên mạng, giật sập cổng thông tin internet… và ngay giây phút này đây, trong mục “mỗi ngày một nhân vật” ở cái “web lạ” kia họ không đang khủng bố và đấu tố lề trái giữa ban ngày? Nói tóm lại, không phải “các đồng chí” thì ai vào đây? Vâng, ông tôi! Chí Phèo thời Internet![1]

Họ muốn gì?

Từ kinh nghiệm sống chung đã trải dài từ thế kỷ trước và cho đến nay như vừa thoáng nhắc ở trên, với bản chất phủ đầu, qui chụp, ăn gian, lừa lọc và rừng rú của họ, thì tất cả mọi thủ đoạn (nếu con người có thể nghĩ ra được) đều có khả năng đến từ trái tim của họ, miễn là họ đạt được mục đích tập quyền: bịt mồm dân chủ, còng tay nhân quyền, đe doạ, khủng bố và lũng đoạn nhóm gọi là “lề trái”.

Đơn giản thế thôi!

Tình huống

Trời xui đất khiến, may thay song song với sự phát triển của đất nước (là tất yếu, xin “các đồng chí” đừng đùng đùng lên nhé, tôi lại vạch áo thêm bây giờ, nguời ta đi mười thì mình cũng đang đi… một đấy chứ…) thì sự phát triển tư duy của người Việt Nam cũng đã thấy có những chỉ số khẳng định. Hãy nhìn về phía tôn giáo đang “ồn ào”, hãy quan sát boxitevn đang “chướng tai gai mắt” (mặc dù vẫn còn phải né cái vùng được gọi là “nhạy cảm” đa nguyên), hãy coi giới trí thức trong nước đang “cựa quậy gì đấy”, hoặc hãy mục kích những người mà tiếng nói của họ ngày đó từng có gang có thép, và cụ thể ở ngay đây, hãy đảo qua danh sách thành viên của Dân Luận với số lượng xuất xứ từ Việt Nam thì sẽ thấy không ít (dẫu biết rằng trong đó có một số thuộc “hệ đồng chí”), thì chúng ta có quyền đồng thanh cất cao: hy vọng đang vươn lên sau bức màn sắt.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu cách đây 20 năm trước hết là nhờ vào quá trình phát sóng về đời sống tự do qua Radio và TV từ CHLB Đức, nhờ những thông tin đó mà ý thức dân chủ đã tiềm đọng trong lòng người Đông Âu từ trước, và đã là tác tố quan trọng bậc nhất đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng và chuyển hoá đến tự do của cộng đồng Đông Âu ngày nay.

Thủ đoạn giật sập những trang mạng lề trái chứng tỏ “sự quan tâm đặc biệt của ngài” và không ngoài mục đích chắn gió cho khỏi rát mặt. Tuy nhiên tất cả những web lề trái bị khủng bố nay đã và đang sinh hoạt nhịp nhàng trở lại, khẳng định rõ ràng rằng ý đồ chắn gió của các “đồng chí” chỉ là ảo mộng thôi. Bàn tay không thể lấp được lỗ châu mai đâu các “ngài” ơi! Bótay.com ở đây đi nhé, cùng “các đồng chí ở trong đống rơm” ơi!

Sự lựa chọn

Có một số bạn tỏ vẻ hoang mang vì những danh sách của lề trái bị Chí Phèo thời đại phát tán. Theo tôi cẩn thận thì nên (an toàn là trên hết, không cứ gì phải hy sinh vô lý), nhưng sợ hãi thì không còn thiết thực nữa.

Chúng ta thử nghĩ nếu số thành viên bên lề trái có xuất xứ từ Việt Nam thực tế còn đông hơn thế? Chúng ta lại hình dung thêm về khí thế tập trung của quần chúng Nga trên Quảng trường Đỏ ở Moscow mới năm nào đây dù tăng dù pháo.

Vâng, từ những tiếng xẻ gió ở Việt Nam hiện nay, tôi thấy rõ là ở bên lề trái người đi mỗi ngày một đông thêm, họ đang đón thiên thời địa lợi, chờ chúng ta cùng tới để cùng giơ hai ngón tay đấy thôi!

Hợp quần gây sức mạnh! Họ có thể bắt từng người bỏ tù đơn lẻ, bất chấp dư luận, nhưng họ không còn có thể dùng súng bắn vào cả ngàn người đòi quyền làm người nữa rồi! Phải thế không các bạn?

Đây là một thử thách hiện tại rất lớn, biết rằng chúng ta đang đối mặt với phường lòi tói, thế nhưng chúng ta có thể cùng bắt đầu không? Bạn sẽ lựa chọn thế nào? Phần tôi đang giơ tay đây!

Những ngọn cờ

Tôi thấy trong anh những ngọn cờ

Tung bay phất phới giữa trời thơ

Dưới chân bàng bạc từng ngọn sóng

Có những con thuyền cập bến mơ.

Thân ái

Hoàng Linh Vương

(trong một ngày đầu xuân)

@talawas.org

Trung tá Vũ Minh Trí thật dũng cảm

Người Yêu Nước
Hồi tháng 10 năm ngoái, 2009, dư luận trong và ngoài nước ta bắt đầu biết đến cái tên Trung tá Vũ Minh Trí, cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội (Tổng cục 2), khi lá đơn tố cáo của anh nhan đề “Tổng cục 2, vì đâu nên nỗi?”, tố cáo Trung tướng Tổng cục trưởng Nguyễn Chí Vịnh, và đồng bọn được đưa công khai lên mạng internet.

Thật ra, lá đơn dày của anh viết ngày 16 tháng 12 năm 2008, gửi lên các cấp Trung ương, Bộ chính trị… Thế nhưng có lẽ vì không có hồi âm gì cả, và như lời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng phê phán, là “sự im lặng đáng sợ”, nên đơn của Trung tá Trí được đưa lên mạng cho dư luận trong ngoài nước được biết rõ.

Ở trong nước, thật ra đơn của Trung tá Trí đã được photocopy truyền tay nhau khá rộng rãi, nhất là trong các tổ hưu, các chi bộ Đảng. Các cụ lão thành cách mạng 40, 50, 60… năm tuổi Đảng rất tích cực đi photocopy lá đơn của Trung tá Trí, truyền tay nhau đọc, bình luận, lắc đầu ngao ngán. Cho đến khi có lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu ý kiến ủng hộ lá đơn của Trung tá Trí, đề nghị Trung ương cho xác minh làm rõ các vấn đề nêu trong đơn, thì dư luận trong nước càng sôi nổi bàn tán. Nhưng người am hiểu vi tính, biết cách vượt tường lửa, thì cũng in ra được đơn tố cáo của Trung tá Trí, và cả thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế rồi đến tháng 12 năm ngoái, 2009, người ta thấy Trung tướng Vịnh được đưa lên làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, bất chấp ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bất chấp các tố cáo của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, bất chấp sự lo ngại của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, bất chấp sự phẫn nộ của dư luận. Cũng có sự giải thích không công khai, là đây là sự “đá hất lên”, cho lên chức, nhưng thực ra chỉ làm chức không quan trọng. Hiện nay, trong số các thứ trưởng Bộ quốc phòng của ta, thì chỉ ông Vịnh là không phải Ủy viên trung ương Đảng. Và ông Vịnh phụ trách công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, nên gần đây thấy đi nước ngoài liên tục. Trong Bộ Quốc phòng, có 3 chức vụ quan trọng nhất, là Bộ trưởng, Tổng tham mưu trưởng, và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thì ông Vịnh không nắm các chức vụ này. Ngay trong Hội nghị Trung ương 12 họp bàn chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 11 vào năm 2011, thì ông Vịnh cũng không được mời dự, mà lại đi Úc, và đi Nhật. Thế cho nên vai trò của ông Vịnh cũng chẳng oai gì lắm với cái chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, quyền lực chỉ có tính hình thức. Thế nhưng dù sao, đưa lên như thế cũng là sự xem thường dư luận, sự thiếu tôn trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp,,,và chắc chắn sẽ có những hậu quả không lường trước được. Hãy thử nhìn mấy cụ hưu 50, 60 ,,,tuổi Đảng bình luận về lá đơn của Trung tá Vũ Minh Trí, và thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và chức vụ thứ trưởng trêu ngươi của ông Vịnh, thì mới thấy như ngồi trên thùng thuốc súng. Đó là chưa kể các vụ Boxit Tây Nguyên, vụ PMU18 xử ngược, kết tội mấy nhà báo và công an có công làm phanh phui vụ này, vụ ta phản ứng yếu ớt với Trung Quốc khi Trung Quốc bắt, đánh, giết, phạt tiền ngư dân của ta, rồi vụ PCI của ông Huỳnh Ngọc Sĩ, vụ tiền Polime, vụ mấy người dân bị công an bắt, và bị chết oan khuất trong đồn công an,, vụ chó cắn chết người, vụ học sinh đánh nhau đưa lên mạng…

Có vẻ như Đại hội 11 vào đầu năm sau sẽ ngồi trên thùng thuốc súng. Đảng ta đang đứng trước quá nhiều bê bối, và đều khó xử cả.

Trở lại câu chuyện của Trung tá Vũ Minh Trí, sau lá đơn của anh, thì Trung tướng Vịnh thôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục 2, được lên Thứ trưởng Bộ quốc phòng, còn Trung tá Trí thì bị “tước quân hàm sĩ quan”, nhưng không bị đuổi ra khỏi quân đội, như anh bạn trẻ Nguyễn Tiến Trung học ở Pháp về. Ngày 10 tháng 2 năm 2010, ông Thượng tướng Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Văn Được ký Quyết định số 246/QĐ-BQP về việc thi hành kỷ luật tước quân hàm sĩ quan đối với Trung tá Trí. Cùng ngày 10 tháng 2 năm 2010, Đảng bộ Quân đội, Đảng ủy Tổng cục 2 ra Quyết định số 27-QĐ ĐUTC2, về việc khai trừ anh Trí ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam.

Thái độ của Trung tá Trí như thế nào nhỉ? Bình thản. Rất bình thản. Chẳng có gì lo sợ. Sau khi bị kỷ luật cả về mặt Đảng, và chính quyền, anh Vũ Minh Trí đã nêu 4 ý kiến như sau:

1 – “Tôi tiếp nhận quyết định khai trừ Đảng và giáng quân hàm với tâm trạng hoàn toàn nhẹ nhõm, thanh thản, bởi hai lý do chính: 1-Một là tôi đã dự kiến và chuẩn bị về mọi mặt, kể cả về mặt pháp lý và công luận cho nhiều tình huống, trong đó có những tình huống gay go, nguy hiểm hơn thế này. 2-Hai là, các quyết định (kỷ luật ) trên giúp tôi khẳng định rõ hơn bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đối tượng đấu tranh, từ đó mà bổ sung, điều chỉnh phương hướng, biện pháp đấu tranh cho phù hợp.

Ngày 13 tháng 11, năm 2007, Trung tá Trí đã có đơn xin cho xuất ngũ, vì quá chán với những bê bối trong Tổng cục 2, nhưng không được trả lời. Và đến nay, mặc dù bị tước quân hàm sĩ quan, nhưng vẫn chưa được xuất ngũ. Như vậy, anh vẫn còn được ưu ái thì phải. Tất nhiên anh Trí hiểu rằng người ta vẫn muốn quản lý anh, chứ cho anh ra khỏi quân đội, thì khó quản lý. Đâu có gì. Tương kế tựu kế mà. Ai tương kế, ai tựu kế, thì hồi sau sẽ rõ.

2 – Anh Vũ Minh Trí có đơn gửi Trung ương, đề rõ “Tổng cục 2, vì ai nên nỗi”, mà Trung ương chẳng có kết luận gì cả. Nên anh Trí cho rằng các quyết định kỷ luật đối với anh là không có giá trị. Quả là to gan. Đã có ai dám nói như thế chưa? Ngay ông Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự C14, phụ trách điều tra vụ PMU18, khi bị đưa ra xét xử, cũng không dám nói “Bản án đối với tôi là không có giá trị”. Nhưng với Trung tá Trí, thì thật là dũng cảm. Rất đáng khâm phục.

3 – Anh Trí tuyên bố, từ nay, vẫn đến cơ quan bình thường, nhưng chỉ đến cơ quan ngồi chơi, chứ không làm việc, chờ được cho ra khỏi quân đội.

4 – Anh Trí tuyên bố tiếp tục đấu tranh, giống như nữ luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân tuyên bố ngay sau khi ra tù.

Những con người dũng cảm như anh Vũ Minh Trí trong xã hội ta ngày nay vẫn còn chưa nhiều, nhưng đã xuất hiện, và đang tăng lên, mặc dù chưa nhiều. Xã hội ta muốn thay đổi, muốn tiến bộ, cần nhiều những con người dũng cảm như anh Vũ Minh Trí, nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc…

Người Mỹ, và các tổ chức ủng hộ nhân quyền trên thế giới có lẽ cũng nên ủng hộ những người như anh Vũ Minh Trí, cần trao các giải thưởng quốc tế về nhân quyền, về chống cái ác cho những người như Trung tá Vũ Minh Trí, như Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên… Không nên chỉ chú ý đến các nhà bất đồng chính kiến hoặc đấu tranh cho tự do tôn giáo.

Mỗi con người dũng cảm như anh Vũ Minh Trí, đang là những con én nhỏ để làm nên mùa xuân của dân tộc Việt Nam ta.

@ x-cafevn.org

Những bí mật của hoạn quan Trung Hoa cuối cùng

Chỉ có hai kỷ niệm khiến Sun Yaoting không cầm được lòng khi nhìn lại quá khứ: Đó là ngày ông bị cha cắt mất “của quý” và ngày gia đình quẳng phần quý giá đó đi, khiến ông không thể trở lại là một người ông đích thực khi xuống mồ.

Ông Sun Yaoting và sử gia Jia tại nhà trong một bức ảnh năm 1996.

Hoạn quan cuối cùng của Trung Quốc đã sống những năm tháng tuổi trẻ trong nghèo đói, đau khổ và dằn vặt; bị trừng phạt trong cuộc cách mạng văn hóa vì tội làm “nô lệ cho hoàng đế”; nhưng sau đó lại được ca ngợi và đánh giá cao vì là “nhân chứng lịch sử sống” cuối cùng của thời phong kiến Trung Hoa.

Ông có những câu chuyện về những nghi lễ kinh hoàng ở Tử Cấm Thành, về những giây phút cuối cùng của Hoàng đế Phổ Nghi nơi đây và về những phiên tòa bù nhìn do người Nhật dựng lên trong những năm 1930. Rồi ông trốn trở lại với cuộc nội chiến, trở thành một quan chức Đảng Cộng sản, và sau đó là mục tiêu của những người theo chủ nghĩa cánh tả cấp tiến, rồi cuối cùng mới được yên nghỉ.

Cuộc đời đầy sóng gió của ông đã được tái hiện trong cuốn “Hoạn quan cuối cùng của Trung Hoa”, do một nhà sử học nghiệp dư, Jia Yinghua, viết. Trong suốt nhiều năm nhà sử học này đã khai thác được nhiều bí mật của ông Sun, những bí mật hoặc quá đau lòng hoặc quá riêng tư khiến ông không thể tiết lộ với ai khác.

Ông Sun qua đời năm 1996, trong một đền thờ cổ, cũng là nhà của ông. Cuốn tiểu sử về ông cuối cùng đã được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm nay.

Cuốn sách đã tiết lộ những chủ đề cấm kỵ như đời sống tình dục của các hoạn quan và hoàng đế mà họ phục vụ; quá trình “thiến” vô cùng đau đớn tại nhà, thường gây chết người; và sự bất tiện, nỗi tủi nhục của một hoạn quan đi kèm với lời hứa về quyền lực.

“Ông ấy bị dằn vặt, trăn trở không biết có nên nói những bí mật của hoàng đế hay không”, nhà sử học Ja cho biết. Theo nhà sử học, ông Sun đã trung thành với chế độ cũ bởi ông đã cống hiến hầu hết cả cuộc đời mình cho nó.

“Tôi là người duy nhất ông ấy tin tưởng. Ông ấy thậm chí không tin cả gia đình mình, sau khi họ ném “của quý” của ông ấy đi”, Jia cho biết. Từ “của quý” là từ lóng ám chỉ bộ phận sinh dục bị cắt rời nhưng được bảo quản cẩn thận của các hoạn quan.

Chúng đã bị vứt bỏ trong suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa 1966-76. Khi đó, sở hữu bất kỳ thứ gì của “chế độ cũ” cũng có thể gây hại.

“Ông ấy chỉ khóc về hai điều: khi nói với tôi về quá trình bị thiến và về việc mất “của quý”, Jia cho biết.

Sự trớ trêu của lịch sửJia làm trong bộ năng lượng, nhưng ông dành thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu về những ngày cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Hoa, do thời thơ ấu của ông luôn bị các thái giám và hoàng hậu ở gần nhà mê hoặc.

Sau nhiều năm nghiên cứu kỳ công, ông đã lượm lặt được nhiều thông tin bí mật về mọi ngóc ngách của cuộc sống trong cung; cùng với những bí mật về cuộc sống tình dục, sự tàn bạo của các hoàng đế.

Trong suốt nhiều thế kỷ, ở Trung Quốc, những người đàn ông không phải dòng dõi hoàng tộc mà được phép vào khuôn viên riêng của Tử Cấm Thành phải là thái giám. Họ đã đánh đổi bộ phận sinh sản của mình với hi vọng có quyền tiếp cận đặc biệt với Hoàng đế, khiến một số trở thành những vị quan giàu có và quyền lực.

Gia đình nghèo của ông Sun đã khiến ông dấn thân vào con đường đau đớn và nguy hiểm này, với hi vọng một ngày nào đó ông có thể trừng trị được tên địa chủ tàn ác của làng, kẻ đã cướp ruộng đất và đốt cháy nhà của ông và nhiều người khác.

Chính người cha tuyệt vọng của ông đã thực hiện việc “thiến” con trai trên giường, trong ngôi nhà vách đất của họ mà không có biện pháp gây tê, giảm đau nào và với chỉ một mảnh giấy thấm dầu làm băng quấn. Một chiếc lông ngỗng được đưa vào trong đường tiết niệu của Sun để làm cho nó khỏi bị tắc khi vết thương đã lành.

Ông đã bất tỉnh trong suốt ba ngày và hầu như không thể cử động được trong hai tháng. Cuối cùng, khi đã gượng dậy được, lịch sử lại chơi trò hiểm ác với ông – ông hay tin Hoàng đế mà ông hi vọng được phục vụ đã bị phế truất nhiều tuần trước đó.

“Ông ấy có một cuộc đời đầy bi kịch. Ông ấy đã nghĩ cha ông sẽ được đền đáp, nhưng sự hi sinh của ông đã trở nên vô nghĩa”, Jia cho biết. “Ông ấy rất thông minh và ranh mãnh. Nếu hoàng đế không bị phế truất, ông ấy sẽ có nhiều cơ hội trở thành người quyền lực”.

Vị cựu hoàng đế trẻ tuổi khi đó vẫn được phép ở trong cung điện. Ông Sun chỉ trở thành người hầu cận bên hoàng đế khi gia đình hoàng đế bị buộc phải rời khỏi Tử Cấm Thành, đánh dấu chấm hết cho truyền thống của nhiều thế kỷ và giấc mơ của Sun.

“Ông ấy đã bị thiến, rồi Hoàng đế bị phế truất. Ông tìm đường vào Tử Cấm Thành, rồi Phổ Nghi bị đuổi đi. Ông ấy theo Phổ Nghi lên phía bắc và rồi chính quyền bù nhìn sụp đổ. Ông đã cảm thấy cuộc đời đùa cợt với nỗ lực của mình”, Jia nói.

Nhiều hoạn quan đã bỏ trốn cùng với của cải quý giá của hoàng cung, nhưng ông Sun lại mang theo gánh nặng của những kỷ niệm, một khả năng đặc biệt để có thể sống sót qua những năm tháng chiến tranh và kèm theo cả sự bất an về ý thức hệ. “Ông ấy không bao giờ được giàu có, không bao giờ có quyền lực, nhưng ông ấy đã trở thành một người giàu kinh nghiệm và nắm giữ nhiều bí mật”, Jia cho biết.
Jacque Thibaut ( Reuters )

Cách giải quyết nạn nhân mãn tại Trung Quốc

Nguyễn Minh Tokyo

Ngày 5-3-2010, 3.000 đại biểu đã về Bắc Kinh tham dự khóa họp hàng năm của Quốc vụ viện (Quốc hội) Trung Quốc. Đây là hội nghị quan trọng nhất sau đại hội đảng cộng sản. Mở đầu khóa họp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói 2010 sẽ là năm quyết định sự thành công của Trung Quốc về kinh tế lẫn xã hội. Trước cuộc khủng hoảng tài chánh quốc tế, ông tuyên bố sẽ giữ nguyên mức tăng trưởng 8%. Ưu tư chính của chính quyền là làm sao san bằng hố cách biệt giàu nghèo ngày càng sâu rộng xã hội Trung Quốc bằng cách chia đều phúc lợi của sự tăng trưởng cho toàn xã hội. Để có được tỷ lệ tăng trưởng 8%, dân chúng Trung Quốc phải làm thêm nhiều cố gắng hơn nữa. Chính quyền tiếp tục tung thêm tiền để thực hiện những chương xây dựng nhà ở qui mô đã bắt đầu từ năm 2008 trên toàn đất nước.

Tại sao đến giờ này Bắc Kinh mới chấp nhận chia đều phúc lợi của sự tăng trưởng cho toàn xã hội? Tại vì quả bom dân số có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Nó là tiền thân của những cuộc nổi dậy đẫm máu tại Trung Quốc. Hơn 900 triệu dân nông thôn đang chờ sự nâng đỡ của các chính quyền trung ương và địa phương để có một cuộc sống xứng đáng. Khối người này đang sống trong nghèo khó và không thấy một ánh sáng nào cuối đường hầm. Mỗi năm có hơn 90.000 cuộc nổi dậy chống lại sự hà hiếp và chiếm đoạt tài sản của các cấp chính quyền địa phương.

Tất cả những hứa hẹn của chính quyền và những xáo trộn tại nông thôn đều xuất phát từ một nguyên nhân: nạn nhân mãn.

Dân số Trung Quốc

Cho đến cuối thế kỷ 20, những nhà dân số học vẫn tin rằng 1/5 dân số thế giới sống tại Trung Quốc, với 1,257 tỷ người năm 1999. Khẳng định này, đến cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 vẫn còn hiệu lực, với 1,339 tỷ người năm 2009.

Cách tính toán dân số của Trung Quốc cho đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong vòng 10 năm dân số Trung Quốc đã tăng thêm 82 triệu người, mỗi năm tăng trên 8 triệu người. Đây là một con số rất lớn so với các quốc gia khác, nhưng quá ít so với thực trạng dân số hiện nay của Trung Quốc. Con số 1,339 tỷ dân năm 2009 không đúng sự thật.

Đồng ý rằng tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc đã giảm một cách ngoạn mục, từ 5,8 con/phụ nữ năm 1970 xuống 2,4 năm 1990 và 1,75 năm 2007. Đây là một cố gắng vượt bực để kềm chế nạn nhân mãn. Nhưng trước nạn lão hóa ngày càng tăng cao (100 triệu người trên 65 tuổi năm 2009), từ năm 2002 Bắc Kinh đã cho phép những gia đình khá giả đóng 600 USD để được quyền có hai con. Gần như tất cả những gia đình khá giả vùng duyên hải, từ Mãn Châu xuống Quảng Châu, đều vui vẻ đóng thêm khoảng phụ trội này. Từ năm 2000 đến nay đã hơn 10 năm, dân số Trung Quốc không thể chỉ tăng 82 triệu người.

Từ năm 1949 đến nay, hơn 50 năm đã trôi qua, Trung Quốc không có chiến tranh, không có dịch bệnh, không bị thiên tai, không xảy ra nạn đói, nhất là từ 20 năm trở lại đây đạt được những thành tích phát triển kinh tế cao, đời sống dân chúng trở nên sung túc, tỷ lệ sinh sản tăng gấp đôi tỷ lệ tử vong (năm 2007, tỷ lệ sinh đẻ là 13,4‰, tỷ lệ tử vong là 7‰), dân số Trung Quốc do đó không thể dừng lại ở con số 1,339 tỷ người năm 2009 như được công bố. Có một cái gì không bình thường trong các cách tính này.

Tại sao chính quyền Trung Quốc cứ che giấu những con số về dân số? Có nạn nhân mãn không? Số người dư thừa đi đâu? Đó là những câu hỏi cần được trả lời.

Cứ nhìn vào những thiên phóng sự về đời sống nông thôn tại Trung Quốc, rất ít gia đình nào chỉ có một con, trung bình là hai con. Phần lớn những đứa con lớn rời thôn quê ra thành thị tìm việc, để lại cha mẹ già với đứa em út. Sau một thời gian làm việc và dành dụm, đứa con lớn gởi tiền về cho cha mẹ tu sửa lại nhà cửa và cho đứa em út ăn học, để sau đó ra thành thị làm việc. Hiện nay có hơn 200 triệu thanh niên nông thôn ra thành thị làm việc. Không biết khi làm thống kê về dân số chính quyền Trung Quốc liệt những thanh niên nông thôn này vào nơi nào, thôn quê hay thành thị? Thêm vào đó, những thanh niên nông thôn này khi lập gia đình và có con thơ, phần lớn đều đem về nông thôn cho cha mẹ nuôi giùm. Khi làm thống kê, những đứa trẻ này không được tính vào dân số thành thị, trong khi tại nông thôn chúng được coi là dân thành thị nên cũng không được tính vào dân số nông thôn.

Sự quên lãng này không phải tình cờ. Nó được các cấp chính quyền địa phương chấp nhận miễn là chủ gia đình chịu đóng 600 USD và những khoảng phụ phí giao tế khác cho mỗi đứa con. Đối với trung ương, dân số không tăng nhanh là dấu hiệu của sự phát triển, chính quyền đã kềm chế được nạn nhân mãn. Nhưng trong thực tế nạn nhân mãn đang xảy ra. Dân số thật sự của Trung Quốc hiện nay phải trên 1,5 tỷ người.

Làm cách nào để nuôi một dân số đông đảo?

Không có phép lạ nào hết. Tất cả mọi người đều phải làm việc để có ăn. Vấn đề là làm sao nuôi hơn 1,5 tỷ miệng ăn.

Từng là quốc gia xuất khẩu lương thực, Trung Quốc ngày đang nhập khẩu lương thực để nuôi một dân số khổng lồ. Tình trạng này chỉ tăng thêm trong những ngày sắp tới, khu vực tả ngạn sông Hoàng Hà ngày nay chỉ còn là một vùng đồi núi ô trọc, nhiều vùng đồng bằng phía bắc trước kia là vựa lúa mì nay đang bị sa mạc hóa. Một số vùng đất dọc các bờ sông cũng không trồng trọt được vì bị chất độc từ các nhà máy hóa chất thải ra làm ô nhiễm nhiều vùng đất rộng

Nông thôn Trung Quốc trước kia là địa bàn sản xuất lúa gạo và nông sản phẩm, nay đang biến thành những làng xã, thị trấn nhỏ để chứa đựng trọng lượng dân số gia tăng do đời sống sung túc từ các trung tâm đô thị mang lại. Thêm vào đó, trước nạn rời bỏ thôn quê ra thành thị tìm việc, số người canh tác nông nghiệp ngày càng ít đi trong khi số miệng ăn ngày càng gia tăng. Tại nhiều nơi, nông dân phải ra thành thị mua lương thực vì chi phí sản xuất quá cao (xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hột giống, vật tư).

Làm cách nào để nuôi một dân số đông đảo? Tạo ra công ăn việc làm. Những đô thị lớn dọc bờ biển Đông Hải, do sự năng động của giới doanh nhân nhà nước và tư nhân, đã trở thành những trung tâm tuyển dụng lao động khổng lồ và là xưởng sản xuất hàng hóa chung cho cả thế giới. Sự phồn thịnh của những trung tâm sản xuất này kéo dài trong suốt 20 năm qua, từ thập niên 1990 đến nay, và đã nâng cao mức sống người dân và mang lại sự phồn vinh cho đất nước. Một cách vô tình, hố cách biệt giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị được san bằng. Mỗi năm hàng triệu thanh niên ra thành thị tìm việc làm để nuôi gia đình còn ở lại nông thôn.

Trước sự năng động và phát triển của những trung tâm sản xuất này, trình độ kỹ thuật của lao động Trung Quốc cũng nhờ đó được nâng cao. Mỗi năm hàng chục triệu thanh niên thành thị khác gia nhập vào đội quân lao động đã có sẵn. Những đại học và những trung tâm huấn nghiệp đã kịp thời đào tạo và huấn luyện thanh niên Trung Quốc thích nghi với những phương tiện sản xuất tiên tiến nhất, đặc biệt là ngành xây dựng (cơ xưởng, nhà máy, cao ốc) và hạ tầng cơ sở (đường sá, cầu cống, bến cảng, phi trường) mà đa số là người phái nam. Bên cạnh đó, để phục dịch cho đội quân lao động khổng lồ này, là sự hình thành một đội quân phục dịch trong các ngành may mặc, ăn uống, giải trí và buôn bán lẻ, mà đa số là phái nữ.

Nhưng sự phồn vinh nào cũng đến hồi kết thúc. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm khựng lại guồng máy sản xuất hàng hóa cho cả thế giới. Rất nhiều nhà máy sản xuất đã phải đóng cửa vì thiếu đơn đặt hàng, hàng triệu người đã bị sa thải. Trong khi đó, những văn phòng trong các cao ốc vừa được dựng lên vắng thưa người mua, hàng triệu công nhân trong ngành xây cất bị buộc thôi việc. Nạn nhân trực tiếp của tình trạng thất nghiệp thành thị này là những thanh niên nông thôn.

Phải làm gì? Giải quyết bằng cách nào? Khuyến khích họ trở về quê? Ai chịu về? Đó là những câu hỏi mà giới cầm quyền Trung Quốc ngày đêm lo lắng.

Hiện nay có hơn 200 triệu lưu dân (thanh niên nông thôn lang thang trong các thành phố lớn tìm việc), họ sống như những du mục, nay đây mai đó, rất khó kiểm soát. Sự phát triển của Trung Quốc trong suốt 30 năm qua chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực dồi dào và rẻ tiền từ nông thôn. Họ đã chấp nhận làm việc trong những điều kiện mà không một công nhân quốc tế nào chịu làm. Gọi là nô lệ thì hơi quá đáng vì được trả lương, nhưng điều kiện làm việc của họ đúng là của những nô lệ: ăn ngủ tại chỗ, làm việc 16 giờ một ngày, có khi làm cả 3 ca trong 24 giờ và 7/7 ngày trong tuần lễ, với một đồng lương rất thấp: 5 USD/ngày, tức 150 USD/tháng.

Hơn nữa quen với đời sống sạch sẽ và tiện nghi tại thành thị, lại có lợi cao hơn nông thôn gấp nhiều lần, không một thanh niên nông thôn nào chịu về quê cũ chờ thời. Chính quyền Trung Quốc cũng không thể vắt chanh bỏ vỏ bằng cách xua đuổi những thanh niên này về lại nông thôn, họ là những người đã từng hy sinh để Trung Quốc đạt được những chỉ tiêu phát triển ngoạn mục. Không nên khơi động sự nổi giận của quần chúng nông thôn, vì không ai biết những gì sẽ xảy ra. Mao Trạch Đông trước kia đã biết vận động sự nổi giận của quần chúng nông thôn để ủng hộ ông chiếm chính quyền. Phải tìm cho bằng được một giải pháp thay thế.

“Thảo xuất khẩu”, một chính sách dân số mới

Từ năm 2003 trở lại đây, chính quyền Trung Quốc đã cho thành lập nhiều văn phòng dịch vụ tuyển mộ nhân công ra nước ngoài làm việc, trong chính sách “thảo xuất khẩu”, gọi chung là xuất khẩu lao động. Chính sách này nhắm vào nhiều mục tiêu.

Trước hết và gần nhất là giải quyết được nạn thất nghiệp đang đe dọa sự ổn định của Trung Quốc. Khuyến khích hai trăm triệu lưu dân đang lang thang trong các thành phố ghi danh ra nước ngoài làm việc, chính quyền vừa thỏa mãn được ước mơ làm giàu (vì làm việc tại nước ngoài được trả lương cao hơn từ ba đến bốn lần trong nước) vừa đoàn ngũ hóa những người muốn ghi danh ra nước ngoài để dễ kiểm soát (qua các chương trình đào tạo nghiệp vụ và ngoại ngữ).

Kế đến và trong trung hạn là xây dựng được một đội ngũ quan sát viên tại nước ngoài. Những lao động xuất khẩu này sẽ là những con mắt quan sát cho giới lãnh đạo và đầu tư Trung Quốc xâm nhập vào các thị trường địa phương. Càng ở lâu và càng quen với nếp sống của dân cư địa phương, hàng hóa của Trung Quốc sẽ càng thích nghi với những thị trường mới.

Sau cùng và trong dài hạn là giải quyết được phần nào nạn nhân mãn trên lục địa Trung Hoa. Sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc tại các nước ngoài càng mở rộng khả năng xuất khẩu để thu về ngoại tệ và tài nguyên cho Trung Quốc, đó là những đầu cầu kinh tế và văn hóa mà Trung Quốc đang rất cần. Đây sẽ là đội quân thứ năm mà thế giới từng lo ngại, vì cho dù có thế nào, những người Trung Quốc này chỉ có thể làm lợi cho Trung Quốc hơn là cho quốc gia tạm dung. Khi hợp đồng lảm việc hết hạn, phần lớn những công nhân này tìm cách ở lại quốc gia địa phương để sinh sống bằng nghề buôn bán.

Sự ra đời của chính sách này cũng nhằm hạn chế, hay cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế của Đài Loan với các nước Á Phi khác.

Để chính sách thảo xuất khẩu được tiến hành tốt, Bắc Kinh đề ra ba nguyên tắc, đó là không can thiệp vào sinh hoạt chính trị nội bộ, quyền được phát triển và trách nhiệm tương ứng.

Nguyên tắc không can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của những quốc gia bạn thể hiện cụ thể qua các chương trình viện trợ không kèm theo điều kiện chính trị. Đây là lời nhắn đến các quốc gia dân chủ phương Tây khi lên tiếng bênh vực những người Tây Tạng, Uyghur tại Tân Cương hay tín đồ Pháp Luân Công bị đàn áp, cách đối xử của Bắc Kinh đối với những cộng đồng này là những vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Để chứng minh, Bắc Kinh đã tỏ ra thân mặt với lãnh tụ các quốc gia độc tài từ Châu Phi đến Iran, Miến Điện và Bắc Triều Tiên. Như vết dầu loang, nhiều nước ở Á Phi và Châu Mỹ La Tinh đã rất dè dặt khi nhận tiền viện trợ từ các nước phương Tây và các cơ quan tài chánh quốc tế vì sợ bị ép buộc tôn trọng nhân quyền, tự do và dân chủ.

Về quyền được phát triển: nguyên tắc này thật ra chỉ để dành riêng cho Trung Quốc. Một mặt Bắc Kinh muốn thế giới nhìn nhận Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển để tiếp tục nhận sự giúp đỡ (mặc dù GDP đứng thứ nhì thế giới). Hai là để thử khả năng nhượng bộ của thế giới đối với Trung Quốc dừng lại ở mức nào khi Bắc Kinh không tôn trọng những thỏa hiệp quốc tế đã ký. Nói chung, Trung Quốc đòi thế giới phương Tây giúp đỡ nhiều hơn là giúp các quốc gia khác phát triển.

Về trách nhiệm tương ứng: đây là nguyên tắc ngược lại với hai nguyên tắc trên. Trung Quốc tự nhận là một nước lớn để có tiếng nói trước các vấn đề lớn của thế giới, nhưng lại thêm vào hai chữ tương ứng để giới hạn khả năng chi tiền, vì vẫn tự coi là một quốc gia đang phát triển chưa đủ yếu tố để trở thành một cường quốc có trách nhiệm.

Nói tóm lại, những mục tiêu và nguyên tắc của chính sách thảo xuất khẩu chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc chứ không vì một lý tưởng nào khác.

Mục tiêu ngắn hạn và trước mắt: giải quyết nạn thất nghiệp

Theo thống kê của bộ thương mại Trung Quốc, số người Trung Quốc làm việc tại nước ngoài hiện nay lên trên một triệu người, đa số tại các quốc gia Châu Phi. Trong tương lai gần con số này sẽ gia tăng hơn nữa, thị trường lao động quốc tế đang cần rất nhiều người làm việc trong các đại công trình xây dựng hạ tầng cơ sở tại những quốc gia đang phát triển vì nhân công địa phương chưa đủ trình độ đảm nhiệm một mình và nhân công phương Tây không chịu làm việc trong những điều kiện khó khăn như trong sa mạc hay vùng rừng núi nhiệt đới với đồng lương thấp.

Trái với suy tưởng của mọi người, mặc dù làm việc như một nô lệ, số người Trung Quốc tình nguyện làm đơn ra nước ngoài làm việc rất đông. Tất cả chỉ vì mà lý do duy nhất: tiền. Lương một công nhân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài cao hơn một công nhân trong nước gấp ba lần, trung bình từ 300 đến 500 USD/tháng, vì được lãnh thêm giờ phụ trội và ăn uống miễn phí. Đối với chủ thầu Trung Quốc, mướn một công nhân Trung Quốc cho dù phải trả lương cao hơn họ vẫn có lời vì vừa bảo đảm thời gian hoàn thành công tác vừa ít tốn kém hơn là thuê một công nhân địa phương. Thêm vào đó, công nhân Trung Quốc dễ bảo hơn công nhân địa phương vì cùng ngôn ngữ và biết châp hành kỷ luật hơn. Hơn nữa vì chỉ xuất khẩu lao động sang những quốc gia đang phát triển hay đang trên đường phát triển, nghĩa là còn chậm tiến, trình độ kỹ thuật tại những quốc gia này không cao nên rất phù hợp với khả năng của công nhân Trung Quốc.

Với phong trào thảo xuất khẩu này, Bắc Kinh sẽ giải quyết một phần nào gánh nặng thất nghiệp đang đè nặng trên cỗ xe phát triển. Hiện nay trên thế giới có 30 triệu công nhân xuất khẩu, trong đó Trung Quốc chỉ chiếm 1/30 thị trường. Bắc Kinh dự trù sẽ chiếm ít nhất 1/5 thị trường này, do đó đang đào tạo và huấn luyện thêm chuyên viên để có thể xuất khẩu từ 3 đến 5 triệu người ra nước ngoài trong vòng 10 năm tới. Nếu đạt được con số này, ngoại tệ do những người này mang về nước sẽ tăng thêm gấp bội. Một viên đạn trúng hai mục đích: vừa giải quyết được nạn thất nghiệp trong nước, vừa mang thêm ngoại tệ mạnh vào trong nước.

Mục tiêu trung hạn : xây dựng tai mắt tại nước ngoài

Vì thiếu tài nguyên thiên nhiên và nhiên liệu, Trung Quốc buộc phải tung người và tung tiền ra nước ngoài mang về phục vụ nền kinh tế đang phát triển của mình. Trong lãnh vực này sự cạnh tranh rất gay gắt. Vì có mặt chậm trễ trên những vùng giàu có tài nguyên thiên nhiên tại Châu Phi và Nam Mỹ, Trung Quốc đã trả một giá khá đắt để thu về những tài nguyên mà mình đang thiếu, đa số là những khu vực mà các quốc gia cựu thuộc địa cho rằng không còn mang lại hiệu năng kinh tế mong muốn.

Để tiếp cận với các nước Châu Phi và Nam Mỹ giàu tài nguyên, chính quyền và các công ty quốc doanh Trung Quốc áp dụng phương pháp win-win, nghĩa là hai bên cùng có lợi. Quốc gia có tài nguyên được Bắc Kinh cấp viện trợ để phát triển hạ tầng cơ sở, các công ty quốc doanh Trung Quốc xây dựng cơ xưởng, nhà máy khai thác và chế biến, bù lại Trung Quốc được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên mang về nước, gọi là “giải pháp trọn gói”. Đây cũng là phương pháp hành động của các xí nghiệp Trung Quốc tại nước ngoài.

Để giản dị hóa vấn đề và cũng để rút ngắn thời gian đào tạo nhân sự địa phương để đưa vào khai thác, các công ty Trung Quốc đưa thẳng lực lượng lao động từ mẫu quốc sang làm việc, vừa tiết kiệm được chi phí đào tạo vừa bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu mong muốn. Đây là những người lính tiền phương không súng ống nhưng có trình độ kỹ thuật hơn lực lượng lao động địa phương.

Để bảo đảm quyền khai thác tài nguyên lâu dài tại nước ngoài, xây dựng một đội ngũ nhân sự làm tai mắt tại nước ngoài là một bắt buộc, nếu không muốn nói là yêu cầu sống còn của Trung Quốc. Đội ngũ này không ai khác hơn là lực lượng lao động xuất khẩu hiện đang có mặt tại khắp nơi trên thế giới. Khác với những lao động xuất khẩu nước ngoài khác, những công nhân này được đoàn ngũ hóa (như trong đảng và quân đội) và chỉ làm việc cho những công ty Trung Quốc, do đó không lệ thuộc nhiều vào luật pháp của quốc gia địa phương. Mặc dù là công nhân làm việc trong lãnh vực tư, họ được chính quyền Trung Quốc trực tiếp bảo vệ, do đó được đối xử gần như theo qui chế ngoại giao.

Nói cách khác, lực lượng lao động xuất khẩu này là những sứ giả được cử ra nước ngoài làm việc vì quyền lợi của Trung Quốc. Những người này đã từng nằm gai nếm mật trên những công trường nổi tiếng khó khăn, biết đâu là quyền lợi lâu dài của Trung Quốc, biết đâu là cạm bẫy để các công ty tại mẫu quốc tránh né.

Chẳng hạn tại Angola, một quốc gia Châu Phi vừa ra khỏi chiến tranh sau 28 năm nội chiến. Mặc dù có rất nhiều tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất, không một quốc gia cựu thuộc địa hay phương Tây nào chịu bỏ tiền ra để đầu tư vì tham nhũng đang hoành hành. Bắc Kinh liền lợi dụng thời cơ xâm nhập vào để chiếm lĩnh thị trường. Năm 2004, Bắc Kinh đề nghị giúp Luanda (thủ đô Angola) từ 7 đến 10 tỷ USD để xây dựng lại hệ thống hạ tầng cơ sở. Hơn 30 dự án đã được chấp thuận, đặc biệt là nhà máy lọc dầu tại Lobito và con đường bờ biển đến biên giới nước Congo-Zaire. Nhưng sau ba năm bỏ vốn và đưa người qua làm việc, Bắc Kinh cảm thấy như đổ tiền vào một lỗ hỗng không đáy, hơn một phần ba số tiền bỏ ra (khoảng 4 tỷ USD) đã lọt vào túi những cấp lãnh đạo địa phương. Bắc Kinh và giới tài phiệt Trung Quốc chưa đánh giá đúng mức nạn tham nhũng tại Châu Phi. Những chuyên viên Trung Quốc làm việc tại chỗ đã báo trước tệ nạn tham nhũng này nhưng Bắc Kinh không tin. Sau khi bị mất trắng và không hy vọng thu hồi được, Bắc Kinh mới quyết định bỏ rơi dự án xây dựng con đường huyết mạch Lobito-Zaire và đem theo toàn bộ máy móc và trang thiết bị đi nơi khác.

Nhờ sự báo động kịp thời của lực lượng lao động tại chỗ, Bắc Kinh đã tránh được những cạm bẫy tương tự tại Nigeria. Một hợp đồng 2 tỷ USD xây dựng nhà máy lọc dầu tại Kaduna đã bị công ty dầu lửa CNPC của Trung Quốc hủy bỏ. Tại Zambia cũng thế, công ty khai thác mỏ đồng của Trung Quốc đã rút lui sau khi được báo động là chính quyền địa phương đòi thêm tiền khai thác. Bù lại, cũng nhờ những thông tin kịp thời từ nhiều lao động xuất khẩu mà các công ty khai thác mỏ quặng của Trung Quốc đã có mặt tại những nơi có trữ lượng dầu thô (Saudi Arabia, Angola, Nigeria, Sudan), đồng (Zambia, Mauritania), cobalt (Congo-Zaire), sắt, manganese, chrome, platinium, uranium (Nam Phi), kim cương (Rhodesia), gỗ (Gabon) và bông vải (Burkina Fasio) quan trọng với phẩm chất cao.

Mục tiêu dài hạn : giải quyết nạn nhân mãn tại mẫu quốc

Quốc gia đông dân nào cũng có một chính sách nhân mãn. Giải quyết bằng cách nào tùy thuộc vào triết lý chủ đạo và trình độ văn hóa của các cấp lãnh đạo. Trung Quốc là một quốc gia lớn, dân số chiếm 1/5 dân số thế giới, đây là một mối lo lớn vì nếu không có biện pháp giải quyết ngay từ bây giờ, nạn nhân mãn tại mẫu quốc sẽ dẫn đến nội loạn với nhiều hậu quả không thể lường trước.

Chính sách một con đã không giải quyết được vấn đề mà còn là một sai lầm về dân số (thiếu phụ nữ, số người già tăng nhanh trong khi số thanh niên bước vào tuổi lao động tăng chậm, gây mất thăng bằng trong phân phối lao động). Chính sách đóng thêm tiền (600 USD) để có hai con trong một gia đình chỉ đào sâu thêm hố cách biệt giàu nghèo. Chính sách hạn chế người từ nông thôn ra thành thị chỉ gây thêm bất mãn vì nông dân cũng được quyền thụ hưởng những phúc lợi do phát triển mang lại. Cách hay nhất là khuyến khích tự nguyện hạn chế sinh đẻ, nhưng dân chúng Trung Quốc chưa sẵn sàng đáp ứng.

Giải quyết nạn nhân mãn bằng cách nào ? Chính sách mới hiện nay là xuất khẩu ồ ạt lao động ra nước ngoài, rồi tìm cách ở lại bằng mọi giá tại quốc gia sở tại để làm bàn đạp đưa người (thân nhân) và hàng hóa vào bán. Sau cùng là thành lập những cộng đồng người Hoa bản xứ như đã từng xảy tại các quốc gia Đông Nam Á và phương Tây, với những China Town, nơi tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Nhất cử lưỡng lợi. Mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh hiện nay là làm sao xây dựng cho bằng được một lực lượng Hoa kiều thật đông đảo tại khắp nơi trên thế giới thì tương lai của Trung Quốc được bảo đảm trong dài hạn. Nền kinh tế của Trung Quốc sẽ không còn gặp các vấn đề như thị trường tiêu thụ, tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu sản xuất vì đã có lực lượng Hoa kiều này đảm trách. Cộng đồng Hoa kiều này sẽ là những đầu cầu kinh tế và văn hóa để mang ngoại tệ về mẫu quốc. Đội quân thứ năm này sẽ thay mặt Trung Quốc tranh thủ cảm tình các chính quyền và dân chúng địa phương và thay thế dần dần cộng đồng người Hoa hải ngoại, một trong những trung tâm quyền lực kinh tế tài chánh mạnh nhất thế giới, có nhiều cảm tình với Đài Loan.

Chủ trương viện trợ và xuất khẩu lao động ra nước ngoài cũng là một cách để loại trừ ảnh hưởng của Đài Loan ra khỏi một số địa bàn kinh tế chiến lược trên thế giới. Trong vòng 10 năm Đài Loan đã mất những đồng minh kinh tế chính tại Châu Phi như tại Nam Phi (1998), Sénégal (2005), Chad (2006), Malawi (2007), trong tương lai sẽ đến lượt Chile và Costa Rica tại Châu Mỹ. Hiện nay chỉ còn những quốc gia Châu Phi nhỏ như Swaziland, Gambia, Burkina Fasion và Sao Tome-Principe còn giữ quan hệ ngoại giao và kinh tế với Đài Loan, vì là những quốc gia sản xuất đá quí và kim loại hiếm.

Cũng nên biết, Đài Loan thi hành chính sách nhân mãn và truy tìm tài nguyên thiên nhiên tại nhiều quốc gia khác từ nhiều năm qua bằng cách thuê dài hạn hay mua luôn những vùng đất rộng lớn tại Đông Nam Á hay những hải đảo nhỏ tại vùng Polynesia trên Thái Bình Dương để đưa người sang canh tác. Khác với Trung Quốc, sự tiếp cận của Đài Loan với các quốc gia giàu tài nguyên hiếm quí hoàn toàn vì mục đích kinh tế, chứ không phải để làm tai mắt hay di dân.

Sự hiện diện của người Trung Quốc tại Châu Phi tăng nhanh một cách đáng kể. Năm 1999, toàn lục địa Châu Phi chỉ có dưới 100.000 người Trung Quốc, hiện nay đã lên đến một triệu người. Các phố Tàu, các bảng hiệu tiếng Hoa treo khắp nơi, hàng hóa made in China tràn ngập. Riêng người Trung Quốc tại cộng hòa Nam Phi lên đến 400.000 người. Với Giải bóng đá thế giới Fifa 2010 được tổ chức tại Nam Phi, phong trào tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc có cơ nổ bùng. Không riêng gì tại Châu Phi da đen, cộng đồng người Trung Quốc cũng có mặt đông đảo tại những quốc gia Ả Rập Hồi giáo miến bắc Châu Phi và trong Vùng Vịnh. Lực lượng Hoa kiều tại chỗ đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người địa phương qua các dịch vụ cung cấp hàng may mặc, đồ điện gia dụng giá rẻ và lương thực. Hàng trăm ngàn người Châu Phi dự phần vào quá trình bán lẻ hàng Trung Quốc cũng nhờ đó khá giả theo.

Thành quả của sự mở rộng ra nước ngoài

Ưu tư chính của Bắc Kinh khi mở rộng ra nước ngoài rất giản dị, đó là thu mua nguyên nhiên vật liệu và tài nguyên thiên nhiên về mẫu quốc để chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài thu về ngoại tệ.

Đối với Châu Phi: Từ 2000 đến 2007, tổng ngạch trao đổi giữa Châu Phi với Trung Quốc đã tăng lên gấp 7 lần, từ 10 lên 70 tỷ USD, và trở thành đối tác chính thứ hai tại Châu Phi, sau Pháp nhưng trên Mỹ. Theo giới quan sát, đây chỉ là bước đầu vì trình độ kỹ thuật của Trung Quốc không cao nên rất thích hợp khả năng của người Châu Phi, hơn nữa với một lực lượng lao động cần cù và hùng hậu tất cả mọi công trình đều hoàn tất đúng thời hạn và với giá thấp, Trung Quốc có thể chiếm lĩnh trí dẫn đầu.

Về khai thác và nhập khẩu dầu thô, Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ: dầu thô mua từ Châu Phi chiếm 20% lượng dầu thô nhập khẩu, đặc biệt là Saudi Arabia và Angola. Các công ty quốc doanh tiêu biểu nhất của Trung Quốc đều có mặt tại Châu Phi, như Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt (CNPC), Tập đoàn hóa chất dầu lửa Trung Quốc (Chinopec), Tổng công ty dầu hỏa Hải Dương Trung Quốc (CNOC) và nắm quyền khai thác và bán sỉ, bán lẻ ở 25 địa điểm trên toàn Châu Phi. Kế đến là các tập đoàn khai thác mỏ quặng, như Tập đoàn trị kim, Tập đoàn khai mỏ, Tập đoàn khoáng sản màu, Tập đoàn luyện kim, Tập đoàn tài nguyên Trung Tín (Citic) cũng đều có mặt tại Châu Phi.

Theo bộ ngoại thương Trung Quốc, cho đến nửa đầu năm 2009, tổng ngạch đầu tư vào Châu Phi đã lên đến 875 triệu USD. Ngân hàng công thương Trung Quốc nắm giữ được 20% chứng khoán của Standard Bank (Nam Phi), ngân hàng lớn nhất của Châu Phi. Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng Nhà máy phát điện bằng than đá lớn nhất tại Boswana với 800 triệu USD và chuẩn bị xây dựng 60 công trình khác trên toàn Châu Phi. Trong Diễn đàn hợp tác Trung Phi tổ chức tại Ai Cập tháng 11-2009 vừa qua, Trung Quốc hứa sẽ cho vay 10 tỷ USD với lãi suất thấp suất để phát triển Châu Phi. Số tiền này được dùng để tài trợ các dự án phát triển hạ tầng cơ sở do các công ty xây dựng Trung Quốc thực hiện, như Trung Quốc trung thiết (đường sắt), Trung Quốc trung tài quốc tế công trình, Trung Quốc thủy lợi kiến thiết. Tóm lại, mục tiêu chiến lược chính của Trung Quốc tại Châu Phi là khai thác tài nguyên mang về mẫu quốc càng nhanh và càng nhiều. Nói chung, với những số tiền đầu tư khổng lồ này, Trung Quốc đã góp phần làm phát triển và nâng cao mức sống của người Châu Phi.

Nhưng chính sách diều hâu tài nguyên và thái độ trịch thượng của người Trung Quốc đối với các dân tộc Châu Phi da đen đang gây một làn sóng chống đối âm ỉ và đang chờ cơ hội bộc phát dữ dội. Tại một số nơi, dân chúng Châu Phi đang biểu lộ sự bất mãn trước sự hiện diện ồ ạt của lao động Trung Quốc và thương gia Trung Quốc. Lao động Trung Quốc dành hết công ăn việc làm trong các công trình xây dựng, hàng hóa rẻ của Trung Quốc đã bóp chết nền tiểu thủ công nghiệp địa phương, như giầy dép, vải, đồ sành sứ. Nhiều cuộc xuống đường chống đối người Trung Quốc đã xảy ra tại Senegal, Zambia, Zimbabue, Nam Phi. Ngược lại, các công ty đầu tư Trung Quốc cũng đã bắt đầu bỏ rơi những nơi bị coi là bất ổn và mất an ninh như mỏ đồng Chambisi (Zambia). Các chính quyền Châu Phi đã thấy sự giới hạn về kỹ thuật của các công ty khai thác dầu ngoài khơi của Trung Quốc và đang tìm lại những đối tác cũ là các công ty Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Thêm vào đó, nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ và che chở những chế độ độc tài bị lên án gây tội ác chống loài người như Sudan tại Darfur.

Đối với ASEAN : Sự hiện diện của Trung Quốc tại Đông Nam Á rất đa dạng, lúc thì trực tiếp lúc thì gián tiếp, nhưng không bỏ lỡ một cơ hội nào. Trong số 10 nước ASEAN, Trung Quốc nhắm vào 5 nước ở vùng biên giới phía Nam là Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambốt và Việt Nam. Nhưng ưu tư chính của Trung Quốc là làm sao xây dựng cho bằng được những đường vận chuyển hàng hóa và tài nguyên từ vùng Hoa Nam đến các hải cảng theo hướng bắc-nam và đông-tây, từ Vịnh Thái Lan lên đến Vân Nam và từ Biển Đông Việt Nam lên đến Côn Minh. Trước đó Nhật Bản, qua Liên Hiệp Quốc, đã góp phần chính trong việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ đông-tây và bắc-nam. Không chịu thua, Trung Quốc trực tiếp đầu tư ba tuyến đường sắt: Bắc-Nam từ Côn Minh đến Singapore, qua Hà Nội, Sài Gòn, Bangkok, Kuala Lumpur; Đông-Tây từ Hà Nội đến Nakhon Phanom; từ Côn Minh đến Chiang Mai. Với ba đường sắt chính này, Trung Quốc sẽ đầu tư tân trang lại những tuyến đường sắt liên ASEAN, khu vực Hoa Nam của Trung Quốc sẽ còn bị cô lập trong đất liền.

Thái Lan là quốc gia ASEAN được Trung Quốc ưu ái nhất, vì thủ tướng Abhisit Vejjajiva là một người gốc Hoa (tên Viên Thừa Lợi) và những thành phần quan trọng nhất trong chính phủ đều là người gốc Hoa. Những người này đã dành cho tổ quốc những ưu đãi mà không quốc gia nào có, đó là quyền được xây dựng những khu công nghiệp chuyên dụng cho các xí nghiệp Trung Quốc ở Rayon, ngoại ô Bangkok, và hành lang Đông-Tây thứ hai.

Với những số tiền viện trợ ODA của Trung Quốc dành cho 4 quốc gia nghèo nhất ASEAN (Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar), những tập đoàn xây dựng Thái đã cùng với các công ty Trung Quốc dàn xếp để trúng thầu xây dựng các công trình lớn như sân vận động quốc tế ở Myanmar, các cây cầu nối liền hai bờ sông Mekong, hội nghị trường quốc tế ở Vientiane. Riêng sân vận động Vientiane do Trung Quốc xây dựng để kịp thời tổ chức Sea Games tháng 12-2009.

Cũng nên biết, trong các công trình này Trung Quốc không những tham gia vốn, vật tư mà còn gửi hàng chục ngàn lao động vào để thực hiện các công trình xây dựng. Đó là lý do tại sao có sự hiện diện của lao động Trung Quốc tại ba nước Cambốt, Lào và Việt Nam để khai thác đá quí, bauxite, vàng, đồng.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn nhất về xuất nhập khẩu. Hình ảnh từng đoàn cửu vạn khuân hàng dọc các đường đèo hiểm trở trong vùng biên giới giữa hai nước đã biến mất. Bây giờ là một xa lộ lớn nối liền Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Trang (Choang), tỉnh Quảng Tây, đến Hà Nội qua ngã Bằng Tường. Các trường đại học và giáo dục cao đẳng ở Nam Ninh đang được mở rộng để ưu tiên đón tiếp con em các nhân vật lớn trong chính phủ của ba nước Đông Dương vào học. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng được đào tạo tại đây.

Nói tóm lại, sự hiện diện ồ ạt của các công ty đầu tư và lực lượng lao động Trung Quốc tại nước ngoài đang làm dư luận quốc tế lo ngại. Giới tài phiệt Trung Quốc tại nước ngoài đã không ngần ngại nhe nanh giương vuốt đe dọa những ai đe dọa quyền lợi của họ tại hải ngoại. Người ta đang chờ Trung Quốc sa chân tại một khúc quanh nào đó để nhắc nhở bài học khiêm nhường.

@ Thongluan