Không Quân Hoa Kỳ vinh thăng Ðại Tá một nữ bác sĩ gốc Việt

HOA KỲ – Trung Tá Bác Sĩ Không Quân Mylene Trần Huỳnh, 44 tuổi, giám đốc của Air Force Medical Service (AFMS), thuộc chương trình Chuyên Viên Y Tế Quốc Tế (International Health Specialist – IHS), trực thuộc văn phòng “Office of the Air Force Surgeon General,” vừa được vinh thăng Ðại Tá trong một buổi lễ được tổ chức hôm 14 tháng 5 vừa qua.


Trung Tá Quân Y, Không Lực Hoa Kỳ, Mylene Trần Huỳnh, trong buổi lễ thăng cấp đại tá hồi cuối tuần qua.
(Hình: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ)

Ở chức vụ Giám Ðốc AFMS, nữ bác sĩ gốc Việt, Trần Huỳnh, có trách nhiệm thiết lập các qui định, hướng dẫn và giám sát cho 65 nhân viên thuộc quyền ở 15 địa điểm khác nhau trên thế giới, và cho cả 150 nhân viên quân y của Không Lực Hoa Kỳ thuộc chương trình IHS.

Ðại Tá Huỳnh hoàn tất văn bằng cử nhân và bác sĩ y khoa tại đại học University of Virginia. Bà phục vụ trong Không Lực Hoa Kỳ suốt 18 năm, và hướng dẫn 25 cuộc trao đổi hợp tác về y tế ở 15 quốc gia, trong đó có hai lần ở Việt Nam.

Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh là ái nữ của cựu bác sĩ quân y, binh chủng Dù, QLVNCH, Bác Sĩ Trần Ðoàn, và Dược Sĩ Phan Thị Nhơn. Mylene tròn chín tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Gia đình bà tìm cách ra khỏi Việt Nam nhưng bất thành nên quay về quê ở Nha Trang, nơi cha bà bị đưa đi “cải tạo” một năm.

Sau đó mẹ bà chung với ba gia đình khác, mua một chiếc thuyền đánh cá để vượt biên. Sau sáu ngày đêm vượt qua chặng đường dài 703 dặm, họ cập bến Manila.

31 năm sau, Ðại Tá Huỳnh tổ chức công tác nhân đạo giúp đỡ Việt Nam lần thứ hai. Bà triệu tập 45 bác sĩ, y tá, nha sĩ, nhà vệ sinh học, kỹ sư công chánh, cùng những chuyên viên tiếp liệu từ bảy tổ chức khác nhau, gồm cả Không Quân và Lục Quân Hoa Kỳ, và các nhóm nhân sự vụ Mỹ lẫn Việt.

Từ 11 đến 17 tháng 3, toán công tác đã thực hiện những cuộc giải phẫu và săn sóc y tế cho hơn 3,000 người ở tại Huế và vùng phụ cận, kể cả xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho các trường ốc. Trong sáu ngày làm việc 10 giờ mỗi ngày, ban đêm phải họp ban để trao đổi về công việc trong ngày, toán y tế của Ðại Tá Huỳnh đã mang lại ánh sáng cho 63 bệnh nhân nhờ mỗ cataract; dạy về tiến trình của toàn nhóm cho tám bác sĩ nhãn khoa cùng với 160 sinh viên y khoa; giải phẫu tim cho một em bé bốn tháng; khám, cấp thuốc và giáo dục cho 2,000 bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao; khám chữa răng cho 2,711 người; khám chữa mắt cho 1,000 người khác; cấp phát 900 kính đọc sách và biên toa thuốc cho hơn 10,000 bệnh nhân.

Toán chuyên viên y tế Hoa Kỳ trao đổi về những kỹ thuật lâm sàng cũng như giải phẫu với đối tác Việt Nam, và thuyết trình kiến thức y khoa ở trường Ðại Học Huế. Ngược lại, họ cũng học được của đồng nghiệp Việt Nam một số phương cách chữa bệnh như chữa mồ hôi tay bằng phương thức đông y cổ truyền.

Trong buổi lễ thăng chức Ðại Tá của Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh, Cựu Trung Tướng QLVNCH Lữ Lan, phát biểu rằng: “Thành tựu của Bác Sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng cô, mà còn là của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ 35 năm trước đây khi những người tị nạn mới đặt chân lên miền đất hứa này, mấy ai nghĩ rằng cô bé ‘thuyền nhân’ nhỏ nhắn đã đến đây từ 30 năm trước, lại có ngày trở thành một y sĩ đáng kính trong ngành Quân Y của Quân Lực Hoa Kỳ. Giá như cô không sang được đây, nơi cô được nuôi dưỡng trong môi trường tự do và bình đẳng, tài năng của cô sẽ hoàn toàn bị phí phạm. Ðó là sự khác biệt giữa đời sống trong môi trường tự do với chế độ bạo quyền. Ðiều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa là, trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ sở Hoa Kỳ, cô vẫn không quên nguồn cội mình và người dân Việt Nam còn đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản. Cô cùng toán công tác y tế của mình đã nhiều lần trở về Việt Nam để cung cấp những săn sóc y tế cho người nghèo cùng những kẻ thiếu may mắn.”

Trong đoạn kết của bài phát biểu, Cựu Trung Tướng Lữ Lan nói rằng: “Luôn ghi nhớ, cô đã mang lại niềm hân hoan cho gia đình và cũng là niềm vinh dự của cả cộng đồng. Bất kể đạt được thành tựu đến đâu cũng đừng quên di sản truyền thống của dân tộc và hãnh diện rằng mình là người Mỹ gốc Việt.”

Buổi lễ vinh thăng cấp bậc Ðại Tá cho Bác Sĩ Mylene còn có sự hiện diện của Thiếu Tướng Byron C. Hepburn; thân phụ mẫu của Bác Sĩ Mylene; cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH Nguyễn Khoa Phước (em trai Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) và phu nhân… (TP)

THÔI ĐI, 16 CHỮ XOA ĐẦU !

Thái hữu Tình

Bác V. là cán bộ văn phòng tỉnh ủy, về hưu đã mấy năm nay. Được con cháu hướng dẫn sử dụng máy vi tính, bác mê lắm. Mỗi ngày bác dành vài giờ đồng hồ đọc các báo mạng, trao đổi thư từ. Nhờ trời, chịu học, bác cũng đọc được tiếng Anh tàm tạm.

Một hôm, theo một đường link bác tóm được một bức tranh “cực kỳ”! Đó là kiệt tác “Famous People Painting “Discussing the Divine Comedy with Dante”. Bức tranh phải nói là đẹp và hoành tráng. Ánh sáng, màu sắc lung linh, sang trọng, pha chút huyền bí, thiêng liêng. Hơn trăm con người trong tranh nổi lên như thật, người nào cũng sinh động. Mà giá trị nhất ở chỗ đây toàn là những nhân vật nổi tiếng nhất của nhân loại, từ cổ chí kim, tốt có, xấu có, tụ hội về đây như một “đại hội đại biểu” đa nguyên của toàn thể nhân quần vậy.

Thoáng nhìn dễ nhận ra ngay bác Mao ngồi ở bàn giữa tươi cười với tẩu thuốc trên tay, gần đấy là Lincoln, Các Mác, là Stalin với bộ tóc bộ râu không lẫn vào đâu được. Trên cao, góc trái là Lênin đang giơ tay chỉ lối, gần đấy là Hitler với cái mũi khoằm và mái tóc vạt chéo trước trán, nhưng lại có ai như Quan Công cầm thanh long đao, ai như vua bóng đá Pê lê nữa này…Phi đen, Chê-ghê-va-ra, Yasser Arafat thì trộn vào đâu cho lẫn?

Tất nhiên rất nhiều nhân vật bác chỉ thấy quen quen, nhiều nhân vật còn lạ với bác. Nhưng may quá, khi online, di con chuột đến đâu là tên nhân vật hiện ra đến đấy, bấm chuột một cái là hiện ra một trang tiểu sử của nhân vật. Cứ thế bác khám phá tiếp từng nhân vật trong tranh.

Chợt bác sực tỉnh, phải tìm Bác Hồ, xem Bác nhà mình đang ở chỗ nào? Chắc ngồi cạnh bác Mao? Không. Tìm quanh Mác, Lênin, Stalin, không thấy. Tìm trên cao, không thấy. Tìm hàng dưới cùng, nơi Putin ngồi bệt cạnh Pê lê, cũng không thấy.

Vô lý! Bác V. rà soát lại một lượt, thật kỹ, từ đầu đến cuối đủ 103 nhân vật, vẫn không thấy Bác Hồ của chúng ta đâu cả!

Sao lại bỏ sót được? Họ vẽ cả những nhân vật cỡ “tàng tàng” như Lôi Phong, như nhà đấm bốc Tyson, như mẹ Teresa, như ca sĩ Elvis Presley…Có cả những tội nhân xấu xa của nhân loại như Hitler, Saddam Hussein, thậm chí có cả con cừu Doli…, mà sao họ quên Bác nhà mình được hè?

Với một chút mất bình tĩnh, bác truy tìm tác giả bức tranh, chắc tác giả là những “thằng Tây” bên Âu Mỹ xa xôi nên coi nhẹ vùng Á Đông? Chắc họ vẽ vội vàng nên bỏ sót chăng?

Theo chỉ dẫn, bác tìm ngay ra tác giả bức tranh chẳng mấy khó khăn. Đó là 3 nghệ nhân, ba họa sĩ, ba cán bộ của Trung Quốc: một Dai Dudu – viện phó viện Nghệ thuật Liêu Ninh; rồi một hoạ sĩ sơn dầu Li Tiezi; và một Zhang Anjun- họa sĩ sơn dầu kiêm chủ tịch hội Nghệ sĩ trẻ. Lạ hè? Ba nghệ sĩ Trung Quốc, loại có tầm cỡ sao lại không biết Bác Hồ hè? Mà vẽ trong 10 tháng , thừa thời gian để soát đi soát lại chứ vội vã gì đâu? Ba nhân vât nho nhỏ đứng ở góc bên phải phía trên chính là chân dung ba tác giả ấy tự họa.

*

Từ đấy nhiều đêm bác V, không ngủ, cố giải thích cho ra điều ẩn khuất trong bức tranh rất đẹp kia. Bác Hồ chẳng những là anh hùng cứu quốc của dân Việt Nam mà còn là “danh nhân văn hóa kiệt xuất” của cả nhân loại này mà họ quên được à? Mà xa xôi gì, Việt Nam “núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông”? Bác nhà mình đã từng làm rể Trung Quốc, đã khởi nghiệp Cách mạng và lui tới Trung Quốc như người nhà, Bác mình đã được Bác Mao ca ngợi bằng câu đối có một không hai (Chí khí tráng sơn hà, Nam Bắc anh hùng duy hửu nhất * Minh Tinh thùy vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song). Bác Hồ có khác gì Bác Mao (Bác Mao nào ở đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao. Bác Mao đang ngồi ngay chính giữa đây, Bác Hồ ở nơi nao? Mọi điều ta vẫn nói xưa nay là thật hay giả?

Thôi được, những chuyện cũ xa xôi cứ cho là quên đi, nhưng 16 chữ vàng mới toanh sờ sờ ra đó: Lân cư hữu nghị, Toàn diện hợp tác, Trường kỳ ổn định, Tiến nhi vị lai (鄰居有誼 , 全面合作 , 長期穩定 , 进而未來). Rồi quan hệ Tứ hảo nữa “láng giềng tốt, bạn bè tốt, chiến hữu tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”!

Thử hỏi có nước nào trên thế giới thân thiết được với Trung Quốc hơn thế nữa không? Các họa sĩ Trung Quốc nhớ đến tất cả thế giới, nhớ cả kẻ thù, sao chỉ quên mỗi người láng giềng thân thiết như môi với răng? (Làm sao răng lại quên môi?), Bác Hồ thì cả thế giới còn phải nhớ, sao “thằng bạn láng giềng 4 tốt” lại quên Bác được?

Rồi bác liên hệ với những sự kiện đang vang vang trên báo chí, về thái độ bành trướng, kẻ cả, tranh chấp của Trung Quốc với ta trên biển đảo, trên biên giới, về đường lưỡi bò liếm trọn biển Đông,về mưu đồ khai thác tài nguyên và thuê đất rừng đầu nguồn, húc chìm tàu của ta, cho báo chí đưa tin sẽ dùng vũ lực đối với Việt Nam, đè bẹp Việt Nam sau 31 ngày… Thảo nào, báo chí đã kết luận “16 chữ” chỉ là sự tử tế ngoài miệng. Ngôn ngữ ngoại giao bịp bợm để hành động bành trướng ngày một sâu.

Vậy 16 chữ ấy đâu phải chữ “vàng” ? Chỉ là vàng giả, vàng mạ, vàng mã, vàng ma… Mỗi lời ngọt ngào là một đợt xâm lấn, chèn ép. Vậy họ nói mặc họ, sao tự mình lại xưng tụng mấy chữ khốn ấy làm gì? Thôi đi, 16 chữ… vàng ma!

Trở lại nỗi ấm ức về bức tranh, bác yên tâm rằng vì họ ghét mình nên họ không vẽ Bác Hồ. Không vẽ Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, không vẽ danh tướng Võ Nguyên Giáp…cũng vì các anh hùng của ta chống Tàu hay không phục Tàu thôi. Tóm lại, nguyên do vì hai nước đang mâu thuẫn nhau nên họ ghét. Nhưng thói đời thế cũng là thường, mình không thèm nói theo nữa là được!

Nhưng thói quen suy nghĩ đã không cho bác yên tâm với cách giải thích ấy. Họ không vẽ một danh nhân nào của Việt Nam vì các danh nhân các anh hùng của ta đều chống Tàu ư? Giải thích ấy đúng với Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… nhưng không đúng với Bác Hồ. Trái lại, Bác chính là biểu tượng hữu nghị thân thiết Việt Trung kia mà? Thế thì vì sao? Đây là tác phẩm nghệ thuật của ba nghệ sĩ trưng ra với thế giới nghệ thuật, đầu phải một hành vi chính trị nhằm vào Việt Nam mà gán cho họ âm mưu? Họ vẽ theo nhận thức tự nhiên của họ, vì thế mà đáng tin.

Bác V. trằn trọc, không giải thích được. Bỗng hôm nay, đọc bài dịch của Gs Vũ Cao Đàm về một bài báo của người Trung Quốc, thấy họ gọi Việt Nam là “bọn oắt tì, nước lỏi con, một nước vô liêm sỉ, tiểu nhân bỉ ổi không biết xấu hổ…”, bác như chợt ngộ ra điều gì. Những chữ ấy không biểu hiện sự GHÉT, mà biểu hiện sự KHINH mới đúng! Đúng rồi, họ GHÉT thì ít mà KHINH thì nhiều. Bác V. nhớ lại một số bài báo đã vạch rõ thâm tâm của Tàu chỉ coi Việt Nam như một QUẬN HUYỆN của họ, một thứ quận huyện mọi rợ, kém phát triển, hèn nhát, vô liêm sỉ. Một đàn bị khinh thì con đầu đàn có gì đáng trọng?

Việc họ ban 16 chữ rất kêu cho một “bọn oắt tì”, một “nước lỏi con” thì đấy là gì nếu không phải là cái xoa đầu của người lớn đối với một đứa trẻ con dại dột nhưng ưa phỉnh? Nếu ta không biết phản đối 16 chữ xoa đầu láo xược, coi dân tộc ta như con nít như thế, mà còn khúm núm nâng bàn tay của kẻ xoa đầu ta, còn tôn đây là lời “vàng” thì dân tộc không để đâu hết nhục! Bảo đây là đấu pháp “mềm”, thì mềm với vô sỉ còn khác nhau ở chỗ nào? Khổ thế, cứ như vậy bác V. tự dằn vặt mình, không sao ngủ được. Cứ như cá nhân mình bị sỉ nhục. Vì trong huyết quản của bác vẫn còn một dư lượng hóa chất chống ngủ: Tự trọng!

Cổ nhân có câu: Ta tự trọng thì người sẽ trọng ta, ta tự khinh thì người sẽ khinh ta! Thà bị người GHÉT, chứ không chịu để người KHINH. Bác V. lẩm nhẩm một mình: Hãy cảm ơn kẻ đã khinh ta, lời khinh chưa chắc đã đúng, nhưng họ cho ta một dịp đo lại tầm vóc thật của mình

@ X-Cafe

Trung Quốc đang trưởng thành một cách nguy hiểm (Phần 1)

Đồng tác giả: Gudrun Dometeit, Joachim Hirzel, Anja Obst, Susanne Frank và Jochen Schuster

Hoàng Linh Vương dịch

Lời dẫn: Bài viết này do một nhóm gồm 5 chuyên gia báo chí người Đức biên soạn, dài 13 trang gồm cả hình ảnh minh hoạ, Tựa bài được lấy làm chủ đề, và được in lên trang bìa của tuần báo FOCUS, số báo 16/10 ra ngày 19.04.2010. FOCUS là tòa báo tin tức và bình luận, một trong những tờ báo uy tín đứng hàng đầu của nước Đức, có tầm ảnh hưởng lớn, được các giới chuyên gia kinh tế, chính trị, xã hội thường xuyên đón đọc. Trong khuôn khổ rút gọn, người dịch giới hạn và chỉ chuyển dịch những phần có khả năng liên quan đến nước – và vận nước – Việt Nam.

“Dưới nước, trên bờ, và ngoài vũ trụ – Thế lực của hơn 1 tỷ người đang muốn làm bá chủ thế giới. Trung Quốc tiến xa hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ. ‘Made in Germany’ còn có thể sống còn?”

Shanghai from top of Jin Mao tower ( 42o m high )

Một địa chỉ dễ thương ở Thượng Hải, hội quán chơi thuyền buồm nằm bên bờ sông Hoàng Phố đang cho một tầm nhìn tổng thể của khu vực như trên bản đồ, một bờ biển hoành tráng, điểm tụ hội của văn minh, đang phát triển. Tối nay Ngô Chí Cường (Wu Siegfried Zhiqiang) sẽ diễn thuyết ở đây. Ông Ngô là giáo sư với bằng tiến sĩ của đại học kỹ thuật Berlin […], là giám đốc lập trình của công trình xây dựng dành cho cuộc triển lãm quốc tế lần đầu tiên ở Cộng hòa Nhân dân (Trung Quốc). Đợt triển lãm này đã bắt đầu từ ngày 01.05.2010. Công trình đang được phấn đấu –tiêu chí của một Trung quốc mới- để trở thành một sự kiện lớn nhất thế giới, vượt mọi thời đại. 80 triệu lượt khách thăm quan đang được mong đợi -nhiều hơn gấp 4 lần so với đợt  triển lãm lần trước, cách đây 10 năm ở Hannover (Đức).

Để vận hành khối khách hàng này, Trung Quốc đã thực hiện dự án đường xe điện ngầm dẫn đến khu vực sớm hơn 15 năm so với dự định, ông Ngô tiết lộ, và tiếp rằng “Thượng Hải đã triển khai hệ thống tàu điện dài 420km trong vòng 15 năm. London trước đây cần những 150 năm cho 400km”.

Trong năm con cọp này – tăng trưởng kinh tế ở quí đầu tiên: 11,9% tô bồi “Quyền lực của cánh giữa” một cách rất tự tin. Người Tàu ngất ngây về những cái mà họ đạt được chỉ sau 3 đợt bộc phát của nền kinh tế. Bây giờ thì họ đang muốn đứng trên đỉnh cao nhất: cả về kinh tế, quân sự, lẫn văn hóa.

“Hãy học tiếng Tầu!” – Dưới tên của nhà triết học Khổng Tử, Trung Quốc đã mở rộng ra trên toàn thế giới những Hàn lâm viện với mục đích truyền bá văn hóa đã có từ ngàn năm trước của họ.

Thiên tai như động đất trong tuần vừa qua làm chấn động toàn nước -đương nhiên- nhưng không làm ngưng dừng chương trình “Bây giờ – China – Ra quân” đến một giây. Vòng đua xe Formel 1 ở Thượng Hải vào cuối tuần trước cũng không bị đình hoãn.

Dù ở cuộc họp thượng đỉnh về ô nhiễm môi trường trong cuối năm 2009 tại Copenhagen, hay ở buổi thảo luận về biện pháp răn đe vua dầu lửa Iran – Người Trung Quốc luôn luôn cương quyết bảo vệ quyền lợi quốc gia họ. Lúc này đây, song song với Mỹ, Nga và Ấn Độ, thì Cộng hòa Nhân dân đã là một trong những Quốc gia lớn nhất phóng đi chinh phục vũ trụ. Để chống lại một cuộc chiến của các hành tinh (?!), Trung Quốc đang tiến hành một hệ thống hỏa tiễn bảo vệ.

Lập trình chiến lược của Bắc Kinh còn xác định, con số người Trung Quốc đi học phải được nâng lên tổng thể –tới cuối năm 2010 thêm 100 triệu.

Bước tiến thống lĩnh thị trường:
Đầu tư về nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc (tỷ US-Dollar):
2020:    350 (dự báo)
2010:    124 (dự đoán)
2006:    82
2004:    56
2002:    39
2000:    27
1995:    10
(từ 1995 đến 2010 tăng 1240% và đến năm 2020 sẽ tăng 3500%)

Trong cơn phát triển của một dân tộc với xấp xỉ 1,3 tỷ dân, nhiều công ty của Đức tiếp tục hy vọng vào những thương vụ lấp lánh. Họ hãy coi chừng, vì khả năng sẽ có thể tự thất vọng. Những “chàng chiến sĩ đơn độc” từ miền tây đang đối diện với một cỗ Trung Quốc, được chỉ đạo từ một trung tâm quyền lực. Trung tâm này -với những thành phần kinh tế nặng ký của nó- đang muốn bao trùm thị trường thế giới.

Điều này đã trở thành thực tế đối với một số ngành nghề. Với những lãnh vực khác thì cuộc tiến công đang ngấp nghé ở cửa ngõ ra vào. Trong mọi trường hợp, Trung Quốc tiến xa, xa hơn rất nhiều so với chúng ta đang nghĩ – Điều này có nghĩa là họ lớn lên một cách nguy hiểm.

FOCUS lên đường đến những nơi nổi bật của một Trung Quốc ngày nay, thăm hỏi dân tình, những người mà hôm nay chẳng ai biết đến, nhưng rồi những bước chân của họ sẽ in dấu vào thế giới ngày mai. Một điều mà ở đó ai cũng đồng tâm niệm: học tập, một sự thi đua không biên giới, sự hừng hực thèm khát về thành quả và… tiền.

Với họ, hiển nhiên họ đang đối đầu với nạn rác “Made in China”. Nhưng cùng lúc, con số đầu tư dành cho nghiên cứu, và đồng thời con số bản quyền của những phát minh mới cũng được tăng nhanh. Cánh tay nối dài này của Ngân hàng công thương sẽ trở thành quyền lực của kỹ thuật cao tầm và hiện đại.

Wang Menshu, Chuyên gia đường xe điện, đại học Jiaoting: “Nếu chúng ta qua mặt được nước Đức, thì toàn bộ Europa sẽ thuộc về chúng ta”.

Wang lập trình tiến nhập Âu châu qua đường sắt và bằng tàu điện. Trong văn phòng của ông ta tại đại học Jiaoting ở Bắc kinh, ông tiến sĩ, có cá tính vui vẻ, còn cắt nghĩa họa đồ cực kỳ đồ sộ này ngay cả vào những ngày lễ nghỉ. Hai đầu nối chính ông ta còn đang chọn lựa, sẽ ở thành phố nào thì ông ta chưa công khai, nhưng ở nước nào thì đã rõ: Đức! “Nếu chúng ta qua mặt được nước Đức, thì toàn bộ Europa sẽ thuộc về chúng ta”, Wang nói nửa đùa nửa thật. Người nữ Nhân viên gọi ông ta một cách trịnh trọng là “cha đẻ của ngành xây dựng đường hầm Trung Quốc”.

Một con đường sẽ dẫn từ  Manzhouli của miền đông bắc Trung Quốc xuyên qua Nga. Một con đường khác từ Urumqi ở miền tây băng qua trọng tâm Á châu, rồi qua Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo như ông ta quy hoạch, những đường xe điện cao tốc này sẽ đi vào xử dụng ngay từ năm 2016.

Rồi ai sản xuất tàu điện này? – Người Tầu! Những đường ray? – đương nhiên, người Tầu! “Chúng tôi có sẵn  600.000 thợ và chuyên viên kỹ thuật, với 80.000km kinh nghiệm”, ông tiến sĩ 71 tuổi này quảng cáo. Rồi tiết lộ thêm: Với kế hoạch này, Trung Quốc đồng thời sẽ dễ dàng để có được nguyên liệu thô cần dùng. Nước Đức trong 10 năm nữa sẽ thiếu nhân lực lao động trầm trọng. “Tới đấy chúng tôi sẽ giúp các bạn và sẽ chuyển số nhân công bằng đường sắt-nhanh  như các bạn cần(!?)” ông nhắn nhủ thế.

Đây không phải là “bộ óc dấm dớ” của một nhà khoa học. Đã từ 21 năm qua, ông Wang là Nghị sĩ Quốc hội của Cộng hòa Nhân dân. Ông ta có sự bảo bọc của Chính phủ. Mối quan hệ  với những Quốc gia có đường ray chạy ngang đã bắt đầu.

Đây có thể là một sơ lược kinh hoàng dành cho nước Đức: Những toa tàu không giới hạn số lượng trên những đường ray hỏa tốc này sẽ đưa ngược về (Đức) những mặt hàng -mà những mặt hàng này vốn đang chấn hưng kinh tế nước Đức-, đó là máy móc sản xuất và xe hơi.

Cộng hoà Nhân dân thì định chắc: Phải áp đảo thị trường kinh doanh mã lực này. Thị phần tiêu thụ lớn nhất thế giới (13 triệu xe hơi được bán trong năm 2009) cũng -đã và đang- làm nổi bật thương hiệu riêng của họ.

Một tập đoàn sản xuất xe hơi có phương án hoạt động rất tiềm năng : BYD, viết tắt từ “Build Your Dream” (thực hiện ước mơ của bạn).

Thị trường chứng khoán tin vào BYD:
29.01.2007:    7 điểm
26.10.2009:    86 điểm
(Giá trị cổ phiếu của hãng sản xuất Auto BYD trong vòng 3 năm đã tăng 1100%.)

Mặc dù người Tầu mới chỉ bắt đầu vào ngạch sản xuất xe hơi kể từ năm 2003, nhưng đến năm 2025 người Tầu muốn bán xe hơi nhiều nhất trên thế giới so với tất cả các hãng sản xuất khác.[…]

Một ngày đầu xuân tiết lạnh, Christian Kleinhans (chuyên gia kỹ nghệ xe hơi) ngồi bên lò sưởi đang ngún trong một cái quán ở München. Oliver Wyman của hãng tư vấn đang đề cập với Kleinhaus về một cuộc nổi dậy của kỹ năng xe hơi đang hiện hình, buổi giao thời của  chuyển đổi từ động cơ nổ (đốt khí) sang động cơ điện. Kleinhans nói: “Trung Quốc đang muốn lợi dụng tình thế để qua mặt và muốn đứng đầu trong những chuyển động của tương lai”. Tới năm 2030, Trung Quốc có tham vọng sản xuất 80% tổng thể xe hơi có động cơ điện cho thế giới. Ý đồ này của Trung Quốc xúc tác làm cho bữa ăn trưa hôm nay của chuyên gia trở nên khó tiêu. Họ nhận định: “đó là một khuôn thước mới, một hướng đi chính trị trong kỹ nghệ nặng và đồng thời cũng của hướng đi chính trị cho thị trường lao động của tương lai”.

Gần 2 triệu chỗ làm ở Đức lệ thuộc vào ngành sản xuất xe hơi.

Vào ngày 03.05.2010 có một buổi họp thượng đỉnh với nữ Thủ tướng về chiến lược xe hơi. Hiệp hội Công nghiệp xe hơi đang cảnh báo rằng Berlin phải cho ra đời ngay một chương trình kích cầu dành cho phương tiện vận chuyển với động cơ điện. Với Trung Quốc, xe hơi động cơ điện đã từ  lâu được ưu tiên hàng đầu trên thương trường.

Theo sự suy nghĩ của đảng Cộng Sản Trung Quốc, với một đất nước có 129 Tỷ phú US-Dollar, 870.000 Triệu phú, và 250 triệu người nghèo, sẽ bảo đảm cho nhu cầu cầm quyền, chỉ cần với tăng trưởng kinh tế hằng năm từ 8-9% đạt mức an toàn xã hội.

Suzhou, landcape of the park -China

[…] Trung Quốc nhập cảng 53% dầu lửa từ Angola, Saudi-Arabien và Iran. Không có chiến lược bẻ lái dài hạn, con số có thể sẽ lên đến 70%. Vì thế Lin Boqiang -người điều hành trung tâm điện năng của đại học Xiamen- khuyên ông cố vấn vừa nhậm chức của hội đồng cải tổ và phát triển quốc gia rằng phải tập trung tổng gia tăng lượng sản xuất xe hơi có động cơ điện bằng hết sức lực như có thể được. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ tự cung cấp phần lớn nguồn năng lượng điện cho mình, chủ yếu bằng than đá tự có.

Những hãng sản xuất ở Đức dự trù tung ra thị trường xe hơi động cơ điện vào năm 2011. Xe của BYD có thể đã lăn bánh trên những con đường của phương tây nội trong năm nay.

Liệu những người bạn cạnh tranh Trung Quốc có lại cười thỏa chí như năm 2005 hay không? -lúc mà những chiếc leo núi Landwind -những mã lực đầu tiên của TQ- sau lần kiểm nghiệm “sức đề kháng” của ADAC (Hiệp hội xe hơi nước Đức) bị trượt, nhưng sau đó được tu chỉnh lại và chấp nhận được. Kẻ đang ở thế tiến công BYD đã từng có một lúc phải ngượng ngùng sửa lại nhãn hiệu vì “na ná“ giống nhãn của hãng BMW Đức.

Bây giờ BYD, hãng đứng hàng thứ nhì trên thế giới về sản xuất xe hơi động cơ điện. Họ đã có trong tay cái chìa khóa của kỹ nghệ xe hơi tương lai. Đó là kỹ năng của bình chứa điện (Batterien). Tổng giá trị cổ phiếu của BYD đã lên đến 20 tỷ Mỹ kim, bằng gần một nửa của ông tổ Mercedes-Daimler Benz. […]

Tại hội chợ ở Genf, nhân vật chính của BOSCH, tập đoàn lớn nhất thế giới về đồ điện cho xe hơi, ông Franz Fehrenbach đang quan tâm và muốn giao dịch với BYD, nhưng BYD không để ý. Khi ông Fehrenbach đứng trước gian hàng của BYD, không có ai chính thức ra tiếp. Người phụ nữ ở quầy tiếp tân cũng không biết Fehrenbach. Tuy nhiên ông ta có quyền để lại tấm danh thiếp của mình.

Liu Mingfu, chỉ huy trưởng Quân đội Nhân dân: “Ở thế kỷ 21, Trung Quốc muốn trở thành số 1 của thế giới”

(còn tiếp)

@ Talawas

Củ Cà Rốt “Made in China” – Đồng tiền có nọc!

Lê Nguyên Hồng

Hàng chục năm qua Trung Quốc đã không ngừng thò cánh tay gân guốc khống chế Biển Đông, và bên cạnh đó là việc họ tung tiền ra “mua” các nước chư hầu. Một nước được coi là “ông lớn” như Trung Quốc tất nhiên muốn có bề thế, “tiền hô hậu ủng” phải có đồ đệ, phải có chư hầu thì mới có sự oai nghi trên trường quốc tế. Nhưng họ thu nạp được ai, mua chuộc được ai? Chắc chắn là không có nước nào dại gì mà đi theo họ, có chăng chỉ là các nước nhược tiểu đói khát, thèm viện trợ như vài nước Châu Phi, và ở Châu Á thì chỉ có Myanmar, Bắc Hàn, Việt Nam và điển hình là Campuchia mà thôi…

Đối với Campuchia, hẳn nhiều người còn nhớ rõ vụ việc xảy ra vào ngày 19/12/2009, Nông Pênh đã thi hành lệnh trục xuất 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) về lại Trung Quốc. Đây là một hành động được quốc tế đánh giá là hết sức vô nhân đạo của nhà cầm quyền Nông Pênh. Vì chính Campuchia vào năm 1951, họ đã cùng nhiều quốc gia đặt bút ký kết vào bản “Hiệp Ước Quốc Tế Về Người Tị Nạn” do Liên Hiệp Quốc chủ trì.

Chẳng mấy khó khăn, người ta cũng có thể hiểu được đây là một hành động trả ơn của Phnompenh với quan thầy Bắc Kinh. Bởi họ bj mắc nghẹn “củ cà rốt” là những khoản viện trợ ưu đãi có hoàn lại và cả không hoàn lại của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2006- 2009) Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia tới hơn 6 tỉ USD. Đó là chưa tính tới khoản 1,2 tỉ USD viện trợ kinh tế được công bố sau chuyến thăm Campuchia của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12/2009, cũng như 880 triệu USD trong các khoản vay tín dụng mà Trung Quốc cấp cho Campuchia kể từ năm 2006…

Chùa vàng Campuchia

Tại hội nghị thương mại quốc tế Thượng Hải – Trung Quốc khai mạc ngày 30/04/2010, ông Hun Sen – Thủ tướng Campuchia có tham dự nhân chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, và bất ngờ nhận được món quà từ “người bạn lớn”, đó là 256 xe quân đội và 50.000 bộ quân phục cho Quân đội Campuchia. Tổng trị giá đợt hàng viện trợ này là 100 triệu Nhân dân tệ, tương đương 14 triệu USD.

Gói viện trợ bất ngờ mà ông Hun Sen được hứa giúp nói trên, chính là một đòn chơi trội mà Bắc Kinh đánh vào người Mỹ. Vì sau vụ việc Campuchia trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ về nước, thì Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm dừng khoản viện trợ quân sự mà họ đã hứa với Phnompenh là 200 xe quân sự và 50.000 bộ quân phục cho quân đội Campuchia.

Như nhiều người đã biết, Campuchia là một nước nhỏ và rất nghèo. Diện tích vẻn vẹn 181.035 km2, dân số khoảng hơn 13 triệu, trong đó chiếm khoảng hơn 2 triệu là người Hoa và Việt Nam. Kể từ sau thời Khơ Me Đỏ, Campuchia hầu như hoàn toàn sống nhờ các khoản viện trợ từ nước ngoài (chủ yếu là từ Châu Âu và Mỹ). Khi câu chuyện Trung Quốc hậu thuẫn cho Khơ Me Đỏ bất thành, bị quốc tế lên án, Trung Quốc đã tấn công quân sự vào Việt Nam bằng cuốc chiến khởi phát ngày 17/02/1979 nhằm trả đũa giúp cuộc chiến biên giới tây nam Việt Nam – Campuchia mà Khơ Me Đỏ đã thất bại. Và sau đó nhà cầm quyền Trung Quốc đã tảng lờ trước dư luận và coi như mình không có quan hệ thân mật gì với Campuchia nữa…

Nhưng nay câu chuyện Khơ Me Đỏ đã lùi vào quá khứ, “ông lớn” Trung Quốc lại tiếp tục lò dò vào Campuchia, và chìa ra “củ cà rốt” ngọt ngào. Họ đầu tư cho Campuchia thì hẳn đã có sự cân nhắc tính toán cặn kẽ. Trước mắt, khi các gói viện trợ được rót vào thì đồng thời với nó chính là sự hiện diện của các công ty Trung Quốc thắng thầu trên đất Campuchia tại các dự án xây dựng thủy điện và làm đường giao thông. Vậy là “lãi mẹ đẻ lãi con” mà lãi con chắc chắn là vượt xa lãi mẹ. Sau đó là việc các nhà “trồng rừng” của Trung Quốc đã nhận được những hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao đất với số lượng hàng trăm ngàn ha. Báo cáo của “Rural 21”, một tạp chí quốc tế về phát triển nông thôn, cho biết Trung Quốc đã nhận được 200.000ha đất sang nhượng tại Campuchia kể từ năm 1998 đến 2006, và đến nay thì con số này chắc chắn đã là lạc hậu.

Sau mối lợi về kinh tế là mối lợi về chính trị, và vấn đề chủ quyền. Từ nay Trung Quốc không còn lo ngại về chuyện Campuchia là điểm trú ngụ cho người tị nạn Trung Quốc nói chung, người Duy Ngô Nhĩ nói riêng nữa. Tất nhiên là các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đừng mơ đến việc ẩn náu tại nơi này. Và nếu các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi thuộc thềm lục địa của Campuchia được quyết định thành dự án khai thác, thì tất nhiên với tầm kiểm soát của mình, Trung Quốc sẽ có chủ quyền trên vị trí nhà đầu tư, mặc dù quyền chủ quyền về mặt địa lý vẫn là của Campuchia. Giống như thành phố Boten Golden Cty của Lào giáp biên giới Trung Quốc, nay đã bị “Trung Quốc hóa” hoàn toàn. Khi ấy việc bỏ ra 5-10 tỉ USD đầu tư cho mối quan hệ ban đầu chỉ là

“Thả con Săn Sắt” so với “chú Cá Rô” lợi nhuận khổng lồ về sau mà thôi…

Ông Cheang Vannarith –Một chuyên gia giữ chức chủ tịch Viện Nhiên Cứu Về Hợp Tác Và Phát Triển Campuchia, nhận định mối quan hệ (gọi tắt là Cam – Trung) là mối quan hệ “hai bên cùng thắng”. Thực ra quốc gia đi vay chính là người thua thiệt, vì ngoài việc phải trả lãi xuất, họ còn chịu những áp lực về kế hoạch phát triển đất nước. Đôi khi việc cần đầu tư trước, làm trước lại phải nhường chỗ cho những dự án lẽ ra phải đi sau, vì quốc gia cho vay vốn, lại đang dư thừa (thậm chí là khủng hoảng thừa) một loại công nghệ hoặc một loại sản phẩm công nghệ nào đó. Mà chỗ “tiêu hóa” nó không gì tốt hơn chính là các nước nghèo đang phải xin vay mượn của họ.

Một bằng chứng bằng… sắt thép bê tông cho câu chuyện nói trên, chính là cây cầu Thăng Long của Hà Nội – Việt Nam. Người ta (Liên Xô cũ) đã viện trợ choViệt Nam một cây cầu “đi trước thời đại 20 năm”. Tức là xây xong thì không có người đi, thậm chí người ta còn sợ bị trấn lột trên cầu vì nó quá vắng. Đến nay sau nhiều nỗ lực “lái tuyến” của nhà nước bắt buộc nhiều loại xe cơ giới phải qua tuyến đường Bắc – Nam Thăng Long, thì cây cầu này đã đến hồi bị xuống cấp nghiêm trọng!

Ngày nay trước sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc, Campuchia khó có thể trở lại thời kỳ Polpot năm nào. Nhưng làm thân chư hầu cho một nước đàn anh vốn có lịch sử nổi tiếng rất…không đàn anh như Trung Quốc, thì họa nhiều hơn phước là điều đương nhiên.

Nước Việt Nam trước đây luôn coi Liên Xô là “anh cả” Trung Quốc là “anh hai”. Thế nhưng hễ khi nào người em Việt Nam sơ hở là “anh hai” lại giở trò. Nào là lấn đất, tranh giành quyền lợi, nào là tấn công cướp biển đảo ngay giữa ban ngày: Năm 1974 tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa, năm 1988 tấn công hải quân Việt Nam Cộng Sản, cướp đảo. Đặc biệt là họ đã phát động cuộc chiến đẫm máu tàn khốc xâm lược Việt Nam hồi tháng 02/1979. Ngày nay họ tiếp tục công khai xâm lấn lãnh hải lãnh thổ Việt Nam, công khai bắt bớ, đánh đập, bắn giết ngư dân Việt Nam. Những hành động đó chính là hành động của phường thảo khấu, không phải là nghĩa cử của một nước đàn anh!

Xem ra “củ cà rốt” của Trung Quốc – Những đồng tiền viện trợ, có chứa nhiều nọc độc nguy hiểm. Nhưng cho dù lãnh đạo của một nước nhược tiểu chỉ biết chăm chú say sưa đi vay về rồi chia nhau tham nhũng, xâu xé như ở Việt Nam và Campuchia.* Họ không cần biết đến những thua thiệt nhãn tiền và hậu quả khôn lường cho đất nước, cho dân tộc trong tương lai. Thì riêng đối với người dân Campuchia, họ sẽ không bao giờ được phép quên đi quá khứ kinh hoàng mà dân tộc Khmer đã phải trải qua trong thời Polpot.

*Số liệu của Forbes 2009: Campuchia và Việt Nam đứng trong top 3 nước có nạn tham nhũng đứng đầu Đông Nam Á, và nằm trong top những nước nạn tham nhũng hoành hành nhất thế giới.

@ DanChimViet

Người Tàu giàu nhất vào tù và các đại gia Việt Nam thời cộng sản

14 năm tù, và 600 triệu Nhân dân tệ (88 triệu USD) tiền phạt – Đó là bản án dành cho Huang Guangyu, cách đây không lâu là người giàu nhất Trung Quốc. Huang Guangyu, 39 tuổi, bị kết án về tội chơi chứng khoán và hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Huang lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Đông. Giá trị của tài sản Huang được đánh giá trong năm 2008 là 6,3 tỷ USD và Huang đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc nói “tài sản không có nguồn gốc rõ ràng”.

Huang bắt đầu sự nghiệp từ  năm 1987 với công ty thương mại GOME Electrical Appliances Holdings Ltd, chuyên bán thiết bị điện. Trong tháng 11/2008 Huang bị bắt vì bị nghi ngờ thao túng thị trường chứng khoán.

Sau khi Huang bị bắt giữ, Hội đồng quản trị của hãng GOME đã cố gắng hết sức giữ khoảng cách xa với người sáng lập. Họ thay đổi logo của hãng, chỉ định một Chủ tịch hội đồng quản trị mới, và gần 25 phần trăm cổ phần của công ty được bán với giá 418 triệu USD cho công ty Hoa Kỳ Bain Capital.

Vào cuối năm 2009 Huang vẫn còn gần một phần ba cổ phần trong GOME, trị giá 1,9 tỷ USD.

Theo “Times”, trong thời gian bị giam giữ, Huang đã có ý định tự tử nhưng không thành. Vì lý do này, người ta chỉ cung cấp cho Huang sử dụng ly nhựa để uống trà hoặc nước và đũa, thìa chỉ dùng một lần.

Hãng thông tấn “Reuters” cho hay, trong quá trình điều tra trường hợp của Huang, người ta thấy một vùng rộng lớn bao quanh tội phạm kinh tế của Huang bao gồm giới chức kinh doanh, các quan chức cấp cao của chính phủ, cũng như công an.

Chen Shaoji, 64, Chủ tịch Ủy ban tư vấn tỉnh Quảng Đông và Wang Huayuan, 61, thư ký của Ủy ban kỷ luật của đảng ở tỉnh Chiết Giang bị bắt giữ hồi tháng 3/2010. Người đứng đầu Văn phòng điều tra kinh tế của Bộ Công an và một cấp dưới khác cũng bị bắt vào tháng 1/2010.

Tuy nhiên, “Tân Hoa xã“, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, trong ngày thứ 3, 18/05/2010, đã không cung cấp chi tiết gì về số phận của các bị cáo khác (!).

Times” viết rằng, trong quá trình điều tra, sự phát hiện ra việc dính líu của các quan chức cấp cao, chứng tỏ trong môi trường kinh doanh của Trung Quốc, khó có thể  xây dựng một doanh nghiệp mà không có sự bảo trợ của các quan chức trong chính phủ.

Trường hợp gần đây, một cuộc điều tra tham nhũng đã kết thúc với việc bắt giữ và xét xử Trần Lương Vũ, Thị trưởng Thượng Hải, một đồng minh của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Bối cảnh Trung Quốc và việc Huang Guangyu vào tù cho ta những liên hệ gần gũi thiết thực với các đại gia Việt Nam phất lên giàu có khủng khiếp trong thời kỳ đất nước bị cai quản bởi tập đoàn tư bản đỏ Ba Đình, những tên ma-cô (“Pimps” – từ của Dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez), ăn cướp tiền bạc tài sản của đất nước cả ngày lẫn đêm.

Tất cả các đại gia đã bị dựa cột, nằm khám hay còn nhởn nhơ ngoài xã hội, không ai không dính dáng đến bàn tay che chở lông lá của các đại ca trong Bộ Chính trị. Những năm gần đây có thể nêu một loạt tên như: Liên Khui Thìn (Epco), Phạm Huy Phước (Tamexco), Minh Phụng, Năm Cam, v.v… Và hiện nay bàn dân thiên hạ bàn tán về đại gia Thân Đức Nam, được nói đến như một người có thể sai khiến được cả bộ sậu của CHXHCN Việt Nam.

Nguồn: TVN24.pl; TimesOnline
@ Ledienduc blog